mercredi 27 mars 2019

THẾ GIỚI : Airbus thắng đơn hàng 35 tỷ USD khi Boeing gặp sự cố 737 Max


Trương Thanh Long
Sưu tầm - Biên soạn - Bình Luận


Trung Quốc vừa đạt thoả thuận mua 300 máy bay của Airbus để phân bổ cho các hãng hàng không trong nước thời gian tới.

Airbus đã đạt được một thoả thuận đặt hàng máy bay trị giá 35 tỷ USD nhân chuyến thăm Pháp của Chủ tịch Trung Quốc - Tập Cận Bình. Đơn hàng này như một đòn giáng mạnh vào đối thủ Boeing trong bối cảnh nhà sản xuất Mỹ đang phải vật lộn với bê bối liên quan đến dòng máy bay bán chạy nhất 737 Max. Trong phân khúc máy bay thân hẹp, Airbus A320 là đối thủ của Boeing 737 Max - dòng máy bay đang chịu lệnh ngừng cất cánh sau hai vụ tai nạn nghiêm trọng chỉ trong 5 tháng.

Đơn đặt hàng của Trung Quốc gồm 290 máy bay thân hẹp A32010 máy bay thân rộng A350. Thoả thuận này gần như gấp đôi so với lời "chào hàng" của Tổng thống Pháp - Emmanuel Macron trong chuyến thăm Bắc Kinh hồi tháng 1 năm ngoái. Trung Quốc đặt lô hàng lớn để phân bổ cho các hãng bay trong nước trong tương lai.


Trung Quốc đã trở thành thị trường hàng không quan trọng nhất thế giới trong bối cảnh tầng lớp trung lưu tăng trưởng thúc đẩy nhu cầu du lịch. Quốc gia này từng giữ cân bằng giữa hai nhà chế tạo máy bay phương Tây khi tìm cách khởi động việc sản xuất của Boeing và Airbus tại Trung Quốc.

Tuy nhiên, nhà sản xuất Mỹ đang chịu tác động từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Trong khi đó, Airbus củng cố vị thế của mình với một đề nghị mở rộng các cơ sở sản xuất tại Thiên Tân (Trung Quốc).


Tại lễ công bố thoả thuận, Guillaume Faury - CEO Airbus cho biết, A320s sẽ được lắp đặt tại cả Thiên Tân và châu Âu. Ông nói thêm, thoả thuận này là "một dấu hiệu cho sự tin tưởng" từ Trung Quốc. Trong khi đó, Tổng thống Pháp gọi giao dịch này là "một tín hiệu tuyệt vời".

"Tôi xem thoả thuận này như một phần của cuộc đàm phán thương mại. Người Trung Quốc có thể áp thuế lên máy bay Boeing nhưng vẫn có thể gửi thông điệp bằng cách phương thức khác. Thoả thuận với Airbus mang thông điệp người Mỹ phải chơi đẹp nếu không muốn Trung Quốc đáp trả", Rob Stallard tại Vertical Research Partners nhận định.

Airbus ước tính, Trung Quốc cần 7.400 máy bay chở khách và hàng hoá trong 20 năm tới - chiếm 20% nhu cầu của toàn thế giới. Hai tháng đầu năm nay, Airbus ghi nhận chỉ 4 đơn đặt hàng. Đây là tốc độ tăng doanh số chậm nhất của nhà sản xuất châu Âu 10 năm trở lại đây. Mẫu A320neo mới nhất có giá niêm yết khoảng 110 triệu USD và A350-900 có giá hơn 317 triệu USD.

(Theo Bloomberg)







mardi 19 mars 2019

XÃ HỘI : Muốn bơi thuyền vớt rác trên sông rạch phải xin phép


Trương Thanh Long
Sưu tầm - Biên soạn - Bình Luận


Muốn bơi thuyền vớt rác trên sông rạch phải xin phép


TTO 18/3/2019 - Một nhóm bạn trẻ chơi thuyền sup tại TP.HCM thực hiện ý tưởng dùng thuyền vớt rác trôi nổi tại một số kênh rạch, tuy nhiên sự kiện chuẩn bị diễn ra thì bị cơ quan chức năng địa phương ngăn cản do chưa xin phép.


Vốn là vận động viên bơi lội, anh Vũ Ngọc Chiến cùng nhóm bạn lên ý tưởng dùng thuyền sup, một loại thuyền kết hợp giữa phao và ván trượt, đi vớt rác trên kênh rạch. Rác sau đó được gom vào bọc vi sinh tự phân hủy và có xe chở đi tiêu hủy.

Hoạt động được đông đảo bạn trẻ hưởng ứng tham gia.

Sau khi ý tưởng chín mùi và đã thử nghiệm lần 1, sáng 17/3/2019, nhóm anh Chiến tổ chức buổi dọn rác dọc một số con kênh thuộc phường Thảo Điền, quận 2 với sự góp mặt của gần 100 người.

Các bạn trẻ được tập huấn cách chèo thuyền và trang bị áo phao. Nhưng đến khi hoạt động chuẩn bị diễn ra thì cơ quan chức năng địa phương có mặt hỏi giấy phép tổ chức. Buổi dọn rác bị hủy vào phút cuối.


Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, một cán bộ phụ trách của phường Thảo Điền cho biết hoạt động này rất tốt, phường đánh giá cao. Tuy nhiên các bạn trẻ không báo trước để phường hỗ trợ lực lượng chức năng.

Đây là vấn đề liên quan tới an toàn sông nước, ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng người tham gia, nên dù ý tưởng tốt nhưng phường buộc phải dừng lại tới khi nhóm xin phép đầy đủ.

Chia sẻ về việc gặp khó khăn với cơ quan chức năng, một thành viên ban tổ chức cho biết nhóm rất muốn tổ chức nhiều buổi dọn rác làm sạch kênh rạch nhưng không biết phải xin phép ai.

Đã có lần nhóm xin được dọn rác tại kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè nhưng gặp cơ quan này xin phép lại bị chỉ qua cơ quan khác. Nhóm rất mong cơ quan chức năng có chỉ dẫn cụ thể.


Liên hệ Sở GTVT TP.HCM, một đại diện sở cho biết hiện sở đang phụ trách quản lý hoạt động của các phương tiện thu dọn, vớt rác trên kênh, rạch.

"Địa phương e ngại là do sự an toàn của người tham gia. Mặt khác các phương tiện thu gom hiện nay đều phải chuyên dụng, các nhân viên đều được đào tạo nghiệp vụ và có kỹ năng trên sông nước.

Nhóm bạn trên có ý tưởng vậy sở rất ủng hộ, nếu thật sự mong muốn tổ chức, các bạn hãy đến Sở GTVT TP.HCM để được hướng dẫn cụ thể các bước thực hiện", vị này cho biết.


BÌNH LUẬN

Anh Chiến cho biết trước khi tổ chức buổi nhặt rác ở phường Thảo Điền, anh và nhóm bạn đã có một buổi nhặt rác trên sông Sài Gòn (đoạn gần nóc hầm Thủ Thiêm) vào cuối năm 2018.

Sau đó, nhóm tình nguyện lập kế hoạch tổ chức một buổi vớt rác trên kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè để tạo sự lan tỏa đến mọi người nhằm nâng cao ý thức giữ gìn môi trường, không xả rác bừa bãi.

Nhằm hiện thực hóa kế hoạch, anh Chiến chạy đôn chạy đáo gõ cửa nhiều cơ quan từ phường đến quận và cả sở để làm thủ tục cấp phép nhưng không có đơn vị nào đứng ra giải quyết.

Các cơ quan hướng dẫn lòng vòng khiến anh nản lòng nên kế hoạch vớt rác trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè cũng bị phá sản.

Anh Chiến cho rằng việc nhặt rác trên kênh bằng thuyền là hoạt động ý nghĩa, vừa bảo vệ môi trường vừa rèn luyện sức khỏe mà hiệu quả tuyên truyền lại cao. Do đó, anh Chiến mong các cơ quan chức năng hướng dẫn các nhóm tình nguyện sao cho thủ tục nhanh nhất.

Theo tôi thiết nghĩ việc nhóm bạn trẻ tổ chức đi nhặt rác như vậy phường phải ủng hộ và nên sẵn sàng tạo điều kiện để làm.





lundi 18 mars 2019

THẾ GIỚI : Nổ súng tại Hà Lan, ít nhất 3 người chết


Trương Thanh Long
Sưu tầm - Biên soạn - Bình Luận


Theo TTO 18/03/2019 - Cảnh sát Hà Lan đang truy lùng kẻ bắn chết 3 người và 9 người khác bị thương ngày 18/3/2019, và không loại trừ động cơ khủng bố.


Trên Twitter, Cảnh sát Ultrecht cho biết nổ súng đã xảy ra tại Quảng trường 24 Oktoberplein (Quảng trường 24 tháng 10), thuộc thành phố Ultrecht, vào khoảng 10h45 sáng 18/3 (giờ địa phương). Cơ quan chức năng đang phong tỏa hiện trường.

Đến nay, hãng tin AP cho biết ít nhất một người chết và nhiều người bị thương.

Ông Joost Lanshage, phát ngôn viên lực lượng cảnh sát miền trung Hà Lan, cũng cho hay cảnh sát không bắt được nghi phạm nào ở khu vực hiện trường. Kẻ nổ súng đã trốn thoát và hiện chịu sự truy đuổi của cảnh sát.

Người phát ngôn cảnh sát, ông Bernhard Jens nói "có thể nghi phạm đã đào thoát bằng xe hơi", và không loại trừ khả năng có nhiều hơn một tay súng tham gia vào vụ này.


Có ba trực thăng đã được điều động tới khu vực xảy ra nổ súng để "quan sát" tình hình. Xe cứu thương và lực lượng phản ứng nhanh cũng có mặt.

Theo báo Anh Guardian, cảnh sát nhìn nhận vụ việc này "mang động cơ khủng bố". Trong khi đó, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte nói ông "lo ngại sâu sắc" về vụ nổ súng trên.

Truyền thông địa phương lưu ý thêm rằng an ninh đã được thắt chặt hơn tại The Hague, nơi có các tòa nhà chính phủ.


Cảnh sát Hà Lan vừa bắt giữ được nghi phạm nổ súng giết người trên tàu điện ở thành phố Utrecht. Gokmen Tanis, người Thổ Nhĩ Kỳ 37 tuổi, bị bắt giữ sau khi đã lẩn trốn trong ngày.






vendredi 15 mars 2019

THẾ GIỚI : Hai vụ xả súng liên tiếp tại hai nhà thờ Hồi giáo ở New Zealand


Trương Thanh Long
Sưu tầm - Biên soạn - Bình Luận


TTO 15/3/2019- Theo hãng tin Reuters, trong cập nhật mới nhất có đến 49 người thiệt mạng và 25 ngườ i bị thương nặng. Hung thủ thậm chí còn gắn máy quay phát trực tiếp cảnh giết người.


Nữ thủ tướng New Zealand, bà Jacinda Arden cho biết có 30 người thiệt mạng tại đền thờ Hồi giáo Al Noor, đền thờ chính của TP Christchurch, và 10 người khác bị giết tại đền thờ Hồi giáo ở khu ngoại ô Linwood.

Trong cập nhật mới nhất, sĩ quan Mike Bush của cảnh sát New Zealand cho biết số thiệt mạng tại một đền thờ là 41, tại đền thờ còn lại có 7 người bị bắn chết và một chết ở bệnh viện sau khi được đưa đến cấp cứu.

Theo truyền thông địa phương, ngoài số nạn nhân thiệt mạng còn có khoảng 50 người bị thương, trong đó có 25 bị thương nặng.

Đài NPR dẫn lời bà Jacinda Arden xác nhận đã có 2 vụ tấn công mà giờ đây đã xác định là "hành động khủng bố" nhằm vào 2 đền thờ Hồi giáo khác nhau tại Christchurch, thành phố lớn nhất của đảo Nam của New Zealand.

"Đây rõ ràng là một trong những ngày đen tối nhất của New Zealand - bà Jacinda Arden nói - Chuyện đã xảy ra là một hành động bạo lực bất thường và chưa từng có tiền lệ".

"Nhiều người trong số những người bị ảnh hưởng có thể là người nhập cư, có thể là người tị nạn… Họ là chúng ta… Kẻ gây án thì không phải… Không có nơi nào tại New Zealand dung túng cho tình trạng bạo lực cực đoan và phi tiền lệ này", bà Arden nói.


Theo báo New York Times, cảnh sát địa phương cho biết họ đang xử lý một vụ xả súng còn đang diễn ra và nguy cơ ở khu vực trung tâm thành phố Christchurch vẫn còn đang "rất cao". AP dẫn lời một nhân chứng nói vào nhà thờ thấy xác người khắp nơi.

Đài phát thanh quốc gia Radio New Zealands cho biết đã có nhiều phát súng được nghe thấy tại một đền thờ Hồi giáo gần công viên Hagley. Một đền thờ thứ hai trên đại lộ Linwood, cũng tại thành phố Christchurch, đã bị tấn công.

Cảnh sát trưởng New Zealand, ông Mike Bush, cho biết tất cả các trường học tại Christchurch đã được phong tỏa. Người dân trong thành phố cũng được khuyến cáo nên ở trong nhà.


Vụ tấn công thứ nhất xảy ra vào khoảng 13h40 chiều 15/3/2019 (giờ địa phương) khi nhiều người đang có mặt bên trong đền thờ Masjid Al Noor ở cạnh công viên Hagley. Một vụ khác xảy ra tại đền thờ ở vùng ngoại ô có tên Linwood.

Nhiều nhân chứng nói với các cơ quan thông tấn, báo chí địa phương là họ đã nhìn thấy nhiều người bị thương. Cảnh sát chưa thể xác nhận các thông tin về những trường hợp bị thương hay tử vong, nhưng khẳng định có nhiều người thương vong. Họ cũng chưa thể khẳng định vị trí của vụ xả súng.

Theo hãng tin Reuters, đã có 4 nghi phạm (3 nam, một nữ) bị bắt giữ để thẩm tra.

Đáng nói là theo một đoạn clip lan truyền trên mạng xã hội thì hung thủ thậm chí đã livestream cuộc thảm sát do mình gây ra.

Người đàn ông tự nhận mình là Brenton Tarrant, người Úc, 28 tuổi, đã ghi hình toàn bộ quá trình gây án kể từ lúc đang lái xe tới nhà thờ ở trung tâm thành phố Christchurch, tới khi xả súng điên cuồng vào những người có mặt bên trong và xung quanh nhà thờ.

Theo trang News.com.au, đoạn livestream bắt đầu bằng cảnh nghi phạm, đeo găng tay màu xám, lái xe qua các tuyến đường ở thành phố Christchurch, tiến dần về phía nhà thờ. Camera dường như đã được gắn trên mũ của hung thủ.


Mặc dù nhiều chi tiết của vụ xả súng tới giờ vẫn chưa rõ, song một nhân chứng đáng tin cậy, nhà báo người Bangladest, anh Mohammad Isam, đã đăng tải video về các thành viên của đội tuyển cricket quốc gia Bangladesh mà theo lời nhà báo này cho biết họ đã thoát khỏi vụ tấn công xả súng.

Thủ tướng New Zealand Jacinda Arden đã hủy bỏ các kế hoạch công việc khác trong ngày để giải quyết vụ xả súng.

Vụ xả súng xảy ra một ngày sau khi bộ trưởng phụ trách vấn đề biến đổi khí hậu, ông James Shaw, 45 tuổi, tường trình với cảnh sát về việc ông bị hành hung ngay trên đường phố tại thủ đô Wellington.

Thông tin về vụ xả súng xảy ra đúng vào thời điểm nhiều người trẻ đang tụ tập tại Christchurch và nhiều thành phố khác trên thế giới để tuần hành, hối thúc chính quyền hành động khẩn trương hơn để chống lại tình trạng biến đổi khí hậu.

Christchurch có khoảng 388.000 dân cư trú, là thành phố lớn nhất trên đảo South Island của New Zealand.


“Bản tuyên ngôn” dài 74 trang

Trước đó, truyền thông New Zealand cho biết nghi phạm Brenton Harrison Tarrant, 28 tuổi, đã đăng tải một “bản tuyên ngôn” dài 74 trang trên một tài khoản Twitter mà anh ta lập ra chỉ 3 ngày trước vụ tấn công. Tài khoản này không có người theo dõi nào cho tới sau khi hắn tiến hành các vụ tấn công đẫm máu.

Trong “bản tuyên ngôn”, Tarrant, sinh tại Australia, viết rằng hắn chuyển tới New Zealand để tiến hành vụ tấn công mà y đã lên kế hoạch trong 2 năm, nhấn mạnh rằng hắn chỉ quyết định tấn công Christchurch 3 tháng trước.

Tay súng nói mục đích của y là bảo vệ “các vùng đất của chúng ta” khỏi “những kẻ xâm chiếm”, để “giảm tỷ lệ nhập cư” và gia tăng sự chia rẽ và bắt đầu một cuộc nội chiến tại Mỹ.

Tarrant viết, New Zealand không phải là lựa chọn ban đầu của hắn cho một vụ tấn công, nhưng miêu tả nước này là “một mục tiêu có môi trường giống bất kỳ nơi nào ở phương Tây”.

Một vụ tấn công tại New Zealand có thể thu hút sự chý ý về sự thật của cuộc tấn công vào nền văn minh của chúng ta, rằng không nơi nào trên thế giới an toàn, những kẻ xâm chiếm đã có mặt ở khắp các vùng đất của chúng ta, thậm chí tại các khu vực hẻo lánh của thế giới, và rằng không còn nơi nào để đi, nơi an toàn và vắng bóng làn sóng di dân”.

Tarrant còn nói hắn muốn trả thù cho Ebba Akerlund, một em bé 11 tuổi thiệt mạng trong một vụ tấn công khủng bố năm 2017 ở Stockholm, Thụy Điển. Nghi phạm cũng cho biết hắn được truyền cảm hứng từ các sát thủ máu lạnh khác, trong đó có tay súng Na Uy Anders Breivik, kẻ sát hại 77 người trong vụ tấn công hồi năm 2011.


Nghi phạm sở hữu 5 khẩu súng

Cảnh sát New Zealand ngày 16/3/2019 cũng công bố thêm các thông tin liên quan tới vụ tấn công. Theo đó, cảnh sát xác nhận Tarrant là tay súng duy nhất chịu trách nhiệm về cả 2 vụ xả súng nhằm vào 2 nhà thờ Hồi giáo ở trung tâm thành phố Christchurch.


Theo lời cảnh sát trưởng Mike Bush, Tarrant nổ súng tại nhà thờ Al Noor trước, sau đó mất 7 phút để lái ô tô tới nhà thờ Linwood. Tổng cộng hai vụ tấn công kéo dài 36 phút. Nghi phạm bị 2 cảnh sát bắt giữ từ ô tô riêng của y. Tarrant vẫn định tấn công tiếp cho tới khi bị bắt.

Thủ tướng New Zealand cho biết nghi phạm sở hữu 5 khẩu súng, trong đó có 2 vũ khí bán tự động và 2 khẩu súng ngắn. Tên này cũng có giấy phép sử dụng súng.


mercredi 13 mars 2019

THẾ GIỚI : Thảm kịch máy bay Boeing 737 Max


Trương Thanh Long
Sưu tầm - Biên soạn - Bình Luận


Tin tức tổng hợp Internet - Sự tương đồng giữa hai vụ tai nạn ở Ethiopia (10/03/2019) và Indonesia (29/10/2018) làm nhiều người đặt câu hỏi về sự an toàn, tin cậy của máy bay Boeing 737 Max.


Ngày 29/10/2018, một chiếc Boeing 737 Max 8 của Lion Air rơi ngay sau khi cất cánh từ Jakarta, Indonesia, khiến tất cả 189 người trên máy bay thiệt mạng. Phi cơ khi đó được sử dụng chưa đầy ba tháng.

Boeing 737 Max 8 của Lion Air

Ngày 10/3/2019, chuyến bay ET302 của hãng hàng không Ethiopian Airlines cũng rơi chỉ vài phút sau khi cất cánh, khiến tất cả 157 người trên máy bay thiệt mạng. Phi cơ được sử dụng cũng là Boeing 737 Max 8, nó lần đầu tiên bay vào tháng 10/2018.

Boeing 737 Max 8 của Ethiopian Airlines

Boeing 737 MAX là thế hệ dòng 737 thứ tư, với thay đổi chính so với các thế hệ trước ở chỗ sử dụng động cơ CFM International LEAP-1B lớn hơn, hiệu quả hơn và có một số điều chỉnh thân máy bay. Dòng này có 4 biến thể, với 138 - 230 chỗ ngồi, tầm bay 5.954 - 7.084 km. 737 Max 7, Max 8 và Max 9 lần lượt thay thế 737-700, -800 và -900. 737 Max 10 là biến thể có thân dài nhất.

Thêm nhiều nước cấm khai thác máy bay Boeing 737 MAX 8

Boeing 737 Max là máy bay bán chạy nhất trong lịch sử của Boeing, với hơn 4.500 chiếc được đặt hàng bởi 100 nhà khai thác trên toàn cầu. Máy bay Boeing 737 Max 8 bắt đầu được sử dụng cho các chuyến bay thương mại từ năm 2017.



Nhà phân tích hàng không tại Jakarta Gerry Soejatman cho biết so sánh với các phiên bản trước đây, "động cơ 737 Max nhô về phía trước hơn và nằm ở vị trí cao hơn một chút so với cánh máy bay. Điều đó ảnh hưởng đến sự cân bằng của phi cơ".

Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia Indonesia chỉ ra rằng chuyến bay 610 của Lion Air nhận được dữ liệu sai từ một trong những cảm biến được thiết kế để cảnh báo phi công khi máy bay có nguy cơ bị thất tốc trên không, theo BBC.

Các nhà điều tra chưa đưa ra kết luận cuối cùng về nguyên nhân thảm họa. Cảm biến và phần mềm của thế hệ Max hoạt động theo cách khác với các mẫu 737 trước đây, nhưng các phi công đã không được cho biết điều đó.

Vài ngày sau vụ tai nạn Lion Air, Boeing gửi một bản tin cho các hãng hàng không. Cơ quan Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) sau đó ban hành một chỉ dẫn khẩn cấp về cảm biến góc tấn, cung cấp dữ liệu về góc mà gió lưu thông qua cánh máy bay và cho các phi công biết máy bay có lực nâng như thế nào.


FAA cho rằng "nếu không được cung cấp thông tin rõ ràng về vấn đề cảm biến, phi hành đoàn có thể gặp khó khăn khi điều khiển máy bay và dẫn đến tình trạng máy bay chúc đầu quá mức, mất độ cao đáng kể hoặc có nguy cơ va chạm với địa hình". Các hãng hàng không Mỹ được yêu cầu cập nhật thông tin hướng dẫn cho các phi hành đoàn.

FAA cho biết thông tin cũng được chuyển cho các cơ quan quản lý của quốc gia khác. Họ cho rằng những cơ quan này sẽ thông báo cho các hãng hàng không và các hãng sẽ cập nhật cho phi công.


Cơ quan Hàng không Dân dụng Anh hôm nay cũng quyết định dừng toàn bộ hoạt động của các chuyến bay thương mại chở khách sử dụng Boeing 737 MAX "như một biện pháp đề phòng".

Australia, Oman, Đức, Pháp, Mông Cổ cũng tạm thời cấm tất cả máy bay Boeing 737 MAX di chuyển trong không phận của mình. Cơ quan quản lý hàng không của Australia cho biết họ "rất tiếc vì bất cứ sự bất tiện nào đối với các hành khách, nhưng tin rằng điều quan trọng là luôn đặt an toàn lên hàng đầu".

Hiện có tổng cộng 10 nước đã ra lệnh cấm với Boeing 737 MAX. Trong khi đó, Cơ quan Quản lý Hàng không Mỹ (FAA) khẳng định Boeing 737 MAX vẫn đủ điều kiện hoạt động, nhưng cần chỉnh sửa thiết kế. Giám đốc điều hành Boeing Dennis Muilenburg cũng bày tỏ tự tin với dòng phi cơ này, chỉ ra rằng nó đã hoàn thành "hàng trăm nghìn giờ bay an toàn".

Ngày 13/3/2019,  Boeing cho biết đồng ý với quyết định của chính quyền TRUMP và cũng đề nghị tạm thời đình chỉ tất cả máy bay 737 Max trên toàn cầu. 


BÌNH LUẬN

Trên thị trường toàn cầu, 737 Max 8 ngoài mang lại lợi nhuận lớn còn có vai trò rất quan trọng trong tham vọng cạnh tranh của Boeing với Airbus, đối thủ lớn đến từ châu Âu. Tập đoàn này đến nay đã chuyển giao 354 chiếc Max 8 tới tay khách hàng và chiếc máy bay gặp nạn hôm 10/3/2019 là một trong 5 phi cơ Max 8 mà Ethiopian Airlines sở hữu, với 25 chiếc nữa trong đơn đặt hàng.


Quyết định cấm bay toàn bộ phi đội Max 8 của Trung Quốc được coi là đòn giáng nặng nhất hiện nay vào Boeing, bởi dòng máy bay này là vũ khí chủ lực của tập đoàn để tấn công thị trường lớn nhất châu Á. Trong số 43.000 máy bay mới mà Boeing dự định bán trong 20 năm tới, họ kỳ vọng khách hàng Trung Quốc sẽ mua gần 20%. Tập đoàn này gần đây còn xây một nhà máy hoàn thiện máy bay ở Trung Quốc.

Theo Mike Boyd, chủ tịch công ty tư vấn hàng không Mike Boyd International, Boeing tới nay đã nhận được đơn đặt hàng gần 3.000 chiếc Max 8, phần lớn đến từ Trung Quốc.

Trước khi máy bay của Lion Air đâm xuống biển, phi công đã liên tục tìm cách vô hiệu hóa hệ thống điều khiển tự động bằng máy tính để lấy lại độ cao cho chiếc phi cơ đang chúc mũi xuống, nhưng sau mỗi thao tác của cơ trưởng, hệ thống MCAS lại tự thực hiện việc điều chỉnh và thảm họa xảy ra, báo cáo điều tra sơ bộ của Indonesia cho biết. Boeing đang phải đối mặt với đơn kiện từ hàng chục thân nhân của các hành khách thiệt mạng trong chuyến bay.

Khi làn sóng chỉ trích nhắm vào Boeing chưa kịp lắng xuống, thảm kịch thứ hai xảy ra ở Ethiopia, với diễn biến rất giống những gì đã xảy ra với chiếc máy bay xấu số của Lion Air và hệ thống MCAS một lần nữa bị các chuyên gia hàng không "điểm mặt chỉ tên".

Các chuyên gia tại ngân hàng đầu tư Jefferies chỉ ra rằng trong trường hợp các điều tra viên ở Ethiopia phát hiện ra MCAS là thủ phạm gây ra vụ tai nạn, chắc chắn toàn bộ phi đội Max 8 đang hoạt động trên thế giới sẽ bị cấm bay, các đơn đặt hàng bị hủy và 5,1 tỷ USD, tương đương 5% doanh thu hàng năm của Boeing, có thể "bốc hơi" trong hai tháng.

Theo Flight Global, hiện Boeing đã giao 385 chiếc 737 Max cho các khách hàng, trong đó 344 chiếc là Max 8. Sau vụ tai nạn máy bay 737 Max ở Ethiopia, cổ phiếu Boeing đã giảm 13% xuống còn 365,88 USD. Đà giảm này khiến vốn hoá của nhà sản xuất máy bay Mỹ bốc hơi hơn 30 tỷ USD chỉ sau ba ngày.




samedi 9 mars 2019

BLOG : Chạy chức ở Việt Nam


Trương Thanh Long
Sưu tầm - Biên soạn - Bình Luận


Tin tức tổng hợp Internet - Một nghiên cứu nạn mua việc làm bằng hối lộ, mà ở Việt Nam có cách gọi riêng là 'chạy chức' nói 'chuẩn trung bình' ở các nước đang phát triển là 17 tháng lương.


Đây là khoản tiền trung bình một người xin việc, chạy vị trí trong bộ máy công phải trả trước để vào chỗ làm, theo điều tra của Jeff Weaver, ĐH Yale,USA.

Tất nhiên, có cả những nước người ta cần trả 20-25 lần lương tháng để kiếm việc, tùy vào vị trí gì, ở đâu.

Nhìn chung, 'mua chức trong khu vực công' tức hối lộ để làm quan chức (bribery for government jobs) được nói là phổ biến ở châu Phi, Ấn Độ, Indonesia.

Nhưng trong bài 'Jobs for sale in Vietnam' - tạm dịch 'Chạy chức ở Việt Nam' (24/06/2016) tác giả Eric Sam Juan nêu ra các con số vượt mức quốc tế.

Nêu ví dụ một phụ nữ tên là Hoa (không phải tên thật), có học thức tốt, tiếng Anh giỏi, xin việc vào một ngân hàng ở Hà Nội, Eric Sam Juan viết:

"Để nhận việc, Hoa phải trả 500 triệu đồng (gần 20.000 euro). Và sau đó nhà băng sẽ trả cô khoản lương tháng chỉ 5 triệu đồng (200 euro, hoặc 225 USD)."

Nếu đúng như thế, giá tiền 'chạy việc' bình thường ở Hà Nội là 100 tháng lương, cao hơn ngưỡng 'trung bình ở các nước đang phát triển' quá nhiều.


Bài của Eric Sam Juan cũng nói sở, ngành tài chính và cảnh sát giao thông ở VN "có các vị trí được tranh đua chạy vào" hơn cả, vì "quan chức sẽ làm giàu nhanh bằng việc nhận tiền phạt từ lái xe, hoặc đòi tiền lại quả từ người kinh doanh để cho phép họ gia hạn giấy phép", bài báo trích một người có tên là Dung cho biết.

"Dù lương tháng chỉ bằng 200 euro, người ta sẵn sàng chi 10 nghìn euro (11,250 USD) cho một vị trí."

Bài báo cũng trích một báo cáo hồi 2015 của Provincial Governance and Public Administration Performance Index (PAPI), do Chương trình phát triển LHQ bảo trợ, cho hay ở Việt Nam, gần một nửa người được hỏi nói "tiền hối lộ phải được trả để vào làm trong khu vực nhà nước".

Các đường dây này có bảo trợ (patronage) nên tham nhũng thành "hiện tượng mang tính hệ thống" ở Việt Nam, báo cáo này viết.


Hà Nội đi đầu?

Vẫn bài viết cho hay ở Hà Nội, "86% người được hỏi đã tính đến chuyện chi tiền hối lộ là cần thiết để có việc trong khu vực công".

Các tài liệu quốc tế nêu ra 3 vấn đề của việc bán chức và mua chức.

1. Một là việc vi phạm các chuẩn mực chuyên nghiệp về tuyển chọn, và vi phạm pháp luật từ phía người tuyển việc. Kể cả khi hệ thống đặt ra các tiêu chuẩn đúng, người tuyển nhân viên với đã bẻ cong các chuẩn đó, vì thiên vị thân nhân, bạn bè, hoặc để kiếm lời cá nhân. Điều này làm công chúng mất niềm tin vào bộ máy và tính công bằng của nó.

2. Tác động xấu thứ hai chính là việc phân bổ sai nguồn nhân sự: người giỏi không được nhận việc đúng, còn người kém có thể vì trả tiền mà có việc.

3. Và tác động thứ ba chính là việc hình thành các nhóm mua bán hối mại quyền lực (clientelism), và tạo bè cánh, các nhóm tiếp tục tham nhũng.


Các thống kê cũng cho hay các nghề trong ngành giáo dục, y tế, cảnh sát, thuế, phân bổ đất đai...thường là khu vực công thu hút nhiều 'chân chạy' trên thế giới.

Ở các hệ thống dân chủ không khoẻ mạnh cũng có hiện tượng mua phiếu, dùng tiền để vận động (lobby) vào các chức dân cử.

Ở Việt Nam hiện nay, có vẻ chủ đề này cũng đang được bàn thảo.

Bà Lê Thị Thu Ba - nguyên Ủy viên Trung ương Đảng

Một báo Việt Nam gần đây trích lời bà Lê Thị Thu Ba - nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo Cải cách Tư pháp Trung ương Đảng CSVN nói về nguy cơ thứ ba này:

"Thời gian qua chúng ta đã xử lý rất nhiều vụ việc tham ô, tham nhũng, qua những vụ việc này chúng ta có thể một cá nhân được đưa lên vị trí A, vị trí B nhiều khi không phải do cá nhân đó chạy mà là do một nhóm cán bộ thân tín của họ tham gia chạy. "

Như thế, ở Việt Nam hiện tượng góp tiền để chạy một chức thật cao cho ai đó rồi ban bổ lại lợi lộc đã xảy ra, chứ không phải chuyện kiếm một việc làm vì thiếu việc.

Bà Ba nói tiếp:

"Đương nhiên, khi được đưa lên vị trí đó thì anh sẽ phải phục tùng, phải phục vụ lợi ích cho cả nhóm và cho cá nhân họ."

Chính vì đây không còn là hiện tượng đơn lẻ, bài báo cũng thừa nhận: "Trên thực tế để phát hiện và chứng minh chạy chức, chạy quyền là vô cùng khó, vì thế, tỉ lệ phát hiện và xử lý cũng rất khiêm tốn, mang tính hình thức".

Hôm 04/03/2019, ông Phạm Minh Chính, Trưởng ban Tổ chức Trung ương của đảng cầm quyền ở Việt Nam cũng nói "phải chống cho được tiêu cực, chạy chức chạy quyền trong công tác cán bộ".

Trưởng Ban Tổ chức TƯ Phạm Minh Chính

Ông phát biểu mạnh mẽ, "Anh nào chạy chức thì không dùng", mà không nói rõ rằng cả bán chức và chạy chức đều là tội hình sự, theo luật của khá nhiều nước.

Ví dụ như ở Ấn Độ, điều 171B Luật Hình sự quy định hình phạt tù giam với quan chức, công chức nhà nước nhận hối lộ để "tạo điều kiện ưu đãi cho người khác" trong cung cấp dịch vụ, việc làm.

Tất nhiên, vấn đề của Ấn Độ và một số nước khác vẫn là tuy có luật nhưng làm sao áp dụng được xuyên suốt trong cả hệ thống.


BÌNH LUẬN

Biểu hiện của việc chạy chức, chạy quyền là tình trạng bổ nhiệm cán bộ không đủ tiêu chuẩn, điều kiện, trong đó có cả người nhà, người thân, họ hàng, “cánh hẩu” xảy ra ở một số nơi, gây bức xúc trong dư luận xã hội… Dường như ở đâu đó, các vị trí chủ chốt cũng đã được “cài cắm” cho cán bộ được bổ nhiệm theo kiểu “siêu thần tốc”, thiếu trong sáng; theo kiểu “quan hệ, tiền tệ, hậu duệ” được giấu dưới vỏ bọc “đúng quy trình”, “đúng quy định” mà quên đi năng lực, phẩm chất của cán bộ, đảng viên… được quy hoạch bổ nhiệm.



Trong xã hội văn minh ngày nay, không chỉ riêng nước ta mà ở một số nước khác trên thế giới cũng vẫn còn tồn tại nạn chạy chức, chạy quyền… Có điều, ở mỗi quốc gia thì mức độ phức tạp có khác nhau. Ở Việt Nam, trong những năm gần đây, qua các phương tiện truyền thông đại chúng, người dân được biết đến không ít những vấn đề tiêu cực liên quan đến công tác cán bộ. Đặc biệt là nạn chạy chức, chạy quyền ngày càng có chiều hướng tinh vi, phức tạp… Cũng còn cán bộ, đảng viên có nhiều sai phạm, thậm chí bị kỷ luật nhưng vẫn được luân chuyển, lên chức, chỉ đến khi bị đưa ra ánh sáng công luận thì những tiêu cực liên quan mới được phơi bày...

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từng phát biểu: Một số người có chức, có quyền giữ tác phong quan cách, gia trưởng, phụ trách địa phương nào, đơn vị nào, thì như một "ông vua con" ở đấy. Phát biểu của Tổng Bí thư như một cảnh báo về đặc quyền, đặc lợi do chức vụ, vị trí công tác mang lại cho những cán bộ, đảng viên suy thoái, biến chất.

Người ta lại bảo là : Phấn đấu lên chức cao hơn là để cống hiến cho đất nước, phục vụ nhân dân , để được làm người đầy tớ trung thành của nhân dân, góp chút sức lực nhỏ bé vào công cuộc xây dựng đất nước ....


Cao quý làm sao, vĩ đại làm sao 
những con người dành cả cuộc đời để 
CHẠY!




dimanche 3 mars 2019

SỨC KHOẺ : Lợi ích sức khỏe từ omega-3


Trương Thanh Long
Sưu tầm - Biên soạn - Bình Luận


(ảnh: Shutterstock)

Omega-3 là một khái niệm chúng ta vẫn thường hay nhắc tới nhưng chưa nhiều người biết hết công dụng của chúng.

Không phải chất béo nào cũng có hại cho cơ thể. Trong đó, axit béo omega-3 là một trong những loại chất béo tốt giúp giảm nguy cơ bệnh tim, trầm cảm, mất trí nhớ và viêm khớp. Tuy nhiên, bạn cần ăn uống bổ sung vì cơ thể không thể tự sản sinh loại axit này.

Omega-3 là một axit béo không no thiết yếu cho cơ thể. Bản thân chúng ta không thể tự tổng hợp và tạo ra omega-3 được, do vậy cách duy nhất để cung cấp loại axit béo này cho cơ thể là ăn các loại thực phẩm giàu omega-3. Có nhiều loại axit béo omega-3 nhưng có 3 loại phổ biến nhất là :

- Docosahexaenoic axit (DHA) và Ecosapentaenoic axit (EPA) : cả hai thường được tìm thấy trong các loại dầu sinh vật biển.

Alpha lipoic axit (ALA) : được tìm thấy trong dầu thực vật.


Tác dụng của omega-3

Omega-3 mang lại những lợi ích không ngờ cho sức khỏe, không những ngăn ngừa nhiều bệnh mà chúng còn có nhiều tác dụng đáng ngạc nhiên khác. Dưới đây là 12 công dụng chính mà bạn nên biết.


1. Ngăn ngừa các tác nhân gây bệnh tim mạch

Đau timđột quỵ là hai trong số những nguyên nhân gây tử vong cao nhất trên thế giới. Nhiều thập kỷ trước, các nhà nghiên cứu đã quan sát rằng những người ăn nhiều cá có tỉ lệ mắc bệnh tim mạch ít hơn so với người bình thường. Sau đó, nhiều nghiên cứu đã chứng minh được điều này là do tác dụng của việc hấp thụ omega-3 từ cá.

Vì vậy, các axit béo omega-3 được cho là mang lại nhiều lợi ích trong việc giúp ngăn ngừa các bệnh tim mạch:

- Triglycerides: dầu cá giúp giảm khoảng một lượng lớn – khoảng 15-30% – triglyceride trong cơ thể

- Huyết áp: omega-3 trong dầu cá có tác dụng hiệu quả đối với những bệnh nhân mắc chứng cao huyết áp

- HDL-cholesterol: axit béo omega-3 giúp tăng lượng HDL-cholesterol (loại cholesterol tốt cho cơ thể)

- Bệnh đông máu: omega-3 có thể giữ cho các tiểu huyết cầu không kết khối vào nhau. Điều này giúp ngăn ngừa sự hình thành bệnh đông máu có hại cho tim

- Các mảng xơ vữa: dầu cá giúp các động mạch hoạt động bình thường và không bị tổn thương bằng cách ngăn ngừa các mảng xơ vữa trong động mạch

- Sưng viêm: axit béo omega-3 giúp giảm sự sản sinh ra một số chất gây hại cho tim giải phóng trong suốt quá trình chống lại chứng viêm


2. Giảm mỡ trong gan

Bệnh gan nhiễm mỡ mà tác nhân không phải do rượu là một căn bệnh rất phổ biến. Nó làm tăng nguy cơ mắc bệnh béo phì và là nguyên nhân chính gây ra bệnh gan mãn tính. Cung cấp đủ lượng omega-3 mà cơ thể bạn cần sẽ làm giảm lượng mỡ trong gan và chứng viêm đối với những người mắc bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu.

Việc bổ sung dầu cá cho cơ thể cũng sẽ giúp làm giảm hàm lượng triglycerides cao trong máu. Do đó, nguy cơ mắc các các vấn đề về tim mạch cũng sẽ giảm đi.


3. Cải thiện chất lượng giấc ngủ

Một giấc ngủ sâu là một trong những yếu tố cơ bản để có một sức khỏe tối ưu. Các nghiên cứu cho thấy bệnh thiếu ngủ sẽ dẫn đến nhiều bệnh khác như béo phì, tiểu đườngtrầm cảm. Thiếu hụt omega-3 sẽ gây ra bệnh mất ngủ ở trẻ em và bệnh ngưng thở lúc ngủ ở người trưởng thành. Ngoài ra, thiếu hụt DHA còn làm giảm lượng hormone melatonin – hormone giúp bạn dễ chìm vào giấc ngủ.


Các nghiên cứu cho thấy rằng việc hấp thụ đủ axit béo omega-3 ở cả trẻ em và người lớn có thể giúp kéo dài giấc ngủ cũng như tăng chất lượng giấc ngủ.



4. Tốt cho da

DHA là thành phần cấu trúc của da, chịu trách nhiệm xây dựng các màng tế bào và đóng vai trò quan trọng trong việc nuôi dưỡng da.

Một màng tế bào khỏe mạnh sẽ đem lại cho bạn làn da mềm mịn, không nếp nhăn và không khô ráp. EPA cũng có tác dụng tích cực cho da, bao gồm:

- Kiểm soát lượng dầu của da

- Kiểm soát độ ẩm của da

- Ngăn ngừa sự tăng lớp sừng của nang lông – những vết sưng màu đỏ nhỏ thường thấy trên cánh tay

- Ngăn ngừa da bị lão hóa sớm

- Ngăn ngừa mụn


5. Trị bệnh viêm khớp dạng thấp

Hấp thụ các loại cá (EPA và DHA) thường xuyên có thể giúp làm giảm chứng cứng cơđau khớp. Ngoài ra, omega-3 trong các béo còn giúp tăng cường hiệu quả của các loại thuốc chống viêm.


6. Hỗ trợ điều trị trầm cảm

Bệnh trầm cảm là một trong các chứng rối loạn thần kinh phổ biến nhất trên thế giới. Nhiều nghiên cứu cho thấy các nước văn minh có dân số sử dụng nhiều thực phẩm chứa nhiều omega-3 thì số lượng người mắc chứng trầm cảm ít hơn. Vì vậy, người ta cho rằng dầu cá có thể tăng cường hiệu quả trong việc ngăn ngừa trầm cảm và giúp giảm các triệu chứng trầm cảm khi bị mắc chứng rối loạn lưỡng cực.


7. Phát triển não bộ và cải thiện thị lực

Có đến 60% não là chất béo và DHA chiếm 1/4 trong số đó. DHA là một chất dinh dưỡng quan trọng giúp phát triển thị lực và thần kinh ở trẻ. Đó là lý do các bà mẹ thường bổ sung DHA cho con từ lúc còn rất nhỏ.


DHA cũng là thành phần cấu trúc chủ yếu của não bộvõng mạc mắt. Khi không hấp thụ đủ DHA thì có thể bạn sẽ gặp phải các vấn đề về thị giác. Khi nạp đủ lượng omega-3 cơ thể cần sẽ làm giảm nguy cơ thoái hóa điểm vàng của mắt – một trong các nguyên nhân chính gây ra mù và tổn thương mắt vĩnh viễn.


8. Trị bệnh thiếu chú ý và tăng động

Một số nghiên cứu cho thấy dầu cá có thể giảm các triệu chứng của bệnh thiếu chú ýtăng động; đồng thời cải thiện các khả năng trí não như suy nghĩ, ghi nhớ, tiếp thu,… ở một số trẻ em. Tuy nhiên, chưa có nhiều nghiên cứu về vấn đề này. Ngoài ra, các bác sĩ thường khuyến cáo dầu cá không phải là thuốc chữa bệnh và chúng ta không nên dùng dầu cá thay cho các loại thuốc khác.


9. Cải thiện các bệnh rối loạn thần kinh

Những người mắc bệnh rối loạn tâm thần thường được phát hiện có lượng omega-3 trong cơ thể khá thấp. Nhiều nghiên cứu cho thấy việc hấp thụ đủ omega-3 có thể làm giảm trạng thái bất ổn của tâm lý và giảm tái phát bệnh ở những người mắc đồng thời bệnh tâm thần phân liệt và bệnh rối loạn lưỡng cực. Ngoài ra, uống dầu cá còn giúp giảm các hành vi bạo lực.


10. Trị bệnh Alzheimer

Một số nghiên cứu cho thấy dầu cá có thể giúp bảo vệ não bộ khỏi bệnh Alzheimer (một dạng sa sút trí tuệ) cũng như bệnh mất trí nhớ. Ngoài ra, dầu cá còn có hiệu quả tích cực trong việc cải thiện dần chứng mất trí nhớ do lão hóa.


11. Giúp chống lại bệnh tự miễn

Bệnh tự miễn là căn bệnh mà hệ miễn dịch sẽ nhầm lẫn các tế bào khỏe mạnh là các tế bào lạ và bắt đầu tấn công chúng. Bệnh tiểu đường loại 1 là một ví dụ điển hình. Căn bệnh này khiến cho hệ miễn dịch tấn công các tế bào sản sinh insulin trong tuyến tụy.

Omega-3 trong dầu cá có tác dụng chống lại các căn bệnh này và đặc biệt quan trọng trong giai đoạn đầu đời. Nhiều nghiên cứu cho thấy việc cung cấp đủ lượng omega-3 thì rất cần thiết trong suốt năm đầu đời để giảm nguy cơ mắc các bệnh tự miễn bao gồm bệnh tiểu đường loại 1, bệnh tiểu đường tự miễn ở người trưởng thành và bệnh đa xơ cứng,…

Ngoài ra, dầu cá còn có thể giúp hỗ trợ điều trị bệnh luput (bệnh ban đỏ hệ thống nguy hiểm), thấp khớp, viêm loét đại tràng, bệnh Crohn (bệnh viêm mãn tính ở ruột) và bệnh vảy nến.


12. Ngăn ngừa ung thư

Ung thư là một trong những nguyên nhân gây tử vong cao nhất trên thế giới. Từ lâu, dầu cá đã được chứng minh là có tác dụng làm giảm nguy cơ mắc một số bệnh ung thư. Một số nghiên cứu cho thấy những người uống nhiều dầu cá có thể giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư ruột lên đến 55%.

Hơn nữa, nhiều nghiên cứu khác đã chứng minh uống dầu cá cũng có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư tuyến tiền liệt ở nam giới và bệnh ung thư vú ở nữ giới.




Bạn nên ăn gì để bổ sung omega-3?

Axit béo Omega-3 có thể tìm thấy trong nhiều loại thực phẩm khác nhau. Các loại omega 3 tìm thấy trong cá, gọi là DHA và EPA. Đây là 2 loại có lợi cho sức khỏe nhất. Một dạng khác gọi là ALA được tìm thấy trong các loại dầu thực vật, hạt lanh, quả óc chó và các loại rau có màu xanh đậm như cải bó xôi. Cơ thể cũng có thể biến đổi một số lượng nhỏ ALA thành EPA và DHA.


Nguồn thực phẩm chứa axit béo omega-3 DHA và EPA tốt nhất là cá. Một số loại cá chứa nhiều omega 3 hơn những loại khác bao gồm cá hồi, cá thu, cá trích, cá hồi hồ, cá mòi, cá cơm, cá ngừ. Theo khuyến cáo của Hiệp hội Tim mạch Mỹ về việc sử dụng omega-3 thì chúng ta nên ăn cá ít nhất hai lần một tuần.

Hiệp hội cũng khuyến cáo sử dụng 1000mg EPA cùng với DHA mỗi ngày đối với những người bị bệnh tim. Ăn cá chứa nhiều mỡ là tốt nhất, nhưng bạn cũng có thể uống viên nang dầu cá. Cá ngừ là một loại thực phẩm chứa nhiều omega-3. Cá ngừ sống có nhiều omega-3 hơn cá ngừ đóng hộp. Lượng omega-3 trong một miếng thịt cá ngừ tươi là khác nhau, tùy thuộc vào từng loại.

Tham khảo thêm những nguồn thực phẩm giàu omega-3, một trong số đó là cá hồi, loại cá quen thuộc với nhiều gia đình Việt.


Lưu ý khi bổ sung omega-3

Liều lượng sử dụng

Mặc dù omega-3 rất có lợi cho sức khỏe nhưng nếu bổ sung quá ít hoặc quá nhiều cũng đều không tốt.  Vì vậy bạn cần đặc biệt quan tâm đến liều lượng mà bạn đang cung cấp cho cơ thể.

Theo Tổ chức y tế Thế giới WHO thì chúng ta nên ăn cá ít nhất 2 lần một tuần để đảm bảo cơ thể có đủ lượng DHA. Hầu hết các tổ chức đều đề nghị dùng tối thiểu 250-500 mg EPA và DHA mỗi ngày cho người trưởng thành khỏe mạnh. Với phụ nữ mang thai, họ nên cung cấp khoảng 500 mg mỗi ngày trong suốt chu kì và hàm lượng này có thể tăng vào cuối chu kì vì đây là thời điểm thai nhi cần omega-3 để hình thành não bộ và thần kinh.

Một số người khác với tình trạng sức khỏe đặc trưng sẽ được yêu cầu lượng omega-3 tiêu thụ khác với người bình thường. Những bệnh nhân mắc bệnh động mạch vành nên dùng 1000 mg omega-3 mỗi ngày. Con số này ở những bệnh nhân có lượng chất béo trung tính cao là từ 2000 đến 4000 mg EPA và DHA mỗi ngày.


Có nên uống thuốc bổ sung Omega-3?

Đây là việc nên làm bởi không chắc rằng nguồn thực phẩm bạn ăn vào đã cung cấp đủ Omega-3 cho cơ thể. Dầu cá có cả EPA và DHA, còn dầu tảo thì có DHA và là lựa chọn tốt nhất cho những ai không ăn cá. Tuy nhiên, hãy đến gặp bác sĩ để có được những lời khuyên, cảnh báo dựa trên sức khỏe của bạn và hướng dẫn bạn liều dùng chính xác nhất.

Những người bị bệnh tim sẽ uống khoảng 1000mg/ngày kết hợp DHA /EPA từ dầu cá. Những người có vấn đề về sức khỏe có thể uống 4000mg/ngày dưới sự giám sát của bác sĩ.


Những người không nên dùng dầu cá để bổ sung omega-3

Dầu cá với nhiều công dụng đối với sức khỏe và được xem là nguồn bổ sung omega-3 rất tốt cho cơ thể. Tuy nhiên không phải ai cũng sử dụng được dầu cá.

Với những ai có bệnh đường tiêu hóa, việc bổ sung quá nhiều dầu cá sẽ gây ra trướng bụng, đầy hơi khi không được tiêu hóa. Trẻ em dưới 15 tháng tuổi là đối tượng không nên sử dụng dầu cá vì mặc dù DHA có trong dầu cá rất tốt cho sự phát triển của trẻ nhưng EPA sẽ gây hại cho các cơ quan của bé. Với các bà bầu, việc cung cấp dầu cá thô sẽ không tốt vì các kim loại nặng và chất ô nhiễm trong dầu cá có thể ảnh hưởng tới sức khỏe của thai nhi và cả người mẹ. Mẹ bầu tốt nhất nên cung cấp axit này thông qua chế độ ăn các thực phẩm giàu omega-3.


Đặc biệt nếu bạn bị dị ứng khi dùng dầu cá như bị nổi mẫn, viêm họng, buồn nôn, khó thở,… thì nên ngừng ngay lập tức. Nếu bạn cần bổ sung do nhu cầu đặc biệt của cơ thể thì hãy đến gặp bác sĩ để được tư vấn một chế độ ăn phù hợp.


Các lưu ý khác

Đối với hầu hết mọi người, thủy ngân trong cá không phải là mối bận tâm lớn về sức khỏe. Nhưng FDA (Cục quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ) đã có lời khuyên cho trẻ nhỏ và cho những phụ nữ có kế hoạch mang thai, đang mang thai, hoặc đang cho con bú về liều lượng khi tiêu thụ thực phẩm có omega-3  như sau:

- Ăn từ khoảng 200-350 g cá mỗi tuần, 2-3 lần một tuần. Hạn chế ăn cá ngừ không quá 170 g mỗi tuần.

- Chọn cá có hàm lượng thủy ngân thấp, chẳng hạn như cá hồi, tôm, cá minh thái, cá ngừ (đóng hộp), cá rô phi, cá trê, và cá tuyết.

- Tránh ăn cá mập, cá kiếm, cá thu và cá kình.

- Nếu không thích ăn cá, bạn có thể nạp omega-3 từ thực phẩm bổ sung. Những người bị bệnh tim được khuyến khích sử dụng 1000mg/mỗi ngày, nhưng hãy hỏi bác sĩ trước khi bắt đầu sử dụng. Ở liều cao, omega-3 có thể gây trở ngại đối với một số loại thuốc hoặc làm tăng nguy cơ chảy máu. Nếu muốn bạn có thể đọc nhãn để tìm chỉ số của EPA, DHA hoặc ALA.

Bạn có thể bổ sung DHA từ tảo. Tảo được trồng đại trà nhìn chung được coi là an toàn. Tuy nhiên, tảo có màu xanh lá lẫn xanh dương có thể chứa độc tố. Những người ăn chay cũng có thể nạp ALA từ các loại thực phẩm như dầu canola, hạt lanh, quả óc chó, bông cải xanh, cải bó xôi – hoặc các sản phẩm có bổ sung omega-3.

Nhiều loại thực phẩm có bổ sung omega-3 để hỗ trợ sức khỏe của bạn. Nhưng bạn nên lưu ý rằng hàm lượng chứa trong các loại thực phẩm này rất ít. Chúng có thể chứa các dạng của omega-3 như ALA nhưng chưa cho thấy rõ lợi ích đối với sức khỏe giống như EPA và DHA. Vì vậy, uống bổ sung dầu cá sẽ hiệu quả hơn, nhưng bạn cũng nên lưu ý đến liều lượng bổ sung.

Omega-3 là một trong những dưỡng chất tuyệt vời cho cơ thể. Nó không chỉ hạn chế các nguy cơ về tim mạch mà còn về cả tinh thần. Hãy thường xuyên bổ sung loại axit này cho cơ thể để giúp bản thân duy trì được một sức khỏe tốt và một tinh thần tươi mới nhé.






vendredi 1 mars 2019

THẾ GIỚI : Trung Quốc có vai trò gì với thượng đỉnh Trump – Kim lần 2 ?


Trương Thanh Long
Sưu tầm - Biên soạn - Bình Luận



RFI 28/02/2019 - Trước thượng đỉnh lần 2 Trump - Kim ở Hà Nội ngày 27 và 28/02/2019, nhằm tìm giải pháp cho khủng hoảng hạt nhân Bắc Triều Tiên, vai trò của Trung Quốc dường như không được chú ý nhiều. Tuy nhiên, thượng đỉnh hôm nay 28/02 bất ngờ khép lại, không theo kịch bản dự kiến. Hai bên không ra được thỏa thuận, tổng thống Mỹ phải về sớm. Ảnh hưởng quan trọng của Bắc Kinh đột ngột được nêu bật trở lại.

Trong cuộc trả lời báo giới trước khi lên đường về nước, ông Donald Trump khẳng định việc lãnh đạo Bắc Triều Tiên không chấp nhận một thỏa thuận với Mỹ, nếu không đạt được việc dỡ bỏ cấm vận hoàn toàn, là hoàn toàn xuất phát từ quyết định của Bình Nhưỡng, ' họ không nhận lệnh từ bất cứ ai ', tổng thống Mỹ nhấn mạnh. Thế nhưng, tổng thống Trump cũng tái khẳng định vai trò rất lớn của Trung Quốc đối với kinh tế Bắc Triều Tiên, bởi 93% hàng hóa nhập khẩu từ bên ngoài vào nước này là qua biên giới với Trung Quốc.

Trung Quốc có ảnh hưởng thực sự ra sao đối với Bình Nhưỡng trong các thương thuyết nói chung giữa Hoa Kỳ và Bắc Triều Tiên, và đặc biệt là cuộc thượng đỉnh Trump – Kim lần thứ hai ?

Hiện tại còn rất ít thông tin có thể giúp giải mã vấn đề này. Vẫn còn nhiều bí ẩn xung quanh việc dự án ra Tuyên bố chung đột ngột bị hủy. Tuy nhiên, những người cho rằng Bắc Kinh chỉ đóng một vai trò bên lề trong các thương thuyết về phi hạt nhân hóa và thiết lập hòa bình trên bán đảo Triều Tiên đã không chú ý đến những trao đổi âm thầm, nhưng tấp nập trong hậu trường giữa Bắc Kinh và Bình Nhưỡng, vốn có một vị trí hết sức quan trọng. Trong các đàm phán Mỹ - Bắc Triều Tiên, Trung Quốc là bên thứ ba có ảnh hưởng nhiều nhất. Bà Yun Sun, chuyên gia về chính sách đối ngoại Trung Quốc, đã ví Bắc Kinh như một tài xế cùng lái cỗ xe đàm phán Mỹ-Bắc Triều Tiên, nhưng ngồi ở ghế sau.

Sau đây là phần tóm lược các phân tích của chuyên gia Yun Sun, qua bài viết « The Second Trump Kim Summit Where is China ? ».

Trung Quốc tự tin

Việc Trung Quốc chỉ ngồi ở « ghế sau » trong các đàm phán Mỹ-Bắc Triều Tiên và đàm phán Liên Triều khiến nhiều người cho rằng Bắc Kinh bị gạt sang bên lề trong các thương thuyết đang diễn ra liên quan đến Bắc Triều Tiên. Tuy nhiên, căn cứ trên các tuyên bố và hành động mới đây của Bắc Kinh, Trung Quốc tỏ ra không đặc biệt lo ngại về vị trí « bên lề » hiện tại trong các thương thuyết Mỹ-Bắc Triều Tiên, bao gồm cả thượng đỉnh Trump – Kim lần thứ hai.

Về mặt chính thức, bộ Ngoại Giao và các giới chức chính quyền Trung Quốc liên tục bày tỏ sự ủng hộ đối với thượng đỉnh và hy vọng thượng đỉnh có kết quả tốt. Theo tác giả, nếu như Trung Quốc « thực sự cảm thấy bị loại » ra khỏi tiến trình này, thì Bắc Kinh đã « khó mà giữ được thái độ bình tĩnh và độ lượng đến như vậy ».

Có nhiều lý do giải thích được thái độ bình thản của Trung Quốc trước các thượng đỉnh Mỹ-Bắc Triều Tiên. « Điều quan trọng nhất » là Bình Nhưỡng duy trì các liên lạc và tham vấn mật thiết với Bắc Kinh trong suốt tiến trình, từ khi chuẩn bị mở các đàm phán đầu tiên với Mỹ cho đến trước thềm thượng đỉnh lần thứ hai.

Năm 2018, trước cuộc thượng đỉnh lần thứ nhất tại Singapore, lãnh đạo Bắc Triều Tiên đã hai lần sang Trung Quốc, vào tháng 3 và tháng 5. Nếu như chuyến đi đầu tiên là nhằm để tái lập quan hệ giữa hai bên ở cấp cao nhất, sau 6 năm « quan hệ song phương lạnh lẽo », chuyến đi thứ hai rõ ràng có mục tiêu nhờ cậy đến sự hậu thuẫn của Bắc Kinh đối với thượng đỉnh. Chuyến đi lần thứ hai của Kim Jong Un đến Bắc Kinh diễn ra ngay sau cuộc thượng đỉnh Liên Triều lần thứ nhất và vào thời điểm Bình Nhưỡng đang ráo riết đàm phán với Washington để chuẩn bị thượng đỉnh Trump – Kim tại Singapore.


Người lái ở « ghế sau »

Sự tin cậy hay sự phụ thuộc của lãnh đạo Bắc Triều Tiên vào Trung Quốc cũng thể hiện qua việc Kim Jong Un dùng máy bay của hàng không Trung Quốc để đi Singapore, cũng như việc chỉ một tuần sau cuộc hội kiến với tổng thống Mỹ, lãnh đạo họ Kim đã lại sang Trung Quốc lần thứ ba, để thông báo với Bắc Kinh về tiến trình và các kết quả của hội nghị.

Thượng đỉnh Trump – Kim lần thứ hai tại Hà Nội cũng tương tự. Tháng Giêng 2019, Kim Jong Un đi Bắc Kinh lần thứ tư vào thời điểm mà Bình Nhưỡng và Washington đang thương lượng về cuộc thượng đỉnh này. Rất nhiều khả năng Kim Jong Un sẽ đến Bắc Kinh lần thứ năm, ngay sau cuộc thượng đỉnh với tổng thống Mỹ tại Hà Nội. Việc lãnh đạo Bắc Triều Tiên liên tục sang Trung Quốc tham vấn trước và sau thượng đỉnh với Mỹ là một động thái không chỉ cho thấy « vị trí không thể thay thế được » của Trung Quốc, với tư cách là bên « thúc đẩy » các đàm phán Mỹ-Bắc Triều Tiên, mà còn để thể hiện với Bắc Kinh là Bình Nhưỡng chỉ có thể thổ lộ những điểm yếu của mình với riêng Trung Quốc, hoàn toàn tin cậy ở Trung Quốc.

Như vậy, có thể nói là, cho dù Bắc Kinh không phải là một bên chính thức tham gia các thượng đỉnh ở Singapore và Hà Nội, Trung Quốc hoàn toàn tin tưởng là các thỏa thuận của Bắc Triều Tiên với Mỹ sẽ không thể gây tác hại đến các lợi ích quốc gia của Trung Quốc, và thậm chí còn có lợi cho các kế hoạch của Trung Quốc.

Ngoài thái độ của chính quyền Bình Nhưỡng, việc Trung Quốc rất tự tin còn dựa trên vào diễn biến thực tế của quan hệ Mỹ-Bắc Triều Tiên, cho thấy tiến trình giải trừ vũ khí hạt nhân Bắc Triều Tiên mà Hoa Kỳ mong muốn hoàn toàn không hề nhanh chóng và đơn giản. Việc hai bên không đạt được các cam kết cụ thể trong thượng đỉnh Singapore, cũng như tiến trình đàm phán song phương chuẩn bị cho thượng đỉnh lần thứ hai tại Việt Nam gây thất vọng, là những điều khiến Bắc Kinh an tâm. Bởi tiến trình « phi hạt nhân hóa » càng kéo dài và theo từng bước một, thì Bắc Kinh càng dễ bề chi phối, càng tạo ra nhiều cơ hội để Trung Quốc gây ảnh hưởng.

Trên thực tế, cho đến nay Washington và Bình Nhưỡng vẫn còn rất nghi kị nhau và đây chính là điều cản trở việc Bắc Triều Tiên chấp nhận phi hạt nhân hóa nhanh chóng. Chừng nào mà Hoa Kỳ vẫn là mối đe dọa với Bình Nhưỡng, thì chừng đó Bắc Kinh vẫn tiếp tục duy trì được vị trí là người bảo đảm an ninh cho Bắc Triều Tiên và qua đó tác động đến các đàm phán.


Lợi thế và giới hạn

Bắc Kinh xem việc Mỹ-Bắc Triều Tiên hai lần tổ chức thượng đỉnh, để tìm kiếm một thỏa thuận về phi hạt nhân hóa và tái lập hòa bình trên bán đảo Triều Tiên, là một điểm sáng hiếm có trong hợp tác Mỹ-Trung trong bối cảnh quan hệ song phương rơi vào tình trạng có thể coi là tồi tệ nhất kể từ khi hai nước bình thường hóa quan hệ.

Bắc Kinh tự cho mình đã đóng góp tích cực bằng cách gây áp lực buộc Bình Nhưỡng ngồi vào bàn đàm phán, với việc « áp dụng nghiêm ngặt » các trừng phạt quốc tế trong năm 2017. Trung Quốc cũng sẵn sàng đứng ra môi giới, nếu đàm phán Washington và Bình Nhưỡng lâm vào bế tắc. Khi cần thiết, Bắc Kinh có thể mô tả là đã giúp Hoa Kỳ trong vấn đề này.

Theo tác giả, gắn liền « phi hạt nhân hóa » Bắc Triều Tiên và tái lập « hòa bình » và « ổn định » trên bán đảo Triều Tiên là một ưu tiên của Trung Quốc. Việc chế độ Bình Nhưỡng quá phụ thuộc vào Trung Quốc là một gánh nặng đối với Bắc Kinh. Một chế độ Kim Jong Un mở ra với bên ngoài được cho là sẽ giảm nhẹ phần « trách nhiệm của Trung Quốc đối với tương lai chính trị, kinh tế cũng như uy tín » của đàn em Đông Bắc Á.

Nhà phân tích Yun Sun cũng đề cập đến các giới hạn trong khả năng can thiệp của Trung Quốc đến lập trường của Bắc Triều Tiên trong đàm phán với Mỹ, một vấn đề tương đối ít được chú ý.

Ít ngày trước thềm thượng đỉnh Kim-Trump lần thứ nhất tháng 6/2018, tổng thống Trump tung ra nhận định là lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un đã thay đổi lập trường, sau cuộc gặp chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Vào thời điểm đó, ông Trump còn đặt cho chủ tịch Trung Quốc biệt danh là « một tay chơi xì phé cỡ thế giới ». Chưa biết điều này có đúng hay không, nhưng ngay sau đó, ngày 23/05/2018, chính quyền Mỹ đã hủy bỏ dự định ký một thỏa thuận không gây chiến tranh thương mại với Trung Quốc, và ngày hôm sau 24/05/2018, quyết định đơn phương đình chỉ thượng đỉnh lần thứ nhất dự kiến, trước khi chấp nhận tổ chức trở lại.

Những ứng xử nói trên của Mỹ mang lại cho Trung Quốc một bài học về những giới hạn cần tránh. Một can thiệp bị coi là « chọc gậy bánh xe » có thể sẽ dẫn đến các phản ứng khó lường, và rất có thể là tiêu cực từ Mỹ, cả về phía quan hệ Hoa Kỳ - Bắc Triều Tiên, cũng như quan hệ song phương Mỹ - Trung.


Quan hệ khó lường

Chuyên gia về chính sách đối ngoại của Trung Quốc Yun Sun khép lại bài phân tích với một nhận định đáng chú ý. Theo bà, có rất nhiều khả năng Washington không hiểu được thực sự mối quan hệ giữa Bắc Triều Tiên và Trung Quốc, các tuyên truyền của chế độ Bình Nhưỡng về một nước Triều Tiên từng là nạn nhân của nhiều cuộc xâm lăng từ Trung Quốc trong suốt chiều dài lịch sử, có thể khiến Hoa Kỳ nuôi hy vọng Bắc Triều Tiên sẽ trở thành một quốc gia thân Mỹ, chống Trung.

Nhà phân tích Yun Sun nhấn mạnh : Trong quan hệ tay ba này, việc Hoa Kỳ hoặc Trung Quốc « không hiểu rõ » quan hệ của Bắc Triều Tiên với phía bên kia chắc chắn sẽ dẫn đến các đánh giá sai, và hệ quả là « các tính toán sai lầm nghiêm trọng » trong phương thức đối xử với chế độ Bình Nhưỡng. Cảnh báo của nhà phân tích được đưa ra một hôm trước cuộc thượng đỉnh Trump – Kim, với kết quả như chúng ta đã biết, là Bắc Triều Tiên và Hoa Kỳ khăng khăng quan điểm vốn có, thượng đỉnh không ra được thỏa thuận.


Ghi chú

1. Bà Yun Sun là giám đốc chương trình Trung Quốc tại Trung tâm tư vấn về hòa bình và an ninh thế giới Stimson Center (Washington).

2. Bài đăng tải ngày 26/02/2019 trên trang mạng 38 North (chuyên về Bắc Triều Tiên).