dimanche 25 novembre 2018

PHÁP LUẬT : Con trai nguyên chủ tịch huyện tham gia đánh nữ nhân viên Vietjet tại sân bay Thọ Xuân (Thanh Hóa)


Trương Thanh Long
Sưu tầm - Biên soạn - Bình Luận

Bị từ chối chụp ảnh cùng, 3 thanh niên đánh nữ nhân viên sân bay

(NLĐO) 25/112018 - Một trong 3 nam thanh niên có hành động côn đồ, tát, đạp ngã nữ nhân viên hàng không ở Cảng hàng không Thọ Xuân (Thanh Hóa) là con trai của nguyên Chủ tịch UBND huyện Thọ Xuân.


Sáng ngày 25/11/2018, trao đổi với Báo Người Lao Động, một lãnh đạo Công an thị trấn Thọ Xuân (huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa) xác nhận Lê Trung Dũng (ngụ địa bàn) là 1 trong 3 người tham gia đánh nữ nhân viên hàng không tại Cảng hàng không (CHK) Thọ Xuân. Dũng là con trai của nguyên Chủ tịch UBND huyện Thọ Xuân.


Dũng là con trai của ông Lê Văn Biền, Chủ tịch UBND huyện Thọ Xuân đã nghỉ hưu từ năm 2015. "Anh này thuộc diện chơi bời lêu lổng, có trong danh sách theo dõi nghiện ma túy của địa phương. Trước đây, Dũng có lái xe tải thuê, giờ không rõ làm gì" - vị công an này thông tin.

Liên quan đến vụ việc này, chị L.T.G., nữ nhân viên làm việc cho hãng hàng không Vietjet Air, cũng đã lên tiếng xác nhận vụ việc mình chính là người bị tát, đạp ngã tại sân bay Thọ Xuân. Chị G. cho biết lý do chị bị hành hung đúng như phản ánh, khi đó nhóm này có nhờ chị đứng chụp chung nhưng do quá bận chị đã từ chối và bất ngờ bị đánh.

Trước đó, như Báo Người Lao Động đã đưa tin, sự việc được xác định xảy ra tại sân bay Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Nữ nhân viên bị đánh làm việc cho hãng hàng không Vietjet Air, sự việc xảy ra vào khoảng 14 giờ ngày 23/11/2018.

Công an đã vào cuộc và xác minh nhóm thanh niên đánh người là Phạm Hữu An (ngụ phường Đông Vệ, TP Thanh Hóa), Lê Văn Nhị (ngụ xã Xuân Quang, huyện Thọ Xuân) và Lê Trung Dũng (ngụ thị trấn Thọ Xuân, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa).

Vào thời điểm trên, nhóm này tới sân bay Thọ Xuân tiễn người quen là Lê Sỹ Mạnh đi chuyến bay VN1271, dự kiến cất cánh lúc 15 giờ 5 phút cùng ngày. Khi hành khách Mạnh đã hoàn tất thủ tục check-in, nhóm này đã nhờ nhân viên hãng hàng không Vietjet Air là chị L.T.G. chụp ảnh tại khu vực sảnh ga đi. Sau đó nhóm người này tiếp tục đề nghị nhân viên G. chụp ảnh chung với mình nhưng chị này từ chối do đang làm việc.

Do không được đáp ứng yêu cầu, các đối tượng An, Nhị, Dũng đã to tiếng chửi bới, hành hung nữ nhân viên G.. Phạm Hữu An đã lao tới đánh vào đầu và tát vào mặt nhân viên G., đối tượng Lê Văn Nhị đã dùng tay tát vào mặt nhân viên G., cùng lúc đó bà Lê Thị Hiền, là đại diện Vietjet Air chứng kiến sự việc trên, ra can ngăn thì bị nhóm này tát vào mặt, đạp vào bụng. Những hình ảnh trên được một người quay video clip và đưa lên mạng xã hội.

Chiều ngày 24/11/2018, Bộ Giao thông Vận tải đã có văn bản gửi UBND tỉnh Thanh Hoá, Công an tỉnh Thanh Hoá, Cục Hàng không Việt Nam đề nghị UBND tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo Công an tỉnh Thanh Hóa và các cơ quan chức năng xử lý nghiêm minh, có biện pháp thích đáng đối với những đối tượng có hành vi côn đồ trong vụ việc nêu trên. Đồng thời, có các biện pháp tăng cường phối hợp với lực lượng kiểm soát an ninh hàng không tại CHK Thọ Xuân đảm bảo tốt an ninh trật tự, an ninh hàng không, ứng phó xử lý kịp thời các tình huống tương tự.

Được biết, trong ngay hôm nay 25/11/2018, Cục Hàng không Việt Nam sẽ có văn bản cấm bay 1 năm đối với 3 thanh niên có hành vi côn đồ nói trên.


BÌNH LUẬN

Hành hung có tính chất côn đồ, gây rối trật tự nơi công cộng đều có trong luật hình sự truy tố là hợp lý hơn cấm bay. Mấy tên côn đồ này chẳng liên quan gì đến an ninh bay vì họ không dính dáng đến chuyến bay. 

Không thể có vùng cấm dù là con ai, đây chính là hệ lụy của việc cậy quyền cậy thế lộng hành vì có quan chức đứng sau đỡ lưng, chạy tội, quan hệ mà xem thường luật pháp.

Nhân viên an ninh Việt Nam quá hiền Ở nước ngoài như vậy là ngay lập tức bị còng tay. Sau đó cho vào tù làm hồ sơ, chuyển hồ sơ sang tóa truy tố và không ai có thể can thiệp. 


Nói tóm lại, phải có một nơi yên bình nào đó như đảo Trường sa chẳng hạn để giáo dưỡng, trị liệu, kết hợp lao công xây dựng đối với những tên có tính côn đồ này (cũng như những phần tử tệ nạn của xã hội) . Cần tách chúng khỏi xã hội một thời gian nhất định để chúng suy nghĩ tích cực về hành động mình đã làm.



Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire