dimanche 22 décembre 2019

PHONG TỤC : Lễ Giáng sinh - NOEL 2019


Trương Thanh Long
Sưu tầm - Biên soạn - Bình Luận



Một mùa giáng sinh nữa đang chuẩn bị đến gần. Tất cả mọi người trên thế giới đều háo hức chờ đón một giáng sinh vui vẻ và hạnh phúc nhất sắp đến. Trong không khí vui tươi náo nhiệt ấy, chúng ta có thể bắt gặp những hình ảnh giáng sinh tuyệt đẹp ở nhiều nơi trên đường phố, tại các cửa hàng hay trung tâm thương mại.


Giới thiệu

Lễ Giáng Sinh (còn được gọi là lễ Thiên Chúa giáng sinh, Noel, Nô-en, Christmas, Xmas) là một ngày lễ kỷ niệm Chúa Giêsu được sinh ra. Theo niềm tin của phần lớn các tín hữu Kitô giáo, Chúa Giêsu được sinh ra tại Bethlehem (Bêlem) thuộc xứ Judea (Giuđêa), thuộc Đế quốc La Mã.

Hình ảnh Giáng sinh của Giêsu, tranh vẽ của 
Agnolo Bronzino (1503–1572)

Ngày lễ giáng sinh được cử hành chính thức vào ngày 25 tháng 12 nhưng thường được mừng từ chiều tối ngày 24 tháng 12 bởi theo lịch Do Thái, thời điểm tính bắt đầu một ngày là lúc hoàng hôn chứ không phải nửa đêm. Lễ chính thức ngày 25 tháng 12 được gọi là "lễ chính ngày", còn lễ đêm 24 tháng 12 gọi là "lễ vọng" và thường thu hút nhiều người tham dự hơn.

Theo lịch phụng vụ Công giáo, trước lễ Giáng Sinh là 4 tuần Mùa Vọng và sau lễ Giáng Sinh là Mùa Giáng sinh (12 ngày mùa Giáng Sinh).

Noel (phiên âm tiếng Việt: Nô-en hoặc No-en), từ tiếng Pháp: Noël. Trong tiếng Anh, ngày lễ này được gọi phổ biến là Christmas. Chữ Christ là tước hiệu của Chúa Giêsu, còn chữ Mas nghĩa là thánh lễ. Do đó Christmas là ngày "lễ của Đức Kitô". Christmas còn được viết tắt là Xmas.


Sự giáng sinh của Giêsu (Jesus)

Theo Phúc âm thì Giêsu được Maria, một phụ nữ đồng trinh và là vợ bác thợ mộc Giuse, sinh ra ở Bethlehem xứ Judea. Giêsu được sinh ra và đặt nằm trong một máng cỏ vì bà Maria và ông Giuse không tìm được chỗ trọ qua đêm khi đang cùng đoàn người du hành đến Bethlehem.

Các mục đồng chiêm bái Chúa Giê-su Hài Đồng, 
tranh vẽ của Gerard van Honthorst, 1622.

Các thiên sứ loan tin rằng người này sẽ là Đấng cứu thế, và các mục đồng đến chiêm bái. Theo Phúc âm thì các nhà thông thái đã theo hướng một ngôi sao để đến Bethlehem và dâng tặng những phẩm vật lên Chúa hài đồng, vì họ tin rằng người sinh ra để làm vua của người Do Thái.

Ba nhà chiêm tinh theo ánh sao chỉ đường tới thăm Hài Nhi Giêsu, tranh vẽ

Herod Đại đế biết được liền tàn sát tất cả các trẻ em trai mới sinh ở Bethlehem để giết Giêsu, nhưng gia đình Giêsu đã kịp chạy trốn đến Ai Cập và sau đó định cư tại Nazareth.


Biểu tượng và ý nghĩa của lễ Giáng sinh

Vòng lá mùa Vọng

Vòng lá mùa Vọng là vòng tròn kết bằng cành lá xanh thường được đặt trên bàn hay treo lên cao để mọi người trông thấy, trong 4 tuần Mùa Vọng. Cây xanh thường được trang hoàng trong các bữa tiệc chí dấu hiệu của mùa đông sắp kết thúc. Trên vòng lá đặt 4 cây nến. Tục lệ này khởi xướng bởi các tín hữu Lutheran ở Đức vào năm 1839 với 24 cây nến gồm 20 nến đỏ4 nến trắng, cứ mỗi ngày gần Giáng sinh được đốt thêm một cây nến.

Vòng lá mùa Vọng

Vòng lá có hình tròn nói lên tính cách sự sống vĩnh hằng và tình yêu thương vô tận của Thiên Chúa. Màu xanh lá nói lên hy vọng rằng Đấng Cứu Thế sẽ đến cứu con người. 4 cây nến bao gồm ba cây màu tím - màu của Mùa Vọng, cây thứ 4 là màu hồng, là màu của Chúa Nhật thứ Ba mùa Vọng, hay còn gọi là Chúa Nhật Vui mừng (Gaudete Sunday). Hoặc 4 cây nến đỏ, cứ mỗi tuần mùa Vọng đốt 1 cây nến.

4 cây nến đỏ, cứ mỗi tuần mùa Vọng đốt 1 cây nến


Hang đá

Hang đá và máng cỏ

Vào mùa Giáng sinh, một máng cỏ được đặt trong hang đá (có thể làm bằng gỗ, giấy), được dựng lên trong nhà hay ngoài trời, với các hình tượng Chúa Giê-su, Mẹ Maria, Thánh Giu-se, xung quanh là các thiên sứ, mục đồng cùng các gia súc như bò, lừa để kể lại sự tích Chúa ra đời trong máng cỏ. Bên trên thường có gắn một ngôi sao, biểu trưng cho ngôi sao đã dẫn đường cho các nhà chiêm tinh đến diện kiến Chúa Giáng sinh.


Cây Giáng sinh

Một cây thông Giáng Sinh.

Cây Giáng Sinh là cây xanh thường là cây thông được trang hoàng để trình bày trong dịp lễ Giáng Sinh theo phong tục của người Kitô giáo.

Tại châu Âu, những cây thông thường được sử dụng làm cây Giáng sinh. Như tại Đức năm 2013, 80% cây Giáng sinh là từ cây Abies nordmanniana. Chỉ riêng tiền cây, theo thống kê năm 2006, người Đức đã chi 616 triệu Euro để mua 28 triệu cây, và số lượng này ngày càng tăng, như năm 2013 tại Đức, khoảng 30 triệu cây Giáng sinh đã được bán.

Trong khi đó, tại Hoa Kỳ ngày càng có khuynh hướng dùng cây nhân tạo thay thế cây tự nhiên. Như năm 1990, tại Hoa Kỳ, khoảng 35 triệu hộ gia đình Mỹ trưng bày cây Giáng sinh tự nhiên trong lúc 36,3 triệu gia đình đã lựa chọn cây nhân tạo cùng năm đó.Năm 2000, 50,6 triệu hộ gia đình sử dụng cây nhân tạo, trong khi 32 triệu chọn cây Giáng sinh tự nhiên và đến năm 2003 doanh số bán hàng của các cây tự nhiên đạt 23,4 triệu.

Mỗi năm có từ 33 đến 36 triệu cây Giáng sinh được sản xuất ở Hoa Kỳ, tại châu Âu là từ 50 đến 60 triệu cây. Trong năm 1998, đã có khoảng 15.000 người trồng cây ở Mỹ (1/3 là các trang trại cho khách hàng đến "lựa chọn và cưa về"). Trong cùng năm đó, người ta ước tính rằng người Mỹ đã chi 1,5 tỷ $ (USD) để mua cây Giáng sinh.


Quà Giáng sinh

Những món quà biểu lộ tình yêu của mọi người với gia đình và bè bạn. Đối với một số người, những món quà Giáng Sinh còn có một ý nghĩa tín ngưỡng sâu sắc. Đó là lễ kỷ niệm ngày sinh của Chúa Giê-su, món quà mà Thiên Chúa đã ban tặng cho con người.

Khi Chúa Giê-su cất tiếng khóc chào đời tại Bethlehem trong một cái máng cỏ, ba nhà thông thái (hay nhà chiêm tinh, theo truyền thống cũng là ba vị vua) từ phương Đông đã đến để bày tỏ sự thành kính của mình. Họ mang đến ba món quà quý giá, đó là vàng, nhũ hươngmộc dược.
- Vàng có ý nói Chúa Giêsu là vua
- Nhũ hương để tuyên xưng Giêsu là Thiên Chúa
- Mộc dược tiên báo cuộc khổ nạn và sự chết của Chúa Giêsu để cứu chuộc nhân loại.

Ba vị vua rất giàu có nhưng những người dân nghèo hầu như chẳng có tài sản cũng mang đến bất cứ những gì họ có thể để tỏ lòng thành kính với Chúa Hài đồng. Những người chăn cừu tặng Giêsu hoa quả và những món đồ chơi nhỏ do chính họ tạo ra.

Theo truyền thuyết xưa, Ông già Noel thường cưỡi xe tuần lộc trên trời, đến nhà có cây thông Giáng sinh và leo qua ống khói để đem đến những món quà cho các em nhỏ đang ngủ và thường để quà trong những chiếc bít tất (vớ).

Ông già Noel

Ngoài ra, ngày nay ở Việt Nam thì Giáng sinh cũng là dịp để các bạn trẻ có cơ hội gửi cho nhau những món quà, những bó hoa tươi và lời chúc tốt đẹp đến người thân và bạn bè.


Chợ Giáng sinh

Chợ Giáng sinh tại Köln, trước Nhà thờ chính tòa Köln

Chợ Giáng sinh là một chợ đường phố kiểu truyền thống được tổ chức vào dịp Giáng sinh (thường bắt đầu khoảng 1 tháng trước Lễ Giáng sinh) có nguồn gốc tại vùng đất ngày nay là nước Đức và Đông Bắc nước Pháp. Bắt đầu xuất hiện từ cuối thời Thời kỳ Trung Cổ (khoảng thế kỷ XIV), cho đến nay chợ Giáng sinh vẫn là nét văn hóa truyền thống đặc sắc của Đức, Áo và Đông bắc Pháp trong dịp Giáng sinh cũng như được phổ biến đến nhiều quốc gia khác trên thế giới.


Lễ Giáng Sinh ở các nước

Châu Âu

Ở hầu hết các quốc gia châu Âu, ngày lễ Giáng Sinh vào hai ngày 25 và 26 tháng 12 là ngày nghỉ lễ chính thức có trả lương cho tất cả người lao động. Đối với người châu Âu, theo truyền thống Giáng sinh trước hết là một dịp đoàn tụ gia đình, để mỗi người nói lên tình yêu và tỏ sự quan tâm tới những người thân trong gia đình, họ hàng và với bạn bè, hàng xóm, khi những người con đi làm xa về thăm lại gia đình. Sau buổi thánh lễ vào chiều ngày 24 tháng 12, thường được nối tiếp là một bữa ăn tối chung trong gia đình và trao quà vào lúc nửa đêm; từ buổi chiều là ngoài đường gần như không còn người qua lại. Sáng ngày 25 tháng 12, thường là cả gia đình cùng đi nhà thờ dự thánh lễ.

Tại Đức, các chiều ngày 24 (nửa ngày), ngày 25 và 26 tháng 12 là ngày nghỉ quốc gia có trả lương và không được phép mở cửa tiệm buôn bán (ngoại trừ tại nhà ga xe lửa hoặc sân bay). Chiều tối và đêm 24 tháng 12 là nằm trong danh sách luật "những ngày lễ yên lặng" (Stille Tage), có những luật cấm tùy theo các bang như cấm tổ chức khiêu vũ, cấm làm ồn, cấm tổ chức tất cả các sự kiện giải trí bên ngoài nhà....

Một bản đồ thế giới, các quốc gia thành viên của Thịnh vượng chung được tô màu xanh đậm

Tại Anh và các quốc gia Thịnh vượng chung Anh có truyền thống trao quà vào ngày tặng quà 26 tháng 12.  Thịnh vượng chung của các quốc gia (Commonwealth of Nations) là một tổ chức liên chính phủ của 53 quốc gia thành viên hầu hết từng là lãnh thổ của cựu Đế quốc Anh.


Hà Lan

Cũng như các quốc gia Tây Âu khác, tại Hà Lan không khí lễ hội bắt đầu từ mùa Vọng, đặc biệt là từ đêm 6 tháng 12, đêm thánh Nicolas. Món quà của thánh Nicolas tặng cho ba chị em nghèo khổ qua chiếc ống khói phong tục treo tất ở ống khói có thể được bắt nguồn từ câu chuyện này.

Không khí Giáng sinh tuyệt vời tại Amsterdam, Hà Lan

Theo truyền thuyết, mỗi năm vị Thánh bổn mạngAmsterdam này đi thuyền tới thành phố với người cộng sự của mình là Black Peter ăn mặc như một người Moor (người châu Phi da đen, người Ả Rập có nguồn gốc Bắc Phi). Họ được đón chào nồng nhiệt. Mọi người trao đổi quà với nhau và họ náo nức chuẩn bị cho mùa Giáng sinh.

Mùa lễ Giáng sinh ở Amsterdam bắt đầu với sự hình thành của Sinterklaas (Saint Nicholas) vào đêm 5/12, hay còn gọi là đêm Thánh Nicholas. Vào đêm, 5/12, Sinterklaas sẽ xuất hiện và ghé thăm tất các các gia đình để tặng quà cho trẻ em. Đây được coi là một trong những ngày lễ lớn dịp Giáng sinh. Đồng thời là ngày được mọi đứa trẻ ở Amsterdam hay ở khắp đất nước Hà Lan mến mộ và mong đợi.


Hoa Kỳ

Giáng sinh ở Mỹ tuyệt

Giáng Sinh là ngày lễ lớn nhất ở Hoa Kỳ, tương tự với Tết Nguyên Đán ở Việt Nam, đều nhấn mạnh đến ý nghĩa sum họp gia đình. Sau lễ Tạ ơn vào Thứ Năm cuối cùng của tháng 11, dân chúng lẫn những nơi buôn bán bắt đầu chuẩn bị cho lễ Giáng Sinh.


Hungary

Du lịch Hungary mùa Noel du khách sẽ có cơ hội trải nghiệm nhiều hoạt động thú vị. 
Ảnh: voiceofeurope.com

Theo truyền thống, các gia đình Hungary vẫn ăn chay cho đến hết ngày 24 tháng 12 và bữa chay tối chung ngày 24 tháng 12 của cả gia đình được chuẩn bị chu đáo với các món táo, hạnh nhân, mật ong và tỏi, các loại ngũ cốc, kèm xúp đậu nấu với bơ, sau này khi tục lệ ăn chay được nới lỏng, họ có thể thêm món súp cá hoặc bắp cải nhồi thịt. Cũng theo phong tục, bà chủ nhà không được rời bàn tiệc trong suốt buổi ăn và mọi người đứng ăn, và rơm được đặt dưới bàn để tưởng nhớ sự tích Chúa Giêsu ra đời trong máng cỏ.


Nga

Du lịch Nga mùa đông đón Giáng sinh cổ tích ở Matxcova

Đối với những người theo Chính thống giáo Nga, nhiều nước Đông Âu và ở đất thánh Jerusalem, Giáng sinh rơi vào ngày 7 tháng 1 bởi họ dùng lịch Julius chứ không dùng lịch Gregorius có từ thế kỷ XVI. Ông già Tuyết trong ngày Giáng sinh theo Chính thống giáo Nga có vẻ ngoài tương tự như "đồng nghiệp" ở phương Tây nhưng mặc áo màu xanh và có một người cháu đi theo trợ giúp là Công chúa Tuyết. Công chúa là người trao quà cho trẻ em. Với nhiều người Nga, lý do chính để ăn mừng Giáng sinh không phải bản thân ngày lễ này, mà đây là dịp để nghỉ ngơi.


Nhật Bản

Nhật Bản không có ngày nghỉ lễ Giáng Sinh chính thức. Giáng Sinh ở Nhật Bản không mang nhiều màu sắc tôn giáo. Từ đầu tháng 12, phố xá đã bắt đầu treo đèn trang trí. Các trung tâm lớn ở Tokyo như ga Tokyo, Ikebukuro, Shinjuku, Shibuya, Roppongi, Ginza v.v. đều treo đèn gọi là illumination rất đẹp. Đặc biệt nổi tiếng có lẽ là hành lang đèn có tên "Tokyo Millenario" do đạo diễn mỹ thuật người Ý tên là Valerio Festi thiết kế chạy dài 800 m tại Marunouchi gần ga Tokyo.

Giáng Sinh ở Nhật Bản

Gần đến ngày Giáng Sinh tại các quảng trường đều có đặt cây thông. Các siêu thị bán nhiều mặt hàng cho lễ Giáng Sinh như giày ủng đỏ đựng đầy bánh kẹo bên trong, các vòng lá thông gắn băng lụa đỏ và chuông mạ vàng, có cả bánh ngọt mùa Giáng Sinh của châu Âu như panettone có xuất xứ từ Italia.

Một số nhân viên bán hàng hóa trang thành ông già Noel khi phục vụ khách hàng. Các cửa hàng bách hóa lớn (department stores) mở cửa đến 11 giờ đêm, làm việc cả 31 tháng 12 và 1 tháng 1. Trai gái thường lấy mùa Giáng Sinh để tỏ tình, tặng quà nhau mang ý nghĩa đặc biệt. Vào đêm Giáng Sinh các gia đình Nhật thường ăn bánh ngọt mùa Giáng Sinh do họ tự làm hoặc mua ở hiệu.


Việt Nam

Mặc dù đang sửa chữa nhưng Nhà thờ Đức Bà ở Sài gòn 
vẫn là địa điểm check-in thu hút nhiều du khách

Ngày nay, ở Việt Nam, dù không phải là ngày nghỉ chính thức nhưng Giáng sinh dần dần được coi như một ngày lễ chung, thường được tổ chức vào tối 24 và kéo sang ngày 25 tháng 12. Một số công ty, tổ chức tư nhân có thể cho nhân viên nghỉ trong ngày Giáng sinh.

Cây thông và ông già Noel

Trong những ngày này, cây thông Nô-en được trang trí ở nhiều nơi, có thể là cây nhân tạo làm bằng nhựa, hoặc cây thật thường là thông ba lá hoặc thông đuôi ngựa, trong khi ở các nước phương tây dùng đa dạng các loài thông, vân sam, lãnh sam. Trên cây, người ta thường treo các đồ trang trí nhiều loại nhưng thường có những cặp chuông, dây giả tuyết, những chiếc ủng, các gói quà tượng trưng và đèn trang trí giống như các nước phương Tây.

Nhà thờ Đức Bà ở Hà Nội

Lễ Giáng sinh ở Việt Nam là một dịp sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Trong đêm Giáng Sinh, những đôi tình nhân âu yếm tặng quà cho nhau, trẻ em háo hức chờ sự xuất hiện của ông già Noel, gia đình bè bạn rủ nhau hội hè, yến tiệc, hát karaoke,... và đặc biệt là những người Công giáo thì chuẩn bị tham dự thánh lễ tại thánh đường giáo xứ hoặc giáo họ của mình.








Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire