lundi 30 mars 2020

SỨC KHOẺ : Tầm quan trọng của máy thở với bệnh nhân COVID-19


Trương Thanh Long
Sưu tầm - Biên soạn - Bình Luận

Thông tin bài viết mang tính chất tham khảo, không thể thay thế tư vấn từ bác sĩ chuyên môn.

Máy thở có tầm quan trọng sống còn với bệnh nhân COVID-19 nặng. Ảnh: AFP

Tình hình số người bị nhiễm virus SARS-CoV-2 gây đại dịch Covid-19 ngày càng tăng nhanh. Những bệnh nhân phải thở máy nhân tạo là những bệnh nhân cần được hỗ trợ hô hấp và thường là những bệnh nhân nặng, nếu để tuột máy thở có thể dẫn đến tử vong.


Máy thở nhân tạo là gì?

Thở máy hỗ trợ bệnh nhân sau phẫu thuật

Thở máy  nhân tạo (thông khí) là biện pháp dùng để hỗ trợ bệnh nhân thở khi bệnh nhân hồi phục sau phẫu thuật hoặc khi mắc bệnh nặng hoặc khi bệnh nhân không thể thở được vì bất kỳ nguyên nhân nào. Bệnh nhân được máy hỗ trợ thở thông qua ống nội khí quản (thở máy xâm nhập) hoặc qua mặt nạ (thở máy không xâm nhập) cho đến khi bệnh nhân có thể tự thở.


Máy thở hoạt động như thế nào?

Một máy thở có thể cung cấp khí oxy đến phổi và giúp giảm nồng độ CO2 trong cơ thể. Thiết bị này thường được sử dụng bằng cách đưa một ống dẫn khí vào miệng hoặc mũi bệnh nhân rồi sau đó đưa xuống vùng khí quản. Điều này cho phép máy thở điều hòa không khí ra vào trong phổi.


Cách hoạt động của máy thở. Nguồn: BBC/Hamilton Medical.


Máy thở nhân tạo có những nguy cơ gì?

Trên cơ quan hô hấp:

  • Chấn thương phổi do áp lực
  • Rối loạn trao đổi khí
  • Viêm phổi liên quan thở máy
  • Xẹp phổi
  • Các biến chứng do ống nội khí quản, mở khí quản


Trên các cơ quan khác:

  • Ảnh hưởng trên tim mạch: giảm cung lượng tim, hạ huyết áp (nhất là khi dùng áp lực cuối thì thở ra (PEEP) và/hoặc thể tích lưu thông cao).
  • Rối loạn thận - tiết niệu: giảm tưới máu thận, tăng tiết ADH (hormone chống bài niệu tiết ra từ tuyến yên), gây ứ nước.
  • Rối loạn tiêu hoá: chướng bụng, liệt ruột, táo bón do nằm lâu; loét đường tiêu hoá do stress, xuất huyết tiêu hoá do stress.
  • Tăng áp lực nội sọ khi dùng PEEP.
  • Rối loạn tâm thần.


Các kỹ thuật phối hợp với máy thở nhân tạo

Hút đờm dãi: Sử dụng ống hút nối với hệ thống áp lực âm, hút đờm dãi xuất tiết qua ống nội khí quản. Biện pháp này là rất quan trọng trong việc duy trì sự thông thoáng của đường thở. Nguy cơ của thủ thuật này là nhiễm khuẩn.

Khí dung thuốc: Bệnh nhân có thể cần sử dụng thuốc qua đường khí dung. Thuốc được phun vào đường thờ và hiệu quả tác dụng cao hơn so với dùng đường toàn thân.

Soi phế quản: Bác sĩ sẽ dùng một ống soi nhỏ có camera đưa vào đường thở bệnh nhân. Đây là biện pháp rất hiệu quả để kiểm tra đường thở, lấy mẫu xét nghiệm để tìm nguyên nhân gây bệnh.


Ai là người thực hiện máy thở nhân tạo?

Bác sĩ: Bao gồm các bác sỹ hồi sức tích cực, cấp cứu hoặc gây mê. Các bác sỹ đều được đào tạo huấn luyện thành thạo chuyên sâu về kỹ thuật này.

Điều dưỡng/ Kỹ thuật viên gây mê/ Kỹ thuật viên trị liệu hô hấp: các điều dưỡng và kỹ thuật viên được đào tạo, huấn luyện đặc biệt về các phương pháp chăm sóc bệnh nhân thở máy, xử lý các sự cố kỹ thuật nếu có trong quá trình vận hành máy thở, giúp bệnh nhân phục hồi nhanh hơn.


BÌNH LUẬN

Giới chức y tế khắp thế giới tìm mọi cách để có thể mua càng nhiều máy thở càng tốt cho các bệnh viện khi bệnh nhân viêm đường hô hấp cấp COVID-19 nhập viện ngày càng nhiều. Với bệnh nhân nặng, máy thở quyết định mạng sống của họ.

Đa số người nhiễm bệnh COVID-19 chỉ có triệu chứng nhẹ nhưng 6% bệnh nhân cần nhập viện. Bệnh nhân lớn tuổi có rủi ro sức khỏe cao hơn.

Các chuyên gia nhận định nỗ lực để cung cấp đủ máy thở rất quan trọng vì thiếu thiết bị này, mạng sống của bệnh nhân nặng sẽ lâm nguy.

Những gì diễn ra ở Italy Tây Ban Nha và mô hình mà các nhà toán học xây dựng khắp thế giới cho thấy số người bị bệnh nặng khi mắc COVID-19 sẽ vượt quá khả năng chăm sóc của bệnh viện, nhiều hơn số máy thở hiện có. Nếu không có máy thở, nhiều bệnh nhân lẽ ra có thể sống sót lại tử vong.

Thống đốc bang New York Andrew Cuomo cho biết bang này có khoảng 5.000-6.000 máy thở, nhưng có thể phải cần đến 30.000 máy. Trên toàn nước Mỹ, ước tính sẽ có đến 960.000 bệnh nhân COVID-19 cần trợ giúp từ máy thở, nhưng hiện chỉ có 200.000 máy. Tại Italy, nước có số người tử vong vì dịch cao nhất thế giới, việc thiếu hụt nghiêm trọng máy thở buộc các bác sĩ phải chọn lọc bệnh nhân.















Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire