mardi 18 février 2020

BLOG : Kỷ niệm những cuộc chiến biên giới Việt - Trung


Trương Thanh Long
Sưu tầm - Biên soạn - Bình Luận

Như mọi năm 17/2, các tổ chức xã hội tại Việt Nam đặt vòng hoa hay dâng hương tưởng niệm đồng bào, chiến sĩ Việt Nam hy sinh trong cuộc chiến biên giới Việt - Trung.

Nhưng năm nay, do dịch COVID-19, nhiều người Việt Nam đành thắp nén nhang lòng tưởng niệm. Mạng xã hội vẫn là nơi đăng tải các dòng tưởng niệm hay ý kiến chia sẻ về những cuộc chiến, như một hình thức tưởng niệm trong thời kỹ thuật số.


Người dân tham gia tưởng niệm 38 năm cuộc chiến biên giới Việt-Trung tại Hà Nội, 
ngày 17/02/2017. REUTERS/Kham

Theo các nhà quan sát phương Tây ước tính, thì quân và dân Việt Nam hy sinh trong những cuộc chiến biên giới - mà nguyên nhân là từ Trung Quốc gây ra - khoảng 100.000 người.

Vì từ vụ Trung Quốc xâm lược, bắn giết người Việt Nam để chiếm Hoàng Sa của Việt Nam 19/1/1974; tiếp đó là Bắc Kinh dùng cộng sản Polpot xâm lược Tây Nam Việt Nam; đặc biệt cuộc xâm lược 6 tỉnh biên giới Bắc Việt Nam từ 17/2/1979 -1989; vụ thảm sát 64 sĩ quan binh sĩ Việt Nam tại Gạc Ma để chiếm Gạc Ma và một số đảo đá thuộc Trường Sa của Việt Nam 14/3/1988, cho đến nay, Trung Quốc vẫn đang chiếm giữ và xây căn cứ quân sự trên đó.


1. Hải chiến Hoàng Sa 1974

Hải chiến Hoàng Sa là một trận chiến giữa Hải quân Việt Nam Cộng hòa (VNCH)Hải quân Trung Quốc xảy ra vào ngày 19/01/1974 trên quần đảo Hoàng Sa. Cả hai phía đều tuyên bố có chủ quyền ở quần đảo này, trong khi Liên Hợp Quốc không xác nhận chủ quyền của bất kỳ nước nào ở Hoàng Sa, dẫn tới các tranh chấp về chủ quyền, cuối cùng tạo ra xung đột.

Quần đảo Hoàng Sa

Sau khi Pháp rút khỏi Đông Dương theo Hiệp định Genève 1954, toàn bộ phần lãnh hải phía nam vĩ tuyến 17 của Việt Nam do quân đội Pháp kiểm soát sẽ được chuyển giao cho Quân đội Quốc gia Việt Nam, bao gồm cả quần đảo Hoàng Sa. Sau khi chính phủ VNCH được thành lập dựa trên cơ sở kế thừa Quốc gia Việt Nam thì quần đảo này thuộc sự kiểm soát của VNCH. Trong thời gian chuyển giao giữa Pháp và Quốc gia Việt Nam vào năm 1956, Trung Quốc (Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa) đã chiếm một phần quần đảo Hoàng Sa và Đài Loan (Trung Hoa Dân quốc) đã chiếm đảo Ba Bình (thuộc quần đảo Trường Sa). Như vậy, cả hai phía đều chỉ chiếm giữ và thực thi chủ quyền tại một phần quần đảo, vả cả hai bên đều tuyên bố có chủ quyền với toàn bộ quần đảo. Sau các căng thẳng ngoại giao, đến năm 1974 thì cuộc hải chiến xảy ra. Dù có tàu chiến mạnh hơn nhiều lần cả về kích thước lẫn hỏa lực nhưng Hải quân VNCH đã nhanh chóng thất bại, và Trung Quốc coi đây là một chiến thắng đầy kỳ tích của hải quân nước này.


Sau trận đánh, không quân VNCH có kế hoạch huy động lực lượng áp đảo Trung Quốc để tái chiếm quần đảo, nhưng lãnh đạo VNCH đã ra lệnh hủy bỏ chiến dịch do không có sự ủng hộ từ Hoa Kỳ. Để đổi lấy quan hệ đồng minh với Trung Quốc, Hoa Kỳ đã cảnh báo chế độ VNCH không được đánh trả và ngầm công nhận Hoàng Sa sẽ thuộc về Trung Quốc. Trung Quốc chiếm giữ toàn bộ quần đảo Hoàng Sa cho đến nay.


2. Bắc Kinh dùng cộng sản Polpot xâm lược Tây Nam Việt Nam
(Chiến tranh biên giới Tây Nam 1975-1989)



Chiến tranh biên giới Tây Nam là cuộc xung đột quân sự giữa Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt NamCampuchia Dân chủ. Cuộc chiến có nguyên nhân từ các hoạt động quân sự của quân Khmer Đỏ tấn công vào lãnh thổ Việt Nam, giết chóc người dân và đốt phá làng mạc Việt Nam trong những năm 1975 – 1978.

Việc đánh đổ Khmer Đỏ đã được thực hiện xong từ năm 1979, tuy nhiên tàn quân Khmer Đỏ vẫn còn tồn tại và đe dọa chính phủ mới tại Campuchia, và Việt Nam đóng quân ở lại Campuchia trong suốt 10 năm tiếp theo.

Quân đội Nhân dân Việt Nam tiến vào Phnom Penh năm 1979

Cuộc chiến có thể chia làm 4 giai đoạn:

- Giai đoạn 1 (Từ giữa năm 1975 đến cuối năm 1978)
Khmer Đỏ tổ chức nhiều cuộc tấn công vào lãnh thổ Việt Nam, phá hủy nhiều ngôi làng và giết hại hàng ngàn thường dân Việt Nam. Phía Việt Nam chỉ tổ chức phòng ngự và cố đàm phán tìm giải pháp hòa bình, nhưng Khmer Đỏ bác bỏ.

- Giai đoạn 2 (Từ tháng 12 năm 1978 đến tháng 5 năm 1979)
Khmer Đỏ tổ chức cuộc tấn công lớn nhất vào lãnh thổ Việt Nam với 19 sư đoàn nhưng bị phía Việt Nam bẻ gãy. Sau cuộc tấn công, Việt Nam thấy không có cơ hội để đàm phán hòa bình nên đã tổ chức tấn công lớn vào Campuchia, lật đổ Khmer Đỏ và lập nên chế độ mới do Heng Samrin đứng đầu. Tàn quân Khmer Đỏ chạy sang ẩn náu bên kia biên giới Thái Lan.

- Giai đoạn 3 (Từ giữa năm 1979 đến cuối năm 1985)
Khmer Đỏ với sự trợ giúp về lương thực, vũ khí của Thái Lan, Trung Quốc Hoa Kỳ đã tổ chức đánh du kích và đe dọa sự tồn tại của chế độ Cộng hòa Nhân dân Campuchia.

Năm 1982, Việt Nam rút bớt quân khỏi Campuchia, ngay sau đó Khmer Đỏ hoạt động mạnh trở lại và chiếm một số khu vực. Nhận thấy quân đội Cộng hòa Nhân dân Campuchia còn rất yếu ớt nên không thể tự chống cự được, Việt Nam buộc phải tiếp tục đóng quân tại Campuchia để bảo vệ chế độ Hun Sentruy quét Khmer Đỏ.

Mùa khô 1984 - 1985, cuộc tấn công quyết định của Việt Nam đã phá hủy các căn cứ chính của Khmer Đỏ, khiến Khmer Đỏ suy yếu đi nhiều và không còn đủ sức đe dọa chế độ mới của Campuchia.

- Giai đoạn 4 (Từ 1986 tới 1989)
Sau chiến dịch mùa khô năm 1985, nhận thấy chế độ Cộng hòa Nhân dân Campuchia đã tự đứng vững được, từ năm 1986, Việt Nam rút dần quân khỏi Campuchia và đến năm 1989 thì rút hết. Nhân việc Việt Nam rút quân, các lực lượng tàn quân của Khmer Đỏ định tái hoạt động, nhưng bị quân đội Hun Sen đánh bại. Khmer Đỏ dần tan rã, các lãnh đạo bị bắt và bị đưa ra xét xử ở tòa án quốc tế.


3. Chiến tranh biên giới Việt–Trung 1979


Chiến tranh biên giới 1979, hay thường được gọi là Chiến tranh biên giới Việt – Trung năm 1979, là một cuộc chiến ngắn nhưng khốc liệt giữa Cộng hòa Nhân dân Trung HoaCộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, nổ ra vào ngày 17/2/1979 khi Trung Quốc đưa quân tấn công Việt Nam trên toàn tuyến biên giới giữa 2 nước.

Dân binh Trung Quốc trong các đội tải thương. Ước tính có khoảng 4.000 lính Trung Quốc 
tử trận chỉ trong 2 ngày đầu của cuộc chiến.

Chiến tranh biên giới Việt – Trung bắt nguồn từ quan hệ căng thẳng kéo dài giữa hai quốc gia, diễn ra trong khoảng một tháng với thiệt hại về người và tài sản cho cả hai phía.

Cuộc chiến kết thúc khi Trung Quốc tuyên bố hoàn thành rút quân vào ngày 16/3/1979 sau khi Chủ tịch Tôn Đức Thắng bên phía Việt Nam kí lệnh Tổng động viên toàn dânTrung Quốc đã đánh chiếm các thị xã Lạng Sơn, Lào Cai, Cao Bằngmột số thị trấn vùng biên. Sau đó cả Trung Quốc và Việt Nam đều tuyên bố đã chiến thắng.


Mặc dù chịu thiệt hại lớn và thất bại trong việc buộc Việt Nam phải rút quân khỏi Campuchia nhưng Trung Quốc đã chứng minh được rằng đối thủ Liên Xô sẽ không trực tiếp tham chiến để bảo vệ đồng minh Việt Nam của mình. Cuộc chiến cũng để lại hậu quả lâu dài đối với nền kinh tế Việt Nam và căng thẳng trong quan hệ giữa hai nước. Xung đột vũ trang tại biên giới giữa hai nước vẫn còn tiếp diễn thêm hơn mười năm nữa. Tới năm 1991, sau khi Liên Xô tan rã, Quan hệ ngoại giao Việt – Trung mới chính thức được bình thường hóa.


4. Xung đột giành quyền kiểm soát tại quần đảo Trường Sa 1988


Xung đột giành quyền kiểm soát tại quần đảo Trường Sa 1988 là sự kiện xung đột tại khu vực quần đảo Trường Sa năm 1988 khi Hải quân Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc tấn công vũ trang hòng chiếm đóng bãi đá Cô Lin, bãi đá Len Đao bãi đá Gạc Ma, bấy giờ đang được Hải quân Nhân dân Việt Nam cho người bảo vệ và đang xây công trình trên các đảo này. Sự kiện xảy ra khi mà dư luận thế giới đang tập trung vào tình hình Campuchia, trước khi các nước ASEAN lắng dịu lại quan hệ với Việt Nam trong vấn đề Campuchia.


Do 3 bãi đá này không có quân đội đồn trú nên Hải quân Việt Nam phải đưa quân ra bảo vệ và xây công trình trên các đảo. Phía Trung Quốc cho quân đổ bộ ngăn chặn, nổ súng để giật cờ Việt Nam trên bãi đá Gạc Ma, sau đó lại dùng pháo trên chiếm hạn bắn vào tàu vận tải hải quân Việt Nam (không có pháo để tự vệ), khiến cuộc chiến nổ ra vào ngày 14/3/988.

- Phía Việt Nam bị mất 3 tàu vận tải của Hải quân Việt Nam, 64 thủy binh Việt Nam đã thiệt mạng.

- Trung Quốc bị hư hại một số xuồng đổ bộ, thương vong 24 thủy binh. Sau đó, Trung Quốc đổ quân chiếm đóng bãi đá Gạc Ma và hai nước cùng cho hải quân ra đóng giữ một số đá ngầm khác mà hai bên cùng tuyên bố chủ quyền.

Trong các tài liệu của Hải quân Việt Nam, sự kiện này là một phần trong các hoạt động "bảo vệ chủ quyền" trong Chiến dịch CQ-88 (Chủ quyền-88).


5. Vụ xâm nhập của tàu Hải Dương địa chất 08 của TQ 2019

Tàu Hải Dương Địa Chất 8. Ảnh: Cục Khảo sát Địa chất Trung Quốc

Ngày 18/6/2019 tàu cảnh sát biển được trang bị vũ khí hạng nặng ký hiệu 35111 của Trung Quốc đang neo đậu cách Bãi Tư Chính 40 dặm về phía tây đã thực hiện các hành vi khiêu khích xung quanh dàn khoan Hakuryu-5 (thuê của Nhật Bản, hoạt động từ ngày 15 tháng 5 năm 2019), ở lô 06-01 thuộc Dự án Nam Côn Sơn, liên doanh của Việt Nam với Nga.

Từ 03/7/2019 tàu thăm dò địa chất Hải Dương 8 thuộc quyền quản lý và sử dụng của chính phủ Trung Quốc đã đi vào vùng biển gần với khu vực Bãi Tư Chính. Đi theo bảo vệ tàu này còn có 3 tàu hải giám của Trung Quốc được vệ tinh phát hiện, đặc biệt là tàu hải giám trên 10.000 tấn ký hiệu 3901 và tàu dân quân biển Qiong Sansah Yu0014. Trong lúc đó, cũng có sự xuất hiện của các tàu cảnh sát biển mang cờ Việt Nam ở khu vực này, thực hiện các hoạt động cần thiết để bảo vệ vùng đặc quyền kinh tế của mình.

Tàu Kiểm Ngư Việt Nam hoạt động bảo vệ quanh nhà giàn DK1

Ngày 16/7/2019, trả lời câu hỏi của một số phóng viên trong và ngoài nước liên quan đến diễn biến gần đây ở Biển Đông, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nói: "Mọi hoạt động của nước ngoài trên các vùng biển Việt Nam nếu không được phép của Việt Nam đều vô giá trị, xâm phạm vùng biển Việt Nam, vi phạm luật pháp quốc tế và Công ước của Liên hợp quốc về luật Biển 1982".

Ngày 17/7/2019, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng nói: "Chính phủ Việt Nam nên tôn trọng chủ quyền của Trung Quốc đối với một số khu vực trên biển Đông và phía Việt Nam cũng nên kiềm chế hành động sẽ làm trầm trọng thêm tình hình trong khu vực'.

Ngày 19/7/2019, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị bình luận về phát biểu của ông Cảnh Sảng, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nêu rõ:  "đây là vùng biển hoàn toàn của Việt Nam, được xác định theo đúng các quy định của Công ước của Liên hiệp quốc về Luật Biển 1982 mà Việt Nam và Trung Quốc đều là thành viên. Việt Nam đã tiếp xúc nhiều lần với phía Trung Quốc ở các kênh khác nhau, trao công hàm phản đối, kiên quyết yêu cầu chấm dứt ngay các hành vi vi phạm, rút toàn bộ tàu ra khỏi vùng biển Việt Nam; tôn trọng quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam vì quan hệ hai nước và ổn định, hòa bình ở khu vực".

Chiều 25/7/2019, tại cuộc họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao, bà Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh “Việt Nam đã có nhiều hình thức giao thiệp ngoại giao phù hợp, trao công hàm phản đối phía Trung Quốc, yêu cầu các tàu rút ngay khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Nhà giàn DK1. Ảnh: Đoàn Bổng

Ngày 16/8/2019, trả lời câu hỏi của phóng viên Việt Nam và nước ngoài liên quan đến việc tàu khảo sát Hải Dương 8 của Trung Quốc trở lại hoạt động xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa của Việt Nam, bà Hằng nêu rõ: "Theo thông tin của các cơ quan chức năng, ngày 13/8/2019, tàu khảo sát Hải Dương 8 và một số tàu hộ tống của Trung Quốc đã trở lại hoạt động xâm phạm vùng biển Việt Nam. Đây là vùng biển hoàn toàn thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam, được xác định theo các quy định của Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982".

Ngày 22/8/2019, trả lời câu hỏi của báo chí xung quanh hoạt động của nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 của Trung Quốc ở vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, Bà Hằng cho biết "Việt Nam nhiều lần giao thiệp với Trung Quốc về vấn đề này, yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay vi phạm, rút toàn bộ tàu ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, không có những hành vi làm gia tăng căng thẳng, gây phức tạp tình hình, đe dọa đến hòa bình, ổn định và an ninh ở Biển Đông cũng như khu vực."


BÌNH LUẬN

Chính sách đối ngoại của Việt Nam (VN) cùng lúc có mối quan hệ song phương với Trung Quốc (TQ) và Hoa Kỳ (HK), cố gắng giữ thăng bằng trong cách ứng xử, để không bị coi là thiên lệch bên nay hay bên kia. Để thực hiện mối quan hệ trên, VN đưa ra một chính sách đối ngoại đa phương trung lập với chủ trương cụ thể “3 không”:

- không tham gia liên minh quân sự với nước nào,

- không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự trên lãnh thổ Việt Nam và

- không về phe nước nào chống lại một nước khác.

Với chủ trương “3 không” về quân sự an ninh quốc phòng, như một lời cam kết làm an lòng TQ, rằng VN sẽ không liên minh với HK và bất cứ nước nào để chống lại TQ.

Do đó, trước khi làm điều gì liên quan đến Hoa Kỳ, Hà Nội luôn tham khảo trước với Bắc kinh cách này cách khác. Trong các chuyến công du Hoa Kỳ của các lãnh đạo VN, thường là họ phải ghé qua Bắc Kinh trước khi đến Washington.

Vào năm 1995 khi được Hoa Kỳ bãi bỏ cấm vận, thiết lập quan hệ ngoại giao với VN. Từ đó, sau đó và nhờ đó VN đã từng bước phát triển nhiều mặt, nhất là mặt kinh tế.

VN trong thâm tâm đều hiểu ngầm rằng thành quả phát triển nhiều mặt, nhất là mặt kinh tế hôm nay, Hoa Kỳ đã đóng vai trò chủ yếu và tương lai đối tác HK tốt hơn TQ, sẽ là chỗ dựa đối trọng vững chắc cho VN, vừa phát triển đến tự cường, vừa ngăn chặn được tham vọng lấn chiếm đất liền, biển đảo của TQ.

Trong quan hệ song phương với Trung Quốc,VN đã luôn tỏ ra cố gắng duy trì tình hữu hảo, muốn được đối xử bình đẳng trên cơ sở tôn trọng độc lập chủ quyền của nhau, vì lợi ích của hai nước Việt-Trung. Nhất là chính sách “3 không” này là để tránh không bị nước láng giềng Trung Quốc có lý do thực hiện tham vọng bá quyền và lấn chiếm đất đai biển đảo của Việt Nam, cũng như gây khó khăn nhiều mặt cho Việt Nam.

VN đã chứng tỏ làm hết sức mình, đi từ tránh né, nhún nhường, nhượng bộ đến thái độ và hành động kiên quyết đối với TQ trong việc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ biển đảo của Tổ Quốc hiện nay. VN đã và đang tiếp tục thực hiện các bước cần thiết cải tiến, tăng cường trang bị vũ khí, sức mạnh an ninh quốc phòng tự chủ, không phải để tự mình đương đầu để chiến thắng trong một cuộc xung đột quân sự không cân sức với TQ; song chỉ muốn nói lên ý chí và quyết tâm của VN sẵn sáng đương đầu với tham vọng xâm lăng VN của TQ. Đồng thời có thêm yếu tố để được sự quan tâm, hổ trợ tích cực, toàn diện của quốc tế để ngăn chặn kịp thời bất cứ hành động “ỷ mạnh hiếp yếu” và chặn đứng tham vọng xâm chiếm Biển Đông của Trung Quốc.


THAM KHẢO

Hải chiến Hoàng Sa 1974 sẽ có trong sách sử Việt Nam
https://tuoitre.vn/hai-chien-hoang-sa-1974-se-co-trong-sach-su-viet-nam-1372861.htm

Cuộc chiến biên giới 1979
https://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/tieudiem/cuoc-chien-bien-gioi-1979-xep-lai-bat-dong-508325.html

Những ngụy lý của Trung Quốc trong chiến tranh biên giới 1979
https://news.zing.vn/nhung-nguy-ly-cua-trung-quoc-trong-chien-tranh-bien-gioi-1979-post916152.html

Vì sao Trung Quốc đánh chiếm Gạc Ma năm 1988
https://vnexpress.net/thoi-su/vi-sao-trung-quoc-danh-chiem-gac-ma-nam-1988-3364758.html

Bộ Ngoại giao nói về khu vực bãi Tư Chính, giàn khoan DK1 đang bị Trung Quốc xâm phạm
https://dantri.com.vn/xa-hoi/bo-ngoai-giao-noi-ve-khu-vuc-bai-tu-chinh-gian-khoan-dk-1-dang-bi-trung-quoc-xam-pham-20190725165214042.htm



Đánh giá về Hải chiến Hoàng Sa 1974 | VTC1
https://www.youtube.com/watch?v=QayIdqzK-OI

Chiến tranh biên giới Tây Nam: Cuộc chiến bắt buộc | VTC1
https://www.youtube.com/watch?v=FntI6H764Ds

Chiến tranh biên giới phía Bắc: Lịch sử không thể bóp méo
https://www.youtube.com/watch?v=WlMhqj0S45Y

Liệt sĩ Gạc Ma - Hải chiến Trường Sa năm 1988
https://www.youtube.com/watch?v=qDgLyHXnOg4

Truyền hình VOA 15/8/19: TQ đưa 2 tàu hải cảnh tối tân vào Bãi Tư Chính?
https://www.youtube.com/watch?v=gDlSSbUKJpw









Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire