Trương Thanh Long
Sưu tầm - Biên soạn - Bình Luận
(CAND) 26/11/2018 - Thống kê từ Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) cho thấy, hiện nay tội phạm mua bán người đã xảy ra trên phạm vi 63 địa phương, với gần 90% là mua bán người ra nước ngoài, chủ yếu là sang Trung Quốc.
Ở khu vực Đông Nam Á, 33% nạn nhân buôn bán người là trẻ em (Ảnh minh họa)
Từ năm 2011 đến quý III năm 2018, toàn quốc có 7.147 nạn nhân bị lừa bán, trong đó có 868 trẻ em. Trước thực trạng này, Bộ Công an phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan tiếp tục tăng cường, đấu tranh có hiệu quả phòng, chống mua bán trẻ em.
Thủ đoạn của đối tượng
Cục Cảnh sát hình sự cho biết, nạn nhân là những trẻ em (người dưới 16 tuổi) bị mua bán có thể là trẻ sơ sinh của nhiều gia đình có con ngoài ý muốn, thậm chí là trẻ trong bào thai, song phần lớn là con của những gia đình sống tại các vùng nông thôn nghèo, nhất là người dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa, có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, không có việc làm, hiểu biết xã hội còn hạn chế.
Quá trình điều tra các vụ án cho thấy, phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm này hết sức tinh vi, xảo quyệt. Các đối tượng phạm tội thường tìm cách tiếp cận, làm quen với nạn nhân qua các trang mạng xã hội như: Zalo, Facebook, Viber, điện thoại di động, Internet để dụ dỗ, lôi kéo, giả vờ yêu đương, kết bạn rồi lừa bán nạn nhân…
Đơn cử, Công an tỉnh Yên Bái đã bắt giữ hai đối tượng Cư Seo Quang (17 tuổi) và Cư Seo Đồng (20 tuổi), cùng trú tại tỉnh Lào Cai về hành vi mua bán người. Tại cơ quan Công an, hai đối tượng khai nhận bằng thủ đoạn quen qua mạng xã hội Facebook vờ yêu các nạn nhân rồi bán sang bên kia biên giới kiếm tiền, trong đó, có nạn nhân Lù Thị C và Giàng Thị D, học sinh trường nội trú trên địa bàn tỉnh Yên Bái. Sau khi bị bán hai nạn nhân đã trở về làm đơn tố cáo hai đối tượng nêu trên.
Một số đối tượng tuy chưa có tiền án, tiền sự về tội mua bán người song lợi dụng thông thuộc, qua lại địa bàn biên giới, sự mất cảnh giác của người dân, hám tiền đã bắt cóc, lừa gạt trẻ em đưa ra nước ngoài bán. Cá biệt có một số trường hợp, đối tượng phạm tội chính là cha, mẹ đẻ, người nuôi dưỡng của nạn nhân, do thiếu hiểu biết pháp luật và khó khăn về kinh tế đã bán con em mình (chủ yếu là người dân tộc thiểu số).
Mới đây, rạng sáng 18/11/2018, người dân thấy một phụ nữ bế trẻ sơ sinh liên tục quấy khóc trên xe khách từ huyện miền núi Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An đi Hà Nội. Thấy có nhiều điểm bất thường nên người dân đã báo ngay cho cơ quan Công an. Nhận được tin báo, Công an huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An phối hợp với Trạm cảnh sát giao thông Công an huyện Diễn Châu dừng chiếc xe khách trên để kiểm tra, yêu cầu người phụ nữ bế cháu nhỏ về trụ sở để làm rõ.
Tại cơ quan Công an, người phụ nữ khai tên là Cụt Thị Tha (30 tuổi), trú bản Keo Pha, xã Bắc Lý, huyện Kỳ Sơn và đứa bé là con của mình. Tuy nhiên, lực lượng chức năng đã làm rõ, đứa bé không phải con của Tha. Sau đó, Tha đã khai nhận không phải mẹ đứa bé và đang trên đường đi bán đứa bé này.
Cơ quan Công an đã làm rõ, đứa bé là con của chị Ven Thị L (25 tuổi), trú huyện Kỳ Sơn. Chị L bị hai vợ chồng Ven Thị Xy (33 tuổi) và Moong Văn Thoại (38 tuổi), trú tại huyện Kỳ Sơn dụ dỗ bán con với giá 40 triệu đồng cho một phụ nữ ở huyện Diễn Châu.
Sau khi bán trót lọt, L lấy 32 triệu đồng, Tha được 5 triệu đồng tiền công, vợ chồng Thoại được 3 triệu đồng. Hiện, Cơ quan Công an đã tạm giữ Tha và hai vợ chồng Xy, Thoại để điều tra, làm rõ hành vi mua bán người. Đứa trẻ đã được bàn giao cho chị L và yêu cầu người mẹ này phải có trách nhiệm chăm sóc nuôi dưỡng con.
Theo Cục Cảnh sát hình sự, đã xuất hiện các đối tượng tìm đến những gia đình nghèo, có phụ nữ mang thai sắp sinh để dụ dỗ, lôi kéo đưa ra nước ngoài sinh con, rồi bán cho người nước sở tại.
Điển hình, đầu năm 2018, đối tượng Moong Thị Oanh (sinh sống tại Trung Quốc) về thăm gia đình và nhờ mẹ đẻ là Moong Thị Hiền, trú tại huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An tìm người mang thai để mang sang Trung Quốc. Hiền đã tìm đến chị Lương Thị Mùi, cùng trú tại địa phương dụ dỗ, lôi kéo, hứa trả cho Mùi 60 triệu đồng và đưa chị này sang Trung Quốc. Sau khi sinh con tại đây được 20 ngày, các đối tượng đã bán đứa trẻ cho người Trung Quốc và trở về địa phương.
Đấu tranh hiệu quả từ sự phối hợp
Nhằm ngăn chặn và từng bước đẩy lùi tội phạm mua bán người, nhất là trẻ em, ngày 3/5/2018, Bộ Công an đã tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 01 về ngăn chặn, đấu tranh tình trạng công dân Việt Nam xuất cảnh, di cư trái phép, cư trú và lao động bất hợp pháp, vi phạm pháp luật ở nước ngoài nhằm hạn chế tình trạng tội phạm lợi dụng để đưa trẻ em ra nước ngoài bán.
Hàng năm, thực hiện kế hoạch của Bộ, Công an các đơn vị, địa phương chủ trì, phối hợp với lực lượng Biên phòng đồng loạt ra quân triển khai thực hiện cao điểm tấn công trấn áp tội phạm nhằm đảm bảo ANTT dịp Tết Nguyên đán, đáng chú ý là ban hành kế hoạch và tổ chức triển khai cao điểm tấn công trấn áp tội phạm mua bán người trên toàn quốc, trọng tâm là các tuyến biên giới giữa Việt Nam – Campuchia, Lào và Trung Quốc từ ngày 1/7 đến 30/9.
Riêng đối với năm 2018, thực hiện trong 6 tháng từ 1/7 đến 31/12, tập trung điều tra khám phá vụ án mua bán người, nhất là mua bán trẻ em, triệt xóa các đường dây đưa người di cư trái phép, các trung tâm môi giới trá hình, các tụ điểm lợi dụng việc cho nhận con nuôi có yếu tố nước ngoài để lừa đưa trẻ em ra nước ngoài bán.
Cục Cảnh sát hình sự cho biết, phòng, chống mua bán trẻ em không chỉ là sự nỗ lực của riêng lực lượng Công an mà phải có sự chung tay vào cuộc của cả cộng đồng; đẩy mạnh và đồng bộ các giải pháp, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và người dân tham gia đấu tranh ngăn chặn có hiệu quả loại tội phạm mua bán người, mua bán trẻ em; thực hiện công tác tiếp nhận, xác minh, xác định hỗ trợ hòa nhập cộng đồng để nạn nhân ổn định cuộc sống…
Các vụ, cục, thuộc các Bộ, ngành có liên quan và địa phương phối hợp chặt chẽ, thống nhất… nhằm ngăn chặn, hạn chế sự gia tăng của loại tội phạm này.
BÌNH LUẬN
Cơ quan Phòng chống Tội phạm và Ma túy của Liên Hợp Quốc (UNODC) cho biết, 1/3 số nạn nhân được phát hiện trong các vụ việc liên quan đến tội phạm buôn bán người là trẻ em.
Không có quốc gia nào thực sự miễn nhiễm – có ít nhất 152 quốc gia là điểm xuất phát và 124 quốc gia là đích đến của nạn buôn người, cùng hơn 510 đường dây buôn lậu trên khắp thế giới. Nạn buôn người thường xảy ra chủ yếu trong nước hoặc trong cùng khu vực, đường dây buôn người xuyên lục địa phần lớn ảnh hưởng tới các nước giàu.
Những bé gái vui cười tại nơi dạy nghề bên ngoài Châu Ðốc, gần biên giới với Cambodia. Nếu không được huấn luyện và có nguồn thu nhập, những bé gái này có nguy cơ bị rơi vào đường mại dâm hoặc bị gia đình ép buộc làm nghề mại dâm ở Cambodia. NEIL PHOTO
Ở một số khu vực, nạn buôn bán trẻ em là vấn đề nổi cộm nhất, ở khu vực Đông Nam Á, 33% nạn nhân là trẻ em.
Hầu hết các đường dây buôn bán người có tính liên khu vực, cứ 10 nạn nhân thì có 6 nạn nhân bị mua bán qua ít nhất một biên giới quốc gia.
Các nhà hoạch định chính sách ở khu vực Đông Nam Á quan ngại rằng tiến trình hòa nhập khu vực sẽ làm gia tăng sự dịch chuyển giữa các quốc gia, từ đó sẽ làm gia tăng các vấn đề này.
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire