dimanche 1 octobre 2017

THẾ GIỚI : Vì sao người Catalan muốn tách khỏi Tây Ban Nha ?


Trương Thanh Long
Sưu tầm - Biên soạn - Bình Luận


Xô xát xảy ra giữa cảnh sát Tây Ban Nha và người Catalan sau khi cảnh sát cố ngăn cử tri vùng này vào các điểm bỏ phiếu trưng cầu dân ý ly khai khỏi Madrid.

Theo zing ngày 1/10/2017 - Cuộc đối đầu giữa chính quyền xứ Catalan và chính quyền ở Madrid lại lần nữa dâng cao, một bên muốn tách khỏi Tây Ban Nha, bên kia kiên quyết không để điều này xảy ra. Ngày trưng cầu dân ý về độc lập của xứ Catalan đã biến thành những cuộc xô xát giữa cảnh sát và cử tri vùng tự trị này khiến 460 người bị thương.


Chính quyền xứ Catalan tổ chức trưng cầu dân ý vào ngày 1/10 để quyết việc ly khai rời khỏi chính quyền trung ương. Chính phủ Tây Ban Nha tuyên bố ngăn chặn cuộc bỏ phiếu và nói rằng nó "vi hiến". Điều này đã dẫn đến xung đột giữa 2 chính quyền, một ở Madrid, một ở Barcelona.


Tại sao người Catalan muốn độc lập?

Phong trào đòi độc lập cho Catalan kéo dài 3 thế kỷ nay, bắt đầu từ năm 1714 khi vua Philip V của Tây Ban Nha chiếm Barcelona. Kể từ đó, những người theo chủ nghĩa dân tộc vùng Catalan liên tục đòi quyền tự trị cho vùng này. Khi tướng Francisco Franco lên nắm quyền thủ tướng Tây Ban Nha năm 1939, ông thi hành các chính sách đàn áp các nỗ lực tự trị ở Catalan, quét sạch các định chế và ngôn ngữ riêng biệt ở đây.

Theo Guardian, phong trào độc lập hiện tại do Thủ hiến Carles Puigdemont dẫn đầu cho rằng Catalonia có quyền tự quyết về văn hoá, kinh tế và chính trị. Những người ủng hộ cảm thấy khu vực giàu có với 7,5 triệu dân này từ lâu đã cho đi nhiều hơn nhận lại trong quan hệ với Tây Ban Nha.

Sự ủng hộ ly khai đã phát triển trong vài năm qua khi Tây Ban Nha trải qua cuộc khủng hoảng kinh tế khó khăn kéo dài. Nhiều người Catalan vẫn còn giận dữ về quyết định của Toà án Hiến pháp Tây Ban Nha cách đây 7 năm, trong đó các phần của luật tự trị Catalan năm 2006 đã bị hủy bỏ hoặc sửa đổi khiến quyền tự trị của họ không được mở rộng như mong muốn.


Các cuộc thăm dò cho thấy 70% người Catalan muốn được bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu dân ý. Tuy nhiên, họ vẫn còn lưỡng lự trước quyết định tách khỏi Tây Ban Nha. Một cuộc khảo sát 2 tháng trước cho thấy 49,4% người Catalan phản đối ly khai trong khi 41,1% ủng hộ độc lập.


Catalan chuẩn bị ly khai như thế nào?

Quốc hội Catalan, nơi liên minh của ông Puigdemont chiếm đa số, đã tiến hành các bước chuẩn bị hướng tới ly khai trong hơn 1 năm qua.

Hồi tháng 6, Puigdemont thông báo cuộc trưng cầu dân ý sẽ được tổ chức vào tháng 10 và hỏi cử tri: "Bạn có muốn Catalonia trở thành một nước độc lập dưới hình thức nhà nước cộng hòa hay không?".

Tháng trước, sau một phiên họp căng thẳng của quốc hội địa phương, các nghị sĩ đã thông qua cái gọi là luật trưng cầu dân ý để mở đường cho cuộc bỏ phiếu.


Chính quyền Catalan khẳng định cuộc trưng cầu dân ý sẽ ràng buộc về mặt pháp lý và hứa tuyên bố độc lập khỏi Tây Ban Nha trong vòng 48 giờ sau khi có kết quả bỏ phiếu trong trường hợp phe ủng hộ ly khai giành chiến thắng.

Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy khẳng định cuộc trưng cầu dân ý sẽ không diễn ra và hứa sử dụng tất cả các phương tiện pháp lý để ngăn chặn cuộc bỏ phiếu.


Chính phủ Tây Ban Nha dựa vào đâu để ngăn chặn bỏ phiếu?

Chính phủ Tây Ban Nha lập luận rằng bất kỳ cuộc trưng cầu nào về độc lập của Catalan là bất hợp pháp vì hiến pháp 1978 của Tây Ban Nha không đưa ra quy định về bỏ phiếu ly khai.

Tòa án Hiến pháp Tây Ban Nha, nơi đã đình chỉ luật trưng cầu dân ý được quốc hội Catalan thông qua hồi tháng 9, đang xem xét liệu luật này có vi phạm hiến pháp hay không.

Tháng 3 năm nay, cựu thủ hiến Catalan Artur Mas đã bị đình chỉ công tác trong 2 năm sau khi bị buộc tội không tuân theo tòa án hiến pháp. Ông Mas đã tổ chức một cuộc trưng cầu độc lập mang tính biểu trưng cách đây 3 năm dù không được tòa án cho phép.

Các thành viên hiện thời của chính quyền Catalan cũng đang phải đối mặt với tòa án về vai trò của họ trong việc thúc đẩy độc lập.


Căng thẳng gia tăng đáng kể trong tuần qua sau khi lực lượng cảnh sát dân sự Tây Ban Nha khám xét hàng chục tòa nhà của chính quyền khu vực tại Barcelona và bắt giữ 14 quan chức cao cấp. Cảnh sát đã thu giữ gần 10 triệu lá phiếu và tịch thu hơn 1,5 triệu tờ rơi, áp phích.

Puigdemont cáo buộc chính phủ Tây Ban Nha can thiệp vào quyền tự trị khu vực và tuyên bố tình trạng khẩn cấp. Khoảng 40.000 người đã xuống đường ở Barcelona tối 27/9 để phản đối các cuộc khám xét.

Trong bài phát biểu tối 27/9, Thủ tướng Rajoy nói với chính quyền khu vực: "Hãy chấm dứt sự leo thang của chủ nghĩa cực đoan và sự bất tuân một lần và mãi mãi".



Tương lai của xứ Catalan ra sao?

Không ai biết trò chơi đuổi bắt giữa chính quyền Tây Ban Nha và Catalan bao giờ mới kết thúc. Cả hai phía đều không có dấu hiệu nhượng bộ. Puigdemont nói cuộc trưng cầu dân ý sẽ vẫn được tiến hành trong khi Rajoy khẳng định điều ngược lại.

Không loại trừ khả năng chính phủ Tây Ban Nha sẽ dùng điều 155 của hiến pháp, một việc chưa từng có tiền lệ. Điều này sẽ cho phép chính quyền trung ương đình chỉ quyền tự trị của xứ Catalan và tiếp quản để chấm dứt cuộc bỏ phiếu.

Tuy nhiên, sau các cuộc đột kích gây tranh cãi, lựa chọn này nhiều khả năng sẽ phản tác dụng. Việc áp dụng điều 155 không những có thể bị cộng đồng trong và ngoài nước xem là quá nặng tay mà còn khiến người dân Catalan càng muốn độc lập.


Bình Luận : Vì sao Catalonia giàu có?

Catalonia nổi tiếng với thủ phủ Barcelona. Nhờ vị trí địa lý thuận lợi, vùng này được coi là cửa ngõ vào Nam Âu - một khu vực quan trọng của Địa Trung Hải, là cầu nối đến vùng Maghreb của Bắc Phi, đến châu Á và Mỹ Latin. So với mặt bằng chung cả nước, Catalonia có nhiều ngành công nghiệp hơn, thu hút nhiều vốn đầu tư nước ngoài, hệ thống giáo dục tốt hơn, bất bình đẳng hẹp hơn và thị trường lao động được đánh giá vượt trội. Các ngành công nghiệp quan trọng nhất tại đây là thực phẩm - đồ uống, dược phẩm - sinh học, hóa chất, công nghệ thông tin và công nghệ y tế.

Catalonia là khu vực kinh tế quan trọng của Tây Ban Nha, đóng góp gần một phần năm GDP và 25% hàng xuất khẩu cho nước này. Năm 2016, họ tạo ra 212 tỷ euro GDP, lớn hơn hầu hết các quốc gia trong eurozone và tương đương các nền kinh tế như Phần Lan hay Bồ Đào Nha.

Thu nhập bình quân của người Catalonia là 28.600 USD, trong khi con số này của cả Tây Ban Nha chỉ là 24.000 USD.



Lĩnh vực công nghiệp tại Catalonia được hỗ trợ đáng kể nhờ vốn đầu tư nước ngoài lớn. Hơn 1.000 công ty ngoại đã đầu tư vào các dự án tại đây kể từ năm 2003. Các công ty này chủ yếu từ Tây Âu. Catalonia đã nhận được hơn 43 tỷ USD vốn - lớn nhất trong các khu vực tại Tây Ban Nha và chiếm hơn một phần tư cả nước.

Các công ty ngoại đầu tư vào đây tập trung vào ôtô, vận tải, hóa chất và dược phẩm. Chỉ riêng 4 ngành nghề này đã tạo ra gần 26.000 việc làm. Trong khi đó, FDI vào các khu vực khác ở Tây Ban Nha đều tập trung vào bất động sản.



Catalonia hấp dẫn nhà đầu tư ngoại nhờ môi trường thân thiện với doanh nghiệp và nhiều tổ chức giáo dục chất lượng cao. Điểm PISA môn Toán của học sinh vùng này cao hơn trung bình cả nước và tương đương Na Uy.

Bên cạnh đó, theo nghiên cứu về môi trường kinh doanh của World Bank, việc xin giấy phép xây dựng tại Catalonia chỉ mất 153 ngày, ngắn hơn nhiều so với các khu vực xung quanh như Aragón (250 ngày) và Galicia (300 ngày). Thành lập một doanh nghiệp vừa và nhỏ tại đây cũng chỉ mất 118 ngày, so với 190 ngày ở các tỉnh như Cantabria hay Extremadura.





Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire