lundi 9 novembre 2020

THẾ GIỚI : Phản ứng từ các nhà lãnh đạo thế giới sau bầu cử tổng thống USA 2020

 

Trương Thanh Long
Sưu tầm - Biên soạn - Bình Luận


Joe Biden và Kamala Harris

Kể từ khi ông Biden được dự đoán đắc cử vào ngày 08/11/2020, các nhà lãnh đạo trên thế giới đã đưa ra những thông điệp, hầu hết mang nội dung tích cực.

- Thủ tướng Anh Boris Johnson nói Hoa Kỳ "là đồng minh quan trọng nhất của chúng tôi và tôi mong được hợp tác chặt chẽ về các ưu tiên chung, từ vấn đề biến đổi khí hậu cho tới thương mại, an ninh."

- Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi gọi đây là "một chiến thắng ngoạn mục", và chúc mừng thêm bà Kamala Harris, người mang trong mình một nửa dòng máu Ấn Độ: "Sự thành công của bà là bước đi đột phá, và là niềm hãnh diện to lớn không chỉ cho những người cô, bác của bà, mà còn cho toàn bộ người Mỹ gốc Ấn."

- Thủ tướng Canada Justin Trudeau nói "Chúng tôi chia sẻ một mối quan hệ độc đáo trên trường quốc tế. Tôi rất mong được hợp tác và xây dựng quan hệ với cả hai quý vị."

- Tổng thống Nigeria Muhammadu Buhari nói chiến thắng của ông Biden là "lời nhắc nhở rằng nền dân chủ là hình thức quản trị nhà nước tốt nhất, bởi nó cho người dân cơ hội thay đổi chính phủ bằng những biện pháp hòa bình".

Thủ tướng Đức Angela Merkel nói "mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương của chúng ta là không thể thiếu được trong việc giải quyết các thách thức to lớn trong thời đại chúng ta".

Phó tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Fuat Oktay có phản ứng nhàn nhạt. "Sẽ không có gì thay đổi đối với Thổ Nhĩ Kỳ," ông nói.

Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro nói nước ông "sẽ luôn sẵn sàng đối thoại và thấu hiểu với nhân dân, chính phủ Hoa Kỳ".

Nhưng lãnh tụ tối cao của Iran, Ayatollah Ali Khamenei nói rằng kỳ bầu cử là một "vở làm trò", và nói thêm: "Đây là một ví dụ cho thấy mặt xấu của nền dân chủ tự do tại Mỹ. Bất kể kết quả thế nào thì có một thứ vẫn hoàn toàn rõ ràng, đó là sự đi xuống của nền chính trị, xã hội và đạo đức của chế độ Hoa Kỳ".

Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko, người vừa tái đắc cử trong kỳ bỏ phiếu bị đánh giá rộng rãi là có gian lận, dẫn đến tình trạng bất ổn trên toàn quốc, lên án kết quả bầu cử Mỹ là "một trò đùa của nền dân chủ".

Hiện Nga, Trung QuốcBắc Hàn vẫn giữ im lặng một cách đáng chú ý.


Bernie Sanders nói: "Bãi bỏ đại cử tri đoàn"

Thượng nghị sĩ Đảng Dân chủ Bernie Sanders, người đã tranh cử để trở thành ứng cử viên tổng thống của đảng Dân chủ, kêu gọi bãi bỏ đại cử tri đoàn.

Bạn sẽ thắc mắc tại sao ông Bernie Sanders lại đòi hỏi việc này bây giờ trong khi ứng cử viên Đảng Dân chủ vừa giành chiến thắng?

Vâng, như điều đã xảy ra vào năm 2016 khi Donald Trump đắc cử, trong khi ứng cử viên còn lại đã thắng phiếu phổ thông trên tòan quốc nhưng thất cử. Hillary Clinton giành được nhiều hơn Trump gần 3 triệu phiếu nhưng không thắng số phiếu đại cử tri đoàn.

Và chính các đảng viên Đảng Dân chủ nói chung đã phải chịu đựng sự cay đắng của hình thức đại cử tri đoàn trong những năm gần đây - vì vậy họ sẽ có lợi thế khi thay đổi hệ thống để bất kỳ ai giành được đại đa số phiếu phổ thông đều có thể vào Nhà Trắng.

Trên thực tế, đại cử tri đoàn gần như bị bãi bỏ vào năm 1970 khi Hạ viện bỏ phiếu áp đảo để thay thế nó.

Một cuộc thăm dò của Gallup năm 1968 cho thấy 80% người Mỹ cũng nghĩ rằng đã đến lúc sử dụng phiếu phổ thông để thay cho đại cử tri đoàn. Nhưng nỗ lực này đã thất bại khi các Thượng nghị sĩ từ các bang miền Nam nước Mỹ - những người được hưởng lợi trong hệ thống đại cử tri đoàn - đã ngăn việc thông qua.

Kể từ đó, đảng Cộng hòa ngày càng được hưởng lợi từ hệ thống này, có nghĩa là cho đến ngày nay, không còn sự đồng thuận giữa các bên về việc thay thế hình thức đại cử tri đoàn.


Putin im lặng, nhưng người dẫn chương trình thời sự Nga gọi hệ thống bầu cử Mỹ là 'cổ lỗ sĩ'

8/11/2020 - Phóng viên BBC Steve Rosenberg, Moscow


Phóng viên BBC Steve Rosenberg tường thuật từ Moscow:

Cho đến nay vẫn chưa có một tin nào đăng trên Twitter, một cuộc điện thoại hay một bức điện báo chúc mừng nào từ Tổng thống Nga Putin gửi tới Tổng thống đắc cử Biden.

Điện Kremlin đang giữ im lặng.

Nhưng người dẫn chương trình thời sự gây tranh cãi nhất của kênh truyền hình quốc gia Nga Dmitry Kiselev thì không.

"Hệ thống bầu cử Hoa Kỳ thật là cổ lỗ sĩ, như thế một con khủng long vậy. Tôi không thể tự mình gọi đó là dân chủ được," ông nói trong show thời sự chính hàng tuần.

"Tổng thống Trump đã nói về có chuyện phe Dân chủ gian lận phiếu bầu hàng loạt; ông nói các biện pháp gian lận đã được sử dụng để đánh cắp chiến thắng của ông."

Nhưng ông Kiselev không nói thêm rằng ông tổng thống đã không đưa ra bất kỳ bằng chứng nào để chứng minh cho tuyên bố trên của mình.


Dmitry Kiselev là người dẫn gây tranh cãi nhất trong các chương trình thời sự Nga

Người dẫn chương trình thời sự này nổi tiếng là chống phương Tây.

Ông chỉ trích các mạng lưới truyền hình Hoa Kỳ là đã cùng nhau làm ngơ khi ông Donald Trump lên tiếng, và gọi đó là "một tín hiệu cho thấy có cuộc cách mạng màu" tại Hoa Kỳ.

"Từ lâu rồi, nước Mỹ đã tìm cách dạy chúng ta. Nay thì vị thầy giáo đó đã trở nên điên loạn, đập phá cửa sổ và són ra quần."

Mục tiêu ở đây là nhằm làm giảm giá trị nền dân chủ Mỹ trong mắt nhân dân Nga, khiến họ cảm thấy dễ chịu hơn về hệ thống chính trị của chính nước Nga.




Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire