samedi 26 octobre 2019

DU LỊCH : Làng Chăm Đa Phước ở An Giang


Trương Thanh Long
Sưu tầm - Biên soạn - Bình Luận



An Giang là địa phương ở Tây Nam Bộ có nhiều dân tộc sống hòa thuận từ bao đời, trong đó có người Chăm theo đạo Hồi. Cộng đồng dân cư này thường sống tập trung theo các làng, tạo nên không gian văn hóa độc đáo.

Bản đồ hành chính An Giang

Làng Chăm Đa Phước (xã Đa Phước, huyện An Phú) đã đi đầu trong phát triển du lịch văn hóa, mang đến những trải nghiệm thú vị cho du khách gần xa.

Khác với cư dân các làng Chăm ở Ninh Thuận, Bình Thuận sinh sống lâu đời dọc ven biển miền Trung, nhiều người Chăm ở An Giang do nhiều biến động lịch sử đã từ Malaysia, Campuchia di cư đến sinh sống nơi miền biên viễn đầu nguồn sông Hậu. Trải qua nhiều thế hệ, người Chăm sử dụng tiếng Việt, ăn ở không khác mấy người Việt nhưng vẫn giữ gìn bản sắc dân tộc và tôn giáo.

Chiếc khăn của người phụ nữ Chăm

Nếu không biết trước, đi trên con đường của làng Chăm Đa Phước, phụ nữ đội đầu bằng khăn Mat’ra, đàn ông mặc xà rông, xa xa là thánh đường Masjid Al-Ehsan thì người ngoài ngỡ tưởng đang ở… vùng Trung Đông. Nếu có thời gian, nhất là vào thứ sáu hàng tuần, du khách sẽ đi thăm thánh đường Hồi giáo nơi tín đồ cầu nguyện, tìm hiểu nét đẹp sinh hoạt người Chăm qua các trung tâm văn hóa cộng đồng được tổ chức quy củ.

Vẻ đẹp của thánh đường Masjid Al-Ehsan ở làng Chăm Đa Phước.

Từ thành phố biên giới Châu Đốc sầm uất vượt qua cầu Cồn Tiên là đã đặt chân đến làng Chăm Đa Phước. Nhờ giao thông thuận lợi nên từ năm 1992, làng Chăm Đa Phước đã bắt đầu đón những du khách đầu tiên. Theo thời gian, làng Chăm Đa Phước đã thành điểm đến không thể bỏ qua của nhiều du khách. Hiện nay làng đã kết nối với các điểm du lịch khác như: Núi Cấm, Miếu Bà Chúa Xứ núi Sam, rừng tràm Trà Sư…

Làng Chăm Đa Phước đẹp nhất vào mùa nước nổi, nước cuồn cuộn từ bên kia biên giới đổ về, đâu đâu cũng mênh mang nước. Những ngôi nhà đều được xây dựng kiểu nhà sàn, kết nối với nhau bằng những cầu gỗ ngoằn ngoèo, thỏa sức cho những kiểu ảnh chụp chân dung giữa miền sông nước.

Người dân Đa Phước sẽ đưa bạn đi trên những con thuyền dọc bờ sông Hậu để tham quan. Không giống như những con sông ở miền Bắc và miền Trung nước chảy xiết, đầu nguồn sông Hậu bằng phẳng, dễ đi lại để tham quan những miếu đền ven sông. Du khách còn có thể qua các làng bè thưởng thức món ăn dân dã chế biến từ thủy sản. Người dân còn rất khéo tay nấu nướng với đặc sản bún nước lèo đậm đà, bánh mì thơm ngon…

Phụ nữ Chăm bên khung dệt vải

Người Chăm ở Đa Phước là những “bậc thầy” dệt thổ cẩm nổi tiếng khắp nơi. Trước đây, nhà nào cũng có vài khung dệt để làm trang phục bán cho cộng đồng người Chăm; nhưng khi vải công nghiệp giá rẻ xuất hiện, số lượng dệt cũng theo đó mà ít dần đi.

Hiện nay, chỉ còn vài nhà duy trì dệt thổ cẩm phục vụ khách du lịch tham quan, mua sắm. Sản phẩm được ưa chuộng nhất là những chiếc khăn rằn đủ mắc sắc và kích cỡ, du khách mua về làm quà và sử dụng luôn trong chuyến đi du lịch, nhất là để che nắng chói chang vào mùa khô.

Nằm cạnh quốc lộ 91C, cách biên giới Campuchia hơn chục cây số nên ngành du lịch An Giang đã có ý thức xây dựng làng Chăm Đa Phước là điểm dừng chân cho du khách. Người dân địa phương đã trồng hai bên đường nhiều loại hoa sặc sỡ, khi xuân đến đồng loạt khoe sắc. Giữa nắng đẹp miền Nam, làng Chăm Đa Phước đơn sơ trở nên tươi sáng, ngắm nhìn thôi cũng thấy... chuếnh choáng "say" với cảnh sắc nơi đây rồi.


Du lịch Khám phá Cuộc sống Sông nước Miền Tây

Cuộc sống bà con Miền Tây mùa nước nổi sẽ đỡ vất vả hơn nhờ lượng thuỷ hải sản từ thượng nguồn tràn về. Mỗi mùa nước nổi về, hàng vạn hộ dân nghèo ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long sẽ lại được dịp ăn nên làm ra.

Mùa nước nổi ở miền Tây thường bắt đầu từ tháng 7 đến hết tháng 11 âm lịch. Cả vùng gồm các tỉnh Đồng Tháp, Long An, Tiền Giang, An Giang… dường như được đánh thức bởi muôn ngàn sinh kế của người dân. Năm nào “lũ nghèo” hay lũ về muộn, ít cá thì người dân buồn lắm, đứng ngồi không yên.

Kỳ lạ 8 Gia Đình sống trên 1 chiếc thuyền
https://www.youtube.com/watch?v=mGbf9nU3b_Y&list=PL4a8e5vP8WY3L0hP1VnPe37c59t2cwu73&index=32

Giúp đỡ làng Khmer không có Thanh Niên tại vùng biên giới Miền Tây





Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire