jeudi 29 novembre 2018

PHÁP LUẬT : Băng nhóm tổ chức tín dụng đen "cực khủng”, tra tấn như thời trung cổ

Trương Thanh Long
Sưu tầm - Biên soạn - Bình Luận


(NLĐO) 29/11/2018 - Khi bắt được nạn nhân, băng tín dụng đen lớn nhất từ trước đến nay, hoạt động ở cả 63 tỉnh, thành với hình thức cho vay cắt cổ đã hành hạ nạn nhân như thời trung cổ, bắt lựa chọn giữa bát cơm và bát chất thải bẩn.


Sáng nay 29/11/2018, Công an tỉnh Thanh Hóa phối hợp với Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an), đã tổ chức họp báo thông tin về kết quả đấu tranh với tổ chức tín dụng đen hoạt động tại 63 tỉnh, TP trên cả nước. Đây là ổ nhóm tín dụng đen lớn nhất cả nước từ trước đến nay được triệt phá.

Theo thông tin điều tra, ngày 19/7/2018, tại Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa tiếp nhận một bệnh nhân nam giới trong tình trạng nguy kịch và tử vong ngay sau đó. Khi biết nạn nhân tử vong, người đưa nạn nhân đi cấp cứu đã bỏ đi.

Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thanh Hóa vào cuộc điều tra và xác định nạn nhân là Nguyễn Văn Minh (SN 1999, ngụ thôn Liên Tân, xã Bố Hạ, huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang), là nhân viên của Công ty Tài chính Nam Long có trụ sở tại TP HCM. Anh Minh làm việc cho công ty ở tỉnh Bắc Kạn, với nhiệm vụ là đi thu nợ các con nợ vay của Công ty Nam Long.

Theo điều tra, tháng 7/2018, anh Minh có thu tiền của khách nhưng không nộp về cho chi nhánh và còn cầm cố 1 chiếc xe máy lấy 20 triệu đồng tiêu xài, sau đó bỏ trốn. Sau đó, Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Công ty Tài chính Nam Long, đã chỉ đạo đàn em đến nhà anh Minh để đòi tiền. Đến ngày 9/7/2018, anh Minh bị nhóm này bắt tại huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội.


Sau đó, anh Minh bị đánh hội đồng, đưa về cơ sở của công ty tại Hà Nội, tổ chức họp "kỷ luật" yêu cầu Minh đi xin lỗi những người trong công ty, xin chữ ký từng người cho ở lại hoặc đưa ra pháp luật. Đồng thời, nhóm này đưa ra 1 bát cơm1 bát chất thải bẩn của người, bắt anh Minh chọn 10 lần. Khi nạn nhân bò đến bát cơm thì bị hành hạ, đánh đập như thời trung cổ.

Ngày 10/7/2018, anh Minh được đưa về Thanh Hóa và tử vong sau đó.

Xác định đây là vụ án có tính chất đặc biệt nghiêm trọng, liên quan đến tội phạm hoạt động có tổ chức, hoạt động tín dụng đen và có tính chất chuyên nghiệp, phạm vi rộng, quan hệ phức tạp, núp bóng doanh nghiệp, có nhiều phương thức thủ đoạn mới, tinh vi, nên Công an tỉnh Thanh Hóa đã báo cáo Bộ Công an xác lập chuyên án để đấu tranh, triệt xóa tổ chức này.

Kết quả điều tra ban đầu cho thấy, Công ty Tài chính Nam Long không có đăng ký kinh doanh, chuyên thực hiện giao dịch cho vay với mức lãi suất "cắt cổ" lên tới hơn 1.000%/năm. Tính đến thời điểm bị phát hiện, đã có hơn 200 khách hàng dính bẫy tín dụng đen của công ty này và tổng số tiền giao dịch là hơn 510 tỉ đồng. Khi các con nợ chậm trả, các đối tượng sẵn sàng hành hung, đe dọa và cưỡng đoạt tài sản có giá trị gấp nhiều lần số tiền vay nợ.

Bộ máy của tổ chức tín dụng đen Nam Long gồm 26 chi nhánh ở 63 tỉnh, TP trên cả nước, mỗi chi nhánh phụ trách địa bàn từ 2 đến 5 tỉnh do 1 người quản lý, hoạt động chuyên nghiệp, bài bản với các giáo trình xử lý nợ, giáo án thẩm định và phân loại khách hàng. Riêng đối với nhân viên, công ty này còn lập nên hệ thống các văn bản quy định nội bộ, quy chế kỷ luật hà khắc, ràng buộc chặt chẽ nhân viên với công ty như phạt từ 50 đến 100 triệu đồng nếu phá hợp đồng; tự chặt ngón tay nếu vi phạm quy chế; hay sẵn sàng chấp nhận nguy cơ bản thân và gia đình bị bắt cóc, đe dọa, hành hung. Điều kiện kỷ luật hà khắc này là nguyên nhân chính dẫn đến cái chết của anh Nguyễn Văn Minh.


Sau 4 tháng tổ chức điều tra, hiện Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thanh Hóa đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự "Cố ý gây thương tích, giữ người trái pháp luật, cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự".

Khởi tố các bị can trong ổ nhóm do Thành (SN 1988, ngụ phường Cầu Kho, quận 1, TP HCM) chủ mưu, cầm đầu :

Nguyễn Đức Thành về tội "Cố ý gây thương tích; cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự"; 

Ngô Văn Chương (SN 1988, ngụ huyện Chương Mỹ, Hà Nội) về tội "Giữ người trái pháp luật, cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự"; 

- Trần Văn Phiên (SN 1989, thị trấn Thịnh Long) và Đoàn Minh Cương (SN 1989, ngụ xã Hải Lý), cùng huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định về tội "Cố ý gây thương tích"; 

- Nguyễn Thành Long (SN 1998), Vũ Văn Thanh (SN 1989; cùng ngụ TP Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh), Bùi Văn Chung (SN 1992, ngụ quận Kiến An, TP Hải Phòng) về tội "Bắt giữ người trái pháp luật"; 

- Nguyễn Cao Thắng (SN 1984, ngụ phường 15) và Trần Hồng Phong (SN 1985, ngụ phường 11), cùng quận 10, TP HCM về tội "Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự".

Hiện, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thanh Hóa đang bắt tạm giam 4 tháng với 7 bị can, truy nã 2 bị can Nguyễn Cao ThắngTrần Hồng Phong. Vụ án đang được Công an tỉnh Thanh Hóa và Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) tiếp tục mở rộng điều tra.


Tại buổi họp báo ngày 29/11/2018, Bộ Công an đã thưởng nóng 4 đơn vị phá án thuộc Công an tỉnh Thanh Hóa và Cục Cảnh sát hình sự mỗi đơn vị 10 triệu đồng.


BÌNH LUẬN

Pháp luật phải thẳng tay với bọn này, nếu không rất nguy hiểm cho xã hội Việt Nam. Đề nghị không nên cấp phép hoạt động đòi nợ thuê. Vì bọn cho vay lãi cao họ sẽ ỷ lại đã có người đòi nợ rồi nên cứ cho vay cắt cổ. Người dân đã khổ càng phải khổ thêm.

Nếu các bức tường thành phố còn dán giấy cho vay là xã hội đen vẫn còn, cơ quan nhà nước vẫn chưa làm tròn trách nhiệm. Kỳ họp quốc hội đáng lý phải chất vấn vấn đề này.

Xã hội đen có thể đây là tiền thân của bọn mafia. Phải diệt tận gốc nếu không muốn những hậu họa về sau.

Công an tất cả tỉnh thành mà nhất là các tỉnh phía nam phải trấn áp tội phạm cho vay nặng lãi, không thể xem các hành vi cho vay nặng lãi là hoạt động dân sự bình thường.


Lò đang nóng ...đừng để nguội lạnh!



Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire