Trương Thanh Long
Sưu tầm - Biên soạn - Bình Luận
Thả lưới, đặt vó vào buổi chiều rồi kéo lên lúc 2-3 giờ sáng... là nhịp sống quen thuộc của gần 3 chục hộ dân ở làng chài nằm giữa lòng hồ thủy điện Sê San 4, huyện Ia H’Drai, Kon Tum.
Sông Sê San
Sông Sê San là một trong các phụ lưu lớn của sông Mekong bắt nguồn từ Bắc và Trung Tây Nguyên của Việt Nam rồi chảy sang lãnh thổ Campuchia và nhập vào sông Serepok gần Stung Treng.
Ngồi thuyền độc mộc và ngắm cảnh sông nước Pô Kô mênh mông đem đến nhiều trải nghiệm thú vị cho du khách. Ảnh: P.L
Sông Sê San có lưu vực rộng 17.000 km². Trên lãnh thổ Việt Nam, sông Sê San nằm trên hai tỉnh Gia Lai và Kon Tum với tổng chiều dài sông chính là 237 km, diện tích lưu vực là 11.450 km². Sông Sê San lưu là krong Pô Kô ở phía hữu ngạn và Đăk Bla phía tả ngạn. Trên lãnh thổ Campuchia, sông chảy qua tỉnh Ratanakiri và Stung Treng.
Phần phía thượng lưu của sông nằm trong vùng đồi núi thấp, độ dốc địa hình trung bình. Trên phía Đông-Bắc của phần thượng lưu, sông tiếp giáp với vùng phân thủy giữa Đông và Tây của dải Trường sơn. Phần phía hạ lưu, thung lũng sông nằm trong các hẻm sâu của các dãy núi cao, độ dốc địa hình khá lớn.
Tiềm năng thủy điện
Đặc điểm địa hình tự nhiên tại các vùng thượng và hạ lưu khác nhau đã tạo nên các hình thái khác nhau cho việc xây dựng các nhà máy thuỷ điện. Chính điều đó đã tạo nên mối liên hệ chặt chẽ giữa các nhà máy thủy điện trên bậc thang này. Những hồ chứa lớn của các nhà máy thủy điện phía thượng lưu sẽ đóng vai trò quyết định cho việc điều tiết dòng chảy cho các nhà máy thủy điện phía hạ lưu.
Thủy điện Sê San 4
Để khai thác các công trình thủy điện trên sông Sê San đảm bảo tính khoa học, chính xác, đồng bộ, phát huy lợi ích kinh tế tối đa, giảm thiểu sự tác động xấu đến môi trường, quy hoạch bậc thang thủy điện trên sông Sê San đã được Thủ tướng Chính phủ Việt Nam phê duyệt vào năm 2001. Đang và sẽ có 9 công trình được xây dựng là:
- Thượng Kon Tum (trên nhánh Đăk Snghé của dòng Đăk Bla).
- Ea Súp Thượng
- Plei Krông (trên nhánh Krông Pô Kô)
- Ya Ly
- Sê San 3
- Sê San 3A
- Sê San 4
- Sê San 4A
- Ia Krel 2
Các công trình trên có nhiệm vụ phát điện là chủ yếu. Khi các nhà máy trên bậc thang thủy điện sông Sê San đi vào hoạt động sẽ cung cấp khoảng 8 tỷ Kwh cho hệ thống điện quốc gia của Việt Nam.
Phần trên lãnh thổ Campuchia, dự kiến cũng sẽ có thêm 3 công trình thủy điện-thủy lợi được xây dựng. Đó là:
- Prek Liang 2
- Prek Liang 1
- Hạ Sesan 2 (Lower Se San 2 Dam), hoàn thành tháng 09/2017.
- Hạ Sesan 3
Làng chài trên lòng hồ Sê San
Thủy điện Sê San 4 với diện tích lòng hồ hơn 5.100 ha, đây là khu vực có mặt nước ổn định, có nguồn thủy sản tự nhiên dồi dào. Những người dân làm nghề chài lưới ở khắp các tỉnh thành trên cả nước như Cà Mau, An Giang, Long An, Thừa Thiên - Huế… tụ hợp về đây, lập nên một làng chài nuôi trồng và đánh bắt thủy sản trên lòng hồ thuộc thôn 7, xã Ia Tơi (huyện Ia H’Drai). Lòng hồ Thủy điện Sê San 4 nằm chủ yếu trên địa bàn xã Ia Tơi.
Lòng hồ thủy điện Sê San 4 rộng hơn 5.100 ha, là khu vực có mặt nước ổn định, nguồn thủy sản tự nhiên dồi dào. Nhiều gia đình chài lưới từ Cà Mau, An Giang, Long An, Thừa Thiên - Huế… tụ hợp về đây lập nên làng chài.
Lòng hồ rộng, đẹp, mênh mông sông nước nằm giữa núi rừng tạo nên “bức tranh thủy mặc” hút hồn du khách nếu có dịp đặt chân tới đây ngắm nhìn sông nước, quên đi những bon chen cuộc sống đời thường. Nơi lòng hồ này chứa đựng nguồn lợi thủy sản lớn và rất phong phú. Người dân sinh sống ở mảnh đất này đang tận dụng, khai thác nguồn thủy sản trên lòng hồ để phát triển kinh tế gia đình và làng chài ven sông đã thành hình. Chính những yếu tố trên góp phần tạo ra tiềm năng du lịch sinh thái nơi đây, nếu được khai thác hiệu quả sẽ đóng góp to lớn cho phát triển kinh tế của địa phương, nâng cao thu nhập cho người dân.
Tại thôn 7 (xã Ia Tơi) hiện có một làng chài với hàng chục hộ dân đánh bắt, nuôi trồng thủy sản trên lòng hồ Thủy điện Sê San 4. Hàng năm, người dân nơi đây đánh bắt và nuôi trồng được hàng chục tấn cá trên lòng hồ, nguồn lợi này góp phần tạo ra thu nhập, nâng cao đời sống của các gia đình.
Gia đình ông Nguyễn Văn Triều có hơn 9 năm gắn bó với lòng hồ. Thu nhập chủ yếu của ông cũng như hầu hết các hộ dân ở đây đến từ cá cơm. Cá cơm sau khi phơi khô được bán với giá từ 80-100 nghìn đồng/kg.
Tìm về làng chài, ông Nguyễn Văn Triều (thôn 7, xã Ia Tơi) tâm sự: Tôi làm nghề đánh bắt cá mấy chục năm nay, chính cái nghề gắn sông nước này đã đưa tôi “lang bạt kỳ hồ” , nhưng khi đến lòng hồ Thủy điện Sê San 4, tôi bị sông nước, cảnh vật nơi này mê hoặc và quyết tâm bám trụ lại để mưu sinh. Ở khu vực lòng hồ Thủy điện Sê San 4 này có rất nhiều loài cá khác nhau như cá lăng, cá chép, cá anh vũ, cá sọc dưa, nhưng nhiều nhất vẫn là cá cơm và cá mè... Nơi đây có rất nhiều cá to, có người đã bắt được con cá lăng nặng hơn 40 kg (còn từ 20-30 kg thì rất nhiều), có người bắt được cá trắm hơn 20 kg, cá chép hơn 10kg…
Làng chài thuộc thôn 7, xã Ia Tơi (huyện Ia H’Drai) này có 29 hộ dân.
Trên lòng hồ, mênh mông giữa dòng Sê San, những ngôi nhà nổi tạo nên cảnh quan thật thơ mộng. Khi hoàng hôn buông xuống, các hộ dân ở làng chài lại chuẩn bị tay lưới, xuồng để đi thả lưới, thả rớ. Không khí ở đây thật nhộn nhịp với âm thanh của những chiếc xuồng máy và những tiếng gọi í ới rủ nhau cùng đi thả lưới của ngư dân. Người dân làng chài thường đi thả lưới từ lúc 17 giờ chiều hôm trước đến khoảng 2 giờ sáng hôm sau họ bắt đầu đi thu lưới. Mỗi ngày như vậy, thu nhập từ 300.000-500.000 đồng/người.
Ông Nguyễn Duy Khanh (thôn 7, xã Ia Tơi) cho biết: Nguồn lợi thủy sản ở lòng hồ Thủy điện Sê San 4 nhiều lắm. Có nhiều loại cá quý hiếm ở nơi khác không có như cá lăng, cá anh vũ. Nhưng tôi thấy, ở đây, “cá cơm nước ngọt” nhiều nhất. Cá cơm ở đây nhỏ hơn cá cơm biển, cá có chiều dài khoảng 3-4cm, có thân mình trắng trong, phần bụng trắng đục như hạt cơm. Cá cơm ở đây thơm, ngon lạ so với cá cơm ở vùng khác.
Với những người làm nghề chài cá trên sông Sê San và cả người dân sống ở vùng đất Ia H'Drai, loài cá cơm này chính là món quà của “mẹ sông” dành tặng cho cuộc sống của họ. Đây chính là nguyên liệu làm nên món đặc sản cá cơm khô và bánh tráng cá cơm Sê San được nhiều người biết đến.
Với sản lượng cá cơm dồi dào, dòng sông đã ban tặng cho những người mưu sinh trên vùng lòng hồ Thủy điện Sê San 4 một nguồn lợi kinh tế đáng kể. Cá cơm ở Ia H’Drai được xây dựng là một trong những đặc sản, sản phẩm riêng có của huyện biên giới này. Với những người chuyên đánh bắt cá cơm để bán ra thị trường, thì cá cơm trên sông Sê San đang mang lại cho họ một nguồn thu đáng kể, ngoài ra đây còn là món khoái khẩu trong bữa cơm của mỗi gia đình nơi đây.
Hàng năm, dân làng chài đánh bắt và nuôi trồng được hàng chục tấn thủy sản từ lòng hồ thủy điện Sê San 4. Người phụ nữ trong ảnh đang phơi cá cơm mà gia đình mới đánh bắt.
Với người dân ở Ia H'Drai, cá cơm khô là thực phẩm dự trữ không thể thiếu trong căn bếp của mỗi gia đình. Trước đây, khi đường sá đi lại còn nhiều khó khăn, nhất là mùa mưa, những món ăn từ cá cơm khô chiếm phần “chủ đạo” trong bữa cơm của người dân huyện biên giới Ia H’Drai, nó giúp họ vượt qua những tháng ngày cơ cực.
Hiện nay, ngoài việc tạo điều kiện cho người dân đánh bắt thủy sản tự nhiên từ lòng hồ Thủy điện Sê San 4, huyện Ia H’Drai luôn quan tâm khuyến khích và tạo điều kiện cho nhiều hộ dân phát triển nuôi trồng thủy sản trên lòng hồ. Đồng thời, tạo điều kiện cho các hộ dân ở thôn 7, xã Ia Tơi thành lập Hợp tác xã Sê San, với vốn điều lệ 350 triệu đồng. Việc thành lập hợp tác xã nhằm phát huy lợi thế của nguồn lợi thủy sản từ lòng hồ Thủy điện Sê San 4 và gắn kết chặt chẽ người nuôi trồng, đánh bắt thủy sản với thị trường, cải thiện thu nhập cho người dân theo hướng lâu dài, bền vững, góp phần ổn định kinh tế - xã hội của địa phương.
Dân tộc thiểu số ở Gia Lai và Kon Tum
Có thể thấy, nguồn lợi thủy sản từ dòng sông Sê San đang góp phần nâng cao thu nhập cho nhiều hộ dân sinh sống dọc theo dòng sông này. Dòng sông Sê San còn là điểm đến thú vị cho nhiều du khách, bởi đến đây, họ được hòa mình vào môi trường sông nước mênh mông và thưởng thức nét văn hóa đặc trưng của đồng bào các dân tộc thiểu số nơi đây.
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire