mardi 27 juin 2017

SỨC KHOẺ : Đậu bắp


Trương Thanh Long
Sưu tầm - Biên soạn - Bình Luận



Đậu bắp là một loài thực vật có hoa có giá trị vì quả non ăn được. 

- Tên gọi khác: Mướp tây (Miền Bắc)

- Tên tiếng Anh: Okra (US), lady's fingers, bhindi, gumbo.

- Tên tiếng Pháp: gombo.

- Tên khoa học: Abelmoschus esculentus 

- Tên đồng nghĩa: Hibiscus esculentus

Các loài tương cận:
Đậu bắp Tây Phi: Abelmoschus caillei
Dâm bụt Nhật Bản: Abelmoschus Manihot
Đậu bắp cảnh: Abelmoschus moschatus
Đậu bắp rừng hoa trắng: Abelmoschus ficulneus


Loài này là cây một năm hoặc nhiều năm, cao tới 2,5 m. Lá dài và rộng khoảng 10–20 cm, xẻ thùy chân vịt với 5–7 thùy. 


Hoa đường kính 4–8 cm, với 5 cánh hoa màu trắng hay vàng, thường có các đốm đỏ hay tía tại phần gốc mỗi cánh hoa. Quả là dạng quả nang dài tới 20 cm, chứa nhiều hạt.


Nguồn gốc

Nguồn gốc phát sinh của loài Cây Đậu bắp (Abelmoschus esculentus) đang được tranh cải, có hai giả thuyết ngược nhau: giả thuyết thứ nhất cho rằng ở Nam Á, giả thuyết thứ hai cho rằng ở Ethiopia và Tây Phi.

Hiện nay cây đậu bắp được trồng ở vùng nhiệt đới, cận nhiệt đới và vùng ôn đới ấm áp trên khắp thế giới.

Ở Việt Nam cây đậu bắp được trồng trong khắp cả nước từ vùng đồng bằng cho đến vùng núi để lấy quả làm rau. Ở Nam Bộ loài cây này được trồng phổ biến ở mọi gia đình nông thôn.


Công dụng

Đậu bắp là nguồn thực phẩm bổ dưỡng, giàu khoáng chất như đồng, magiê, folate, canxi, kẽm, mangan và chứa nhiều vitamin như vitamin nhóm A, B6, C, K. Những khoáng chất và vitamin này giúp tăng cường hệ miễn dịch, thải chất độc trong cơ thể…


Hiện nay, đậu bắp đã trở thành món ăn ưa thích của nhiều người. Nếu nhìn ở khía cạnh món ăn bài thuốc, đậu bắp có khá nhiều công dụng như sau :


Giúp đẹp da, mượt tóc

Vitamin C, K và các vitamin khác có trong đậu bắp giúp hỗ trợ sự tăng trưởng và sửa chữa các mô trong cơ thể, thúc đẩy sự hình thành collagen sắc tố da, giúp trẻ hóa làn da bị hư hại.

Ngoài sử dụng đậu bắp như một món ăn, bạn cũng có thể nghiền nát và đắp mặt nạ đậu bắp khoảng 2 lần/tuần để nhanh chóng lấy lại một làn da tươi sáng và mịn màng.

Hoặc bạn có thể làm đẹp tóc bằng cách đun sôi đậu bắp, pha hỗn hợp 1 muỗng cà phê nước cốt chanh, sau đó thoa lên tóc và để khoảng 15 phút thì gội với nước sạch để tóc được chắc khỏe và bóng mượt hơn.


Chữa táo bón, bệnh trĩ

Đậu bắp có nhiều chất xơ, lượng chất xơ trong 100 gram đậu bắp bằng 10% lượng chất xơ cơ thể cần mỗi ngày.

Do đó đậu bắp sẽ rất tốt cho người bị bệnh trĩ, đau dạ dày và cải thiện tiêu hóa rất hiệu quả. Bên cạnh đó, chất nhầy chứa trong đậu bắp còn có tác dụng nhuận tràng, giảm đau, giảm vết loét trong chứng viêm sưng.


Hỗ trợ điều trị tiểu đường

Đậu bắp là nguồn thực phẩm giàu chất xơ hòa tan, giúp làm chậm quá trình tiêu hóa này và ngăn chặn ảnh hưởng của carbohydrate lên đường huyết.

Theo một số nghiên cứu đã chứng minh các sợi của đậu bắp giúp ổn định lượng đường trong máu, ngăn ngừa bệnh tiểu đường và duy trì trạng thái cân bằng đường huyết với bệnh nhân tiểu đường.

Bên cạnh đó, ăn đậu bắp thường xuyên góp phần kiểm soát lượng cholesterol xấu trong cơ thể, bởi trong trái đậu bắp có chứa các dưỡng chất thiết yếu có tác dụng làm giảm thiểu cholesterol trong máu.


Tốt cho phụ nữ mang thai

Đậu bắp cũng chứa nhiều axit folic rất cần thiết cho nhiều chức năng của cơ thể. Đặc biệt đối với những phụ nữ mang thai, axit folic rất quan trọng vì chất này giúp phòng ngừa khuyết tật ống thần kinh và các dị tật bẩm sinh khác ở thai nhi.

Bên cạnh đó, hàm lượng viatmin C trong đậu bắp cũng là dưỡng chất rất cần thiết cho thai nhi.


Giúp cải thiện sinh lý

Một nghiên cứu gần đây cho hay, đậu bắp có chứa dạng glucide và thành phần dinh dưỡng khác, giúp tăng cường dòng máu chảy vào vùng sinh dục, gây cương cứng cho quý ông.

Vì thế, ăn đậu bắp thường xuyên với một lượng hợp lý sẽ giúp cánh mày râu tăng cường sinh lực, trị được chứng rối loạn cương dương.


Tốt cho người bị hen suyễn

Đậu bắp chứa nhiều vitamin C, theo nghiên cứu C đã được chứng minh là có tác dụng trong việc đẩy lùi các vấn đề về đường hô hấp, ví dụ như giảm cơn hen suyễn.

Cho nên, việc tiêu thụ trái cây có vitamin C hàng ngày (trong đó có đậu bắp) sẽ làm giảm các triệu chứng thở khò khè ở trẻ em, đặc biệt là với những người dễ nhạy cảm với thời tiết.


Một số món ăn từ đậu bắp

1. Quả đậu bắp tươi được dùng làm rau ăn sống (ít phổ biến)

Ở Việt Nam quả đậu bắp non đôi khi được dùng làm rau ăn sống trực tiếp. Tuy nhiên do có độ nhớt nên ít có người thích ăn.


2. Quả đậu bắp tươi được dùng làm rau luộc hoặc hấp cơm

Các chế biến này rất đơn giản và thịnh hành ở Việt Nam cũng như nhiều nước châu á khác.

Quả đậu bắp được cắt cuống, để nguyên quả luộc hoặc hấp cơm, khi chín xắt khúc chấm nước thịt, cá kho hoặc dầm nát với nước mắm tỏi, ớt, mỡ, hành để ăn với cơm. Đây là món ăn dân dã ở miền quê Nam Bộ Việt Nam trong những lúc thiếu hụt món ăn.



3. Quả đậu bắp xào, kho

Quả đậu bắp non để nguyên (quả nhỏ) hoặc xắt khúc (quả lớn) để xào, kho dùng ăn với cơm.


4.Quả đậu bắp dùng để kho mắm

Món mắm kho vùng quê Nam Bộ Việt Nam thường dùng quả đậu bắp xắt khúc cùng với cà nâu kho mắm với cá đồng. Ngày nay quả đậu bắp còn được dùng trong món lẫu mắm kho ở Nam Bộ.


5. Quả đậu bắp được dùng để nấu canh chua

Ở Việt Nam và nhiều nước Đông Nam Á dùng quả đậu bắp bào mỏng hoặc xắt khúc nấu với món canh chua, đây là món ăn rất phổ biến ở Nam Bộ.



Ăn đậu bắp đúng cách

- Đậu bắp chỉ nên nấu chín tới, không để quá lâu vì có thể mất hết dưỡng chất.

- Cần rửa sạch vì lông tơ trên vỏ đậu bắp rất dễ bám bẩn, đặc biệt là thuốc trừ sâu.

- Những người hay bị đau bụng, rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy, không nên ăn.

- Khi mua nên chọn đậu bắp vừa phải, cuống không bị thâm, có bề mặt mịn màng, không tì vết, có màu xanh thẫm. Tránh mua những quả non hoặc bị dập.

- Đậu bắp cần được bảo quản cẩn thận để không bị thâm, héo. Tốt nhất nếu có số lượng nhiều, không sử dụng hết bạn nên gói kín và cho vào ngăn mát tủ lạnh.


Lưu ý: Bên cạnh những công dụng có lợi nêu trên, “khuyết điểm” của đậu bắp là làm “lạnh” bụng. Những ai hay bị đau bụng, rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy, không nên dùng loại rau này.






Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire