Trương Thanh Long
Sưu tầm - Biên soạn - Bình Luận
Bạn có thể bấm vào đây để xem tài liệu mới cập nhật.
Những năm 1950, Sài Gòn có một loại dầu gió mà hầu như gia đình nào cũng để ở trong nhà để phòng thân. Đó là dầu khuynh diệp Bác Sĩ Tín. Ngoài việc trị cảm lạnh, nhức đầu, sổ mũi loại dầu này còn là người bạn đồng hành không thể thiếu đối với các sản phụ và em bé nên còn được gọi là “dầu bà đẻ”. Gần 50 năm đã trôi qua nhưng mùi hương đặc trưng của dầu khuynh diệp Bác Sĩ Tín vẫn còn đọng lại trong ký ức của người dân.
Bác Sĩ Tín tên đầy đủ là Bùi Kiến Tín, sinh năm 1912 tại làng Bảo An, Điện Bàn (Quảng Nam) nhờ vậy lúc nhỏ ông biết được người dân quê ông hay dùng dầu tràm nấu từ lá chổi (chuổi). Sau khi tốt nghiệp y khoa tại Đại học Paris (1942), ông về nước và bắt đầu sản xuất loại dầu này và mua bản quyền dầu khuynh diệp của ông Viễn Đệ ở Huế. Năm 1944 ông vào Sài Gòn lập ra Viện Bào Chế Đông Dược Miền Nam gọi là “Nhà Thuốc Bác Sĩ Tín” tại Phú Lâm, Quận 6.
Thời bấy giờ rất thiếu thuốc nên các bệnh thường gặp như cảm lạnh, đau đầu, sổ mũi cũng phải dùng thuốc Tây y nhập khẩu có giá rất cao. Trong bối cảnh đó, Bác Sĩ Tín đã tìm mọi cách để bào chế ra một loại thuốc có công dụng tương đương nhưng giá rẻ hơn, vì thế, dầu khuynh diệp đã ra đời.
Công thức dầu khuynh diệp Bác Sĩ Tín gồm dầu tràm, dầu bạc hà, dầu hương nhu nhưng chủ yếu là tinh dầu khuynh diệp. Nhưng thời bấy giờ, Việt Nam không sản xuất được nên phải nhập khẩu từ Bồ Đào Nha.
Đến năm 1975, dầu khuynh diệp Bác Sĩ Tín ngưng sản xuất, công ty “quốc hữu hóa” và đổi tên thành Xí Nghiệp Dược Phẩm số 26, nay là Công Ty Dược Phẩm OPC.
Ông Lê Minh Điểm người tiếp quản nhà thuốc Bác Sĩ Tín sau năm 1975 vẫn còn lưu giữ 2 chai dầu khuynh diệp. Gần 50 năm đã qua nhưng mùi hương đặc trung vẫn còn nguyên vẹn.
Bác sĩ kiêm nhà kinh tế
BS Bùi Kiến Tín không chỉ là người bào chế dược phẩm mà ông còn là nhà kinh tế với những dự án lớn khác, vì vậy khi đi vào thương trường, dù sản phẩm rất nổi tiếng nhưng công ty cũng biết áp dụng những chiêu thức quảng cáo như “mua dầu khuynh diệp BS Tín trúng xe Austin” và quảng cáo trên xe điện (sau nầy là đường xe lửa) dọc tuyến đường rầy Sài Gòn - Chợ Lớn. Thời gian này, mỗi năm dầu khuynh diệp BS Tín bán ra thị trường trên 25 triệu chai lớn nhỏ. Ông không theo phương châm “hữu xạ tự nhiên hương” mà biết dùng mọi cách để đưa hình ảnh và mùi hương của dầu khuynh diệp đến với người tiêu dùng. Tất nhiên chất lượng và giá cả vẫn là ưu tiên số một trong sự cạnh tranh với các loại dầu lúc đó như Nhị Thiên Đường của một doanh nhân người Hoa, dầu cù là Macphsu của Miến Điện...
Truyền cảm hứng đến đời con cháu
Thêm điều đáng quý nữa, từ nguồn cảm hứng đó, BS Tín còn truyền lại cho con cái mình. Sự thành công của tiến sĩ tài chính Bùi Kiến Thành, một trong những người đầu tiên được đào tạo bài bản ở Mỹ và từng nhận giải thưởng “Vinh danh nước Việt”, tâm sự: “Ba tôi cũng là người dẫn dắt tôi trên con đường học vấn và nâng đỡ tinh thần tôi những lúc gian nan trên đường đời. Đó là hạnh phúc mà trời ban tặng”.
Tiến Sĩ Bùi Kiến Thành thời trẻ, trưởng nam của Bác Sĩ Tín cùng cha quản lý nhiều công ty tại Sài Gòn và các tỉnh (Ảnh: Internet)
Em trai ông Thành cũng nổi tiếng không kém, là viện sĩ Viện Hàn lâm khoa học Cộng hòa Pháp, kiến trúc sư Bùi Kiến Quốc. Ông Quốc về nước tham gia đầu tư các cơ sở du lịch ở Hội An, Điện Bàn (Quảng Nam); và nhiều năm liền thực hiện dự án bảo vệ làng quê Việt, phát triển du lịch sinh thái... Có thể nói, tinh thần “mình vì mọi người” có được là do họ thừa hưởng được từ giáo dục, tấm lòng của người cha luôn nặng lòng với quê hương.
Hơn 40 năm đã qua, dầu khuynh diệp Bác Sĩ Tín đã không còn xuất hiện trên thị trường nhưng mùi thơm thoang thoảng đặc trưng vẫn đọng lại trong ký ức của người Sài Gòn xưa.
BÌNH LUẬN
Thành công trong lĩnh vực Đông Y Dược, Bác Sĩ Tín lấn sân sang các ngành nghề kinh doanh khác như kỹ nghệ, tài chánh và xây dựng. Ông cùng với trưởng nam Bùi Kiến Thành :
- sáng lập công ty sản xuất bình điện Prestolite của thương hiệu ắc-quy Autolite thuộc hãng xe Ford của Mỹ nhượng quyền;
- thành lập Ðông Phương Ngân Hàng và Việt Nam Công Thương Ngân Hàng tại Sài Gòn;
- Trong ngành Địa ốc, ông thành lập Công ty Địa ốc Tân Ba, khai thác cát tinh bán cho Nhật, sản xuất muối Cà Ná; mở Công ty Nông nghiệp Khánh Hoà thu mua cơm dừa bán cho các cơ sở làm xà bông.
- Về Âu Dược, ông và các con lập ra các Viện Bào Chế Tiandi tại Chợ Lớn và Viện Bào Chế Hana tại đường Trương Minh Ký Phú Nhuận.
- Về Chính trị. Bác Sĩ Tín đã tham gia vào nội các của Thủ tướng Ngô Đình Diệm với chức vụ Bộ Trưởng Bộ thông Tin (1954). Sau khi nền Đệ Nhất Cộng Hòa được thiết lập, ông không tham chính và được trưng tập phục vụ trong Quân đội với cấp bậc Y sĩ Trung Tá làm việc tại Huế và Cà Mau một thời gian, sau đó ông được cử giữ chức Y sĩ Trưởng Phủ Tổng Thống và Lữ Đoàn Liên Binh Phòng Vệ Phủ Tổng Thống (1960).
Năm l969 ông ra tranh cử Dân Biểu Quốc Hội tại Sài Gòn nhưng thua phiếu Luật sư Trần Văn Tuyên. Kể từ đó ông chú tâm vào việc kinh doanh, công tác xã hội và tôn giáo cho đến ngày rời khỏi nước vào giờ phút chót của tháng Tư năm 1975.
Không những dừng lại đó, Bác Sĩ Tín còn có ý tưởng xây dựng khu Disney Land tại Biên Hoà giống như bên Mỹ, rộng 290ha. Tiếc rằng ý tưởng của ông phải dừng lại vào năm 1975 khi Sài Gòn thất thủ. Ông cùng gia đình di tản sang Pháp.
Bác Sĩ Tín mất ngày 23/8/1994 (nhằm ngày 17/7 năm Giáp Tuất), thượng thọ 83 tuổi. Ông ra đi để lại bao tiếc thương cho con cháu, bà con dòng tộc và những người chịu ơn ông lúc sinh thời. Năm 1994 tại Sài Gòn có làm lễ truy điệu tưởng nhớ ông với rất nhiều người tham dự. Ông được an táng tại nghĩa trang thành phố Carqueiranne, Var, Pháp.
THAM KHẢO
Dầu " Nhị Thiên Đường " trước năm 1975
https://thanhlong52.blogspot.com/2021/04/blog-dau-nhi-thien-uong-truoc-nam-1975.html
"Dầu bà đẻ" - Dầu Khuynh diệp bác sĩ Tín
https://www.facebook.com/watch/?v=568751113946126
Hương dầu khuynh diệp đặc biệt trong ký ức người Sài Gòn
https://vietnamnet.vn/vn/doi-song/chuyen-la/dau-gio-khuynh-diep-bac-si-tin-huong-dau-dac-biet-trong-ky-uc-nguoi-sai-gon-377311.html
Bùi Kiến Thành
https://vi.wikipedia.org/wiki/B%C3%B9i_Ki%E1%BA%BFn_Th%C3%A0nh
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire