Trương Thanh Long
Sưu tầm - Biên soạn - Bình Luận
"Chúng tôi muốn họ trả lại cảng Hambantota. Tình huống lý tưởng nhất là quay lại hiện trạng ban đầu. Chúng tôi sẽ trả lại khoản vay đúng hạn theo cam kết ban đầu mà không để xảy ra bất kỳ xáo trộn nào", Ajith Nivard Cabraal, cựu thống đốc ngân hàng nhà nước Sri Lanka, cố vấn kinh tế của cựu tổng thống Mahinda Rajapaksa, nói.
Cựu thủ tướng Ranil Wickremesinghe khi đương nhiệm đã đồng ý cho công ty China Merchants Port Holdings thuê cảng Hambantota trong vòng 99 năm, đổi lấy khoản vay 1,1 tỷ USD, mà theo ông, giúp giảm bớt gánh nặng nợ vay từ Trung Quốc. Mahinda Rajapaksa đã vay Trung Quốc trong suốt 10 năm nắm quyền để xây dựng các dự án ở quê nhà.
Tuy nhiên, chính quyền mới của Tổng thống Gotabaya Rajapaksa, người từng làm bộ trưởng quốc phòng, em trai Mahinda, hiện phản đối các giao dịch cho thuê cảng.
Một góc cảng biển Hambantota, miền nam Sri Lanka. Ảnh: Bloomberg.
"Đây là thỏa thuận về chủ quyền" và dường như nó sẽ bị hủy bỏ hoặc chứng kiến sự thay đổi lớn, Smruti Pattanaik, nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu và Phân tích Quốc phòng ở thủ đô New Delhi, Ấn Độ, cho biết. "Trung Quốc có thể xem xét lại một số điều khoản được xem là quan trọng với chính quyền Rajapaksa", ông nói.
Hợp đồng bị xem là gây tổn hại tới an ninh quốc gia của Sri Lanka và chính quyền mới đang nỗ lực thay đổi thỏa thuận, vốn là nền tảng quan trọng trong chiến dịch tranh cử của Gotabaya Rajapaksa.
Hambantota là dự án nằm trong sáng kiến đầy tham vọng Vành đai và Con đường của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Sáng kiến này gây nhiều tranh cãi với cáo buộc Trung Quốc đưa các nước nghèo vào bẫy nợ. Dự án đồng thời gây ra lo ngại rằng Trung Quốc có thể sử dụng cảng biển vào mục đích quân sự.
Trung Quốc bác bỏ lo ngại này, cho rằng cảng Hambantota nằm trên tuyến đường biển quan trọng từ Á sang Âu, hai bên sẽ cùng có lợi và đóng góp vào nền kinh tế Sri Lanka.
"Hợp tác Trung Quốc - Sri Lanka, bao gồm dự án cảng Hambantota, được xây dựng dựa trên bình đẳng và tham vấn", Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố trong một thông báo gửi báo chí. "Trung Quốc mong muốn hợp tác với Sri Lanka để biến Hambantota thành một trung tâm vận chuyển mới ở Ấn Độ Dương và phát triển nền kinh tế địa phương", thông báo có đoạn.
Vị trí cảng Hambantota trên bản đồ. Đồ họa: Bloomberg.
"Một khi được ký kết, các thỏa thuận song phương trở thành thỏa thuận nghiêm túc, nhưng chúng tôi cũng phải quan tâm tới lợi ích quốc gia. Nếu một chính phủ đã đạt thỏa thuận rồi, chính phủ mới cần phải tìm ra cách thức và biện pháp để thỏa thuận lại một cách thiện chí", Cabraal nói.
China Merchants Port Holdings, công ty có doanh thu 93 tỷ USD, có thể dùng kinh nghiệm hoạt động trải dài từ Trung Quốc đến châu Âu thúc đẩy Hambantota phát triển, nơi hầu như không thu hút được chiếc tàu nào cập cảng.
Liên doanh Hambantota của China Merchants Port Holdings hồi tháng trước đạt thỏa thuận với tập đoàn vận tải Nhật Bản Nippon Yusen KK để vận chuyển hàng hóa thông qua cảng này.
Bộ trưởng Cảng biển mới Johnston Fernando không đưa ra bình luận.
(Theo Bloomberg)
BÌNH LUẬN
Một cuộc khảo sát gần đây do Đại học Bắc Kinh và Viện nghiên cứu Taihe tại Bắc Kinh thực hiện cho thấy, gần một nửa trong số 100 quốc gia khảo sát được đánh giá không phù hợp với các dự án Vành đai và Con đường do sự yếu kém về tài chính và cơ sở hạ tầng. Cuộc khảo sát cho rằng chính phủ Trung Quốc nên “đánh giá lại và ngăn ngừa các nguy cơ” trước khi tiếp tục triển khai các dự án tại những nước này.
Tuyến đường Hàng hải và Đường bộ trong Sáng kiến Vành đai Con đường của Trung Quốc.
Ngoài ra, Sáng kiến Vành đai và Con đường cũng đối mặt với sức ép từ Mỹ và các quốc gia đối thủ - những nước muốn ngăn Trung Quốc “hất cẳng” tầm ảnh hưởng của họ tại các quốc gia đang phát triển.
Hoa Kỳ và các đồng minh của họ trong khu vực, chủ yếu là Ấn Độ và Nhật Bản, lo ngại rằng các dự án như Hambantota ở Sri Lanka và các điều khoản dễ dàng trong việc cho vay của Trung Quốc làm cho các nền kinh tế khu vực gặp bất lợi. Phát biểu tại Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế ở Washington ngày 18/10/2017, ông Rex Tillerson, Ngoại trưởng Mỹ, cảnh báo rằng khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương có thể trở thành nạn nhân của “kinh tế kẻ cướp” (predatory economics) của Trung Quốc. Ông nói các hành động của Trung Quốc "làm cho các quốc gia trong khu vực sẽ phải gánh chịu số nợ khổng lồ."
Là dự án mang dấu ấn của Chủ tịch Tập Cận Bình, Sáng kiến Vành đai và Con đường được kỳ vọng sẽ đưa Trung Quốc trở lại vị thế sức mạnh và tầm ảnh hưởng truyền thống của nước này ở cả châu Á cũng như trên toàn cầu. Tuy nhiên bước sang năm 2019, sáng kiến này đang “lung lay” hơn bao giờ hết và chính phủ Trung Quốc cần xem xét lại. Theo nhà phân tích Nisid Hajari của Bloomberg, nếu không thực hiện được điều này, Trung Quốc có thể thất bại trong việc đạt được mục tiêu đề ra ban đầu, đó là sử dụng Sáng kiến Vành đai và Con đường để mở rộng sức mạnh, tầm ảnh hưởng và thương mại của Bắc Kinh ra toàn thế giới.
THAM KHẢO
Nỗi lo phía sau tham vọng Vành đai và Con đường của Trung Quốc
https://www.vvfc.vn/tin-trong-nuoc-va-quoc-te/noi-lo-phia-sau-tham-vong-vanh-dai-va-con-duong-cua-trung-quoc.html
Tập Cận Bình muốn Vành đai và Con đường 'được minh bạch'
https://www.bbc.com/vietnamese/business-48056118
Tập Cận Bình muốn Vành đai và Con đường 'được minh bạch'
https://vietpress2012.wordpress.com/2019/03/11/tam-nhin-vanh-dai-con-duong-cua-trung-quoc-tai-nam-a/
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire