mercredi 13 novembre 2019

KINH TẾ : Hàng loạt công ty Đức tìm đường rời Trung Quốc


Trương Thanh Long
Sưu tầm - Biên soạn - Bình Luận


Dân trí 13/11/2019 - Gần 1/4 số công ty Đức hoạt động tại Trung Quốc đang lên kế hoạch chuyển dây chuyền sản xuất sang nước khác do tác động của chiến tranh thương mại.

Một dây chuyền sản xuất ô tô (Ảnh: DW)

Theo cuộc khảo sát thường niên do Phòng Thương mại Đức tại Trung Quốc thực hiện đối với 526 công ty Đức tại Trung Quốc, 23% trong số này nói rằng họ đã quyết định sẽ rút bớt hoạt động sản xuất khỏi Trung Quốc hoặc đang cân nhắc về việc này.

1/3 số công ty Đức cho biết họ đã lên kế hoạch chuyển hoàn toàn dây chuyền sản xuất khỏi Trung Quốc. Trong khi đó, số còn lại thông báo sẽ chuyển một phần hoạt động sản xuất và kinh doanh sang nước khác, chủ yếu là các nước có chi phí thấp hơn tại châu Á.

Chi phí hoạt động kinh doanh tại Trung Quốc tăng lên, trong bối cảnh nước này đang tìm cách tái cân bằng nền kinh tế từ mô hình được dẫn dắt bởi hoạt động đầu tư và xuất khẩu sang mô hình kinh tế được thúc đẩy bởi dịch vụ và tiêu dùng.

Trong số 104 công ty đã quyết định hoặc đang cân nhắc rời Trung Quốc, 71% cho biết sự gia tăng trong chi phí sản xuất, đặc biệt là nhân công, là nguyên nhân khiến họ chuyển hoạt động khỏi nước này.

1/3 số công ty tham gia khảo sát đã đổ lỗi cho môi trường chính sách công không thuận lợi tại Trung Quốc, trong khi cứ 1 trong 4 công ty nói rằng cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung tác động tới hoạt động kinh doanh của họ.

Các công ty tham gia cuộc khảo sát của Phòng Thương mại Đức tại Trung Quốc đã chia sẻ về triển vọng “ảm đạm” của hoạt động kinh doanh. Các công ty cho biết sự bi quan của họ xuất phát từ thực trạng “xuống dốc” của nền kinh tế Trung Quốc, cũng như căng thẳng thương mại đang diễn ra giữa Bắc Kinh và Washington.

Cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã tác động trực tiếp hoặc gián tiếp tới 83% số công ty tham gia khảo sát.

Kỳ vọng kinh doanh đã giảm xuống mức thấp nhất trong nhiều năm”, cuộc nghiên cứu của Phòng Thương mại Đức tại Trung Quốc cảnh báo.

Kết quả khảo sát cho thấy chỉ 1/4 số công ty kỳ vọng có thể đạt được hoặc vượt qua mục tiêu do họ đề ra trong năm nay.

Theo các công ty Đức, thách thức chủ yếu của họ khi hoạt động tại Trung Quốc là các rào cản tiếp cận thị trường, sự bất ổn về pháp lýyêu cầu chuyển giao công nghệ của Bắc Kinh. Hơn 1/3 số công ty tham gia khảo sát cho biết nỗ lực của Trung Quốc nhằm tạo ra sân chơi công bằng cho các doanh nghiệp nước ngoài hiện vẫn “chưa đủ”.

Cạnh tranh phải công bằng. Các công ty nước ngoài, bao gồm các công ty Đức, và các công ty Trung Quốc, nên chơi trên một sân chơi công bằng”, Đại sứ Đức Clemens von Goetze phát biểu hôm 12/11/2019.

Đại sứ Goetze cho biết các công ty Đức vẫn chưa được cung cấp thông tin đầy đủ về Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc. Đây là chương trình đầu tư trên quy mô toàn cầu, trị giá 1 nghìn tỷ USD của Trung Quốc, được cho là nhằm mở rộng tầm ảnh hưởng của Bắc Kinh ra toàn thế giới. Tuy nhiên, các công ty Đức cho rằng họ không được hưởng lợi từ tiềm năng kinh tế của Sáng kiến Vành đai và Con đường.

Sáng kiến này chủ yếu do Trung Quốc rót vốn và do các công ty Trung Quốc thực hiện”, Đại sứ Đức nói thêm.

Mặc dù vậy, các công ty Đức vẫn nhìn thấy những dấu hiệu khởi sắc vào năm 2020, khi nhiều công ty đặt hy vọng vào thỏa thuận đầu tư giữa Trung Quốc và Liên minh châu Âu (EU), dự kiến hoàn tất vào năm sau.


BÌNH LUẬN

Bắc Kinh đang chạy đua để giữ chân các doanh nghiệp nước ngoài tại Trung Quốc bằng cách thuyết phục họ rằng lợi ích của việc ở lại sẽ vượt trội hơn so với tác động từ đòn áp thuế của Mỹ.

Cuộc nghiên cứu của báo Nikkei (Nhật Bản) cho biết một năm sau khi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung nổ ra, hơn 50 công ty toàn cầu, bao gồm Apple Nintendo, đã thông báo hoặc đang cân nhắc kế hoạch chuyển hoạt động sản xuất ra khỏi Trung Quốc.


Dynabook, công ty con của Sharp, đang cân nhắc kế hoạch chuyển dây chuyền sản xuất máy tính tới một nhà máy mới đang được xây dựng tại Việt Nam. Dynabook hiện sản xuất phần lớn máy tính tại Trung Quốc, chủ yếu tại một nhà máy ở Hàng Châu, cách Thượng Hải 175km về phía tây nam.


Hãng Apple đã kêu gọi các nhà cung ứng chính cân nhắc chuyển 15-30% dây chuyền sản xuất điện thoại iPhone ra khỏi Trung Quốc. Nikkei ngày 17/7/2019 đưa tin Apple đang chuẩn bị để bắt đầu sản xuất thử nghiệm dòng tai nghe không dây AirPod được ưa chuộng của hãng tại Việt Nam.


Hai hãng sản xuất máy tính HPDell của Mỹ cũng đang cân nhắc chuyển 30% dây chuyền sản xuất máy tính tại Trung Quốc sang Đông Nam Á và các nước khác.


Hãng trò chơi điện tử Nintendo của Nhật Bản cũng chuyển một phần hoạt động sản xuất máy chơi game từ Trung Quốc sang Việt Nam.


Việc đóng cửa diễn ra sau khi Samsung cắt giảm sản xuất tại nhà máy ở thành phố Huệ Châu vào tháng 6 và đình chỉ một nhà máy khác vào cuối năm ngoái. Samsung không tiết lộ công suất nhà máy Huệ Châu hoặc số lượng nhân viên. Nhà máy được xây dựng vào năm 1992.

Có ý kiến lo ngại rằng việc các công ty nước ngoài rời đi có thể khiến tình trạng thất nghiệp gia tăngsiết chặt lượng tiêu thụ tại Trung Quốc. Để giảm thiểu tác động của tình trạng này tới mức thấp nhất, Bắc Kinh đã “trải thảm đỏ” cho các doanh nghiệp nước ngoài.


THAM KHẢO

'Ông lớn' rút khỏi Trung Quốc, đưa công xưởng vào Việt Nam
http://cafebiz.vn/ong-lon-rut-khoi-trung-quoc-dua-cong-xuong-vao-viet-nam-20191005085807156.chn

Trump ra lệnh rời Trung Quốc, các hãng Mỹ có nghe theo?
https://www.voatiengviet.com/a/trump-ra-l%E1%BB%87nh-r%E1%BB%9Di-trung-qu%E1%BB%91c-c%C3%A1c-h%C3%A3ng-m%E1%BB%B9-c%C3%B3-nghe-theo-/5057784.html

Hàng loạt công ty lớn rời khỏi Trung Quốc giữa 'sóng gió' thương chiến
https://vietnamfinance.vn/hang-loat-cong-ty-lon-roi-khoi-trung-quoc-giua-song-gio-thuong-chien-20180504224225807.htm









Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire