Trương Thanh Long
Sưu tầm - Biên soạn - Bình Luận
Khi bạn im lặng
những người yêu thương bạn sẽ bảo bạn biết lắng nghe,
những kẻ ghét bạn sẽ bảo bạn khinh người.
Khi bạn nói
những người yêu thương bạn sẽ bảo bạn biết chia sẻ.
những kẻ ghét bạn sẽ bảo bạn nói nhiều.
Khi bạn nói về những điều hay
những người yêu thương bạn sẽ bảo bạn đang truyền cho họ cảm hứng,
những kẻ ghét bạn sẽ bảo bạn đang “nổ”.
Khi bạn nói về những điều rất đời thường
những người yêu thương bạn sẽ bảo bạn giản dị,
những kẻ ghét bạn sẽ bảo bạn tầm thường.
Khi bạn hy sinh
những người yêu thương bạn sẽ nói “cảm ơn”,
những kẻ ghét bạn sẽ nói “đạo đức giả”.
Khi bạn sống thật tình
những người yêu thương bạn sẽ tha thứ và yêu thương bạn nhiều hơn,
những kẻ ghét bạn sẽ lại càng căm ghét bạn hơn.
Như vậy bạn :
- Hãy đơn giản sống theo cách của chính mình.
- Hãy sống với chân tâm, sống tử tế và biết người, biết ta là được.
- Đừng cố uốn mình theo ..''những con mắt trần gian'' đeo cặp kính màu, điều đó sẽ làm cho bạn không còn là bạn nữa.
Việt Nam ta có câu :
Khi thương nước đục cũng trong
Khi ghét nước sạch giữa dòng cũng dơ.
Bình luận
Lòng đố tỵ có sức công phá cực mạnh, làm xói mòn mọi mối quan hệ. Người ganh tỵ luôn cảm thấy ghen ghét tất cả với những ai xinh đẹp hơn, giỏi giang hơn, tài ba hơn, giàu có hơn, được người khác quý mến hơn,… Vì thế họ luôn bất an, cảm thấy khổ sở vì xung quanh có những người hơn họ, về phương diện này hoặc phương diện nọ. Họ luôn muốn mình hơn người khác không bằng cách tự vươn lên mà chỉ tìm cách “đè bẹp” người khác, sẵn sàng dùng thủ đoạn để kéo người khác xuống, lòng họ chứa đầy những ý đồ đen tối, có dịp là họ buông lời gièm pha, không ngần ngại “ngậm máu phun người” – dù có thể họ vẫn biết rằng “hàm huyết phún nhân, tiên ô tự khẩu”.
Làm quân tử hoặc sống cao thượng không dễ chút nào. Muốn làm quân tử phải biết Tu Thân (sửa mình), Tu Tánh (sửa tính nết), Tu Hạnh (sửa cho có nhân đức), Tu Ngôn (sửa lời nói). Quân tử phải cao thượng, vừa khiêm nhường vừa tha thứ. Quân tử trái ngược với tiểu nhân :
QUÂN TỬ DỤ Ư NGHĨA, TIỂU NHÂN DỤ Ư LỢI
nghĩa là “quân tử hiểu rõ cái nghĩa, tiểu nhân hiểu rõ cái lợi”.
QUÂN TỬ CẦU CHƯ KỶ, TIỂU NHÂN CẦU CHƯ NHÂN
nghĩa là “quân tử cầu ở mình, tiểu nhân cầu ở người”.
Tục ngữ Việt Nam cũng có câu:
“Đấng trượng phu đừng thù mới đáng, đấng anh hùng đừng oán mới hay”.
Danh nhân W. Goethe nghiêm túc nhận định:
“Ai thẳng thắn với bản thân và thẳng thắn với người khác thì bao giờ cũng có phẩm chất vô cùng quý báu của những tài năng vĩ đại”.
Theo Phật giáo, tu tập tâm từ bi cũng là một trong những biện pháp góp phần tích cực trong việc ngăn ngừa sự sinh khởi của tâm thù ghét và có công năng hóa giải lòng thù ghét nếu như nó đã tích tập lâu ngày.
Như chúng ta đã biết, tu tập tâm từ bi có nghĩa là chúng ta thực tập thương yêu tất cả mọi người, muốn đem lại niềm an vui, hạnh phúc và làm vơi bớt khổ đau cho người khác với tất cả tấm chân tình, không vụ lợi, không điều kiện.
Để có thể làm cho tâm từ bi dễ dàng phát khởi, trước hết chúng ta nên trải rộng tình thương yêu đến những người thân, đến các vị ân nhân, những người đối xử tốt với chúng ta,… Và khi tình thương yêu đối với họ đã đủ mạnh, đã bền chặt thì chúng ta nới rộng dần đối tượng thương yêu của chúng ta, trải lòng thương yêu đến những người xa lạ, đến những người nghèo khổ,… và cả đến những người có thù oán với mình.
Tâm từ bi phải được nuôi dưỡng thường xuyên. Một khi chúng ta có thể phát khởi lòng thương yêu đối với những người có thù oán với chúng ta thì tâm thù ghét họ sẽ được hóa giải dần dần. Khi ánh sáng từ bi đã chiếu soi khắp cả thì bóng tối của thù ghét sẽ bị xua tan, bị đẩy lùi.
Nói tóm lại, nếu bạn là người có lòng Thương - Ghét đó thì có người nhắc nhở bạn là : "Nên tập Bớt Thương, Bớt Ghét" là tốt rồi. Còn như nói "Không Thương, Không Ghét" thì khó làm lắm, chỉ có các bậc đạt đạo thì mới có thể làm được.
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire