vendredi 21 mars 2014

LỊCH SỬ : Cuộc thảm sát Mỹ Lai năm 1968


Trương Thanh Long
Sưu tầm - Biên soạn - Bình Luận


Bạn có thể bấm vào đây để xem tài liệu mới cập nhật. 


Thảm sát Mỹ Lai là một tội ác chiến tranh của Lục quân Hoa Kỳ gây ra trong thời gian Chiến tranh Việt Nam. Vào ngày 16 tháng 3 năm 1968 tại khu vực thôn Mỹ Lai thuộc làng Sơn Mỹ - xã Tịnh Khê - huyện Sơn Tịnh - tỉnh Quảng Ngãi, do lực lượng đặc nhiệm Barker quân đội Mỹ tiến hành. Trong vài giờ, đơn vị này đã giết chết 504 thường dân và thiêu hủy hoàn toàn 247 ngôi nhà trong khu vực xóm Thuận Yên, thôn Tư Cung và xóm Gò, thôn Cổ Lũy. Trước khi bị sát hại, nhiều người trong số các nạn nhân còn bị cưỡng bức, quấy rối, tra tấn, đánh đập hoặc cắt xẻo các bộ phận trên cơ thể. Vụ việc đã bị che giấu cho tới cuối năm 1969 và ngoại trừ một chỉ huy cấp trung đội thì không có bất cứ sĩ quan hay binh lính Hoa Kỳ nào bị kết tội sau vụ thảm sát này.


Vụ thảm sát này có tên My Lai Massacre, Son My Massacre hoặc Pinkville, trong đó Pinkville là tên địa danh của quân đội Hoa Kỳ đặt cho khu vực Mỹ Lai. Sự kiện thảm khốc này đã gây sốc cho dư luận Mỹ, Việt Nam, và thế giới, hâm nóng phong trào phản chiến và là một trong các nguyên nhân dẫn tới sự triệt thoái của quân đội Hoa Kỳ khỏi Việt Nam năm 1972-1973.


Sự kiện

Bối cảnh

Đại đội Charlie là một trong ba đại đội thuộc Task Force Barker thuộc Tiểu đoàn số 1, Trung đoàn bộ binh số 20, Lữ đoàn bộ binh số 11, Sư đoàn bộ binh số 23, Lục quân Hoa Kỳ, tới Nam Việt Nam tháng 12 năm 1967. Trong tháng đầu tiên tại Việt Nam họ không có cuộc chạm trán nào với đối phương. Tính cho đến giữa tháng 3 năm 1968, thương vong của đơn vị này là 5 người chết, 23 người bị thương, trong đó phần lớn binh sĩ thiệt mạng vì mìn và bẫy.

Trong thời gian diễn ra Sự kiện Tết Mậu Thân vào tháng 1 năm 1968, Tiểu đoàn 48 của Việt Cộng đã tiến hành một số cuộc tấn công trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi. Tình báo Mỹ cho rằng sau Sự kiện Tết Mậu Thân, Tiểu đoàn 48 đã rút lui về ẩn náu tại địa bàn làng Sơn Mỹ thuộc tỉnh này, cụ thể là các thôn Mỹ Lai 1-2-3-4.



Lục quân Hoa Kỳ quyết định tổ chức một cuộc tấn công lớn vào các làng bị nghi ngờ này. Đại tá Oran K. Henderson ra lệnh cho các sĩ quan cấp dưới "đánh mạnh vào đây, tiến gần kẻ địch và xóa sạch chúng". Trung tá Frank A. Barker ra lệnh cho các chỉ huy của Tiểu đoàn 1 đốt các ngôi nhà, giết sạch gia súc, phá hủy các kho lương thực và giếng nước.

Vào hôm trước của cuộc tấn công, tại cuộc họp chiến thuật của Đại đội Charlie, đại úy Ernest Medina thông báo cho lính của mình rằng gần như mọi dân làng sẽ ra chợ vào lúc 7 giờ sáng, tất cả những ai còn ở lại đều là lính Việt Cộng hoặc người giúp đỡ Việt Cộng. Một số binh sĩ của đại đội Charlie sau này đã khai rằng mệnh lệnh của Medina theo như họ hiểu là giết toàn bộ du kích, lính Việt Cộng và những ai khả nghi bao gồm cả phụ nữ và trẻ em, đốt trụi làng và đầu độc các giếng nước.




Trung đội 1 được chỉ định là đơn vị xung kích của Đại đội Charlie trong cuộc tấn công. Ngoài Charlie, còn có 2 đại đội khác có nhiệm vụ bao vây làng Sơn Mỹ.


Thảm sát để trả thù




Sáng ngày 16 tháng 3 năm 1968, sau một đợt công kích dọn chỗ ngắn bằng pháo và súng máy bắn từ trực thăng, Đại đội Charlie đổ bộ vào làng Sơn Mỹ. Các binh sĩ của đơn vị này không tìm thấy bất cứ lính Việt Cộng nào trong làng, thay vào đó chỉ có những người dân thường, phần lớn là phụ nữ và trẻ em, đang cố gắng tìm chỗ ẩn nấp trước cuộc càn quét của quân đội Mỹ. Trung đội của thiếu úy William Calley bắt đầu xả súng vào các "địa điểm tình nghi có đối phương", những người dân thường đầu tiên bị giết chết hoặc bị thương bởi các loạt đạn bừa bãi này. Sau đó lính Mỹ bắt đầu hủy diệt tất cả những gì chuyển động, người, gia súc, gia cầm... Họ bị giết bằng các loạt súng, bằng lưỡi lê hoặc bằng lựu đạn với mức độ tàn bạo mỗi lúc một cao. Đài BBC News mô tả lại cảnh này :

Binh lính bắt đầu nổi điên, họ xả súng vào đàn ông không mang vũ khí, đàn bà, trẻ em và cả trẻ sơ sinh. Những gia đình tụm lại ẩn nấp trong các căn lều hoặc hầm tạm bị giết không thương tiếc. Những người giơ cao hai tay đầu hàng cũng bị giết... Những nơi khác trong làng, nỗi bạo tàn của lính Mỹ mỗi lúc chồng chất. Phụ nữ bị cưỡng bức hàng loạt; những người quỳ lạy xin tha bị đánh đập và tra tấn bằng tay, bằng báng súng, bị đâm bằng lưỡi lê. Một số nạn nhân bị cắt xẻo với dấu "C Company" ("Đại đội C") trên ngực. Đến cuối buổi sáng thì tin tức của vụ thảm sát đến tai thượng cấp và lệnh ngừng bắn được đưa ra. Nhưng Mỹ Lai đã tan hoang, xác người la liệt khắp nơi.

Vài chục người bị dồn vào một mương nước và xả súng giết chết, một số chỗ khác cũng xảy ra những giết hàng loạt như vậy. Một nhóm lớn gồm khoảng 70 hoặc 80 dân làng nằm trong vòng vây của Trung đội 1 ở trung tâm làng bị thiếu úy William Calley đích thân giết hoặc ra lệnh cho cấp dưới giết. Các binh sĩ của Trung đội 2 đã giết ít nhất từ 60 đến 70 dân làng bao gồm cả đàn ông, đàn bà và trẻ em trong khi đơn vị này càn qua nửa phía bắc của thôn Mỹ Lai 4 và Bình Tây.

Sau cuộc càn quét đầu tiên của Trung đội 1 và 2, Trung đội 3 được lệnh giải quyết bất cứ sự kháng cự còn lại nào. Ngay lập tức lính Mỹ giết tất cả những người và gia súc còn sống nhưng không may bị họ tìm được. Ngay cả những người giơ tay đầu hàng từ chỗ ẩn nấp hoặc những tiếng rên cất lên từ các đống xác người cũng bị những lính Mỹ này giết. Trung đội 3 cũng là đơn vị bao vây và giết một nhóm khoảng từ 7 đến 12 dân thường chỉ gồm phụ nữ và trẻ em.

Vì Đại đội Charlie không gặp bất cứ sự kháng cự nào của Việt Cộng, Tiểu đoàn 4 thuộc Trung đoàn bộ binh số 3 bắt đầu chuyển hướng càn quét sang các xóm của thôn Mỹ Khê 4 và giết khoảng 90 dân thường. Có một binh sĩ Mỹ chết và 7 người khác bị thương vì mìn và bẫy cá nhân. Trong vòng 2 ngày tiếp theo, các đơn vị lính Mỹ tiếp tục việc đốt phá các làng xóm và tra tấn những người bị bắt. Các lính Mỹ nếu không tham gia vào các tội ác thì cũng không phản đối hoặc báo cáo lại nó với cấp trên.




Hành động giải cứu

Chuẩn úy Hugh Thompson, Jr., phi công trực thăng 24 tuổi thuộc đơn vị trinh sát trên không, ngay khi bay qua làng đã chứng kiến cảnh tượng khủng khiếp: Vô số xác người chết, tất cả đều chỉ là trẻ con, phụ nữ và người già, không hề có dấu hiệu của người thuộc độ tuổi tòng quân hay vũ khí ở bất cứ đâu. Đội bay của Thompson tận mắt nhìn thấy đại úy Ernest Medina đá và bắn thẳng vào đầu một phụ nữ không có vũ khí (Medina sau này tuyên bố người phụ nữ có mang một quả lựu đạn). Sau khi chứng kiến những cảnh kinh hoàng này, đội bay Thompson cố gắng thực hiện các cuộc điện đàm để cứu những người bị thương. Chiếc trực thăng của họ hạ cánh xuống một cái mương đầy xác người, trong đó vẫn còn người cử động. Thompson đề nghị một sĩ quan cứu người đó ra khỏi cái mương, viên sĩ quan này trả lời anh ta sẽ "giúp họ thoát khỏi nỗi khốn khổ". Cho rằng đây là một câu đùa, chiếc trực thăng của Thompson cất cánh, ngay lúc đó một người của phi đội thốt lên "Chúa ơi, anh ta đang xả súng vào cái mương".




Thompson sau đó nhìn thấy một nhóm dân thường (lại chỉ bao gồm phụ nữ, trẻ em và người già) trong một căn hầm tạm đang bị lính Mỹ tiếp cận. Chiếc trực thăng của phi đội Thompson hạ cánh và cứu được khoảng từ 12 đến 16 người trong căn hầm. Phi đội Thompson sau đó còn cứu được một đứa bé toàn thân đầy máu nhưng vẫn sống sót từ trong cái mương đầy xác người. Thompson sau đó đã báo cáo lại những gì anh nhìn thấy cho chỉ huy của mình, thiếu tá Watke, trong báo cáo Thompson đã dùng những cụm từ như "murder" (giết người) và "needless and unnecessary killings" (sát hại vô cớ và không cần thiết). Báo cáo của Thompson được các phi công và phi đội khác xác nhận.

Năm 1998 tại thủ đô Washington D.C., ba cựu sĩ quan thuộc phi đội Thompson gồm chỉ huy phi đội Glenn Andreotta, phi công Hugh Thompson và xạ thủ Lawrence Colburn đã được trao tặng Soldier's Medal (Huy chương Chiến sĩ) vì hành động ngăn cản đồng đội giết dân thường.


Hậu quả

Do hoàn cảnh hỗn loạn khi vụ thảm sát xảy ra và việc Lục quân Hoa Kỳ không thực hiện thống kê chính xác số nạn nhân, người ta không biết được hoàn toàn chính xác số dân thường bị lính Mỹ giết hại tại Mỹ Lai. Con số ghi lại tại Khu chứng tích Sơn Mỹ là 504 nạn nhân. Con số do phía Mỹ đưa ra thấp hơn, 347 nạn nhân.




Điều tra về Mỹ Lai

Những báo cáo đầu tiên của các đơn vị lính Mỹ đã tuyên bố rằng "128 Việt Cộng và 22 dân thường" bị giết tại làng sau "cuộc đọ súng ác liệt". Theo báo Stars and Stripes của Lục quân Hoa Kỳ vào thời điểm đó đưa tin thì "Bộ binh Hoa Kỳ đã giết 128 Cộng sản sau một trận đánh đẫm máu kéo dài 1 ngày". Những báo cáo sau này của phía Việt Cộng thì tuyên bố rằng "toàn bộ số người dân bị lính Mỹ giết tại Mỹ Lai đều là dân thường".

Cuộc điều tra đầu tiên về chiến dịch Mỹ Lai được thiếu tướng George H. Young giao cho đại tá Oran K. Henderson, sĩ quan chỉ huy của Lữ đoàn bộ binh nhẹ số 11 phụ trách. 

Henderson đã thẩm vấn một số binh lính tham gia vụ thảm sát, sau đó đưa ra một báo cáo vào cuối tháng 4 ghi nhận rằng khoảng 22 dân thường đã bị giết hại một cách không cố ý trong chiến dịch. Quân đội Mỹ lúc này vẫn coi sự kiện ở Mỹ Lai là một chiến thắng quân sự khi lính Mỹ đã tiêu diệt được 128 lính đối phương.




Sáu tháng sau, Tom Glen, một binh sĩ 21 tuổi của Lữ đoàn 11, đã viết một lá thư cho đại tướng Creighton Abrams (1914-1974), tổng chỉ huy mới của các lực lượng Hoa Kỳ tại Việt Nam. Trong lá thư Tom Glen buộc tội Sư đoàn Americal, tức Sư đoàn bộ binh số 23 (và toàn bộ các đơn vị lính Mỹ khác) liên tục sử dụng bạo lực chống lại dân thường Việt Nam, lá thư không trực tiếp nhắc tới vụ Mỹ Lai vì Tom Glen không biết nhiều về vụ tàn sát. Một trong các sĩ quan được giao phân tích lá thư là Colin Powell (Cựu Ngoại trưởng Hoa Kỳ phục vụ trong chính phủ của tổng thống George W. Bush 2001-2005).

Trong báo cáo phân tích, Powell viết: "Điều phản bác lại những gì miêu tả trong bức thư là sự thật rằng quan hệ giữa binh sĩ Hoa Kỳ và người dân Việt Nam là tuyệt vời", một vài nhà quan sát cho rằng cách thức Powell xử lý lá thư đồng nghĩa với việc rửa sạch sự tàn bạo của quân đội Hoa Kỳ ở Mỹ Lai.

Tháng 5 năm 2004, Powell, khi này đã là Ngoại trưởng Hoa Kỳ, đã trả lời trong chương trình của Larry King trên đài CNN: "Ý tôi là, tôi đã ở trong đơn vị chịu trách nhiệm về vấn đề Mỹ Lai. Tôi ở đó sau khi sự kiện xảy ra. Mà trong chiến tranh thì những vụ việc kinh khủng như vậy vẫn xảy ra, và chúng ta vẫn phải ân hận về chúng".




Vụ thảm sát Mỹ Lai có lẽ sẽ tiếp tục bị che giấu nếu không có bức thư thứ hai của Ron Ridenhour. Ridenhour, một thành viên cũ của Đại đội Charlie và biết về vụ thảm sát qua lời kể của đồng đội, vào tháng 3 năm 1969 đã gửi một lá thư trình bày chi tiết sự kiện Mỹ Lai cho tổng thống Richard M. Nixon, Lầu Năm Góc, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, Bộ Tham mưu Liên quân và một số thành viên của Quốc hội Hoa Kỳ. Phần lớn những người được nhận thư đã bỏ qua tầm quan trọng của nó.

Độc lập với chính phủ, nhà báo Seymour Hersh đã tiến hành cuộc điều tra về vụ Mỹ Lai thông qua các cuộc nói chuyện với thiếu úy William Calley.
- Ngày 12 tháng 11 năm 1969 vụ việc Mỹ Lai vỡ lở. 
- Ngày 20 tháng 11 năm 1969, các tạp chí lớn như Time, Life và Newsweek đồng loạt đăng lên trang bìa vụ thảm sát Mỹ Lai, đài truyền hình CBS cũng phát sóng cuộc phỏng vấn với Paul Meadlo. Tờ Plain Dealer ở Cleveland còn mạnh dạn hơn khi đăng các bức ảnh mô tả những dân thường bị giết trong vụ thảm sát. 
- Tháng 11 năm 1969, tướng William R. Peers được chỉ định điều tra về sự kiện Mỹ Lai và các hành động che giấu của Lục quân Hoa Kỳ. Bản báo cáo cuối cùng, bản báo cáo của tướng Peers, được công bố tháng 3 năm 1970, đã chỉ trích mạnh mẽ việc các sĩ quan cấp cao che giấu vụ việc cũng như những hành động của các sĩ quan thuộc Đại đội Charlie tại làng Mỹ Lai 4. Theo đó :

Các binh lính tiểu đoàn 1 đã giết ít nhất từ 175 đến 200 đàn ông, phụ nữ và trẻ em Việt Nam. Dù trong số bị giết có người ủng hộ hoặc thân với Việt Cộng  nhưng nhiều bằng chứng đã xác nhận rõ chỉ có 3-4 người đích thực là Việt Cộng. Một lính của đại đội được ghi nhận đã vô ý bị thương lúc nạp đạn.




Các phiên tòa



- Ngày 17 tháng 3 năm 1970, Lục quân Hoa Kỳ đã buộc tội 14 sĩ quan, bao gồm cả thiếu tướng Samuel W. Koster, sĩ quan chỉ huy Sư đoàn Americal (Sư đoàn bộ binh số 23), về việc che giấu thông tin liên quan tới sự kiện Mỹ Lai. Phần lớn các lời buộc tội sau đó đã được hủy bỏ. 
- Ngày 17 tháng 12 năm 1971, Chỉ huy lữ đoàn đại tá Oran K. Henderson là sĩ quan duy nhất phải ra tòa án binh về tội che giấu thông tin, dù vậy ông này cũng được tuyên bố trắng án.

Sau phiên tòa 10 tháng, mặc dù đã tuyên bố mình chỉ tuân theo mệnh lệnh của đại úy Medina sĩ quan cấp trên, thiếu úy William Calley bị tòa tuyên là có tội ngày 10 tháng 9 năm 1971 với các tội danh giết người có chủ ý và ra lệnh cho cấp dưới nổ súng. Ban đầu Calley bị tuyên án chung thân nhưng chỉ 2 ngày sau tổng thống Nixon đã ra lệnh thả Calley. Sau cùng Calley chỉ phải chịu án 4 tháng rưỡi ngồi tù quân sự tại Fort Leavenworth, Kansas, trong thời gian này anh ta vẫn được bạn gái thăm nuôi không hạn chế. Trong một phiên tòa khác, Medina phủ nhận việc ra lệnh thảm sát, và được tuyên trắng án ở tất cả các lời buộc tội. Vài tháng sau phiên tòa, Medina thừa nhận đã che giấu bằng chứng và nói dối Henderson về con số dân thường bị giết. Phần lớn các binh lính có dính líu tới vụ thảm sát Mỹ Lai khi phiên tòa xảy ra đã giải ngũ, vì vậy họ được miễn truy tố. Trong số 26 người bị buộc tội, chỉ có duy nhất Calley bị kết án.

Calley cho rằng anh ta nên đặt nhiệm vụ mà Tổ quốc giao cho lên trên cái tôi của mình. Khi tiến vào Mỹ Lai, tất cả đàn ông ở đâu ? Thôn Mỹ Lai toàn là phụ nữ và trẻ em, không có thanh niên nào cả. Điều đó có nghĩa là cha chúng xa nhà đi chiến đấu. Calley tuyên bố những phụ nữ và trẻ em mà anh ta sát hại "chắc chắn là Việt Cộng".

Những người ủng hộ cuộc chiến cho rằng Calley đang làm nhiệm vụ. Phe chống đối thì cho rằng anh ta chỉ là người giơ đầu chịu báng.
- Ngày 9 tháng 11 năm 1974, phát ngôn viên quân đội tuyên bố William Calley được tha bổng.
- Năm 1976, Calley kết hôn. 
- Ngày 19 tháng 8 năm 2009, trong một cuộc tuần hành tại Columbus, Calley 66 tuổi chính thức nói lời xin lỗi với những nạn nhân cũ :
Không một ngày nào mà tôi không cảm thấy hối hận về việc đã xảy ra tại Mỹ Lai. Tôi rất xin lỗi”.


Những người sống sót




Trong vụ thảm sát ở Mỹ Lai, có một số người sống sót nhờ được xác của những người thân che chắn khỏi những làn đạn của lính Mỹ, một trong số đó là Đỗ Ba (Xem hình phía dưới ở mục Tưởng niệm), người đã được phi đội Thompson cứu khỏi cái mương đầy xác chết. Những người sống sót sau đó đã tái định cư tại khu lán trại nằm ở thôn Mỹ Lai 2. Khu định cư này gần như đã bị phá hủy sau cuộc pháo kích và không kích của Quân lực Việt Nam Cộng hòa mùa xuân năm 1972. Vụ phá hủy đầu tiên được đổ cho Việt Cộng nhưng sự thật sau đó đã được các nhân viên Quaker làm việc ở Quảng Ngãi công bố. Vụ việc này sau đó đã được đăng trên tờ New York Times tháng 6 năm 1972.


Tưởng niệm



Nhà báo Seymour Hersh, người phát hiện ra tình huống bi kịch này đã nhận giải thưởng Pulitzer về tường thuật quốc tế năm 1970. Tường thuật của ông được minh họa bằng hình của nhà nhiếp ảnh Ron Haeberle. Người nhiếp ảnh này đã tham dự vào chiến dịch dưới tư cách là phóng viên quân đội chính thức nhằm cung cấp chứng cứ cho cái được gọi là "đếm xác" (body count) của thống kê quân sự. Các xác chết được chụp đã được các sĩ quan xác nhận là của các binh sĩ Việt Cộng đã bị giết. Thế nhưng người ta không gặp một dấu hiệu nào của Việt Cộng trong làng và cũng không gặp kháng cự nào. Mặc dầu vậy, quân đội Mỹ rất hài lòng với cuộc hành quân, không có quân nhân Mỹ nào chết hay bị thương và 128 người chết của phía bên kia. Phải mất 1 năm Hersh mới tìm được một nhà xuất bản sẵn sàng công bố câu chuyện và hình ảnh của ông.

Việc xuất bản này đã đánh dấu một bước ngoặt trong cảm nghĩ của công chúng về Chiến tranh Việt Nam, cả ở Mỹ lẫn trong toàn bộ thế giới phương tây và đã góp phần quyết định vào việc tổng động viên của phong trào chống chiến tranh.

Phạm Duy (1921-2013), một nhạc sĩ nổi tiếng hoạt động ở miền Nam Việt Nam trong một chuyến đi Hoa Kỳ vào năm 1970, được xem những hình ảnh đầy đủ hơn về cuộc thảm sát này, đã viết lên ca khúc Kể chuyện đi xa (Telling Stories Of Travelling Afar)

Ngày nay, Sơn Mỹ đã trở thành một trung tâm tư liệu về sự kiện : Khu chứng tích Sơn Mỹ. Bên cạnh làng cũ là 2 tòa nhà: 1 trường học và 1 trung tâm văn hóa, được xây dựng và tài trợ bởi cựu quân nhân của Chiến tranh Việt Nam.

Đạo diễn chuyên về đề tài chiến tranh Việt Nam Oliver Stone vào năm 2007 đã dự định làm một bộ phim về vụ thảm sát lấy tên Pinkville. Bộ phim sẽ xoay quanh cuộc điều tra của tướng Peers, vai William Peers được giao cho diễn viên Bruce Willis, Woody Harrelson vào sẽ vào vai đại tá Henderson.



Hơn 20 năm qua, năm nào cựu binh Mỹ Roy Mike Boehm cũng về Quảng Ngãi kéo vĩ cầm  bên chân tượng đài tưởng niệm chứng tích Sơn Mỹ cầu siêu cho nạn nhân vụ thảm sát, với hy vọng gửi thông điệp tình yêu hòa bình, hàn gắn nỗi đau chiến tranh.

Cũng mỗi dịp tháng 3, cựu binh Mỹ Billy Kelly lại mang 504 đóa hồng đặt dưới chân tượng đài kèm theo tấm thiệp với dòng chữ:
 “Tôi đến chia buồn với bạn và gia đình... Cả thế giới luôn nhớ về các bạn, luôn chia sẻ nỗi đau buồn và mất mát này".

Còn các thành viên của Tổ chức Mỹ Madison Quackers trao 36 suất học bổng với mỗi suất 1 triệu đồng cho trẻ nghèo vượt khó, học giỏi của Tiểu học số 1 Tịnh Khê, huyện Sơn Tịnh góp phần xoa dịu vết thương chiến tranh ở vùng đất này.

Tin tức về vụ thảm sát Mỹ Lai hâm nóng thêm phong trào phản đối chiến tranh ở Việt Nam. Nhân dân Mỹ và thế giới đòi rút quân đội Mỹ khỏi miền Nam Việt Nam. Một trong những ảnh hưởng quan trọng nhất của vụ Mỹ Lai đối với người Mỹ và thế giới, đó là nó làm thay đổi thái độ của công chúng đối với cuộc chiến tàn bạo này. Những người vốn thờ ơ với cuộc tranh luận về chiến tranh hay hòa bình đã bắt đầu chú ý phân tích cuộc chiến một cách sâu sắc hơn.


Bình luận tùy theo các quan điểm khác nhau

Hơn 500 người già, trẻ em và phụ nữ đã bị giết trong cuộc thảm sát Mỹ Lai. Người Mỹ đã cố tình che giấu cuộc thảm sát xảy ra ở Quảng Ngãi vào ngày 16 tháng 3 năm 1968. Binh lính Hoa Kỳ xem đây là “vùng đất của Việt Cộng” nên thực hiện chính sách xóa trắng vùng đất này.

Đến cuối năm 1967, hầu hết nhà dân trong tỉnh tan hoang vì bom đạn, 140.000 người trở thành vô gia cư.

Dân Mỹ Lai có thể nói toàn làng là Việt Cộng, ngày đội lốt dân đêm trở thành du kích, tiếp tay nuôi dấu những cán bộ nằm vùng mà sau ngày 30 tháng 4 năm 1975 thì ai cũng rõ.

Bình luận về vụ thảm sát Mỹ Lai tùy theo các quan điểm khác nhau. Nhưng coi những bức ảnh này cảm thấy đau xót cho những người bị giết và những nạn nhân còn sống sót, xét theo lương tâm của con người ai mà không có tình yêu thương đồng loại và tha nhân. Trong vụ thàm sát này quân đội Mỹ nhất là thiếu úy William Calley sai hoàn toàn, có lẽ ông ta mất người bạn thân nên nổi cơn điên rồ lên không kềm chế được bản thân nên giết nhiều người vô tội, đó là tội ác do thiếu bình tĩnh thiếu suy xét nó dẫn đến nhiều tai tiếng sau này.


Người lính Mỹ ngăn chặn thảm sát Mỹ Lai qua đời vào ngày 13/12/2016

Ông Lawrence Colburn, một trong số những lính Mỹ từng nỗ lực ngăn chặn vụ binh sĩ nước này thảm sát hàng trăm dân làng thôn Mỹ Lai thời chiến tranh Việt Nam, vừa qua đời ở tuổi 67.

Ông Colburn mất ngày 13/12 tại nhà ở Canton, Georgia, Mỹ. Nói với hãng thông tấn AP qua điện thoại, bà Lisa Colburn cho biết chồng mình qua đời vì căn bệnh ung thư phát hiện hồi cuối tháng 9.

"Một người giàu lòng trắc ẩn, một vị anh hùng trong mắt nhiều người", bà Lisa, vợ của Lawrence Coluburn, nói về người bạn đời.

Lawrence Colburn là xạ thủ trên máy bay trực thăng thuộc đại đội Charlie (Mỹ). Ở tuổi 18, ông đã cùng 2 đồng đội nỗ lực ngăn chặn vụ thảm sát dân làng thôn Mỹ Lai ở Sơn Mỹ, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi.

Ông Đỗ Bá (trái), người sống sót trong vụ thảm sát Mỹ Lai chụp ảnh cùng Lawrence Colburn, người đã cứu ông ngày 16/3/1968. Cuộc gặp diễn ra ngày 15/3/2008,  trong chuyến trở lại Việt Nam của Colburn nhân dịp kỷ niệm 40 năm sự kiện Mỹ Lai. Ảnh: AP.

Sáng 16/3/1968, phi đội 3 thành viên của Colburn được giao nhiệm vụ "rà soát" khu vực Mỹ Lai để xác định vị trí đối phương. Nhưng khi bay ngang qua ngôi làng, cái họ bất ngờ chứng kiến là khung cảnh rùng rợn, yên tĩnh đến kỳ lạ, hàng loạt dân làng chết và bị thương trên đường làng, ngoài đồng.

Họ thả trái khói xanh, dấu hiệu cần cấp cứu y tế, xuống nơi những người cần cứu giúp. Thế nhưng không những không cứu, đám lính bộ binh bên dưới quay lại sát hại luôn những người bị thương.

Hiểu chuyện gì đang xảy ra, ngay lập tức, phi đội của Colburn đã cho hạ máy bay chắn giữa dân làng và đám lính, ngăn cản vụ thảm sát và cứu các nạn nhân.

Nhiều giờ sau, cuộc thảm sát ở Mỹ Lai được báo cáo cho các chỉ huy cấp cao trong quân đội Mỹ. Tuy nhiên, lệnh ngừng bắn đã đến quá muộn. Hơn 504 thường dân đã bị sát hại trong cuộc tắm máu của lục quân Mỹ.

Về Lawrence Colburn, vai trò của ông được đánh giá là then chốt trong việc chặn đứng cuộc thảm sát cách đây gần nửa thế kỷ. Ông là người cuối cùng còn sống trong phi đội 3 người.

Trent Angers, tác giả cuốn "Anh hùng bị lãng quên của Mỹ Lai: Câu chuyện về Hugh Thompson" xuất bản năm 1999, nói với AP rằng Colburn đã "đứng lên, sát cánh cùng Hugh và Glenn để chống lại những kẻ gây ra tội ác với loài người".

"Nếu không có sự hỗ trợ của ông ấy (Colburn), Hugh có thể đã không làm được như vậy", Angers nói thêm.


Ông Thompson (giữa) và Colburn (phải) nhận Huân chương 
Người lính tại Washington, Mỹ năm 1998 . Ảnh: Getty.


Năm 2001, cựu binh Colburn cùng chỉ huy phi đội lúc đó là Hugh Thompson từng được đề cử Giải Nobel Hòa bình vì hành động ngăn cản tội ác chiến tranh này.

Năm 2008, 30 năm sau sự kiện Mỹ Lai, cả hai đều được chính phủ Mỹ trao tặng Huân chương Người lính, phần thưởng cao quý nhất của nước Mỹ cho sự dũng cảm trong các nhiệm vụ không trực tiếp chiến đấu. Họ đã trở về Việt Nam và gửi lại Bảo tàng Sơn Mỹ hai huân chương anh hùng ấy.

"Ông ấy là một người đàn ông vô cùng hiền hòa, với khát khao mãnh liệt về một thế giới hòa bình", bà Lisa chia sẻ về người chồng Lawrence Colburn.




























vendredi 14 mars 2014

SỨC KHOẺ : Lợi ích tuyệt vời của dầu Ô liu (Olive)


Trương Thanh Long
Sưu tầm - Biên soạn - Bình Luận


Khi nói đến dầu Ô liu thì đa số mọi người nghĩ ngay đến tác dụng tuyệt vời trong làm đẹp.
Nhưng ngoài ra, dầu Ô liu còn có rất nhiều công dụng trong việc phòng các bệnh như 
bệnh tim mạch, ngăn ngừa ung thư ruột kết và điều trị táo bón…


Cây Ô liu là một loại cây nhỏ thuộc họ Ô liu (Oleaceae). Bản địa của Ô liu là miền duyên hải Địa Trung Hải. Trái Ô liu là một nông phẩm giá trị ở vùng Địa Trung Hải dùng để làm dầu Ô liu.

Miền duyên hải Địa Trung Hải (Mediterranean Sea - Méditerranée)


Chọn mua, sử dụng và bảo quản dầu olive đúng cách

Tin dùng dầu Ô liu (olive) trong việc nấu nướng hàng ngày và chăm sóc sắc đẹp, chắc hẳn bạn sẽ quan tâm đến việc làm sao chọn được một chai dầu olive có chất lượng tốt, cũng như cách bảo quản đúng và sử dụng hiệu quả. Hiểu được băn khoăn này, Sau dây là cách chọn và bảo quản dầu olive.



Làm sao chọn được chai dầu olive có chất lượng ?

Để chọn đúng loại dầu olive theo nhu cầu, trước hết bạn phải biết phân loại dầu olive. Thông thường, dầu olive có 4 loại :
  1. Dầu Olive đặc biệt nguyên chất (Extra Virgin Olive Oil - EVOO)
    Đây là dầu Olive có chất lượng tốt nhất. Được ép từ phương pháp “ép nguội” truyền thống và không thêm bất cứ hóa chất nào khác. Dầu Olive Extra Virgin có độ acid thấp hơn 0.8% trên 100g. Còn được gọi là dầu EVOO – đặc biệt nguyên chất.
  2. Dầu Olive nguyên chất (Virgin Olive Oil)
    Dầu Olive Virgin được chiết xuất bằng cách ép nguội. Tuy nhiên, độ acid nằm trong khoảng 0.8 đến 2%. Virgin Olive Oil có mùi vi dịu hơn EVOO và khác với dầu Olive tinh chế (Refined olive oil).

    Ghi chú : Dầu Olive tinh chế (Refined) là dầu sản xuất thông qua việc đun nóng hoặc bằng các phương pháp hóa học nên không phải là loại dầu Olive nguyên chất.
  3. Pure Olive Oil
    Pure Olive Oil là sự pha trộn của dầu Olive nguyên chất và dầu Olive tinh chế. Nó có độ acid tối đa là 1%. Loại dầu này thường ít mùi và màu sắc nhạt.
  4. Pomace Olive Oil hoặc Extra light
    Đây là loại dầu được pha trộn giữa dầu Olive tinh chế với vài phần trăm dầu Olive nguyên chất. Thường dùng để đánh bóng đồ vật.

Do đó, nếu muốn sử dụng dầu olive:

- để làm đẹp và ăn sống (cho vào thức ăn dặm của bé, trộn salad, rau củ) bạn nên chọn loại Extra Virgin hoặc Virgin.

- thay cho dầu ăn thông thường, bạn nên mua loại Pure Olive Oil.
- dùng để đánh bóng đồ vật (không dùng cho nấu nướng và làm đẹp), bạn nên mua loại Pomace hoặc Extra light.


Bảo quản dầu olive cũng như các loại dầu ăn khác ?

Nếu bạn nghĩ như vậy thì sai lầm rồi đấy. Sau khi chọn được một chai dầu olive ưng ý, bạn nên chú ý đến cách bảo quản để đảm bảo dưỡng chất trong dầu không bị mất đi sau một thời gian lưu trữ.

Một nghiên cứu đăng trên tạp chí New Scientist đã xác nhận rằng ánh sáng phá hủy rất nhiều các chất chống oxy hóa trong dầu olive. Sau 12 tháng, chai dầu được lưu trữ trong siêu thị bị mất ít nhất 30% tocopherols (vitamin E) và carotenoids, còn mức peroxide (gốc tự do) lại tăng cao, nên không còn được xem là Extra virgin nữa. Do đó :

- Bạn nên bảo quản dầu olive ở nơi khô ráo, thoáng mát, giữ lạnh và tránh ánh sáng. Nếu bảo quản không tốt hoặc để quá thời gian này thì chất lượng dầu olive giảm đi đáng kể cho dù là loại tốt nhất. Lúc đó giá trị dinh dưỡng hay làm đẹp không còn như trước.

- Sau khi mua về thì tốt nhất nên san ra một chai nhỏ để dùng dần nhằm hạn chế quá trình oxy hóa do mở nắp các bạn nhé.


Sử dụng dầu olive thế nào thì hiệu quả ?

Nếu dùng nấu ăn, bạn sử dụng dầu olive như các loại dầu ăn thông thường. Nếu dùng làm đẹp, bạn nên chú ý các điều sau :

Không dùng hàng ngày. Bất kì phương pháp làm đẹp nào (dù là từ thiên nhiên) cũng sẽ gây tác dụng phụ hoặc chí ít là sẽ giảm tác dụng nếu bạn lạm dụng quá mức vì da, tóc bạn cần thời gian nghỉ ngơi và “thở”. Do đó, bạn nên sử dụng dầu olive làm đẹp cách ngày, hoặc chỉ 2-3 lần/ tuần. Nếu muốn sử dụng dầu olive để tắm hàng ngày, bạn nên dùng 1 lượng nhỏ và pha với sữa tắm.

Rửa thật sạch sau khi dùng. Dầu bám rất lâu và khó rửa sạch trên da và tóc, nên bạn phải rửa thật sạch dầu, bằng nước ấm, và sản phẩm tẩy rửa thích hợp (như sữa tắm, dầu gội, sữa rửa mặt…). Dầu còn sót lại trên da sẽ gây bí lỗ chân lông và sinh mụn.

Không được để qua đêm. Dầu olive lưu lại trên da qua đêm sẽ gây bí lỗ chân lông, sinh mụn hoặc làm to lỗ chân lông.


Làm đẹp toàn diện từ dầu olive tại sao không ? 

Các nhà khoa học đã từng khẳng định, olive rất giàu polyfenola, thành phần giúp chống ôxy hoá giúp ngăn quá trình lão hóa cho cơ thể con người, đặc biệt là làn da.

Tác dụng của dầu olive

Dầu olive có tác dụng rất tốt với việc chăm sóc tóc, giúp tóc mượt mà, giảm chẻ ngọn. Vì thế, việc sử dụng dầu olive như một biện pháp chăm sóc cơ thể hàng ngày là một trong những bí quyết đẹp mà chị em không nên bỏ qua. Sản phẩm dầu olive tốt nhất được cho là loại nguyên chất. Với một chai dầu olive cỡ trung bình, bạn nên để trong nhà tắm để tiện cho việc chăm sóc da, tóc mỗi ngày.


Chăm sóc tóc

Dầu olive có tác dụng làm mềm và mượt tóc rất tốt. Mỗi khi gội đầu, bạn hãy nhỏ vào dầu xả 2 giọt dầu olive sau đó mát xa kỹ phần đuôi tóc trong vòng vài phút trước khi xả lại với nước lạnh. Nếu không dùng dầu xả, bạn cũng có thể gội đầu qua một lượt, sau đó cho vài giọt olive vào dầu gội mát xa kỹ tóc và xả lại.

Với những người có nhiều thời gian thì mỗi tuần có thể đắp mặt nạ cho tóc với hỗn hợp 1 quả bơ (avocat) chính, 1 thìa mật ong, 2 thìa olive và ủ trong vòng 20 phút. Sau khi xả lại với nước ấm bạn sẽ thấy mái tóc trở nên bóng mượt, tràn đầy sức sống hơn.


Cách làm dầu ủ tóc

Với phương pháp chăm sóc tóc này, có lẽ bạn sẽ không còn muốn đến tiệm ủ tóc nữa. Thêm nữa, trong thành phần của dầu olive còn có chất sát trùng nên rất tốt cho da đầu bị ngứa. Cách làm cũng rất đơn giản :

- Cho 50ml dầu olive vào một ly thuỷ tinh sạch (nếu bạn có mái tóc dài thì cho nhiều dầu hơn). Sau đó đặt ly dầu vào một tô nước nóng. Ngâm ly dầu cho đến khi dầu trong ly ấm lên mà không nóng quá.

- Trước khi gội đầu khoảng nửa tiếng, chải tóc rồi từ từ thoa dầu olive ấm lên tóc và da đầu. Xoa nhẹ nhàng cho dầu thấm vào tóc. Sau đó, dùng mũ trùm đầu nilông để bọc tóc lại. Ủ tóc trong 30 phút.
- Sau đó gội đầu bình thường. Tóc sẽ trở nên mượt mà, dày và bóng hơn đồng thời da đầu cũng hết ngứa.

Lưu ý : Khi ủ tóc với dầu olive bạn cũng nên massage da đầu để tăng tuần hoàn máu cho da đầu và giúp tóc khoẻ hơn.


Chăm sóc da

- Trộn 1, 2 giọt dầu olive vào sữa rửa mặt dùng để tẩy trang mỗi ngày sẽ giúp da sạch, mịn màng. Đặc biệt với những ai bị mụn đầu đen thì cách này sẽ giúp mụn biến mất. Với những ngày trang điểm nhiều có thể dùng olive để mát xa mặt trong 10 phút sau đó rửa lại với nước ấm sẽ có tác dụng làm sạch da rất tốt.

- Với sữa tắm bạn cũng nên trộn 1 thìa dầu olive vào sữa tắm dùng mỗi ngày. Cách này sẽ giúp cung cấp độ ẩm thêm cho da, tạo làn da sáng đẹp. Bạn có thể bỏ qua bước sử dụng kem dưỡng ẩm sau tắm vì dầu olive đã giúp cung cấp độ ẩm cho da. Dầu olive cũng có thể sử dụng để làm mặt nạ nếu bạn hâm lên ở nhiệt độ 37 độ C, trộn thêm vài giọt mật ong và đắp mặt trong vòng 15 phút. Cách này sẽ giúp làn da mịn màng, căng bóng hơn.


Dầu olive dùng để tẩy trang vùng mắt

Nói ra có thể khó tin nhưng dầu olive có thể được dùng để tẩy trang vùng mắt. Thậm chí mascara bám chặt nhất cũng sẽ đầu hàng với dầu olive. Quan trọng hơn là dầu olive không làm khô phần da vùng mắt và lông mi như những sản phẩm tẩy trang thông thường.

- Thấm một ít dầu olive vào bông gòn tẩy trang rồi nhẹ nhàng áp vào vùng mắt, nhẹ nhàng lau sạch phấn trang điểm và mascara.

- Sau đó, rửa mặt sạch để trôi dầu đi. Đừng quên sử dụng nước hoa hồng và kem dưỡng da sau đó để chăm sóc cho da mặt.


Dầu olive làm sữa dưỡng ẩm cho cơ thể

Tại một số quốc gia như Ấn Độ, việc dùng dầu để dưỡng ẩm cho cơ thể là một thói quen bình thường. Người ta sử dụng dầu olive để massage trước khi tắm nhằm đem lại sự mịn màng cho da, đồng thời giúp máu tuần hoàn tốt hơn. Khi tiết trời lạnh, phương pháp này giúp giữ ẩm cho làn da mà không cần dùng tới quá nhiều sữa dưỡng ẩm. Sau đây là cách massage :

- Ở nơi kín gió, tạm thời cởi đồ ra rồi thoa dầu olive lên cơ thể. Nếu muốn, có thể cho thêm vài giọt tinh dầu vào dầu olive để tăng tính thư giãn.

- Từ từ xoa bóp cơ thể từ trên xuống dưới, chú ý vào những phần hay bị đau nhức. Nếu có thể, hãy nhờ một người thân yêu massage giùm bạn.

- Sau khi massage xong, mặc đồ lại hoặc dùng một khăn lông to ủ ấm người trong vòng 30 phút.

- Cuối cùng, tắm lại với nước để rửa sạch phần dầu trên cơ thể. Nếu bạn có ủ tóc như phần 1 thì hãy gội đầu lúc này luôn nhé.


Chăm sóc : bàn tay, móng tay, môi khô và bàn chân 

- Bàn tay khô, nứt nẻ với các móng bị yếu là vấn đề thường gặp trong mùa hanh khô. Để khắc phục cách này, hãy sử dụng dầu olive bôi lên tay mỗi ngày trong khoảng 1 tháng sẽ thấy bàn tay trở nên đẹp hơn.

- Ngâm móng tay trong dầu olive khoảng 30 phút có thể giúp móng cứng cáp lên, làm giàm triệu chứng móng gồ ghề và dễ trầy xước.

- Môi khô, bôi lên chút dầu olive, đôi môi khô ráp của bạn sẽ nhường chỗ cho một làn môi mềm, căng mọng.

- Bôi dầu lên bàn chân rồi đeo vớ vào trước khi đi ngủ. Cách này sẽ giúp cho đôi bàn chân mềm mại và trị được chứng nứt gót chân.


Tuyệt vời của dầu ôliu


Dầu ôliu rất đa dạng tác dụng, trong đó lợi ích lớn nhất là nó có chứa chất béo không bão hòa đơn (axit oleic). Được sử dụng phổ biến trong các món ăn Địa Trung Hải, dầu ôliu là một loại nước ép tự nhiên giữ nguyên được hương vị, vitamin cũng như các thuộc tính và hương thơm của trái ôliu.

Tác dụng của dầu ôliu trước tiên phải kể đến đó là nó chứa các axit béo không bão hòa đơn và chất chống oxy hóa cao giúp giảm nguy cơ ung thư và các bệnh mãn tính khác. Hầu hết các nghiên cứu đều cho rằng dầu ôliu tốt cho trái tim thông qua việc giảm cholesterol xấu và tăng cholesterol tốt (có lợi cho sức khỏe).

Vượt lên trên tất cả các loại dầu thực vật khác, dầu olive nguyên chất (Extra Virgin Olive Oil ) có một tác dụng đặc biệt tốt cho sức khỏe của tim nhờ nồng độ chất chống dưỡng hóa cao trong thành phần của nó. Đây là một kết quả nghiên cứu mới công bố của những nhà chuyên môn từ Âu châu.

Các nhà nghiên cứu nói rằng những người thường xuyên dùng dầu olive nguyên chất (Extra Virgin Olive Oil) với hàm lượng chống dưỡng hóa - được gọi là polyphenol - cao sẽ có trái tim khỏe mạnh hơn những người dùng dầu olive thường.

Theo bác sĩ Maria-Isabel Covas, trưởng nhóm nghiên cứu của Viện Nghiên cứu y khoa Barcelona (Tây Ban Nha), tất cả các loại thực vật lấy dầu khác cũng rất giàu polyphenol, nhưng trải qua quá trình chiết xuất, nó đã bị mất đi. Còn dầu olive thường, sở dĩ không có nhiều polyphenol trong thành phần là bởi nó đã bị pha trộn. Nghiên cứu được thực hiện trên 200 người đàn ông, ở tuổi trung niên, với thời gian thực hiện 3 tuần, theo cách: mỗi nhóm 3 người, trong đó 1 người dùng dầu olive nguyên chất với hàm lượng polyphenol cao, 2 người còn lại dùng loại dầu olive thường đã được pha chế làm giảm hàm lượng polyphenol. Họ tất cả đều được áp dụng một thực đơn không có các loại chất béo khác.

Kết quả : Nhóm những người dùng dầu olive nguyên chất sau 3 tuần đã đạt được chỉ số HDL (cholesterol tốt) ở mức lý tưởng, trong khi oxidative - một thành phần hóa học tạo sự lắng đọng LDL (cholesterol xấu) dẫn đến chứng xơ cứng động mạch - giảm rõ rệt.

Tuy nhiên, bác sĩ Maria-Isabel Covas cũng nói rằng họ chưa đưa ra lời khuyên về một sự thay thế hoàn toàn các loại dầu thực vật khác bằng dầu olive, vì cần phải tiến hành những cuộc thử nghiệm lâm sàng trên diện rộng mới có thể khẳng định chắc chắn lợi thế sức khỏe của loại thực phẩm này.


Giá trị đối với sức khỏe



Làm khỏe hệ tim mạch

Các nghiên cứu cho thấy người tiêu thụ 25 ml dầu ôliu mỗi ngày trong một tuần sẽ có tác dụng làm giảm cholesterol có hại và tăng cường khả năng chống oxy hóa. Các axít béo, chất chống ôxy hóa và silicium có trong dầu ô-liu giúp cân bằng hàm lượng cholesterol và bảo vệ động mạch. Vì thế, hãy thay thế dầu ăn hằng ngày bằng dầu ô-liu kết hợp với nhiều loại khác nhằm đa dạng hóa nhu cầu của cơ thể.


Giúp tiêu hoá tốt

Trước khi ăn tiệc, nên dùng vài trái ô-liu cho món khai vị giúp tráng dạ dày mà không làm no. Ngoài ra, để kích thích quá trình chuyển hoá và cân bằng của ruột hãy kết hợp với dầu ô-liu với chất xơ và chế phẩm từ sữa lên men đồng thời uống thêm nhiều nước.


Chống táo bón

Dầu ô-liu còn có khả năng chống táo bón, thích hợp với người ít vận động và bị stress. Có thể sử dụng từ 1 đến 2 muỗng cà phê dầu ô-liu để uống vào lúc sáng sớm trước bữa điểm tâm.


Dầu ôliu cũng tốt cho đường tiêu hóa

Dùng một muỗng canh dầu ôliu khi bụng đói sẽ giúp giảm chứng ợ nóng và khó chịu ở dạ dày.


Có lợi cho người bị bệnh viêm dạ dày

Dầu ôliu còn có lợi cho người bị bệnh viêm dạ dày và viêm loét 12 đốt đường ruột, đồng thời nó có thể kích thích dịch mật bài tiết, làm cho chất mỡ giảm thấp và hòa tan, dễ được niêm mạc đường ruột hấp thụ. Dầu ôliu cũng có khả năng làm giảm sự hình thành sỏi mật.


Ngăn ngừa ung thư ruột kết

Dầu ôliu còn có tác dụng rất lớn trong việc ngăn ngừa ung thư ruột kết. Các nghiên cứu đã chỉ ra những người tăng cường tiêu thụ dầu ôliu sẽ ít rủi ro bị ung thư ruột kết so với những người không sử dụng.


Trị chứng rụng tóc

Một tác dụng khác của dầu ôliu là trị chứng rụng tóc. Nhẹ nhàng mát xa da đầu với dầu ôliu mỗi ngày trước khi đi ngủ và gội đầu sạch vào buổi sáng hôm sau trong khoảng một tuần, bạn sẽ thấy mái tóc của mình được cải thiện đáng kể.


Có ích cho hệ xương

Chất chống ô xy hoá thiên nhiên và axit béo omega-3 trong dầu ô liu đóng vai trò quan trọng trong việc hấp thụ khoáng chất như canxi, photpho, kẽm của cơ thể, từ đó thúc đẩy hệ xương phát triển, duy trì mật độ cho xương, giảm bớt nguy cơ hình thành loãng xương do các gốc tự do gây ra.


jeudi 6 mars 2014

LỊCH SỬ : Chiến tranh Đông Dương (1946 – 1954)


Trương Thanh Long
Sưu tầm - Biên soạn - Bình Luận

Bạn có thể bấm vào đây để xem tài liệu mới cập nhật. 




Khái niệm Chiến tranh Đông Dương, tùy theo các quan điểm khác nhau, có thể nói đến 4 cuộc chiến tranh đã diễn ra tại Đông Dương trong thế kỷ 20 nhưng chỉ có hai trận chiến đầu được gọi là chiến tranh Đông Dương lần 1 và 2. Sự định hướng này có mục đích chỉ hướng đến một số bài có liên quan khác :

1. Chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất, hay Chiến tranh Đông Dương (1946-1954)

2. Chiến tranh Đông Dương lần thứ hai, hay Chiến tranh Việt Nam (1954-1975)

3. Chiến dịch phản công biên giới Tây-Nam Việt Nam

4. Chiến tranh biên giới Việt-Trung, 1979



Chiến tranh Đông Dương (Indochina War - Guerre d'Indochine), ở Việt Nam được gọi là Kháng chiến chống Pháp,  là cuộc chiến diễn ra tại Đông Dương thuộc Pháp từ ngày 19 tháng 12 năm 1946 tới 1 tháng 8 năm 1954, giữa một bên là quân viễn chinh và lê dương Pháp (foreign Legion – Légion étrangère) cùng các lực lượng đồng minh bản xứ bao gồm lực lượng của Quốc gia Việt Nam (Quốc trưởng là cựu hoàng Bảo Đại), Vương quốc Lào, Vương quốc Campuchia, trong Liên bang Đông Dương, bên kia là lực lượng Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (ở Việt Nam được gọi là Việt Minh) cùng các lực lượng kháng chiến khác của Lào và Campuchia.




Đây là giai đoạn đầu tiên trong cuộc kháng chiến chống Pháp 30 năm của Việt Minh với mục tiêu giành độc lập cho Việt Nam (giai đoạn 2 là cuộc chiến với Hoa Kỳ 1955-1975). Cuộc chiến diễn ra trên khắp Việt Nam và lan ra cả các nước láng giềng Lào và Campuchia, nhưng chiến sự chính diễn ra chủ yếu tại miền Bắc Việt Nam. Sau 9 năm sa lầy và với thất bại tại trận Điện Biên Phủ, Pháp buộc phải chấp nhận ký kết Hiệp định Genève trao trả độc lập cho Việt Nam.

Cuộc chiến tranh này ở Việt Nam còn được gọi là Chiến tranh chống thực dân Pháp và can thiệp Mỹ (do sau năm 1949 đa số chiến phí của Pháp là do Hoa Kỳ viện trợ). Các tài liệu nghiên cứu, sách báo ở nước ngoài phần lớn gọi là Chiến tranh Việt-Pháp hoặc Chiến tranh Đông Dương.

Pháp tham gia cuộc chiến này thời gian đầu với lý do vì ý muốn giữ Đông Dương là Liên bang Đông Dương (Union Indochinoise : Việt -Miên-Lào) tự trị trong Liên hiệp Pháp mới được thành lập, theo tuyên bố ngày 24 tháng Ba năm 1945 của Chính phủ lâm thời Charles de Gaulle và sau quy định trong Hiến pháp 1946, sau khi người Nhật đã bại trận và mất quyền kiểm soát Đông Dương. Đây là lý do chính trị và tâm lý hơn là kinh tế. Những người Pháp ủng hộ cuộc chiến cho rằng nếu Pháp để mất Đông Dương, sở hữu của Pháp hải ngoại sẽ nhanh chóng bị mất theo. Đa số lãnh đạo Pháp cho rằng so với một cuộc xâm chiếm thuộc địa (colonial) cổ điển với việc chiếm giữ các trung tâm dân số và mở rộng dần theo kiểu "vết dầu loang" mà người Pháp đã thực hiện rất thành công ở Maroc và Algérie, cuộc chiến này sẽ chỉ có quy mô hơn một chút. Tuy nhiên, mặc dù Pháp chiếm ưu thế quân sự trong thời gian đầu, lực lượng Việt Minh đã phát triển ngày càng mạnh và kiểm soát được nhiều vùng lãnh thổ ngày càng rộng.

Trong khi đó, mục tiêu của Việt Minh và các nhóm kháng chiến khác là giành độc lập cho dân tộc mình. Cuộc chiến giữa một cường quốc trên thế giới và một đất nước nghèo nàn lạc hậu đã diễn.

Sau Đệ nhị thế chiến bắt đầu từ năm 1937/1939 và chấm dứt vào năm 1945 (Đệ nhất thế chiến diễn ra từ tháng 8 năm 1914 đến tháng 11 năm 1918) giữa các lực lượng Đồng Minh Liên Xô - Hoa-Kỳ - Liên Hiệp Anh và khối Trục Đức - Ý - Nhật Bản, trên lãnh thổ của Pháp đã bùng nổ nhiều phong trào đòi độc lập, nhưng thất bại mở màn gây hiệu ứng dây chuyền và thiệt hại lớn nhất cho Pháp là Chiến tranh Đông Dương.


Sau đây là bản tóm lược của Chiến tranh Đông dương :





Lịch sử

Vào thời Pháp thuộc


Quân Pháp tấn công quân Thanh ở Lạng Sơn vào ngày 13/02/1885


Năm 1858, Hải quân Pháp đổ bộ vào cảng Đà Nẵng và sau đó xâm chiếm Sài Gòn.

Năm 1862, vua Tự Đức ký hiệp ước nhượng Sài Gòn và ba tỉnh lân cận cho Pháp.

Năm 1869, Pháp chiếm nốt ba tỉnh kế tiếp để tạo thành một lãnh thổ thực dân Cochinchine (Nam kỳ).

Đến năm 1885, Pháp xâm chiếm xong những phần còn lại của Việt Nam qua những cuộc chiến phức tạp ở miền Bắc. Theo chính sách "Chia để trị", Pháp chia Việt Nam thành 3 phần Bắc - Trung - Nam kỳ. Pháp tuyên bố là họ sẽ trực tiếp kiểm soát Nam Kỳ, trong khi "bảo hộ" Bắc kỳ và Trung kỳ (nơi triều đình bù nhìn nhà Nguyễn được Pháp cho tiếp tục "cai trị"). Trong suốt thời kỳ từ khi Pháp bắt đầu xâm chiếm Việt Nam, đã có nhiều cuộc khởi nghĩa và phong trào chống Pháp do vua, quan, hoặc nông dân tổ chức, nhưng tất cả đều bị thất bại.


Nguyễn Thái Học (1902-1930)


Năm 1927, những người Việt cấp tiến đã thành lập Việt Nam Quốc dân Đảng (được gọi tắt là Việt Quốc, Nguyễn Thái Học là người thành lập tại Hà Nội do sáng lập). Mục tiêu của Đảng là :

Làm một cuộc cách mạng quốc gia, dùng võ lực đánh đổ chế độ thực dân phong kiến, để lập nên một nước Việt Nam Độc lập Cộng hòa. Đồng thời giúp đỡ các dân tộc bị áp bức trong công cuộc tranh đấu giành độc lập của họ, đặc biệt là các lân quốc: Ai Lao, Cao Miên.




Đến năm 1930, sau khi cuộc khởi nghĩa Yên Bái thất bại, Việt Nam Quốc dân Đảng bị suy yếu nghiêm trọng. Cùng năm, những người Việt theo chủ nghĩa Marx-Lenin thành lập Đảng Cộng sản Đông Dương (đại biểu của giai cấp công nhân, người lao động và lấy chủ nghĩa Marx-Lenin / Marxism-Leninism và tư tưởng Hồ Chí Minh làm kim chỉ nam cho mọi hoạt động của Đảng), nhưng cũng mau chóng trở thành mục tiêu tiêu diệt của Pháp, khi bùng nổ cao trào cách mạng năm 1930-1931, và sau này mặc dù tổ chức của họ thân thiện với Mặt trận Bình dân trong chính quyền Pháp.


Trong Chiến tranh thế giới thứ hai




Năm 1940, Nhật tấn công Đông Dương và nhanh chóng thỏa thuận được với chính quyền Vichy ở Pháp (Thống chế Philippe Pétain thành lập chính phủ này  để hợp tác với Phát xít Đức  từ tháng 7 năm 1940 đến tháng 8 năm 1944 trong Chiến tranh thế giới lần thứ hai) để Nhật toàn quyền cai trị Đông Dương. Pháp chỉ tồn tại đến tháng 3 năm 1945 khi Nhật lật đổ Pháp trên toàn bộ Đông Dương. Ngay sau đó, Nhật bảo trợ thành lập chính phủ Việt Nam do quốc trưởng Bảo Đại (1913-1997) đứng đầu với thủ tướng là Trần Trọng Kim (1883 – 1953). Cũng như các chính phủ khác ở những vùng bị Nhật chiếm đóng (Mãn Châu quốc, Triều Tiên, Chính phủ Uông Tinh Vệ...), chính phủ này không có thực quyền khi tài chính và nhân lực đều do quân Nhật nắm giữ.

Năm 1941, Hồ Chí Minh thành lập Việt Nam Độc lập Đồng minh Hội (viết tắt là Việt Minh) với vai trò một mặt trận thống nhất để giành độc lập. Tổ chức này do Đảng Cộng sản Đông Dương lãnh đạo.

Tháng 12 năm 1944, đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, lực lượng vũ trang của Việt Minh và tiền thân của Quân đội Nhân dân Việt Nam, được thành lập tại Cao Bằng. Khẩu hiệu ban đầu của Việt Minh là phản Pháp - kháng Nhật - liên Hoa - độc lập

Ban đầu lực lượng Việt Minh nhận được sự ủng hộ của phe Đồng minh, bao gồm cả Mỹ và Trung Quốc. Hồ Chí Minh nhận thấy Mỹ đang muốn đóng vai trò lớn hơn ở khu vực Thái Bình Dương, ông đã làm tất cả để thiếp lập mối quan hệ với Hoa Kỳ thông qua việc giải cứu các phi công gặp nạn trong chiến tranh với Nhật Bản. Đổi lại, cơ quan tình báo Hoa Kỳ OSS (U.S Office of Strategic Services) giúp đỡ y tế, cố vấn và huấn luyện quân đội quy mô nhỏ cho Việt Minh.

Từ tháng 3 năm 1945, Việt Nam rơi vào một tình trạng hỗn loạn do khoảng trống về quyền lực chính trị quá lớn. Người Nhật đang lo chống đỡ các đòn tấn công của quân đội đồng minh Anh-Mỹ. Cả chính phủ của Trần Trọng Kim lẫn triều đình của Bảo Đại đều không đủ lực lượng quân sự và uy tín chính trị để kiểm soát tình hình. Chiến tranh đã làm kiệt quệ nền kinh tế, nước Nhật cạn kiệt nguyên liệu nên quân Nhật chiếm lấy lúa gạo và các sản phẩm khác, bắt dân phá lúa trồng đay để phục vụ chiến tranh, cộng thêm thiên tai và nạn đói năm Ất Dậu đã xảy ra tại miền Bắc Việt Nam trong khoảng từ tháng 10 năm 1944 đến tháng 5 năm 1945 làm khoảng từ 400.000 đến 2 triệu người dân chết đói.

Ngày 11 tháng 3 năm 1945 Vua Bảo Đại tuyên bố độc lập, thu hồi chủ quyền trên danh nghĩa ở ba miền Bắc - Trung - Nam, tiếp sau đó là Campuchia ngày 13 tháng 3 và Lào ngày 8 tháng 4. Trong tuyên bố của Bảo Đại, bãi bỏ các hiệp ước bảo hộ và mất độc lập với Pháp trước đây, độc lập theo tuyên ngôn Đại đông Á, và ông cũng như Chính phủ Việt Nam tin tưởng lòng trung thực của Nhật Bản và nó được xác định làm việc với các nước để đạt được mục đích.

Ngày 7 tháng 4 năm 1945, Bảo Đại ký đạo dụ số 5 chuẩn y thành phần nội các Trần Trọng Kim.

Ngày 12 tháng 5 năm 1945 giải thể Viện Dân biểu Trung Kỳ.

Tháng 6 năm 1945, chính phủ Trần Trọng Kim đặt quốc hiệu là Việt Nam.




Ngày 16 tháng 8 năm 1945, Trần Trọng Kim tuyên bố bảo vệ độc lập giành được 9 tháng 3 năm 1945, và ngày 18 tháng 8 năm 1945 tạo ra một ủy ban giải phóng dân tộc, nhóm tất cả các đảng phái chính trị để lãnh đạo cuộc chiến này. Theo lời khuyên của ông Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Bảo Đại gửi thông điệp cho Tổng thống Mỹ Harry S. Truman (1884–1972), vua nước Anh George VI (1895–1952), Thống chế Tưởng Giới Thạch (1887-1975), Tướng Charles de Gaulle đề nghị công nhận độc lập của Việt Nam. Tuy nhiên đến 24 tháng 8 Trần Trọng Kim đã thực hiện câu trả lời Hội đồng Cơ mật quyết định thoái vị để không phải là một trở ngại cho sự giải phóng của đất nước.

Ngày 18 tháng 8 năm 1945, vua Bảo Đại đã xác nhận độc lập của Việt Nam sau khi Nhật đầu hàng, được công bố vào tháng 3 tháng 8 năm 1945 và đồng thời gửi một thông điệp đến Tướng Charles De Gaulle yêu cầu công nhận nền độc lập của Việt Nam. Thông điệp này cho rằng sự độc lập của Việt Nam chỉ có nghĩa là bảo vệ lợi ích của Pháp và ảnh hưởng tinh thần Pháp ở Đông Dương.


Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (Việt Minh) được thành lập




Ngay sau khi Nhật Bản đầu hàng quân Đồng Minh, lực lượng Việt Minh đã tổ chức thành công cuộc Cách mạng tháng Tám.

Ngày 2 tháng 9 năm 1945, Hồ Chí Minh tuyên bố tên gọi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa nhưng có sự thanh trừng chính trị ở cấp địa phương hay loại bỏ chủ nghĩa tư bản, chia sẻ đất, tịch thu tài sản của những người giàu.


Pháp quay trở lại Đông Dương

Ngày 6 tháng 9 năm 1945, ở miền Nam phái bộ quân sự Anh đã có mặt ở Sài Gòn, theo sau là liên quân Anh-Pháp. Quân Anh theo lệnh Đồng Minh vào giám sát quân Nhật đầu hàng nhưng đồng thời cũng tạo điều kiện cho quân Pháp vào Nam Bộ. Chính phủ lâm thời của Cộng hòa Pháp muốn khôi phục lãnh thổ Đông Dương với cơ chế tự trị.

Ngày 19 tháng 9 năm 1945, Pháp tuyên bố sẽ lập chính quyền tại miền Nam.




Ngày 23 tháng 9 năm 1945, với sự giúp đỡ của quân Anh, quân Pháp nổ súng chiếm quyền kiểm soát Sài Gòn (ngày này sau được Việt Nam gọi là ngày Nam Bộ Kháng chiến). Nước Việt Nam vừa giành được độc lập đã phải đối đầu với quân đội nước ngoài. Cựu hoàng Duy Tân (1900-1945) sau khi được Tướng Charles De Gaulle đồng ý trở lại Việt Nam trên cương vị Hoàng đế, đưa ra đề xuất thẳng thừng đòi hỏi sự thống nhất của ba miền Bắc-Trung-Nam, nền độc lập của đất nước thông qua thời gian, liên kết cần thiết và hữu cơ giữa Việt Nam, Campuchia và Lào.

Ngày 25 tháng 9 năm 1945, ở Tân Định (Sài Gòn), khoảng 300 người Pháp bao gồm đàn ông, phụ nữ và trẻ em bị bắt cóc và một nửa trong số họ bị giết.

Ngày 9 tháng 10 năm 1945, Anh chấp thuận Pháp là cơ quan duy nhất ở Đông Dương về phía nam vĩ tuyến 16. Tướng Pháp Leclerc đến Sài Gòn, theo ông là lực lượng gồm 40.000 quân Pháp để chiếm giữ miền Nam Việt Nam và Campuchia.

Từ cuối tháng 9 năm 1945, các đoàn quân Việt Minh bắt đầu lên đường vào Nam chống Pháp. Các tướng lĩnh quan trọng như Nguyễn Bình, Nguyễn Sơn... được cấp tốc cử vào Nam. 

Từ cuối tháng 10, quân Pháp bắt đầu đẩy mạnh kế hoạch phá vây, mở rộng đánh chiếm ra vùng xung quanh Sài Gòn và các tỉnh Nam Bộ.

Ngày 4 tháng 12 năm 1945, với mong muốn đất nước thống nhất và độc lập trong một thời gian ngắn, cựu hoàng Duy Tân đã có cuộc đàm phán với Tướng Charles De Gaulle, mong muốn lá cờ Pháp và cờ ba màu và ba thanh đại diện ba kỳ sẽ bay ở Việt Nam.

Ngày 24 tháng 12 năm 1945, máy bay chở Duy Tân gặp nạn tại Trung Phi, những người đi trên máy bay đều thiệt mạng.

Ngày 7 tháng 1 năm 1946, Pháp và Vương quốc Campuchia ký hiệp ước chấp thuận Vương quốc Campuchia là quốc gia tự trị, thành viên Liên hiệp Pháp. Một hiệp ước tương tự được ký với Vương quốc Lào ngày 27 tháng 8.


Thành lập Chính phủ Liên hiệp




Sau một số xung đột, Việt Minh đồng ý hợp tác với các đảng phái Quốc gia như Việt Nam Quốc dân Đảng, Việt Nam Cách mệnh Đồng minh Hội, Đại Việt Quốc dân Đảng thành lập Chính phủ Liên hiệp Lâm thời thay thế Chính phủ Cách mạng Lâm thời. Tuy nhiên chức trách các Bộ cũng thay đổi. Bộ trưởng Quốc phòng trở thành người lo về tài chính mà không được xem xét danh sách nhân sự, quân số, súng đạn còn các Bộ trưởng khác của các đảng phái Quốc gia chẳng có chức trách cụ thể gì, không bao giờ được tham dự bất cứ buổi họp nào của nội các.

Ngày 6 tháng 1 năm 1946, Chính phủ Liên hiệp Lâm thời do Hồ Chí Minh đứng đầu đã tổ chức cuộc Tổng tuyển cử trên toàn quốc, lần đầu tiên đã bầu Quốc hội và thông qua Hiến pháp. Nhiều đảng phái không có quyền tham gia Tổng tuyển cử đã tìm cách phá hoại. Các đảng này cho là trúng cử chỉ là Việt Minh cộng sản, chính quyền trong tay nên Việt Minh muốn ai trúng cũng được. Mặc dù bị nhiều đảng phái tuyên truyền vận động dân chúng tẩy chay cuộc bầu cử và ngăn cản việc tổ chức bầu cử ở một số nơi, nhưng tại các địa phương, ở đâu cũng có người tự ứng cử, các cuộc tiếp xúc tranh cử công khai, tự do diễn ra ở khắp mọi nơi. Theo Việt Minh, cuộc bầu cử diễn ra công bằng. Tuy nhiên, lá phiếu không bí mật và theo quan sát của sử gia Trần Trọng Kim thì có nơi người dân bị cưỡng bách bầu cho Việt Minh.

Ngày 2 tháng 3 năm 1946, sau khi Quốc hội được bầu, Chính phủ Liên hiệp Kháng chiến được thành lập để thay thế Chính phủ Liên hiệp Lâm thời. Ở các địa phương, các cấp chính quyền liên hiệp được thành lập trong năm 1946. Theo thỏa thuận với Việt Minh, phe đối lập bao gồm một số tổ chức như Việt Nam Cách mạng Đồng minh hội và Việt Nam Quốc dân Đảng được Trung quốc ủng hộ, không tham gia Tổng tuyển cử nhưng vẫn được nắm 70 ghế Quốc hội cùng nhiều vị trí trong chính quyền trung ương do chính sách hòa hợp các đảng phái của Chính phủ. Trong hồi ký Những năm tháng không thể nào quên, đại tướng Võ Nguyên Giáp nhận định các đảng phái này lo sợ thất bại trước sức ủng hộ lớn của cử tri với mặt trận Việt Minh nên không tham gia bầu cử.

Trong thời gian hoạt động, Chính phủ đã tiếp tục thực hiện các biện pháp, chính sách để giữ vững nền độc lập của nước Việt Nam dân chủ non trẻ. Về đối nội đã kêu gọi các đảng phái đoàn kết phụng sự quốc gia, thực hiện các chính sách kinh tế, quốc phòng, văn hóa, giáo dục. Hồ Chí Minh giao cho Võ Nguyên Giáp và Trần Quốc Hoàn, sau này trở thành Bộ trưởng Công an, nhiệm vụ vô hiệu hóa các cuộc biểu tình do Việt Nam Quốc dân Đảng và Việt Nam Cách mệnh Đồng minh Hội tổ chức nhằm chấm dứt hoạt động tuyên truyền của các đảng này trong dân chúng. Khi có lộn xộn, lính Trung Quốc bắn chỉ thiên, xông vào giải tán đám biểu tình để vãn hồi trị an. Việt Nam Quốc dân Đảng hoảng hốt khi người Trung Hoa không giúp được gì nhiều trong việc chống lại Việt Minh như họ mong đợi.


Diễn biến

Giai đoạn 1946-1949

Cuộc chiến tại các đô thị phía Bắc




Tại Hà Nội, đúng 20 giờ ngày 19 tháng 12 năm 1946, công nhân Nhà máy điện Yên Phụ phá máy, 20 giờ 3 phút, đèn điện trong thành phố vụt tắt, ít phút sau, pháo binh Việt Nam từ pháo đài Láng bắn dồn dập vào Thành. Sau đó, Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến của Hồ Chí Minh được phát trên Đài Tiếng nói Việt Nam, đăng trên báo Cứu quốc và các báo Hà Nội, với lời thề quyết tử: "Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ!".

Hưởng ứng Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, các lực lượng vũ trang của chính quyền Việt Minh đã nổ súng chống Pháp tại nhiều khu vực thành thị trên cả nước: Hà Nội, Nam Ðịnh, Vinh, Huế, Đà Nẵng... hoàn thành nhiệm vụ bao vây kìm chân và tiêu diệt quân Pháp, tạo thời gian cần thiết để quân chủ lực tản về các căn cứ ở nông thôn và để các cơ quan, công xưởng di chuyển lên vùng chiến khu.

Chiến sự ác liệt nhất diễn ra tại Hà Nội. Tại đây, quân Pháp phải chiến đấu giành giật từng con phố và phải chịu thương vong lớn, khoảng 100 lính Pháp được coi là bị giết, 45 công dân Châu Âu thiệt mạng, 200 người mất tích. Trong một hoàn cảnh chiến đấu vô cùng khó khăn và chênh lệch về vũ khí, sau 57 ngày đêm chiến đấu trong lòng thành phố, đến đêm 17 tháng 2 năm 1947 Trung đoàn Thủ Đô mới rút ra khỏi nội thành. Đa số nhân dân Hà Nội và vùng ven cũng đã bỏ thành phố vượt sông Hồng tản cư lên phía Bắc, tạo thế "vườn không nhà trống".

Các nỗ lực ngoại giao

Hồ Chí Minh vẫn chưa bỏ cuộc trong việc tìm kiếm một giải pháp hòa bình. 

Ngay ngày đầu tiên của cuộc chiến, Việt Minh rải truyền đơn trên đường phố Hà Nội thông báo với "nhân dân Pháp" rằng chính phủ Việt Nam sẵn lòng tồn tại hòa bình trong Liên hiệp Pháp, rằng chiến tranh nổ ra là do "bọn thực dân phản cách mạng tìm cách chia rẽ và gây chiến", rằng chỉ cần Pháp công nhận độc lập và thống nhất của Việt Nam thì thái độ hợp tác và hiểu biết lẫn nhau giữa hai dân tộc sẽ được lập tức khôi phục.

Ngày hôm sau, đài Việt Minh bắt đầu định kì phát các lời kêu gọi tái đàm phán.

Ngày 23 tháng 12 năm 1946, Hồ Chí Minh viết thư cho Marius Moutet (1876-1968), Bộ trưởng Bộ các lãnh thổ thuộc địa, và tướng Leclerc, đề nghị một cuộc họp giữa đại diện cả hai bên. Một vài ngày sau, ông chính thức đề nghị ngừng bắn và tổ chức một cuộc hội nghị hòa bình mới tại Paris trong khuôn khổ Hiệp định sơ bộ hồi tháng 3. 

Ngày 19 tháng 4 năm 1947, Hồ Chí Minh gửi thông điệp đến Chính phủ Pháp, đề nghị nối lại đàm phán trên cơ sở "hai nước anh em trong Liên hiệp Pháp, một liên hiệp của những người tự do, hiểu biết và yêu thương nhau".




Nhưng tất cả đều không đem lại kết quả gì, người Pháp muốn có phản ứng quân sự mạnh trước khi tính đến chuyện đàm phán. Emile Bollaert, Cao ủy Pháp mới được bổ nhiệm từ tháng 3 năm 1947, được tướng Leclerc khuyên đàm phán bằng mọi giá. Những người thân cận ông như Pierre Messmer và Paul Mus cũng thiên về chiều hướng đối thoại. Nhưng đã có hơn 1.000 binh sĩ Pháp chết hoặc mất tích, và cộng đồng người Pháp ở Đông Dương phản đối kịch liệt việc thương lượng với Việt Minh.

Ngày 23 tháng 4 năm 1947, qua Bộ trưởng Bộ ngoại giao Việt Nam Hoàng Minh Giám, Hồ Chí Minh lại gửi thông điệp tới Bollaert đề nghị ngừng bắn lập tức và đàm phán. Tự tin vào ưu thế quân sự, Bollaert đáp lại bằng một loạt các điều kiện đòi quân đội Việt Nam hạ vũ khí trước khi khôi phục hòa bình. Hồ Chí Minh từ chối thẳng các yêu cầu này khi Paul Mus đến chiến khu Việt Bắc gặp ông để truyền đạt thông điệp trên.


Diễn biến tại Lào và Campuchia

Tại Lào, sau khi thất thủ năm 1946, Lào Issara tan vỡ năm 1949. Các các lực lượng kháng chiến Lào thân Việt Nam thành lập Mặt trận Lào Issara.

Tháng 1 năm 1949, lực lượng kháng chiến lập các chiến khu ở Thượng Lào, Đông Bắc Lào và Tây Lào. 

Đại hội toàn quốc kháng chiến Lào nhóm hợp 8 năm 1950 thành lập chính phủ do Hoàng thân Souphanouvong đứng đầu. Chính phủ Souphanouvong tiếp tục trở thành Đồng minh của Việt Minh kế tục Chính phủ Lâm thời Lào tự do.


Thế trận những năm 1947-1949




Mùa hè năm 1947, lực lượng chủ lực của quân đội Việt Minh có khoảng 60.000 người, chưa kể tự vệ và du kích địa phương. Vũ khí thiếu, chủ yếu là do tự tạo và lấy được của Pháp. Yếu về hỏa lực nhưng cơ động và có hỗ trợ lớn của nhân dân, các tiểu đoàn Việt Nam ngày càng có khả năng tránh các trận càn của Pháp và tấn công đối phương lại những nơi mình lựa chọn. Quân chủ lực chính quy của Việt Nam tổ chức như quân đội phương Tây, nhưng thừa kế nhiều kinh nghiệm chiến tranh cổ truyền của Việt Nam. Quân đội và Chính quyền Việt Minh tổ chức lực lượng dân quân du kích là những chiến sĩ bán quân sự, nửa bí mật nửa công khai, sống tại nhà, vừa làm ruộng vừa chiến đấu trong lòng địch.

Hoàn thành việc đánh rộng ra vùng đồng bằng, Pháp quyết định tiến công lên Việt Bắc để sớm kết thúc chiến tranh. Ngày 7 tháng 10 năm 1947, cuộc hành quân Léa tấn công vào chiến khu Việt Bắc bắt đầu. Quân Pháp tiến nhanh nhưng đã không định vị được những nơi đóng các cơ quan đầu não của đối phương. Lực lượng vũ trang của Việt Minh nhanh chóng được phân tán, sử dụng du kích vận động chiến, bất thần phục kích, đánh tiêu hao quân Pháp ở những khu vực hiểm yếu. Pháp không đạt được mục đích tiêu diệt căn cứ Việt Bắc, nhưng cũng đã cắt được đường số 4 và kiểm soát biên giới Việt Trung.

Cuộc chiến tranh du kích tại đồng bằng gây khó khăn lớn cho Pháp. Ở mọi nơi, bộ đội Việt Minh vẫn tự do đi lại, tuyển quân, thu thuế. Có những hội tề (chính quyền làng xã thân Pháp) được lập ra để che mắt Pháp nhưng hành động theo Việt Minh. Dân chúng gánh thóc gạo từ vùng do Pháp chiếm đóng đi đóng thuế cho Việt Minh. Các đội du kích được thành lập khắp các vùng bị chiếm quấy rối quân Pháp, Pháp phải để phần lớn quân chủ lực giữ đồng bằng Bắc Bộ. Mặc dù là vùng do Pháp kiểm soát, nhưng thực chất đồng bằng màu mỡ đông dân đó vẫn là nguồn cung cấp nhân lực, hàng hóa và lương thực lớn nhất cho Việt Minh.



Thắng lợi duy nhất của Pháp trong mùa hè này là về chính trị, khi tướng Nguyễn Bình - Tổng chỉ huy quân đội Việt Nam tại Nam Bộ ra sách lược : Tổ chức lại lực lượng vũ trang các giáo phái để biên chế chính quy thành Vệ quốc đoàn. Trong năm 1947, sau những xung đột quân sự với Việt Minh và nhất là sau khi giáo chủ Hòa Hảo Huỳnh Phú Sổ (1920-1947) mất tích (Hòa Hảo cho rằng Việt Minh thủ tiêu Huỳnh Phú Sổ) cả hai giáo phái Cao Đài và Hòa Hảo đều chấm dứt hợp tác với Việt Minh để tạm thời hợp tác với Pháp chống Việt Minh. Năm 1948, một phần lực lượng Bình Xuyên cũng hợp tác với Pháp chống lại Việt Minh.


Pháp sa lầy

Sau chiến dịch Léa, xung đột lặng xuống. Thiếu phương tiện để tiếp tục các chiến dịch tấn công, quân Pháp chỉ giới hạn trong các hoạt động vừa phải ở đồng bằng. Nhưng cũng tại đồng bằng, lực lượng vũ trang Việt Minh được phân tán thành các đại đội độc lập, tiểu đoàn tập trung, tổ chức thêm các đội du kích hoạt động bán công khai, sống tại nhà, vừa làm ruộng vừa chiến đấu, thực hiện các hoạt động quấy rối quân Pháp. Các cán bộ của chính quyền và mặt trận Việt Minh vẫn đi lại tuyển quân, thu thuế trong vùng Pháp kiểm soát. Những vùng này vẫn tiếp tục là nơi cung cấp một số loại nhu yếu phẩm như thuốc men, lương thực, vải vóc... cho Việt Minh. Tại các chiến khu, chính quyền Việt Minh củng cố căn cứ, tổ chức tự sản xuất lương thực và vũ khí để có thể kháng chiến lâu dài.

Lực lượng vũ trang và du kích đồng bằng sông Hồng tổ chức các trận chiến quấy rối quân Pháp. Cuối chiến tranh, quân địa phương và du kích cầm giữ phần lớn quân Pháp trong vùng đồng bằng. Mỗi chuyến hàng của Pháp từ Hải Phòng về Hà Nội phải tụ thành đoàn lớn, nhiều xe tăng và lính bảo vệ mới đi thoát. Các đường bộ bị đào bới ngăn cản xe cơ giới, đường sắt bóc hết gang thép làm vũ khí.

Tại miền Trung Việt Nam, Việt Minh kiểm soát từ Hội An đến Mũi Đại Lãnh, gần như ngăn đôi đất nước. Ở miền Nam, quân Pháp ở tình thế tốt hơn do lực lượng chính trị và quân sự ở đây ở xa và liên lạc rất khó khăn với chủ lực ở miền Bắc. Lực lượng của tướng Nguyễn Bình bị đẩy về các chiến khu trong vùng ngập mặn và rừng núi, họ còn gặp sự chống đối của các giáo phái người Việt như Cao Đài, Hòa Hảo, Bình Xuyên. Năm 1948, quân Pháp tổ chức cuộc hành quân Véga nhằm phá hủy cơ quan đầu não kháng chiến ở Nam Bộ và nhiều cuộc hành quân khác vào Đồng Tháp Mười nhưng đều thất bại.


Giải pháp Bảo Đại

Pháp liên hệ với Bảo Đại đề nghị đàm phán thành lập một chính phủ mới ở Việt Nam. Bảo Đại được Mặt trận Thống nhất Quốc gia Liên hiệp bao gồm các lực lượng chính trị Cao Đài, Hoà Hảo, Việt Nam Cách mệnh Đồng minh Hội, Đại Việt Quốc dân đảng và Việt Nam Quốc dân Đảng hậu thuẫn. Đây là những tổ chức chính trị hoặc tôn giáo từng hợp tác với Việt Minh chống Pháp nhưng do xung đột với Việt Minh nên chuyển sang ủng hộ Bảo Đại thành lập Quốc gia Việt Nam.

Thực chất mục đích của Pháp là tìm cách xây dựng một chính quyền bản xứ người Việt để làm đối trọng với Việt Minh, và để thuyết phục Mỹ viện trợ kinh tế và quân sự để Pháp có thể tiếp tục đứng chân tại Đông Dương, bởi trong hiệp ước không có quy định rõ ràng nào về nghĩa của chữ "độc lập" cũng như quyền hạn của Quốc gia Việt Nam, cũng không nói rõ việc thành lập Quốc gia này có thể ảnh hưởng gì đến cuộc chiến Việt – Pháp hiện vẫn tiếp diễn.




Ngày 7 tháng 12 năm 1947, Bảo Đại và Pháp ký Hiệp định vịnh Hạ Long, trong đó Pháp cam kết mập mờ về nền độc lập dân tộc của Việt Nam. Những chính trị gia trong Mặt trận Thống nhất Quốc gia Liên hiệpNgô Đình Diệm (1901–1963) đã chỉ trích hiệp định này là kém quá xa so với một nền độc lập thực sự. 

Ngày 5 tháng 6 năm 1948, Bảo Đại và Cao ủy Đông Dương Émile Bollaert (1890-1978) ký Hiệp định Vịnh Hạ Long thứ hai, Pháp long trọng công nhận độc lập của Việt Nam. Tuy nhiên, chính phủ Pháp vẫn giữ quyền kiểm soát quan hệ ngoại giao và quốc phòng, đồng thời trì hoãn việc chuyển các giao chức năng khác của chính quyền sang những cuộc đàm phán trong tương lai.




Ngày 8 tháng 3 năm 1949, Tổng thống Pháp Vincent Auriol (1884-1966) và Cựu hoàng Bảo Đại đã ký Hiệp ước Elysée, thành lập Quốc gia Việt Nam địa vị quốc gia độc lập hội viên trong trong khối Liên hiệp Pháp, đứng đầu là Quốc trưởng Bảo Đại. Tuy nhiên, chính quyền Quốc gia Việt Nam non trẻ rất yếu ớt do các quyền quan trọng về quân sự, tài chính và ngoại giao đều do người Pháp nắm giữ và quyền hành cao nhất ở Đông Dương trên thực tế là Cao ủy Pháp. Quân đội Quốc gia Việt Nam được thành lập nhưng được huấn luyện kém và không có sĩ quan chỉ huy cấp cao người Việt. Theo hiệp ước giữa Quốc gia Việt Nam và Pháp, một số đơn vị của Pháp được chuyển giao cho Quốc gia Việt Nam. Ban đầu các đơn vị này vẫn do các sĩ quan Pháp chỉ huy nhưng sẽ được thay thế dần bằng các sĩ quan người Việt tốt nghiệp các cơ sở đào tạo sĩ quan do Quốc gia Việt Nam thành lập với sự trợ giúp về mọi mặt huấn luyện đào tạo quân sự của Pháp và Mỹ. Ngoài ra các trung tâm và các trường huấn luyện của Mỹ bắt đầu chọn, đưa người từ Việt Nam sang học ở Mỹ.

Ngày 19 tháng 7 năm 1949, Vương quốc Lào giành được độc lập trong Liên hiệp Pháp, Hiến pháp năm 1947 được sửa đổi. Hiệp ước tiếp theo ký ngày 22 tháng 10 năm 1953.

Ngày 8 tháng 11 năm 1949, Vương quốc Campuchia giành độc lập trong Liên hiệp Pháp. Đến ngày 9 tháng 11 năm 1953. Campuchia mới được Pháp công nhận độc lập toàn diện.

Sau đó, chịu sức ép của Mỹ và để xoa dịu mâu thuẫn, Pháp dần cho ký những hiệp ước trao cho Quốc gia Việt Nam các quyền tự trị về quân sự, tài chính, thuế quan, xuất nhập cảnh... Các cơ quan chức năng do Pháp nắm giữ được chuyển giao cho Quốc gia Việt Nam trong những năm sau đó. Tuy nhiên 2 vấn đề quan trọng nhất là nguồn cung tài chính và quyền chỉ huy quân đội thì vẫn do Pháp nắm giữ. Kỳ thực Pháp coi giải pháp Bảo Đại chỉ là do tình thế thúc ép, họ không tin tưởng và tôn trọng chính phủ này. 



Năm 1949, Tổng tham mưu trưởng lục quân Pháp, đại tướng Georges Revers (1891-1974) sau chuyến khảo sát tình hình Đông Dương đã có bản tường trình mật trong đó viết: "Vấn đề điều đình với Việt Nam thì tìm những người quốc gia chống cộng để điều đình. Giải pháp Bảo đại chỉ là một giải pháp thí nghiệm, nhưng chế độ Bảo Đại là một chế độ ung thối với sự tham nhũng, buôn lậu đồng bạc, buôn lậu giấy phép nhập cảng, những khu chứa cờ bạc đĩ điếm..." (Trung tâm du hí Đại thế Giới ở Chợ Lớn được chính phủ Bảo Đại cho phép công khai sòng bạc và chứa mại dâm để kiếm chác). Bản tường trình sau đó bị lộ khiến chính phủ Pháp "muối mặt", và tướng Georges Revers bị cho về hưu non sau khi ra khai trình tại Hội đồng tối cao quân lực. Bản thân Bảo Đại cũng nhận xét rằng: "Cái được gọi là giải pháp Bảo Đại hóa ra là giải pháp của người Pháp."


Giai đoạn 1950-1954

Chiến dịch Biên giới

Trong năm 1950, Chiến tranh Đông Dương có sự thay đổi quan trọng, chuyển sang một giai đoạn mới. Sau chiến dịch Việt Bắc, Việt Minh dần dần tổ chức lại bộ máy và lực lượng, bắt đầu tổ chức những trận đánh qui mô chống lại Pháp. Các lực lượng vũ trang của Việt Minh được hoàn chỉnh về biên chế, thống nhất với tên gọi Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Về phía Pháp, chiến tranh đã vào thế sa lầy tuy họ đã dùng đến 40-45% ngân sách quân sự và 10% ngân sách quốc gia. Với sự nổ ra của Chiến tranh Triều Tiên vào tháng 6 năm 1950, Mỹ thay đổi thái độ về Chiến tranh Đông Dương, coi Triều Tiên và Việt Nam là hai chiến trường phụ thuộc lẫn nhau trong cuộc chiến của phương Tây chống lại chủ nghĩa cộng sản, tổng thống Mỹ Harry S. Truman tuyên bố sẽ viện trợ quân sự trực tiếp cho các nỗ lực của Pháp tại Đông Dương.

Để lấy lại thế chủ động, Pháp thực hiện tăng cường hệ thống phòng ngự đường số 4, khoá biên giới Việt-Trung: cô lập căn cứ địa Việt Minh với bên ngoài, thiết lập hành lang Đông-Tây, cô lập Việt Bắc với đồng bằng Bắc bộ, chuẩn bị lực lượng để tấn công Việt Bắc lần 2 để tiêu diệt đầu não Việt Minh.

Về phía Việt Minh, Bộ chỉ huy Việt Minh nhận định đúng ý đồ của Pháp nên nhanh chóng vạch kế hoạch chủ động tấn công để mở cửa biên giới, khai thông bàn đạp để nhận viện trợ của Trung Quốc, Liên Xô và khối xã hội chủ nghĩa. Theo chủ trương này, đầu tháng 7 năm 1950, Bộ Tổng tư lệnh Việt Minh quyết định chọn hướng chiến dịch là Cao Bằng – Lạng Sơn.

Chiến dịch Biên giới bắt đầu ngày 16 tháng 9 năm 1950, diễn ra trong ba đợt. 

Đợt 1, Việt Minh tiến hành đánh công kiên quy mô tương đối lớn, có hiệp đồng giữa các binh chủng tấn công cứ điểm Đông Khê nhằm cô lập Cao Bằng, và đến ngày 18, cứ điểm Đông Khê hoàn toàn thất thủ dù quân Pháp đã huy động cả không quân yểm trợ. Sự kiện này làm mất một mắt xích quan trọng trong hệ thống phòng thủ đường số 4 của Pháp. 

Sang đợt 2, quân Pháp quyết định rút khỏi Cao Bằng, đồng thời thực hiện cuộc "hành quân kép", gửi tiếp viện từ Lạng Sơn qua Thất Khê nhằm tái chiếm Đông Khê. Việt Minh đã bố trí thế trận phục kích, bao vây sau đó lần lượt tiêu diệt cả hai cánh quân Pháp từ Thất Khê lên lẫn từ Cao Bằng rút về.

Qua đợt 3, Việt Minh tiến hành truy kích quân Pháp rút chạy đồng thời liên tục quấy rối, không cho họ chuyển quân tiếp viện cho mặt trận Cao-Bắc-Lạng. Dưới sự uy hiếp của quân Việt Minh và sự hoang mang của bộ chỉ huy Pháp, đến ngày 22 tháng 10 năm 1950, quân Pháp phải rút bỏ hoàn toàn khỏi các cứ điểm còn lại trên đường 4 như Thất Khê, Na Sầm, Đồng Lập, Lạng Sơn... Việt Minh chủ động kết thúc chiến dịch.



Thắng lợi của Việt Minh trong chiến dịch này đã làm phá sản chiến lược quân sự chính trị của Pháp, phá được thế bị cô lập của căn cứ địa Việt Bắc, khai thông một đoạn biên giới dài, nối Việt Bắc với các đồng minh lớn thành một dải liên tục đến tận châu Âu, mở đầu cầu tiếp nhận viện trợ. Vành đai đồn bốt bao vây Việt Bắc đã bị phá hủy hoàn toàn. Đồng thời chiến dịch này đã gây nên không khí chủ bại và hoảng sợ tại Hà Nội. Bộ chỉ huy Pháp được cải tổ, dẫn đến việc tướng Jean de Lattre de Tassigny (1889-1952) lên nắm quyền chỉ huy quân viễn chinh Pháp ở Đông Dương.

Chiến dịch này có ý nghĩa bản lề quan trọng, là bước ngoặt của cuộc chiến tranh. Kể từ đây Quân đội Nhân dân Việt Nam bắt đầu chuyển sang thế chủ động tấn công. Cũng từ năm 1950, Việt Minh bắt đầu nhận được viện trợ từ các nước Xã hội chủ nghĩa. Trong bối cảnh Pháp được Mỹ giúp sức muốn nhanh chóng giành thắng lợi, kết thúc chiến tranh còn thế và lực của Việt Minh chưa thực sự lớn mạnh, viện trợ này có ý nghĩa hết sức quan trọng.


Chiến tranh phát triển

Không còn hy vọng tiến công hay bao vây chiến khu Việt Bắc, Pháp tổ chức Phòng tuyến Tassigny để bảo vệ vùng đồng bằng. Từ khi chuyển sang chủ động tiến công, các chiến dịch liên tiếp của Quân đội Việt Minh - Chiến dịch Trung Du, Chiến dịch đường 18, Chiến dịch Hà Nam Ninh - đã bóc vỏ Phòng tuyến Tassigny khỏi đồng bằng, buộc Pháp duy trì một lực lượng lớn bên trong để bảo vệ vùng đồng bằng Bắc Bộ.



Từ cuối năm 1950, Việt Minh bắt đầu thực hiện các trận chiến quy mô lớn. Nhưng họ đã phải chịu thiệt hại lớn, các chiến dịch Trung du, Đường 18 và Hà Nam Ninh bị thất bại trước quân Pháp do tướng Jean de Lattre de Tassigny chỉ huy. Chiến dịch Hòa Bình mà Jean de Lattre de Tassigny mở vào tháng 11 năm 1951 đã trở thành « cối xay thịt" đối với cả hai bên. Khi trận đánh kết thúc vào tháng 2 năm 1952, Quân đội Việt Minh chịu thương vong không nhỏ, nhưng họ đã học được cách đối phó với chiến thuật và vũ khí của Pháp, và họ đã thâm nhập được sâu hơn vào trong vòng cung phòng thủ của Pháp.




Cuối năm 1952, Việt Minh mở Chiến dịch tiến công Tây Bắc giải phóng thị xã và hầu hết Sơn La cùng các khu vực Nghĩa Lộ, Yên Bái (2 huyện), Lai Châu (4 huyện). Cuộc tấn công vào Phú Thọ để cứu vãn tình thế của tướng Raoul Salan (1899-1984) thất bại. Salan liền cho củng cố Nà Sản, xây dựng vị trí này như một "con nhím" xù lông để chặn bước tiến của Việt Minh.

Ở miền Trung, Việt Minh đã đạt được những thành công quan trọng. Vùng kiểm soát của Pháp ở Tây Nguyên đã bị thu hẹp lại chỉ còn vài vùng ven biển hẹp ở quanh Huế, Đà Nẵng, và Nha Trang. Những khu vực duy nhất mà Pháp còn có thể thành công là Nam Kỳ và Campuchia.

Mùa xuân năm 1953, Việt Minh tổ chức một lực lượng lớn tiến công quân Pháp ở Lào, với sự hỗ trợ của Quân đội Chính phủ Souphanouvong. Do hậu cần quá xa nên Việt Minh không tiến công quân Pháp ở Cánh đồng Chum. Đây được coi là thành công lớn của Pháp.

Ở các vùng khác, Việt Minh tấn công phối hợp đồng bộ từ Nam Bộ, Khu 5, Tây Nguyên, Trung Lào, Hạ Lào, Bắc Bộ, buộc Pháp phân tán xé lẻ khối quân cơ động. Việt Minh tiến đánh Tây Bắc, Pháp không còn lực lượng cơ động để ứng cứu, hình thành Chiến cục đông-xuân 1953-1954.


Kế hoạch Navarre




Tháng 7 năm 1953, chỉ huy mới của Pháp, tướng Henri Navarre (1898-1983), đến Đông Dương. Được sự hứa hẹn về việc Mỹ tăng viện trợ quân sự, Navarre chuẩn bị cho một cuộc tổng phản công mà báo chí Pháp và Mỹ gọi là "Kế hoạch Navarre".




Ngày 18 tháng 7 năm 1953, Navarre mở cuộc hành quân Hirondelle ("Con én") vào Lạng Sơn và cuộc hành binh "Camargue" vào Quảng Trị nhằm phá hủy được một số dụng cụ và máy móc của Việt Minh. Ở Lạng Sơn, quân Pháp lùng sục các kho tàng rồi vội vã rút chạy. Sau đó truyền thông Pháp loan tin quân đội đã diệt được hai tiểu đoàn, một số căn cứ trong khu tam giác là mối đe dọa trên quốc lộ số 1.

Liên tiếp với hai cuộc hành quân này, ngày 9 tháng 8 năm 1953 Pháp rút quân ra khỏi Nà Sản bằng không vận. Trước đây, năm 1952, Pháp đặt cứ điểm Na Sản để ngăn Quân đội Việt Minh tiến công quân Pháp ở Lào.

Ngày 15 tháng 10 năm 1953, Navarre mở Cuộc hành quân Moutte vào Ninh Bình và Thanh Hóa hòng giành lại thế chủ động trên chiến trường chính. Mục đích chính lại là phá các căn cứ hậu cần tiền duyên của Việt Minh trong cuộc tiến công 1953-1954 được cho là sẽ diễn ra ở đồng bằng. Nhưng thực sự trong kế hoạch Việt Minh được đề ra hồi tháng 9, đồng bằng Bắc Bộ chỉ là chiến trường phối hợp. Cuộc hành quân Moutte diễn ra là sự suy đoán sai của Navarre cùng sự xuất sắc của bộ đội mật mã Việt Nam.

Ngày 12 tháng 4 năm 1953, Việt Minh tiến quân sang Lào. Chính phủ Vương quốc Lào lên án "Việt Minh xâm lược".

Tháng 11 năm 1953, Navarre mở cuộc hành quân Castor đánh chiếm Điện Biên Phủ - Khu vực mà ông cho rằng có vị trí chiến lược chặn giữa tuyến đường chính của Quân đội Việt Minh sang Lào. Navarre xem căn cứ này vừa là một vị trí khóa chặn, vừa là một cái bẫy để nhử đối phương vào một trận đánh lớn và có tính chất quyết định mà tại đó Việt Minh sẽ bị tiêu diệt bởi pháo binh và hỏa lực không quân vượt trội của Pháp. Navarre đã chọn Điện Biên Phủ - vùng đất nằm trong một thung lũng lớn, cách Hà Nội 200 dặm đường không, với sự chi viện của khoảng 400 máy bay. Quân Pháp sau những trận đánh nống thất bại đã nhường các điểm cao xung quanh cho Quân đội Việt Minh, Navarre cho rằng khi đó Quân đội Việt Minh không đủ khả năng đưa pháo lên Điện Biên Phủ nên sẽ không có nguy hiểm gì từ các điểm cao. Điện Biên Phủ được Navarre xem như là một "cái nhọt tụ độc", hút hết phần lớn chủ lực của Quân đội Việt Minh và đảm bảo an toàn cho đồng bằng Bắc Bộ. Khi đó, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đang nghĩ tới một cuộc tấn công, hy vọng sẽ mở được một con đường xuyên Lào thọc qua Campuchia. Sau đó đưa lực lượng Quân đội Việt Minh tại miền Bắc vào chi viện bổ sung cho lực lượng sẵn có ở Nam Bộ. Trong cuộc họp tháng 11 năm 1953 của Bộ Quốc phòng Việt Minh, các chỉ huy quân sự quyết định mở Chiến cục đông-xuân 1953-1954 để xé lẻ khối quân chủ lực của Pháp đang co cụm đồng bằng Bắc Bộ. Các vị trí tiến công được xác định ở Lai Châu, Trung-Hạ Lào và Tây Nguyên. Ý tưởng tuyến đường chiến lược xuyên Lào sẽ được thực hiện một phần trong tương lai thông qua con đường mòn Hồ Chí Minh.


Trận Điện Biên Phủ




Chiến dịch Lai Châu và Chiến dịch Trung Lào tháng 12 năm 1953 đến tháng 1 năm 1954 đã giúp Quân đội Việt Minh  nắm giữ mảng lớn còn lại của vùng Tây Bắc (Điện Biên Phủ chỉ là một thung lũng nhỏ) và phần lớn vùng Trung và Nam Lào.

Để đối phó, Navarre tăng cường cho Điện Biên Phủ khiến nó trở thành một "pháo đài bất khả xâm phạm" trong con mắt phương Tây. Nhưng Navarre không hề biết rằng bản thân đã rơi vào một cái "bẫy" của Võ Nguyên Giáp khi "đặt bẫy" đối thủ của mình. Việc xây dựng một tập đoàn cứ điểm ở vùng núi Tây Bắc hiểm trở đã hút đi của Pháp những đơn vị thiện chiến nhất. Điều đó tạo nên khoảng trống không thể bù vào ở đồng bằng Bắc Bộ.

Võ Nguyên Giáp (1911– 2013) quyết định vào "bẫy", và đưa vào Điện Biên Phủ 4 sư đoàn với một số lượng lớn pháo xấp xỉ quân Pháp ở Điện Biên Phủ, dù cơ số đạn hạn chế (chủ yếu là thu được của Pháp; phần Trung Quốc viện trợ rất hạn chế do nước này tham chiến tại Triều Tiên). Những cuộc tiến công trên toàn Đông Dương không cho Pháp tập hợp một đội quân cơ động ứng cứu. Những đơn vị phòng không đầu tiên của Quân đội Việt Minh được huấn luyện ở Liên Xô về nước tham chiến. Một lực lượng khổng lồ dân công làm công tác vận tải. Các đơn vị mạnh nhất của Quân đội Việt Minh bao vây quân Pháp ở Điện Biên Phủ.



Cuộc vây hãm Điện Biên Phủ diễn ra từ ngày 13 tháng 3 đến ngày 7 tháng 5 khi quân Pháp đầu hàng. Ở Washington đã có cuộc tranh luận về việc Mỹ có nên trực tiếp can thiệp bằng quân sự, nhưng tổng thống Dwight David Eisenhower (1890–1969) đã quyết định loại bỏ khả năng này do chính quyền Anh sẽ không ủng hộ.

Cục diện chiến trường Đông Dương, tại thời điểm trong và sau Chiến dịch Điện Biên Phủ, Việt Minh kiểm soát khoảng 2/3 lãnh thổ Việt Nam, nhưng chủ yếu là các vùng nông thôn và rừng núi, một số thị xã nhỏ, chưa kiểm soát được các thành phố lớn, Pháp kiểm soát một số tỉnh đồng bằng và các thành phố lớn đông dân cư, một số tỉnh đồng bằng nằm trong vùng tranh chấp. Việt Minh kiểm soát gần như toàn bộ miền Bắc Việt Nam nhưng tại miền Nam Việt Nam, quân đội Quốc gia Việt Nam và quân đội Pháp chiếm ưu thế, quân đội riêng của các giáo phái tự trị cũng khá mạnh nên Việt Minh chỉ kiểm soát được một số vùng tại Nam Trung Bộ, Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ.

Sau 56 ngày đêm, cứ điểm Điện Biên Phủ thất thủ, toàn bộ 18.000 quân Pháp bị tiêu diệt hoặc bị bắt làm tù binh. Điện Biên Phủ là chiến thắng quân sự lớn nhất của Quân đội Việt Minh trong toàn bộ chiến tranh Đông Dương. Trên phương diện quốc tế trận này có một ý nghĩa rất lớn: lần đầu tiên quân đội của một quốc gia thuộc địa châu Á đánh thắng bằng quân sự một quân đội của một cường quốc châu Âu. Trận Điện Biên Phủ đã đánh bại ý chí duy trì Đông Dương là lãnh thổ thuộc Liên hiệp Pháp của Pháp và buộc nước này ra khỏi Đông Dương. 

Ngày 8 tháng 5, hội nghị Genève bắt đầu họp bàn về vấn đề khôi phục hòa bình ở Đông Dương.


Sự tham gia của các nước khác

Từ năm 1950, Việt Minh bắt đầu nhận được viện trợ quân sự từ Liên Xô, Trung Quốc và các nước Xã hội chủ nghĩa khác còn Pháp bắt nhận đầu được viện trợ quân sự từ Mỹ. Chiến tranh Đông Dương vì thế chuyển sang giai đoạn mới.


Về phía Việt Minh

Sau nhiều lần tìm sự ủng hộ về mặt ngoại giao từ phương Tây và Mỹ không thành, kèm theo đó là quan hệ các nước trong khu vực không có sự tiến triển, Việt Nam bắt đầu tìm kiếm sự ủng hộ từ hệ thống xã hội chủ nghĩa. Năm 1949, Quân đội Việt Minh vượt qua biên giới Việt-Trung, tiến công quân Trung Hoa Dân quốc tỉnh Quảng Tây, bàn giao lại cho Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc. Ngày 14 tháng 1 năm 1950, Hồ Chí Minh tuyên bố sẵn sàng thiết lập quan hệ ngoại giao với các nước trên thế giới và khẳng định Việt Minh là chính phủ hợp pháp duy nhất của toàn thể nhân dân Việt Nam.

Năm 1949 ở Trung Quốc, Đảng Cộng sản đã giành được quyền lực trên toàn đại lục. Ngay sau tuyên bố trên, ngày 18 tháng 1 năm 1950, Trung Quốc trở thành nước đầu tiên trên thế giới công nhận và thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (Việt Minh). Sau Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, Liên Xô, CHDCND Triều Tiên, Nam Tư và các nước Đông Âu cũng lần lượt thiết lập quan hệ ngoại giao. Sau khi công nhận Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Trung Quốc bắt đầu viện trợ quân sự cho nước này.

Trong Chiến tranh Đông Dương ngoài ô tô vận tải, pháo cao xạ, hỏa tiễn sáu nòng, tiểu liên K50 là của Liên Xô và các nước Xã hội chủ nghĩa Đông Âu, còn các vũ khí bộ binh, pháo 105 ly, 75 ly và lương thực là do Trung Quốc giúp đỡ. Số viện trợ nói trên chiếm khoảng 20% tổng số vật chất quân đội Nhân dân Việt Nam sử dụng trên chiến trường Bắc Bộ trong thời gian này.

Từ tháng 6-1950 đến tháng 6-1954, Việt MinhNam nhận được từ Liên Xô, Trung Quốc tổng cộng 21.517 tấn hàng các loại, trị giá 34 triệu rúp Nga (~34 triệu USD theo thời giá bấy giờ). Còn theo thống kê của Trung Quốc thì chưa tính phần của Liên Xô, riêng lượng lương thực và thực phẩm phụ Trung Quốc đã viện trợ Việt Nam hơn 140.000 tấn và hơn 26.000 tấn dầu, ngoài ra còn 155.000 khẩu súng các loại, 57,85 triệu viên đạn, 3.692 khẩu pháo và súng cối, hơn 1,08 triệu quả đạn pháo và đạn cối, hơn 840.000 quả lựu đạn, 1.231 ô tô, hơn 1,4 triệu bộ quân phục nữa. Như vậy là có sự khác biệt khá lớn giữa số liệu thống kê của Trung Quốc và của Việt Nam.


Trung Quốc



Trong thời kỳ này, Trung Quốc thực hiện chính sách ngoại giao ngả về phe Xã hội chủ nghĩa do Liên Xô đứng đầu, trực tiếp đối đầu với Mỹ, coi Mỹ là kẻ thù nguy hiểm nhất. Vì vậy, Trung Quốc đã tích cực ủng hộ và đưa quân tình nguyện tham chiến ở Triều Tiên chống quân Liên Hợp Quốc và giúp đỡ Việt Minh chống Pháp. Tuy nhiên khác với Triều Tiên, Việt Minh chỉ đồng ý nhận viện trợ vũ khí chứ không chấp nhận cho Trung Quốc đem quân tới trực tiếp tham chiến. Trung Quốc là nước viện trợ cho Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tích cực nhất, nhiều nhất lúc đó.




Cuối tháng 1 năm 1950, Hồ Chí Minh bí mật sang Bắc Kinh để bàn về vấn đề viện trợ, sau đó đi Moskva gặp gỡ Joseph Staline (1879-1953), và Mao Trạch Đông (1893–1976), Chu Ân Lai (1898–1976) đang ở thăm Liên Xô. Stalin và Mao Trạch Đông đã khẳng định : Việt Nam cần trang bị 10 đại đoàn để đánh thắng Pháp, trước mắt hãy trang bị cho 6 đại đoàn có mặt ở miền Bắc. Việt Nam có thể đưa ngay một số đơn vị sang nhận vũ khí trên đất Trung Quốc. Tỉnh Quảng Tây sẽ là hậu phương trực tiếp của Việt Nam. Từ đó, viện trợ của Trung Quốc đã một góp phần không nhỏ trong việc làm thay đổi cục diện chiến tranh ở Đông Dương. Archimedes Patti, một nhà quan sát Mỹ, trong hồi ký viết: Đến năm 1950, Mao đã ở trong thế có thể giúp đỡ Hồ Chí Minh qua đường biên giới phía Bắc Việt Nam. Hồ Chí Minh không còn bị cô lập như trước, ông đã có rất nhiều đồng minh, trước hết là Trung Quốc và sau đó là Liên Xô, một sân bóng mới đã bắt đầu.

Ngay tháng 4 năm 1950, hai Trung đoàn của Đại đoàn 308 sang Mông Tự, Vân Nam, tiếp đó một Trung đoàn của Đại đoàn 312 sang Hoa Đồng, Quảng Tây nhận vũ khí. Để giải quyết đảm bảo hậu cần của bộ đội Việt Minh, ngày 6 tháng 8 năm 1950, Tổng cục Hậu cần Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc đã thành lập văn phòng ở Nam Ninh. Ngoài ra, còn có hai Tiểu đoàn công binh và trường sĩ quan lục quân sang học tập, huấn luyện tại Trung Quốc. Những đơn vị sang Trung Quốc ngoài việc trang bị lại vũ khí còn được huấn luyện thêm về chiến thuật, đặc biệt là kỹ thuật đánh bộc phá, được bắn đạn thật nên tiến bộ rất nhanh.

Theo thống kê sơ bộ của Trung Quốc, từ tháng 4 đến tháng 9, Trung Quốc đã viện trợ 14.000 súng trường và súng lục, 1.700 súng máy và tiểu liên, 150 súng cối, 60 khẩu pháo, 300 bazooka, cùng đạn dược, thuốc, quần áo và 2.800 tấn lương thực. Riêng chiến dịch Điện Biên Phủ, Trung Quốc đã viện trợ cho Việt Nam tổng cộng hơn 200 ô tô, hơn 10.000 thùng dầu, hơn 3.000 khẩu súng các loại, 2.400.000 viên đạn, hơn 100 khẩu pháo các loại, hơn 60.000 viên đạn pháo các loại và đạn hỏa tiễn, 1.700 tấn lương thực, ngoài ra còn một lượng lớn thuốc men, khí tài, thuốc nổ.

Nhờ có sự giúp đỡ của Trung Quốc, trang bị vũ khí của quân đội được cải thiện đáng kể. Những năm qua, mỗi chiến sĩ chỉ mơ ước có một khẩu súng trong tay. Bây giờ không chỉ có súng mà đạn được cũng khá dồi dào. Sức mạnh hỏa lực của trung đoàn bộ binh ta đã hoàn toàn thay đổi so với trước. Tính đến tháng 6 năm 1950, số cán bộ sang Trung Quốc học tập là 3.100 người (trong đó 650 cán bộ học bổ túc trung và sơ cấp, 1.200 học đào tạo, chỉ huy bộ binh sơ cấp, còn lại học về binh chủng như pháo binh, công binh...

Trong hai năm 1951-1952, viện trợ của các nước Xã hội chủ nghĩa, trong đó có Trung Quốc được duy trì thường xuyên và tương đối đều đặn. Từ tháng 7 năm 1952 đến tháng 1 năm 1953, Trung đoàn 45, Trung đoàn pháo binh hạng nặng đầu tiên của Quân đội Việt Minh được huấn luyện ở Mông Tự (Vân Nam, Trung Quốc); Trung đoàn pháo cao xạ 367 thành lập ngày 1 tháng 4 năm 1953, sau 6 tháng huấn luyện ở Tân Dương (Quảng Tây, Trung Quốc), cuối năm 1953 được điều tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Liên Xô giúp trang bị vũ khí, Trung Quốc đảm nhiệm về đào tạo cán bộ, nhân viên kỹ thuật, huấn luyện cho hai trung đoàn này.

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, Trung Quốc đã chi viện cho 3.600 viên đạn pháo 105 ly, đó là số đạn đi theo 24 khẩu pháo viện trợ đưa về Việt Nam từ cuối năm 1953, chiếm 18% tổng số đạn pháo sử dụng trong chiến dịch, sau đó còn chuyển thêm cho 7.400 viên đạn 105mm nhưng số đạn này không kịp đưa vào phục vụ chiến dịch. Trong những ngày cuối chiến dịch Điện Biên Phủ, Trung Quốc còn giúp thêm một tiểu đoàn DKZ 75mm và 12 pháo hỏa tiễn H6, kịp thời tham gia đợt tổng công kích cuối cùng diễn ra chiều ngày 6 tháng 5 năm 1954, phát huy tác dụng rất lớn.

Trong những năm 1949, 1950, Đảng và Chính phủ Trung Quốc đã viện trợ 2.634 tấn gạo. Tuy nhiên, từ năm 1951 trở đi Việt Minhđã cố gắng huy động lương thực trong nước để giảm dần lượng gạo viện trợ. Vì vậy, trong chiến dịch Điện Biên Phủ, lương thực chủ yếu được huy động từ trong nước, gạo Trung Quốc chỉ có 1.700 tấn gạo, chiếm 6,52% tổng nhu cầu.




Ngoài trang bị vũ khí, giúp đỡ huấn luyện, viện trợ lương thực, Trung Quốc còn cử Đoàn công tác Hoa Nam gồm 79 người do Vi Quốc Thanh làm trưởng đoàn. Ngày 9 tháng 8 năm 1950 đoàn khởi hành từ Nam Ninh, ngày 12 tháng 8 đến Quảng Uyên, Cao Bằng. Đây là lần đầu tiên Đảng Cộng sản Trung Quốc cử một đoàn cố vấn quân sự ra nước ngoài, với chỉ thị là phải phát huy tinh thần chủ nghĩa quốc tế, phải đoàn kết với các đồng chí Việt Nam, phải giúp Việt Nam theo con đường tự lực cánh sinh, phát huy tính thần gian khổ phấn đấu. Đảng Cộng sản Trung Quốc giao cho đoàn 2 nhiệm vụ: Một là, giúp đỡ Việt Nam đánh thắng trận, đuổi thực dân Pháp xâm lược; hai là, giúp đỡ Việt Nam xây dựng quân đội chính quy. Ngoài đoàn cố vấn quân sự, Trung Quốc còn cử Trần Canh (nguyên Phó Tư lệnh cánh quân Tây Nam, Tư lệnh quân khu Vân Nam) cùng một số cán bộ quân sự, trực tiếp làm cố vấn trong chiến dịch Biên giới Thu Đông năm 1950.

Trong giai đoạn 1950-1951, cố vấn Trung Quốc tham gia tham mưu tích cực cho các chỉ huy Việt Minh về chiến thuật quân sự. Tuy nhiên trong giai đoạn này, các chiến dịch do Quân đội Việt Minh phát động đều không thu được nhiều kết quả mà lại bị thương vong nhiều, cho thấy chiến thuật của cố vấn Trung Quốc không phù hợp với quy mô, trang bị của Quân đội Việt Minh, vốn nhỏ hơn nhiều so với quân đội Trung Quốc. Đến chiến dịch Hòa Bình năm 1952, Việt Minh đã tự tiến hành chiến dịch mà không cần cố vấn Trung Quốc tham gia. Từ đó về sau, vai trò của cố vấn Trung Quốc chỉ dừng ở mức tham khảo ý kiến.

Ngày 2 tháng 9 năm 1953, Hồ Chí Minh dẫn đầu đoàn lãnh đạo cấp cao đến nơi ở của đoàn cố vấn Trung Quốc để trao Huân chương Hồ Chí Minh cho các thành viên của đoàn cố vấn như Vi Quốc Thanh, La Quý Ba, biểu dương tinh thần quốc tế vô sản trong đoàn cố vấn, cảm ơn sự giúp đỡ mà Đảng Cộng sản, Chính phủ Trung Quốc đã dành cho Việt Nam.

Ngoài trang bị vũ khí, giúp đỡ huấn luyện, viện trợ lương thực, Trung Quốc còn cử Đoàn công tác Hoa Nam gồm 79 người do Vi Quốc Thanh làm trưởng đoàn. Ngày 9 tháng 8 năm 1950 đoàn khởi hành từ Nam Ninh, ngày 12 tháng 8 đến Quảng Uyên, Cao Bằng. Đây là lần đầu tiên Đảng Cộng sản Trung Quốc cử một đoàn cố vấn quân sự ra nước ngoài, với chỉ thị là phải phát huy tinh thần chủ nghĩa quốc tế, phải đoàn kết với các đồng chí Việt Nam, phải giúp Việt Nam theo con đường tự lực cánh sinh, phát huy tính thần gian khổ phấn đấu. Đảng Cộng sản Trung Quốc giao cho đoàn 2 nhiệm vụ: Một là, giúp đỡ Việt Minh đánh thắng trận, đuổi Pháp xâm lược; hai là, giúp đỡ Việt Nam xây dựng quân đội chính quy. Ngoài đoàn cố vấn quân sự, Trung Quốc còn cử Trần Canh (nguyên Phó Tư lệnh cánh quân Tây Nam, Tư lệnh quân khu Vân Nam) cùng một số cán bộ quân sự, trực tiếp làm cố vấn trong chiến dịch Biên giới Thu Đông năm 1950.

Trong giai đoạn 1950-1951, cố vấn Trung Quốc tham gia tham mưu tích cực cho các chỉ huy Việt Nam về chiến thuật quân sự. Tuy nhiên trong giai đoạn này, các chiến dịch do Quân đội Việt Minh phát động đều không thu được nhiều kết quả mà lại bị thương vong nhiều, cho thấy chiến thuật của cố vấn Trung Quốc không phù hợp với quy mô, trang bị của Quân đội Nhân dân Việt Nam, vốn nhỏ hơn nhiều so với quân đội Trung Quốc. Đến chiến dịch Hòa Bình năm 1952, Quân đội Việt Minh đã tự tiến hành chiến dịch mà không cần cố vấn Trung Quốc tham gia. Từ đó về sau, vai trò của cố vấn Trung Quốc chỉ dừng ở mức tham khảo ý kiến.

Ngày 2 tháng 9 năm 1953, Hồ Chí Minh dẫn đầu đoàn lãnh đạo cấp caođến nơi ở của đoàn cố vấn Trung Quốc để trao Huân chương Hồ Chí Minh cho các thành viên của đoàn cố vấn như Vi Quốc Thanh, La Quý Ba, biểu dương tinh thần quốc tế vô sản trong đoàn cố vấn, cảm ơn sự giúp đỡ mà Đảng Cộng sản, Chính phủ Trung Quốc đã dành cho Việt Nam.


Liên Xô

Trong giai đoạn đầu, Liên Xô đã hình thành quan hệ chính trị toàn diện với Việt Minh, ủng hộ chủ trương và đường lối khôi phục và xây dựng miền Bắc Việt Nam. Tuy nhiên, quan hệ này lại không đậm đà bằng quan hệ với các nước khác. Ngày 3 tháng 2 năm 1950, Liên Xô mới đặt quan hệ ngoại giao với Indonesia (sau Việt Nam Dân chủ Cộng hòa 3 ngày), song tháng 1 năm 1953 Liên Xô đã cử đại sứ đi Jakarta, trong khi đó mãi đến gần 2 năm sau tức là ngày 4 tháng 11 năm 1954, Liên Xô mới cử Lavraschev - đại sứ đầu tiên của Liên Xô đến Hà Nội.


Về phía Pháp

Hoa Kỳ

Chính sách chống cộng của Mỹ

Sau Thế chiến 2, Anh và Pháp liên minh với nhau bảo vệ hệ thống thuộc địa cũ. Theo chính phủ Mỹ, một mặt Mỹ ủng hộ khái niệm quyền dân tộc tự quyết, mặt khác nước này cũng có quan hệ chặt chẽ với các đồng minh châu Âu của mình, những nước đã có những tuyên bố đế quốc đối với những thuộc địa cũ của họ. Chiến tranh Lạnh chỉ làm phức tạp thêm vị trí của Mỹ, việc Mỹ ủng hộ quá trình phi thực dân hóa được bù lại bằng mối quan tâm của Mỹ đối với sự lan rộng của chủ nghĩa cộng sản và những tham vọng chiến lược của Liên Xô tại Châu Âu. Một số đồng minh NATO khẳng định rằng thuộc địa cung cấp cho họ sức mạnh kinh tế và quân sự mà nếu không có nó thì liên minh phương Tây sẽ tan rã. Gần như tất cả các đồng minh châu Âu của Mỹ đều tin rằng thuộc địa sẽ cung cấp sự kết hợp giữa nguyên liệu và thị trường được bảo vệ đối với hàng hóa thành phẩm, từ đó sẽ gắn kết các thuộc địa với châu Âu.

Hoa Kỳ cần có quan hệ đồng minh với Pháp để thiết lập sự cân bằng với sức mạnh của Xô Viết ở châu Âu sau chiến tranh thế giới thứ II. Từ tháng 9 năm 1945, Washington đã có một số hành động ở Đông Nam Á. 
Hồ Chí Minh nhận thấy Hoa Kỳ đang muốn đóng vai trò lớn hơn ở khu vực Thái Bình Dương, ông đã làm tất cả để thiếp lập mối quan hệ với Hoa Kỳ thông qua việc giải cứu các phi công gặp nạn trong chiến tranh với Nhật Bản. Đổi lại, cơ quan tình báo Hoa Kỳ OSS (U.S Office of Strategic Services) giúp đỡ y tế, cố vấn và huấn luyện quân đội quy mô nhỏ cho Việt Minh.

Tại Mỹ, các thế lực chống cộng cực đoan nắm quyền, McCarthyHoover thực hiện các chiến dịch chống cộng theo dõi, phân biệt đối xử, sa thải, khởi tố và bắt giam nhiều người bị xem là cộng sản hoặc ủng hộ chủ nghĩa cộng sản. Một bộ phận trong số những nạn nhân bị mất việc, bị bắt giam hoặc bị điều tra quả thật có quan hệ trong hiện tại hoặc trong quá khứ với Đảng Cộng sản Hoa Kỳ. Nhưng đại bộ phận còn lại có rất ít khả năng gây nguy hại cho nhà nước và sự liên quan của họ với người cộng sản là rất mờ nhạt. Những điều này khiến công chúng nghĩ rằng những người cộng sản là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia.

Sự cạnh tranh chiến tranh lạnh với Liên Xô là mối quan tâm lớn nhất về chính sách đối ngoại của Mỹ trong những năm 1940 và 1950, chính phủ Truman và Eisenhower ngày càng trở nên lo ngại rằng khi các cường quốc châu Âu bị mất các thuộc địa của họ, các đảng cộng sản được Liên Xô ủng hộ sẽ đạt được quyền lực trong quốc gia mới. Điều này có thể làm thay đổi cán cân quyền lực quốc tế theo hướng có lợi cho Liên Xô và loại bỏ quyền truy cập vào nguồn lực kinh tế từ đồng minh của Mỹ. Các sự kiện như cuộc đấu tranh giành độc lập của Indonesia (1945-1950), cuộc chiến tranh của Việt Nam chống Pháp (1945-1954), và chủ nghĩa xã hội dân tộc công khai của Ai Cập (1952) và Iran (1951) đã khiến Hoa Kỳ lo lắng rằng các nước mới giành độc lập sẽ ủng hộ Liên Xô, ngay cả khi chính phủ mới không trực tiếp liên hệ với Liên Xô. Do vậy, Hoa Kỳ đã sử dụng các gói cứu trợ, hỗ trợ kỹ thuật và can thiệp đôi khi bằng quân sự để hỗ trợ các chính phủ thân phương Tây tại các quốc gia mới giành độc lập.

Từ năm 1949, sau khi Nội chiến Trung Quốc kết thúc, tiếp đó là chiến tranh Triều Tiên bùng nổ, khuynh hướng thân Liên Xô tại nhiều nước Ả Rập, giới chính khách Mỹ cảm thấy lo sợ về làn sóng đi theo chủ nghĩa Cộng sản tại các nước thế giới thứ ba. Chính phủ Mỹ đưa ra Thuyết domino, theo đó Mỹ tin rằng nếu một quốc gia đi theo Chủ nghĩa cộng sản, các quốc gia thân phương Tây lân cận sẽ bị đe dọa. Bởi vậy, Mỹ bắt đầu viện trợ cho Pháp trong cuộc chiến chống lại Việt Minh (Việt Nam Dân chủ Cộng hòa), một tổ chức chính quyền họ cho là có liên hệ với Liên Xô và Trung Quốc.

Mỹ tuyên bố "ủng hộ nguyện vọng độc lập dân tộc tại Đông Nam Á" trong đó có Việt Nam, nhưng với điều kiện "lãnh đạo của những nhà nước mới không phải là người cộng sản", họ đặc biệt ủng hộ việc thành lập các "nhà nước phi cộng sản" ổn định trong khu vực tiếp giáp Trung Quốc. Theo thuyết Domino, Mỹ hỗ trợ các đồng minh tại Đông Nam Á để chống lại các phong trào mà họ cho là "lực lượng cộng sản muốn thống trị Châu Á dưới chiêu bài dân tộc". Bằng viện trợ, Mỹ ép Pháp phải nhượng bộ chủ nghĩa dân tộc tại Việt Nam. Chính sách của Mỹ là hỗ trợ người Pháp chiến thắng trong cuộc chiến chống Việt Minh, sau đó sẽ ép người Pháp rút lui khỏi Đông Dương.


Mỹ hỗ trợ Pháp

Năm 1947, Anh trao trả độc lập cho Ấn Độ, thuộc địa lớn nhất của Anh, mở đầu cho xu hướng phi thực dân hoá sau thế chiến thứ II. Hơn nữa chiến lược đánh nhanh thắng nhanh của Pháp đã thất bại. Pháp đã mệt mỏi vì chiến tranh đã hao tổn quá lớn, người Pháp mong muốn "Lấy chiến tranh nuôi chiến tranh, dùng người Việt đánh người Việt", hy vọng giảm bớt hao tổn người và tiền bạc.

Để đối phó với các áp lực chính trị, quân sự và thích ứng với xu hướng phi thực dân hoá một mặt Pháp đàm phán với Bảo Đại thành lập Quốc Gia Việt Nam năm 1949, phát triển quân đội người bản xứ. Một mặt, Pháp thuyết phục Mỹ rằng Pháp đang "chống cộng" chứ không phải mục đích chính là tái chiếm thuộc địa. Người Mỹ trợ giúp tiền bạc cho Pháp để giúp họ tiêu diệt Việt Minh. Mỹ dự định sau khi giúp Pháp và Quốc gia Việt Nam đánh bại Việt Minh thì sẽ ép Pháp rút lui khỏi Việt Nam.




Đầu năm 1950, Hoa Kỳ bắt đầu gửi viện trợ quân sự cho người Pháp ở Đông Dương. Do chiến tranh Triều Tiên bùng nổ đã buộc Mỹ phải đẩy nhanh việc cung cấp viện trợ cho Pháp. Tháng 1 năm 1951 người Pháp nhận được 20 xe tăng M24, 40 khẩu pháo 105-mm và 250 quả bom thông thường và cả bom napalm cùng đạn dược và vũ khí tự động. Tới tháng 1/1953, Pháp đã nhận được 900 xe thiết giáp cùng với 15.000 xe vận tải các loại, gần 2.500 khẩu pháo, 24.000 vũ khí tự động, 75.000 vũ khí cá nhân và gần 9.000 máy radio. Ngoài ra, Không quân Pháp đã nhận được 160 máy bay F6F Hellcat và F8F Bearcat, 41 máy bay ném bom B-26 Invader, 28 máy bay vận tải C-47 cùng với 155 động cơ máy bay và 93.000 quả bom. Cho tới khi Pháp thất bại hoàn toàn thì phía Mỹ đã viện trợ trên 1 tỷ USD mỗi năm (tương đương khoảng 5,8 tỷ USD theo thời giá năm 2004) và chi trả 78% chi phí chiến tranh của Pháp ở Đông Dương.

Đến cuối chiến tranh, 80% chiến phí chủ yếu của Pháp do Mỹ cung cấp, lên đến 1,5 tỷ USD. Cuối chiến tranh, người Mỹ trực tiếp chở khoảng 16.000 quân Pháp vào Điện Biên Phủ và hỗ trợ không quân cho quân Pháp. Tính đến tháng 1 năm 1954, riêng về vũ khí và phương tiện chiến tranh, Mỹ đã viện trợ cho quân Pháp ở Đông Dương 360 máy bay, 1.400 xe tăng và xe bọc thép, 390 tàu chiến và tàu quân sự, 16.000 xe quân sự các loại, 175.000 súng trường và súng máy. Nhờ số lượng vũ khí viện trợ này mà người Pháp mới có thể duy trì được cuộc chiến.

Thời gian này ở tất cả các cấp bộ trong quân đội viễn chinh Pháp đều có cố vấn Mỹ. Người Mỹ có thể đến bất cứ nơi nào kiểm tra tình hình không cần sự chấp thuận của tổng chỉ huy Pháp. Sự phụ thuộc quá nhiều của Pháp vào Mỹ khiến tướng Navarre than phiền trong hồi ký: 
"Địa vị của chúng ta đã chuyển thành địa vị của một kẻ đánh thuê đơn thuần cho Mỹ."

Đến nay nhiều người Mỹ vẫn không biết vì sao họ bị lôi kéo vào chiến tranh Đông Dương, dù nhiều người Mỹ còn chưa biết Việt Nam nằm ở góc nào trên bản đồ thế giới. Ít người nói đến việc nước Mỹ đã bị Pháp kéo vào cuộc, cũng như những thương vong đầu tiên của Mỹ ở Đông Dương đã xảy ra ngay từ trận Điện Biên Phủ. Thực sự thông qua việc tài trợ cho Pháp, nước Mỹ đã dính líu đến cuộc chiến ở Đông Dương từ rất lâu trước khi các lực lượng quân sự Mỹ đầu tiên đến Việt Nam.


Hiệp định Genève




Hội nghị Genève khai mạc ngày 26 tháng 4 năm 1954 để bàn về vấn đề khôi phục hoà bình tại Triều Tiên và Đông Dương. Do vấn đề Triều Tiên không đạt được kết quả nên từ ngày 8 tháng 5 vấn đề Đông Dương được đưa ra thảo luận
.
Do sức ép của Trung Quốc và Liên Xô, đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (Việt Minh) đồng ý với một bản hiệp định mang lại cho họ ít hơn những gì họ đã giành được trên chiến trường. Tuy ba nước Lào, Campuchia và Việt Nam được tuyên bố độc lập, và điều quan trọng là sự thống nhất toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam được công nhận, nhưng Việt Nam bị tạm thời chia đôi thành hai khu vực quân sự để hai bên quân đội Việt Minh và Pháp. Quân Pháp sẽ rút dần khỏi Việt Nam. Cuộc tổng tuyển cử đi đến thống nhất Việt Nam sẽ được thực hiện trong vòng 2 năm.

Ngày 22 tháng 7 năm 1954, Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi: "Đấu tranh để củng cố hoà bình, thực hiện thống nhất, hoàn thành độc lập dân chủ cũng là một cuộc đấu tranh lâu dài và gian khổ” và khẳng định: “Trung, Nam, Bắc đều là bờ cõi của nước ta, nước ta nhất định thống nhất, đồng bào cả nước nhất định được giải phóng”. Cũng trong ngày này Thủ tướng Quốc gia Việt Nam Ngô Đình Diệm ra lệnh treo cờ rủ toàn Miền Nam từ vĩ tuyến 17 trở vào để bày tỏ quan điểm phản đối sự chia đôi đất nước.


Kết quả



Trong cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất này, thương vong của Pháp là 140.992, trong đó có 75.867 chết và mất tích, 65.125 bị thương; các quân đội đồng minh ở Đông Dương chịu thương vong 31.716 người, trong đó có 18.714 chết và mất tích, 13.002 bị thương. Về vũ khí, Pháp mất 435 máy bay, 603 tàu chiến và ca nô, 9.283 xe quân sự, 255 pháo, 504 xe quân sự và 130 nghìn súng các loại. Số thương vong của Việt Minh được Pháp ước tính khoảng 300.000 chết và 500.000 bị thương (hiện vẫn chưa có số liệu kiểm chứng từ phía Việt Nam). Khoảng 25.000 dân thường Việt Nam bị thiệt mạng.

Cuộc chiến đã góp phần làm nước Pháp suy sụp và phân hóa. Càng về cuối cuộc chiến, sự phản đối chiến tranh trong lòng nước Pháp ngày càng dữ dội hơn. Đại tướng Pháp Henry Navare viết:
Các đảng viên Cộng sản (Pháp) ngay từ lúc này đã tích cực bênh vực Việt Minh. Cuộc chiến tranh Đông Dương, đối với họ là một "cuộc chiến tranh bẩn thỉu". Còn đối với những người khác, đây là một "cuộc chiến tranh nhục nhã", "cuộc chiến tranh không dám xưng tên"




Chi phí cho Chiến tranh Đông Dương tăng hàng năm. 
Năm 1945 :    3 tỷ Franc
Năm 1946 :  27 tỷ Franc
Năm 1947 :  53 tỷ Franc
Năm 1948 :  89 tỷ Franc
Năm 1949 : 130 tỷ Franc
Năm 1950 : 201 tỷ Franc
Năm 1951 : 308 tỷ Franc
Năm 1952 : 535 tỷ Franc

Tổng cộng trong toàn bộ cuộc chiến, nước Pháp đã chi phí 3.370 tỷ Franc (vượt dự kiến 2.385 tỷ Franc), tương đương gần 60 tỷ USD theo thời giá 2008, (trung bình là 1 tỉ Franc/ngày), bằng 28% giá trị GDP của Pháp năm 1953.

Chính phủ Pháp thay đổi 20 lần, trung bình mỗi chính phủ chỉ tồn tại 7 tháng (có chính phủ chỉ tồn tại trong 7 ngày). 7 lần cao uỷ Pháp bị triệu hồi, 8 tổng chỉ huy quân đội Pháp kế tiếp nhau bị thua trận.

Theo kết quả của hiệp định Genève, Việt Minh vừa giành được thắng lợi quan trọng trên chiến trường, tập kết về miền Bắc. Quốc gia Việt Nam tuy đã tách khỏi Liên Hiệp Pháp trước khi Hiệp định Genève được ký kết vẫn cùng quân đội Pháp tập kết về miền Nam. Trên 1 triệu người dân từ miền Bắc đã di cư vào Nam (trong đó có khoảng 800.000 người Công giáo, chiếm khoảng 2/3 số người Công giáo ở miền Bắc), và 140.000 người (đa số là cán bộ kháng chiến của Việt Minh) từ miền Nam tập kết ra Bắc.

Ngày 10 tháng 10 năm 1954, quân Pháp chính thức rút khỏi Hà Nội, Quân đội Việt Minh vào tiếp quản thủ đô. Thời kỳ hòa bình tại miền Bắc Việt Nam bắt đầu. Ở miền Nam, quân đội Pháp dần dần rút đi và trao quyền lực cho chính quyền Quốc gia Việt Nam, trong khi Hoa Kỳ tăng cường các hoạt động tình báo, tuyên truyền, viện trợ và cố vấn cho Quốc gia Việt Nam để chính thể này có thể đương đầu với Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và lực lượng Việt Minh còn lại ở miền Nam.




Hội nghị tuyên bố chấm dứt chiến tranh ở Lào và Campuchia, bảo đảm độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của hai nước này, và hai nước sẽ tổ chức tổng tuyển cử tự do theo các nguyên tắc Hiến pháp mỗi nước, bảo đảm tôn trọng các quyền tự do cơ bản. Hai nước sẽ không tham gia vào bất kỳ một liên minh quân sự nào. Năm 1955 Vương quốc Lào, Vương quốc Campuchia chính thức trở thành thành viên Liên hợp quốc, tuyên bố chính sách đối ngoại hòa bình trung lập.

Sau 2 năm, hiệp định Genève đã không đem lại được hòa bình cho Đông Dương. Tổng tuyển cử thống nhất Việt Nam không được chính quyền Quốc gia Việt Nam thực hiện (với lý do "nghi ngờ về việc có thể bảo đảm những điều kiện của cuộc bầu cử tự do ở miền Bắc"). Việt Nam bị chia cắt thêm 20 năm nữa với chiến tranh tiếp tục nổ ra trên toàn Đông Dương với sự tham gia của Mỹ thay thế cho Pháp. Cuộc chiến mới có quy mô và sức tàn phá lớn hơn nhiều.

Trên phạm vi thế giới, sự thắng lợi của người Việt Nam trong Chiến tranh Đông Dương cũng thúc đẩy sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân cổ điển và hệ thống thuộc địa trên toàn thế giới. Nhân dân các nước thuộc địa khác thấy rằng quân đội các cường quốc châu Âu thực tế không phải là "bất khả chiến bại", nếu người Việt Nam đã có thể đánh bại được thì dân tộc họ cũng có thể. Chẳng bao lâu sau đó, lực lượng Mặt trận Giải phóng Dân tộc tại Algérie (thuộc địa có diện tích lớn nhất của Pháp) được thành lập, phát động đấu tranh vũ trang để giành độc lập cho đất nước mình. Một năm sau đó, các phong trào tương tự nổ ra ở Cameroun, Tunisie, Maroc. Sự nổi dậy đồng loạt tại các thuộc địa khiến việc duy trì Liên hiệp Pháp trở nên rất khó khăn bởi Pháp không thể có đủ tài chính và lực lượng quân sự để chống lại các phong trào độc lập tại nhiều nơi cùng lúc.

Năm 1958, Cộng đồng Pháp khai sinh và Liên hiệp Pháp chấm dứt tồn tại. Điều 86 Hiến pháp Pháp (năm 1958) quy định mỗi quốc gia hội viên thuộc Cộng đồng Pháp có thể độc lập sau khi ký kết các hiệp ước với Pháp và có quyền lựa chọn vẫn là hội viên của Cộng đồng Pháp hoặc ra khỏi khối. Ngoại trừ Algérie, các quốc gia còn lại từng là thuộc địa của Pháp, nay thuộc Cộng đồng Pháp chọn giải pháp tiếp tục đàm phán với chính phủ Pháp để độc lập. Trong thập niên 60, các nước thuộc Cộng đồng Pháp như Algérie, Tunisie và Maroc lần lượt ký kết hiệp ước với Pháp để tuyên bố độc lập. Đến năm 1967, Pháp ký hiệp định trao trả độc lập cho phần lớn các thuộc địa của mình. Cũng trong xu thế phi thực dân hóa trên quy mô toàn cầu, chỉ trong năm 1960, 17 nước thuộc địa châu Phi đã tuyên bố độc lập, và đây được coi là Năm Châu Phi.


CUỘC CHIẾN GIỮA VIỆT MINH VÀ PHÁP

1950 - 1954 Vietnam: The First Indochina War (44 phút)
http://www.youtube.com/embed/FmF9tUxW3E0