mercredi 11 avril 2018

THẾ GIỚI : Mỹ tấn công Syria: "Phòng không S-400 Nga đọ sức tên lửa Tomahawk của Mỹ ?"



Trương Thanh Long
Sưu tầm - Biên soạn - Bình Luận



Theo Tổng hợp Internet 12/04/2018 - Theo nhận định của các chuyên gia, nhiều khả năng Nga sẽ lần đầu tiên sử dụng đến hệ thống phòng không S-400 để đánh chặn các đợt tấn công tên lửa của Mỹ vào Syria.

Nước Mỹ đã mạnh mẽ tuyên bố sẽ tấn công tên lửa đáp trả Chính phủ của Tổng thống Syria Bashar al-Assad trước cáo buộc sử dụng vũ khí hóa học giết hại dân thường tại thị trấn Douma, Đông Ghouta.

Đáp lại, Nga - một đồng minh thân cận của Syria cũng cam kết sẽ đánh chặn cả tên lửa và các phương tiện mang phóng chúng nếu Damascus bị tấn công, đặc biệt khi các căn cứ và quân nhân Nga triển khai ở Syria bị đe dọa.

Trước những diễn biến nóng bỏng của tình hình, các chuyên gia quân sự - quốc phòng và giới quan sát chiến sự Syria đã đưa ra những phán đoán về kịch bản tấn công có thể được Mỹ và đồng minh phát động trong những ngày, thậm chí là những giờ tới đây.


Tên lửa nào sẽ được Mỹ sử dụng?

Phát biểu trên kênh truyền hình Al Jazeera, Lawrence Korb - cựu Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ nhận định, có rất nhiều khả năng Washington sẽ vẫn dùng đến tên lửa Tomahawk.

Loại tên lửa này đã từng được Quân đội Mỹ huy động để tấn công Syria vào tháng 4 năm ngoái để đáp trả cáo buộc chính phủ Damascus đã tấn công hóa học tại thành phố Khan Sheikhoun do phiến quân kiểm soát thuộc tỉnh Idlib.

Lầu Năm Góc đã phóng 59 quả tên lửa hành trình Tomahawk từ hai tàu chiến neo đậu trên biển Địa Trung Hải vào căn cứ không quân Shayrat ở tỉnh Homs nơi các quan chức Mỹ cho rằng đã diễn ra vụ tấn công hóa học. 6 quân nhân Syria đã thiệt mạng trong vụ tấn công đó.

Lần này nếu Mỹ phát động tấn công Syria, theo nhận định của các nhà phân tích, tên lửa hành trình Tomahawk có thể sẽ tiếp tục là công cụ chính được sử dụng.

"Theo nhiều nguồn tin, cả chính thức và không chính thức, Mỹ đã triển khai tới Địa Trung Hải và Biển Đỏ các tàu chiến mang tên lửa hành trình", Fuad Shahbazov, chuyên gia an ninh và quân sự ở Azerbaijan cho biết.

"Các vụ tấn công bằng máy bay chiến đấu cũng có thể được tính đến vì Mỹ đang vận hành nhiều căn cứ không quân lớn tại các quốc gia vùng Vịnh".


Đâu sẽ là những mục tiêu bị tấn công? 

Theo chuyên gia Shahbazov, Mỹ có rất nhiều khả năng sẽ tấn công các cơ quan chỉ huy, trụ sở đầu não của Quân đội Syria cũng như các nhà kho được cho là chứa vũ khí hóa học.

Dựa trên phân tích vị trí hoạt động của các tàu hải quân Mỹ mang tên lửa hành trình, những căn cứ, trụ sở quan trọng của Syria và của các lực lượng ủng hộ Tổng thống Assad có thể sẽ phải hứng chịu những đợt tấn công từ biển.

Tuy nhiên, chuyên gia Afzal Ashraf đến từ Trung tâm Nghiên cứu An ninh Xung đột và Khủng bố lại cho rằng, việc nội dung đăng tải trên Twitter của Tổng thống Donald Trump đề cập cụ thể tới "các tên lửa thông minh" sẽ được sử dụng có thể không phù hợp với những toan tính của các tư lệnh quân sự Mỹ và một chiến lược mới có thể sẽ được hoạch định.

"Thông thường, họ không thích tuyên bố trước những gì sẽ làm và cách thức sẽ thực hiện", ông Ashraf chia sẻ. "Vì vậy, quân đội Mỹ có thể quyết định sử dụng một phương án khác".


Cuộc tấn công Syria lần này nhằm mục đích gì?

Theo chuyên gia Korb, mục đích chính của cuộc tấn công sẽ là ngăn chặn Syria tái sử dụng vũ khí hóa học. Thế nhưng, chưa rõ liệu Mỹ có biết chắc các vị trí cất trữ loại vũ khí này hay không.

"Nếu biết được vũ khí hóa học nằm ở đâu, chắc chắn những địa điểm đó sẽ bị tấn công. Nhưng nếu mục đích chỉ như vậy thì câu hỏi đặt ra là tại sao họ không tấn công từ trước. Vì vậy, các cuộc tấn công sẽ là những mục tiêu quân sự", ông Ashraf chia sẻ.

Chuyên gia Ashraf cũng dự đoán, Mỹ chắc chắn sẽ bố trí các máy bay chiến đấu và tàu chiến hải quân cách xa phạm vi hoạt động của các lực lượng Nga.

"Dường như đó sẽ là các cuộc tấn công bằng tên lửa hành trình cùng các loại tên lửa khác từ ngoài tầm với của các hệ thống phòng không để tránh khả năng đụng độ giữa các tàu chiến và máy bay do Mỹ và Nga hậu thuẫn".

"Nếu kịch bản ngược lại diễn ra, nghĩa là một ranh giới đỏ rất lớn đã bị vượt qua và chúng ta sẽ chứng kiến cuộc chiến Nga - Mỹ ở một vùng lãnh thổ rất khó khăn. Đó là điều chưa ai thực sự chuẩn bị", ông Ashraf nhận xét.


Nga sẽ dùng hệ thống phòng thủ tên lửa nào phản công?

Theo ông Korb, phản ứng của Nga rất có thể chỉ giới hạn ở mức độ lên án công khai nếu Mỹ không tấn công vào các mục tiêu quân sự của Moscow. Tuy nhiên, chuyên gia Shahbazov lại nhấn mạnh, những cảnh báo tấn công đáp trả của Bộ Quốc phòng Nga cần phải được chú ý.

"Hành động đáp trả của Nga sẽ bao gồm các cuộc tấn công tên lửa vào những tổ chức đối lập và các vị trí quân sự của các lực lượng đặc nhiệm Mỹ".

S-300, hệ thống tên lửa phòng không chính của Nga đã được triển khai tại Syria từ cuối năm 2016.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, có khả năng Nga sẽ sử dụng hệ thống S-400 hiện đại hơn, cũng được điều đến Syria từ cách đây hơn 1 năm.

Tổ hợp phòng thủ tên lửa này có thể thách thức tất cả các loại máy bay hiện đại nhưng Nga lại chưa từng dùng đến tại chiến trường Syria.

Korb nhận định có rất nhiều khả năng Nga sẽ phản đòn tấn công của Mỹ, còn Ashraf thì cho rằng rất nhiều mục tiêu của Mỹ ở Syria có thể sẽ bị tấn công.

"Nếu những tuyên bố của Nga là hiện thực, các tên lửa Tomahawk của Mỹ sẽ bị đánh chặn", ông Ashraf kết luận.


Mỹ bắn 59 tên lửa Tomahawk vào Syria 4/2017


BÌNH LUẬN

Một năm trước đây 4/2017, sau cáo buộc Syria sử dụng vũ khí hóa học giết hại dân thường, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ra lệnh tấn công nước này bằng 59 quả tên lủa hành trình Tomahawk phá hủy căn cứ không quân Shayrat.

Năm nay, diễn biến tương tự có vẻ như đang lặp lại sau nghi vấn Chính phủ Syria tiếp tục dùng vũ khí hóa học tấn công người dân ở Douma, Đông Ghouta hôm 7/4/2018. Ông chủ Nhà Trắng lại đang đứng trước quyết định có phát động một đợt tấn công quân sự trừng phạt Syria nữa hay không.

Sau vụ không kích Shayrat vào tháng 4/2017, Mỹ tuyên bố đã phá hủy 20 máy bay chiến đấu, mà theo như miêu tả của Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis là tương đương với 20% sức mạnh của không quân Syria, đồng thời đã làm suy yếu nghiêm trọng căn cứ không quân này.

Tuy nhiên, nhiều báo cáo đưa ra sau đó đã đặt ra nghi vấn về tuyên bố trên của Mỹ vì chỉ vài giờ sau vụ tấn công, các máy bay của Syria vẫn tiếp tục cất cánh.

Lần này, theo giới chuyên gia, nếu ông Trump muốn chuyển tải một thông điệp mạnh mẽ hơn thì một lựa chọn tiên quyết là phải phá hủy hoàn toàn sức mạnh không quân của Syria.

Reuven Ben-Shalom - chuyên gia phân tích quân sự, người từng có 25 năm phục vụ Quân đội Israel (IDF) thậm chí còn coi khả năng quân sự của Syria "như một trò đùa".

Vị chuyên gia này đưa ra một con số minh họa: Theo Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế có trụ sở ở London, không quân Syria có 15.000 binh lính, trong khi con số này của Israel là 34.000, còn của Mỹ là 316.000.

Ben-Shalom nói rằng, ưu thế vượt trội về quân sự của Israel đủ đảm bảo nước này có thể phá hủy hoàn toàn không quân Syria. Mỹ thì hậu quả còn lớn hơn gấp nhiều lần.

Nhưng điều quan trọng ở đây, Ben-Shalom nói thêm, đối đầu không chỉ về khả năng quân sự mà "vấn đề chính yếu là chiếc ô mà Nga đã trao cho Syria. Người Nga đang ở Syria. Nếu Mỹ mạo hiểm tấn công thì rất có thể hành động phiêu lưu này sẽ châm ngòi cho chiến tranh thế giới thứ ba".

Jeremy Binnie, nhà phân tích quốc phòng đồng thời là biên tập viên phụ trách khu vực Trung Đông của Jane's by IHS Markit cho biết: "Hải quân Mỹ có thể sử dụng các tên lửa hành trình Tomahawk để tiến hành một đợt không kích lớn hơn nhiều lần như đã từng thực hiện với căn cứ Shayrat nếu họ huy động đủ tàu khu trục và tàu ngầm tấn công".

Các mục tiêu mục tiêu có nguy cơ cao bị tấn công sẽ là máy bay cùng nhiều phương tiện chiến đấu khác thay vì chỉ là các căn cứ.

Binnie dự đoán, Mỹ có thể phát động một chiến dịch không kích mạnh gấp 4 lần năm ngoài. Vì vậy, "nếu vụ tấn công Shayrat phá hủy được 20% sức mạnh không quân Syria như Mỹ từng tuyên bố thì lần này, với sức mạnh gấp 4 lần, về lý thuyết hoàn toàn có thể xóa sổ lực lượng này".

Tuy nhiên, theo Binnie, cũng cần phải tính tới những tiến bộ của Syria trong lĩnh vực phòng không vì họ đã được tăng cường bởi các hệ thống phòng thủ S-400 của Nga.

Nhưng rủi ro lớn nhất mà ông Trump đang phải đối diện không, có thể không phải là các hệ thống phòng không của Nga, mà là khả năng những người Nga sẽ bị thiệt mạng trong chiến dịch không kích.

Năm ngoái, Mỹ đã cảnh báo Nga trước khi tấn công Shayrat và có thể thực hiện điều tương tự trong năm nay. Người Mỹ cũng biết những chỗ nào ở các căn cứ Syria có người Nga đóng quân. Nhưng Ben-Shalom cảnh báo, trong chiến tranh, mọi thứ vẫn có thể diễn ra ngoài dự kiến.



Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire