mercredi 6 novembre 2019

DU LỊCH : Ao Bà Om ở Trà Vinh


Trương Thanh Long
Sưu tầm - Biên soạn - Bình Luận


(Tổng hợp Internet) - Nhắc tới Trà Vinh, người ta nghĩ đến miền đất của những ngôi chùa Khmer cổ kính cùng những di tích lịch sử mang nhiều huyền thoại, gắn liền với hành trình khai phá, gầy dựng phương Nam. Di tích ao Bà Om soi bóng cổ tự là một trong những niềm tự hào vùng đất đan xen nhiều nền văn hóa này.

 Ao Bà Om với hàng cây cổ thụ bao bọc bốn mùa xanh mát

Ao Bà Om nằm cạnh Quốc lộ 53, cách TP.Trà Vinh khoảng 5km về phía Tây Nam, trên địa bàn khóm 4, phường 8. Khuôn viên ao rộng tới 100.000m2, được bao bọc bởi hàng trăm cây sao, dầu cổ thụ trăm tuổi với những bộ rễ trồi lên mặt đất, hình thù kỳ dị, thân cây cao vút, bốn mùa rợp bóng thâm u tạo không gian thanh bình, tĩnh tại.

Chung quanh ao có nhiều cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi.

Gần ao có chùa Âng (Chùa Angkorajaborey) là ngôi chùa Khmer cổ nhất Việt Nam theo truyền thuyết được xây dựng vào năm 990 tức cuối thế kỷ 10, độc đáo và hài hoà với cảnh sắc thiên nhiên.

Bên ao là một ngôi chùa cổ (chùa Âng, tên Khmer: Angkorajaborey).

Mang nhiều giá trị về cảnh quan lẫn văn hoá, năm 1994, quần thể chùa Âng và ao Bà Om được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Hằng năm, cứ đến lễ Chol-chnam-thmay, Dolta, đặc biệt là lễ hội Cúng Trăng - Ok-om-bok, đồng bào Khmer và cả Kinh, Hoa Trà Vinh và các tỉnh lân cận tụ hội về đây để tham gia các hoạt động vui chơi, nhảy múa và và các hoạt động văn hoá thể hiện sự đoàn kết của ba dân tộc anh em.

Ao bà Om chuẩn bị vào Lễ hội Ok om bok 2019

Dừng chân với Ao Bà Om, mỗi chúng ta sẽ thấy yêu thiên nhiên, yêu cuộc sống hơn như câu ca dao nổi tiếng từng khẳng định:

       Biển Ba Động nước xanh cát trắng,

         Ao Bà Om thắng cảnh miền Tây.

             Xin mời du khách về đây,

Dừng chân cho biết chốn này thần tiên.”…

Có nhiều truyền thuyết, chuyện kể khác nhau tồn tại song song nhau lý giải tên gọi Ao Bà Om. Trong đó, truyền thuyết của đồng bào dân tộc Khmer có nhiều chi tiết thú vị và được phổ biến rộng rãi. Truyền thuyết này kể rằng:

…“Ngày xưa, người Khmer còn theo chế độ mẫu hệ nên nhà gái phải hỏi cưới và chịu toàn bộ phí tổn cưới xin cho nhà trai. Dần dần, chế độ phụ hệ hình thành nên phong tục cưới xin cũng thay đổi, nên xảy ra tranh chấp việc nhà gái hay nhà trai phải đi hỏi cưới. Để vừa giải quyết nguồn nước đảm bảo cuộc sống vừa giải quyết chuyện cưới xin duy trì nòi giống, phum sóc đặt ra cuộc thi đào ao giữa hai phái nam nữ, với thể lệ là cuộc thi diễn ra ban đêm, đến khi sao mai mọc quá ngọn cây là kết thúc.

Vào cuộc, cánh trai tráng cậy mình khỏe nên không vội vã, cứ nhậu nhẹt, nhảy múa đến tận khuya, rồi lăn ra ngủ. Cánh phụ nữ, dưới quyền chỉ huy của bà Om, biết mình sức yếu nên động viên nhau đào đắp thâu đêm. Giữa khuya, bà Om bày kế treo ngọn đèn gió lên cành cây. Cánh đàn ông đang say ngủ giật mình, mắt nhắm mắt mở, thấy ngọn đèn gió trên ngọn cây tưởng sao mai đã lên nên kéo nhau ra về, đúng như giao ước. Sáng ra, ao của phái nữ đã thành khoảnh, thẳng thớm, vuông vức và chứa đầy nước còn ao của phái nam thì nông choẹt, nham nhỡ, chẳng ra hình thù gì cả.

Cánh đàn ông không cách gì khác hơn phải nhận mình thua cuộc. Phong tục cưới xin truyền thống của dân tộc vẫn được duy trì và ao nước ngọt to lớn được hình thành giữa con giồng đất cát, đảm bảo cho cuộc sống con người sinh sôi, phát triển.

Để tưởng nhớ công lao của người đàn bà mưu trí, cộng đồng các dân tộc Trà Vinh lấy tên bà đặt thành tên ao – Ao Bà Om.”…

Ao Bà Om là một trong những trung tâm chính của lễ hội Ok om bok – một di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, diễn ra vào dịp Rằm tháng Mười âm lịch hàng năm (từ ngày 05/11/2019 đến 11/11/2019). Cùng với di tích lịch sử - văn hóa Chùa Âng (loại hình kiến trúc nghệ thuật), Bảo tàng Văn hóa dân tộc Khmer và Trung tâm Văn hóa – Thể thao tỉnh, khu vực Ao Bà Om là điểm nhấn quan trọng trong chiến lược phát triển ngành kinh tế Du lịch Trà Vinh thế kỷ 21.




Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire