jeudi 12 décembre 2019

THẾ GIỚI : Trung Quốc xuất hiện "thành phố ma" vì thương chiến với Mỹ


Trương Thanh Long
Sưu tầm - Biên soạn - Bình Luận


(Dân trí 12/12/2019) - Thương chiến Mỹ - Trung chưa có dấu hiệu hạ nhiệt trong hơn 1 năm qua đã khiến nhiều doanh nghiệp lớn chuyển nhà máy khỏi Trung Quốc, khiến những khu vực vốn sầm uất, đông đúc bỗng chốc vắng vẻ, thậm chí bị ví như những "thành phố ma".


Nhìn ra bên ngoài cửa tiệm nhỏ ở thành phố Huệ Châu, phía Bắc vùng đồng bằng Châu Giang, nơi được coi là trái tim của ngành công nghiệp chế tạo chủ chốt ở Trung Quốc, Li Bing vẫn có thể hình dung ra được sự đông đúc, náo nhiệt của rất nhiều khách hàng từ nhà máy lân cận.

Tuy nhiên, từ một nơi sầm uất, cửa hàng của Li giờ chỉ là những chiếc bàn trống trơn trong suốt 2 tháng qua. Tình trạng này cũng tương tự xung quanh khu phức hợp Jinxinda, nằm ở trung tâm tỉnh Quảng Đông.

Theo SCMP, nguyên nhân của tình trạng này chính là việc Samsung đóng cửa khu phức hợp ở Huệ Châu. Đây là nhà máy sản xuất điện thoại thông minh cuối cùng của tập đoàn Hàn Quốc tại Trung Quốc

Cửa hàng của Li làm ăn khấm khá nhờ vào hàng nghìn lao động nhập cư tới sống ở khu phức hợp rộng 120.000 mét vuông. Rất nhiều những hộ kinh doanh địa phương khác đã sống dựa vào nguồn lực này trong gần 30 năm qua.

Samsung đã đưa nhà máy sang các quốc gia khác với nhiều nguyên nhân, trong đó, theo SCMP, nguyên nhân lớn nhất chính là cuộc thương chiến giữa Mỹ và Trung Quốc.

Trước khi Samsung chuyển nhà máy đi, chúng tôi có thể kiếm được 60.000-70.000 tệ mỗi ngày (8.500-9.900 USD), nhưng hiện thời, chúng tôi chỉ có thể kiếm được vài trăm tệ mỗi ngày. Mỗi đêm chỉ có 2, 3 bàn có khách”. Li nói.

Rất nhiều công nhân đã nghỉ làm cho biết họ bị ép thôi việc. Không có một hãng sản xuất lớn nào vào thế chỗ Samsung hay các hãng khác chuyển đi khiến ít nhất 60% các hộ kinh doanh lân cận đã đóng cửa và con số này dự kiến sẽ tăng tiếp nếu tình hình không được cải thiện.


Chuyên gia  Liu Kaiming người đứng đầu Viện quan sát đương đại, giám sát điều kiện lao động ở hàng trăm nhà máy tại Trung Quốc cho biết Samsung, với vị thế một trong những nhà sản xuất hàng đầu thế giới, đã tạo nên một hệ sinh thái ở Quảng Đông và các tỉnh lân cận trong 20 năm qua.

Ít nhất 100 nhà máy ở Quảng Đông sẽ đóng cửa vì không thể trụ được nếu không có nhà máy Samsung Huệ Châu”, ông Liu nhận xét.

Nhà máy của Samsung Huệ Châu thành lập tháng 8/1992, 4 ngày trước khi Hàn Quốc và Trung Quốc thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức. Năm 1993, công ty có vốn đăng ký 32 triệu USD đi vào sản xuất và đã cho ra đời hàng loạt các sản phẩm công nghệ.

Có khoảng 100 tòa nhà ở, mỗi tòa 6-7 tầng, rộng 1.000 mét vuông tại khu phức hợp Jinxinda, hầu hết được Samsung thuê cho công nhân”, Huang Fumin, một người làm môi giới bất động sản, cho hay.

Kể từ khi Samsung rời đi, dù giá thuê đã giảm mạnh, tuy nhiên không nhà đầu tư nào mặn mà với việc bỏ tiền ra thuê khu vực này.

Trước đây, khu vực này có nhiều tòa nhà ở của công nhân Samsung và các nhà máy cung cấp nằm bên cạnh. Bất chấp muộn như thế nào, các công nhân trẻ có cuộc sống rất sôi động và náo nhiệt. Giờ thì nơi đây như là thị trấn ma vì hầu hết các căn nhà đều trống rỗng”, Huang nói.


Tác động lan rộng


Việc các nhà máy lớn rời đi còn ảnh hưởng tới thị trấn Changan, thành phố Đông Hoản, Quảng Đông, cách Huệ Châu 100km. Hàng nghìn lao động nhập cư và quản lý của một nhà máy của công ty robot Trung Quốc Janus Intelligent đã buộc giảm giờ làm, đồng nghĩa thu nhập kém đi. Một số người được yêu cầu nghỉ phép 3 tháng, trong khi số khác chỉ được làm việc 1-2 ngày/tuần vì khách hàng lớn nhất của họ từ cuối những năm 2000 là Samsung đã rời đi.

Năm ngoái, doanh thu của Janus đã giảm 14,25%, tương đương lỗ 405 triệu USD, chủ yếu từ thâm hụt do Samsung ngừng đặt hàng vào quý 4 năm 2018.

Tháng 9, Janus bán hầu hết vốn sở hữu tại nhà máy ở Đông Hoản cho Firstar Panel Technology.

Trong ngày làm việc đầu tiên của tháng 12, rất nhiều công nhân ngồi không vì không có việc làm.

Chúng tôi chỉ làm 4 tiếng buổi sáng và sau đó được thông báo nghỉ một ngày. Giám đốc nói rằng không có đủ nguyên liệu sản xuất”, một công nhân nói.

Từ tháng trước, 2/3 trong số 3.000 lao động của nhà máy này đã được yêu cầu nghỉ làm với nhiều lý do, và hầu hết chỉ đi làm xen kẽ ngày.

Liu Fang, một nhân viên lâu năm nói rằng nhà máy dường như đang dùng cách này để buộc nhân viên tự nghỉ việc. Các quản lý được cho nghỉ 3 tháng với mức lương 283 USD, còn công nhân thì đi làm 1-2 ngày rồi lại nghỉ. Họ sẽ không kiếm đủ tiền trang trải cuộc sống và tự rời đi.

Vài năm trước, với các đơn hàng từ Samsung, nhà máy của Janus sống khỏe với 10.000 công nhân. “Vào thời điểm cao điểm, nhà máy này thuê hơn 40 tòa nhà loại 6-7 tầng của của người dân làm nơi ở cho công nhân, nhưng bây giờ chỉ còn 20 tòa”, Liu nói.

Tại Huệ Châu, chính quyền địa phương chưa công bố kế hoạch cho cơ sở mà Samsung để lại trong khi người dân địa phương đang mong chờ một hướng đi mới.

Li Hua, một chủ tiệm tạp hóa, nói rằng nhu cầu tiêu dùng địa phương ngày càng thấp, có nơi giảm tới 80% so với tháng 8 vì một lượng lớn công nhân rời đi.  Mọi cửa hàng từ tiệm thuốc, siêu thị, quán cà phê, nhà thuê, khách sạn đều phụ thuộc vào nhà máy của Samsung trong hàng chục năm qua.

Chúng tôi hy vọng chính quyền địa phương có thể đưa vào một nhà máy với khoảng 2.000-3.000 công nhân càng nhanh càng tốt. Chỉ có các công nhân mới có thể giúp việc kinh doanh của người dân địa phương khá lên”, bà chủ tạp hóa Li nói.


THAM KHẢO

Chính sách của Trump với Trung Quốc - cái nhìn cập nhật
https://www.bbc.com/vietnamese/forum-50346227










Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire