samedi 26 août 2017

XÃ HỘI : hộ nghèo Thanh Hóa


Trương Thanh Long
Sưu tầm - Biên soạn - Bình Luận


1. Vợ lãnh đạo xã 'lạc' vào danh sách hộ nghèo

Vợ chủ tịch, phó bí thư xã ở Thanh Hoá được ghép tên vào sổ hộ nghèo của gia đình khác để hưởng chế độ chính sách.

Tin vnexpress.net - Ngày 26/8/2017, ông Trần Ngọc Quyết - Phó chủ tịch UBND huyện Nga Sơn (Thanh Hóa), cho biết đang chỉ đạo thanh tra tiếp tục làm rõ tố cáo của người dân liên quan vụ việc người thân lãnh đạo xã Nga Thanh "đi lạc" vào hộ khẩu của nhiều hộ nghèo trên địa bàn.



Ông Nghiêm Xuân Hà - Trưởng phòng Lao động Thương binh và Xã hội huyện Nga Sơn, khẳng định thông tin người dân tố giác là có thật. Theo xác minh ban đầu, có vợ của chủ tịch, phó chủ tịch, phó bí thư và cán bộ văn hoá xã Nga Thanh được ghép khẩu vào hộ nghèo của gia đình khác.

Cụ thể, bà Vũ Thị Sen (41 tuổi), vợ ông Vũ Ngọc Tiến - Chủ tịch UBND xã Nga Thanh được ghép vào hộ nghèo của cụ Nguyễn Thị Mận (87 tuổi, ở xóm 2). Cụ Mận cho hay, lâu nay sống một mình, nhưng không hiểu sao trong danh sách hộ nghèo năm 2017 lại có tên Vũ Thị Sen.

Tương tự, sổ hộ nghèo của bà Trịnh Thị Hóa (69 tuổi), có tên bà Phạm Thị Tươi (44 tuổi). Bà Tươi là vợ ông Mai Sỹ Thể, cán bộ văn hóa xã Nga Thanh. Bà Hóa cho biết, nhà có bốn người con gái, đều đã đi lấy chồng. Chồng bà đã mất nhiều năm trước nên trong sổ hộ khẩu hiện chỉ có tên bà. Con gái bà cũng tên là Tươi, nhưng là Trần Thị Tươi.

Hộ bà Lưu Thị Hiền (65 tuổi, ở xóm 3) cũng bất ngờ có thêm một khẩu lạ là bà Trần Thị Hồng (41 tuổi), vợ ông Phạm Hùng Mạnh - Phó chủ tịch xã Nga Thanh.

Bất ngờ lớn nhất là trường hợp hộ nghèo của cụ Nguyễn Thị Thê (86 tuổi, ở xóm 3). Nhiều năm nay, cụ Thê ở cùng người con gái độc thân là bà Nguyễn Thị Nguyệt (57 tuổi). Sổ hộ khẩu nhà cụ Thê có hai mẹ con, nhưng trong danh sách hộ nghèo của xã lại không có tên con gái cụ mà thay vào đó là ba cái tên xa lạ gồm bà Mai Thị Loan (45 tuổi), Mai Ngọc Sơn (15 tuổi) và Mai Ngọc Hà (10 tuổi). Theo xác minh, bà Mai Thị Loan là vợ ông Phạm Văn Hiếu - Phó bí thư xã. Còn hai cháu Sơn và Hà, cụ Thê không rõ là con cháu nhà ai.


Ông Vũ Ngọc Tiến - Chủ tịch UBND xã Nga Thanh thừa nhận, vợ con nhiều cán bộ xã trong đó có vợ ông được ghép vào hộ nghèo của người khác. Tuy nhiên, ông Tiến lý giải “không biết vợ mình được ghép vào hộ nghèo khi nào”. Ông này khẳng định, quy trình rà soát hộ nghèo ở địa phương được thực hiện nghiêm túc, đúng quy trình.

Trước việc danh sách hộ nghèo có tên vợ ông Tiến do chính ông ký duyệt, ông trần tình “do bận nhiều việc nên không để ý danh sách cán bộ chuyên môn trình lên”.

Bà Vũ Thị Sen (vợ Chủ tịch xã), bà Mai Thị Loan (vợ Phó bí thư xã) và bà Trần Thị Hồng (vợ Phó chủ tịch xã) cho hay, đều không biết chuyện mình có tên trong danh sách hộ nghèo. Còn bà Phạm Thị Tươi (vợ cán bộ văn hóa xã) thừa nhận mình được ghép tên vào hộ nghèo để hưởng các chế độ vì bệnh tật.

Trước đó, cán bộ xã Nga Thanh bị người dân tố cáo, cố tình đưa vợ con vào hộ nghèo để trục lợi bảo hiểm y tế, miễn giảm học phí hoặc vay vốn ngân hàng chính sách…


2. Gia đình xây nhà ba tầng vẫn được công nhận hộ nghèo

Danh sách hộ nghèo ở thôn Bắc Yến (Thanh Hóa) có cả một số gia đình điều kiện kinh tế khá giả, đang xây nhà 2, 3 tầng. 

Tin vnexpress.net ngày 20/4/2017 - Người dân thôn Bắc Yến (xã Hải Yến, Tĩnh Gia, Thanh Hóa) đang khiếu nại về danh sách hộ nghèo năm 2017.

Theo ông Lê Văn Thụ (76 tuổi), cả thôn có khoảng 280 hộ dân, trong đó hơn 40 gia đình nằm trong diện nghèo. “Đa số hộ thực sự nghèo, tuy nhiên có một số gia đình cán bộ và nguyên cán bộ thôn kinh tế khá giả, có xe máy, tivi, tủ lạnh, máy giặt… vẫn được đưa vào danh sách khiến bà con bức xúc”, ông Thụ nói.


Ông Thụ dẫn chứng gia đình ông Nguyễn Cao Được, nguyên Chi hội trưởng cựu chiến binh thôn Bắc Yên, đang xây ngôi nhà 3 tầng ước tính chi phí cả tỷ đồng, nhưng vẫn được đưa vào danh sách hộ nghèo. Hộ ông Lê Hồng Thăng, Chi hội trưởng Hội cựu chiến binh thôn, đang xây dựng ngôi nhà 2 tầng khang trang và được xét vào diện hộ nghèo từ một năm nay.

Theo ông Thụ, trong thôn không gia đình nào nghèo hơn vợ chồng ông Cao Bá Tình và bà Lê Thị Bích. Nhà có 6 miệng ăn, công việc bấp bênh, hai con bệnh tật nên gia đình ông Tình không có tiền làm nhà, phải nhờ sự trợ giúp xây nhà tình nghĩa. "Hộ này đều được bà con đề xuất song không được mặt trận thôn xem xét đưa vào danh sách hộ nghèo", ông Thụ nói.


Ngày 20/4, ông Trần Văn Hùng, Chủ tịch UBND xã Hải Yến, cho biết xã đang thành lập đoàn kiểm tra làm rõ những thắc mắc trong công tác bình xét hộ nghèo ở thôn Bắc Yến. Theo quy trình, trước khi chốt danh sách, Ban giám sát hộ nghèo, cận nghèo do Phó chủ tịch xã là trưởng ban phải rà soát, chấm điểm theo tiêu chí, sau đó niêm yết tại các thôn, tuy nhiên khi đó không ai ý kiến.

"Việc nhiều cán bộ cấp thôn vào danh sách hộ nghèo có thể do trùng hợp ngẫu nhiên", ông Hùng lý giải.

Giải thích sự việc, ông Nguyễn Cao Được cho hay bị bệnh hiểm nghèo, phải cắt bỏ 3/4 dạ dày từ năm 2010, từ đó thôn bình xét nhà ông vào diện hộ nghèo. "Con cái tôi đều thành đạt, thực tâm tôi không muốn vào hộ nghèo song thôn xét cho là do tôi bệnh tật", ông Được nói.

Ông Lê Hồng Thăng thì lý giải gia đình được xét hộ nghèo vì năm 2015 vợ ông ngã xe máy, bị thương tật.


3. Người đàn bà bị khởi tố vì 'giả hộ nghèo' nhận trợ cấp 10 triệu đồng

Dù trả lại tiền trợ cấp đã nhận, người phụ nữ nuôi con khuyết tật vẫn bị khởi tố với cáo buộc lừa đảo chiếm đoạt 10 triệu đồng.

Tin vnexpress.net ngày 19/8/2017 - Công an huyện Nông Cống (Thanh Hoá) vừa khởi tố bị can với bà Đào Thị Lan (47 tuổi, ở xã Tượng Sơn) về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.


Nhà chức trách cáo buộc, cuối năm 2016 lợi dụng chính sách hỗ trợ kinh phí cho học sinh nghèo, khuyết tật, bà Lan làm giả sổ hộ nghèo để nhận tiền hỗ trợ cho con trai khuyết tật đang học lớp 7, tổng cộng gần 10 triệu đồng.

Cơ quan điều tra xác định bà Lan đã mượn sổ hộ nghèo của mẹ chồng sau đó đem photocopy, cắt dán tên gia đình vào rồi mang ra UBND xã nhờ người cháu họ công chứng. Vụ việc bị phát giác khi người dân tố cáo.

Thừa nhận hành vi gian lận, bà Lan bảo những ngày qua mất ăn ngủ do bị công an mời làm việc. Bà trần tình, do kinh tế gia đình khó khăn, chỉ dựa vào vài sào ruộng, không có nghề phụ, con trai lại bị tật nguyền nên làm vậy để “mong có thêm chút tiền cho con chữa bệnh và học tập”.

Tháng 5, ít ngày sau khi nhận tiền, bà Lan bị địa phương mời lên làm việc. “Nhận thức sai lầm, tôi tự nguyện giao nộp toàn bộ số tiền được lĩnh”, bà  nói.

Ông Nguyễn Như Hải, Trưởng Công an xã Tượng Sơn cho hay, bà Lan thuộc hộ cận nghèo ở địa phương, có con trai bị bại não bẩm sinh. Theo Chủ tịch UBND xã Tượng Sơn, trước khi có kết quả điều tra của công an, địa phương đã có văn bản xác nhận hoàn cảnh của bà Lan và đề nghị không khởi tố vụ án. Dù vậy, sự việc vẫn bị xử lý hình sự.

Theo ông Thơm, một số cán bộ tư pháp, chính sách tại xã do liên quan vụ việc cũng bị xem xét kỷ luật do để xảy ra sơ xuất.


Luật sư Nguyễn Anh Đức (Công ty luật Năm Châu - Đoàn luật sư tỉnh Thanh Hoá) đánh giá vụ việc có dấu hiệu gian dối nên Công an huyện Nông Cống khởi tố là có căn cứ. Tuy nhiên, ông cho rằng trong trường hợp này sự việc "chưa đến mức xử lý hình sự", áp dụng biện pháp xử lý hành chính cũng đủ răn đe.

"Sai phạm của bà Lan rất đơn giản, số tiền không lớn. Hơn nữa hậu quả đã được khắc phục khi bà hoàn trả khoản trợ cấp đã lĩnh", ông nói.

Theo luật sư, bà Lan có gia cảnh khó khăn, con cái tật nguyền, nhân thân tốt (đã được chính quyền xác nhận bằng văn bản) là những điều kiện để bà được xem xét hưởng các chính sách khoan hồng.

"Những hành vi tuy có dấu hiệu của tội phạm, nhưng tính chất nguy hiểm cho xã hội không đáng kể thì không phải là tội phạm và được xử lý bằng các biện pháp khác. Những ai ăn năn hối cải, tự nguyện sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại gây ra đều được hưởng khoan hồng của Đảng và Nhà nước", luật sư dẫn điều 3, điều 8 Bộ luật Hình sự 1999.

Ông Đức cho hay sẵn sàng nhận bào chữa và bảo vệ quyền lợi miễn phí cho bà Lan trong trường hợp bà này vẫn bị truy tố, xét xử.






Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire