lundi 11 janvier 2016

LỊCH SỬ : Cây Cầu Ba Cẳng (Pont des 3 arches)


Trương Thanh Long
Sưu tầm - Biên soạn - Bình Luận


Cây Cầu Ba Cẳng đã từng là một cây cầu mang ý nghĩa quan trọng trong lòng người dân Chợ lớn xưa mà giờ chỉ có thể nhìn thấy cây cầu được tái hiện trong những bức ảnh. Cầu được thiết kế và hoàn thành nhờ vào bàn tay của người Pháp với thiết kế kỳ lạ, có 3 chân và cũng là 3 lối đi dẫn đến 3 hướng đường đi, giúp cho người dân quận 6 đi đến quận 5 nhanh và tiện lợi hơn.



Cầu Ba Cẳng ở đâu ?

Cầu Ba Cẳng tọa lạc ở góc đường Bãi Sậy (xưa là nhánh kênh Hàng Bàng, quận 6) và đường Vạn Tượng, ngay khúc rẽ phải ra kênh Tàu Hủ. Hai chân nằm ở bến Bãi Sậybến Nguyễn Văn Thành, còn chân kia ở bến Vạn Tượng. Cầu có từ thời Pháp thuộc nhưng đã bị "xoá sổ" hồi năm 1990 do bị sập.

Lối lên cầu Ba Cẳng ngày xưa. Ảnh: Flickr

Cầu có tên tiếng Pháp là Pont des 3 arches, xây bởi công ty Brossard et Mopin (công ty này cũng xây chợ Bến Thành năm 1914). Trước đây, cầu có một số tên khác như Khâm Sai - được quan khâm sai người Pháp đứng ra xây dựng hoặc cầu Ba Miệng, cầu Ba Chưng (chân). Nhưng dần chẳng ai nhớ đến cái tên nguyên thủy mà đều gọi theo thói quen, đúng với hình dáng thiết kế của nó là Ba Cẳng.


Đúng như tên gọi Ba Cẳng, cầu có 3 chân, đồng thời cũng là 3 lối bậc thang đi lên, xây bằng bêtông cốt thép, dành riêng cho người đi bộ. Việc phải thiết kế tới 3 chân theo 3 hướng vì cầu nằm ngay ngã ba rạch. Cầu có một vòm nhịp, tạo khoảng không cho ghe thuyền qua lại, thuận tiện cho cư dân hai bên bờ. Đây cũng là nơi giao thương đường thủy tấp nập của khu Chợ Lớn xưa.

Kênh Hàng Bàng xưa và nay.

Ba Cẳng chưa bao giờ là cầu quan trọng về giao thông ở khu Chợ Lớn, song với người dân ở đây nó thân thuộc tựa góc sân nhà. Đó là lối đi bộ ngắn và tiện lợi để sang chợ Kim Biên (quận 5), đồng thời cũng là nơi bà con chòm xóm rủ nhau lên hóng gió, hàn huyên... Vai trò của nó giống như các cầu đi bộ bắc qua kênh Tàu Hủ ngày nay. Người đi xe đạp muốn sang bên kia rạch thì phải vác xe lên vai rồi cuốc bộ.


"Dân chơi thứ thiệt cầu Ba Cẳng"

Cầu Ba Cẳng đã trở thành một phần của lịch sử Sài Gòn - Chợ Lớn xưa. Gắn với cầu là hỗn danh "dân chơi cầu Ba Cẳng" nổi tiếng trước năm 1975 và lưu truyền đến nay để nhắc về một lớp đàn anh "ngang trời, dọc đất".

Trước năm 1975, cao bồi du đãng lộng hành khắp Sài Gòn - Chợ Lớn. Riêng dân chơi cầu Ba Cẳng (gần chợ Kim Biên, quận 5 - TP.HCM ngày nay) vừa có máu du đãng vừa ăn chơi theo kiểu tài tử, hào hoa. Dân chơi cầu Ba Cẳng còn hay tỏ ra điệu nghệ hào phóng đúng điệu "anh Hai Sài Gòn" với mọi người. Và đám dân chơi cầu Ba Cẳng đồng lòng "tôn" Mã Ban làm đàn anh với tất cả sự tôn kính.


Thời thế tạo anh hùng

Một A xẩm Tiều nán (người Triều Châu) ở gần chợ Lớn mới (chợ Bình Tây, quận 6 - TP.HCM ngày nay) góa bụa giữa lúc nửa chừng xuân. A xẩm đi nấu ăn cho nhà giàu kiếm tiền nuôi đứa con trai lớn tên Mã Ban ăn học. Thiếu niên Mã Ban học tiểu học rồi trung học dành cho học sinh người Hoa ở Chợ Lớn. Tuy nhiên, thay vì học hành chăm chỉ thì Mã Ban lại lao vào ăn chơi khiến cho người mẹ nghèo rất buồn khổ. Thương mẹ, sau này Mã Ban quyết định tự lập kiếm tiền để ăn chơi.

Thời đó, các tiệm buôn, nhà hàng, tiệm nước, quán ăn của người Hoa ở Chợ Lớn thường bị cao bồi du đãng quấy nhiễu. Cả đám du đãng hùng hổ kéo vào tiệm giải khát, ra oai la lối nạt nộ gọi cà phê, hủ tiếu. Hầu sáng (chạy bàn) thấy vẻ mặt nhóm du đãng nên khiếp sợ khúm núm, run rẩy dạ lia lịa. Sau đó, hầu sáng tức tốc bưng cà phê, hủ tiếu, bánh bao, xíu mại dọn ra bàn cho đám du đãng hẩu xực (ăn ngon). Đám du đãng vừa ăn uống vừa văng tục, chửi thề ỏm tỏi. Nhận thấy sắp xảy ra chuyện chẳng lành, thực khách vội vã bỏ hết ra khỏi tiệm.

Đám du đãng ăn uống no nê rồi ngoắc chủ tiệm lại bàn ngỏ lời thiếu chịu chầu ăn uống. Một tên du đãng vẻ mặt có cô hồn nhất đám vỗ mạnh vai chủ tiệm nước gầm sụm bà chè "hỏi mượn ít tiền xài đỡ". Chủ tiệm biết mình bị du đãng "bắt địa" (làm tiền) nhưng vì thân cô thế cô nên lật đật trở vào quay kéo hộc tủ rồi mang đủ tiền dâng cho du đãng. Chủ tiệm tỏ ra dễ thương biết điều vì cãi lệnh đám du đãng nộ khí xung thiên đập phá tiệm giải khát tan nát.

Đám du đãng hung tợn lần lượt kéo vào tiệm nước này tới tiệm nước khác ở Chợ Lớn để ăn uống quỵt và bắt địa. Các chủ tiệm giải khát sợ oai du đãng nên im thin thít không dám thưa với cảnh sát vì sợ bị trả thù thảm khốc. Một số tên du đãng khác ở Chợ Lớn hay quấy nhiễu tiệm buôn của chủ kinh doanh người Hoa. Chúng mặc áo phanh ngực để lộ dây chuyền dài lủng lẳng mặt hình đầu lâu sau hai khúc xương chéo, dao bấm nhọn hoắt lấp ló ở thắt lưng đằng đằng sát khí đứng dàn ngang trước tiệm buôn phì phèo thuốc lá tỏa khói mù mịt. Nhác thấy đám du côn, chẳng người khách nào dám bước chân qua cửa tiệm. Chủ tiệm buôn người Hoa chịu không thấu đành xuống nước năn nỉ điều đình với đám du đãng hung hãn. Tên đầu sỏ ra giá "bắt địa", khổ chủ đành riu ríu vào quay kéo hộc tủ mang đủ tiền khúm núm dâng cho đám du đãng xài chơi. Có như vậy, chủ tiệm buôn mới được yên ổn buôn bán.

Nhờ "bắt địa" được nhiều khổ chủ nên đám du đãng ăn chơi xả láng. Trong một lần ngồi uống cà phê trong tiệm giải khát, Mã Ban tình cờ nhận thấy đám du đãng kéo vào tiệm giở trò ăn quỵt rồi "bắt địa" chủ tiệm. Thực khách vội kéo nhau bỏ ra ngoài chỉ còn lại một mình Mã Ban. Trầm tĩnh, Mã Ban khéo léo theo dõi từng động thái của đám du đãng đợi khi tên đầu sỏ mở lời "bắt địa" chủ tiệm liền ra tay nghĩa hiệp.

Mã Ban lập tức rời bàn tiến sát đám du đãng rồi ân cần khoác vai chủ tiệm giải khát bảo không nên dâng tiền. Bị người khác can dự vào chuyện riêng tư, đám du đãng nộ khí xung thiên cầm ghế đẩu nghênh chiến. Mã Ban bình tĩnh xuống tấn thủ thế rồi xuất những chiêu võ Thiếu Lâm Tự tả xung hữu đột đánh tan tác đám du đãng. Đám đông hiếu kỳ bu xem trận cao thủ hạ gục nhiều đối thủ đồng loạt vỗ tay hoan hô Mã Ban. Đám du đãng bị trận đòn đau cuống cuồng bỏ chạy. Chủ tiệm giải khát vội báo đáp ơn "hiệp sĩ" bảo hầu sáng dọn cà phê, hủ tiếu, bánh bao, xíu mại ra đãi Mã Ban. Nhiều người ái mộ vây quanh "hiệp sĩ" Mã Ban vừa ra tay trừ gian diệt bạo giải cứu dân lành.


"Hiệp sĩ" dân chơi

Tin vui dân chơi cầu Ba Cẳng Mã Ban trừng trị thích đáng đám du đãng quấy nhiễu tiệm nước lan nhanh trong giới làm ăn ở Chợ Lớn. Chủ nghiệp người Hoa hoan hỉ. Sau đó, tiệm buôn nào ở Chợ Lớn bị đám du đãng quấy nhiễu nhằm "bắt địa", chủ tiệm lập tức sai người chạy báo tin cho Mã Ban. Khi "hiệp sĩ" Mã Ban to cao gần 1,8 mét, vẻ mặt lạnh như tiền xuất hiện, đám du đãng tự động rút lui có trật tự, trả lại sự yên bình cho tiệm buôn. Nhờ sự "nghĩa hiệp" của Mã Ban, kể từ đó, đám du đãng không dám lộng hành tác oai tác quái như trước nữa. Sau sự kiện này, Mã Ban được toàn thể dân chơi cầu Ba Cẳng tôn là đàn anh. Các chủ tiệm buôn, tiệm nước, quán ăn, nhà hàng người Hoa ở Chợ Lớn đều "lì xì" cho Mã Ban.

Có tiền, Mã Ban bao đàn em chơi bời thả phanh (ảnh minh họa)

Có tiền, Mã Ban ăn nhậu, nhảy đầm, bao gái thả phanh. Đàn em của Mã Ban cũng được tháp tùng đàn anh trong nhiều cuộc vui gần như bất tận. Danh tiếng Mã Ban nghĩa hiệp, tài tử, hào phóng, điệu nghệ, chịu chơi nổi như cồn ở Chợ Lớn, khiến toàn thể cao bồi du đãng nể mặt đàn anh đám dân chơi cầu Ba Cẳng.

Nghe "danh tiếng" của Mã Ban, một nghiệp chủ người Hoa giàu có ở Chợ Lớn đã gả con gái cưng cho Mã Ban. Mã Ban được cha vợ thương yêu cưng chiều, chu cấp nhiều tiền nên sắm xe Vespa Sprint màu xám bạc mới cáu cạnh. Trong cốp xe, lúc nào cũng thủ sẵn hai chai rượu Tây Martell cổ lùn đắt tiền dành thiết đãi bạn bè. Nhằm giúp Mã Ban trốn quân dịch, người cha vợ lắm tiền nhiều của của Mã Ban đã đút lót cho viên chức cao cấp để Mã Ban trở thành cảnh sát viên của Tổng nha cảnh sát.

Suốt ngày, Mã Ban mặc đồ xi vin (thường phục) bỏ túi thẻ hành sự cảnh sát, lận súng ru lô, chạy xe Vespa Sprint chở người yêu dạo phố. Mã Ban cặp kè người yêu vào bất cứ tiệm nước, quán ăn, nhà hàng nào của người Hoa ở Chợ Lớn đều được thiết đãi ăn uống no nê miễn phí.

Ban đêm, Mã Ban vào vũ trường Melody  hoặc Arc en ciel Chợ Lớn dìu vũ nữ đi những bước nhảy lả lướt trong tiếng nhạc du dương. Toàn thể cao bồi du đãng ở Chợ Lớn biết tiếng Mã Ban giỏi võ Thiếu Lâm Tự lại có thêm "chó lửa" (súng ru lô) nên khiếp sợ. Bất cứ tên du đãng nào ở Chợ Lớn hễ trên đường tình cờ gặp Mã Ban đều khoanh tay, cúi đầu lễ phép "thưa đại ca!".

Vợ Mã Ban mắn đẻ liền liền. Con gái đầu lòng tên Mã Mai, con gái kế tên Mã Lan, con trai kế tên Mã Tài, con gái kế tên Mã Cúc. Con trai út được đặt tên là Mã Xái. Chuyện cơm áo gạo tiền đã có gia đình vợ chu toàn nên Mã Ban thong thả đi tìm niềm vui gần như bất tận trong những cuộc ăn chơi thâu đêm suốt sáng.

Sau ngày 30/04/1975, Mã Ban trở về với vợ con. Chính quyền lập danh sách đen lùng bắt sạch phần tử bất hảo đưa đi tập trung cải tạo. Vì Mã Ban không có thành tích bất hảo nên sống đàng hoàng trong chế độ mới.

Năm 1984, Mã Ban gom hết vốn liếng mở quán ăn ở Chợ Lớn. Dân ăn nhậu phong lưu kéo tới ủng hộ Mã Ban. Ông chủ quán Mã Ban hào phóng cho nhiều tay ăn nhậu nợ tiền tiệc nhậu riết rồi lỗ vốn đành dẹp quán. Mã Ban trở về gia đình suốt ngày nằm lim dim trên ghế dựa.

Khi sạch túi, Mã Ban trở về nhà gặp vợ bệnh, con đói thi nhau réo gọi cần tiền. Chịu không thấu, Mã Ban bỏ ra quán cà phê đầu hẻm ngồi thư giãn. Đi chán thì không sao, cứ hễ về nhà là Mã Ban lại nghe vợ con "ca" điệp khúc "tiền, tiền". Ngán ngẩm quá, Mã Ban đành bỏ nhà đi lang thang. Đàn anh đám dân chơi cầu Ba Cẳng phong lưu thuở nào cám cảnh cất giọng ai oán: "Ôi thời oanh liệt nay còn đâu?".

Đóng cửa tiệm vì tay ngang làm kinh doanh

Năm 2009, em trai Mã Ban từ Canada về giúp anh một số tiền lớn. Có vốn, Mã Ban mở nhà hàng trên tầng thượng một khách sạn trên đường Nguyễn Chí Thanh, quận 5. Dân ăn nhậu sành điệu nô nức kéo tới ủng hộ ông chủ Mã Ban. Em út rần rần kéo tới nhà hàng hát karaoke, nhảy múa tưng bừng. Ông chủ Mã Ban hào hứng đi những bước nhảy lả lướt giữa đám em út. Nhiều lần, Mã Ban hứng chí thiết đãi nhiều khách ăn nhậu miễn phí. Ông chủ Mã còn vui vẻ cho nhiều khách ăn nhậu được nợ tiền. Lần hồi, nhà hàng lỗ vốn nặng nên đóng cửa vĩnh viễn.


Ngày nay . . .

Hiện, tại đây nhà cửa đã mọc lên phủ kín bờ rạch, che khuất nhiều dấu vết của cầu xưa. Rạch Bãi Sậy hay kênh Hàng Bàng đã lấp đến 90%, trở thành đường Bãi Sậy và đường Phạm Văn Khỏe (quận 6), chạy từ rạch Lò Gốm (phía bên trái) ngang qua chợ Bình Tây, tới chỗ cầu Ba Cẳng rẽ phải một đoạn ngắn rồi chảy ra kênh Tàu Hủ.

Mới đây, TP HCM quyết định chi hơn 2.000 tỷ đồng đào lại kênh Hàng Bàng bị lấp 15 năm trước để khơi thông dòng chảy, tạo cảnh quan. Theo kế hoạch, con kênh được đào rộng 11 m như ban đầu, kéo dài gần 1.400 m, hai bên sẽ trồng cây xanh. Gần 950 hộ dân dọc hai bên dòng kênh (từ đường Lò Gốm đến Ngô Nhân Tịnh) sẽ bị giải tỏa trắng.

Theo đánh giá, việc đào lại kênh Hàng Bàng sẽ giảm tải nước cho kênh Lò Gốm cạnh đó vốn quá tải gây ngập úng nhiều điểm suốt thời gian dài.


Có một số người hiểu lầm giữa Cầu Ba Cẳng & Cầu Chữ Y

Cầu Ba Cẳng nối liền Quận 6 với Quận 5 và Cầu Chữ Y nối liền Quận 5 với Quận 8.

Cầu Chữ Y thường được dùng để chỉ cây cầu nằm về phía đông của Quận 8, Thành phố Hồ Chí Minh, nối liền Quận 5 với Quận 8. Cầu có hình chữ Y, từ đường Nguyễn Biểu cách chợ Bến Thành 2 km, bắc qua 2 con kênh là kênh Bến Nghé và kênh Tẻ, đến vùng chợ Rạch Ông và vùng cù lao Chánh Hưng của Quận 8.

Cầu Chữ Y

Xưa, khi xứ này còn nằm trong địa hạt Chợ Quán, các nhánh kinh nói trên đều thuộc mạng lưới rạch Bến Nghé. Về sau nhiều đoạn kinh bị san lấp để xây dựng hệ thống đường bộ nên các nhánh kinh bị tách rời, đồng đổ ra Tân Bình Giang và được đặt lại mỗi đoạn một cái tên khác nhau.

Cầu có 3 nhánh tạo thành chữ Y, nên được người dân đặt luôn tên này, lâu ngày trở thành tên chính thức. Đứng trên cầu, ta có thể nhìn thấy được toàn bộ quang cảnh cảng Sài Gòn và một phần thành phố với bán kính khoảng 2 km.

Tại Việt Nam còn có một số cầu chữ Y khác, nhưng không được biết đến nhiều như cầu chữ Y ở Trà Ôn, Vĩnh Long, hoặc ở Phụng Hiệp, Hậu Giang, ở Đà Lạt, Lâm Đồng...


Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire