vendredi 15 novembre 2019

BLOG : Xa dân chính là nguy cơ tồn vong của chế độ XHCN tại Việt Nam


Trương Thanh Long
Sưu tầm - Biên soạn - Bình Luận



Một bộ phận cán bộ, đảng viên không chịu rèn luyện dẫn đến thoái hóa biến chất, xa rời nhân dân, xâm hại lợi ích chính đáng của nhân dân. Thờ ơ vô cảm, xa dân đang là những vấn đề nhức nhối trong xã hội, nó tồn tại ở hầu khắp các lĩnh vực của đời sống xã hội, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín trong sự nghiệp cách mạng. 

Xa dân chính là nguy cơ tồn vong của Đảng cầm quyền, để khắc phục tình trạng này cần phải có những giải pháp cụ thể qui định trách nhiệm của cán bộ, đảng viên để khắc phục bệnh xa dân.

Trong chế độ xã hội chủ nghĩa (XHCN) đã làm cách mạng để có ruộng đất cho dân cày, cuộc cách mạng ấy thật vĩ đại vì đã giải phóng được người dân khỏi áp bức bóc lột, từ địa vị nô lệ trở thành người chủ của đất nước.


Nổi dậy ở Thái Bình 1997 (Xem thêm phần Tham Khảo)

Hay vụ nổi dậy ở Thái Bình 1997, khi đó người dân Thái Bình khiếu kiện tập thể, khiếu kiện đông người, đã có một số nơi bạo động đánh cán bộ, đốt nhà, bắt giữ công an…Thường vụ Bộ Chính trị lúc đó đã có chỉ thị khẳng định, đây chỉ là mâu thuẫn trong nội bộ Nhân dân và vì thế nên dùng phương pháp vận động, thuyết phục, giáo dục và đồng thời xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên trong hệ thống chính trị tiêu cực tham nhũng, ức hiếp nhân dân. Và cán bộ chủ chốt của hơn 200 xã trong 285 xã được thay thế. Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND, Chánh Thanh tra, Giám đốc Công an, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân được điều đi khỏi Thái Bình, những tố cáo và khiếu nại của Nhân dân được giải quyết, có lý có tình, kết luận thỏa đáng, xử lý cán bộ sai phạm theo đúng quy định của pháp luật được dân hoan nghênh ủng hộ, Thái Bình trở nên yên bình.


Biểu tình ở Tây Nguyên 2004 (Xem thêm phần Tham Khảo)

Nhiều vụ việc nhức nhối đau lòng thời gian vừa qua cho chúng ta bài học quí giá về công tác gần dân, như vụ việc bạo loạn gây rối ở Tây nguyên 2004 (Đắk Lắk, Gia Lai), chúng ta đã mất cảnh giác và chủ quan không nắm dân, không nghe dân phản ánh để các thế lực thù địch lợi dụng, móc nối với phần tử xấu tiêu cực, mất mãn lợi dụng chống phá ta.


Phát ngôn không chuẩn mực với dân 3/2019 (Xem thêm phần Tham Khảo)

Hình ảnh của bà Đàm Thị Hệ - Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường thị xã Gia Nghĩa tỉnh Đắk Nông - có những phát ngôn không chuẩn mực khi làm việc với dân hồi cuối tháng 3/2019 và được báo chí phản ánh. Với giọng điệu hách dịch:

Tao không muốn làm việc với dân ở đây. Tao không cần kê khai của dân, tao chỉ cần xác nhận, tao làm việc độc lập. Tao không sợ thằng nào bảo kê ở đây nhá, dù là thằng nào ở phòng Tài nguyên, bảo kê là tao chấp đó…”.

 “Tao sẽ gọi cho lãnh đạo của mày chứ mày đừng có bố láo với tao nha”.

Đặc biệt, người phụ nữ này còn phát ngôn:

Ăn cướp của Nhà nước thì được, ăn cướp của Nhà nước thì dễ nhưng ăn cướp của tao không dễ đâu”.

Ngay sau khi được đăng tải, video clip này đã thu hút hàng chục ngàn lượt xem, hàng trăm lượt bình luận và chia sẻ. Tất cả đều thể hiện thái độ bất bình, phẫn nộ trước tư cách hành xử khiếm nhã của bà Đàm Thị Hệ một vị cán bộ Nhà nước.


Nữ giáo viên quỳ trước UBND (10/2019) (Xem thêm phần Tham Khảo)

Trường hợp cô giáo Nguyễn Thị Hoa Anh - giáo viên Trường tiểu học Đinh Bộ Lĩnh (xã Cư Êbur, TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk)quỳ gối” trong sân UBND tỉnh Đắk Lắk (ngày 6/8/2019), xin về lại trường cũ. Lý do cô giáo này đưa ra là, “Tại đây, cán bộ tiếp dân nói trường hợp của tôi họ không tiếp nhận, không trả lời nữa nên tôi đi sang UBND tỉnh”, thật là không còn gì để nói.


Một năm DN tiếp thanh tra 138 lần (6/2019) (Xem thêm phần Tham Khảo)

Câu chuyện về một doanh nghiệp ở TP.Hồ Chí Minh, “khốn khổ” vì kiểm tra một năm phải tiếp các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương các cấp thành, kiểm tra tới 138 lần.

Trong đơn gửi báo chí, ông Lê Văn Anh Tuấn, Tổng giám đốc Công ty Phi Long đã dẫn ra các cuộc thanh tra và cho biết, cả ông và nhân viên mệt mỏi vì bị thanh tra, kiểm tra quá nhiều. Theo ông Tuấn, đáng nói là sau các cuộc thanh tra, kiểm tra, những vướng mắc, thủ tục, khó khăn của công ty kiến nghị không được giải quyết, hệ lụy là hàng nghìn tỷ đồng vốn của công ty đang bị chôn chân tại các dự án, đẩy doanh nghiệp đứng bên bờ vực phá sản. Không chỉ các dự án trên, Dự án Chung cư Miếu Nổi, ở quận Bình Thạnh mà công ty này triển khai đến nay 22 năm vẫn chưa hoàn thành vì thủ tục kiểu “trên bảo dưới không nghe” và ngâm hồ sơ, không giải quyết.


Chủ tịch UBND than khổ vì mỗi năm tiếp đến 11 đoàn thanh tra (7/2019) (Xem thêm phần Tham Khảo)

Ông Lê Tiến Châu, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang  bày tỏ nỗi khổ tại phiên họp trực tuyến giữa Chính phủ với các địa phương chiều 4/7/2019, rằng:

"Còn có quá nhiều đoàn thanh tra, kiểm tra, kiểm toán đến tỉnh. Cụ thể, năm 2018, tỉnh tiếp  đến 11 đoàn, trong đó có nhiều đoàn nội dung kiểm tra, thanh tra trùng lắp, khiến địa phương mất rất nhiều công sức và thời gian để phục vụ".

 “Địa phương mất rất nhiều sức, thời gian để phục vụ các đoàn thanh tra, kiểm toán, kiểm tra. Đề nghị các bộ, ngành và cơ quan trung ương khi xây dựng kế hoạch kiểm tra, thanh tra cần có kế hoạch phối hợp, tránh nội dung thực hiện trùng lặp”, ông Lê Tiến Châu kiến nghị.

 Dân trông chờ vào công tác thanh, kiểm tra để giúp hạn chế những rủi ro, tiêu cực trong xã hội để phát triển tốt hơn. Việc lợi dụng thanh tra, kiểm tra để vòi vĩnh, khó dễ “làm bậy”, “làm khó” công dân và doanh nghiệp là một sự phản bội niềm tin của dân.


Khiếu nại của  công dân suốt 20 năm về Khu đô thị mới Thủ Thiêm (Xem thêm phần Tham Khảo)

Hay việc tố cáo, khiếu nại của công dân về Khu đô thị mới Thủ Thiêm, TP. Hồ Chí Minh, là nỗi đau của người dân suốt 20 năm qua, ngày đêm mòn mỏi đi khiếu nại, từ địa phương đến trung ương về đền bù, bồi thường thiệt hại.

Nước mắt, nỗi đau tột cùng của người dân là không gì bù đắp được. Chỉ có thể đặt mình vào người dân oan trái mới hiểu được nỗi đau của họ. Ở đây đặt ra câu hỏi cán bộ, đảng viên nhất là người lãnh đạo có liên quan đã vì dân chưa? hay là vô cảm, thờ ơ với nỗi khổ của người dân Thủ Thiêm vì lợi ích cá nhân mà xa dân, không lắng nghe, không đối thoại với dân, hệ quả để lại là rất lớn đó là uy tín danh dự của cán bộ, đảng viên, trên hết là uy tín của Đảng, Nhà nước.

Thiệt hại của người dân là không thể đo đếm được về cả vật chất và tinh thần, nhiều hộ dân vật vờ màn trời chiếu đất mong chờ một quyết định đúng hợp lòng dân. Câu hỏi đặt ra là có ai khóc cùng dân không?.


Trách nhiệm của những người đại diện cho dân ở đâu ?

Nói về trách nhiệm của đại biểu HĐND, trong buổi tiếp xúc cử tri sáng 15/10/2019, tại quận 5, TP Hồ Chí Minh cử tri Mai Thanh Hà cho rằng, “nhiều người không đủ tư cách làm đại biểu HĐND vì luôn im lặng trong các kỳ họp, làm ngơ trước thảm cảnh của người dân Thủ Thiêm, khu Công nghệ cao, Công viên Safari Củ Chi, dự án treo, kẹt xe, ô nhiễm…”.

Cùng nói về người đại diện cho dân, tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV, đại biểu Quốc hội Ngọ Duy Hiểu (Hà Nội) cho biết: “Thật buồn lòng khi mà người dân cho rằng đó là những ông “nghị gật”, đề nghị cần cơ chế thu hút cán bộ có trình độ, năng lực làm đại biểu HĐND, tránh việc mọi người nói là “nghị gật”, tức là đại biểu không hiểu tình hình địa phương, không phát biểu được, Nhân dân thì nóng, hội trường HĐND cấp huyện, xã thì rất lạnh”.

Gần đây dư luận lại ồn ào, câu chuyện Camera lắp đặt trước nhà của một cán bộ trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sóc Trăng, chia sẻ với báo chí, ông Trương Minh Hoàng-  Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho biết: “Cá nhân anh tự lắp đặt camera an ninh thì không sao, nhưng lấy tiền ngân sách lắp thì không được. Nếu tỉnh nào cũng làm như Sóc Trăng thì sẽ thế nào?”.

Ông Trương Minh Hoàng cho biết: “Vùng Tây Nam Bộ thời điểm vùng này an toàn đến mức người dân ngủ không cần khóa cửa, không sợ trộm cắp, điều đó cho thấy làm gì phải lắp camera để chống khủng bố”.

Nhấn mạnh vấn đề này, đại biểu Quốc hội Vũ Trọng Kim, nguyên Tổng thư ký Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhìn nhận có sự quan cách, xa dân của người lãnh đạo khi đưa ra những quyết định để “tạo khoảng cách” với chính người dân. Nêu thực tế nhiều lãnh đạo “kín cổng cao tường”, dân nghèo nhưng lãnh đạo lại “thích hoành tráng”, ông Kim cho rằng việc lắp camera nhà lãnh đạo để đảm bảo an ninh là không cần thiết. Đặc biệt, khi dùng đồng tiền ngân sách một cách sai quy định, sai đối tượng và mục đích.


Kết luận

Có lẽ sẽ còn nhiều trường hợp phiền toái cho người dân mà chưa thể nêu ra hết ở đây, nhưng những ví dụ trên là điển hình của cán bộ, đảng viên xa dân, thơ ơ vô cảm với dân rất cần có "thuốc" đặc trị căn bệnh này.

Những bài học xương máu ấy vẫn còn nguyên giá trị, tính thời sự và là những chỉ dẫn quan trọng cho cán bộ, đảng viên về vai trò của Nhân dân trong cách mạng và yêu cầu gần dân, lắng nghe dân là tất yếu khách quan.

Và những cán bộ làm sai không bị xử lý vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật, có chăng cũng chỉ là rút kinh nghiệm sâu sắc... Tất cả những điều đó làm cho người dân trong tâm trạng rất bức xúc, đứng ngồi không yên và không giữ được bình tĩnh.


Tham khảo

Biểu tình ở Tây Nguyên 2004

Báo cáo về vụ nổi dậy ở Thái Bình 1997

Bất ngờ với mức kỷ luật nữ Trưởng phòng TN&MT xưng 'mày tao' khi làm việc với dân

Vụ nữ giáo viên quỳ trước UBND tỉnh: 'Tôi tiếp tục khiếu nại'

Vụ giáo viên quỳ: Có thiếu sót nhưng TP. Buôn Ma Thuột làm đúng?

Một năm doanh nghiệp tiếp thanh tra... 138 lần

Người dân khu đô thị mới Thủ Thiêm nộp hồ sơ khiếu nại về bồi thường

Chỉ đạo mới về vụ Thủ Thiêm là kế trì hoãn của thành phố?











Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire