mardi 23 avril 2019

BLOG : Điều gì đang xảy ra trong ngành giáo dục về gian lận thi cử ?


Trương Thanh Long
Sưu tầm - Biên soạn - Bình Luận




Vụ án nâng điểm thi THPT quốc gia 2018 được cho là gian lận thi cử lớn nhất từ trước đến nay. 222 thí sinh được nâng điểm ở Hà Giang (114), Sơn La (44), Hòa Bình (64). Trong đó, những thí sinh ở Hà Giang được trả lại điểm thật trước khi xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng.

Với 108 thí sinh liên quan gian lận ở Sơn La, Hòa Bình, Bộ GD&ĐT công bố kết quả chấm thẩm định khi các em đã trúng tuyển vào nhiều trường đại học công an, quân đội, sư phạm, y, kinh tế... Thậm chí, một số em còn đỗ thủ khoa các trường đại học lớn ở Hà Nội.


Sau khi rà soát, nhiều trường đã cho thôi học sinh viên liên quan gian lận thi cử. Bộ Công an đã trả 53 sinh viên về Sơn La, Hòa Bình. Một số trường hợp khác vẫn được học, dù được nâng điểm, vì không có căn cứ xử lý.

Lỗi này được cho là thuộc Bộ GD&ĐT khi quy chế tuyển sinh có lỗ hổng "voi chui lỗ kim", chỉ quy định "xử phạt trực tiếp" ở phòng thi, mà không có quy định cụ thể về xử lý gian lận ở phần chấm thi.

Các cơ quan chức năng đã khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với 16 bị can về các tội danh khác nhau. Trong đó, Sơn La 8 người, Hòa Bình 3 và Hà Giang 5.



Dù vậy, dư luận vẫn không khỏi bức xúc khi mới đây danh sách thí sinh gian lận điểm thi được cho là con quan chức ở Sơn La xuất hiện trên mạng. Theo danh sách này, 21 thí sinh được nâng từ 3 đến 25 điểm trong kỳ thi THPT quốc gia 2018.

Những em trên được cho là con lãnh đạo UBND thành phố, UBND huyện, sở GD&ĐT, cục trưởng, công an, giáo viên và nhiều cán bộ ở lĩnh vực khác tại Sơn La.

Nhiều ý kiến cho rằng Bộ GD&ĐT và cá nhân bộ trưởng nên xin lỗi nhất là những thí sinh bị trượt oan đại học vì bị "con ông cháu cha" lấy mất cơ hội.


BÌNH LUẬN

Nhà chức trách vẫn đang lo giải quyết hậu quả và xử lý sai phạm, vẫn suy nghĩ có nên thẳng tay buộc thôi học đối với cả những đối tượng "sau khi chấm thẩm định vẫn đủ điểm trúng tuyển" hay không. Đến tận giờ phút này, cán bộ phòng, sở giáo dục và quan chức địa phương cùng các bậc phụ huynh, vẫn chưa một ai bị đưa ra xử lý, mặc dù Bộ Giáo dục tuyên bố "kiên quyết chỉ đạo xử lý nghiêm các cá nhân, tập thể vi phạm".

Cho dù ai "gian lận" sẽ phải chờ vào kết luận điều tra. Nhưng ngoài một vụ án của ngành công an, đây còn là một vụ việc của bản thân ngành giáo dục. Ngành này sẽ làm gì hơn chờ bên công an gọi đích danh tên người nhúng chàm để xử lý, làm gì hơn trong xử lý lỗ hổng của chính mình?

Nhiều ý kiến cho rằng những học sinh được nâng điểm không có lỗi, không phải chịu trách nhiệm vì đây là toan tính của người lớn. Theo tôi, lý lẽ đó chỉ là ngụy biện và nhân văn lạc lối. Bởi tôi tin 18 tuổi, các em dư sức biết năng lực của mình đến đâu, thậm chí có thể đoán mình được mấy điểm ngay sau khi nộp bài.

Một sinh viên đại học mà ngay ở ngưỡng cửa đầu đời đã thiếu trung thực, thản nhiên đi trên con đường đã được dọn sạch chông gai, thì sau này sẽ thế nào? Nghiêm trị một lần cũng là biện pháp hữu hiệu để góp phần ngăn chặn từ gốc những manh nha tương tự có thể mọc tiếp trên nền khoa cử vốn đã hoang mang.

Gian lận thi cử không chỉ cướp tương lai của người khác, giết chết niềm tin của bao thế hệ mà còn gieo mầm và nuôi dưỡng cho sự xuống cấp về đạo đức, tha hóa về nhân cách. Và chúng có thể lấy đi tương lai của đất nước. Những kẻ cướp đó, có thể bao gồm nhiều đại diện cho các tầng lớp trong xã hội, từ những quan chức quyền thế, công chức mẫn cán, cho đến những phụ huynh và học sinh, một ma trận khép kín phục vụ những kẻ thiếu năng lực thừa toan tính để chen ngang, từng bước lọt qua các cánh cửa công danh, leo lên các nấc thang công quyền.




Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire