Trương Thanh Long
Sưu tầm - Biên soạn - Bình Luận
Đại dịch Cúm Tây Ban Nha 1918 - Bảo tàng Sức khỏe & Y tế quốc gia (Ảnh: Otis/Wikimedia Commons)
Đặc điểm nổi bật của bệnh cúm Tây Ban Nha (grippe espagnole) là nó đã giết chết một cách không cân đối về độ tuổi của các bệnh nhân, chủ yếu những người từ 20 đến 40 tuổi, thay vì người già hay trẻ em như thường thấy trong các đợt dịch khác. Tỷ lệ tử vong của Cúm Tây Ban Nha được ước tính là từ 10% đến 20%, trong khi tỷ lệ tử vong của các bệnh dịch cúm khác là 0,1%.
Cúm Tây Ban Nha cũng được ghi nhận với tỷ lệ nhiễm cực cao lên tới 50% số người có tiếp xúc với mầm bệnh và các triệu chứng bất thường của nó, bao gồm xuất huyết ở mũi, dạ dày và ruột, và cả phù xuất huyết ở phổi.
Frederick Trump tháng 1/1918. Ảnh: Commons.
Trong số những người thiệt mạng vì cúm năm 1918 có họa sĩ người Áo Egon Schiele, nhà thơ người Pháp Guillaume Apollinaire, và một nhà phát triển bất động sản ở New York tên là Frederick Trump, ông nội của tổng thống Mỹ Donald Trump.
Virus cúm năm 1918 được cho là có nguồn gốc từ chim, lợn hoặc cả hai. Virus không thể tự sao chép, chúng phải tự kiếm nơi sống, sao chép tế bào và sau đó tự tạo ra hàng chục nghìn bản sao. Trong khi sao chép chính nó, virus cúm gây ra nhiều "lỗi", điều đó có nghĩa là nó luôn thay đổi. Đây là lý do tại sao bạn cần tiêm phòng cúm mới mỗi năm. Nếu virus chim và virus người gây nhiễm cho tế bào lợn, tất cả các gen của chúng có thể hoán đổi và tạo ra một loại virus mới, có thể gây chết người.
Đại dịch Cúm 1918 lan rộng trên toàn thế giới
Ở Anh, 250.000 người chết và ở Pháp hơn 400.000 người chết. Có tới 17 triệu người chết ở Ấn Độ, chiếm khoảng 5% tổng dân số của quốc gia này. Tại Nhật Bản, 390.000 người đã chết và ở Indonesia, ước tính có 1,5 triệu người chết.
Iran có tỷ lệ tử vong đặc biệt cao, với khoảng từ 902.400 đến 2.431.000 người chết. Con số này nằm trong khoảng từ 8,0% đến 21,7% tổng dân số cả nước Iran tại thời điểm đó.
Ngay cả ở những nơi bị cô lập như Tahiti, Samoa, Úc và New Zealand, số người chết cũng rất lớn. Ở Tahiti, 13% dân số đã chết chỉ sau một tháng. Ở Samoa, 38.000 người chết, chiếm 22% toàn bộ dân số. Tại Úc, 12.000 người đã chết, trong khi ở New Zealand, cúm đã giết chết 6.400 người châu Âu và 2.500 người Maori bản địa chỉ trong sáu tuần.
Nguồn gốc của Đại dịch Cúm Tây Ban Nha
Nguồn gốc của bệnh cúm đã được tranh luận từ lâu. Claude Hannoun của Viện Pasteur của Pháp đã khẳng định rằng virus có nguồn gốc từ Trung Quốc, sau đó lan sang Boston và Kansas, và từ đó, thông qua các cuộc dịch chuyển quân đội, đến Brest, Pháp. Đây là diễn biến theo dòng thời gian về cách dịch Cúm Tây Ban Nha diễn ra trên toàn thế giới.
Tháng 4 năm 1917 - Hoa Kỳ tham gia Thế chiến I (1914-1918) với 378.000 người trong lực lượng vũ trang, điều này đã nhanh chóng làm gia tăng quân số tham gia chiến tranh lên hàng triệu người.
Tháng 6 năm 1918 - để tăng số lượng người chiến đấu, một dự thảo luật được thiết lập tại Hoa Kỳ để huy động người cho quân đội. Quân đội Mỹ đã tạo ra 32 trung tâm đào tạo, mỗi trung tâm có từ 25.000 đến 55.000 người.
Tháng 3 năm 1918 - hơn 100 quân nhân tại Trại Funston ở Fort Riley, Kansas bị cúm. Một tuần sau, con số đó đã tăng gấp 5 lần. Các ca bệnh cúm lẻ tẻ bắt đầu xuất hiện ở những nơi khác ở Hoa Kỳ, Châu Âu và Châu Á.
Trang trại lính di động ở Fort Riley Kansas. (Ảnh: CDC)
Tháng 4 năm 1918 - lần đầu tiên đề cập đến bệnh cúm xuất hiện trong một báo cáo y tế công cộng của Mỹ, mô tả 18 trường hợp nghiêm trọng và ba trường hợp tử vong ở Kansas.
Tháng 5 năm 1918 - Hoa Kỳ bắt đầu chuyển hàng trăm ngàn binh sĩ đến Châu Âu. Vì chiến tranh, các nhà kiểm duyệt ở Đức, Anh, Pháp và Hoa Kỳ đã ngăn chặn tin tức về sự bùng phát dịch bệnh, khiến Tây Ban Nha - nước trung lập của cuộc chiến tranh phải báo cáo về đợt dịch bệnh này. Đây là nguyên nhân vì sao gọi là "Cúm Tây Ban Nha".
Một bệnh viện Hoa Kỳ ở Pháp. (Ảnh: Quân đội Hoa Kỳ/Wikimedia Commons)
Virus này lây lan từ Châu Âu đến Bắc Mỹ, Châu Á, Châu Phi, Brazil, các đảo ở Nam Thái Bình Dương và thậm chí các bộ lạc bản địa sống ở Vùng Bắc Cực.
Tháng 9 năm 1918 - một đợt virus thứ hai xuất hiện có tỷ lệ tử vong cao hơn nhiều so với đợt đầu tiên. Nó xuất hiện tại một cơ sở của Hải quân Mỹ ở Boston và tại một cơ sở của Quân đội Mỹ ngay bên ngoài thành phố.
Cảnh sát Seattle đeo mặt nạ. (Ảnh: Wikimedia Commons)
Làn sóng này đã tạo ra hầu hết các trường hợp tử vong do virus, với 12.000 người chết ở Hoa Kỳ chỉ trong tháng 9. Ủy ban Y tế Thành phố New York yêu cầu tất cả các trường hợp cúm phải được báo cáo cho họ và bệnh nhân phải được cách ly, tại nhà hoặc trong bệnh viện.
Bệnh nhân cúm tại Bệnh viện quân đội Walter Reed. (Ảnh: Harris và Ewing/Wikimedia Commons)
Tại Philadelphia, 200.000 người tập trung cho cuộc diễu hành Liberty Bonds (Vì Tự do), và vài ngày sau đó, 635 trường hợp mới bị cúm được báo cáo. Thành phố yêu cầu các trường học, nhà thờ và nhà hát đóng cửa.
Tháng 10 năm 1918 - 195.000 người Mỹ chết vì cúm trong tháng này. Có một sự thiếu hụt nghiêm trọng các y tá vì nhiều người đang phục vụ ở nước ngoài. Hội Chữ thập đỏ Hoa Kỳ Chicago đưa ra lời kêu gọi các tình nguyện viên chăm sóc người bệnh.
Các y tá tình nguyện trong đại dịch. (Ảnh: CDC)
Chính quyền Chicago đóng cửa các rạp chiếu phim và trường học, và cấm các cuộc tụ họp công cộng. Tội phạm ở Chicago giảm 43%. Philadelphia, nơi ghi nhận 289 người chết trong một ngày, bị buộc phải lưu trữ xác chết trong các cơ sở bảo quản lạnh, và một nhà sản xuất xe đẩy đã tình nguyện tặng các thùng đóng gói hàng hóa để sử dụng làm quan tài cho những người chết.
San Francisco khuyến nghị tất cả công dân của mình nên đeo khẩu trang khi ra ngoài nơi công cộng và tại thành phố New York, việc đóng tàu giảm 40% do thiếu nguồn nhân lực.
Tháng 11 năm 1918 - sự kết thúc của cuộc chiến tranh lần thứ nhất đưa những người lính trở về nhà, và làm xuất hiện nhiều trường hợp bị cúm hơn. Các quan chức ở Thành phố Salt Lake đặt các dấu hiệu kiểm dịch trên cửa của hơn 2.000 cư dân bị cúm.
Quân đội tham gia Thế chiến lần thứ nhất trở về nhà. (Ảnh: CDC)
Ngày 11 tháng 11 năm 1918, hiệp định đình chiến được ký kết tại Pháp kết thúc Chiến tranh thế giới lần thứ nhất.
Tháng 1 năm 1919 - một làn sóng thứ ba của virus xuất hiện, giết chết nhiều người hơn. Từ ngày 1 đến ngày 5 tháng 1, San Francisco ghi nhận 1.800 ca cúm mới và 101 người chết. Thành phố New York báo cáo 706 trường hợp nhiễm cúm mới và 67 ca tử vong.
Các ca cúm mới ở San Francisco. (Ảnh: National Photo Company/Wikimedia Commons)
Tháng 8 năm 1919 - đại dịch cúm chấm dứt vì những người bị nhiễm bệnh đã chết và những người khác đã tự phát triển khả năng miễn dịch.
Tháng 3 năm 1997 - trong một bài báo ngày 21 tháng 3 năm 1997 trên Tạp chí Khoa học, các nhà nghiên cứu tại Viện Bệnh học của Lực lượng Vũ trang phân tích mô phổi lấy từ một người lính chết năm 1918 do cúm. Họ kết luận rằng mặc dù virus cúm là duy nhất, nhưng "gen hemagglutinin phù hợp nhất với virus cúm lợn, cho thấy loại virus này phát tán từ lợn sang người".
Tháng 2 năm 2004 - các nhà nghiên cứu tại Viện Scripps ở La Jolla, California và Hội đồng Nghiên cứu Y khoa của Anh kết luận rằng virus 1918 có thể đã lây nhiễm trực tiếp từ chim sang người, bỏ qua lợn hoàn toàn. Điều này có thể giải thích độc lực của nhiễm trùng.
Tháng 10 năm 2005 - các nhà khoa học tại Viện nghiên cứu bệnh học sắp xếp bộ gen hoàn chỉnh của virus bệnh Cúm 1918 bằng cách phân tích các mô lấy từ cơ thể của một nạn nhân cúm có cơ thể được bảo quản trong băng vĩnh cửu kể từ khi ông được chôn cất năm 1918.
Làm thế nào để giảm nguy cơ tử vong trong đại dịch mới
Việc giảm nguy cơ tử vong trong đại dịch cúm mới phụ thuộc vào một số yếu tố, đó là:
1. Các nhà khoa học của Tổ chức Y tế Thế giới cần nhanh chóng phát triển một loại vắc-xin hiệu quả
2. Dự trữ đầy đủ kháng sinh dùng để điều trị nhiễm khuẩn thứ cấp
3. Các loại vi khuẩn viêm phổi không kháng với kháng sinh hiện tại của chúng ta
4. Các bệnh viện không trở nên quá tải với bệnh nhân và từ chối nhập viện cho bệnh nhân mới
Trong đại dịch cúm lợn năm 2009, các đơn vị chăm sóc đặc biệt ở Úc đã đạt hiệu quả ngăn chặn dịch bệnh và các bác sĩ đã đưa ra kết luận rằng họ sẽ phải ưu tiên cho phụ nữ mang thai và trẻ em, trong khi bệnh nhân lớn tuổi sẽ được điều trị sau cùng.
Một đại dịch sẽ khiến các kệ hàng tạp hóa trống rỗng và không thể được bổ sung, các trường học sẽ buộc phải đóng cửa, và các dịch vụ thiết yếu khác cũng sẽ bị cắt giảm.
(Tác giả: Marcia Wendorf - Theo Interestingengineering)
BÌNH LUẬN
Điểm yếu của con người năm 1918, đó là chúng ta phải đối mặt với chiến tranh. Virus cúm tỏ ra nguy hiểm trong điều kiện chiến trường, hầm hào bẩn thỉu và ẩm mốc. Kinh tế suy thoái để lại một tỷ lệ dân số suy dinh dưỡng cao, dễ dàng bị ảnh hưởng. Và khi các bác sĩ được rút hết ra tiền tuyến để chăm sóc những người lính, các bệnh viện và hệ thống y tế ở hậu phương không đủ công suất để ngăn chặn đại dịch.
100 năm sau đó, chúng ta đã được sống trong một thế giới cơ bản hòa bình, kinh tế phát triển và hệ thống y tế được nâng cấp. Nhưng các thách thức khác được đặt ra bao gồm:
- sự thay đổi nhân khẩu học (dân số học hay thống kê dân số)
- tập trung dân cư đô thị hóa,
- sự phát triển của hàng không dân dụng,
- kháng sinh
- biến đổi khí hậu.
Ngày nay, tốc độ lây lan sẽ rất nhanh chóng và xảy ra trên quy mô toàn thế giới thông qua du lịch hàng không. Có nhiều điều kiện cho phép dịch cúm mới COVID-19 vượt mặt cúm Tây Ban Nha năm 1918.
Sự biến đổi khí hậu toàn cầu làm thay đổi mô hình di cư của các loài chim, mang virus tiềm ẩn đến các địa điểm mới, mô hình lây nhiễm sẽ thay đổi, khiến chúng ta bị bất ngờ.
Kháng sinh cũng là một vấn đề. Hầu hết nạn nhân bị giết chết trong đại dịch cúm năm 1918 đều vì nhiễm trùng thứ phát do vi khuẩn, một thứ mà thuốc kháng sinh đã giúp giảm bớt trong những trận đại dịch tiếp theo. Nhưng kháng sinh ngày càng bị vi khuẩn kháng lại mạnh mẽ. Điều này làm tăng nguy cơ tử vong vì nhiễm khuẩn thứ phát trong dịch bệnh tiếp theo khi nó bùng phát.
Các nhà khoa học không thể tạo ra được một loại vắc-xin duy nhất, đặc hiệu vĩnh viễn cho tất cả các chủng cúm này. Điều mà họ có thể làm chỉ là theo dõi các đột biến mỗi năm và tạo ra một vắc-xin tốt nhất, có hiệu quả tương đối cho mùa cúm năm sau mà thôi. Vắc-xin này chưa chắc đã chống lại tất cả các chủng cúm và có thể mất hoàn toàn hiệu quả vào mùa cúm năm sau nữa.
Với các kỹ thuật mới nhất hiện nay, các công ty dược phẩm sẽ phải mất ít nhất từ 3-6 tháng để sản xuất vắc-xin chống lại chủng cúm mới. Trong khoảng thời đó, nhân loại đơn thuần là không có bất kể một sự bảo vệ nào ngoài việc:
- đeo khẩu trang,
- hạn chế đến nơi đông người
- rửa tay thường xuyên.
Dịch cúm mới sẽ là mối lo ngại lớn cho thế hệ tương lai. Thế giới đã khác xa so với 100 năm trước. Bây giờ người ta thường hôn nhau rất tự nhiên, những nụ hôn có thể lây lan virus. Chẳng ai làm điều đó ở năm 1918.
Bây giờ mới là thời khó khăn nhất, khi Việt Nam phải chú trọng chính từ Trung Quốc thì giờ đây bốn phía là Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và Campuchia.
Đây là các quốc gia hiện đang có nhiều người đang ở Việt Nam và ngược lại, có nhiều người Việt Nam đang lao động và học tập tại đó.
Nếu tại các quốc gia trên, dịch bệnh COVID-19 không được khống chế, có thể sẽ có hàng vạn người Việt Nam trở về và nếu đã từng xuất hiện tâm lý quá hoang mang, lo sợ hơi quá thì giờ đây, cần hết sức cảnh giác với thái độ chủ quan, coi thường.
Nếu tại các quốc gia trên, dịch bệnh COVID-19 không được khống chế, có thể sẽ có hàng vạn người Việt Nam trở về và nếu đã từng xuất hiện tâm lý quá hoang mang, lo sợ hơi quá thì giờ đây, cần hết sức cảnh giác với thái độ chủ quan, coi thường.
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire