Trương Thanh Long
Sưu tầm - Biên soạn - Bình Luận
Charlie Chaplin en 1915. (1889-1977)
Nhân kỷ niệm 132 năm ngày sinh Charlie Chaplin 16/04/1989, người dựng nên huyền thoại « anh hề Charlot », chúng ta cùng bước vào thế giới nghệ thuật và riêng tư thuộc về Charlot. Với một phim trường thu nhỏ và ngôi nhà mà Chaphin đã sống 25 năm cuối đời, Chaplin’s World tại Corsier-sur-Vevey - Thụy Sĩ là một trong những bảo tàng độc đáo nhất của làng điện ảnh thế giới.
TIỂU SỬ
Sir Charles Spencer "Charlie" Chaplin (16 tháng 4 năm 1889 – 25 tháng 12 năm 1977), thường được biết đến với tên Charlie Chaplin hay Vua hề Charlot (Sác-lô) là một diễn viên, đạo diễn phim hài người Anh trở nên nổi tiếng trong kỷ nguyên phim câm. Chaplin trở thành một hình tượng toàn cầu thông qua nhân vật Tramp (Gã lang thang, hay còn có tên là Charlot trong tiếng Pháp, tiếng Tây Ban Nha và vài ngôn ngữ khác), thường được xem là một trong những nhân vật quan trọng nhất trong lịch sử ngành công nghiệp điện ảnh. Sự nghiệp của ông kéo dài trên 75 năm và qua đời (đột quỵ) ngày 25/12/1977 ở tuổi 88.
Tuổi thơ nghèo khó
Charles Spencer Chaplin sinh ngày 16 tháng 4 năm 1889. Ông là đứa con duy nhất của cặp vợ chồng ca sĩ Charles Chaplin (cha) và Hannah Hill (mẹ). Không có giấy tờ khai sinh nhưng Chaplin tin rằng mình sinh ra ở Phố Đông, Walworth, thuộc Nam Luân Đôn. Cha mẹ ông cưới nhau 4 năm trước đó, và Hannah từ trước đã có một đứa con trai ngoài giá thú tên là Sydney. Vào lúc Chaplin ra đời, cha mẹ họ đều là những nghệ sĩ rạp hát. Hannah (nghệ danh Lily Harley), con gái một người làm giày, đã có một sự nghiệp ngắn ngủi và ít thành công, trong khi Charles (cha), vốn là con trai một người hàng thịt, là một ca sĩ nổi danh. Hai người ly thân từ khoảng năm 1891. Năm 1892, Hannah có một đứa con thứ ba – George Wheeler Dryden – với nghệ sĩ rạp hát Leo Dryden. Đứa trẻ được Dryden đem về nuôi khi mới 6 tháng tuổi và chỉ tiếp xúc với Chaplin 30 năm sau đó.
Tuổi thơ Chaplin chất chứa khó khăn và nghèo đói, làm cho đường công danh về sau của ông trở thành "câu chuyện từ nghèo đói tới giàu sang kịch tính nhất từng được biết tới", theo người viết tiểu sử David Robinson. Những năm đầu đời, Chaplin sống với mẹ và anh trai Sydney ở quận Kennington của Luân Đôn. Hannah không có kế sinh nhai nào ngoài việc chăm sóc trẻ em và may áo, còn Chaplin (cha) thì không chu cấp gì cho con trai. Khi hoàn cảnh khốn khó quá, Chaplin, lúc đó lên 7 tuổi, bị gửi vào một trại tế bần. Hội đồng Southwark đưa cậu vào Trường quận Trung tâm Luân Đôn dành cho những người bần cùng, thời gian mà Chaplin nhắc lại như "một sự tồn tại trơ trọi". Cậu được đoàn tụ với mẹ 18 tháng sau, trước khi Hannah phải đưa cả nhà vào lại trại tế bần tháng 7 năm 1898. Hai đứa trẻ được gửi tới trường Norwood, một cơ sở dành cho trẻ em bần cùng khác.
Bà Hannah Chaplin, mẹ của Chaplin
Tháng 9 năm 1898, Hannah (mẹ Chaplin) phải vào trại tâm thần Cane Hill - bà đã trở nên loạn trí có lẽ là do nhiễm bệnh giang mai và kém dinh dưỡng. Trong hai tháng Hannah ở đó, Chaplin và anh trai Sydney đến sống với người cha mà trước đó họ ít khi biết tới. Charles (cha) khi đó đã trở thành một người nghiện rượu nặng, và đã đối xử bạo ngược với hai đứa con đến nỗi đại diện Hiệp hội Chống Ngược đãi Trẻ em Quốc gia phải tới làm việc. Cha Chaplin chết 2 năm sau đó ở tuổi 38 do bệnh xơ gan.
Charles Chaplin Sr. cha của Chaplin
Bệnh của Hannah sau đó thuyên giảm ít nhiều, nhưng tới tháng 5 năm 1903 lại tái phát. Chaplin, khi đó 14 tuổi, phải đưa mẹ tới bệnh viện, sau đó bà lại bị bệnh viện trả về Cane Hill. Chaplin sống một mình trong vài ngày, buộc phải đi tìm thức ăn và thỉnh thoảng ngủ ngoài đường, cho tới khi Sydney (đứa con trai ngoài giá thú của Hannah) - đã đăng lính vào Hải quân hai năm trước đó - trở về. Hannah được đưa ra khỏi trại tâm thần 8 tháng sau đó, nhưng tới tháng 3 năm 1905 bà phát bệnh trở lại, lần này vĩnh viễn. Chaplin sau này kể lại: "Chúng tôi chẳng thể làm gì ngoài chấp nhận số phận của người mẹ bất hạnh". Hannah sống trong trạng thái cần người thường trực trông nom cho tới khi qua đời vào năm 1928.
Nghệ sĩ trẻ tuổi (Young Artist)
Giữa khoảng thời gian ở trong trường dành cho trẻ bần cùng và chăm sóc mẹ lâm bệnh thần kinh, Chaplin bắt đầu biểu diễn. Theo ông nhớ thì lần đầu tiên xuất hiện nghiệp dư là năm 5 tuổi, khi Chaplin thay thế mẹ mình một đêm diễn ở Aldershot. Đó chỉ là một sự kiện riêng lẻ và đột xuất, nhưng tới khi lên 9 tuổi , nhờ vào sự cổ vũ của người mẹ, Chaplin ngày càng hứng thú với việc trình diễn. Về sau ông viết lại: "mẹ tôi đã truyền cho tôi cảm giác rằng tôi có tài năng nào đó". Nhờ những quan hệ của người cha, Chaplin được nhận vào một đoàn clog-dancing (nhảy đeo guốc đập nhịp) có tên The Eight Lancashire Lads (Tám anh chàng xứ Lancashire), theo đoàn đi biểu diễn ở các rạp hát nước Anh trong suốt những năm 1899 và 1900. Chaplin làm việc chăm chỉ, và tiết mục này khá ăn khách vào lúc đó, nhưng cậu không thỏa mãn với nhóm nhảy và ước muốn sản xuất một tiết mục hài kịch.
Chaplin trong vở kịch Sherlock Holmes trong giữa năm 1903 và 1906
Trong mấy năm lưu diễn với đoàn, mẹ Chaplin bảo đảm cho cậu vẫn có thể tới lớp, nhưng ở tuổi 13 cậu đã bỏ học. Chaplin tự kiếm sống bằng nhiều nghề khác nhau, trong khi vẫn ấp ủ tham vọng trở thành diễn viên. Năm lên 14 tuổi, ít lâu sau khi mẹ tái phát bệnh, cậu đăng ký vào một hãng sân khấu ở West End của Luân Đôn. Người quản lý nhận thấy triển vọng ở Chaplin, và lập tức cho cậu vai diễn đầu tiên, một đứa trẻ bán báo trong vở Jim, a Romance of Cockayne của H. A. Saintsbury. Vở kịch khai diễn vào tháng 7 năm 1903, nhưng không thành công và phải ngừng diễn sau hai tuần; tuy nhiên nhiều bài phê bình đã ghi nhận vai của Chaplin là vai diễn hài hước duy nhất trong toàn bộ vở kịch. Saintsbury giúp cho Chaplin được tham gia vào vở Sherlock Holmes do Charles Frohman dàn dựng, trong đó cậu sắm vai cậu bé hầu phòng Billy trong ba chuyến lưu diễn toàn quốc. Vai của cậu được đón nhận nồng nhiệt tới mức cậu được đưa về Luân Đôn để diễn vai này cùng với William Gillette, đồng tác giả và là diễn viên đầu tiên thủ vai Holmes. Chaplin về sau nhắc lại: "Chuyện diễn ra như thể ở thiên đường vậy". Vào lúc 16 tuổi, Chaplin đã sắm vai trong vở kịch do West End dàn dựng ở Nhà hát Công tước York từ tháng 10 tới tháng 12 năm 1905. Cậu hoàn thành chuyến lưu diễn cuối cùng cho vở Sherlock Holmes vào đầu năm 1906, trước khi rời vở diễn hơn hai năm rưỡi.
Hài kịch
Chaplin sớm tìm thấy việc làm trong một công ty mới, và tiếp tục lưu diễn cùng anh trai - Sydney bấy giờ cũng theo đuổi sự nghiệp diễn xuất - trong một vở kịch vui ngắn mang tên Repairs. Tháng 5 năm 1906, Chaplin tham gia tiết mục dành cho giới trẻ Casey's Circus, mà anh phát triển các tiểu đoạn khôi hài ăn khách và sớm trở thành ngôi sao của buổi diễn. Vào thời điểm tiết mục hoàn thành lưu diễn tháng 7 năm 1907, chàng trai 18 tuổi đã trở thành một nghệ sĩ hài thực thụ. Tuy vậy anh vẫn nỗ lực tìm thêm công việc, và có thử một tiết mục solo nhưng thất bại.
Trong khi đó, Sydney Chaplin gia nhập công ty hài kịch danh tiếng Fred Karno năm 1906, và tới năm 1908 đã trở thành một diễn viên trụ cột của công ty. Tháng 2 năm đó, anh trai Sydney xin được một kỳ diễn thử hai tuần cho em trai Chaplin. Karno ban đầu lo lắng, xem Chaplin là "một anh chàng nhợt nhạt, yếu ớt, có vẻ ủ rũ", "trông quá nhút nhát để làm được điều gì tử tế trong rạp hát." Nhưng Chaplin đã để lại ấn tượng ngay trong đêm đầu tiên tại nhà hát London Coliseum và nhanh chóng nhận được hợp đồng làm việc. Chaplin bắt đầu bằng việc đóng một loạt vai nhỏ, dần tiến tới những vai chính trong năm 1909. Tháng 4 năm 1910, anh nhận đảm đương đoản kịch mới, Jimmy the Fearless ("Jimmy Can đảm"). Thành công vang dội của nó khiến báo chí tập trung chú ý đáng kể vào Chaplin.
Tờ quảng cáo từ chuyến lưu diễn Hoa Kỳ của Chaplin cùng với công ty hài kịch Fred Karno, 1913
Karno chọn ngôi sao mới trẻ tuổi Chaplin tham gia vào một bộ phận hát lưu diễn tại hệ thống rạp kịch vui của Bắc Mỹ. Chaplin dẫn dắt vở diễn và gây ấn tượng cho những nhà phê bình, họ mô tả anh như "một trong những nghệ sĩ kịch câm vĩ đại nhất từng thấy ở đây". Vai thành công nhất của anh là một gã say rượu gọi là "Inebriate Swell" ("Swell Nát rượu") được nhiều người ghi nhận. Chuyến lưu diễn kéo dài 21 tháng, và nhóm diễn trở lại Anh tháng 6 năm 1912. Chaplin sau này kể lại rằng anh "có một cảm giác bất an, cảm tưởng như mình chìm vào sự tầm thường về trí tuệ", và do đó anh đã rất mừng rỡ khi một chuyến lưu diễn mới bắt đầu vào tháng 10.
Khởi nghiệp điện ảnh (1914-1917)
Hãng phim Keystone
Sau sáu tháng trong chuyến đi Mỹ lần hai, Chaplin được mời gia nhập Công ty New York Motion Picture. Một đại diện hãng từng xem anh diễn xuất cho rằng Chaplin có thể thay thế cho Fred Mace, một ngôi sao thuộc Hãng phim Keyston đang có ý định ra đi. Chaplin từng cho rằng các phim hài của Keystone là "một đống hỗn tạp lộn xộn", nhưng thích hoạt động trong ngành điện ảnh và tự nhủ rằng: "Ngoài ra, nó còn có nghĩa là một cuộc đời mới". Chaplin gặp gỡ với đại diện công ty, và ký một hợp đồng với mức lương 150 đô la/tuần vào tháng 9 năm 1913.
Chaplin (trái) trong vai diễn điện ảnh đầu tiên, phim Making a Living (1914)
Chaplin đến Los Angeles, trụ sở hãng phim Keystone vào đầu tháng 12 năm 1913. Quản lý của anh là Mack Sennett, người ban đầu lo ngại là chàng trai 24 tuổi này trông quá trẻ. Anh mất một thời gian làm quen với phim trường cho tới cuối tháng 1 năm sau, trong thời gian đó Chaplin tìm cách học quy trình làm phim. Bộ phim một cuộn Making a Living ("Kiếm sống") đánh dấu sự ra mắt của anh với làng điện ảnh, khởi chiếu từ ngày 2 tháng 2 năm 1914. Bản thân Chaplin rất ghét bộ phim, nhưng một bài bình luận đã nhận ra ở anh có tố chất của "một nghệ sĩ hài bậc nhất". Lần thứ hai xuất hiện trước máy quay, anh chọn lựa trang phục mà sau này đã biểu trưng nhận diện cho mình.
Về sau Chaplin mô tả quá trình này trong tiểu sử tự thuật:
"Tôi muốn mọi thứ phải mâu thuẫn: quần thùng thình, áo chật, mũ nhỏ và giày to... Tôi thêm vào một bộ ria mép nhỏ mà theo tôi suy luận đã làm tăng thêm tuổi mà không cần phải hóa trang nét mặt của mình. Tôi không có ý tưởng nào về nhân vật này. Nhưng vào lúc tôi vận trang phục, quần áo và trang điểm, tôi đã cảm thấy phải diễn nhân vật này ra sao. Tôi bắt đầu cảm nhận được nhân vật, và tới lúc tôi bước lên sân khấu nhân vật này đã ra đời một cách trọn vẹn."
Bộ phim đó là Mabel's Strange Predicament ("Mối nguy khốn lạ lùng của Mabel"), nhưng tên nhân vật "Tramp" ("Gã Lang thang", tức là "Charlot") chỉ ra mắt khán giả trong Kid Auto Races at Venice ("Đua xe Trẻ em ở Venice") - được quay sau Mabel's Strange Predicament nhưng lại công chiếu trước 2 ngày. Chaplin tiếp nhận nhân vật này làm bộ mặt trên màn bạc của mình, và tìm cách đưa ra những gợi ý cho những phim mà anh tham gia. Tuy nhiên, những gợi ý của Chaplin không được các đạo diễn chấp nhận.
The Tramp ra mắt trong Kid Auto Races at Venice (1914), phim thứ hai của Chaplin
Trong đợt quay phim thứ 11, Mabel at the Wheel ("Mabel trên xe hơi"), anh đã đối đầu với đạo diễn Mabel Normand và chút nữa thì bị chấm dứt hợp đồng. Sennett đã giữ Chaplin lại, khi ông nhận được những đặt hàng từ các chủ rạp chiếu phim yêu cầu có thêm các phim có Chaplin đóng. Sennett cũng cho phép Chaplin tự đạo diễn bộ phim tiếp đó của mình sau khi Chaplin hứa trả 1500 đô la nếu bộ phim thất bại.
Caught in the Rain ("Bị tóm dưới mưa"), phát hành ngày 4 tháng 5 năm 1914, là tập phim đầu tiên Chaplin tự đạo diễn và gặt hái thành công vang dội. Kể từ đó anh đạo diễn hầu hết mọi phim ngắn mà anh thủ vai cho Keystone, với nhịp độ lên tới gần mỗi tuần một phim, một thời kỳ mà sau này Chaplin nhắc lại như thời gian phấn khích nhất trong sự nghiệp của mình. Các bộ phim của Chaplin giới thiệu đều là một dạng phim hài với tiết tấu chậm hơn các phim hài thông thường của Keystone, và với các bộ phim này anh bắt đầu có được số lượng người hâm mộ đáng kể. Tháng 11 năm 1914, anh nhận một vai phụ trong một phim truyện hài (có độ dài tương đối) đầu tiên, Tillie's Punctured Romance ("Mối tình tan vỡ của Tillie"), do Sennett đạo diễn và có sự góp mặt của Marie Dressler. Phim này rất thành công về mặt thương mại và giúp tăng cường danh tiếng của anh. Tuy nhiên khi hợp đồng của Chaplin đến kì gia hạn, anh đòi lương tăng lên 1.000 đô/tuần - con số này bị Sennett cho là quá lớn và từ chối.
Hãng phim Essanay
Chaplin và Edna Purviance, người hay đóng cặp với ông, trong Work (1915)
Sau đó, Công ty Sản xuất Phim Essanay chuyển tới Chaplin lời đề nghị hấp dẫn hơn với lương 1.250 đô la/tuần cùng với khoản tiền thưởng ký hợp đồng 10.000 đô la. Anh gia nhập hãng phim này cuối tháng 12 năm 1914,và ở Essanay Chaplin bắt đầu thành lập một công ty cổ phần bao gồm các diễn viên chuyên nghiệp, bao gồm Leo White, Bud Jamison, Paddy McGuire và Billy Armstrong. Chaplin cũng thuê một diễn viên đóng cặp - Edna Purviance, người mà Chaplin bị thu hút bởi vẻ đẹp khi gặp lần đầu ở một quán cà phê. Edna xuất hiện trong 35 bộ phim cùng với Chaplin trong vòng hơn 8 năm; cặp diễn này cũng có một quan hệ tình cảm kéo dài tới năm 1917.
Chaplin có quyền kiểm soát đáng kể các tựa phim anh thực hiện, và bắt đầu dành nhiều thời gian và sự chú ý hơn cho mỗi phim. Từ phim thứ hai A Night Out ("Một đêm ngoài phố") tới phim thứ ba The Champion ("Nhà vô địch") có một khoảng cách dài một tháng, và 7 phim cuối trong tổng số 14 phim Chaplin làm ở Essanay cũng có nhịp độ chậm tương tự. Chaplin cũng bắt đầu thay đổi các đặc trưng nhân vật của mình, do anh đã từng nhận những chỉ trích thời còn ở Keystone rằng nhân vật của anh có tính cách "hèn hạ, thô lỗ và hung ác". Nhân vật Chaplin đóng đã trở nên hiền lành và lãng mạn hơn; The Tramp ("Gã lang thang", tháng 4 năm 1915) được xem như một bước ngoặt trong sự phát triển cá tính nhân vật của Chaplin. Việc sử dụng nội dung tình cảm trong phim hài tiếp tục phát triển trong The Bank ("Ngân hàng"), trong đó Chaplin tạo ra một kết thúc buồn. Robinson ghi nhận rằng đây là một sự cách tân trong thể loại phim hài, và đánh dấu thời điểm những nhà phê bình nghiêm túc bắt đầu đánh giá cao các tác phẩm của Chaplin. Ở Essanay, theo nhà nghiên cứu điện ảnh Simon Louvish, Chaplin "tìm thấy chủ đề và bối cảnh định hình nên thế giới của Tramp."
Vào năm 1915, Chaplin đã trở thành một hiện tượng văn hóa. Các cửa hàng đầy ắp những thứ đồ ăn theo phim Chaplin, anh xuất hiện trong sách truyện tranh, cột truyện tranh trên báo, và trong một vài bài hát. Tháng 7 năm đó, một phóng viên làm cho tờ Motion Picture Magazine viết rằng "Chaplinitis" (tạm dịch: "trào lưu Chaplin") đã lan tràn khắp nước Mỹ. Khi danh tiếng của Chaplin phát triển tới tầm quốc tế, anh trở thành ngôi sao toàn cầu đầu tiên của công nghiệp điện ảnh. Khi hợp đồng với Essanay kết thúc tháng 12 năm 1915, Chaplin – hiểu rõ sự nổi tiếng của mình – yêu cầu nhận được tiền thưởng ký kết 150.000 đô la từ hãng phim tiếp theo. Anh nhận được một số đề nghị khác nhau, bao gồm của Universal, Fox, và Vitagraph, tuy nhiên điều kiện hấp dẫn nhất đến từ Mutual Film Corporation với mức lương 10.000 đô la/tuần.
Mutual Film Corporation
Tới 1916, Chaplin đã trở thành một hiện tượng quốc tế.
Ảnh chụp ông với sản phẩm ăn theo mình, khoảng năm 1918.
Giá trị hợp đồng giữa Chaplin với Mutual, với con số cuối cùng sau thương lượng lên tới 670.000 đôla/năm, theo Robinson đã đưa Chaplin – lúc ấy mới 26 tuổi - trở thành một trong những người nhận lương cao nhất thế giới. Lương cao làm công chúng sửng sốt và báo chí đăng tin rầm rộ. John R. Freuler, chủ tịch hãng phim, giải thích: "Chúng tôi có khả năng trả Mr. Chaplin khoản tiền lớn đó bởi vì công chúng muốn Chaplin và sẽ bỏ tiền ra để xem anh ấy."
Mutual cho Chaplin một xưởng phim riêng ở Los Angeles để làm việc, bắt đầu mở cửa vào tháng 3 năm 1916. Chaplin mời thêm hai thành viên quan trọng vào công ty cổ phần của mình, Albert Austin và Eric Campbell, và sản xuất một loạt phim hai cuộn:
- The Floorwalker ("Người coi cửa hiệu"),
- The Fireman ("Lính cứu hỏa"),
- The Vagabond ("Ma cà bông"),
- One A.M. ("Một giờ sáng"),
- The Count ("Bá tước").
- Để quay The Pawnshop ("Tiệm cầm đồ") ông tuyển diễn viên Henry Bergman, người sẽ cộng tác với Chaplin trong 30 năm. Behind the Screen ("Phía sau màn ảnh") và The Rink ("Sân trượt băng") hoàn thành đợt sản xuất năm 1916 của Chaplin.
Hợp đồng với Mutual đòi hòi ông 4 tuần phải ra một phim 2 cuộn, và anh đã đảm bảo tiến độ đó. Kể từ năm mới 1917, Chaplin bắt đầu đòi hỏi có nhiều thời gian hơn. Ông chỉ làm 3 phim cho Mutual trong 10 tháng đầu năm 1917: Easy Street, The Cure ("Phương thuốc"), The Immigrant ("Người nhập cư") và The Adventurer ("Nhà thám hiểm"). Với sự chuẩn bị công phu, các phim này được đánh giá bởi những chuyên gia nghiên cứu Chaplin là thuộc vào những tác phẩm xuất sắc nhất của Chaplin. Về sau này, Chaplin gọi những năm ở Mutual là thời kỳ hạnh phúc nhất trong sự nghiệp của ông.
Báo chí Anh lên án Chaplin đã không tham gia chiến đấu trong Thế Chiến thứ Nhất. Chaplin bào chữa rằng ông sẽ chiến đấu cho nước Anh nếu được triệu tập và đã đăng lính cho quân đội Hoa Kỳ, nhưng không có quân đội quốc gia nào tuyển ông. Bất chấp sự chỉ trích trên Chaplin vẫn được quân đội yêu thích, và danh tiếng của ông tiếp tục lớn lên ở quy mô quốc tế. Harper's Weekly tường thuật rằng cái tên Charlie Chaplin là "một phần của ngôn ngữ chung của hầu như mọi quốc gia", và hình ảnh Tramp "quen thuộc ở khắp nơi". Năm 1917, những người bắt chước Chaplin chuyên nghiệp hết sức phổ biến tới mức ông buộc phải kiện ra tòa để bảo vệ bản quyền, và người ta nói rằng 9 trên 10 người dự các bữa tiệc hóa trang ăn mặc theo Tramp. Cũng năm đó, một nghiên cứu của Hội Nghiên cứu Tâm linh Boston kết luận rằng Chaplin là "một sự ám ảnh của Mỹ". Nữ diễn viên Minnie Maddern Fiske viết rằng "ngày càng có nhiều những người có văn hóa và khuynh hướng nghệ thuật bắt đầu xem anh hề trẻ người Anh, Charlie Chaplin, như một nghệ sĩ xuất chúng, một thiên tài hài kịch".
First National (1918-1922)
Bìa tựa phim A Dog's Life (1918). Chính vào thời gian này
mà Chaplin bắt đầu nhận diện The Tramp là "một loại Pierrot", hay một anh hề buồn.
Vào tháng 6 năm 1917, Chaplin ký hợp đồng hoàn thành 8 phim cho First National Exhibitors' Circuit để nhận 1.000.000 đô la. Ông lựa chọn tự mình xây xưởng phim, dựng trên mảnh đất rộng 5 mẫu ngoài Sunset Boulevard (Los Angeles), với các trang thiết bị tối tân thời bấy giờ. Xưởng phim hoàn thành tháng 1 năm 1918, và Chaplin có toàn quyền tự do làm phim của mình.
A Dog's Life ("Đời một con chó") công chiếu tháng 4 năm 1918, là phim đầu tiên dưới hợp đồng mới. Trong phim này, Chaplin đã thể hiện sự quan tâm lớn hơn với việc xây dựng cốt truyện, và cách thể hiện Tramp như "một loại Pierrot". Louis Delluc mô tả phim là "công trình hoàn toàn mang tính nghệ thuật đầu tiên của điện ảnh". Chaplin sau đó bước vào đợt vận động Trái phiếu Tự do lần 3, lưu diễn khắp Hoa Kỳ trong 1 tháng để gây tiền cho Đồng Minh trong Thế Chiến thứ Nhất. Ông cũng sản xuất một phim ngắn có nội dung tuyên truyền, tặng cho chính phủ để gây quỹ, mang tên The Bond ("Công trái"). Phim tiếp theo, Shoulder Arms, dựa trên bối cảnh chiến tranh, đặt nhân vật Tramp vào chiến hào. Các bạn đồng nghiệp cảnh báo ông về việc làm một bộ phim hài về chủ đề chiến tranh, nhưng về sau ông nhắc lại: "Dù có nguy hiểm hay không, ý tưởng đó vẫn làm tôi thích thú". Ông dành 4 tháng để quay bộ phim dài 45 phút, phát hành tháng 10 năm 1918 và gặt hái thành công lớn.
United Artists, Mildred Harris, và The Kid
Mildred Harris
Sau khi phát hành Shoulder Arms, Chaplin đòi nhiều tiền hơn nhưng First National từ chối. Bất bình với điều đó cũng như sự thiếu quan tâm của hãng với chất lượng phim, và lo lắng về những tin đồn về việc hãng sáp nhập với Famous Players-Lasky, Chaplin quyết định hợp tác với Douglas Fairbanks, Mary Pickford và D. W. Griffith để lập nên một công ty phân phối mới – United Artists, ra đời vào tháng 1 năm 1919. Sự kiện này có tính cách mạng trong công nghiệp điện ảnh, vì nó cho phép 4 thành viên - đều là những nghệ sĩ đầy sáng tạo - cấp tiền cho phim của riêng họ và có toàn quyền kiểm soát. Chaplin hăm hở khởi đầu công ty mới và muốn thanh toán hợp đồng với First National. Hãng từ chối và đòi ông phải hoàn thành sáu phim còn nợ.
The Kid (1921), diễn cùng Jackie Coogan, kết hợp giữa hài kịch và chính kịch
và là phim đầu tiên của Chaplin vượt qua độ dài 1 tiếng.
Trước khi cho ra đời United Artists, Chaplin kết hôn lần thứ nhất. Diễn viên 17 tuổi Mildred Harris tiết lộ rằng cô có thai với ông, và tháng 9 năm 1918 Chaplin tổ chức đám cưới không ồn ào để tránh lùm xùm. Ít lâu sau, ông phát hiện ra tin có bầu của Mildred là giả. Chaplin không lấy gì làm hạnh phúc với mối hôn nhân này, ông cảm thấy nó cản trở năng lực sáng tạo của mình, khiến ông chật vật trong việc sản xuất phim Sunnyside. Harris khi đó đã có mang thật, và ngày 7 tháng 7 năm 1919 sinh một đứa con trai. Đứa trẻ mang tên Norman Spencer Chaplin bị dị hình và chết chỉ sau 3 ngày. Hôn nhân giữa họ chấm dứt tháng 4 năm 1920; Chaplin giải thích trong tiểu sử của ông rằng họ "bị ép buộc phải cưới nhau một cách không thể nào hàn gắn được".
Sự kiện đứa con chết yểu đã ảnh hưởng tới công việc của ông: ông dự định làm một phim chuyển nhân vật Tramp sang một người chăm sóc một cậu bé. Phục vụ cho mục đích này, Chaplin cũng muốn làm thứ gì đó khác ngoài hài kịch thuần túy, và để, theo lời của Louvish, "ghi dấu ấn của mình lên một thế giới đã thay đổi". The Kid ("Đứa trẻ") khởi quay vào tháng 8 năm 1919, với sự diễn xuất của cậu bé 4 tuổi Jackie Coogan. Ngoài dự định của Chaplin, nó trở thành một dự án lớn, do đó để xoa dịu First National, ông tạm hoãn phim này và làm một phim ngắn A Day's Pleasure ("Hạnh phúc một ngày") với tốc độ nhanh. The Kid tốn mất 9 tháng để hoàn thành, kéo dài tới tháng 5 năm 1920, và với thời lượng 68 phút là là phim dài nhất của Chaplin tính cho tới thời điểm đó. Đụng chạm đến các vấn đề nghèo đói và chia cắt cha-con, The Kid được cho là mang dấu ấn tuổi thơ của chính Chaplin và là một trong những phim sớm nhất biết kết hợp giữa các yếu tố hài kịch và chính kịch. Phim được phát hành tháng 1 năm 1921 và thành công ngay lập tức, và tới năm 1924 phim này đã được công chiếu tại trên 50 quốc gia.
Ảnh chân dung Chaplin chụp khoảng năm 1920
Chaplin dành 5 tháng cho phim tiếp theo, một bộ phim 2 cuộn The Idle Class ("Tầng lớp vô công rồi nghề"). Sau khi phim khởi chiếu tháng 9 năm 1921, ông quyết định về thăm Anh sau gần một thập kỷ. Sau đó ông làm việc để hoàn thành nốt hợp đồng với First National, cho ra mắt Pay Day ("Ngày lĩnh lương") tháng 2 năm 1922. The Pilgrim ("Người hành hương") – phim ngắn cuối cùng của ông - bị trì hoãn do bất đồng trong việc phân phối với hãng phim, và chỉ phát hành một năm sau đó.
Phim câm thời lượng dài (1923-1938)
A Woman of Paris và The Gold Rush
Sau khi hoàn thành hợp đồng với First National, Chaplin có toàn quyền tự do làm phim đầu tiên với tư cách một nhà sản xuất độc lập. Tháng 11 năm 1922 ông bắt đầu khởi quay A Woman of Paris ("Một người phụ nữ ở Paris"), một phim chính kịch lãng mạn về những cặp tình nhân bất hạnh. Chaplin mong muốn phim sẽ đưa Edna Purviance thành một ngôi sao, và không tự mình xuất hiện trong phim trừ một cảnh cameo không được ghi danh trong phim. Ông muốn phim có một cảm giác hiện thực hơn, và chỉ đạo dàn diễn viên phải có diễn xuất giản dị. Thực tế thì, như ông giải thích, "các diễn viên cố che giấu cảm xúc của họ hơn là tìm cách biểu đạt chúng". A Woman of Paris khởi chiếu tháng 12 năm 1923 và nhận được khen ngợi về cách tiếp cận cảm xúc tinh tế, một sự cách tân vào thời bấy giờ. Tuy nhiên công chúng không mấy hứng thú với một bộ phim của Chaplin mà lại không có ông trong đó, và điều này làm giảm trầm trọng doanh thu của bộ phim. Chaplin bị tổn thương vì thất bại này - từ lâu ông đã mong muốn làm một phim chính kịch và lấy làm tự hào khi hoàn thành bộ phim - ông đã cho ngưng chiếu A Woman of Paris một cách sớm nhất có thể.
The Tramp buộc phải gặm giày của mình, trong một cảnh nổi tiếng của The Gold Rush (1925)
Chaplin quay lại với thể loại hài kịch trong dự án tiếp theo. Ông đòi hỏi thật cao và tự nói với mình: "Phim tiếp theo phải là phải là một anh hùng ca vĩ đại nhất!". Lấy cảm hứng từ một bức ảnh chụp Cơn sốt vàng Klondike năm 1898, và sau đó là một câu chuyện về Donner Party của những năm 1846–47, ông tạo nên cái mà Geoffrey Macnab gọi là "một hài kịch hùng tráng sinh ra từ một chủ đề tàn nhẫn.". Trong The Gold Rush ("Cơn sốt tìm vàng"), Tramp là một người đào vàng chiến đấu với những khó khăn nguy hiểm và tìm kiếm ái tình. Với Georgia Hale trong vai trò nữ diễn viên đóng cặp mới, Chaplin bắt đầu quay phim từ tháng 2 năm 1924. Phim được dàn dựng công phu và tốn gần 1 triệu đô la, bao gồm cảnh quay thực địa ở dãi núi Truckee với 600 vai diễn quần chúng, những cảnh dựng tốn kém cùng những hiệu ứng đặc biệt. Cảnh quay cuối cùng chỉ thực hiện vào tháng 5 năm 1925, sau 15 tháng quay ròng rã.
Chaplin cảm thấy The Gold Rush là phim hay nhất ông sản xuất được tới thời điểm đó. Phim khởi chiếu vào tháng 8 năm 1925 và trở thành một trong những phim có doanh thu cao nhất trong kỉ nguyên phim câm với lợi nhuận 5 triệu đô la. Phim có những cảnh kinh điển của Chaplin, như Tramp ăn giày của mình hay "Vũ điệu Ổ bánh mì". Macnab gọi nó là "tinh túy của phim Chaplin" và chính Chaplin sau này có nói rằng đây là tác phẩm mà ông muốn được công chúng nhớ đến mình nhiều nhất thông qua nó.
Lita Grey và The Circus
Lita Grey, vợ thứ hai của Chaplin (ảnh chụp hai năm sau khi họ đã ly dị)
Trong khi làm phim Gold Rush, Chaplin kết hôn lần thứ hai. Không khác gì lần trước, Lita Grey là một diễn viên trẻ tuổi, ban đầu được chọn để tham gia vào phim, thông báo là có bầu khiến Chaplin buộc phải kết hôn. Cô mới 16 và ông đã 35, nghĩa là Chaplin có thể mắc tội cưỡng dâm theo luật California. Ông sắp xếp một đám cưới kín đáo ở Mexico ngày 24 tháng 11 năm 1924. Cuộc hôn nhân này của ông mang lại hai con trai sau này đều làm diễn viên; con trai đầu của hai người, cũng lấy tên Charles Spencer Chaplin, sinh ra ngày 5 tháng 5 năm 1925, mất năm 1968; và Sydney Earl Chaplin sinh ngày 30 tháng 3 năm 1926. Phim Limelight năm 1952 có sự diễn xuất của cả ba cha con. Bộ phim năm 1967 A Countess from Hong Kong có sự diễn xuất của Charlie Chaplin với Sydney Earl Chaplin và cô con gái Geraldine Chaplin sinh năm 1944 của bà vợ thứ tư.
Đó là một cuộc hôn nhân không hạnh phúc, và Chaplin tìm cách làm thêm giờ ở xưởng phim để tránh phải gặp vợ mình. Tháng 11 năm 1926, Grey đem hai con rời khỏi gia đình. Tiếp đó là một cuộc ly hôn cay đắng, trong đó Grey đệ đơn cáo buộc Chaplin tội không chung thủy, lạm dụng, và nuôi dưỡng "những ham muốn tình dục đồi bại" - và những chi tiết này lộ ra với truyền thông. Chaplin đã rơi vào một cơn suy sụp tâm thần, khi câu chuyện được công khai trên báo chí với các tít lớn và các nhóm đòi cấm chiếu phim của ông được thành lập trên khắp Hoa Kỳ. Với mong muốn kết thúc nhanh chóng vụ kiện mà không có thêm bê bối nào, các luật sư của Chaplin đồng ý dàn xếp với khoản tiền là 600.000 đô trả cho Lita – khoản đền bù ly hôn lớn nhất cho tới thời điểm đó ở tòa án Hoa Kỳ. Lượng người hâm mộ của ông đủ mạnh để giúp vượt qua cơn sóng gió này và sự kiện sớm rơi vào quên lãng, nhưng cá nhân Chaplin vẫn bị ảnh hưởng sâu sắc.
Trước khi vụ kiện đưa ra tòa, Chaplin bắt đầu một phim mới, The Circus ("Rạp xiếc"). Ông dựng một câu chuyện quanh ý tưởng đu dây trong khi bị lũ khỉ quấy rối, và biến Tramp một ngôi sao tình cờ của rạp xiếc. Việc quay phim bị tạm dừng 10 tháng trong khi ông giải quyết chuyện ly hôn, và nó thường được xem là một sản phẩm có trục trặc. Cuối cùng được hoàn thành vào tháng 10 năm 1927, The Circus phát hành vào tháng 1 năm 1928 và nhận được phản hồi tích cực. Tại lễ trao giải thưởng Viện Hàn lâm Điện ảnh lần thứ nhất (giải Oscar sau này), Chaplin nhận được một chiếc cúp đặc biệt "Dành tặng cho tính linh hoạt và thiên tài trong diễn xuất, viết kịch bản, đạo diễn và sản xuất The Circus." Bất chấp thành công của nó, ông mãi mãi gắn ấn tượng bộ phim này với áp lực trong lúc sản xuất nó: ông tránh nhắc tới nó trong tiểu sử của mình, và đã rất vất vả khi ông ghi âm thanh cho bộ phim này trong những năm về sau.
City Lights
Vào thời điểm The Circus được phát hành, Hollywood đã chứng kiến sự xuất hiện của phim có lời thoại. Chaplin chế giễu thể loại phim mới này cùng những hạn chế kĩ thuật thu âm của thời đó, tin rằng những "thứ lắm lời" này thiếu tính nghệ thuật của phim câm. Ông cũng nghi ngại việc thay đổi công thức đã đem lại thành công cho ông tới thời điểm đó, và sợ rằng đưa vào nhân vật Tramp với giọng nói sẽ làm hạn chế tính hấp dẫn quốc tế của nhân vật. Do đó ông từ chối xu thế này của Hollywood và bắt đầu làm một phim câm mới. Dù vậy Chaplin vẫn lo lắng về quyết định này và tiếp tục ở trong trạng thái đó suốt trong quá trình làm phim.
City Lights (1931), được xem là một trong những tác phẩm xuất sắc nhất của Chaplin
Trước khi việc quay phim bắt đầu vào cuối năm 1928, Chaplin đã dành gần một năm để sáng tác cốt truyện. City Lights ("Ánh sáng đô thị") kể về tình yêu của Tramp dành cho một cô gái mù bán hoa (do Virginia Cherrill thủ vai) và nỗ lực của Tramp để kiếm tiền phẫu thuật mắt cho cô gái. Bộ phim là kết quả của một quá trình sản xuất đầy thách thức kéo dài 21 tháng, mà sau này Chaplin thú nhận rằng ông đã "đẩy bản thân vào một trạng thái tâm thần kích động đòi hỏi sự hoàn hảo". Một lợi ích mà Chaplin thấy trong phim có tiếng là cơ hội ghi âm một bản nhạc cho bộ phim, mà ông có tham gia sáng tác một phần.
Chaplin hoàn thành việc biên tập City Lights vào tháng 12 năm 1930, khi đó phim câm đã trở thành thứ lỗi thời. Một buổi chiếu thử trước một công chúng không được biết trước nội dung phim đã không thành công, nhưng lần chiếu thử cho báo chí đã đem lại những lời phê bình tích cực. Một phóng viên viết, "Không ai trên thế giới ngoài Charlie Chaplin có thể làm nên nó. Ông là người duy nhất có thứ đặc biệt gọi là "sự hấp dẫn khán giả" với đủ chất lượng để thách thức xu hướng phổ biến nghiêng về phim có lời." Khi được phát hành rộng rãi vào tháng 1 năm 1931, City Lights trở thành thành công lớn cả về tài chính và danh tiếng - doanh thu của bộ phim cuối cùng vượt 3 triệu đô la. Viện phim Anh gọi nó là thành tựu xuất sắc nhất của Chaplin, còn nhà phê bình James Agee ca ngợi cảnh cuối phim là "chi tiết diễn xuất vĩ đại nhất và thời điểm tột đỉnh của điện ảnh".
Du hành, Paulette Goddard, và Modern Times
City Lights thành công, nhưng Chaplin không chắc mình có có thể làm một phim tiếp nữa mà không có hội thoại. Ông vẫn cảm thấy âm thanh sẽ không hòa hợp tốt trong phim của mình, nhưng cũng "bị ám ảnh bởi một nỗi sợ gây nản lòng về việc bị coi là lỗi thời." Trong trạng thái bất an này, đầu năm 1931 ông quyết định có một kì nghỉ ngắn, nhưng cuối cùng nó thành một cuộc du hành trong suốt 16 tháng. Trong tự truyện của mình, Chaplin nhớ lại rằng vào thời điểm quay lại Los Angeles, ông thấy "bối rối và không có kế hoạch gì trong đầu, mệt mỏi và cảm nhận một sự cô đơn tột cùng". Có lúc ông đã cân nhắc tới việc giải nghệ và tới sống ở Trung Quốc.
Sự cô đơn của Chaplin nhẹ bớt khi ông gặp nữ diễn viên 21 tuổi Paulette Goddard vào tháng 7 năm 1932, và cặp đôi bắt đầu một mối quan hệ tình cảm tốt đẹp. Nhưng ông vẫn chưa sẵn sàng để làm phim, và tập trung vào viết một loạt ký sự du hành (được xuất bản dưới tên Woman's Home Companion). Chuyến đi trở thành một trải nghiệm đầy hào hứng cho Chaplin, bao gồm các buổi gặp gỡ với những nhà tư tưởng lỗi lạc đương thời, khiến ông ngày càng quan tâm tới các sự kiện trên thế giới. Hoàn cảnh người lao động ở Mỹ làm Chaplin bận tâm, và ông lo ngại rằng chủ nghĩa tư bản và máy móc tại những công xưởng sẽ gia tăng tỉ lệ thất nghiệp. Chính những lo ngại này đã khuyến khích Chaplin phát triển một tựa phim mới.
Modern Times (1936), được Jérôme Larcher mô tả như
"sự suy tưởng tàn nhẫn về sự tự động hóa cái cá nhân"
Modern Times ("Thời đại tân kỳ") được Chaplin giới thiệu là "một màn trào phúng về những giai đoạn nhất định trong đời sống công nghiệp của chúng ta." Phim có sự góp mặt của Paulette Goddard bên cạnh Tramp trong đó họ trải qua thời Đại Khủng hoảng, và bộ phim quay mất cả thảy 10 tháng rưỡi. Chaplin dự định dùng hội thoại, nhưng đổi ý trong lúc đang đóng thử. Giống như City Lights, Modern Times sử dụng hiệu ứng âm thanh, nhưng hầu như không có tiếng nói mà chỉ toàn âm nhạc. Một ca khúc gồm những tiếng lắp bắp ghép lại mà Chaplin lồng tiếng trong phim là giọng nói duy nhất của Tramp trong phim ảnh. Sau khi ghi âm phần nhạc, Chaplin phát hành Modern Times vào tháng 2 năm 1936. Đó là phim đầu tiên trong 15 năm bao hàm những ám chỉ về chính trị và chủ nghĩa hiện thực xã hội, một yếu tố thu hút sự quan tâm đáng kể của báo chí mặc dù Chaplin cố gắng hạ thấp vấn đề. Phim kiếm được ít doanh thu hơn các phim trước và nhận những phê bình khác nhau, trong đó vài người không thích tính cách chính trị hóa. Ngày nay, Modern Times được Viện phim Anh xem như một trong những "phim thời lượng dài vĩ đại nhất" của Chaplin, trong khi David Robinson cho rằng nó thể hiện nhà làm phim ở "đỉnh cao vô song như là người sáng tạo của hài kịch tạo hình."
Sau khi phát hành Modern Times, Chaplin cùng Paulette Goddard khởi hành cho một chuyến đi dài ngày ở Viễn Đông. Cặp đôi từ chối bình luận về mối quan hệ của họ, và người ta không rõ họ có phải là vợ chồng hay chưa. Ít lâu về sau, Chaplin tiết lộ rằng hai người đã lấy nhau ở Quảng Châu, Trung Quốc, trong chuyến đi này. Tới năm 1938 họ không sống với nhau, vì cả hai đều tập trung hết sức cho công việc riêng; Goddard cuối cùng ly dị Chaplin tại México năm 1942, nói rằng họ không hợp nhau và đã sống ly thân được hơn 1 năm.
Tranh cãi và danh tiếng suy giảm (1939-1952)
The Great Dictator
Chaplin chế giễu Adolf Hitler trong The Great Dictator (1940)
Những năm 1940 chứng kiến Chaplin đối diện với một loạt tranh cãi cả trong công việc lẫn đời tư, làm thay đổi vận mệnh và ảnh hưởng nghiêm trọng tới sự nổi tiếng của ông ở Hoa Kỳ. Cuộc tranh cãi đầu tiên đến từ việc ông mạnh dạn thể hiện niềm tin chính trị của mình. Sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc quân phiệt của chính trị thế giới những năm 1930 đã làm ông buồn bực, và Chaplin cảm thấy mình không thể nào đặt những vấn đề đó ra ngoài tác phẩm của mình. Những nét tương đồng giữa ông và Adolf Hitler được nhiều người ghi nhận từ lâu: hai người sinh cách nhau có 4 ngày, cả hai vươn lên từ nghèo khổ trở thành nổi tiếng thế giới, và nhà độc tài người Đức có kiểu ria mép bàn chải giống nhân vật Tramp. Chính sự tương đồng về vẻ ngoài này đã cung cấp ngữ cảnh cho cốt truyện của phim tiếp theo của Chaplin, The Great Dictator ("Nhà độc tài vĩ đại") nhằm đả kích trực tiếp Hitler và công kích chủ nghĩa phát xít.
Chaplin dành 2 năm để phát triển kịch bản, và bắt đầu quay vào tháng 9 năm 1939 - chỉ 6 ngày sau khi nước Anh tuyên chiến với Đức. Ông chấp nhận sử dụng đối thoại có tiếng, một phần vì nhận thấy không còn lựa chọn nào khác, nhưng cũng bởi vì ông thấy đó là cách tốt hơn để truyền tải một thông điệp chính trị. Làm một hài kịch về Hitler khi đó được xem là gây tranh cãi lớn, nhưng sự độc lập tài chính của Chaplin cho phép ông bất chấp các rủi ro.[ "Tôi quyết tâm làm phim này," sau này ông viết, "bởi vì Hitler phải bị cười nhạo." Chaplin thay thế Tramp (vẫn mặc trang phục tương tự) bằng "A Jewish Barber" (Một anh thợ cạo Do Thái), ám chỉ tới niềm tin của đảng Nazi rằng Chaplin là một người Do Thái. Trong một màn trình diễn kép ông cũng đóng nhà độc tài "Adenoid Hynkel", nhại theo Hitler.
Dựng lại trong xưởng phim cảnh quay Charlot trong bộ phim The Great Dictator (1940).
Nguồn : Chaplin's World™ © Bubbles Incorporated
The Great Dictator mất một năm sản xuất, và phát hành vào tháng 10 năm 1940. Có một lượng quảng cáo khổng lồ xung quanh bộ phim, khiến cho một nhà phê bình trên tờ New York Times gọi nó là "bộ phim được trông đợi nhiều nhất của năm", và thực tế nó trở thành phim có doanh thu lớn nhất của cả một thời đại. Tuy nhiên phần kết phim không được ưa thích và gây tranh cãi. Chaplin kết thúc phim với một diễn văn dài 6 phút trong đó ông nhìn thẳng vào máy quay và hùng hồn tuyên bố những niềm tin cá nhân của mình. Charles J. Maland xem sự truyền giảng công khai này là điểm khởi đầu cho sự suy giảm danh tiếng của Chaplin. Ông viết, "Từ đây, không người hâm mộ phim nào có thể phân tách những ám chỉ chính trị khỏi hình ảnh ngôi sao của Chaplin". The Great Dictator nhận 5 đề cử giải Oscar, trong đó có Phim xuất sắc nhất, Kịch bản gốc xuất sắc nhất và Diễn viên nam xuất sắc nhất, nhưng không giành được giải nào.
Rắc rối pháp lý và đám cưới với Oona O'Neill
Vào giữa những năm 1940, Chaplin vướng vào một chuỗi các phiên tòa ngốn gần hết thời gian của ông và ảnh hưởng đáng kể tới hình ảnh công chúng của Chaplin. Rắc rối nảy sinh từ mối quan hệ của ông với một nữ diễn viên nhiều tham vọng tên Joan Barry, người mà ông chung sống một cách ngắt quãng giữa tháng 6 năm 1941 và mùa thu năm 1942. Barry, người mắc chứng ám ảnh hoang tưởng và hai lần bị bắt sau khi họ đã chia tay, tái xuất hiện năm sau đó và thông báo rằng cô đang mang đứa con của Chaplin trong bụng. Chaplin bác bỏ tuyên bố này và Barry đâm đơn kiện ra tòa đòi ông có trách nhiệm làm cha.
Giám đốc FBI J. Edgar Hoover, người từ lâu đã nghi ngờ về khuynh hướng chính trị của Chaplin, đã sử dụng cơ hội này để tạo ra những bình luận tiêu cực về ông trên truyền thông. Như một phần của chiến dịch bôi nhọ nhằm phá hoại hình ảnh của Chaplin, FBI đưa tên ông vào 4 cáo trạng liên quan tới vụ Barry. Nghiêm trọng nhất trong số đó là cáo buộc vi phạm Đạo luật Mann cấm chuyên chở phụ nữ qua biên giới các bang vì mục đích tình dục. Sử gia Otto Friedrich gọi điều này là một "sự cáo buộc ngớ ngẩn" từ một "đạo luật cổ lỗ sĩ", nhưng nếu Chaplin bị quy tội, ông sẽ phải đối mặt với án tù lên đến 23 năm. Ba cáo buộc không đủ bằng chứng để đưa ra tòa, nhưng phiên tòa xét theo Đạo luật Mann bắt đầu vào tháng 3 năm 1944. Chaplin được tha bổng sau 2 tuần. Tin tức về vụ kiện thường lên trang đầu các báo, với tờ Newsweek gọi đây là "bê bối quan hệ công chúng lớn nhất kể từ vụ xử tội sát nhân của Fatty Arbuckle năm 1921."
Vợ thứ tư của Chaplin Oona O'Neill, bạn đời từ năm 1943 tới cuối đời và có 8 đứa con với ông.
Đứa con của Barry, Carole Ann, sinh ra vào tháng 10 năm 1944 và đơn kiện được gửi tới tòa vào tháng 2 năm 1945. Sau hai phiên xử gay go, trong đó luật sư bên nguyên cáo buộc ông có "đạo đức đê tiện", tòa tuyên Chaplin là cha đứa trẻ và đòi ông phải chi tiền chu cấp cho đứa trẻ cho đến khi Carole Ann sang tuổi 21, bất chấp bằng chứng y học về xét nghiệm máu cho thấy Chaplin không thể là cha đứa trẻ. FBI gây ảnh hưởng lên cách báo chí đưa tin về vụ kiện, và cung cấp thông tin cho một cây viết chuyên những tin giật gân tên là Hedda Hopper, nhằm mô tả Chaplin theo cách mang nặng tính phê phán.
Tranh cãi bao quanh Chaplin càng tăng khi chỉ 2 tuần sau khi vụ kiện được công bố, Chaplin thông báo đám cưới với người được ông bảo trợ mới nhất, Oona O'Neill – con gái của nhà soạn kịch người Mỹ Eugene O'Neill. Chaplin, bấy giờ 54 tuổi, quen O'Neill 7 tháng trước đó qua một người tuyển diễn viên. Trong tự truyện, Chaplin mô tả cuộc gặp gỡ với O'Neill là "sự kiện hạnh phúc nhất của đời tôi", và nói rằng mình đã tìm thấy "tình yêu hoàn hảo". Con trai của Chaplin, Charles, nói rằng Oona "tôn thờ" Chaplin. Hai người sống với nhau cho đến khi Chaplin mất, và họ sinh 8 người con trong vòng 18 năm:
- Geraldine Leigh (sinh tháng 7 năm 1944),
- Michael John (sinh tháng 3 năm 1946),
- Josephine Hannah (sinh tháng 3 năm 1949),
- Victoria (sinh tháng 5 năm 1951),
- Eugene Anthony (sinh tháng 8 năm 1953),
- Jane Cecil (sinh tháng 5 năm 1957),
- Annette Emily (sinh tháng 12 năm 1959),
- Christopher James (sinh tháng 7 năm 1962).[244]
Monsieur Verdoux và cáo buộc theo cộng sản
Monsieur Verdoux (1947), một hài kịch đen về một kẻ giết người hàng loạt, đánh dấu một bước chuyển quan trọng đối với Chaplin. Vào thời điểm phát hành ông đã không được yêu thích đến nỗi nó thất bại thảm hại ở Hoa Kỳ.
Chaplin cho rằng các vụ xử liên quan tới Joan Barry đã "làm tê liệt sức sáng tạo" của ông, và phải mất một thời gian sau đó ông mới quay lại làm việc. Tháng 4 năm 1946, cuối cùng ông bắt tay vào quay một dự án phim mà ông phát triển kể từ năm 1942. Monsieur Verdoux ("Quý ông Verdoux") là một hài kịch đen (humour noir), một câu chuyện về một nhân viên ngân hàng người Pháp sau khi bị mất việc bắt đầu kết hôn và mưu sát những góa phụ giàu có để có tiền nuôi gia đình. Chaplin có được cảm hứng từ Orson Welles, người muốn ông sắm vai trong một bộ phim về sát thủ hàng loạt người Pháp Henri Désiré Landru. Chaplin quyết định rằng ý tưởng đó sẽ "làm nên một hài kịch tuyệt vời", và trả Welles 5.000 đô la cho ý tưởng này.
Một lần nữa Chaplin không ngần ngại bộc lộ rõ quan điểm chính trị của mình trong Monsieur Verdoux, chỉ trích chủ nghĩa tư bản và lập luận rằng thế giới hiện đại khuyến khích giết người hàng loạt thông qua chiến tranh và vũ khí hủy diệt hàng loạt. Vì điều này, bộ phim gây tranh cãi khi nó được phát hành tháng 4 năm 1947; Chaplin bị người hâm mộ la ó trong buổi chiếu ra mắt, và có người đòi cấm chiếu phim của ông. Monsieur Verdoux là phim đầu tiên mà Chaplin phát hành thất bại cả về mặt doanh thu lẫn phản hồi của giới phê bình ở Hoa Kỳ. Ở nước ngoài bộ phim thành công hơn, và kịch bản của Chaplin vẫn được đề cử (dù không giành được giải) trong mùa giải Oscar năm đó. Bản thân ông lấy làm tự hào về bộ phim, và viết trong tự truyện của mình rằng, "Monsieur Verdoux là phim khéo léo và xuất chúng nhất tôi từng làm."
Phản ứng tiêu cực với Monsieur Verdoux chủ yếu là kết quả của sự thay đổi của hình ảnh Chaplin trong công chúng. Cùng với sự tổn hại thanh danh do vụ bê bối với Joan Barry, ông còn bị công khai cáo buộc là một người cộng sản. Các hoạt động chính trị của ông ngày càng sôi nổi trong Thế Chiến thứ Hai, khi ông vận động mở Mặt trận thứ hai để giúp Liên Xô và hỗ trợ một số nhóm hữu ái Xô-Mỹ. Chaplin tham dự các hoạt động có mặt viên chức ngoại giao Xô-viết ở Los Angeles. Trong không khí chính trị những năm 1940 ở Hoa Kỳ, những hoạt động như vậy khiến cho Chaplin bị xem, như Larcher viết, "là cấp tiến một cách nguy hiểm và trái đạo đức." FBI đòi trục xuất ông ra khỏi Hoa Kỳ, và đầu năm 1947 họ bắt đầu tung ra một cuộc điều tra chính thức.
Chaplin phủ nhận mình là một người cộng sản, thay vào đó ông tự gọi mình là "một lái buôn hòa bình" (peacemonger), nhưng ông cảm thấy nỗ lực của chính phủ Mỹ nhằm đàn áp ý thức hệ là một sự vi phạm không thể dung thứ các quyền tự do dân sự. Không chịu im lặng về vấn đề này, ông công khai phản đối những phiên tòa xử các thành viên Đảng Cộng sản Hoa Kỳ và những hoạt động của Ủy ban Hạ viện về Các hoạt động phi-Mỹ (House Committee on Un-American Activities, tức HUAC). Chaplin nhận được trát đòi có mặt trước HUAC, nhưng không bị bắt phải điều trần. Khi những hoạt động của ông được báo chí lan truyền, và nỗi sợ Chiến tranh Lạnh lớn dần, câu hỏi bắt đầu đặt ra về việc ông không nhận được tư cách là công dân Hoa Kỳ. Nhiều người kêu gọi trục xuất Chaplin; Dân biểu John E. Rankin của Mississippi nói trước Quốc hội vào tháng 6 năm 1947: "Chính việc hắn sống tại Hollywood là phương hại tới cơ cấu đạo đức Mỹ. [Nếu hắn bị trục xuất]... có thể tránh được việc những thước phim đáng ghê tởm của hắn lọt vào mắt thanh niên nước Mỹ. Hắn nên bị trục xuất và loại bỏ ngay lập tức."
Limelight và lệnh cấm ở Hoa Kỳ
Limelight (1952) là một phim nghiêm túc và có tính tự truyện của Chaplin:
nhân vật Cavero, một cựu ngôi sao rạp hát (mô tả ở đây như một "nghệ sĩ hài lang thang") phải đối mặt với danh tiếng sụp đổ.
Mặc dù Chaplin vẫn hoạt động chính trị tích cực những năm sau sự thất bại của Monsieur Verdoux, bộ phim tiếp theo của ông, về một nghệ sĩ hài kịch bị lãng quên và một nữ vũ công ba lê ở Luân Đôn thời Edward không có bóng dáng chính trị nào. Limelight ("Ánh đèn sân khấu") mang đậm tính tự truyện, không chỉ nhắc tới tuổi thơ của Chaplin và đời sống cha mẹ ông, mà còn cả sự đánh mất tên tuổi ở Hoa Kỳ. Dàn diễn viên bao gồm nhiều thành viên trong gia đình ông, bao gồm 5 đứa con lớn tuổi nhất của ông cùng người em cùng mẹ khác cha của ông, Wheeler Dryden.
Sau ba năm chuẩn bị kịch bản, vào tháng 11 năm 1951, phim bắt đầu khởi quay. Phim có giọng điệu nghiêm túc hơn bất cứ phim nào trước đây của ông, và Chaplin thường xuyên sử dụng từ "melancholy" ("u sầu") khi giải thích kế hoạch phim với diễn viên đóng cùng Claire Bloom. Limelight cũng đáng chú ý vì sự góp mặt của Buster Keaton, người Chaplin mời vào vai bạn diễn trong một cảnh phim câm. Đây là lần duy nhất hai nhà làm phim hài lớn nhất của thời đại hợp tác với nhau trên màn ảnh.
Chaplin quyết định khởi chiếu bộ phim đầu tiên ở Luân Đôn, vì đây là nơi đặt bối cảnh phim. Khi rời Los Angeles, ông đã nói ra linh tính rằng mình sẽ không quay trở lại Hoa Kỳ. Ở New York, ông lên tàu RMS Queen Elizabeth cùng với gia đình ngày 18 tháng 9 năm 1952. Ngay ngày hôm sau, Tổng Chưởng lý James P. McGranery thu hồi giấy phép tái nhập cảnh của Chaplin và tuyên bố rằng ông phải thực hiện một cuộc phỏng vấn về quan điểm chính trị và các hành vi đạo đức rồi mới được quay lại Hoa Kỳ. Mặc dù McGranery nói với báo chí rằng ông có "một vụ tố tụng khá thú vị chống lại Chaplin", theo Maland kết luận, dựa trên hồ sơ của FBI công bố vào những năm 1980, chính phủ Hoa Kỳ không có bằng chứng thực sự nào để ngăn cản Chaplin quay lại. Nếu ông đâm đơn xin quay lại, hẳn ông đã có thể nhận được giấy phép. Tuy nhiên, khi Chaplin nhận được điện tín thông báo tin này, ông quyết định cắt đứt mối quan hệ với Hoa Kỳ:
"Việc tôi có quay trở lại cái đất nước bất hạnh đó không chẳng có mấy hệ lụy với tôi. Tôi muốn nói với họ rằng tôi thoát càng sớm khỏi cái bầu không khí bao vây thù địch đó thì càng tốt, rằng tôi đã chán ngấy những thứ xúc phạm và khoa trương của nước Mỹ"
Do tất cả tài sản của ông vẫn còn lại ở Hoa Kỳ, Chaplin kiềm chế không nói bất cứ điều gì tiêu cực thêm về sự kiện này với báo chí. Dù vụ bê bối vẫn trở thành tin sốt dẻo nhưng Chaplin và phim của ông vẫn được chào đón nồng nhiệt ở châu Âu. Trong khi đó ở Hoa Kỳ sự thù địch đối với ông vẫn tiếp tục, và mặc dù Limelight nhận được một vài lời phê bình tích cực, hầu hết các hệ thống rạp chiếu phim tẩy chay phim này. Phản ánh điều này, Maland viết rằng sự suy sụp của Chaplin, từ một mức độ danh tiếng "chưa từng có tiền lệ", "có lẽ là [sự tàn lụi] kịch tính nhất trong lịch sử các ngôi sao điện ảnh ở Hoa Kỳ".
Những năm ở châu Âu (1953-1977)
Chuyển tới Thụy Sĩ và A King in New York
Chaplin không quay lại Hoa Kỳ mà gửi gắm cho vợ giải quyết các vụ việc. Hai người quyết định di cư tới Thụy Sĩ, và tháng 1 năm 1953 cả gia đình chuyển tới điền trang mới mà họ sẽ sống suốt phần đời còn lại: Manoir de Ban, một cơ ngơi rộng 37 mẫu nhìn ra Hồ Genève ở Corsier-sur-Vevey. Chaplin rao bán biệt thự ở Beverly Hills cùng xưởng phim vào tháng 3, và chính thức chấm dứt đăng ký tái nhập cảnh vào tháng 4. Năm sau, vợ ông từ bỏ quyền công dân Hoa Kỳ và nhập quốc tịch Anh. Chaplin cắt đứt mối liên hệ nghề nghiệp cuối cùng với Hoa Kỳ vào năm 1955 khi ông bán nốt phần cổ phiếu còn lại của ông United Artists. Hãng này đã đứng trước những khó khăn tài chính kể từ đầu những năm 40.
Manoir de Ban, nhà của Chaplin tại Corsier-sur-Vevey, Thụy Sĩ, nay trở thành một khu tưởng niệm
Chaplin vẫn là một nhân vật gây tranh cãi trong suốt những năm 1950, đặc biệt sau khi ông nhận Giải thưởng Hòa bình Quốc tế của Hội đồng Hòa bình Thế giới (do phe Liên Xô kiểm soát), cũng như sau các cuộc gặp với Chu Ân Lai và Nikita Khrushchev. Ông bắt đầu phát triển bộ phim đầu tiên ở châu Âu, A King in New York ("Một vị vua ở New York") từ năm 1954. Trong phim ông xuất hiện như một vị vua lưu đày tìm kiếm tị nạn ở Hoa Kỳ, thể hiện một vài trải nghiệm gần đây của chính mình trong kịch bản. Con trai ông, Michael, đóng vai một cậu bé mà cha mẹ là đối tượng điều tra của FBI, trong khi nhân vật của Chaplin đối diện với những cáo buộc theo chủ nghĩa cộng sản. Trào phúng chính trị chế nhạo HUAC và công kích những yếu tố của văn hóa thập niên 1950 bao gồm chủ nghĩa tiêu dùng, phẫu thuật thẩm mỹ và phim màn ảnh rộng. Trong một bài phê bình, nhà viết kịch John Osborne gọi đây là phim "cay đắng nhất" và "có tính cá nhân công khai nhất" của Chaplin.
Khu vườn bao quanh biệt thự Manoir de Ban và bảo tàng Chaplin's world.
Nguồn : Chaplin's World™ © Bubbles Incorporated
Chaplin thành lập một hãng sản xuất phim mới, Attica, và sử dụng Hãng phim Shepperton để quay phim. Việc quay phim ở Anh gặp nhiều khó khăn, vì ông quen với xưởng phim của riêng mình ở Hollywood cùng dàn nhân sự quen thuộc, và không còn có thời gian sản xuất không giới hạn nữa. Theo Robinson, điều này để lại ảnh hưởng tiêu cực lên chất lượng của bộ phim.[ A King in New York phát hành tháng 9 năm 1957, và nhận được những lời khen chê trái ngược. Chaplin cấm các phóng viên Hoa Kỳ trong buổi khởi chiếu ở Paris, và quyết định không phát hành phim ở Hoa Kỳ. Điều này đã ảnh hưởng nặng nề tới doanh thu của bộ phim, mặc dù nó ít nhiều thành công về mặt thương mại ở châu Âu. A King in New York chỉ được chiếu ở Mỹ từ năm 1973.
Những tác phẩm cuối cùng và danh tiếng trở lại
Chaplin cùng với vợ Oona và 6 người con trong bức ảnh năm 1961
Vào hai thập niên cuối sự nghiệp, Chaplin tập trung vào việc biên tập lại và ghi âm thanh các phim cũ để tái phát hành, cùng với tìm cách bảo đảm quyền sở hữu và phân phối chúng. Trong một cuộc phỏng vấn năm 1959, nhân dịp sinh nhật lần thứ 70, Chaplin khẳng định rằng vẫn có "chỗ cho Con người Nhỏ bé trong kỉ nguyên nguyên tử". Sản phẩm làm lại đầu tiên mang tên The Chaplin Revue (1959), bao gồm phiên bản mới của A Dog's Life, Shoulder Arms, và The Pilgrim.
Ở Hoa Kỳ, bầu không khí chính trị bắt đầu thay đổi và sự quan tâm một lần nữa hướng vào phim của Chaplin thay vì những quan điểm của ông. Tháng 6 năm 1962, The New York Times viết một xã luận khẳng định rằng "chúng tôi không tin rằng nền Cộng hòa sẽ bị nguy hiểm nếu anh chàng lang thang bé nhỏ bị quên lãng của ngày hôm qua được phép thả bước xuống tàu hay lên máy bay vào một cảng của nước Mỹ". Cùng tháng đó, Chaplin nhận bằng danh dự Tiến sĩ Văn chương từ các trường Đại học Oxford và Durham. Tháng 11 năm 1963, Rạp hát Plaza ở New York bắt đầu chiếu một sê-ri trong một năm toàn phim Chaplin, bao gồm cả Monsieur Verdoux và Limelight, và nhận được những phê bình xuất sắc từ giới phê bình Mỹ. Tháng 9 năm 1964 chứng kiến việc phát hành hồi ký của Chaplin mang tên "My Autobiography" ("Tự truyện của tôi"), mà ông đã bắt tay vào viết từ năm 1957. Cuốn sách dài 500 trang, tập trung vào những năm đầu đời và đời sống cá nhân của ông, trở thành sách bán chạy trên toàn cầu, bất chấp những chỉ trích rằng nó thiếu những thông tin liên quan tới sự nghiệp làm phim của ông.
Ít lâu sau khi công bố hồi ký, Chaplin bắt đầu thực hiện A Countess from Hong Kong ("Một nữ bá tước từ Hồng Kông", 1967), một hài kịch lãng mạn dựa trên một kịch bản mà ông viết dành cho Paulette Goddard vào những năm 1930. Đặt bối cảnh trên một tàu biển, phim có sự góp mặt của Marlon Brando trong vai một đại sứ Mỹ và Sophia Loren trong vai người đi lậu vé tìm thấy trong cabin của ông. Phim này khác với những tác phẩm trước đây ở nhiều điểm. Nó là phim đầu tiên sử dụng Technicolor và định dạng màn ảnh rộng, trong khi ông tập trung vào công tác đạo diễn và xuất hiện trên màn ảnh chỉ trong một vai phụ như một người phục vụ trên tàu bị say sóng. Ông cũng ký hợp đồng với Universal Pictures và bổ nhiệm trợ lý của mình, Jerome Epstein, làm nhà sản xuất. A Countess from Hong Kong khởi chiếu tháng 1 năm 1967, nhận được những phê bình bất lợi và cuối cùng thất bại ở phòng vé. Chaplin bị phản ứng tiêu cực về phim này làm tổn thương sâu sắc, và bộ phim này rốt cuộc là bộ phim cuối cùng của ông.
Chaplin (bên phải) nhận Giải Oscar danh dự từ Jack Lemmon năm 1972.
Đó cũng là lần đầu tiên ông quay lại Hoa Kỳ sau 20 năm.
Chaplin hứng chịu một chuỗi các cơn đột quỵ ngắn vào cuối những năm 1960, đánh dấu sự bắt đầu quá trình sức khỏe ông suy yếu từ từ. Bất chấp những trở ngại, ông sớm trở lại viết một kịch bản phim mới, The Freak ("Quái vật"), một câu truyện về một cô gái có cánh xuất hiện ở Nam Mỹ, mà ông dự định để dành cho con gái của mình Victoria. Sức khỏe mong manh của ông ngăn cản dự án trở thành hiện thực. Đầu những năm 1970, Chaplin tập trung vào việc tái phát hành các phim cũ, bao gồm The Kid và The Circus. Năm 1971, ông nhận Bắc Đẩu Bội tinh hạng hai tại Liên hoan Phim Cannes. Năm sau đó, ông nhận được một giải thưởng ghi nhận đặc biệt trong Liên hoan Phim Venice.
Năm 1972, Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Điện ảnh dành tặng Chaplin một Giải thưởng danh dự, mà Robinson xem là một dấu hiệu rằng nước Mỹ "muốn thực hiện những đổi thay". Chaplin ban đầu ngập ngừng về việc có nên chấp nhận, nhưng cuối cùng đã quyết định trở lại Hoa Kỳ lần đầu tiên trong 20 năm. Chuyến thăm thu hút một lượng lớn tin bài từ truyền thông, và ở đêm trao giải Oscar năm đó ông nhận được công chúng hiện diện đứng dậy vỗ tay 12 phút liên tục, đó là tràng pháo tay lâu nhất trong lịch sử giải Oscar. Xúc động lộ ra ngoài vẻ mặt, Chaplin nhận giải thưởng đề "dành cho tác động không thể đo đếm được của ông trong việc đưa điện ảnh thành hình thức nghệ thuật của thế kỉ này".
Mặc dù Chaplin vẫn có kế hoạch cho những dự án phim tương lai, tới giữa những năm 1970 ông đã rất yếu. Ông chịu thêm vài lần đột quỵ nữa, khiến ông bắt đầu giao tiếp khó khăn và buộc phải dùng tới xe lăn. Những dự án cuối cùng của ông bao gồm việc dựng một tiểu sử bằng ảnh, My Life in Pictures (1974) và ghi âm A Woman of Paris để phát hành năm 1976. Ông cũng xuất hiện trong một phim tài liệu về cuộc đời mình, The Gentleman Tramp (1975), do Richard Patterson đạo diễn. Trong danh sách Vinh danh nhân dịp năm mới 1975, Chaplin được Nữ hoàng Elizabeth II ban tước hiệp sĩ.
Qua đời
Tới tháng 10 năm 1977, sức khỏe Chaplin đã suy yếu đến độ ông cần đến người thường trực chăm sóc.[328] Vào sáng sớm ngày 25 tháng 12 (lễ Giáng Sinh) năm 1977, ông mất tại nhà sau khi mắc cơn đột quỵ trong lúc ngủ, thọ 88 tuổi.
Mộ của Chaplin tại Corsier-sur-Vevey, Switzerland
Đám tang được tổ chức vào ngày 27 tháng 12 theo nghi lễ Anh giáo, quy mô nhỏ và riêng tư, theo nguyện vọng của ông. Thi hài ông được mai táng ở nghĩa trang Corsier-sur-Vevey. Trong số các lời phúng điếu từ giới làm phim, đạo diễn René Clair viết, "Ông là một tượng đài của điện ảnh, của tất cả quốc gia và mọi thời đại... món quà đẹp đẽ nhất điện ảnh đã dành cho chúng ta." Diễn viên Bob Hope tuyên bố, "Chúng ta may mắn được sống trong thời đại của ông."
Ngày 1 tháng 3 năm 1978, quan tài của Chaplin bị đào lấy cắp bởi hai người di cư không việc làm, Roman Wardas, từ Ba Lan, và Gantcho Ganev, từ Bulgaria. Thi thể bị giữ làm con tin để đòi tiền chuộc từ Oona Chaplin. Hai tay đào trộm mộ bị bắt trong một chiến dịch lớn của cảnh sát vào tháng 5, sau đó quan tài của Chaplin được tìm thấy bị chôn trên một cánh đồng ở làng Noville gần đó. Thi hài được đem táng lại tại nghĩa trang Corsier và vây kín bằng bê tông cốt thép. Câu chuyện về vụ thi hài của ông bị đánh cắp này đã được dựng thành phim "Cái giá của sự nổi tiếng" (nguyên văn tiêu đề tiếng Pháp La Rançon de la gloire), với kịch bản của Xavier Beauvois và Etienne Comar, đạo diễn Xavier Beauvois. Phim có sự tham gia diễn xuất của người con trai vua hề, Eugene Chaplin.
Danh sách phim
Các phim thời lượng dài mà ông đạo diễn
- The Kid (1921)
- A Woman of Paris (1923)
- The Gold Rush (1925)
- The Circus (1928)
- City Lights (1931)
- Modern Times (1936)
- The Great Dictator (1940)
- Monsieur Verdoux (1947)
- Limelight (1952)
- A King in New York (1957)
- A Countess from Hong Kong (1967)
Phim về Charlie Chaplin
Điện ảnh Mỹ và Pháp còn có khá nhiều phim lấy đề tài khai thác từ cuộc sống của ông, trong đó có những phim tài liệu quay chính bản thân ông:
- Chaplinesque, My Life and Hard Times của đạo diễn Harold Octavio Hurwitz năm 1972.
- Unknown Chaplin của đạo diễn Kevin Brownlow và David Ian Gill năm 1983.
- Chaplin của đạo diễn Richard Attenborough năm 1992.
- Charlie: The Life and Art of Charles Chaplin đạo diễn Richard Warren Schickel năm 2003.
- La Rançon de la gloire của đạo diễn Xavier Beauvois năm 2014 kể về chuyện thi hài của ông bị lấy cắp.
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire