mardi 6 avril 2021

BLOG : “Phiên dịch” tiếng địa phương Huế

 

Trương Thanh Long
Sưu tầm - Biên soạn - Bình Luận

Bạn có thể bấm vào đây để xem tài liệu mới cập nhật. 



Đa số người Việt Nam thường đùa rằng, tiếng Huế là "chi, mô, răng, rứa", nhưng để hiểu và sử dụng nằm lòng các từ này thì cũng không phải đơn giản.


Người Huế hỏi: “Mi đi mô rứa?”, nếu so với ngôn ngữ chuẩn thì các bạn phải hiểu là “Mày đi đâu thế?

Chữ “mi”, các bạn tạm hiểu đó là ngôi thứ 2 số ít, tương đương với “mày”, “bạn”. 

Tương tự như thế, “bọn mi” hay “tụi mi” thì tương đương với “chúng mày”, “bọn mày” hay “các bạn”. Ngôn ngữ trong phim Tàu thường được nhóm lồng tiếng dùng là “các ngươi”, chúng đều có nghĩa như nhau vậy.



Nói về các chữ "chi, mô, răng, rứa"

Chữ CHI

Chữ “chi” tương đương với chữ “”. “Làm chi” có nghĩa là “làm gì”. Ví dụ người Huế nói: “Mi đang làm cái chi rứa?” thì tiếng chuẩn là “Mày đang làm gì thế?” hoặc “Bạn đang làm gì vậy?”. Chữ “chi” không những được dùng rộng rãi trong tiếng Huế mà ngay cả hai miền Bắc, Nam cũng dùng rất nhiều.


Chữ MÔ

Chữ “” trong tiếng Huế mới thực sự là đặc trưng của Huế. “” tạm hiểu là “đâu”, là một từ thường được dùng trong câu hỏi. 

Tuy nhiên, trong một vài ngữ cảnh thì “mô” được hiểu theo nghĩa khác. Ví dụ, “Hôm nay mi tổ chức sinh nhật chỗ mô rứa?” bạn phải hiểu rằng “Hôm nay mày tổ chức sinh nhật ở chỗ nào thế?” hoặc “Hôm nay bạn tổ chức sinh nhật ở đâu thế?”. “” được dùng trong câu này để chỉ địa điểm.

Nếu đặt trong ngữ cảnh khác thì “” có thể đóng vai trò là thán từ. Khi bạn hỏi: “sao mày gặp tao mà lơ đi thế?”, nếu người Huế trả lời là “mô mà!” thì bạn phải hiểu là “đâu có!”, tức là phủ định vấn đề.


Chữ RĂNG

Chữ “răng” trong tiếng Huế tạm hiểu là “sao”, thường được dùng trong câu hỏi, một vài trường hợp biểu thị ý nghĩa khác. Ví dụ :

răng mà mi noái lạ rứa?” thì bạn phải hiểu là “sao mà mày nói lạ thế?” hoặc “sao bạn nói kỳ vậy?”.

 “Ui chao, răng rứa?” có nghĩa là “Ôi, sao thế?” hoặc “Ủa, sao vậy?”. Nếu “răng” nằm đơn độc một mình thì đóng vai trò như câu hỏi tỉnh lược. Ví dụ, một người hối hả chạy vào, bạn hỏi “răng?” thì có nghĩa là “gì thế?”, “sao thế”, “sao mà vội vàng thế?”. Khi bạn an ủi ai đó thì bạn dùng “không răng mô!”, tức là “không sao đâu!”, “không có vấn đề gì đâu!”. 

Một thiền sư có viết bài thơ trong đó có hai câu rằng :

Không răng mà lại cũng không răng
Chỉ có thua người một miếng ăn

Hai chữ “răng” ở câu đầu có hai nghĩa khác nhau. Câu đó nghĩa là “không có răng nhưng cũng chẳng sao cả”, ý nói đã già, răng rụng hết.


Chữ RỨA

Chữ “rứa” trong tiếng Huế tạm hiểu như chữ “thế”, thường đặt ở cuối câu để làm câu hỏi hoặc có một số nghĩa khác khi nằm ở vị trí khác.

Ví dụ, “răng rứa?” nghĩa là “sao thế?”. “Mi đi mô rứa?” nghĩa là “mày đi đâu thế?” hay “bạn đi đâu vậy?”. Một đứa con nghịch ngợm, mẹ bảo hoài mà không nghe thì người Huế thường nói: “nói mãi mà cứ rứa!”. 

Nhiều trường hợp “rứa” được đặt đầu câu. Ví dụ, “Rứa hôm nay bác đi mô?” có nghĩa là “Thế hôm nay bác đi đâu?”. Nếu đóng vai trò thán từ thì cũng như “thế”. 

Ví dụ, bạn hiểu ra một vấn đề gì đó, bạn nói “rứa à!” hoặc “té ra là rứa!” có nghĩa là “thế à!” hoặc “hóa ra là thế!”…

Trên đây tôi nói sơ lược về “chi, mô, răng, rứa” của tiếng Huế. Ngoài ra, còn có các từ khác như “tê, ni, nớ, ri…” sẽ được trình bày ở phần kế tiếp.




Nói về các chữ "tê, ni, nớ, ri…"

Chữ TÊ

Chữ “” có nghĩa như chữ “kia”. Ví dụ, người Huế hỏi “đầu tê răng rứa?” thì nghĩa là “đầu kia sao vậy?” hoặc “đầu kia có chuyện gì thế?”. Có câu chuyện vui thế này:


Chữ NI

Chữ “ni” tạm hiểu là “này”, ví dụ người Huế nói “bên ni” tức là “bên này”. Đối ngược với “bên ni” là “bên nớ” hoặc “bên tê”, tiếng chuẩn là “bên kia”. 


Chữ NỚ

Chữ “nớ” có nghĩa tương phản với “ni”, bạn có thể dùng NớNi để chỉ địa điểm (bên nớ, bên ni) hoặc có thể dùng để chỉ đối tượng là người, ví dụ “Nếu Nớ ngỏ lời thì Ni cũng đồng ý”, hiểu là “Nếu anh đã ngỏ lời thì em đây đồng ý


Chữ RI

Chữ “ri” trong tiếng Huế tạm hiểu là “đây”, “đấy”, ngoài ra còn dùng với nghĩa tương phản của “RỨA”. Ví dụ, người Huế thường hỏi nhau là “MI ĐI MÔ RỨA?”, hoặc “RỨA THÌ MI ĐI MÔ RI?”. Các bạn hiểu sao? Đó là hai câu hỏi thường xảy ra trong trường hợp hai người đi và gặp nhau trên đường. Đơn giản, người này hỏi người kia là “mày đi đâu thế?”, người kia sẽ hỏi lại là “thế thì mày đi đâu?” Cái hay của Huế phải chăng là cái RI, RỨA!

Các bạn chỉ cần chú ý một tí thôi thì tiếng Huế chẳng có gì khó cả, ngược lại còn rất là dí dỏm và đáng yêu nữa, nhất là nó được phát âm bởi các cô gái Huế.


Cụm từ “CHI MÔ NÀ”

Cụm từ “chi mô nà” thì như tôi đã nói, chúng có nghĩa là “gì đâu”, ý phủ định. Ví dụ, bạn bị mẹ mắng, bạn thanh minh bằng cách nói rằng “CON CÓ LÀM CHI MÔ NÀ!”…




Một số từ xưng hô đặc biệt trong ngôn ngữ Huế

Bố thì gọi là BA

Mẹ thì gọi là MẠ

Ông Bà thì gọi là ÔN MỆ (Ôn nội, Mệ nội, Ôn ngoại, Mệ ngoại…)

Bố Mẹ của Ông Bà thì gọi là CỐ

Em hoặc chị của Bà Nội hay Bà Ngoại thì đều gọi là MỤ

Ra đường gặp người già nếu không thân thích thì thường chào là “THƯA MỤ” (từ “Thưa” ở Huế được dùng như từ “Chào”)

Chị gái hay em gái của Bố thì đều gọi là O (chữ O tương đương với Cô)

Anh trai hay em trai của mẹ đều được gọi là CẬU

Vợ của CẬU được gọi là MỢ (người vùng quê ở Huế còn gọi CẬU là CỤ, gọi MỢ là MỰ)

Chị gái hay em gái của mẹ đều gọi là

Chồng của DÌ được gọi là DƯỢNG

Vợ của CHÚ được gọi là THÍM

Chỉ có anh trai của Bố hoặc vợ anh trai của Bố thì mới được gọi là Bác.




Các bạn nên biết cách xưng hô để hiểu và thông cảm cho phong tục của từng vùng miền. Ví dụ, từ MỤ hay MỆ ở ngoài bắc thường dùng với nghĩa xấu, nhưng đối với Huế đấy là những danh xưng cho các bậc tiền bối.


BÌNH LUẬN

Nói đến Huế không thể không nói đến di sản kiến trúc ở Huế và phong cách nghệ thuật sống của người Huế. Không phải ngẫu nhiên mà người ta vẫn quen gọi thành những cụm từ mang sắc thái tiêu biểu riêng cho Huế, như : người Huế, kiến trúc Huế, nhà vườn Huế, món ăn Huế, màu tím Huế, nón lá Huế, giọng Huế - tiếng Huế, ca Huế... Tất nhiên không phải cái gì thuộc về Huế đều là bậc nhất cả. Song trong nghệ thuật kiến trúc và phong cách sống, cái đẹp vẫn là nét trội, nét tiêu biểu.


Kinh thành Huế

Kiến trúc ở Huế không nguy nga đồ sộ và xa hoa lộng lẫy, nhưng Huế vẫn hấp dẫn con người bởi những công trình kiến trúc dung hợp với cảnh quan tự nhiên đó. Nét đẹp của nghệ thuật kiến trúc ở Huế còn ở chiều cao của công trình (ngôi tháp Phước Duyên cao 7 tầng cũng chỉ 21 m). Lâu đầu, cung điện, lăng tẩm, đình chùa... không vượt quá cao so với hàng cây làm đẹp cho không gian kiến trúc.

Nét riêng của văn hóa Huế còn được thể hiện qua ăn nói, ăn mặc, ăn uống, ăn họccả ăn chơi của người Huế. Trong ăn nói, người Huế luôn tôn trọng thứ bậc thể hiện qua cách xưng hô ở làng, họ và gia đình, không phân biệt tuổi tác, giàu sang, nghèo hèn (có cả một hệ thống xưng hô khác với nhiều vùng). 

Đối với xóm giềng, lạ cũng như quen đều căn cứ vào tuổi tác mà ăn nói. Trên địa bàn Thừa Thiên Huế hiện nay đều có chung một thứ tiếng là tiếng Huế, chung là thứ giọng là giọng Huế, không phân biệt dân làng hay thành phố. Người ta vẫn biết đến giọng Huế nhẹ nhàng, có phần e ấp của những cô gái Huế.



THAM KHẢO

Cổng thông tin điện tử tỉnh Thừa Thiên Huế
https://thuathienhue.gov.vn/vi-vn/

Tổng hợp những công trình kiến trúc kiểu Pháp tiêu biểu tại Huế
http://khamphahue.com.vn/kham-pha/le-hoi/tid/Tong-hop-nhung-cong-trinh-kien-truc-kieu-Phap-tieu-bieu-tai-Hue/newsid/60775095-228B-481A-BB3E-A8F200A7C809/cid/1B7FFA2C-5859-481B-99EF-8EAC17B74D2F

Kiến trúc Huế
http://tapchisonghuong.com.vn/tin-tuc/p8/c28/Kien-truc-Hue.html













Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire