mardi 8 octobre 2024

(VN) Ý nghĩa của 10 câu tục ngữ Việt nam về " GIÁO DỤC "

 Bạn có thể bấm vào đây để xem tài liệu mới cập nhật.



1. Cao nhân tất hữu cao nhân trị



Câu tục ngữ "Cao nhân tất hữu cao nhân trị" có nghĩa trong cuộc sống, nói cách khác là trên cõi đời này đừng ai cho rằng mình là người tài giỏi nhất, là thông minh nhất bởi vì mình đã giỏi nhưng ngoài đời ắt có người giỏi hơn. Đồng thời phê phán những người tài giỏi mà mắc chứng bệnh tự cao, tự đại hoặc hay khoe khoang, khoác lác thì ắt một ngày nào đó sẽ có người tài giỏi hơn trừng trị hoặc dạy cho một bài học nhớ đời để chừa tật vênh váo.

Giải thích

- Cao nhân: người giỏi

- Tất: chắc hẳn là

- Hữu: có

- Trị: làm cho mất khả năng


2. Có học mới biết, có đi mới đến



Có đi mới đến nghĩa là muốn đến nơi nào thì phải bước chân đi. Cứ ngồi một chỗ thì muốn đến nơi thật gần cũng không bao giờ đến nơi. Có học mới biết nghĩa là có học mới hiểu điều hay lẽ phải. Không chịu học thì điều rất xoàng, rất dễ cũng không bao giờ biết được. Câu này lấy sự đi đường để đến nơi nào làm thí dụ; khuyên ta nên học, có học thì muốn biết điều gì mới biết được.

Giải thích

- Học: thu nhận kiến thức, luyện tập kĩ năng do người khác truyền lại

- Biết: có ý niệm về người, vật hoặc điều gì đó

- Mới: từ biểu thị điều sắp nói đến chỉ được thực hiện khi đã có điều kiện vừa nói trước đó

- Đi: tự di chuyển từ chỗ này đến chỗ khác bằng những bước chân nhấc lên, đặt xuống liên tiếp

- Đến: có tại một nơi nào đó sau một quá trình di chuyển từ nơi khác.


3. Đi một ngày đàng, học một sàng khôn



Câu tục ngữ là kinh nghiệm mà cha ông ta đã đúc rút để truyền cho thế hệ đi sau. Kiến thức mà chúng ta muốn tìm hiểu tựa như đại dương bao la, những gì chúng ta biết chỉ là một giọt nước nhỏ mà thôi. Bởi vậy không ngừng tìm kiếm, không ngừng học hỏi là điều mà bạn nên biết, nên làm. Chúng ta cần bỏ thời gian để đi đến những vùng đất lạ, đến những nơi đó chúng ta sẽ thấy được có nhiều điều bất ngờ, sẽ học hỏi từ mọi người, học hỏi từ văn hóa của vùng miền đó.

Giải thích :

- Đàng: đường (ý chỉ con đường)

- Sàng: Đồ đan bằng tre, hình tròn, lòng nông có lỗ nhỏ và thưa, thường dùng để làm cho gạo sạch thóc, trấu và tấm.


4. Học ăn, học nói, học gói, học mở



Từ câu tục ngữ, người xưa muốn khuyên răn con người nên khéo léo trong công việc, cách đối nhân xử thế cuộc sống hàng ngày. Chúng ta cần biết học tập từ những thứ nhỏ nhặt, cơ bản nhất: trong ăn uống phải biết phép lịch sự; trong giao tiếp phải biết cách xưng hô nói năng lễ phép, nhã nhặn; trong cuộc sống cần biết giữ gìn tiết kiệm, .... Ngoài những kiến thức trong sách vở, chúng ta còn phải học những kỹ năng trong cuộc sống. Có như thế mới trở thành người có văn hóa trong xã hội.

Giải thích :

- Học ăn: Nhìn vào cách ăn uống cũng có thể giúp chúng ta đánh giá được trình độ văn hóa của một người. Ăn uống lịch sự, hòa nhã sẽ tạo ra thiện cảm với người khác, đồng thời cho thấy người đó xuất thân từ gia đình có lối sống đẹp.

- Học nói: Ngôn ngữ là hình thức giao tiếp rất quan trọng trong cuộc sống con người. Mà đã là con người cần học cách ăn nói khéo léo, nhã nhặn, để có thể tạo dựng được những mối quan hệ tốt với mọi người xung quanh và dễ dàng đạt được thành công trong cuộc sống. 

- Học gói, học mở: Gói và mở ở đây không đơn thuần là học những kỹ năng trong việc gói bánh, mở quà, mà còn học cách ứng xử khéo léo, sắp xếp mọi thứ đúng lúc, đúng chỗ.


5. Muốn biết phải hỏi, muốn giỏi phải học



Câu tục ngữ là một lời khẳng định chắc chắn của người xưa. Một khi muốn biết một điều gì đó, chúng ta phải chủ động hỏi và tìm hiểu. Còn việc muốn trở nên giỏi giang và hiểu biết, chắc chắn là phải học tập.

Giải thích :

- Biết: tiếp nhận kiến thức thông qua học tập

- Hỏi: nói ra điều mình muốn người ta cho mình biết với yêu cầu được trả lời

- Giỏi: có trình độ cao, đáng được khâm phục, khen ngợi

- Học: thu nhận kiến thức, luyện tập kĩ năng do người khác truyền lại


6. Cá không ăn muối cá ươn, Con cãi cha mẹ trăm đường con hư



Câu tục ngữ đã mượn hình ảnh con cá bị ươn do không được ướp muối cẩn thận để nhắc nhở mỗi người cần phải biết nghe lời cha mẹ. Ngoan ngoãn, vâng lời cha mẹ cũng chính là một biểu hiện của sự kính trọng, biết ơn với người đã sinh ra mình.

Giải thích :

- Cá ăn muối: cá đươc ướp muối với mục đích để lâu.

- Cá ươn: thịt cá không còn tươi, có mùi ôi thiu.


7. Người có chí thì nên, nhà có nền thì vững



Câu tục ngữ nhắc nhở chúng ta dù có khó khăn đến mấy, nếu có ý chí, kiên trì, siêng năng thì vẫn có thể vượt qua và đạt được thành quả như mong muốn; cũng giống như khi xây nhà, làm nền nhà có chắc thì nhà mới vững được.

Giải thích :

- Nên: có kết quả tốt.

- Nền: lớp đất đá dưới cùng để đỡ móng nhà.


8. Dao có mài mới sắc, người có học mới nên



Câu tục ngữ là lời khuyên của người xưa về việc học tập. Giống như việc mài dao, chúng ta cần kiên trì, nỗ lực học hỏi mỗi ngày để đạt được thành công rực rỡ.

Giải thích :

- Mài: hành động làm một vật trở nên nhẵn, sắc hoặc có kích thước vừa hơn bằng cách cọ xát vật lên bề mặt cứng.

- Nên: ý chỉ sự thành công, có kết quả tốt.


9. Học đi đôi với hành



Câu tục ngữ đề cao vai trò của việc kết hợp thực hành và học lý thuyết trong học tập nói riêng và trong các ngành nghề nói chung. Nếu chỉ học mỗi lý thuyết, chúng ta sẽ không có kĩ năng làm việc, đồng thời cũng bị nhanh quên kiến thức hơn.

Giải thích :

- Đi đôi: làm hai việc song song, đồng thời với nhau.

- Hành: thực hành, làm một việc gì đó sau khi đã học lý thuyết.


10. Học thầy học bạn, vô vạn phong lưu



Câu tục ngữ là lời khuyên quý giá cho con người về tầm quan trọng của việc học tập. Cần học tập từ thầy cô và bạn bè để thu thập kiến thức, rèn luyện kĩ năng và hoàn thiện bản thân. Học tập là con đường để đạt được thành công và có một cuộc sống tốt đẹp.

Giải thích :

- Vô vạn: chỉ số lượng rất nhiều, không đếm xuể

- Phong lưu: trong ngữ cảnh câu tục ngữ này, phong lưu được hiểu là phong phú, đa dạng, ý chỉ kiến thức và hiểu biết








Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire