lundi 12 avril 2021

BLOG : " Xà bông cô Ba " trước năm 1975

 

Trương Thanh Long
Sưu tầm - Biên soạn - Bình Luận

Bạn có thể bấm vào đây để xem tài liệu mới cập nhật. 



Xà bông Cô Ba, thương hiệu của doanh gia Trương Văn Bền. Hiện vật trưng bày tại Bảo tàng Sài Gòn.

Đến chợ Kim Biên Q.5 bây giờ, nhìn về bên phải thấy một dãy nhà cũ kỹ. Phía trước, ở trên cao có biển quảng cáo hình một phụ nữ được đắp bằng xi măng đã hoen ố bởi thời gian. 


Trụ sở, xưởng sản xuất xà bông cô Ba, 20 rue de Cambodge nay là đường Kim Biên (P.13 Q.5, TP.HCM). Trên cao vẫn còn logo hình một phụ nữ được cho là cô Ba. Ảnh: Trần Chánh Nghĩa.

Nơi đây từ năm 1930 là cơ sở sản xuất xà bông Việt Nam lừng danh của ông Trương Văn Bền (1883 - 1956) và logo trên là biểu tượng "cô Ba" nên xà bông của ông còn được gọi là xà bông cô Ba


Bối cảnh

Xà phòng được người Pháp du nhập vào Việt Nam từ đầu thế kỷ 20. Lúc bấy giờ, hãng xà phòng chiếm lĩnh thị trường Việt Nam là thương hiệu xà bông Marseille do người Pháp sản xuất. Có rất ít cơ sở sản xuất nhỏ lẻ chiếm thị phần không đáng kể, phần lớn sản xuất xà bông để rửa tay hay giặt giũ cho giới lao động. Lúc bấy giờ người Việt vẫn chưa có hãng xà bông tắm gội riêng. Năm 1928, doanh nhân Trương Văn Bền thành lập xưởng chế dầu ở Chợ Lớn sản xuất các loại dầu ăn, dầu công nghiệp.


Vỏ hộp và cục xà bông cô Ba. Ảnh tư liệu.

Năm 1865, một cuộc thi hoa hậu được tổ chức tại Sài Gòn, cho phép nhiều cô gái đến từ miền Nam tham dự. Tại cuộc thi này, cô Ba Thiệu con ông Thông Chánh, quê Trà Vinh đăng quang. Hình ảnh của cô Ba sau này được hiệu buôn xà bông của ông Trương Văn Bền sử dụng làm người mẫu trên các sản phẩm bán ra thị trường. 


Vợ chồng ông Trương Văn Bền.

Cũng có một số tài liệu khác cho rằng hình người phụ nữ trên miếng xà bông không phải là cô Ba Thiệu mà là cô Ba có tên Trà, vợ của ông Trương Văn Bền.


Lịch sử

Xà bông Cô Ba là một nhãn hiệu xà bông do ông Trương Văn Bền thành lập năm 1932. Đây là nhãn hiệu xà phòng tắm gội đầu tiên của người Việt Nam. Theo lời kể của Trương Văn Bền, sở dĩ ông lấy tên Việt đặt cho mặt hàng của mình là do chịu ảnh hưởng từ vụ người Pháp xử tử các thành viên Việt Nam Quốc dân Đảng.


Một cửa hiệu trên đường Hàm Nghi quảng cáo xà bông Việt Nam (tức xà bông cô Ba).

Hãng xà bông Cô Ba có trụ sở cạnh nhà máy ép dầu dừa mà Trương Văn Bền xây dựng trước đó. Thời gian đầu, thương hiệu chỉ phân phối ở Sài Gòn, Chợ Lớn, Gia Định, Biên Hòa; việc phân phối đến các địa phương khác phụ thuộc vào những thương nhân người Hoa.

Để quảng bá thương hiệu, hãng xà bông Cô Ba cho in hình một cô gái và tận dụng chủ nghĩa dân tộc Việt Nam để thu hút người tiêu dùng. Ngoài Việt Nam, xà bông Cô Ba được xuất khẩu sang Lào, Campuchia, Hồng Kông châu Phi. Sau đó, hãng dùng các đại lý để phân phối sản phẩm đến các tỉnh.

Dưới thời Đệ nhất Cộng hòa (1955-1963), hãng của Trương Văn Bền chi gần 500.000 đồng thuê một đoàn võ thuật theo vừa biểu diễn, vừa quảng bá sản phẩm.

Trong thập niên 1960, trước sự đổ bộ của hàng ngoại nhập, đặc biệt là các mặt hàng từ Hoa Kỳ, xà bông Cô Ba bị mất thị phần. Sau sự kiện 30 tháng 4 năm 1975, xà bông Cô Ba bị quốc hữu hóa, hợp nhất vào Nhà máy công tư hợp doanh xà bông Việt Nam. Nhiều nguyên liệu để làm xà bông cũng không còn được nhập, thiếu nguyên liệu để gia công sản phẩm theo quy trình hiện đại.


Xà bông cô Ba bày bán trên kệ siêu thị cùng nhiều thương hiệu khác. 

Tháng 7/1995, công ty Phương Đông thuộc Bộ Công nghiệp liên doanh với tập đoàn Proter & Gamble lập một nhà máy mới ở Bình Dương, vẫn duy trì ngành sản xuất và thương mại với các loại hóa chất như mỹ phẩm, xà phòng, chất tẩy rửa, chế phẩm vệ sinh…

Năm 2017, CTCP Đầu tư Thương mại Bất động sản An Dương Thảo Điền (mã HAR) công bố quyết định đầu tư ít nhất 35% cổ phần và được quyền mua thêm 20% cổ phần của CTCP Sản xuất Thương mại Phương Đông. Doanh nghiệp này đang lên kế hoạch để đưa xà bông cô Ba trở lại thị trường.


BÌNH LUẬN

Bây giờ đây mỗi khi nhắc đến xà bông cô Ba, kem đánh răng Hynos, dầu khuynh diệp bác sĩ Tín, dầu gió Nhị Thiên Đường, dầu cù là Mac Phsu, bia BGI hay ngân hàng Tín Nghĩa. Họ là người đã gầy dựng nên những thương hiệu, sản phẩm gắn bó một thời với người dân Việt Nam và rất nhiều người vẫn còn nhớ...

Thành công đó có được không hề dễ dàng, càng không chỉ dựa vào may mắn, mà chính từ ý chí, nghị lực, cùng tư duy kinh doanh nhạy bén biết nắm bắt cơ hội làm giàu của những con người dám nghĩ, dám làm.


Nguyễn Tấn Đời (1922-1995) người sáng lập Hãng gạch ngói Đời TânNgân hàng Tín Nghĩa, nổi tiếng là doanh nhân thành đạt hạng nhất tại miền Nam Việt Nam trong hơn 20 năm, từ 1950 đến 1975.

Nói như ông Nguyễn Tấn Đời trong hồi ký của mình, rằng muốn có sự thành công, chúng ta phải tự thân vận động, lao động bằng chính bàn tay khối óc của mình. Và phải biết tận dụng mọi cơ hội nhưng phải có tâm, phải ngay thẳng. Còn sự may mắn là một cơn mưa cho tất cả mọi người, nếu ai biết chuẩn bị kịp thời được đồ chứa tốt và lớn thì hứng được nhiều nước trời cho…


Ông Trương Văn Bền (1883 - 1956). Ảnh tư liệu.

Ông Trương Văn Bền đã nói “Ở xứ mình, trong giới kỹ nghệ còn trống chỗ nhiều, muốn lập kỹ nghệ nào cũng dễ lắm. Không cần phải có vốn nhiều. Vốn ít, càng tốt hơn. Ban đầu không nên làm rình rang, đã vô ích mà còn có hại, cứ khởi sự nho nhỏ, đi lần lần từng bước.

Cần nhất phải có chí nhẫn nại. Như tôi đây bị thất bại đã mấy phen, nhưng có thất bại mới có thêm kinh nghiệm. Thứ nhất là bền chí. Thứ hai là phải có sức khỏe, làm gì thì làm mỗi buổi sáng tôi cũng dậy sớm tập nửa giờ thể dục.

Không có sức khỏe, hay đau ốm thì dẫu tài giỏi đến bực nào cũng thành vô dụng. Tóm lại sức khỏe, sự học hỏi, sự bền chí là những điều kiện của sự thành công”.


THAM KHẢO

Trương Văn Bền
https://vi.wikipedia.org/wiki/Tr%C6%B0%C6%A1ng_V%C4%83n_B%E1%BB%81n

Nguyễn Tấn Đời
https://vi.wikipedia.org/wiki/Nguy%E1%BB%85n_T%E1%BA%A5n_%C4%90%E1%BB%9Di#:~:text=Nguy%E1%BB%85n%20T%E1%BA%A5n%20%C4%90%E1%BB%9Di%20(1922%2D1995,n%C4%83m%2C%20t%E1%BB%AB%201950%20%C4%91%E1%BA%BFn%201975.












Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire