Trương Thanh Long
Sưu tầm - Biên soạn - Bình Luận
HUAWEI
Huawei (tiếng Việt: Hoa Vi ), tên đầy đủ là Công ty trách nhiệm hữu hạn kỹ thuật Hoa Vi (tiếng Anh: Huawei Technologies Co. Ltd.) là một tập đoàn đa quốc gia về thiết bị mạng và viễn thông, có trụ sở chính tại Thâm Quyến, Quảng Đông, Trung Quốc.
Tới cuối năm 2018, Huawei có khoảng 188.000 nhân viên, với khoảng 80.000 người tham gia vào các Trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D). Hiện tại, Huawei có 21 trung tâm R&D trên toàn thế giới với tổng vốn đầu tư lên tới hơn 15 tỉ $ (năm 2018).
Các sản phẩm của Huawei hiện có mặt tại hơn 170 quốc gia. Hơn 1.500 đối tác cũng giúp công ty này cung ứng sản phẩm và dịch vụ tới 1/3 dân số thế giới. Năm 2012, tập đoàn này đã vượt qua Ericsson để trở thành công ty cung cấp thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới, và tới năm 2018 thì chính thức vượt qua Apple để trở thành nhà cung cấp smartphone lớn thứ hai trên thế giới, chỉ đứng sau nhà sản xuất đến từ Hàn Quốc là Samsung Electronics. Huawei được Fortune Global 500 xếp hạng 72 trong số các doanh nghiệp lớn nhất toàn cầu. Tháng 12 năm 2018, doanh thu của công ty đạt 108,5 tỉ $, tăng 21% so với năm 2017. Hiện tại, Huawei cũng được coi là nhà cung cấp công nghệ 5G số 1 thế giới.
Dù có nhiều thành công về thương mại, tuy nhiên Huawei thường xuyên bị chỉ trích về những vấn đề an ninh mạng, đặc biệt từ chính quyền Hoa Kỳ khi cho rằng công ty này là backdoor cho hệ thống gián điệp từ chính phủ Trung Quốc. Đặc biệt, Washington đã có những động thái cấm các hoạt động của Huawei cùng nhà mạng ZTE (tập đoàn sản xuất thiết bị viễn thông đa quốc gia) và các đối tác khác tại lãnh thổ nước này.
Cuối năm 2018, Huawei bị cấm mọi hoạt động thương mại trên lãnh thổ Hoa Kỳ và tới ngày 19 tháng 5 năm 2019, Google – nhà cung cấp hệ điều hành Android cho các sản phẩm Huawei – cũng tuyên bố ngừng cung cấp cập nhật và phần mềm cho hãng này. Một số lượng lớn các nhà cung cấp và hiệp hội cũng đã cắt đứt quan hệ hoặc hạn chế kinh doanh với Huawei.
Chính quyền Donald Trump hối thúc thế giới loại bỏ Huawei và thiết lập lệnh cấm vận đơn phương đối với nguồn cung thiết bị Huawei, ngăn chặn việc bán một số linh kiện cũng như chip điện tử được chế tạo ở nước ngoài nhưng sử dụng công nghệ Mỹ. Bị ép phải lựa chọn giữa đồng minh và nguồn cung thiết bị, Anh cuối cùng đã không tránh khỏi việc phải đưa ra quyết định này. Bất kỳ ai hợp tác với một doanh nghiệp mà Mỹ muốn nó trở nên què quặt sẽ phải đối mặt với rủi ro lớn hơn. Huawei, về phần mình, đã thất bại trong việc trấn an các chuyên gia mạng của Anh, những người đã phàn nàn rằng ngày càng khó để giám sát các phần mềm đầy lỗi trong các thiết bị Huawei, hoặc để cải cách mô hình quản lý và sở hữu mập mờ của nó. Bất cứ ảo vọng nào cho rằng lãnh đạo Trung Quốc tôn trọng pháp quyền đã bị dập tắt bởi những diễn biến gần đây ở Hong Kong.
Tổn thất trực tiếp từ việc loại Huawei ra khỏi các hệ thống ở châu Âu có thể chấp nhận được – hoá đơn điện thoại ở châu Âu sẽ tăng dưới 1% nếu trải dài trong vòng 20 năm. Ericsson và Nokia, hai nhà cung cấp thiết bị ở châu Âu, có thể sẽ đẩy mạnh sản xuất và một cuộc cạnh tranh mới sẽ xuất hiện khi các hệ thống phụ thuộc nhiều hơn vào phần mềm và các tiêu chuẩn mở.
Gánh nặng thật sự không phải nằm ở các thiết bị ăng-ten (antenne) mà xuất phát từ tình trạng suy tàn của hệ thống thương mại thế giới. Có thể nhiều quốc gia khác sẽ cấm Huawei – trong đó, Đức đang lưỡng lự. Nhưng Huawei vẫn sẽ được sử dụng nhiều ở các quốc gia mới nổi, đẩy nhanh sự phân tách trong ngành công nghệ. Giao thương dựa vào các luật lệ chung nhưng quyết định của Anh được đưa ra giữa vòng xoáy của các cuộc vận động hành lang và nhiều lời đe doạ. Rất khó để rút ra được một nguyên tắc đằng sau quyết định này để có thể áp dụng hữu ích một cách rộng rãi. Nếu vấn đề là các thiết bị được sản xuất ở Trung Quốc thì Ericsson và Nokia cũng làm như vậy. Nếu là do các công ty Trung Quốc xây dựng những hệ thống kết nối các thiết bị với nhau (trong trường hợp của G5 là rô bốt và máy móc), thì cách suy luận tương tự cũng có thể được áp dụng rộng khắp trong nền kinh tế công nghệ số thế giới. Xe hơi của Đức và điện thoại của Apple bán ở Trung Quốc cũng được lắp đặt các phần mềm, dữ liệu và thiết bị cảm ứng. Như vậy Trung Quốc có quyền cấm các sản phẩm này không?
TIK TOK
TikTok là nền tảng video âm nhạc và mạng xã hội của Trung Quốc được ra mắt vào năm 2017, dành cho các thị trường bên ngoài Trung Quốc. Trương Nhất Minh người sáng lập của Đầu Điều. ByteDance (Đầu Điều) trước đây đã ra mắt Douyin cho thị trường Trung Quốc vào tháng 9/2016. TikTok và Douyin giống nhau nhưng chạy trên các máy chủ khác nhau để tuân thủ các hạn chế kiểm duyệt của Trung Quốc.
Ngày nay, nó là nền tảng video ngắn hàng đầu ở châu Á, và đã thiết lập chính nó như là ứng dụng phát triển nhanh nhất thế giới, với cộng đồng video âm nhạc lớn nhất trên toàn cầu. Ứng dụng này đạt 150 triệu người dùng hoạt động hàng ngày (500 triệu người dùng hoạt động hàng tháng) vào tháng 6/2018, và là ứng dụng được tải xuống nhiều nhất trên thế giới trong quý đầu tiên năm 2018, với ước tính 45,8 triệu lượt tải xuống.
Ứng dụng di động TikTok cho phép người dùng xem các clip nhạc, quay các clip ngắn và chỉnh sửa chúng, đồng thời thêm các hiệu ứng đặc biệt vào các clip. Để tạo video nhạc của riêng mình, trước tiên người dùng chọn từ danh sách nhạc nền. Sau đó, ứng dụng ghi lại chúng trong khi chúng làm bất cứ điều gì chúng muốn trong 60 giây. Danh sách nhạc TikTok chứa nhiều phong cách âm nhạc, bao gồm hip-hop và điện tử. Do sự phổ biến rộng lớn và ảnh hưởng xã hội của nó, ứng dụng đã sinh ra rất nhiều xu hướng lan truyền và những người nổi tiếng trên khắp thế giới, đẩy các bài hát lên danh tiếng, và nổi tiếng trong số những người nổi tiếng.
Theo Le Monde, lẽ ra một ứng dụng cho thanh thiếu niên như TikTok, chỉ dùng để chia sẻ những tiểu phẩm video hay những bài hát nhái ngẫu hứng, không có vai trò làm dấy lên một cuộc chiến tranh lạnh trên mạng tin học toàn cầu. Thế nhưng đó lại là điều đang diễn ra.
Bực tức trước sự đột phá ngoạn mục của ứng dụng Trung Quốc vào sân chơi của các chàng khổng lồ Mỹ trong lãnh vực Internet - hơn 2 tỷ người trên thế giới đã tải nạp TikTok – tổng thống Mỹ Donald Trump đã quyết định biến ứng dụng này thành mục tiêu tấn công trong cuộc phản công chống lại đà bành trướng của Bắc Kinh và duy trì thế thống trị của Hoa Kỳ trên màng lưới tin học toàn cầu.
WeChat - Tencent
WeChat là một ứng dụng đa mục đích: gửi tin nhắn, phương tiện truyền thông xã hội và thanh toán di động Trung Quốc được Tencent phát triển. Nó được phát hành lần đầu tiên vào năm 2011 và trở thành một trong những ứng dụng di động độc lập lớn nhất thế giới vào năm 2018, với hơn 1 tỷ người dùng hoạt động hàng tháng.
WeChat đã được mô tả là "ứng dụng cho mọi thứ" của Trung Quốc và là "siêu ứng dụng" vì có nhiều chức năng. Do tính phổ biến của nó, hoạt động của người dùng trên WeChat được sử dụng để giám sát hàng loạt tại Trung Quốc. WeChat cũng kiểm duyệt các chủ đề nhạy cảm về chính trị ở Trung Quốc.
Khi đe dọa trừng phạt WeChat, ông Donald vẫn xác nhận lý do cố hữu: “Giống như TikTok, WeChat tự động thu thập một lượng lớn thông tin cá nhân của người dùng. Đây là một cơ sở dữ liệu có nguy cơ cho phép Đảng Cộng Sản Trung Quốc tiếp cận những thông tin nhạy cảm về công dân Hoa Kỳ”.
WeChat: 1,2 tỷ người dùng với 90% là dân Trung Quốc
Lý do ông Trump đưa ra có vẻ không vững vì ứng dụng WeChat quả đúng là cực kỳ phổ biến, có đến 1,2 tỷ người sử dụng trên toàn thế giới, nhưng theo trang mạng chuyên môn TechCrunch, hơn 90% trong số đó là người cư ngụ ở Trung Quốc, hoặc là người Trung Quốc ra làm việc ở nước ngoài.
Theo đài truyền hình Pháp France 24 ngày 07/08/2020, tổng thống Mỹ không hoàn toàn vô lý, vì từ nhiều năm nay, các chuyên gia an ninh mạng phương Tây đã coi WeChat là một công cụ giám sát bằng kỹ thuật số mà “Bắc Kinh hằng mơ ước”.
Citizen Lab, một trung tâm nghiên cứu Canada về quyền tự do ngôn luận trên mạng, ngay từ năm 2016 đã theo dõi cách thức chính quyền Trung Quốc giám sát các cuộc thảo luận trên mạng WeChat để kiểm duyệt tốt hơn nội dung trao đổi thông qua ứng dụng này.
Một công cụ Bắc Kinh dùng để theo dõi và kiểm duyệt
Để gạt bỏ lập luận theo đó WeChat là một ứng dụng chủ yếu dùng trên lãnh thổ Trung Quốc, chưa lan tỏa được ra toàn thế giới như TikTok chẳng hạn, với nạn nhân bị theo dõi và kiểm duyệt đại bộ phận là người Trung Quốc, sắc lệnh nhắm vào WeChat mà ông Trump ban hành đã chính thức nêu bật sự cần thiết phải bảo vệ những người Trung Quốc đang ở Hoa Kỳ khỏi sự giám sát của Bắc Kinh.
Theo báo chí Mỹ, với lập luận này, Washington leo thêm một nấc thang trong cuộc đọ sức với Bắc Kinh, không đơn thuần nhằm bảo vệ người Mỹ, như được thấy qua các lệnh trừng phạt đối với Hoa Vi hoặc TikTok, mà còn nhằm hỗ trợ cho quyền tự do ngôn luận của mọi người, kể cả người Trung Quốc, trước những gì bị Mỹ cho là một chiến dịch giám sát hàng loạt trên toàn thế giới “Made in China”.
Ảnh minh họa : Logo của tập đoàn Tencent. REUTERS/Aly Song
Tencent: Trung tâm nền kinh tế kỹ thuật số Trung Quốc
Dẫu sao thì đối với giới quan sát, khi lấy WeChat làm mục tiêu tấn công, chính quyền Mỹ đã chấp nhận đọ sức với Tencent, một đối thủ mạnh hơn rất nhiều so với Bytedance, công ty mẹ của TikTok.
Theo France 24, thành lập vào năm 1998, Tencent hiện có giá trị hơn 680 tỷ đô la trên thị trường chứng khoán, gấp gần 10 lần giá trị ước tính của Bytedance. Không chỉ là tập đoàn internet mạnh nhất ở Trung Quốc sau Alibaba, Tencent còn là một nhân tố trung tâm của nền kinh tế kỹ thuật số của Trung Quốc nhờ WeChat.
Đài truyền hình Mỹ CNN ngày 07/08/2020 ghi nhận rằng Tencent thuộc diện tập đoàn công nghệ có giá nhất thế giới, với trị giá trên thị trường chứng khoán cao hơn gấp đôi so với giá trị của tập đoàn Mỹ Netflix, với ứng dụng WeChat - mà phiên bản gốc lưu hành tại Trung Quốc dưới tên Vi Tín (Weixin) - là nhu cầu hàng ngày của hàng trăm triệu người Trung Quốc, dùng để nhắn tin, chia sẻ ảnh, gọi xe, thanh toán mua sắm, đặt nhà hàng, gọi thức ăn và một loạt các dịch vụ khác.
Tencent cũng là một đại gia trong lãnh vực giải trí, là công ty trò chơi điện tử lớn nhất thế giới nếu tính theo doanh thu, nhà phát hành của một số trò chơi rất được ưa chuộng trên thế giới, chủ nhân toàn phần hay một phần của một loạt công ty game tại Mỹ và nhiều nước khác, đồng thời là một trong những nhà cung cấp dịch vụ video và âm nhạc trực tuyến lớn nhất Trung Quốc, mà bộ phận âm nhạc trực tuyến Tencent Music (TME) - được niêm yết trên thị trường Wall Street.
Reuters: Đánh vào Tencent có hiệu quả hơn đánh vào Hoa Vi
Theo hãng tin Anh Reuters ngày 07/08/2020, khi đánh vào Tencent, tổng thống Mỹ đã đánh vào một trong những điểm yếu nhất của Trung Quốc, và có thể ảnh hưởng đến Bắc Kinh nặng nề hơn là chiến dịch chống Hoa Vi.
Lời đe dọa của Mỹ là sẽ ngăn chặn các “giao dịch” với tập đoàn công nghệ Trung Quốc trước hết có thể tác hại đến các dịch vụ thanh toán dùng ứng dụng WeChat ở bên ngoài lãnh thổ Trung Quốc, mà điển hình là ví điện tử WeChat Pay, được chấp nhận ở nhiều nơi, kể cả ở Mỹ. CNN ghi nhận là vào năm ngoái, 25% doanh thu của Tencent đến từ các dịch vụ tài chánh và ứng dụng thanh toán như WeChat Pay
Hoạt động trong lãnh vực giải trí của Tencent cũng sẽ bị ảnh hưởng, nhất là trong lãnh vực trò chơi điện tử, vốn mang lại cho Tencent hơn 50% doanh thu trong năm 2019, nguồn lợi đến từ việc kiểm soát được hoặc nắm những phần hùn đáng kể trong một loạt những công ty phát triển những trò chơi điện tử rất được ưa chuộng trên thế giới, từ League of Legends cho đến Fornite, hay PlayerUnknown's Battlegrounds...
Đối với CNN, nếu chính quyền Mỹ quyết định cấm cửa các ứng dụng Trung Quốc, Tencent sẽ bị mất thị trường Mỹ trong lãnh vực trò chơi điện tử.
Những hoạt động của Tencent trong lãnh vực video giải trí hay ca nhạc trực tuyến cũng hợp tác với nhiều công ty Mỹ, từ hội bóng rổ NBA (National Basketball Association) cho đến tập đoàn Warner Music Group. Việc rút Tencent ra khỏi các quan hệ này có thể rất hỗn độn và tốn kém.
Hạn chế vũ khí đầu tư của Tencent
Ngoài ra, quyết định của Mỹ có thể đặt một loạt danh mục đầu tư rộng lớn của tập đoàn Tencent hải ngoại vào vòng nguy khốn. Cho đến nay, Bắc Kinh đã rất vất vả trong cuộc chiến bảo vệ thị phần của Hoa Vi ở nước ngoài. Thế nhưng Tencent có tầm hoạt động rộng lớn hơn nhiều.
Đây là một trong những tập đoàn đầu tư hào phóng nhất vào ngành công nghệ trên thế giới, với các khoản đầu tư vào các doanh nghiêp lên đến mức 60 tỷ đô la, tính đến tháng 12/2019. Tencent chẳng hạn, đã đầu tư vào công ty dịch vụ mua sắm Afterpay của Úc, hay đã mua lại trang diễn đàn trên mạng Reddit nổi tiếng của Mỹ. Cổ phiếu của Tencent đã giảm 10% sau thông báo của Nhà Trắng.
Theo Reuters, nếu Mỹ quyết định xúc tiến việc trừng phạt Tencent, mục tiêu nhắm tới đầu tiên có lẽ là WeChat, do mối quan ngại là ứng dụng này tạo điều kiện dễ dàng cho việc kiểm duyệt và hoạt động gián điệp. Điều đó sẽ cắt nguồn thu nhập đến từ quảng cáo của các nhãn hiệu Mỹ muốn vươn đến người tiêu dùng ở Trung Quốc, và trên mặt chính trị, có thể khiến cho người dân Trung Quốc bình thường phải gánh chịu cái giá của cuộc chiến thương mại một cách rõ rệt hơn hơn bất kỳ thứ gì khác.
Sau cùng, quyết định trừng phạt của Mỹ cũng sẽ khiến cho các nhà đầu tư nước ngoài suy nghĩ lại trước khi đặt quan hệ đối tác với các công ty Trung Quốc. Bắc Kinh đã đầu tư đáng kể về chính trị cũng như kinh tế để nuôi dưỡng các nhà vô địch công nghệ thế giới của họ, nhưng Washington giờ đây đang dùng uy thế của mình trong lãnh vực cơ sở hạ tầng Internet và hệ thống điều hành để ngặn chặn toan tính của Trung Quốc. Ngón đòn của Nhà Trắng nhắm vào Tencent sẽ còn khiến Trung Quốc phải đau đớn lâu dài.
Chiến tranh Lạnh Mỹ-Trung Quốc là không thể tránh khỏi?
Đồ họa minh họa về “Chiến tranh Lạnh Mỹ-Trung Quốc”. Nguồn: Forexlive.
Từ góc nhìn lịch sử và thực tiễn hiện nay, Chiến tranh Lạnh giữa Mỹ và Trung Quốc dường như là tất yếu. Hai nước còn có nguy cơ nổ ra xung đột quân sự.
Căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc tiếp tục gia tăng trên nhiều mặt trận. Hai siêu cường này đang đấu tranh với nhau quyết liệt trong cả lĩnh vực kinh tế và công nghệ, và gần như mọi thứ khác như đại dịch Covid-19, Biển Đông, Đài Loan, hay Tân Cương.
Việc Bắc Kinh áp đặt luật an ninh quốc gia lên Hong Kong càng thúc đẩy thái độ cứng rắn ở những nhân vật cứng rắn thuộc hai nước.
Tình trạng thù địch gia tăng giữa Bắc Kinh và Washington cũng khiến cho nhiều nước còn lại trên thế giới bị phân cực.
Giai đoạn nguy hiểm sắp tới trong quan hệ Mỹ-Trung
Thời gian còn lại của năm 2020 có thể là giai đoạn nguy hiểm đối với quan hệ Mỹ-Trung tương tự như 5 tháng cuối năm 1941 đối với quan hệ Mỹ-Nhật. Vụ không kích bất ngờ do Nhật Bản thực hiện nhằm vào Trân Châu Cảng vào ngày 7/12/1941, khiến Mỹ bị lôi kéo vào Thế chiến II (01/09/1939 – 02/09/1945), là nằm ngoài sự tưởng tượng của Mỹ lúc đó, vì “một nước có diện tích chưa bằng 1/4 diện tích của nước Mỹ lại dám cả gan tấn công cường quốc mạnh nhất thế giới lúc đó”.
Trung Quốc xem virus SARS-CoV-2 như một cơ hội để khai thác các điểm yếu của Mỹ, và Trung Quốc có thể không cầm lòng trước khả năng giải quyết các tranh chấp lãnh thổ thông qua vũ lực. Mỹ và Trung Quốc đang đối mặt với thách thức tồi tệ nhất kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức vào năm 1979.
Chính sách đối ngoại của Trung Quốc đã được điều chỉnh theo hướng dân tộc chủ nghĩa, hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Tập Cận Bình về “tinh thần chiến đấu” trong giới ngoại giao Trung Quốc để đáp lại cái mà Trung Quốc coi là sự bắt nạt và thù địch từ phía Mỹ và đồng minh của Mỹ.
Từ góc nhìn Bắc Kinh, các thách thức của họ là các cuộc va chạm với hải quân Mỹ khi hải quân Mỹ thực hiện các hoạt động tự do hàng hải ở Biển Đông hay khả năng Mỹ chính thức công nhận chính quyền Đài Loan.
Trung Quốc khó có thể trỗi dậy theo cách hòa bình?
Trong nhiều thập kỷ, giới lãnh đạo chính trị và các nhà chiến lược Mỹ đã thường xuyên bị chia rẽ giữa việc tương tác với Trung Quốc để thúc đẩy sự thịnh vượng của nước này, với việc kiềm chế sự trỗi dậy của nó, khi Trung Quốc trở thành một đối thủ cạnh tranh ngang cơ thay thế Liên Xô trong thời kỳ hậu Chiến tranh Lạnh.
Chính sách của Mỹ về Trung Quốc trong các năm qua chủ yếu bị chi phối bởi nỗi sợ về sự trỗi dậy của một thế lực lớn mới ở khối lục địa Á-Âu và một trục liên kết giữa Bắc Kinh và Moscow.
Trong một văn bản chính sách nói về cách tiếp cận chiến lược của Tổng thống Mỹ Trump đối với Trung Quốc, được Nhà Trắng công bố hồi tháng 5/2020, Washington đã chính thức thừa nhận sự thất bại của chính sách của họ đối với Trung Quốc trong 40 năm đầu tiên của quan hệ song phương. Khi đó Mỹ tìm cách thay đổi chế độ chính trị ở Trung Quốc thông qua hoạt động mở cửa thị trường.
Hé lộ đe dọa an ninh mới với Trung Quốc: Mỹ có cơ hội ra đòn "nguy hiểm hơn thương chiến"
Cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger, nổi tiếng với sách lược cho Mỹ mở cửa với Trung Quốc vào thập niên 1970 nhằm cô lập Liên Xô, thì nay cũng bi quan về tương lai quan hệ Trung-Mỹ.
Ông Kissinger xem Trung Quốc như đối thủ chiến lược duy nhất của Mỹ hiện nay. Năm 2019, ông cảnh báo rằng một cuộc xung đột quân sự "không giới hạn" giữa hai nước sẽ tệ hại hơn các cuộc thế chiến trước đây. Chủ trương của Chủ tịch Tập Cận Bình về cải cách quân sự trong các năm gần đây theo hướng xây dựng một đội quân có năng lực tác chiến và giành chiến thắng, là một bằng chứng rõ nét nữa về việc Trung Quốc đang chuẩn bị cho một xung đột vũ trang với kịch bản xấu nhất.
Cách đây hai năm, cựu Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Henry Kissinger nhận định: "Từ góc nhìn lịch sử, Trung Quốc và Mỹ rất khó tránh được xung đột với nhau".
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire