vendredi 21 mars 2014

LỊCH SỬ : Cuộc thảm sát Mỹ Lai năm 1968


Trương Thanh Long
Sưu tầm - Biên soạn - Bình Luận


Bạn có thể bấm vào đây để xem tài liệu mới cập nhật. 


Thảm sát Mỹ Lai là một tội ác chiến tranh của Lục quân Hoa Kỳ gây ra trong thời gian Chiến tranh Việt Nam. Vào ngày 16 tháng 3 năm 1968 tại khu vực thôn Mỹ Lai thuộc làng Sơn Mỹ - xã Tịnh Khê - huyện Sơn Tịnh - tỉnh Quảng Ngãi, do lực lượng đặc nhiệm Barker quân đội Mỹ tiến hành. Trong vài giờ, đơn vị này đã giết chết 504 thường dân và thiêu hủy hoàn toàn 247 ngôi nhà trong khu vực xóm Thuận Yên, thôn Tư Cung và xóm Gò, thôn Cổ Lũy. Trước khi bị sát hại, nhiều người trong số các nạn nhân còn bị cưỡng bức, quấy rối, tra tấn, đánh đập hoặc cắt xẻo các bộ phận trên cơ thể. Vụ việc đã bị che giấu cho tới cuối năm 1969 và ngoại trừ một chỉ huy cấp trung đội thì không có bất cứ sĩ quan hay binh lính Hoa Kỳ nào bị kết tội sau vụ thảm sát này.


Vụ thảm sát này có tên My Lai Massacre, Son My Massacre hoặc Pinkville, trong đó Pinkville là tên địa danh của quân đội Hoa Kỳ đặt cho khu vực Mỹ Lai. Sự kiện thảm khốc này đã gây sốc cho dư luận Mỹ, Việt Nam, và thế giới, hâm nóng phong trào phản chiến và là một trong các nguyên nhân dẫn tới sự triệt thoái của quân đội Hoa Kỳ khỏi Việt Nam năm 1972-1973.


Sự kiện

Bối cảnh

Đại đội Charlie là một trong ba đại đội thuộc Task Force Barker thuộc Tiểu đoàn số 1, Trung đoàn bộ binh số 20, Lữ đoàn bộ binh số 11, Sư đoàn bộ binh số 23, Lục quân Hoa Kỳ, tới Nam Việt Nam tháng 12 năm 1967. Trong tháng đầu tiên tại Việt Nam họ không có cuộc chạm trán nào với đối phương. Tính cho đến giữa tháng 3 năm 1968, thương vong của đơn vị này là 5 người chết, 23 người bị thương, trong đó phần lớn binh sĩ thiệt mạng vì mìn và bẫy.

Trong thời gian diễn ra Sự kiện Tết Mậu Thân vào tháng 1 năm 1968, Tiểu đoàn 48 của Việt Cộng đã tiến hành một số cuộc tấn công trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi. Tình báo Mỹ cho rằng sau Sự kiện Tết Mậu Thân, Tiểu đoàn 48 đã rút lui về ẩn náu tại địa bàn làng Sơn Mỹ thuộc tỉnh này, cụ thể là các thôn Mỹ Lai 1-2-3-4.



Lục quân Hoa Kỳ quyết định tổ chức một cuộc tấn công lớn vào các làng bị nghi ngờ này. Đại tá Oran K. Henderson ra lệnh cho các sĩ quan cấp dưới "đánh mạnh vào đây, tiến gần kẻ địch và xóa sạch chúng". Trung tá Frank A. Barker ra lệnh cho các chỉ huy của Tiểu đoàn 1 đốt các ngôi nhà, giết sạch gia súc, phá hủy các kho lương thực và giếng nước.

Vào hôm trước của cuộc tấn công, tại cuộc họp chiến thuật của Đại đội Charlie, đại úy Ernest Medina thông báo cho lính của mình rằng gần như mọi dân làng sẽ ra chợ vào lúc 7 giờ sáng, tất cả những ai còn ở lại đều là lính Việt Cộng hoặc người giúp đỡ Việt Cộng. Một số binh sĩ của đại đội Charlie sau này đã khai rằng mệnh lệnh của Medina theo như họ hiểu là giết toàn bộ du kích, lính Việt Cộng và những ai khả nghi bao gồm cả phụ nữ và trẻ em, đốt trụi làng và đầu độc các giếng nước.




Trung đội 1 được chỉ định là đơn vị xung kích của Đại đội Charlie trong cuộc tấn công. Ngoài Charlie, còn có 2 đại đội khác có nhiệm vụ bao vây làng Sơn Mỹ.


Thảm sát để trả thù




Sáng ngày 16 tháng 3 năm 1968, sau một đợt công kích dọn chỗ ngắn bằng pháo và súng máy bắn từ trực thăng, Đại đội Charlie đổ bộ vào làng Sơn Mỹ. Các binh sĩ của đơn vị này không tìm thấy bất cứ lính Việt Cộng nào trong làng, thay vào đó chỉ có những người dân thường, phần lớn là phụ nữ và trẻ em, đang cố gắng tìm chỗ ẩn nấp trước cuộc càn quét của quân đội Mỹ. Trung đội của thiếu úy William Calley bắt đầu xả súng vào các "địa điểm tình nghi có đối phương", những người dân thường đầu tiên bị giết chết hoặc bị thương bởi các loạt đạn bừa bãi này. Sau đó lính Mỹ bắt đầu hủy diệt tất cả những gì chuyển động, người, gia súc, gia cầm... Họ bị giết bằng các loạt súng, bằng lưỡi lê hoặc bằng lựu đạn với mức độ tàn bạo mỗi lúc một cao. Đài BBC News mô tả lại cảnh này :

Binh lính bắt đầu nổi điên, họ xả súng vào đàn ông không mang vũ khí, đàn bà, trẻ em và cả trẻ sơ sinh. Những gia đình tụm lại ẩn nấp trong các căn lều hoặc hầm tạm bị giết không thương tiếc. Những người giơ cao hai tay đầu hàng cũng bị giết... Những nơi khác trong làng, nỗi bạo tàn của lính Mỹ mỗi lúc chồng chất. Phụ nữ bị cưỡng bức hàng loạt; những người quỳ lạy xin tha bị đánh đập và tra tấn bằng tay, bằng báng súng, bị đâm bằng lưỡi lê. Một số nạn nhân bị cắt xẻo với dấu "C Company" ("Đại đội C") trên ngực. Đến cuối buổi sáng thì tin tức của vụ thảm sát đến tai thượng cấp và lệnh ngừng bắn được đưa ra. Nhưng Mỹ Lai đã tan hoang, xác người la liệt khắp nơi.

Vài chục người bị dồn vào một mương nước và xả súng giết chết, một số chỗ khác cũng xảy ra những giết hàng loạt như vậy. Một nhóm lớn gồm khoảng 70 hoặc 80 dân làng nằm trong vòng vây của Trung đội 1 ở trung tâm làng bị thiếu úy William Calley đích thân giết hoặc ra lệnh cho cấp dưới giết. Các binh sĩ của Trung đội 2 đã giết ít nhất từ 60 đến 70 dân làng bao gồm cả đàn ông, đàn bà và trẻ em trong khi đơn vị này càn qua nửa phía bắc của thôn Mỹ Lai 4 và Bình Tây.

Sau cuộc càn quét đầu tiên của Trung đội 1 và 2, Trung đội 3 được lệnh giải quyết bất cứ sự kháng cự còn lại nào. Ngay lập tức lính Mỹ giết tất cả những người và gia súc còn sống nhưng không may bị họ tìm được. Ngay cả những người giơ tay đầu hàng từ chỗ ẩn nấp hoặc những tiếng rên cất lên từ các đống xác người cũng bị những lính Mỹ này giết. Trung đội 3 cũng là đơn vị bao vây và giết một nhóm khoảng từ 7 đến 12 dân thường chỉ gồm phụ nữ và trẻ em.

Vì Đại đội Charlie không gặp bất cứ sự kháng cự nào của Việt Cộng, Tiểu đoàn 4 thuộc Trung đoàn bộ binh số 3 bắt đầu chuyển hướng càn quét sang các xóm của thôn Mỹ Khê 4 và giết khoảng 90 dân thường. Có một binh sĩ Mỹ chết và 7 người khác bị thương vì mìn và bẫy cá nhân. Trong vòng 2 ngày tiếp theo, các đơn vị lính Mỹ tiếp tục việc đốt phá các làng xóm và tra tấn những người bị bắt. Các lính Mỹ nếu không tham gia vào các tội ác thì cũng không phản đối hoặc báo cáo lại nó với cấp trên.




Hành động giải cứu

Chuẩn úy Hugh Thompson, Jr., phi công trực thăng 24 tuổi thuộc đơn vị trinh sát trên không, ngay khi bay qua làng đã chứng kiến cảnh tượng khủng khiếp: Vô số xác người chết, tất cả đều chỉ là trẻ con, phụ nữ và người già, không hề có dấu hiệu của người thuộc độ tuổi tòng quân hay vũ khí ở bất cứ đâu. Đội bay của Thompson tận mắt nhìn thấy đại úy Ernest Medina đá và bắn thẳng vào đầu một phụ nữ không có vũ khí (Medina sau này tuyên bố người phụ nữ có mang một quả lựu đạn). Sau khi chứng kiến những cảnh kinh hoàng này, đội bay Thompson cố gắng thực hiện các cuộc điện đàm để cứu những người bị thương. Chiếc trực thăng của họ hạ cánh xuống một cái mương đầy xác người, trong đó vẫn còn người cử động. Thompson đề nghị một sĩ quan cứu người đó ra khỏi cái mương, viên sĩ quan này trả lời anh ta sẽ "giúp họ thoát khỏi nỗi khốn khổ". Cho rằng đây là một câu đùa, chiếc trực thăng của Thompson cất cánh, ngay lúc đó một người của phi đội thốt lên "Chúa ơi, anh ta đang xả súng vào cái mương".




Thompson sau đó nhìn thấy một nhóm dân thường (lại chỉ bao gồm phụ nữ, trẻ em và người già) trong một căn hầm tạm đang bị lính Mỹ tiếp cận. Chiếc trực thăng của phi đội Thompson hạ cánh và cứu được khoảng từ 12 đến 16 người trong căn hầm. Phi đội Thompson sau đó còn cứu được một đứa bé toàn thân đầy máu nhưng vẫn sống sót từ trong cái mương đầy xác người. Thompson sau đó đã báo cáo lại những gì anh nhìn thấy cho chỉ huy của mình, thiếu tá Watke, trong báo cáo Thompson đã dùng những cụm từ như "murder" (giết người) và "needless and unnecessary killings" (sát hại vô cớ và không cần thiết). Báo cáo của Thompson được các phi công và phi đội khác xác nhận.

Năm 1998 tại thủ đô Washington D.C., ba cựu sĩ quan thuộc phi đội Thompson gồm chỉ huy phi đội Glenn Andreotta, phi công Hugh Thompson và xạ thủ Lawrence Colburn đã được trao tặng Soldier's Medal (Huy chương Chiến sĩ) vì hành động ngăn cản đồng đội giết dân thường.


Hậu quả

Do hoàn cảnh hỗn loạn khi vụ thảm sát xảy ra và việc Lục quân Hoa Kỳ không thực hiện thống kê chính xác số nạn nhân, người ta không biết được hoàn toàn chính xác số dân thường bị lính Mỹ giết hại tại Mỹ Lai. Con số ghi lại tại Khu chứng tích Sơn Mỹ là 504 nạn nhân. Con số do phía Mỹ đưa ra thấp hơn, 347 nạn nhân.




Điều tra về Mỹ Lai

Những báo cáo đầu tiên của các đơn vị lính Mỹ đã tuyên bố rằng "128 Việt Cộng và 22 dân thường" bị giết tại làng sau "cuộc đọ súng ác liệt". Theo báo Stars and Stripes của Lục quân Hoa Kỳ vào thời điểm đó đưa tin thì "Bộ binh Hoa Kỳ đã giết 128 Cộng sản sau một trận đánh đẫm máu kéo dài 1 ngày". Những báo cáo sau này của phía Việt Cộng thì tuyên bố rằng "toàn bộ số người dân bị lính Mỹ giết tại Mỹ Lai đều là dân thường".

Cuộc điều tra đầu tiên về chiến dịch Mỹ Lai được thiếu tướng George H. Young giao cho đại tá Oran K. Henderson, sĩ quan chỉ huy của Lữ đoàn bộ binh nhẹ số 11 phụ trách. 

Henderson đã thẩm vấn một số binh lính tham gia vụ thảm sát, sau đó đưa ra một báo cáo vào cuối tháng 4 ghi nhận rằng khoảng 22 dân thường đã bị giết hại một cách không cố ý trong chiến dịch. Quân đội Mỹ lúc này vẫn coi sự kiện ở Mỹ Lai là một chiến thắng quân sự khi lính Mỹ đã tiêu diệt được 128 lính đối phương.




Sáu tháng sau, Tom Glen, một binh sĩ 21 tuổi của Lữ đoàn 11, đã viết một lá thư cho đại tướng Creighton Abrams (1914-1974), tổng chỉ huy mới của các lực lượng Hoa Kỳ tại Việt Nam. Trong lá thư Tom Glen buộc tội Sư đoàn Americal, tức Sư đoàn bộ binh số 23 (và toàn bộ các đơn vị lính Mỹ khác) liên tục sử dụng bạo lực chống lại dân thường Việt Nam, lá thư không trực tiếp nhắc tới vụ Mỹ Lai vì Tom Glen không biết nhiều về vụ tàn sát. Một trong các sĩ quan được giao phân tích lá thư là Colin Powell (Cựu Ngoại trưởng Hoa Kỳ phục vụ trong chính phủ của tổng thống George W. Bush 2001-2005).

Trong báo cáo phân tích, Powell viết: "Điều phản bác lại những gì miêu tả trong bức thư là sự thật rằng quan hệ giữa binh sĩ Hoa Kỳ và người dân Việt Nam là tuyệt vời", một vài nhà quan sát cho rằng cách thức Powell xử lý lá thư đồng nghĩa với việc rửa sạch sự tàn bạo của quân đội Hoa Kỳ ở Mỹ Lai.

Tháng 5 năm 2004, Powell, khi này đã là Ngoại trưởng Hoa Kỳ, đã trả lời trong chương trình của Larry King trên đài CNN: "Ý tôi là, tôi đã ở trong đơn vị chịu trách nhiệm về vấn đề Mỹ Lai. Tôi ở đó sau khi sự kiện xảy ra. Mà trong chiến tranh thì những vụ việc kinh khủng như vậy vẫn xảy ra, và chúng ta vẫn phải ân hận về chúng".




Vụ thảm sát Mỹ Lai có lẽ sẽ tiếp tục bị che giấu nếu không có bức thư thứ hai của Ron Ridenhour. Ridenhour, một thành viên cũ của Đại đội Charlie và biết về vụ thảm sát qua lời kể của đồng đội, vào tháng 3 năm 1969 đã gửi một lá thư trình bày chi tiết sự kiện Mỹ Lai cho tổng thống Richard M. Nixon, Lầu Năm Góc, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, Bộ Tham mưu Liên quân và một số thành viên của Quốc hội Hoa Kỳ. Phần lớn những người được nhận thư đã bỏ qua tầm quan trọng của nó.

Độc lập với chính phủ, nhà báo Seymour Hersh đã tiến hành cuộc điều tra về vụ Mỹ Lai thông qua các cuộc nói chuyện với thiếu úy William Calley.
- Ngày 12 tháng 11 năm 1969 vụ việc Mỹ Lai vỡ lở. 
- Ngày 20 tháng 11 năm 1969, các tạp chí lớn như Time, Life và Newsweek đồng loạt đăng lên trang bìa vụ thảm sát Mỹ Lai, đài truyền hình CBS cũng phát sóng cuộc phỏng vấn với Paul Meadlo. Tờ Plain Dealer ở Cleveland còn mạnh dạn hơn khi đăng các bức ảnh mô tả những dân thường bị giết trong vụ thảm sát. 
- Tháng 11 năm 1969, tướng William R. Peers được chỉ định điều tra về sự kiện Mỹ Lai và các hành động che giấu của Lục quân Hoa Kỳ. Bản báo cáo cuối cùng, bản báo cáo của tướng Peers, được công bố tháng 3 năm 1970, đã chỉ trích mạnh mẽ việc các sĩ quan cấp cao che giấu vụ việc cũng như những hành động của các sĩ quan thuộc Đại đội Charlie tại làng Mỹ Lai 4. Theo đó :

Các binh lính tiểu đoàn 1 đã giết ít nhất từ 175 đến 200 đàn ông, phụ nữ và trẻ em Việt Nam. Dù trong số bị giết có người ủng hộ hoặc thân với Việt Cộng  nhưng nhiều bằng chứng đã xác nhận rõ chỉ có 3-4 người đích thực là Việt Cộng. Một lính của đại đội được ghi nhận đã vô ý bị thương lúc nạp đạn.




Các phiên tòa



- Ngày 17 tháng 3 năm 1970, Lục quân Hoa Kỳ đã buộc tội 14 sĩ quan, bao gồm cả thiếu tướng Samuel W. Koster, sĩ quan chỉ huy Sư đoàn Americal (Sư đoàn bộ binh số 23), về việc che giấu thông tin liên quan tới sự kiện Mỹ Lai. Phần lớn các lời buộc tội sau đó đã được hủy bỏ. 
- Ngày 17 tháng 12 năm 1971, Chỉ huy lữ đoàn đại tá Oran K. Henderson là sĩ quan duy nhất phải ra tòa án binh về tội che giấu thông tin, dù vậy ông này cũng được tuyên bố trắng án.

Sau phiên tòa 10 tháng, mặc dù đã tuyên bố mình chỉ tuân theo mệnh lệnh của đại úy Medina sĩ quan cấp trên, thiếu úy William Calley bị tòa tuyên là có tội ngày 10 tháng 9 năm 1971 với các tội danh giết người có chủ ý và ra lệnh cho cấp dưới nổ súng. Ban đầu Calley bị tuyên án chung thân nhưng chỉ 2 ngày sau tổng thống Nixon đã ra lệnh thả Calley. Sau cùng Calley chỉ phải chịu án 4 tháng rưỡi ngồi tù quân sự tại Fort Leavenworth, Kansas, trong thời gian này anh ta vẫn được bạn gái thăm nuôi không hạn chế. Trong một phiên tòa khác, Medina phủ nhận việc ra lệnh thảm sát, và được tuyên trắng án ở tất cả các lời buộc tội. Vài tháng sau phiên tòa, Medina thừa nhận đã che giấu bằng chứng và nói dối Henderson về con số dân thường bị giết. Phần lớn các binh lính có dính líu tới vụ thảm sát Mỹ Lai khi phiên tòa xảy ra đã giải ngũ, vì vậy họ được miễn truy tố. Trong số 26 người bị buộc tội, chỉ có duy nhất Calley bị kết án.

Calley cho rằng anh ta nên đặt nhiệm vụ mà Tổ quốc giao cho lên trên cái tôi của mình. Khi tiến vào Mỹ Lai, tất cả đàn ông ở đâu ? Thôn Mỹ Lai toàn là phụ nữ và trẻ em, không có thanh niên nào cả. Điều đó có nghĩa là cha chúng xa nhà đi chiến đấu. Calley tuyên bố những phụ nữ và trẻ em mà anh ta sát hại "chắc chắn là Việt Cộng".

Những người ủng hộ cuộc chiến cho rằng Calley đang làm nhiệm vụ. Phe chống đối thì cho rằng anh ta chỉ là người giơ đầu chịu báng.
- Ngày 9 tháng 11 năm 1974, phát ngôn viên quân đội tuyên bố William Calley được tha bổng.
- Năm 1976, Calley kết hôn. 
- Ngày 19 tháng 8 năm 2009, trong một cuộc tuần hành tại Columbus, Calley 66 tuổi chính thức nói lời xin lỗi với những nạn nhân cũ :
Không một ngày nào mà tôi không cảm thấy hối hận về việc đã xảy ra tại Mỹ Lai. Tôi rất xin lỗi”.


Những người sống sót




Trong vụ thảm sát ở Mỹ Lai, có một số người sống sót nhờ được xác của những người thân che chắn khỏi những làn đạn của lính Mỹ, một trong số đó là Đỗ Ba (Xem hình phía dưới ở mục Tưởng niệm), người đã được phi đội Thompson cứu khỏi cái mương đầy xác chết. Những người sống sót sau đó đã tái định cư tại khu lán trại nằm ở thôn Mỹ Lai 2. Khu định cư này gần như đã bị phá hủy sau cuộc pháo kích và không kích của Quân lực Việt Nam Cộng hòa mùa xuân năm 1972. Vụ phá hủy đầu tiên được đổ cho Việt Cộng nhưng sự thật sau đó đã được các nhân viên Quaker làm việc ở Quảng Ngãi công bố. Vụ việc này sau đó đã được đăng trên tờ New York Times tháng 6 năm 1972.


Tưởng niệm



Nhà báo Seymour Hersh, người phát hiện ra tình huống bi kịch này đã nhận giải thưởng Pulitzer về tường thuật quốc tế năm 1970. Tường thuật của ông được minh họa bằng hình của nhà nhiếp ảnh Ron Haeberle. Người nhiếp ảnh này đã tham dự vào chiến dịch dưới tư cách là phóng viên quân đội chính thức nhằm cung cấp chứng cứ cho cái được gọi là "đếm xác" (body count) của thống kê quân sự. Các xác chết được chụp đã được các sĩ quan xác nhận là của các binh sĩ Việt Cộng đã bị giết. Thế nhưng người ta không gặp một dấu hiệu nào của Việt Cộng trong làng và cũng không gặp kháng cự nào. Mặc dầu vậy, quân đội Mỹ rất hài lòng với cuộc hành quân, không có quân nhân Mỹ nào chết hay bị thương và 128 người chết của phía bên kia. Phải mất 1 năm Hersh mới tìm được một nhà xuất bản sẵn sàng công bố câu chuyện và hình ảnh của ông.

Việc xuất bản này đã đánh dấu một bước ngoặt trong cảm nghĩ của công chúng về Chiến tranh Việt Nam, cả ở Mỹ lẫn trong toàn bộ thế giới phương tây và đã góp phần quyết định vào việc tổng động viên của phong trào chống chiến tranh.

Phạm Duy (1921-2013), một nhạc sĩ nổi tiếng hoạt động ở miền Nam Việt Nam trong một chuyến đi Hoa Kỳ vào năm 1970, được xem những hình ảnh đầy đủ hơn về cuộc thảm sát này, đã viết lên ca khúc Kể chuyện đi xa (Telling Stories Of Travelling Afar)

Ngày nay, Sơn Mỹ đã trở thành một trung tâm tư liệu về sự kiện : Khu chứng tích Sơn Mỹ. Bên cạnh làng cũ là 2 tòa nhà: 1 trường học và 1 trung tâm văn hóa, được xây dựng và tài trợ bởi cựu quân nhân của Chiến tranh Việt Nam.

Đạo diễn chuyên về đề tài chiến tranh Việt Nam Oliver Stone vào năm 2007 đã dự định làm một bộ phim về vụ thảm sát lấy tên Pinkville. Bộ phim sẽ xoay quanh cuộc điều tra của tướng Peers, vai William Peers được giao cho diễn viên Bruce Willis, Woody Harrelson vào sẽ vào vai đại tá Henderson.



Hơn 20 năm qua, năm nào cựu binh Mỹ Roy Mike Boehm cũng về Quảng Ngãi kéo vĩ cầm  bên chân tượng đài tưởng niệm chứng tích Sơn Mỹ cầu siêu cho nạn nhân vụ thảm sát, với hy vọng gửi thông điệp tình yêu hòa bình, hàn gắn nỗi đau chiến tranh.

Cũng mỗi dịp tháng 3, cựu binh Mỹ Billy Kelly lại mang 504 đóa hồng đặt dưới chân tượng đài kèm theo tấm thiệp với dòng chữ:
 “Tôi đến chia buồn với bạn và gia đình... Cả thế giới luôn nhớ về các bạn, luôn chia sẻ nỗi đau buồn và mất mát này".

Còn các thành viên của Tổ chức Mỹ Madison Quackers trao 36 suất học bổng với mỗi suất 1 triệu đồng cho trẻ nghèo vượt khó, học giỏi của Tiểu học số 1 Tịnh Khê, huyện Sơn Tịnh góp phần xoa dịu vết thương chiến tranh ở vùng đất này.

Tin tức về vụ thảm sát Mỹ Lai hâm nóng thêm phong trào phản đối chiến tranh ở Việt Nam. Nhân dân Mỹ và thế giới đòi rút quân đội Mỹ khỏi miền Nam Việt Nam. Một trong những ảnh hưởng quan trọng nhất của vụ Mỹ Lai đối với người Mỹ và thế giới, đó là nó làm thay đổi thái độ của công chúng đối với cuộc chiến tàn bạo này. Những người vốn thờ ơ với cuộc tranh luận về chiến tranh hay hòa bình đã bắt đầu chú ý phân tích cuộc chiến một cách sâu sắc hơn.


Bình luận tùy theo các quan điểm khác nhau

Hơn 500 người già, trẻ em và phụ nữ đã bị giết trong cuộc thảm sát Mỹ Lai. Người Mỹ đã cố tình che giấu cuộc thảm sát xảy ra ở Quảng Ngãi vào ngày 16 tháng 3 năm 1968. Binh lính Hoa Kỳ xem đây là “vùng đất của Việt Cộng” nên thực hiện chính sách xóa trắng vùng đất này.

Đến cuối năm 1967, hầu hết nhà dân trong tỉnh tan hoang vì bom đạn, 140.000 người trở thành vô gia cư.

Dân Mỹ Lai có thể nói toàn làng là Việt Cộng, ngày đội lốt dân đêm trở thành du kích, tiếp tay nuôi dấu những cán bộ nằm vùng mà sau ngày 30 tháng 4 năm 1975 thì ai cũng rõ.

Bình luận về vụ thảm sát Mỹ Lai tùy theo các quan điểm khác nhau. Nhưng coi những bức ảnh này cảm thấy đau xót cho những người bị giết và những nạn nhân còn sống sót, xét theo lương tâm của con người ai mà không có tình yêu thương đồng loại và tha nhân. Trong vụ thàm sát này quân đội Mỹ nhất là thiếu úy William Calley sai hoàn toàn, có lẽ ông ta mất người bạn thân nên nổi cơn điên rồ lên không kềm chế được bản thân nên giết nhiều người vô tội, đó là tội ác do thiếu bình tĩnh thiếu suy xét nó dẫn đến nhiều tai tiếng sau này.


Người lính Mỹ ngăn chặn thảm sát Mỹ Lai qua đời vào ngày 13/12/2016

Ông Lawrence Colburn, một trong số những lính Mỹ từng nỗ lực ngăn chặn vụ binh sĩ nước này thảm sát hàng trăm dân làng thôn Mỹ Lai thời chiến tranh Việt Nam, vừa qua đời ở tuổi 67.

Ông Colburn mất ngày 13/12 tại nhà ở Canton, Georgia, Mỹ. Nói với hãng thông tấn AP qua điện thoại, bà Lisa Colburn cho biết chồng mình qua đời vì căn bệnh ung thư phát hiện hồi cuối tháng 9.

"Một người giàu lòng trắc ẩn, một vị anh hùng trong mắt nhiều người", bà Lisa, vợ của Lawrence Coluburn, nói về người bạn đời.

Lawrence Colburn là xạ thủ trên máy bay trực thăng thuộc đại đội Charlie (Mỹ). Ở tuổi 18, ông đã cùng 2 đồng đội nỗ lực ngăn chặn vụ thảm sát dân làng thôn Mỹ Lai ở Sơn Mỹ, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi.

Ông Đỗ Bá (trái), người sống sót trong vụ thảm sát Mỹ Lai chụp ảnh cùng Lawrence Colburn, người đã cứu ông ngày 16/3/1968. Cuộc gặp diễn ra ngày 15/3/2008,  trong chuyến trở lại Việt Nam của Colburn nhân dịp kỷ niệm 40 năm sự kiện Mỹ Lai. Ảnh: AP.

Sáng 16/3/1968, phi đội 3 thành viên của Colburn được giao nhiệm vụ "rà soát" khu vực Mỹ Lai để xác định vị trí đối phương. Nhưng khi bay ngang qua ngôi làng, cái họ bất ngờ chứng kiến là khung cảnh rùng rợn, yên tĩnh đến kỳ lạ, hàng loạt dân làng chết và bị thương trên đường làng, ngoài đồng.

Họ thả trái khói xanh, dấu hiệu cần cấp cứu y tế, xuống nơi những người cần cứu giúp. Thế nhưng không những không cứu, đám lính bộ binh bên dưới quay lại sát hại luôn những người bị thương.

Hiểu chuyện gì đang xảy ra, ngay lập tức, phi đội của Colburn đã cho hạ máy bay chắn giữa dân làng và đám lính, ngăn cản vụ thảm sát và cứu các nạn nhân.

Nhiều giờ sau, cuộc thảm sát ở Mỹ Lai được báo cáo cho các chỉ huy cấp cao trong quân đội Mỹ. Tuy nhiên, lệnh ngừng bắn đã đến quá muộn. Hơn 504 thường dân đã bị sát hại trong cuộc tắm máu của lục quân Mỹ.

Về Lawrence Colburn, vai trò của ông được đánh giá là then chốt trong việc chặn đứng cuộc thảm sát cách đây gần nửa thế kỷ. Ông là người cuối cùng còn sống trong phi đội 3 người.

Trent Angers, tác giả cuốn "Anh hùng bị lãng quên của Mỹ Lai: Câu chuyện về Hugh Thompson" xuất bản năm 1999, nói với AP rằng Colburn đã "đứng lên, sát cánh cùng Hugh và Glenn để chống lại những kẻ gây ra tội ác với loài người".

"Nếu không có sự hỗ trợ của ông ấy (Colburn), Hugh có thể đã không làm được như vậy", Angers nói thêm.


Ông Thompson (giữa) và Colburn (phải) nhận Huân chương 
Người lính tại Washington, Mỹ năm 1998 . Ảnh: Getty.


Năm 2001, cựu binh Colburn cùng chỉ huy phi đội lúc đó là Hugh Thompson từng được đề cử Giải Nobel Hòa bình vì hành động ngăn cản tội ác chiến tranh này.

Năm 2008, 30 năm sau sự kiện Mỹ Lai, cả hai đều được chính phủ Mỹ trao tặng Huân chương Người lính, phần thưởng cao quý nhất của nước Mỹ cho sự dũng cảm trong các nhiệm vụ không trực tiếp chiến đấu. Họ đã trở về Việt Nam và gửi lại Bảo tàng Sơn Mỹ hai huân chương anh hùng ấy.

"Ông ấy là một người đàn ông vô cùng hiền hòa, với khát khao mãnh liệt về một thế giới hòa bình", bà Lisa chia sẻ về người chồng Lawrence Colburn.




























Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire