jeudi 29 avril 2021

THẾ GIỚI : 100 ngày đầu tiên của Tổng thống Mỹ Joe Biden

 

Trương Thanh Long
Sưu tầm - Biên soạn - Bình Luận

Bạn có thể bấm vào đây để xem tài liệu mới cập nhật. 



Tổng thống Joe Biden có bài phát biểu đầu tiên trước Quốc hội Mỹ kể từ khi lên nắm quyền. (Ảnh: EPA-EFE)


Theo CNN, Reuters - Ngày 28/4/2021 (giờ Mỹ), Tổng thống Mỹ Joe Biden đã có bài phát biểu đầu tiên trước Quốc hội Mỹ. Sự kiện đánh dấu 100 ngày đầu tiên của ông kể từ khi lên nắm quyền.


Vào ngày 21/4/2021, Joe Biden hoan nghênh sự tiến bộ của việc tiêm chủng chống lại Covid-19: hơn 200 triệu liều đã được tiêm vào ngày này.

Mở đầu bài phát biểu, Tổng thống Joe Biden nhấn mạnh đến thành công của chính quyền đương nhiệm trong nỗ lực đối phó với đại dịch COVID-19. Ông cho biết, đã hoàn thành mục tiêu chiến dịch tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 cho hơn 200 triệu người dân Mỹ trong 100 ngày đầu tiên trên cương vị Tổng thống. Ông Joe Biden cho biết, mục tiêu tiêm được 100 triệu liều vaccine cho người dân Mỹ trong 100 ngày đầu tiên đã đạt được vào vào ngày thứ 58, sớm hơn 42 ngày so với kế hoạch ban đầu.

"100 ngày kể từ khi tôi nhậm chức, tiếp nhận một quốc gia đang gặp khủng hoảng vì đại dịch tồi tệ nhất trong một thế kỷ, cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất kể từ cuộc đại suy thoái, cuộc tấn công nặng nề nhất nhằm vào nền dân chủ kể từ sau nội chiến… Giờ đây, sau 100 ngày, tôi có thể nói với các bạn rằng nước Mỹ đang trên đà phát triển trở lại. Biến nguy cơ thành tiềm năng, khủng hoảng thành cơ hội, thất ại thành sức mạnh", Tổng thống Mỹ nhấn mạnh.

Ngay sau khi lên nắm quyền, Tổng thống Joe Biden đã đề ra hàng loạt các biện pháp phòng chống dịch mạnh mẽ, trong đó có quy định bắt buộc đeo khẩu trang tại các khu vực thuộc quyền kiểm soát của Chính phủ liên bang, bắt buộc đeo khẩu trang trên các phương tiện giao thông công cộng, duy trì giãn cách xã hội, đẩy mạnh xét nghiệm và truy vết tiếp xúc. Các biện pháp đó đã mang lại kết quả khi giúp tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ giảm, các trường học đã mở cửa trở lại để đón học sinh cũng như giúp các gia đình Mỹ quay trở lại cuộc sống bình thường.

Đề cập đến các gói cứu trợ kinh tế, Tổng thống Mỹ cho biết, kế hoạch cứu trợ nền kinh tế phục hồi sau đại dịch COVID-19 trị giá 1.900 tỷ USD được Quốc hội Mỹ thông qua là “một gói cứu trợ hiệu quả nhất trong lịch sử nước Mỹ”, bao gồm khoản hỗ trợ trực tiếp cho hầu hết người Mỹ, các doanh nghiệp nhỏ và vừa, mở cửa lại hệ thống trường học công và đẩy mạnh chiến dịch tiêm chủng.

Chính quyền Tổng thống Joe Biden hiện cũng đang nỗ lực vận động Quốc hội thông qua dự luật nhằm hiện đại hóa cơ sở hạ tầng lên tới hơn 2.000 tỷ USD. Đề xuất này của Tổng thống Joe Biden được đưa ra sau gói cứu trợ kinh tế trị giá 1.900 tỷ USD. Theo ông Joe Biden, khoản đầu tư này cho tương lai nước Mỹ, trải dài trong 8 năm tới sẽ giúp tạo ra tăng trưởng và việc làm cũng như tăng sức cạnh tranh quốc tế cho các doanh nghiệp.

Ngoài ra, ông Joe Biden cũng dự kiến sẽ công bố “Kế hoạch Gia đình Mỹ” trị giá 1.800 tỷ USD, trong đó bao gồm các khoản dành cho chương trình quốc gia chăm sóc y tế trẻ em, người lao động nghỉ phép có lương và miễn học phí tại các trường cao đẳng. Kế hoạch này là phần thứ 2 trong đề xuất gồm 2 phần nhằm giúp khôi phục nền kinh tế Mỹ sau những tác động của đại dịch COVID-19. “Kế hoạch Gia đình Mỹ”, được Nhà Trắng trình bày như một nỗ lực "đầu tư lịch sử" cho giáo dục và trẻ em Mỹ.

Khi đề cập đến vấn đề tăng thuế với người Mỹ giàu nhất, ông Joe Biden cho biết ông muốn những người Mỹ giàu có phải chia sẻ “phần công bằng của họ”. Việc tăng thuế đối với những người giàu được Nhà Trắng miêu tả như là nguồn đầu tư trực tiếp cho thế hệ trẻ và các gia đình Mỹ, cũng như giúp thúc đẩy khả năng phục hồi và tăng trưởng kinh tế Mỹ.


Cảnh sát Derek Chauvin ở Minneapolis, người đã bị kết tội vào tuần trước trong vụ giết  hại người da màu không vũ trang George Floyd vào năm 2020

Về vấn đề người nhập cư, Tổng thống Joe Biden cho biết ông muốn chấm dứt “cuộc chiến chống nhập cư đầy mệt mỏi” của nước Mỹ và “… đã đến lúc phải thay đổi”, ông Joe Biden nói. Trong bài phát biểu của mình, Tổng thống Joe Biden cũng đề cập đến vấn đề phân biệt chủng tộc khi đất nước phải đối mặt với những vụ bạo lực mới của cảnh sát đối với người da màu. Ông như viện dẫn vụ xét xử cảnh sát Derek Chauvin, một cựu cảnh sát ở Minneapolis, người đã bị kết tội vào tuần trước trong vụ giết  hại người da màu không vũ trang George Floyd vào năm ngoái. Tổng thống Joe Biden kêu gọi Quốc hội nhanh chóng thông qua Đạo luật Công lý George Floyd để cải tổ cảnh sát.

Do những biện pháp hạn chế nhằm ngăn chặn đại dịch COVID-19 lây lan, bài phát biểu của ông Joe Biden trước Quốc hội chỉ có một số lượng hạn chế các nghị sỹ tham dự. Phó Tổng thống Kamala Harris và Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi trở thành 2 người phụ nữ đầu tiên chủ trì cuộc họp Quốc hội khi một Tổng thống đương nhiệm phát biểu trước Quốc hội. Ông Joe Biden đã cảm ơn 2 người vì “thời khắc lịch sử này”.

Trước đó, ngày 26/3/2021, Tổng thống Joe Biden cũng đã tổ chức cuộc họp báo chính thức đầu tiên kéo dài hơn 1 giờ đồng hồ tại Nhà Trắng kể từ khi nhậm chức. Theo một cuộc khảo sát do Hãng tin Reuters thực hiện cùng thời điểm cho thấy, có đến 59% người dân Mỹ hài lòng với những kết quả mà chính quyền Tổng thống Joe Biden đạt được kể từ khi ông chính thức nhậm chức Tổng thống.


BÌNH LUẬN


Tổng thống Mỹ Joe Biden (trái), ngày 15/3/2021 và Tổng thống Nga Vladimir Putin (bên phải), ngày 6/3/2020.  (ERIC BARADAT / SPUTNIK)

Nhắc tới Tổng thống Nga Vladimir Putin với lời lẽ cứng rắn, Biden nói “Tôi biết một số trong các bạn lo ngại về Nga, nhưng tôi đã nói rõ với Tổng thống Putin rằng dù Mỹ không tìm cách leo thang, họ sẽ phải chịu hậu quả nếu những hành vi đó của họ là có thật, và chúng sẽ đúng là sự thật“, khi đề cập cáo buộc Nga về nhân quyền, can thiệp bầu cử Mỹ và tấn công mạng nước này.


Biden và Tập Cận Bình trong lần gặp gỡ năm 2013.

Với Trung Quốc, Biden khẳng định Washington sẽ “đối mặt” với Bắc Kinh, nhưng không tìm cách gây chiến với nước này. Ông cho hay đã trao đổi với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình rằng Mỹ “hoan nghênh cạnh tranh, nhưng không tìm kiếm xung đột”.


Donald Trump (ảnh: Getty Image)

Donald Trump, bậc thầy nói dối
https://thanhlong52.blogspot.com/2020/11/blog-donald-trump-bac-thay-noi-doi.html

Dân chủ, lạm quyền, báo chí tự do… không ngăn cản một Tổng thống nói dối như ông Trump vào Nhà Trắng. Khuyên dân Mỹ coi thường Covid để hơn nửa triệu người chết trong khi ông ta lặng lẽ đi tiêm vắc xin tự cứu mình. Trước khi về vườn còn xúi người biểu tình tấn công nhà Quốc hội.

Ông Biden lãnh hậu quả nặng nề của nước Mỹ hậu Trump. Nhưng 100 ngày ông làm được thế là đáng kinh ngạc. Chiến dịch tiêm phòng của Mỹ đạt thành tựu đáng kể, song phiên họp cũng bị giới hạn người tham dự. Thay vì phòng họp Hạ viện với khoảng 1.600 chính trị gia và khách như thường lệ, ông Biden chỉ phát biểu trước một nhóm được chọn lọc gồm khoảng 200 người.

Khi ông Biden phát biểu, Dân chủ hoan hô, Cộng hòa ngồi im. Phe Cộng hòa không muốn nghe Tổng thống Dân chủ, họ còn rất cay cú Trump thất cử, đổ lỗi cho cuộc bầu cử bị ăn cắp, gian lận, dù không có chứng cứ. Phía sau bục ông Biden phát biểu có hai bà là Phó Tổng thống kiêm Chủ tịch Thượng viện Kamala Harris và Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi.

Ông Biden cũng làm cho giới trung lưu Mỹ yên tâm bị tăng thuế. Những người dân Mỹ thu nhập dưới 400.000 USD/năm không phải là người bị tăng thuế trong chính sách thuế mới được ông đề ra. Ông xác định rõ: “Tầng lớp trung lưu Mỹ đã đóng đủ phần của họ!



























mercredi 21 avril 2021

BLOG : " Đời Người Như Giấc Mộng " với " DANH - LỢI - TÌNH "

 

Trương Thanh Long
Sưu tầm - Biên soạn - Bình Luận

Bạn có thể bấm vào đây để xem tài liệu mới cập nhật. 


Rất nhiều người có cách nghĩ rằng, cuộc đời này vốn ngắn ngủi, không tận hưởng cho trọn vẹn thì quả là phí lộc trời. Do đó họ một đời tranh đấu, bon chen rồi truy hoan, buông thả. Nhưng liệu có phải người ta chỉ đến thế gian này để sống trong một kiếp, để hưởng lạc thú trần gian? Liệu những thứ danh, lợi, tình khiến con người ngược xuôi một đời truy cầu có quan trọng đến thế?

Sau đây chúng ta sẽ cùng định vị rõ : danh, lợi tình là thứ gì, tại sao nó có thể thao túng con người và rốt cuộc nó mang lại cho người ta những gì?


Danh

Ở đời ai mà không muốn bảo vệ thanh danh của mình, ai mà chẳng mong được người khác đề cao, tôn trọng? Nhưng chữ danh này chính là ngọn nguồn cho nhiều đau khổ của con người. Khi bị đẩy đến cực đoan, coi trọng danh sẽ trở thành một loại ràng buộc, chấp nhất. Người cứ khăng khăng muốn có “danh” sẽ bất chấp thủ đoạn để cầu danh, kẻ nằng nặc nói là muốn giữ danh dự bản thân sẽ trở nên ngoan cố, bảo thủ.

Có những người một đời chỉ chạy theo chữ “danh” này mà khổ não, muộn phiền. Họ phấn đấu, nỗ lực gian khổ nhiều phen để truy cầu danh tước, chức vị, để được xã hội công nhận là người thành công, người có danh tiếng. Có câu rằng: “Hùm chết để da, người ta chết để tiếng“. Có thể thấy rằng loại ràng buộc vào danh tiếng này quả là mạnh mẽ, đến tận khi nhắm mắt nhiều người vẫn không buông bỏ được.

Nhiều người vẫn nghĩ rằng sống trên đời có chút danh tiếng thì có gì sai, chẳng lẽ làm kẻ vô danh tiểu tốt mới là đúng? Tất nhiên con người sống cũng phải cần giữ phẩm giá, nhân cách và bảo toàn danh tiết. Nhưng có người vì chút khẩu khí, vì giữ danh tiếng mà thậm chí không màng sống chết. Như vậy chẳng phải đó lại là một loại cực đoan, một trạng thái không đúng đắn sao?

Con người ai cũng mong muốn có được một sự công nhận của đồng loại, của xã hội. Sự công nhận đó khiến người ta cảm giác được ý nghĩa của mình trong quần thể. Vì muốn được vượt lên trên người khác, muốn được lưu danh, nhiều người đã bất chấp mọi thủ đoạn để cầu danh, kể cả làm việc xấu.

Nhưng cái danh kia quả thực là một thứ hư vô (không có gì tồn tại). Khi người ta đã nhắm mắt xuôi tay, cái danh đó có khi chỉ còn là vài dòng chữ ghi trên bia mộ. Quan chức quyền to đến mấy, danh cao đến đâu, một khi mất chức thì cũng chỉ làm một công dân bình thường, bất quá chỉ còn chút danh hão. Do vậy, danh là một thứ rất thực tại nhưng cũng rất hư ảo.

Sống trên đời không quan trọng là bạn có danh hay vô danh, mà là có hiểu đạo “tri túc” (biết đủ) hay không. Những bậc đại trí sĩ khi công thành danh toại thường có một cách hành xử đặc biệt: “cáo lão về quê”, an hưởng tuổi già, buông bỏ công danh, lợi lộc. Cổ nhân giảng “tri túc”, trung dung, ở đời không cầu giàu sang, phú quý quá, vật chất chỉ cần ở mức trung còn tinh thần thì phải trên mức trung.

Đeo đuổi danh tất có ngày mất danh, ràng buộc vào danh ắt có ngày phải thống khổ vì danh. Vả chăng, danh tiếng cũng chưa chắc mang lại hạnh phúc lâu bền, trái lại khiến người ta suốt đời không được thanh thản.


Lợi

Mưu cầu lợi ích cá nhân lâu nay vẫn được nhiều người coi là lẽ đương nhiên. Tôi làm lợi cho cá nhân, gia đình, thử hỏi có gì sai trái? Xã hội này thử hỏi ai mà không làm như thế? Trong cõi nhân sinh bon chen, người ta đã coi việc mưu cầu lợi lộc kể cả bất chấp thủ đoạn là một việc hợp tình, hợp lý.

Từ một tầng nghĩa sâu hơn mà xét, mưu lợi ắt là phải cạnh tranh hơn thua với người. Nhưng nhiều người muốn mau chóng cầu được lợi lộc, không chịu nhọc công làm ăn chân chính, lại thường chọn những thủ đoạn thấp hèn, trái đạo lý để hại người. Như vậy, cái lợi mà họ thu được chính là từ việc hành ác, tạo nghiệp mà nên. Cái lợi đó đương nhiên không thể vững bền.

Người xưa cũng cho rằng chỉ có tiểu nhân mới suốt đời chạy theo chút lợi nhỏ, không ngừng tranh tranh đấu đấu, gây bao tội ác. Người quân tử thì “trọng nghĩa khinh lợi”, coi tiền tài chỉ là vật ngoài thân. Nhà thơ Lý Bạch từng viết: “Đời người đắc ý hãy vui tràn. Nghìn vàng tiêu sạch rồi lại có“. Cái khí chất ấy thực là ít người có được vậy.

Phật gia giảng rằng người ta sở dĩ được phú quý, sung túc ở đời này là do đã tích được phúc báo ở kiếp trước chứ tuyệt nhiên không phải vì tranh nhau hơn thua, dùng mọi thủ đoạn trục lợi mà thành. Như vậy, theo giáo lý của nhà Phật, mọi lợi lộc của đời người ta là đã được an bài sẵn. Kẻ nào tranh đua, dùng thủ đoạn để giành được nhiều lợi hơn cũng chỉ là nhất thời, sau này khẳng định là sẽ phải đền bù đủ. Đó là cái lý nghiệp lực luân báo mà nhà Phật vẫn thường nói đến.

Những lợi lộc mưu cầu được trong một đời người thực ra không hề bền vững. Tiền tài, nhà lầu, xe hơi… đều chỉ là đồ bỏ đi một khi người ta nhắm mắt xuôi tay. Khi về cõi chết, ngay cả thân thể của mình người ta cũng không thể giữ cho nó tránh khỏi mục nát, thử hỏi những thứ vật chất kia còn ý nghĩa gì? Chúa Jesus cũng giảng với các con chiên của mình rằng: “Ngươi là bụi đất và sẽ trở về với bụi đất“.

Tương truyền, Alexander Đại Đế trước khi chết đã yêu cầu các thuộc hạ của mình làm 3 việc sau:
- để các ngự y giỏi nhất của mình khiêng quan tài,
- rải châu báu, ngọc ngà, của cải suốt đời dành dụm của mình suốt dọc con đường ra nghĩa địa và
- muốn người ta đặt hai bàn tay mình thò ra bên ngoài cỗ quan tài. 

Ý tứ ở đây là Alexander muốn người đời hiểu được rằng:
- thầy thuốc giỏi cỡ nào cũng bất lực khi đối diện với cái chết,
- của cải nhiều đến đâu lúc chết cũng không mang theo được và
- khi từ giã cõi đời rồi thì con người chỉ còn lại hai bàn tay trắng mà thôi.


Tình

Là con người, ai cũng có “Thất tình lục dục”. “Thất tình” bao gồm:
- Hỉ (vui),
- Nộ (giận),
- Ái (yêu),
- (ghét),
- Ai (khổ),
- Lạc (vui),
- Dục (muốn). 

Đó vốn là những thứ cảm xúc chi phối cuộc đời người ta. Đương nhiên, con người cũng không phải gỗ đá, vẫn phải chịu cái tình ấy chi phối. Tình mà chúng ta muốn bàn ở đây nằm trong một phạm vi hẹp hơn, là tình cảm nam nữ.

Thuận theo sự phát triển của xã hội, người ta cũng thay đổi dần quan niệm về tình yêu nam nữ. Ngày xưa, người ta luôn cho rằng “Nam nữ thụ thụ bất thân” mới là trạng thái đúng đắn nhất trong mối quan hệ này. Điều này xuất phát từ lễ nghi truyền thống văn hoá của người Á Đông, vốn trọng sự lịch thiệp. “Thụ thụ bất thân” không có nghĩa là hoàn toàn đoạn tuyệt không cho nam nữ giao du với nhau mà là tránh những cử chỉ tiếp xúc quá gần gũi, thân mật, không đoan chính. Về lý mà nói, điều đó hoàn toàn hợp lý.

Tuy nhiên, sự cởi mở của các quan niệm hiện đại đã khiến ranh giới đó ngày càng mờ dần đi. Sự tiếp xúc giữa hai giới ngày càng nhiều, đem đến lại sự thoải mái nhất định trong quan hệ nhưng cũng đồng thời khiến các nền tảng đạo đức lung lay. Người ta nói: “Lửa gần rơm lâu ngày cũng bén“, nam nữ tiếp xúc lâu ngày ắt nẩy sinh tình cảm. Trong khi chưa thể có quan niệm đúng đắn (hoặc đã bị các loại quan niệm biến dị chi phối), người ta thường vượt qua ranh giới, thậm chí làm nên những chuyện bại hoại nhân luân.

Những chuyện ấy xảy ra âu cũng bởi người ta quá ư ràng buộc vào chữ “tình”. Anh hùng khó qua ải mỹ nhân, gái thuyền quyên, trai anh hùng thực là xứng đôi, có “yểu điệu thục nữ” thì ắt phải có “quân tử hảo cầu”. Lẽ thường luôn là như vậy. Nhưng có một vấn đề khá nghiêm trọng là khi bị ái tình ràng buộc, người ta có thể làm nên những chuyện trái luân thường, đạo lý.

Có thể thấy, ái tình đúng là một con dao hai lưỡi. Khi đôi lứa say trong tình mộng thì tưởng như có thể quên cả tháng ngày, rong chơi bốn bể, một túp lều tranh, hai trái tim vàng. Nhưng khi đã ân đoạn, nghĩa tuyệt, trở mặt thành thù, thì tình chính là một con quỷ dữ, khiến người ta trở thành tàn bạo, bất nhân.

Người mà cứ mãi đuổi theo chữ tình thì một đời ôm lấy phiền não trong lòng, rốt cuộc cũng chẳng khác nào đuổi hơi, bắt bóng, hái hoa trong gương, mò trăng đáy nước? Tình khởi nguồn từ sắc. Mà sắc lại không thể bền vững mãi. Thời gian trôi đi, khi nhan sắc hao mòn, ai dám chắc rằng cái tình kia vẫn còn nguyên vẹn? Vậy mới nói, tình là thứ hư ảo nhất thế gian, dù tưởng đã nắm trong tay mà lại hư không, trống rỗng vô cùng.

Cho nên, người làm việc lớn thì không thể quá luỵ tình. Quá chấp vào tình thì khẳng định sẽ chuốc lấy thương đau. Phù Sai (vua thứ 25 của nước Ngô - Trung Quốc) vì tình với đại mỹ nhân Tây Thi mà nước mất, nhà tan, bản thân chịu nhục. Trụ Vương (vua cuối cùng đời nhà Thương - Trung Quốc) cũng vì tình với Đát Kỷ (Vương hậu thứ hai) mà thân bại danh liệt, nghìn năm còn lưu tiếng xấu. Tình là thứ thuốc phiện thoả mãn dục vọng nhất thời nhưng sự tàn phá âm thầm, lặng lẽ của nó là không thể đếm đo.

Phật gia giảng hết thảy mọi thứ trên cõi hồng trần này đều là huyễn mộng, đều là hư ảo. Giới tu luyện cũng cho rằng công danh, lợi lộc của đời người ta qua nhanh như sương khói, chẳng thể vững bền. Mệnh trời đã định, những đấu tranh quyết liệt, vô tận kia cuối cùng chẳng thể đổi thay kiếp số của mình, lại tự chuốc lấy tổn thương, oán hận.


BÌNH LUẬN

Không phải ngẫu nhiên mà văn hoá truyền thống Á Đông luôn cho rằng con người phải sống thuận theo tự nhiên. Phật gia giảng muốn dứt bể khổ cần phải biết buông xả. Đạo gia giảng: “Phản bổn quy chân”, trở về với bản tính thuần thiện, nguyên sơ. Nho gia cũng giảng về việc “tuân theo thiên mệnh”, kính sợ mệnh trời.

Suốt bao nhiêu năm, từ cội nguồn lịch sử, con người vẫn luôn mang trong mình câu hỏi vạn thuở: “Ta là ai? Ta từ đâu đến, rồi sẽ đi về đâu?”. Các triết gia đã trả lời, các nhà văn cũng thế, nhưng rốt cuộc chẳng ai nói cho minh bạch được. 

Nhân sinh đúng là một giấc mơ màng, trăm năm trôi qua tựa như mộng. Một đời người bất quá chỉ là vài chục năm ngắn ngủi, so với đất trời, vũ trụ thì chỉ ngắn tựa cái chớp mắt. Vậy mà biết bao người vẫn còn ở kia mải tranh đấu ngược xuôi, lao tâm khổ tứ vào danh, lợi, tình, ăn không ngon, ngủ không yên, toàn thân mang bệnh mà lòng tham sân hận vẫn chưa buông.


THAM KHẢO

Lý Bạch
https://vi.wikipedia.org/wiki/L%C3%BD_B%E1%BA%A1ch

Phật giáo Việt Nam
https://vi.wikipedia.org/wiki/Ph%E1%BA%ADt_gi%C3%A1o_Vi%E1%BB%87t_Nam

Chúa Jesus
https://vi.wikipedia.org/wiki/Gi%C3%AA-su

 Alexander Đại Đế
https://vi.wikipedia.org/wiki/Alexandros_%C4%90%E1%BA%A1i_%C4%91%E1%BA%BF

Ngô Phù Sai
https://vi.wikipedia.org/wiki/Ng%C3%B4_Ph%C3%B9_Sai

Tây Thi
https://vi.wikipedia.org/wiki/T%C3%A2y_Thi

Trụ Vương
https://vi.wikipedia.org/wiki/Tr%E1%BB%A5_V%C6%B0%C6%A1ng

Đắc Kỷ
https://vi.wikipedia.org/wiki/%C4%90%C3%A1t_K%E1%BB%B7















mercredi 14 avril 2021

Truyện cười : " Đắc Đạo Nhờ…Rượu "

 

Trương Thanh Long
Sưu tầm - Biên soạn - Bình Luận

Bạn có thể bấm vào đây để xem tài liệu mới cập nhật. 



Nghe thiên hạ đồn rằng ở đất nước Bhutan, chùa thật không phải chùa giả, sư thật không phải sư quốc doanh, tu thật không phải tu lưu manh. Từ Sài Gòn  vợ mình dắt mình sang gửi tu học kết hợp cai rượu. Sau khi nghe vợ mình trình bày tiểu sử rượu bia của mình, nhà sư nhân từ hỏi:

- Ngươi uống rượu có thích không?

- Thưa thầy thích, rất thích.

- Ngươi uống rượu có ngon không?

- Thưa thầy ngon, rất ngon.

- Rượu chỉ mang đến cảm xúc vậy thôi sao?

- Thưa còn nữa, mỗi lần uống rượu con thấy vui tươi, hoan lạc, yêu đời, yêu người, yêu thương, độ lượng, tha thứ, hào hiệp. Có chai rượu ngon con gọi bạn bè đến, có món ăn ngon con mời bạn bè đến. Uống rượu, đọc thơ và nói những lời tử tế.



- Thôi ngươi hãy về đi, đừng đến đây gặp ta làm gì nữa.

- Thầy không nhận những thằng uống rượu làm đệ tử phải không thầy?

- Không, ta tu tập 50 năm để được sống thích thú, vui tươi, hoan lạc, yêu đời, yêu người, độ lượng, tha thứ, hào hiệp nhưng vẫn chưa đạt đến cảnh giới đó. Còn ngươi chỉ uống rượu lại đạt đến cảnh giới cao nhất của đạo.

- Nhưng thưa thầy con muốn học đạo.

- Đến với đạo có nhiều đường. Ta ăn chay, tụng kinh, niệm Phật. Ngươi uống rượu, đọc thơ, nói lời tử tế. AI THÀNH TÂM THÌ THIỆN NGỘ!



Nói xong nhà sư quay lưng đi, để lại mình bơ vơ trong sân tu viện.

Vợ mình “dắt” mình về lại Sài Gòn, nói từ nay sẽ cho thêm tiền mua bia rượu.

















 



lundi 12 avril 2021

BLOG : " Xà bông cô Ba " trước năm 1975

 

Trương Thanh Long
Sưu tầm - Biên soạn - Bình Luận

Bạn có thể bấm vào đây để xem tài liệu mới cập nhật. 



Xà bông Cô Ba, thương hiệu của doanh gia Trương Văn Bền. Hiện vật trưng bày tại Bảo tàng Sài Gòn.

Đến chợ Kim Biên Q.5 bây giờ, nhìn về bên phải thấy một dãy nhà cũ kỹ. Phía trước, ở trên cao có biển quảng cáo hình một phụ nữ được đắp bằng xi măng đã hoen ố bởi thời gian. 


Trụ sở, xưởng sản xuất xà bông cô Ba, 20 rue de Cambodge nay là đường Kim Biên (P.13 Q.5, TP.HCM). Trên cao vẫn còn logo hình một phụ nữ được cho là cô Ba. Ảnh: Trần Chánh Nghĩa.

Nơi đây từ năm 1930 là cơ sở sản xuất xà bông Việt Nam lừng danh của ông Trương Văn Bền (1883 - 1956) và logo trên là biểu tượng "cô Ba" nên xà bông của ông còn được gọi là xà bông cô Ba


Bối cảnh

Xà phòng được người Pháp du nhập vào Việt Nam từ đầu thế kỷ 20. Lúc bấy giờ, hãng xà phòng chiếm lĩnh thị trường Việt Nam là thương hiệu xà bông Marseille do người Pháp sản xuất. Có rất ít cơ sở sản xuất nhỏ lẻ chiếm thị phần không đáng kể, phần lớn sản xuất xà bông để rửa tay hay giặt giũ cho giới lao động. Lúc bấy giờ người Việt vẫn chưa có hãng xà bông tắm gội riêng. Năm 1928, doanh nhân Trương Văn Bền thành lập xưởng chế dầu ở Chợ Lớn sản xuất các loại dầu ăn, dầu công nghiệp.


Vỏ hộp và cục xà bông cô Ba. Ảnh tư liệu.

Năm 1865, một cuộc thi hoa hậu được tổ chức tại Sài Gòn, cho phép nhiều cô gái đến từ miền Nam tham dự. Tại cuộc thi này, cô Ba Thiệu con ông Thông Chánh, quê Trà Vinh đăng quang. Hình ảnh của cô Ba sau này được hiệu buôn xà bông của ông Trương Văn Bền sử dụng làm người mẫu trên các sản phẩm bán ra thị trường. 


Vợ chồng ông Trương Văn Bền.

Cũng có một số tài liệu khác cho rằng hình người phụ nữ trên miếng xà bông không phải là cô Ba Thiệu mà là cô Ba có tên Trà, vợ của ông Trương Văn Bền.


Lịch sử

Xà bông Cô Ba là một nhãn hiệu xà bông do ông Trương Văn Bền thành lập năm 1932. Đây là nhãn hiệu xà phòng tắm gội đầu tiên của người Việt Nam. Theo lời kể của Trương Văn Bền, sở dĩ ông lấy tên Việt đặt cho mặt hàng của mình là do chịu ảnh hưởng từ vụ người Pháp xử tử các thành viên Việt Nam Quốc dân Đảng.


Một cửa hiệu trên đường Hàm Nghi quảng cáo xà bông Việt Nam (tức xà bông cô Ba).

Hãng xà bông Cô Ba có trụ sở cạnh nhà máy ép dầu dừa mà Trương Văn Bền xây dựng trước đó. Thời gian đầu, thương hiệu chỉ phân phối ở Sài Gòn, Chợ Lớn, Gia Định, Biên Hòa; việc phân phối đến các địa phương khác phụ thuộc vào những thương nhân người Hoa.

Để quảng bá thương hiệu, hãng xà bông Cô Ba cho in hình một cô gái và tận dụng chủ nghĩa dân tộc Việt Nam để thu hút người tiêu dùng. Ngoài Việt Nam, xà bông Cô Ba được xuất khẩu sang Lào, Campuchia, Hồng Kông châu Phi. Sau đó, hãng dùng các đại lý để phân phối sản phẩm đến các tỉnh.

Dưới thời Đệ nhất Cộng hòa (1955-1963), hãng của Trương Văn Bền chi gần 500.000 đồng thuê một đoàn võ thuật theo vừa biểu diễn, vừa quảng bá sản phẩm.

Trong thập niên 1960, trước sự đổ bộ của hàng ngoại nhập, đặc biệt là các mặt hàng từ Hoa Kỳ, xà bông Cô Ba bị mất thị phần. Sau sự kiện 30 tháng 4 năm 1975, xà bông Cô Ba bị quốc hữu hóa, hợp nhất vào Nhà máy công tư hợp doanh xà bông Việt Nam. Nhiều nguyên liệu để làm xà bông cũng không còn được nhập, thiếu nguyên liệu để gia công sản phẩm theo quy trình hiện đại.


Xà bông cô Ba bày bán trên kệ siêu thị cùng nhiều thương hiệu khác. 

Tháng 7/1995, công ty Phương Đông thuộc Bộ Công nghiệp liên doanh với tập đoàn Proter & Gamble lập một nhà máy mới ở Bình Dương, vẫn duy trì ngành sản xuất và thương mại với các loại hóa chất như mỹ phẩm, xà phòng, chất tẩy rửa, chế phẩm vệ sinh…

Năm 2017, CTCP Đầu tư Thương mại Bất động sản An Dương Thảo Điền (mã HAR) công bố quyết định đầu tư ít nhất 35% cổ phần và được quyền mua thêm 20% cổ phần của CTCP Sản xuất Thương mại Phương Đông. Doanh nghiệp này đang lên kế hoạch để đưa xà bông cô Ba trở lại thị trường.


BÌNH LUẬN

Bây giờ đây mỗi khi nhắc đến xà bông cô Ba, kem đánh răng Hynos, dầu khuynh diệp bác sĩ Tín, dầu gió Nhị Thiên Đường, dầu cù là Mac Phsu, bia BGI hay ngân hàng Tín Nghĩa. Họ là người đã gầy dựng nên những thương hiệu, sản phẩm gắn bó một thời với người dân Việt Nam và rất nhiều người vẫn còn nhớ...

Thành công đó có được không hề dễ dàng, càng không chỉ dựa vào may mắn, mà chính từ ý chí, nghị lực, cùng tư duy kinh doanh nhạy bén biết nắm bắt cơ hội làm giàu của những con người dám nghĩ, dám làm.


Nguyễn Tấn Đời (1922-1995) người sáng lập Hãng gạch ngói Đời TânNgân hàng Tín Nghĩa, nổi tiếng là doanh nhân thành đạt hạng nhất tại miền Nam Việt Nam trong hơn 20 năm, từ 1950 đến 1975.

Nói như ông Nguyễn Tấn Đời trong hồi ký của mình, rằng muốn có sự thành công, chúng ta phải tự thân vận động, lao động bằng chính bàn tay khối óc của mình. Và phải biết tận dụng mọi cơ hội nhưng phải có tâm, phải ngay thẳng. Còn sự may mắn là một cơn mưa cho tất cả mọi người, nếu ai biết chuẩn bị kịp thời được đồ chứa tốt và lớn thì hứng được nhiều nước trời cho…


Ông Trương Văn Bền (1883 - 1956). Ảnh tư liệu.

Ông Trương Văn Bền đã nói “Ở xứ mình, trong giới kỹ nghệ còn trống chỗ nhiều, muốn lập kỹ nghệ nào cũng dễ lắm. Không cần phải có vốn nhiều. Vốn ít, càng tốt hơn. Ban đầu không nên làm rình rang, đã vô ích mà còn có hại, cứ khởi sự nho nhỏ, đi lần lần từng bước.

Cần nhất phải có chí nhẫn nại. Như tôi đây bị thất bại đã mấy phen, nhưng có thất bại mới có thêm kinh nghiệm. Thứ nhất là bền chí. Thứ hai là phải có sức khỏe, làm gì thì làm mỗi buổi sáng tôi cũng dậy sớm tập nửa giờ thể dục.

Không có sức khỏe, hay đau ốm thì dẫu tài giỏi đến bực nào cũng thành vô dụng. Tóm lại sức khỏe, sự học hỏi, sự bền chí là những điều kiện của sự thành công”.


THAM KHẢO

Trương Văn Bền
https://vi.wikipedia.org/wiki/Tr%C6%B0%C6%A1ng_V%C4%83n_B%E1%BB%81n

Nguyễn Tấn Đời
https://vi.wikipedia.org/wiki/Nguy%E1%BB%85n_T%E1%BA%A5n_%C4%90%E1%BB%9Di#:~:text=Nguy%E1%BB%85n%20T%E1%BA%A5n%20%C4%90%E1%BB%9Di%20(1922%2D1995,n%C4%83m%2C%20t%E1%BB%AB%201950%20%C4%91%E1%BA%BFn%201975.












dimanche 11 avril 2021

BLOG : Dầu " Khuynh diệp BS Tín " trước năm 1975

 

Trương Thanh Long
Sưu tầm - Biên soạn - Bình Luận

Bạn có thể bấm vào đây để xem tài liệu mới cập nhật. 


Dầu khuynh diệp Bác sĩ Tín


Dầu khuynh diệp bác sĩ Tín có công thức đặc biệt riêng của nó. Đây là một loại dầu gồm hỗn hợp các loại tinh dầu như dầu tràm, dầu bạc hà, dầu hương nhu. Nhưng chủ yếu vẫn là tinh dầu khuynh diệp. Tràm, bạc hà, hay hương nhu… 

Những năm 1950, Sài Gòn có một loại dầu gió mà hầu như gia đình nào cũng để ở trong nhà để phòng thân. Đó là dầu khuynh diệp Bác Sĩ Tín. Ngoài việc trị cảm lạnh, nhức đầu, sổ mũi loại dầu này còn là người bạn đồng hành không thể thiếu đối với các sản phụem bé nên còn được gọi là “dầu bà đẻ”. Gần 50 năm đã trôi qua nhưng mùi hương đặc trưng của dầu khuynh diệp Bác Sĩ Tín vẫn còn đọng lại trong ký ức của người dân.

Bác Sĩ Tín tên đầy đủ là Bùi Kiến Tín, sinh năm 1912 tại làng Bảo An, Điện Bàn (Quảng Nam) nhờ vậy lúc nhỏ ông biết được người dân quê ông hay dùng dầu tràm nấu từ lá chổi (chuổi). Sau khi tốt nghiệp y khoa tại Đại học Paris (1942), ông về nước và bắt đầu sản xuất loại dầu này và mua bản quyền dầu khuynh diệp của ông Viễn Đệ ở Huế. Năm 1944 ông vào Sài Gòn lập ra Viện Bào Chế Đông Dược Miền Nam gọi là “Nhà Thuốc Bác Sĩ Tín” tại Phú Lâm, Quận 6.

Thời bấy giờ rất thiếu thuốc nên các bệnh thường gặp như cảm lạnh, đau đầu, sổ mũi cũng phải dùng thuốc Tây y nhập khẩu có giá rất cao. Trong bối cảnh đó, Bác Sĩ Tín đã tìm mọi cách để bào chế ra một loại thuốc có công dụng tương đương nhưng giá rẻ hơn, vì thế, dầu khuynh diệp đã ra đời.

Công thức dầu khuynh diệp Bác Sĩ Tín gồm dầu tràm, dầu bạc hà, dầu hương nhu nhưng chủ yếu là tinh dầu khuynh diệp. Nhưng thời bấy giờ, Việt Nam không sản xuất được nên phải nhập khẩu từ Bồ Đào Nha.

Đến năm 1975, dầu khuynh diệp Bác Sĩ Tín ngưng sản xuất, công ty “quốc hữu hóa” và đổi tên thành Xí Nghiệp Dược Phẩm số 26, nay là Công Ty Dược Phẩm OPC.

Ông Lê Minh Điểm người tiếp quản nhà thuốc Bác Sĩ Tín sau năm 1975 vẫn còn lưu giữ 2 chai dầu khuynh diệp. Gần 50 năm đã qua nhưng mùi hương đặc trung vẫn còn nguyên vẹn.


Bác sĩ kiêm nhà kinh tế

BS Bùi Kiến Tín không chỉ là người bào chế dược phẩm mà ông còn là nhà kinh tế với những dự án lớn khác, vì vậy khi đi vào thương trường, dù sản phẩm rất nổi tiếng nhưng công ty cũng biết áp dụng những chiêu thức quảng cáo như “mua dầu khuynh diệp BS Tín trúng xe Austin” và quảng cáo trên xe điện (sau nầy là đường xe lửa) dọc tuyến đường rầy Sài Gòn - Chợ Lớn. Thời gian này, mỗi năm dầu khuynh diệp BS Tín bán ra thị trường trên 25 triệu chai lớn nhỏ. Ông không theo phương châm “hữu xạ tự nhiên hương” mà biết dùng mọi cách để đưa hình ảnh và mùi hương của dầu khuynh diệp đến với người tiêu dùng. Tất nhiên chất lượng và giá cả vẫn là ưu tiên số một trong sự cạnh tranh với các loại dầu lúc đó như Nhị Thiên Đường của một doanh nhân người Hoa, dầu cù là Macphsu của Miến Điện...


Truyền cảm hứng đến đời con cháu

Thêm điều đáng quý nữa, từ nguồn cảm hứng đó, BS Tín còn truyền lại cho con cái mình. Sự thành công của tiến sĩ tài chính Bùi Kiến Thành, một trong những người đầu tiên được đào tạo bài bản ở Mỹ và từng nhận giải thưởng “Vinh danh nước Việt”, tâm sự: “Ba tôi cũng là người dẫn dắt tôi trên con đường học vấn và nâng đỡ tinh thần tôi những lúc gian nan trên đường đời. Đó là hạnh phúc mà trời ban tặng”.



Tiến Sĩ Bùi Kiến Thành thời trẻ, trưởng nam của Bác Sĩ Tín cùng cha quản lý nhiều công ty tại Sài Gòn và các tỉnh (Ảnh: Internet)

Em trai ông Thành cũng nổi tiếng không kém, là viện sĩ Viện Hàn lâm khoa học Cộng hòa Pháp, kiến trúc sư Bùi Kiến Quốc. Ông Quốc về nước tham gia đầu tư các cơ sở du lịch ở Hội An, Điện Bàn (Quảng Nam); và nhiều năm liền thực hiện dự án bảo vệ làng quê Việt, phát triển du lịch sinh thái... Có thể nói, tinh thần “mình vì mọi người” có được là do họ thừa hưởng được từ giáo dục, tấm lòng của người cha luôn nặng lòng với quê hương.

Hơn 40 năm đã qua, dầu khuynh diệp Bác Sĩ Tín đã không còn xuất hiện trên thị trường nhưng mùi thơm thoang thoảng đặc trưng vẫn đọng lại trong ký ức của người Sài Gòn xưa.


BÌNH LUẬN

Thành công trong lĩnh vực Đông Y Dược, Bác Sĩ Tín lấn sân sang các ngành nghề kinh doanh khác như kỹ nghệ, tài chánhxây dựng. Ông cùng với trưởng nam Bùi Kiến Thành :

- sáng lập công ty sản xuất bình điện Prestolite của thương hiệu ắc-quy Autolite thuộc hãng xe Ford của Mỹ nhượng quyền; 

- thành lập Ðông Phương Ngân HàngViệt Nam Công Thương Ngân Hàng tại Sài Gòn; 

- Trong ngành Địa ốc, ông thành lập Công ty Địa ốc Tân Ba, khai thác cát tinh bán cho Nhật, sản xuất muối Cà Ná; mở Công ty Nông nghiệp Khánh Hoà thu mua cơm dừa bán cho các cơ sở làm xà bông.

- Về Âu Dược, ông và các con lập ra các Viện Bào Chế Tiandi tại Chợ Lớn và Viện Bào Chế Hana tại đường Trương Minh Ký Phú Nhuận.

- Về Chính trị. Bác Sĩ Tín đã tham gia vào nội các của Thủ tướng Ngô Đình Diệm với chức vụ Bộ Trưởng Bộ thông Tin (1954). Sau khi nền Đệ Nhất Cộng Hòa được thiết lập, ông không tham chính và được trưng tập phục vụ trong Quân đội với cấp bậc Y sĩ Trung Tá làm việc tại Huế Cà Mau một thời gian, sau đó ông được cử giữ chức Y sĩ Trưởng Phủ Tổng Thống và Lữ Đoàn Liên Binh Phòng Vệ Phủ Tổng Thống (1960).

Năm l969 ông ra tranh cử Dân Biểu Quốc Hội tại Sài Gòn nhưng thua phiếu Luật sư Trần Văn Tuyên. Kể từ đó ông chú tâm vào việc kinh doanh, công tác xã hội và tôn giáo cho đến ngày rời khỏi nước vào giờ phút chót của tháng Tư năm 1975. 

Không những dừng lại đó, Bác Sĩ Tín còn có ý tưởng xây dựng khu Disney Land tại Biên Hoà giống như bên Mỹ, rộng 290ha. Tiếc rằng ý tưởng của ông phải dừng lại vào năm 1975 khi Sài Gòn thất thủ. Ông cùng gia đình di tản sang Pháp.

Bác Sĩ Tín mất ngày 23/8/1994 (nhằm ngày 17/7 năm Giáp Tuất), thượng thọ 83 tuổi. Ông ra đi để lại bao tiếc thương cho con cháu, bà con dòng tộc và những người chịu ơn ông lúc sinh thời. Năm 1994 tại Sài Gòn có làm lễ truy điệu tưởng nhớ ông với rất nhiều người tham dự. Ông được an táng tại nghĩa trang thành phố Carqueiranne, Var, Pháp.


THAM KHẢO

Dầu " Nhị Thiên Đường " trước năm 1975
https://thanhlong52.blogspot.com/2021/04/blog-dau-nhi-thien-uong-truoc-nam-1975.html

"Dầu bà đẻ" - Dầu Khuynh diệp bác sĩ Tín
https://www.facebook.com/watch/?v=568751113946126

Hương dầu khuynh diệp đặc biệt trong ký ức người Sài Gòn
https://vietnamnet.vn/vn/doi-song/chuyen-la/dau-gio-khuynh-diep-bac-si-tin-huong-dau-dac-biet-trong-ky-uc-nguoi-sai-gon-377311.html

Bùi Kiến Thành
https://vi.wikipedia.org/wiki/B%C3%B9i_Ki%E1%BA%BFn_Th%C3%A0nh















mardi 6 avril 2021

Truyện cười : " Cô thợ may xứ Huế "

 

Trương Thanh Long
Sưu tầm - Biên soạn - Bình Luận

Bạn có thể bấm vào đây để xem tài liệu mới cập nhật. 


Nét riêng của văn hóa Huế còn được thể hiện qua ăn nói, ăn mặc, ăn uống, ăn học và cả ăn chơi của người Huế. Trong ăn nói, người Huế luôn tôn trọng thứ bậc thể hiện qua cách xưng hô. Đối với xóm giềng, lạ cũng như quen đều căn cứ vào tuổi tác mà ăn nói. Trên địa bàn Thừa Thiên Huế hiện nay đều có chung một thứ tiếng là tiếng Huế, chung là thứ giọng là giọng Huế. Người ta vẫn biết đến giọng Huế nhẹ nhàng, có phần e ấp của những cô gái Huế.

Sau đây là một câu chuyện vui với giọng Huế, mời các bạn tham khảo : 




Có một anh thanh niên người Huế đem theo một xấp vải đến tiệm may nọ. Cô chủ bước ra chào đón bằng giọng Huế rất ngọt ngào :

"Em chào ăn (anh). Ăn muốn may áo hay may quần?"

Anh ta trả lời :

- "Tôi muốn may quần"

Sau khi đo size quần cho anh ta, cô ta lấy thước đo xấp vải và hỏi :

- "Ăn (Anh) cặc (cắt) dài hay cặc ngắn?

Cũng bằng giọng Huế anh ta nói :

- "Cặc (cắt) ngắn thì răng (sao) mà cặc dài thì răng (sao)?"



Cô chủ tiệm nghiêm giọng :

- "Cặc (cắt) ngắn thì đụ (đủ) hai cại (cái), mà cặc (cắt) dài thì chỉ đụ (đủ) một cại (cái) thôi !"

Anh ta nói tiếp :

- "Cặc (cắt) dài, cô làm sao cho tôi đụ (đủ) được hai cại (cái) đi cô !"



Cô chủ trả lời :

"Dạ không ăn (anh), nệu (nếu) anh đạ (đã) cặc (cắt) dài như rựa (rứa = thế), thì em rạng lặm (ráng lắm). Ăn (Anh) chỉ đụ (đủ) một cại (cái) thôi, may ra còn dư một ịt (ít). Chừ (chứ) anh đạ (đã) cặc (cắt) dài rồi mà anh đòi đụ (đủ) hai cại (cái) thì không được mô nợ (đâu)."

Anh ta bất lực đáp :

- "Ôi thôi thì cô làm răng (sao) thì làm, miện (miễn) tôi đụ (đủ) được là OK".





















BLOG : “Phiên dịch” tiếng địa phương Huế

 

Trương Thanh Long
Sưu tầm - Biên soạn - Bình Luận

Bạn có thể bấm vào đây để xem tài liệu mới cập nhật. 



Đa số người Việt Nam thường đùa rằng, tiếng Huế là "chi, mô, răng, rứa", nhưng để hiểu và sử dụng nằm lòng các từ này thì cũng không phải đơn giản.


Người Huế hỏi: “Mi đi mô rứa?”, nếu so với ngôn ngữ chuẩn thì các bạn phải hiểu là “Mày đi đâu thế?

Chữ “mi”, các bạn tạm hiểu đó là ngôi thứ 2 số ít, tương đương với “mày”, “bạn”. 

Tương tự như thế, “bọn mi” hay “tụi mi” thì tương đương với “chúng mày”, “bọn mày” hay “các bạn”. Ngôn ngữ trong phim Tàu thường được nhóm lồng tiếng dùng là “các ngươi”, chúng đều có nghĩa như nhau vậy.



Nói về các chữ "chi, mô, răng, rứa"

Chữ CHI

Chữ “chi” tương đương với chữ “”. “Làm chi” có nghĩa là “làm gì”. Ví dụ người Huế nói: “Mi đang làm cái chi rứa?” thì tiếng chuẩn là “Mày đang làm gì thế?” hoặc “Bạn đang làm gì vậy?”. Chữ “chi” không những được dùng rộng rãi trong tiếng Huế mà ngay cả hai miền Bắc, Nam cũng dùng rất nhiều.


Chữ MÔ

Chữ “” trong tiếng Huế mới thực sự là đặc trưng của Huế. “” tạm hiểu là “đâu”, là một từ thường được dùng trong câu hỏi. 

Tuy nhiên, trong một vài ngữ cảnh thì “mô” được hiểu theo nghĩa khác. Ví dụ, “Hôm nay mi tổ chức sinh nhật chỗ mô rứa?” bạn phải hiểu rằng “Hôm nay mày tổ chức sinh nhật ở chỗ nào thế?” hoặc “Hôm nay bạn tổ chức sinh nhật ở đâu thế?”. “” được dùng trong câu này để chỉ địa điểm.

Nếu đặt trong ngữ cảnh khác thì “” có thể đóng vai trò là thán từ. Khi bạn hỏi: “sao mày gặp tao mà lơ đi thế?”, nếu người Huế trả lời là “mô mà!” thì bạn phải hiểu là “đâu có!”, tức là phủ định vấn đề.


Chữ RĂNG

Chữ “răng” trong tiếng Huế tạm hiểu là “sao”, thường được dùng trong câu hỏi, một vài trường hợp biểu thị ý nghĩa khác. Ví dụ :

răng mà mi noái lạ rứa?” thì bạn phải hiểu là “sao mà mày nói lạ thế?” hoặc “sao bạn nói kỳ vậy?”.

 “Ui chao, răng rứa?” có nghĩa là “Ôi, sao thế?” hoặc “Ủa, sao vậy?”. Nếu “răng” nằm đơn độc một mình thì đóng vai trò như câu hỏi tỉnh lược. Ví dụ, một người hối hả chạy vào, bạn hỏi “răng?” thì có nghĩa là “gì thế?”, “sao thế”, “sao mà vội vàng thế?”. Khi bạn an ủi ai đó thì bạn dùng “không răng mô!”, tức là “không sao đâu!”, “không có vấn đề gì đâu!”. 

Một thiền sư có viết bài thơ trong đó có hai câu rằng :

Không răng mà lại cũng không răng
Chỉ có thua người một miếng ăn

Hai chữ “răng” ở câu đầu có hai nghĩa khác nhau. Câu đó nghĩa là “không có răng nhưng cũng chẳng sao cả”, ý nói đã già, răng rụng hết.


Chữ RỨA

Chữ “rứa” trong tiếng Huế tạm hiểu như chữ “thế”, thường đặt ở cuối câu để làm câu hỏi hoặc có một số nghĩa khác khi nằm ở vị trí khác.

Ví dụ, “răng rứa?” nghĩa là “sao thế?”. “Mi đi mô rứa?” nghĩa là “mày đi đâu thế?” hay “bạn đi đâu vậy?”. Một đứa con nghịch ngợm, mẹ bảo hoài mà không nghe thì người Huế thường nói: “nói mãi mà cứ rứa!”. 

Nhiều trường hợp “rứa” được đặt đầu câu. Ví dụ, “Rứa hôm nay bác đi mô?” có nghĩa là “Thế hôm nay bác đi đâu?”. Nếu đóng vai trò thán từ thì cũng như “thế”. 

Ví dụ, bạn hiểu ra một vấn đề gì đó, bạn nói “rứa à!” hoặc “té ra là rứa!” có nghĩa là “thế à!” hoặc “hóa ra là thế!”…

Trên đây tôi nói sơ lược về “chi, mô, răng, rứa” của tiếng Huế. Ngoài ra, còn có các từ khác như “tê, ni, nớ, ri…” sẽ được trình bày ở phần kế tiếp.




Nói về các chữ "tê, ni, nớ, ri…"

Chữ TÊ

Chữ “” có nghĩa như chữ “kia”. Ví dụ, người Huế hỏi “đầu tê răng rứa?” thì nghĩa là “đầu kia sao vậy?” hoặc “đầu kia có chuyện gì thế?”. Có câu chuyện vui thế này:


Chữ NI

Chữ “ni” tạm hiểu là “này”, ví dụ người Huế nói “bên ni” tức là “bên này”. Đối ngược với “bên ni” là “bên nớ” hoặc “bên tê”, tiếng chuẩn là “bên kia”. 


Chữ NỚ

Chữ “nớ” có nghĩa tương phản với “ni”, bạn có thể dùng NớNi để chỉ địa điểm (bên nớ, bên ni) hoặc có thể dùng để chỉ đối tượng là người, ví dụ “Nếu Nớ ngỏ lời thì Ni cũng đồng ý”, hiểu là “Nếu anh đã ngỏ lời thì em đây đồng ý


Chữ RI

Chữ “ri” trong tiếng Huế tạm hiểu là “đây”, “đấy”, ngoài ra còn dùng với nghĩa tương phản của “RỨA”. Ví dụ, người Huế thường hỏi nhau là “MI ĐI MÔ RỨA?”, hoặc “RỨA THÌ MI ĐI MÔ RI?”. Các bạn hiểu sao? Đó là hai câu hỏi thường xảy ra trong trường hợp hai người đi và gặp nhau trên đường. Đơn giản, người này hỏi người kia là “mày đi đâu thế?”, người kia sẽ hỏi lại là “thế thì mày đi đâu?” Cái hay của Huế phải chăng là cái RI, RỨA!

Các bạn chỉ cần chú ý một tí thôi thì tiếng Huế chẳng có gì khó cả, ngược lại còn rất là dí dỏm và đáng yêu nữa, nhất là nó được phát âm bởi các cô gái Huế.


Cụm từ “CHI MÔ NÀ”

Cụm từ “chi mô nà” thì như tôi đã nói, chúng có nghĩa là “gì đâu”, ý phủ định. Ví dụ, bạn bị mẹ mắng, bạn thanh minh bằng cách nói rằng “CON CÓ LÀM CHI MÔ NÀ!”…




Một số từ xưng hô đặc biệt trong ngôn ngữ Huế

Bố thì gọi là BA

Mẹ thì gọi là MẠ

Ông Bà thì gọi là ÔN MỆ (Ôn nội, Mệ nội, Ôn ngoại, Mệ ngoại…)

Bố Mẹ của Ông Bà thì gọi là CỐ

Em hoặc chị của Bà Nội hay Bà Ngoại thì đều gọi là MỤ

Ra đường gặp người già nếu không thân thích thì thường chào là “THƯA MỤ” (từ “Thưa” ở Huế được dùng như từ “Chào”)

Chị gái hay em gái của Bố thì đều gọi là O (chữ O tương đương với Cô)

Anh trai hay em trai của mẹ đều được gọi là CẬU

Vợ của CẬU được gọi là MỢ (người vùng quê ở Huế còn gọi CẬU là CỤ, gọi MỢ là MỰ)

Chị gái hay em gái của mẹ đều gọi là

Chồng của DÌ được gọi là DƯỢNG

Vợ của CHÚ được gọi là THÍM

Chỉ có anh trai của Bố hoặc vợ anh trai của Bố thì mới được gọi là Bác.




Các bạn nên biết cách xưng hô để hiểu và thông cảm cho phong tục của từng vùng miền. Ví dụ, từ MỤ hay MỆ ở ngoài bắc thường dùng với nghĩa xấu, nhưng đối với Huế đấy là những danh xưng cho các bậc tiền bối.


BÌNH LUẬN

Nói đến Huế không thể không nói đến di sản kiến trúc ở Huế và phong cách nghệ thuật sống của người Huế. Không phải ngẫu nhiên mà người ta vẫn quen gọi thành những cụm từ mang sắc thái tiêu biểu riêng cho Huế, như : người Huế, kiến trúc Huế, nhà vườn Huế, món ăn Huế, màu tím Huế, nón lá Huế, giọng Huế - tiếng Huế, ca Huế... Tất nhiên không phải cái gì thuộc về Huế đều là bậc nhất cả. Song trong nghệ thuật kiến trúc và phong cách sống, cái đẹp vẫn là nét trội, nét tiêu biểu.


Kinh thành Huế

Kiến trúc ở Huế không nguy nga đồ sộ và xa hoa lộng lẫy, nhưng Huế vẫn hấp dẫn con người bởi những công trình kiến trúc dung hợp với cảnh quan tự nhiên đó. Nét đẹp của nghệ thuật kiến trúc ở Huế còn ở chiều cao của công trình (ngôi tháp Phước Duyên cao 7 tầng cũng chỉ 21 m). Lâu đầu, cung điện, lăng tẩm, đình chùa... không vượt quá cao so với hàng cây làm đẹp cho không gian kiến trúc.

Nét riêng của văn hóa Huế còn được thể hiện qua ăn nói, ăn mặc, ăn uống, ăn họccả ăn chơi của người Huế. Trong ăn nói, người Huế luôn tôn trọng thứ bậc thể hiện qua cách xưng hô ở làng, họ và gia đình, không phân biệt tuổi tác, giàu sang, nghèo hèn (có cả một hệ thống xưng hô khác với nhiều vùng). 

Đối với xóm giềng, lạ cũng như quen đều căn cứ vào tuổi tác mà ăn nói. Trên địa bàn Thừa Thiên Huế hiện nay đều có chung một thứ tiếng là tiếng Huế, chung là thứ giọng là giọng Huế, không phân biệt dân làng hay thành phố. Người ta vẫn biết đến giọng Huế nhẹ nhàng, có phần e ấp của những cô gái Huế.



THAM KHẢO

Cổng thông tin điện tử tỉnh Thừa Thiên Huế
https://thuathienhue.gov.vn/vi-vn/

Tổng hợp những công trình kiến trúc kiểu Pháp tiêu biểu tại Huế
http://khamphahue.com.vn/kham-pha/le-hoi/tid/Tong-hop-nhung-cong-trinh-kien-truc-kieu-Phap-tieu-bieu-tai-Hue/newsid/60775095-228B-481A-BB3E-A8F200A7C809/cid/1B7FFA2C-5859-481B-99EF-8EAC17B74D2F

Kiến trúc Huế
http://tapchisonghuong.com.vn/tin-tuc/p8/c28/Kien-truc-Hue.html













samedi 3 avril 2021

BLOG : Dầu " Nhị Thiên Đường " trước năm 1975

 

Trương Thanh Long
Sưu tầm - Biên soạn - Bình Luận

Bạn có thể bấm vào đây để xem tài liệu mới cập nhật. 



Những chai dầu Nhị Thiên Đường (Ảnh tư liệu)

Người miền Nam từ đầu thế kỷ XX cho đến thập niên 1970 đều biết đến thương hiệu “Nhị Thiên Đường” của nhà thuốc cùng tên trên đường Triệu Quang Phục, Chợ Lớn. Ngày nay nhà thuốc Nhị Thiên Đường không còn mà tên chỉ còn được nhớ đến qua cây cầu Nhị Thiên Đường ở quận 8.


Cây cầu mang tên Nhị Thiên Đường qua nhiều giai thoại

Cây cầu Nhị Thiên Đường mới ở quận 8 - Sài Gòn với nhiều làn xe xuôi ngược. Bên cạnh nó, mặc dù đã bị đập bỏ nhưng vẫn còn dấu tích của cây cầu cũ.



Cầu Nhị Thiên Đường cũ xây dựng từ năm 1925


Cầu Nhị Thiên Đường cũ xây dựng từ năm 1925 bởi nhà thầu Vallois-Perret. Cầu bắc ngang kênh Đôi, nối liền trục giao thông từ Cần Giuộc về Sài Gòn. Cái tên của cây cầu này gắn với khá nhiều giai thoại.

Thuở ấy, tại Sài Gòn có một nhà thuốc đã sản xuất ra loại dầu gió mang tên dầu Nhị Thiên Đường. Xưởng sản xuất nằm trên đường Trần Hưng Đạo nhưng công nhân đa số cư ngụ phía bên kia bờ kênh Đôi. Mỗi buổi sáng đi làm hay chiều về, công nhân đều phải qua kênh bằng những chuyến đò ngang mất thời gian và cũng rất nguy hiểm.



Trước khi một loạt cầu mới ra đời từ việc khởi công đại lộ Đông Tây, thì Cầu Nhị Thiên Đường là cây cầu cao nhất ở vùng Chợ Lớn.


Ông Vi Thiều Bá chủ hãng dầu Nhị Thiên Đường đã mạnh dạn đề xuất với chính quyền bỏ tiền ra xây cây cầu này để thuận tiện cho người dân và cho chính công nhân của mình qua lại.



Trong sách Nhị Thiên Đường (1931) dày 336 trang, hai trang đầu có in hai bằng khen do Hoàng đế An Nam và vua Cam Bốt tặng ông Vi Thiều Bá (tự Vi Khai) chủ hãng dầu Nhị Thiên Đường ở Chợ Lớn và Nam Vang. Ảnh phải: lương y Vi Tế Sanh, người bào chế các thuốc và sáng lập Nhị Thiên Đường ở Quảng Đông (trên đường Đại Tân), nội tổ của ông Vi Thiều Bá.


Cũng có giai thoại cho rằng chính quyền đứng ra xây dựng. Trong quá trình thi công có lẽ thiếu vốn nên họ mới vận động ông chủ Nhị Thiên Đường góp vốn để hoàn thành. Đổi lại cây cầu được mang tên cầu Nhị Thiên Đường...



Ở đó có một dãy dài các mái vòm gợi liên tưởng tới cây cầu huyền thoại của thành Rome, hay rất nhiều các cây cầu cổ xưa nổi tiếng của Châu Âu.


Gần ngay nơi chân cầu vốn có một dãy nhà kho lớn là nơi chứa gạo và sản phẩm của dầu Nhị Thiên Đường. Trước đây địa điểm này được dân chúng gọi là kho Nhị Thiên Đường nên khi xây cầu xong, người ta lấy luôn tên Nhị Thiên Đường đặt cho cây cầu. Không rõ trong các giai thoại trên cái nào là chính xác nhất nhưng chắc chắn là đều có liên quan đến nhãn hiệu Nhị Thiên Đường.

Cây cầu đã hiện diện tại mảnh đất Sài Gòn này xấp xỉ 100 năm. Cái tên của nó cũng làm cho chúng ta nhớ lại thời hoàng kim của một loại dầu gió mà mãi sau này mới có địch thủ xứng tầm, dầu khuynh diệp bác sĩ Tín.



Một thời vang bóng của dầu Nhị Thiên Đường

Dầu Nhị Thiên Đường là sản phẩm của nhà thuốc Nhị Thiên Đường của người Quảng Đông do gia đình họ Vi sáng lập.

Ban đầu chỉ xuất hiện ở những khu vực có người gốc Quảng Đông ở Chợ Lớn, sau lan dần ra vì người Việt dùng rất nhiều, đây là một trong những sản phẩm rất lâu năm ở Việt Nam, có cơ sở khác ở Malaysia, Singapore...


Căn nhà xưa kia là tiệm thuốc đông y Nhị Thiên Đường nay đã đổi chủ.


Tại Chợ Lớn, nhà thuốc đặt ở 47 Canton, sau này là Triệu Quang Phục. Trong cuốn niên giám Đông Dương (1933-1934) còn ghi lại rõ ràng: Nhị Thiên Đường Pharmacie asiatique 47 rue de Canton, Telephone no 58 Directeur Vi-Khai Chợ Lớn.



Trước kia, phía trước lầu 3 có 3 chữ Nhị Thiên Đường bằng tiếng Hoa. Nay đã bị chủ mới đục bỏ. (Ảnh: Nguyễn Minh Vũ/Plo.vn)


Sản phẩm chủ lực ban đầu của nhà thuốc Nhị Thiên Đường là ngoại cảm tán, một loại thuốc trị cảm rất hiệu nghiệm, bán rất chạy. Ngoài ra còn dầu, gồm hai loại: dầu gió nước và dầu cù là cùng mang tên Nhị Thiên Đường.

Giai đoạn đầu dầu cù là bán được, vì lúc đó người miền Nam ưa dùng dầu cù là, trong đó có hiệu Mac Phsu do người Myanmar (còn gọi là người Cù Là) sinh sống ở Việt Nam bán.

Dầu cù là Mac Phsu cũng đi vào câu đồng dao “Bòn bon sicula, bánh tây sữa hột gà, dầu cù là Mac Phsu” cho thấy sản phẩm cũng rất được ưa chuộng nhưng sau này nhiều người thích chuyển qua xài dầu gió dạng nước hơn và đó cũng là lúc dầu Nhị Thiên Đường lên ngôi, bán khắp cả Đông Dương.



Quảng cáo và quảng bá chữ Quốc ngữ

Để trở thành một thương hiệu lớn, đương nhiên không thể thiếu sự thành công của quảng cáo.

Để quảng bá nhãn hiệu Nhị Thiên Đường, ông chủ đã chọn cách khá độc đáo, đó là thay vì đăng quảng cáo trên sách, báo thì ông ta thuê một số trí thức viết ra các bộ sách quảng cáo bằng chữ Quốc ngữ, luôn cả chữ PhápHán gọi là Vệ sinh chỉ nam.



Tranh minh họa thông báo thưởng 500 đồng cho ai bắt kẻ gian giả mạo thuốc Nhị Thiên Đường (trái) và dầu Nhị Thiên Đường (phải).


Trong cuốn sách này in đầy hình ảnh và chữ quảng cáo cho các cao đơn hoàn tán của Nhị Thiên Đường, đồng thời in kèm vào trong đó các loại thơ văn để người xem có thể đọc thêm.

Chẳng hạn bên cạnh quảng cáo dầu cù là Ông Tiên là trích đoạn thơ Lục Vân Tiên, bên cạnh nhãn hiệu Nhị Thiên Đường là từng phần Nghĩa hiệp kỳ duyên, bộ truyện ngôn tình cực kỳ ăn khách về mối tình Việt - Khmer lúc đó của Nguyễn Chánh Sắt hay còn gọi Chăn Cà Mum (tên nhân vật chính).



Bài này dựa vào một số các sách Vệ sanh chỉ nam của nhà thuốc Nhị Thiên Đường mà Thư viện Quốc gia Pháp và Thư viện Quốc gia Việt Nam may thay còn giữ lại. 


Ban đầu mấy tập sách này tặng cho khách mua thuốc hay khách qua đường để quảng cáo nhưng sau khách xin nhiều quá để đọc nên cuối cùng nhà thuốc phải in số lượng lớn và bán với giá rẻ, chỉ vài cắc một bản. Sách này không bán ở nhà sách mà bán ở chợ, bến xe… cho người lao động, khách bình dân mua đọc.

Những nhà văn không có tiền in sách đã chọn cách đưa in ở sách quảng cáo nhà thuốc, đây cũng là một kênh tốt để đưa được tác phẩm đến với người đọc.



Tiệm thuốc Nhị Thiên Đường 47 rue de Canton (Vệ sanh chỉ nam, 1929).


Chính nhờ những cuốn sách quảng cáo giá rẻ in xấu như Vệ sinh chỉ nam của nhà thuốc Nhị Thiên Đường mà văn chương chữ Quốc ngữ bình dân giai đoạn đó đã cực kỳ phong phú và phổ biến rộng khắp trong tầng lớp dân chúng.


BÌNH LUẬN

Hồi nhỏ vẫn được má tôi thỉnh thoảng nhờ ra tiệm tạp hóa mua dầu Nhị Thiên Đường mỗi khi hết. Rất khó quên cái cảm giác cầm về hộp giấy vuông vức, lấy chai dầu đưa cho má tôi, còn hộp giấy và tờ hướng dẫn sử dụng chữ nhỏ li ti. Hãng sản xuất luôn kèm tờ hướng dẫn gấp nhỏ cuộn sẵn trong khi người dùng chẳng mấy khi xem vì đều biết rõ cách dùng từ lâu.



Dầu Nhị Thiên Đường lúc đó được bà con lao động gọi là “dầu trị bá bệnh” vì hễ khó ở là người ta lấy ra xài.

Đau đầu lấy ra thoa hai thái dương, ho thoa cổ, đau bụng thoa chỗ bao tử, cảm lạnh sổ mũi thoa hai lỗ mũi, cần cạo gió thì thoa lưng, đau cơ đâu thoa đó.

Cần xông hơi khỏi cần kiếm lá xông chi mắc công, nhỏ vài giọt dầu vào nồi nước sôi là xong, chẳng may trúng thực cũng cho vài giọt vào ly nước nóng uống. Thậm chí côn trùng cắn, dị ứng cũng thoa, rồi mèo cào, gai xước, chảy máu thì dầu xài như thuốc sát trùng hay cồn y tế.



Hướng dẫn sử dụng dầu Nhị Thiên Đường.


Đến mức sâu răng cũng lấy cây tăm quấn miếng bông gòn thấm dầu chấm vào chỗ đau nhức… thì đúng là xài dầu đã thành… nghiện.

Nhiều người miền Bắc rất ngạc nhiên khi thấy người miền Nam, kể cả nam giới thường hay bỏ trong túi một lọ dầu nước như một thứ bửu bối phòng thân khi ra đường. Đó là thói quen dùng dầu gió rất khó bỏ một thời.

Sau năm 1975, khoảng năm 1990 về sau, dầu nhị thiên đường sản xuất ở Hồng Kông được các công ty dược nhập về bán ở phố Đông Y Khổng Tử. Nhưng có lẽ giá thành cao, không cạnh tranh với dầu Phật Linh sản xuất trong nước. Giống như khuynh diệp BS Tín có nhập về, nhưng giá cả không cạnh tranh lại khuynh diệp OPC. Tất cả chỉ là vang bóng một thời.



THAM KHẢO

GHÉ QUẬN 8 NGHE KÝ ỨC VỀ CÂY CẦU NHỊ THIÊN ĐƯỜNG
https://vietpictures.vn/bai-viet/ghe-quan-8-nghe-ky-uc-ve-cay-cau-nhi-thien-duong-52.htm

Vi Thiếu Bá: Ông chủ nhà thuốc Nhị Thiên Đường
http://www.nhasangnghiep.vn/tin-tuc/chan-dung-nha-sang-nghiep/vi-thieu-ba-ong-chu-nha-thuoc-nhi-thien-duong

“Nhất Dương Chỉ, Nhị Thiên Đường...”
https://nguoidothi.net.vn/nhat-duong-chi-nhi-thien-duong-26562.html