mardi 19 novembre 2019

PHÁP LUẬT : Vụ tham nhũng MobiFone mua AVG


Trương Thanh Long
Sưu tầm - Biên soạn - Bình Luận


Hai cựu bộ trưởng cùng các bị can sẽ bị đưa ra xét xử sơ thẩm ngày 16/12/2019


Vài điểm về 2 công ty - MobiFone & AVG

MobiFone được thành lập ngày 16/04/1993 với tên gọi ban đầu là Công ty thông tin di động. Ngày 01/12/2014, Công ty được chuyển đổi thành Tổng công ty Viễn thông MobiFone, trực thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông, kinh doanh trong các lĩnh vực:
- dịch vụ viễn thông truyền thống,
- VAS,
- Data, Internet & truyền hình IPTV/cable TV,
- sản phẩm khách hàng doanh nghiệp, dịch vụ công nghệ thông tin, bán lẻ và phân phối và đầu tư nước ngoài.

Tại Việt Nam, MobiFone là một trong ba mạng di động lớn nhất với hơn 30% thị phần. Nó cũng là nhà cung cấp mạng thông tin di động đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam được bình chọn là thương hiệu được khách hàng yêu thích trong 6 năm liền.

Hiện nay, MobiFone có gần 50 triệu thuê bao với gần 30.000 trạm 2G và 20.000 trạm 3G. Tổng doanh thu năm 2017 của MobiFone đạt xấp xỉ 2 tỷ đô la Mỹ.


AVG - Công ty Cổ phần Nghe nhìn Toàn cầu, tên gọi tắt là Truyền hình An Viên, viết tắt là AVG (từ tên giao dịch tiếng Anh: Audio Visual Global), là nhà cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền phát trên hệ thống truyền hình số mặt đất (DTT) và truyền hình số vệ tinh (DTH), sử dụng công nghệ truyền hình kỹ thuật số mặt đất thế hệ 2 (DVB-T2), chuẩn nén MPEG4, công nghệ mạng đơn tần SFN (Single Frequency Network).

AVG được Mobifone mua lại đầu năm 2016 và sau đó đổi tên thương mại là MobiTV.

AVG là đơn vị cung cấp dịch vụ truyền hình kỹ thuật số thứ ba tại Việt Nam có phạm vi phủ sóng toàn quốc sau Đài Truyền hình Việt Nam (VTV), Đài Truyền hình kỹ thuật số Việt Nam (VTC).

AVG là đơn vị tư nhân thứ hai (trước đó có K+) tham gia vào việc xây dựng hạ tầng truyền dẫn truyền hình kỹ thuật số vệ tinh ở Việt Nam.

Từ ngày 15/09/2019, MobiTV đổi tên thành VivaTV.


Vụ tham nhũng MobiFone mua AVG

Vào tháng 1/2016, MobiFone thông báo hoàn thành việc mua cổ phần của AVG. Thương hiệu truyền hình An Viên của AVG, sau đó đổi tên thành MobiTV, từ ngày 15/09/2019, MobiTV đổi tên thành VivaTV.

MobiFone giải thích rằng họ mua AVG là “để đa dạng dịch vụ cung cấp cho khách hàng, bước chân vào mảng truyền hình trả tiền” và nó sẽ nâng giá trị thương hiệu của họ khi cổ phần hóa. Việc mua AVG diễn ra sau khi Thủ tướng nhiệm kỳ trước Nguyễn Tấn Dũng chấp thuận về chủ trương cho phép MobiFone tham gia đầu tư cung cấp dịch vụ truyền hình. MobiFone đã mua lại 95% cổ phần AVG với số tiền lên đến 8.900 tỉ đồng. Một số chuyên gia cho rằng, MobiFone đã mua với mức giá cao gấp gần 9 lần giá trị thực sự của AVG.

Ngày 1/8/2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao Thanh tra Chính phủ “khẩn trương tiến hành thanh tra toàn diện về Dự án Mobifone mua 95% cổ phần của AVG”. Việc điều tra xảy ra vì MobiFone tuy là hoạt động kinh doanh bình thường liên quan đến quốc phòng, an ninh, nhưng không công khai, minh bạch thông tin theo quy định Chính phủ (Nghị định 81 và Nghị định 87, ban hành trong tháng 9 và 10 năm 2015).

Ngày 31/07/2017 Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu Ban chỉ đạo trung ương về phòng, chống tham nhũng khẩn trương thanh tra, kết luận rõ đúng sai về trách nhiệm trong dự án Mobifone mua 95% cổ phần của AVG.

Ngày 8/03/2018, Ban Bí thư dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị Thường trực Chính phủ, Thanh tra Chính phủ chỉ đạo và chịu trách nhiệm về kết luận thanh tra, sớm công bố kết luận thanh tra dự án Tổng Công ty Viễn thông Mobifone mua 95% cổ phần của AVG. Ban Bí thư cho rằng đây là một vụ việc rất nghiêm trọng, phức tạp, nhạy cảm, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm.

Ngày 12/03/2018 tại trụ sở Bộ Thông tin và Truyền thông, lãnh đạo Tổng công ty Viễn thông Mobifone và các cổ đông AVG ký biên bản cam kết hủy thỏa thuận chuyển nhượng cổ phần.

Ngày 14/3/2018, Thanh tra Chính phủ chỉ ra nhiều sai phạm đặc biệt nghiêm trọng trong vụ Mobifone mua 95% cổ phần của AVG, vi phạm từ việc đề xuất đầu tư, đánh giá thực trạng tài chính kinh doanh của công ty AVG, và đề nghị Thủ tướng Chính phủ chuyển cơ quan công an khởi tố điều tra.


Trách nhiệm bộ Thông Tin và Truyền Thông  (TT-TT)

Theo báo Thanh Niên, thương vụ MobiFone mua 95% cổ phần AVG thực chất là một màn kịch thổi phồng giá trị thực của doanh nghiệp nhằm lấy tiền nhà nước. Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, tại thời điểm đề xuất mua AVG thì hãng này đang thua lỗ hàng nghìn tỉ đồng, âm gần 50% vốn điều lệ, các số liệu, phương án trong kinh doanh hoàn toàn là giả định mơ hồ, thiếu thực tế.

Lãnh đạo Bộ TT-TT (Bộ trưởng vào thời điểm đó là ông Nguyễn Bắc Son) không chỉ gạt bỏ ý kiến phản biện của cấp dưới, báo cáo sai sự thật với Thủ tướng về tình trạng bết bát của AVG. Quyết định phê duyệt dự án đầu tư dịch vụ truyền hình của MobiFone, mà thứ trưởng Trương Minh Tuấn ký vào ngày 21/12/2015, vi phạm quy định tại điều 31, điều 33 và điều 34 của luật Đầu tư; vi phạm điều 28 của luật số 69/2014/QH13. Thanh tra Chính phủ cho là, “Như vậy, Bộ TT-TT đã thiếu trách nhiệm, có biểu hiện cố ý làm trái các quy định của pháp luật trong việc quyết định phê duyệt đầu tư”.


Kết luận Thanh tra chính phủ

Thanh tra Chính phủ tiến hành chuyển giao hồ sơ điều tra vụ Mobifone mua cổ phần của AVG cho Bộ Công an hôm 24/4/2018. Theo kết luận của họ, AVG chỉ có giá trị ròng khoàng 1.900 tỷ đồng, vì vậy Mobifone làm thất thoát ngân sách khoảng 7.000 tỷ đồng trong đó thiệt hại do mua nợ phải trả của AVG 1.134 tỉ đồng.



Thi hành kỷ luật Đảng

Ngày 30/6/218 Uỷ ban Kiểm tra trung ương kết luận thi hành kỷ luật bằng hình thức khai trừ ra khỏi Đảng đối với :

- ông Lê Nam Trà, nguyên là ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Khối doanh nghiệp Trung ương, nguyên Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Mobifone.

- ông Phạm Đình Trọng, đảng ủy viên, Bí thư Chi bộ, vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp, Bộ Thông tin và Truyền thông.

- ông Cao Duy Hải, phó Bí thư Đảng ủy, thành viên Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc Tổng công ty Mobifone, bị cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng.

- ông Phạm Hồng Hải, Ủy viên Ban cán sự Đảng, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông bị khiển trách.

Ngoài ra Ủy ban Kiểm tra trung ương đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét, thi hành kỷ luật đối với

- ông Nguyễn Bắc Son, nguyên ủy viên Trung ương Đảng, nguyên bí thư Ban cán sự Đảng, nguyên bộ trưởng

- ông Trương Minh Tuấn, ủy viên Trung ương Đảng, bí thư Ban cán sự Đảng, bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông.


Khởi tố

Ngày 23/2/2019, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố, bắt giam và cho xét nhà ông Nguyễn Bắc Son và ông Trương Minh Tuấn - cả 2 đều là cựu bộ trưởng Bộ Thông tin truyền thông về tội “Vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng”, được quy định tại khoản 3 Điều 220 Bộ luật hình sự năm 2015 liên quan đến thương vụ mua bán AVG.

Ngày 13/4/2019, ông Phạm Nhật Vũ, nguyên chủ tịch Hội đồng quản trị công ty Nghe nhìn Toàn cầu (tên gọi tắt là Truyền hình An Viên, viết tắt là AVG) bị khởi tố, tạm giam, khám xét nhà về tội Đưa hối lộ, quy định tại khoản 4, điều 364 Bộ luật Hình sự năm 2015 trong thương vụ MobiFone mua 95% cổ phần AVG.

Cơ quan điều tra cũng bổ sung quyết định khởi tố bị can đối với ông Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn cùng là nguyên bộ trưởng Bộ Thông tin truyền thông và Lê Nam Trà (nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên MobiFone), Cao Duy Hải (cựu tổng giám đốc MobiFone) về tội nhận hối lộ quy định tại khoản 4, điều 354 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Cơ quan điều tra cũng khởi tố, bắt tạm giam, khám xét nhà ông Võ Văn Mạnh, giám đốc và ông Hoàng Duy Quang, nhân viên ty TNHH tư vấn đầu tư và thẩm định AMAX về tội “Vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng”, quy định tại Điều 220 Bộ luật Hình sự năm 2015, vai trò đồng phạm.


Ngày 16/12/2019 sẽ xét xử vụ 2 cựu bộ trưởng nhận hối lộ hơn 3 triệu USD (Xem thêm phần Tham Khảo)



Theo cáo trạng, 2 cựu bộ trưởng Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn cùng 2 nguyên lãnh đạo Mobifone Lê Nam Trà và Cao Duy Hải nhận thức được hành vi sai phạm, biết rõ việc nhận tiền trên của ông Phạm Nhật Vũ là do đã chỉ đạo, quyết định việc MobiFone mua cổ phần của AVG nên số tiền nhận được là từ việc mua bán AVG.





BÌNH LUẬN

Tham nhũng tại Việt Nam là một vấn đề nhức nhối trong xã hội. Theo định nghĩa thì "tham nhũng" hay "tham ô" là hành vi "của người lạm dụng chức vụ, quyền hạn, hoặc cố ý làm trái pháp luật để phục vụ cho lợi ích cá nhân". Trích tờ Vietnam Investment Review số 699 ngày 7/3/2005 viết thì tham nhũng tại Việt Nam đã gây "thiệt hại cho nguồn ngân sách chính phủ... ước lượng 30% đầu tư hạ tầng".

Về mặt chính quyền thì Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đã phát biểu: "Tham nhũng ở nước ta là do cả cơ chế lẫn con người". Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói: "Hiện tượng hư hỏng, tham nhũng, tiêu cực đúng là lắm lúc nghĩ hết sức sốt ruột, nhìn vào đâu cũng thấy, sờ vào đâu cũng có...".

 

Theo xếp hạng mức độ tham nhũng thế giới năm 2017, Việt Nam xếp thứ 107/180 quốc gia được khảo sát.


THAM KHẢO

Vụ án Mobifone mua AVG sẽ được xét xử vào tháng 12/2019
https://haiquanonline.com.vn/vu-an-mobifone-mua-avg-se-duoc-xet-xu-vao-thang-122019-113632.html

Tin mới vụ tham nhũng Mobifone mua AVG
https://thoidai.com.vn/chu-de/tin-moi-vu-tham-nhung-mobifone-mua-avg.topic

Truy tố 5 bị can trong vụ MobiFone mua AVG
http://baochinhphu.vn/Phap-luat/Truy-to-5-bi-can-trong-vu-MobiFone-mua-AVG/377889.vgp

2 cựu bộ trưởng thông tin-truyền thông và Phạm Nhật Vũ sẽ bị xét xử vào ngày 16/12/2019
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/trial-of-two-former-ministers-of-information-communications-scheduled-on-dec-16-11192019072616.html




Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire