vendredi 1 novembre 2019

MÔI TRƯỜNG : Gần 300 triệu người sẽ mất nhà do nước biển dâng vào năm 2050


Trương Thanh Long
Sưu tầm - Biên soạn - Bình Luận


(Hiệp Hội Công nghiệp Môi trường Việt Nam 30/10/2019)Một nghiên cứu khoa học mới cho thấy, nhiều khu vực ven biển, trong đó có miền Nam Việt Nam sẽ ngập dưới nước ở đỉnh triều do nước biển dâng vào năm 2050..

Theo một nghiên cứu được thực hiện bởi Tổ chức khoa học Climate Central (New Jersey, Mỹ), được công bố trên Tạp chí Nature hôm 29/10, hiện tượng nước biển dâng sẽ xoá sổ nhiều thành phố lớn ven biển vào năm 2050, khiến số dân cư bị ảnh hưởng tăng gấp 3 lần.

Các chuyên gia đã sử dụng các chỉ số vệ tinh để tính toán độ cao của đất liềntốc độ nước biển dâng trong phạm vi lớn. Kết quả cho thấy, so với những tính toán trước đây sẽ có thêm 54 triệu người bị ảnh hưởng, nâng tổng số lên 237 - 300 triệu người vào năm 2050; trong đó có 20 triệu cư dân ở miền Nam Việt Nam.

Nếu lượng khí thải carbon không được kiểm soát, con số trên sẽ lên tới 630 triệu người vào năm 2100.

Tính toán mới cho thấy ảnh hưởng của hiện tượng nước biển dâng sẽ mở rộng đáng kể vào năm 2050. Ảnh: Climate Central.

Phần lớn khu vực bị ảnh hưởng nằm ở châu Á, đặc biệt là Trung Quốc đại lục, Bangladesh, Ấn Độ, Việt Nam, IndonesiaThái Lan. Mức độ ảnh hưởng có thể trầm trọng hơn khi thuỷ triền lên.

Nghiên cứu cho thấy, tại Thái Lan, hơn 10% dân số đang sống trên các khu vực có khả năng bị ngập lụt vào năm 2050, gấp 10 lần so với ước tính trước đó. Thủ đô Bangkok cũng nằm trong vùng bị ảnh hưởng trầm trọng.

Chia sẻ với New York Times, bà Loretta Hieber Girardet - cư dân ở Bangkok, cán bộ Liên hợp quốc cho rằng, các hiện tượng khí hậu tiêu cực sẽ khiến nông dân nghèo các thành phố để tìm việc làm, làm cho các vấn đề về môi trường thêm nghiêm trọng.

Tại Thượng Hải, tình trạng nước biển dâng cũng đe doạ trung tâm thành phố và nhiều khu vực lân cận.

Ảnh hưởng nghiêm trọng của nước biển dâng có thể thấy rõ nhất tại Indonesia. Chính phủ nước này gần đây đã công bố kế hoạch chuyển thủ đô từ Jakarta đến Borneo vì Jakarta hiện là thành phố chìm nhanh nhất thế giới.

Tuy nhiên, kết quả của nghiên cứu này không đồng nghĩa với việc đặt dấu chấm hết cho các khu vực chịu ảnh hưởng. Các số liệu mới nhất cho thấy khoảng 110 triệu người ở các khu vực này đang ở dưới mức nước ở đỉnh triều. Điều này được ông Benjamin Strauss - Giám đốc điều hành Climate Central giải thích là nhờ các biện pháp xây dựng đê biển và tường bao.

Bên cạnh đó, ông Strauss cũng nhấn mạnh, mọi biện pháp xây dựng, đầu tư cho phòng chống chỉ có tác dụng nhất định. Để làm rõ hơn quan điểm của mình, ông lấy ví dụ trường hợp bão Katrina đã phá vỡ hệ thống đê và bờ bao, khiến thành phố New Orleans chìm trong nước

Các tác giả của nghiên cứu cảnh báo các quốc gia nên bắt đầu chuẩn bị cho công tác tái định cư từ bây giờ.

Nhận thức được tình hình nghiêm trọng hiện tại, bà Dina Ionesco thuộc tổ chức International Organization for Migration lên tiếng: "Chúng tôi đang cố gắng cảnh báo mọi người trước khi quá muộn. Nếu có thể triển khai, đây có thể là một trong những đợt di dân có quy mô lớn nhất”.

Mực nước biển dâng là hệ quả của ô nhiễm bẫy nhiệt từ các hoạt động của con người, khiến các tảng băng và sông băng tan chảy, làm tăng lượng nước chảy vào các đại dương, tăng khả năng lũ lụt ven biển, dẫn đến phá hủy cơ sở hạ tầng, mùa màng và đe dọa toàn bộ thành phố. Dựa trên các hoạt động của con người, mực nước biển có thể tăng lên khoảng 0,6 - 2,1m trong thế kỷ 21, hoặc thậm chí có thể hơn.

"Trong những thập kỷ tới, mực nước biển dâng cao có thể phá vỡ các nền kinh tế và gây ra các cuộc khủng hoảng nhân đạo trên toàn thế giới" - đại diện Climate Central nói.


Toàn bộ miền nam Việt Nam có thể sẽ biến mất vào năm 2050

Bản đồ đầu tiên đưa ra những dự báo về các khu vực bị nhấn chìm vào năm 2050. Tuy nhiên, dựa trên bản đồ thứ hai, tất cả khu vực nam bộ khả năng cao sẽ bị chìm trong giai đoạn triều cường.


Hơn 20 triệu người tại Việt Nam, khoảng 1/4 dân số, sẽ chịu ảnh hưởng của tình trạng ngập lụt, nước biển dâng.

Phần lớn diện tích TPHCM, trung tâm kinh tế của cả nước, sẽ biến mất, theo nghiên cứu của Trung tâm Khí hậu được công bố trên tờ Nature Communications. Phỏng đoán trên không tính tới sự gia tăng dân số và mất đất do sạt lở vùng ven biển.


BÌNH LUẬN

Viễn cảnh đồng bằng Sông Cửu Long hoàn toàn biến mất có lẽ là một cơn ác mộng với người Việt Nam.

Từ năm 1996 đến năm 2014, Trung Quốc đã lần lượt đưa vào hoạt động 6 đập thủy điện trên thượng nguồn Mekong thuộc lãnh thổ của họ với tổng công suất 15.620 MW, tương đương 6,5 lần công suất thủy điện Sơn La – thủy điện lớn nhất của Việt Nam. Kể từ đó, những "Vạn lý trường thành trên sông" này đã gây ra cơn đói trầm tích ở đồng bằng.

Số liệu của Uỷ hội sông Mekong cho thấy, lượng trầm tích đo được đã giảm hơn một nửa từ năm 1992 đến 2014 do bị giữ lại trong các hồ thủy điện của Trung Quốc. Không còn nguồn trầm tích bổ sung, vùng châu thổ Cửu Long chỉ còn lở mà không thể bồi thêm.

Cuộc chiến giằng co giữa đất và nước suốt mấy ngàn năm có kết quả đầy cay đắng cho người miền Tây. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sạt lở đã cướp đi 300-500 hecta đất mỗi năm. Tức cứ mỗi năm, diện tích tương đương 30 sân vận động quốc gia Mỹ Đình hay bằng cả khu đô thị Phú Mỹ Hưng lần lượt vĩnh viễn trôi theo dòng nước.

Hàng loạt thủy điện của Trung Quốc xây ở thượng nguồn sông Mekong. Ngày 15/3/2016, Trung Quốc đã xả lũ ở đập Cảnh Hồng (Jinghong) theo đề nghị ở Việt Nam để cứu hạn ở đồng bằng sông Cửu Long. Đồ họa: Phượng Nguyễn

Bên cạnh 6 đập trên, báo cáo nghiên cứu khác do Viện thủy lực Đan Mạch thực hiện năm 2015 cho biết, việc đang xây thêm 11 đập thủy điện tại hạ nguồn Mekong (Trung Quốc đầu tư 9 dự án, còn lại của các nước khác) sẽ gần như cắt hẳn nguồn trầm tích, khiến quá trình phân rã đồng bằng Sông Cửu Long càng tăng tốc. Chỉ tính riêng vùng cửa sông, ven biển từ Soài Rạp (Tiền Giang) đến Gành Hào (Bạc Liêu) với chiều dài khoảng 250 km, mỗi năm biển sẽ xâm thực 8-13 mét đất. Tức, 11 dự án thủy điện trên mỗi năm sẽ xóa sổ thêm vài trăm hecta đất nữa của đồng bằng.

Đó là chưa kể những thách thức khác mà đồng bằng đang gồng mình gánh chịu: biến đổi khí hậu, nước biển dâng lún đất do mất nước ngầm, an ninh nguồn nước, hạn hán, xâm nhập mặn, suy thoái chất lượng đất, làm giảm tài nguyên thủy sảngiảm năng suất nông nghiệp. Cuộc sống của gần 20 triệu cư dân nơi vốn là địa bàn trọng điểm trong chiến lược an ninh lương thực quốc gia, vùng đóng góp 50% sản lượng lương thực, gần 70% kim ngạch xuất khẩu thủy sản và 90% sản lượng gạo xuất khẩu của cả nước đang bị đe dọa nghiêm trọng.


TIN MỚI

Climate Central phản bác ý kiến của Bộ Tài nguyên và Môi trường
https://news.zing.vn/climate-central-phan-bac-y-kien-cua-bo-tai-nguyen-va-moi-truong-post1009081.html

Quan chức VN ngờ vực nghiên cứu nói ĐBSCL ngập nước vào năm 2050
https://www.voatiengviet.com/a/quan-chuc-viet-nam-ngo-vuc-nghien-cuu-noi-dong-bang-song-cuu-long-ngap-nuoc-vao-nam-2050/5150167.html





Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire