lundi 18 décembre 2017

BLOG : Tham nhũng quyền lực


Trương Thanh Long
Sưu tầm - Biên soạn - Bình Luận


Theo TTO ngày 18/12/2017 - Điểm lại danh sách cán bộ cấp tỉnh vừa bị kỷ luật hoặc bị đề nghị kỷ luật thì hầu hết đều có vi phạm liên quan đến công tác cán bộ, ưu ái người thân.


Nổi bật nhất là chuyện ở tỉnh Quảng Nam, ông Lê Phước Thanh - nguyên bí thư Tỉnh ủy - bỏ qua mọi quy định về công tác cán bộ, bao che cho con trai Lê Phước Hoài Bảo kê khai lý lịch không trung thực, đồng thời tiến hành quy hoạch, luân chuyển, điều động, tạo điều kiện cho quý tử thăng tiến vèo vèo.

Lê Phước Thanh - nguyên bí thư Tỉnh ủy

Sau khi trở thành giám đốc Sở trẻ nhất nước, ông Bảo tiếp tục là 
Tỉnh ủy viên trẻ nhất của Quảng Nam. Ảnh. Tiến Hùng.

Góp vào với ông Lê Phước Thanh là ông Đinh Văn Thu - chủ tịch UBND tỉnh, ông Huỳnh Khánh Toàn - phó chủ tịch UBND tỉnh. Hai ông này cùng với ông Lê Phước Thanh đã bị Ủy ban Kiểm tra trung ương chỉ ra những sai phạm trong việc bổ nhiệm cán bộ.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Ngô Văn Tuấn - Ảnh tư liệu

Tệ hơn nữa là trường hợp ông Ngô Văn Tuấn - phó chủ tịch tỉnh Thanh Hóa. Sự ưu ái của ông Tuấn không dành cho con cái, họ hàng mà lại dành cho bà Trần Vũ Quỳnh Anh - một người thân "không trong sáng". Tận dụng quyền uy của mình, chỉ trong thời gian rất ngắn, ông Tuấn đẩy một nhân viên tạp vụ lên tới chức trưởng phòng cấp sở, rồi đưa vào cấp ủy Đảng bộ Sở Xây dựng.

Bà Trần Vũ Quỳnh Anh đã được ưu ái, nâng đỡ không trong sáng

Riêng ông Phạm Văn Vọng - nguyên bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc - ngoài các vi phạm khác thì cũng có chuyện "quyết định bổ nhiệm một số cán bộ không đảm bảo nguyên tắc, điều kiện tiêu chuẩn".

Cần nhấn mạnh rằng những trường hợp như nêu trên không phải là cá biệt. Nó đang có dấu hiệu lan rộng ở nơi này hoặc nơi khác. Chỉ có điều chưa bị phanh phui và được che chở qua cụm từ "đúng quy trình".

Điển hình là vụ Lê Phước Hoài Bảo. Trường hợp này, Bộ Nội vụ từng tiến hành kiểm tra, sau đó khẳng định "đúng quy trình", nhưng cho đến nay, khi Ủy ban Kiểm tra trung ương kết luận ngược lại thì vụ việc mới rõ ràng.

Trường hợp ông Ngô Văn Tuấn có khác hơn, tỉnh kết luận có sai phạm nhưng xử lý kỷ luật chưa đúng mức, buộc Ủy ban Kiểm tra trung ương phải vào cuộc, chỉ rõ đây là sai phạm "rất nghiêm trọng", "có tính hệ thống", "xảy ra trong thời gian dài".

Với kiểu ưu ái bất chấp các nguyên tắc như các ông vừa bị Ủy ban Kiểm tra trung ương chỉ đích danh thì phải gọi cho đúng tên là tham nhũng quyền lực - một vấn nạn mà nhân dân đang hết sức bất bình.


Bình luận

Những quan tham, những kẻ "bán nước hại dân", nhân danh nhân dân để dục khoét của dân như thế này được. Những ai làm sai, dù đã về hưu cũng phải đưa ra xem xét, xử lý kỉ luật.

Những thông tin những ngày gần đây trên báo chí trong nước cho người ta thấy hệ thống điều hành ở  Việt Nam là một "nhóm quan lớn” tập hợp bằng nhiều “nhóm quan nhỏ” để cai trị và tham nhũng.

Nếu không gấp rút có được một cơ chế thu hồi tài sản tham nhũng, hệ lụy chắc chắn sẽ xảy ra là sau khi đã có “”, đến một thời điểm nào đó lớp quan chức “ăn của dân không chừa thứ gì” sẽ nhảy lên máy bay để “chuồn”, bỏ lại một đất Việt cạn kiệt tài nguyên, khủng hoảng chính trị và xã hội tan hoang.


vendredi 8 décembre 2017

THỜI SỰ : Vỉa hè Sài Gòn bị tái chiếm


Trương Thanh Long
Sưu tầm - Biên soạn - Bình Luận


Ông Đoàn Ngọc Hải  việc làm rất tốt nhưng bị trói tay 
và chiến dich dẹp vỉa hè Quận 1 coi như tạm ngưng



Theo Thanh Niên ngày 08/12/2017 - Dù cơ quan chức năng thường xuyên tuần tra xử lý lấn chiếm vỉa hè, nhưng nhiều tuyến đường thuộc khu vực trung tâm đang bị lấn chiếm nặng trở lại bằng nhiều hình thức.

Trong nhiều ngày ghi nhận của Thanh Niên ở khắp các tuyến đường, sau một thời gian cơ quan chức năng đồng loạt kiểm tra xử lý lấn chiếm vỉa hè, nhiều tuyến đường trung tâm tiếp tục bị chiếm dụng với đủ hình thức, chẳng hạn: dựng bàn ghế bán cafe, làm bãi giữ xe máy, lắp bảng hiệu...

Ngày 21/11/2017 qua quan sát, dọc vỉa hè trên đường Hoàng Sa (đoạn qua cầu Công Lý, P.8, Q.3) một số quán cafe ngang nhiên lấy vỉa hè làm mặt bằng bày bàn ghế cho khách ngồi từ sáng đến tối. Đồng thời, xe máy khách cũng được dựng xếp lớp, bịt kín lối đi trên vỉa hè qua khu vực. Mỗi lượt người dân chạy bộ tập thể dục trên vỉa hè khi qua các quán này phải tránh xuống lòng đường, né bãi xe.


Trong khi đó, vỉa hè tuyến đường Rạch Bùng Binh (P.9, Q.3) vừa được UBND Q.3 nâng cấp rộng rãi, tưởng chừng thành không gian tuyệt vời cho người đi bộ, thì lại bị một số quán cafe mở trên đường xếp lớp bàn ghế cho khách ngồi, bồi thêm một bãi xe bên cạnh khiến vỉa hè bít lối.

Tương tự, đường Nguyễn Thông, Nguyễn Phúc Nguyên (P.9, Q.3) dẫn vào ga đường sắt Sài Gòn, nhiều đoạn cũng được cơ quan chức năng nâng cấp vỉa hè vừa xong, thì đã bị nhiều hộ dân lấn chiếm bừa bãi. Người đi bộ qua những đoạn này phải xuống lòng đường đi lại, mất an toàn giao thông.


Đặc biệt, lúc 16 giờ, đường Tú Xương (đoạn Nguyễn Thông - Trương Định, P.7, Q.3), hai bên đường có hàng cây xanh rợp bóng mát, lại xuất hiện gần 10 ô tô đậu chật cứng, kéo dài hàng chục mét trên vỉa hè.Tình trạng trên diễn ra thường xuyên nhưng không thấy lực lượng đô thị quận 3 hoặc phường 7 (Q.3) kiểm tra, xử lý.

Ông Đặng Văn Ngữ (54 tuổi, lái xe ôm góc Bà Huyện Thanh Quan - Tú Xương) chia sẻ: "Những chiếc ô tô này là của các phụ huynh đón con tại một trường học quốc tế tại khu vực. Ngày nào cũng vậy, xe ô tô đậu trên vỉa hè có nhân viên của trường này trông hẳn hoi. Không biết họ có xin phép chính quyền chưa mà không thấy lực lượng đô thị nào kiểm tra xử lý. Vỉa hè đẹp thế này nên để thông thoáng cho người dân đi bộ, ô tô đậu chiếm tràn lan thế này, người đi bộ chỉ còn cách xuống lòng đường đi lại, tai nạn giao thông thì lãnh đủ chứ kêu ai".







BÌNH LUẬN

Trước khi xử lý vỉa hè thì hãy dọn sạch lòng đường trước đã. Ở TP có rất nhiều con đường bị chợ tự phát lấn chiếm như ở đường Nguyễn Xí, Hoàng Hoa Thám, Lê Văn Thọ.. nó vừa lấn chiếm lại vừa gây mất mỹ quan, trật tự và vệ sinh đô thị. Khi chưa xử lý xong lòng đường thì chuyện vỉa hè còn xa vời lắm.

Nói thật cán bộ phường mà đi xử lý trông giống như đi múa rối, hết tuồng đâu lại vào đấy, thấy lấn chiếm đem biên bản ra phạt cho có , nếu cấp trên có hỏi phường báo cáo là có phạt và nhắc nhở thế làm xong. Thật sự rất đáng thất vọng về cung cách làm việc của các phường. Nếu giao quyền thì không biết mọi chuyện đi về đâu, chỉ có một việc là dẹp lòng lề đường không xong. thì người dân dựa vào đâu để tin vào chính quyền giải quyết những công việc lớn hơn, trong khi TP.HCM đang xin chính phủ được có một cơ chế đặc thù hơn , giao quyền lớn hơn. Nếu công tác cán bộ như hiện nay làm việc còn bao cấp và lợi ích nhóm như vậy nếu mong một thành phố phát triển thì rất khó, không khả thi một chút nào cả.

Như vậy giấc mơ vỉa hè của đô thị Việt Nam thông thoáng, sạch sẽ và văn minh như Singapore, chỉ là chuyện cổ tích thôi sao?






jeudi 7 décembre 2017

THẾ GIỚI : EU công bố danh sách đen "thiên đường thuế"


Trương Thanh Long
Sưu tầm - Biên soạn - Bình Luận


Theo hãng tin Reuters, ngày 05/12/2017, các bộ trưởng tài chính của Liên minh châu Âu (EU) đã thông qua danh sách gồm 17 nước và vùng lãnh thổ ngoài EU bị cho là các "thiên đường thuế".

Ảnh minh họa: ICIJ

Danh sách 17 "thiên đường thuế" là nỗ lực mới nhất của quốc tế nhằm giảm tình trạng trốn thuế. Việc lập dah sách này được khởi xướng từ năm 2016, sau vụ rò rỉ "Hồ sơ Panama”. Trong nhiều năm qua, việc các tập đoàn lớn hay những nhân vật giàu có trốn thuế hay tránh nộp thuế bằng các chiến lược “tối ưu hóa về thuế” đang trở thành một trong các thách thức lớn với các nước châu Âu. Nhiều bê bối về trốn thuế đã được phanh phui trong thời gian qua như vụ “Hồ sơ Panama”, vụ “Hồ sơ Luxemburg” (Luxleaks) và hiện tại là vụ “Hồ sơ thiên đường”.

Danh sách "17 thiên đường thuế" gồm vùng lãnh thổ Samoa và Guam, Bahrain, Barbados, Grenada, Hàn Quốc, Macau (Trung Quốc), Quần đảo Marshall, Mông Cổ, Namibia, Palau, Panama, Saint Lucia, Samoa, Trinidad & Tobago, Tunisia và Các Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UAE).

Các biện pháp trừng phạt sẽ được công bố trong vài tuần tới. Trước mắt, theo Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire, các nước và vùng lãnh thổ bị nêu tên trong "danh sách đen" có thể sẽ không được nhận tài trợ của EU.

Ngoài ra, EU cũng đã lập một danh sách gồm 47 nước và thực thể bị coi là không đáp ứng các tiêu chuẩn về thuế của EU nhưng cam kết sẽ thay đổi.

Hiện các nước EU vẫn chưa thống nhất về việc có nên áp trừng phạt tài chính đối với các nước nằm trong danh sách hay không. Một số nước, trong đó có Pháp, ủng hộ các biện pháp trừng phạt cứng rắn đối với các "thiên đường thuế" bị liệt vào danh sách. Các biện pháp đó có thể là không cho nước trong danh sách nhận tài trợ của EU và Ngân hàng Thế giới.


http://thanhlong52.blogspot.fr/2016/05/vu-luxleaks.html : Vụ án LuxLeaks

http://thanhlong52.blogspot.fr/2016/05/tai-lieu-panama-panama-papers.html : Tài liệu Panama

http://thanhlong52.blogspot.fr/2017/11/paradise-papers-them-mot-vu-lach-luat.html : P. papers



mercredi 6 décembre 2017

THẾ GIỚI : Vĩnh biệt Johnny Hallyday



Trương Thanh Long
Sưu tầm - Biên soạn - Bình Luận


Sau thời gian chống chọi với căn bênh ung thư, ngôi sao nhạc rock của nước Pháp và cả châu Âu Johnnny Hallyday đã qua đời ngày 06/12/2017 (giờ VN) tại nhà riêng ở Marnes-La-Coquette phía đông nam của Paris, thọ 74 tuổi.


Johnny Hallyday " Non ne me dis pas adieu "




Những ngày cuối năm 2017, làng nghệ thuật thế giới tiếp tục đón nhận tin buồn về sự ra đi của danh ca người Pháp Johnny Hallyday. Thông tin về cái chết của nam ca sĩ được vợ ông, bà Laeticia Boudou xác nhận với truyền thông Pháp: “Johnny Hallyday đã rời xa chúng ta. Khi tôi nói ra những từ này, tôi vẫn không thể tin được. Nhưng đó là sự thật. Người đàn ông của tôi không còn nữa”.

Johnny Hallyday qua đời vì bệnh ung thư. Thông tin về bệnh tình của ông đã được công bố vào tháng 3 tuy nhiên lúc đó, ông cho rằng tình trạng sức khỏe của mình không quá nghiệm trọng như những gì báo chí đưa tin.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng đã gửi lời tri ân đến Johnny Hallyday: “Ông ấy đã mang một phần nhạc rock đến với chúng ta”.


Johnny Hallyday (tên thật là Jean-Philippe Smet, sinh ngày 15 tháng 6 năm 1943, mất ngày 6 tháng 12 năm 2017) là ca sĩ, nhạc sĩ và diễn viên người Pháp. Ông được xem là người có công truyền bá thể loại nhạc rock ‘n roll từ Mỹ tới cộng đồng những người nói tiếng Pháp và cả châu Âu.

Johnny Hallyday hay được ví như “Elvis của nước Pháp” vì chịu ảnh hưởng nhiều từ huyền thoại Elvis Presley của Mỹ. Tuy nhiên, đối với người châu Âu, âm nhạc của ông mang màu sắc rất riêng và không thể lẫn với nghệ sĩ nào.


Trong sự nghiệp hơn 50 năm hoạt động nghệ thuật, Johnny đã bán được hơn 110 triệu đĩa, phát hành khoảng 30 album, hơn một nửa trong đó đạt chứng nhận bạch kim và tổ chức hơn 100 chuyến lưu diễn trên toàn thế giới. Có thể nói, ông là một trong những nghệ sĩ có ảnh hưởng quan trọng trong văn hóa âm nhạc của Pháp nói riêng và cả châu Âu nói chung.

Sự nghiệp đồ sộ của Hallyday là một thành tựu lớn với 183 buổi trình diễn trực tiếp trong đó có 27 buổi diễn tại Paris, thu hút 28 triệu lượt khán giả bên cạnh hơn 1000 sản phẩm thu âm, hơn 100 ca khúc sáng tác và 110 đĩa phát hành. Ông cũng có cho mình 40 chứng chỉ Vàng, 22 chứng chỉ Bạch kim, 5 chứng chỉ Kim cương và 10 giải Victoires de la musique cho 50 album phòng thu và 29 album trực tiếp. Từ năm 2014, Hallyday là thành viên nhóm Les Vieilles Canailles.


Đời tư rocker già nước Pháp khá phức tạp. Ông từng tự tử không thành, dính líu vào chất gây nghiện, gặp tai nạn suýt chết. Ông trải qua 5 đời vợ, có 4 người con, trong đó có : 1 trai David 51 tuổi (vợ Syl vie Vartan),  1 gái Laura 34 tuổi (vợ Nathalie Baye), 2 người con gái nuôi gốc Việt là Joy (tên thật là Mai Hương) và Jade (tên thật là Bùi Thị Hoa).

Gia đình hạnh phúc của Johnny và Laeticia với hai cô con gái nuôi gốc Việt

David & Laura - 2 đứa con của Johnny Hallyday


Những người phụ nữ trong cuộc đời của Johnny Hallyday



Cuộc đời và sự nghiệp qua những hình ảnh dưới đây


 Hallyday trình diễn trong chương trình truyền hình Champs – Elyseés. (Nguồn: Getty Images)

 Được mệnh danh là “Elvis của nước Pháp”, cái tên Hallyday phủ sóng rộng rãi trên nhiều sân khấu. Hình ảnh này được chụp trong buổi trình diễn tại POPB, Paris năm 1992. (Nguồn: AFP)

 Đám đông vây quanh sân khấu trong buổi biểu diễn của Hallyday. (Nguồn: Getty Images)

 Hallyday tại sân bay Brussels trong một thước phim. (Nguồn: Getty Images)

 Đám cưới của Hallyday với ca sĩ người Pháp, Sylvie Vartan năm 1965. Ông đã trải qua 5 lần kết hôn. (Nguồn: Getty Images)

 Hallyday trên sân khấu. (Nguồn: Getty Images)

Tại phòng thu Europe 1. (Nguồn: Getty Images) 

Nhạc hội Paris những năm 1970. (Nguồn: Getty Images) 

 Hallyday và người vợ đầu tiên - Slivie Vartan. (Nguồn: Getty Images)

 Quỳ xuống sân khấu trong một phần trình diễn "máu lửa". (Nguồn: Getty Images)

 Hallyday chụp ảnh cùng Fats Domino và nhà vô địch quyền anh Mỹ. Ray Sugar Robinson sau buổi trình diễn tại Trung tâm thể thao Palais des, Paris, Pháp. (Nguồn: Getty Images)

 Hình ảnh nam ca sĩ chơi đàn guitar bên một cô gái trẻ vào năm 1960 - năm phát hành đĩa đơn đầu tiên trong sự nghiệp. (Nguồn: Getty Images)

Một đêm diễn của Hallyday tại Lille Zenith miền Bắc nước Pháp năm 2009. (Nguồn: Getty Images)


Hàng chục ngàn người tề tựu về Paris tiễn đưa Johnny


Theo RFI - Một đám đông khổng lồ vào ngày 09/12/2017 đã tập hợp hai bên đại lộ Champs-Elysées, quảng trường Concorde, và trước nhà thờ La Madeleine ở trung tâm thủ đô Paris để tiễn đưa cố ca sĩ Johnny Hallyday, vừa qua đời hồi đầu tuần vì bệnh ung thư. Hàng chục ngàn người đã xúc động theo dõi chiếc xe tang chở quan tài màu trắng, được hàng trăm người chạy mô tô tháp tùng theo, xẻ dọc đại lộ Champs-Elysées, một vinh dự mà ít ai có được.



Đúng theo chương trình đã được loan báo, xe tang của Johnny Hallyday đã đi vòng quảng trường Place de l’Etoile - nơi có Khải Hoàn Môn Arc de triomphe - tiến vào đại lộ Champs-Elysées và di chuyển xuống quảng trường Place de la Concorde, để từ đó, rẽ ngang đến nhà thờ La Madeleine, nơi cử hành tang lễ chính thức.


Đoàn xe tang được xe cảnh sát hộ tống, và đặc biệt có một đoàn xe mô tô 700 chiếc, chủ yếu là loại Harley Davidson mà lúc sinh thời Johnny Hallyday rất thích, những người lái mô tô chủ yếu mặc áo bluson da màu đen.


Đám đông bao gồm đủ mọi thế hệ, đã không quản trời giá rét đến từ sáng sớm đã tập hợp dọc theo hai bên đại lộ để tiễn đưa thần tượng của họ, người thì mang theo chân dung của Johnny, người thì ném hoa hồng ra đường khi xe tang đi qua.


Tại quảng trường trước nhà thờ La Madelaine, đám đông đã hát vang theo ban nhạc của Johnny Hallyday, cất lên những ca khúc nổi tiếng của cố cá sĩ như L’Envie, Je te promets, hay là Le Pénitencier.

 (Christophe Simon / AFP)


Quan tài của Johnny Hallyday đến đảo Saint-Barthélemy

Theo nguyện vọng cuối cùng của mình, Johnny sẽ được chôn ở St. Barthelemy. Quan tài của ông đã bay đi sáng Chủ nhật này trong một chiếc máy bay đặc biệt, với sáu mươi người thân của ông ta. Một buổi lễ sẽ được tổ chức vào ngày thứ hai trong nghĩa trang biển của Lorient.






samedi 2 décembre 2017

DU LỊCH : Cơm thố chợ Cũ - Sài Gòn năm xưa


Trương Thanh Long
Sưu tầm - Biên soạn - Bình Luận


Cơm thố

Một trong những món ngon vang bóng một thời của Sài Gòn là cơm thố, có mặt ở Sài Gòn - Chợ Lớn từ hàng trăm năm trước. Trôi theo dòng chảy thời gian, món cơm này tưởng đã đi vào dĩ vãng. Nhưng thật may mắn khi một vài quán ăn lâu đời vẫn còn lưu giữ cách nấu cơm độc đáo này.

Nhắc đến cơm thố Sài Gòn, nhiều người thường liên tưởng đến khu chợ Cũ lừng lẫy một thời. Rất nhiều món ngon ở khu vực chợ trên đường Tôn Thất Đạm (quận 01) đã hằn sâu trong ký ức của người Sài Gòn như hủ tiếu cá, cháo cá (mà học giả Vương Hồng Sển từng nhắc đến trong đoạn mở đầu của tác phẩm "Sài Gòn Năm Xưa", 1960, mà nay đã không còn nữa), cơm thố, hủ tiếu, bánh mì xíu mại…

Xin nói thêm một chút về lịch sử của chợ Cũ. Theo nhiều tài liệu thì từ đầu thế kỷ thứ 17, khi người Việt đến lập cư ở vùng đất phương Nam, thì Sài Gòn cũng trở thành nơi phố chợ đông đúc, náo nhiệt nhất Nam kỳ. Ở khu vực dọc bờ sông Bến Nghé, cạnh thành Quy đã hình thành một khu chợ nhỏ, nhưng buôn bán rất sầm uất.

Một góc chợ Cũ năm 1968 (ảnh tư liệu)

Theo sử cũ, khu chợ này ngày xưa là một "phố chợ nhà cửa trù mật ở dọc theo bến sông. Chỗ đầu bến này có lệ đến đầu mùa xuân gặp ngày tế mạ, có thao diễn thủy binh, nơi bến có đò ngang chở khách buôn ngoài biển lên. Đầu phố phía Bắc là ngòi Sa Ngư, có gác cầu ván bắc ngang qua, hai bên nách cầu có dãy phố ngói, tụ tập trăm thứ hàng hóa, dọc bến sông ghe buôn lớn nhỏ đến đậu nối liền".

Có lẽ do nằm cạnh bến sông và thành cổ nên ngay từ đầu, chợ đã được gọi là Bến Thành. Thời ấy, đất Gia Định là một vùng nông nghiệp trù phú nên chợ Bến Thành đầy hàng hóa như: gạo, cá khô, tôm khô, cau, đường... bán ra để mua tơ lụa, quả thô, nhang, quạt, trà, đồ sành sứ, thuốc uống, dược thảo... từ nước ngoài mang đến. Khu vực chợ Bến Thành càng trở nên đông đúc và phồn thịnh hơn. Giữa năm 1911, ngôi chợ xuống cấp nặng nề. Người Pháp phải cho dỡ bỏ, dời về địa điểm gần ga xe lửa Sài Gòn - Mỹ Tho, nay là bến xe buýt Sài Gòn. Khu chợ xưa kia vì đã mang tên "chợ Cũ", như để nhắc nhớ về một thời hưng thịnh.

Cơm thố là làm chín gạo trong cái thố nhỏ bằng đất nung theo lối chưng cách thủy

Khu chợ ngày xưa nằm bên bờ phía Nam của một con kênh rộng chạy đến trước cửa tòa nhà nay là trụ sở của Ủy ban Nhân dân thành phố, được gọi là Kinh Lớn. Dọc bờ kênh là một con đường, người Pháp đặt tên là Charner, người Việt gọi là Quảng Đông, bởi có nhiều người Quảng Đông làm ăn buôn bán ờ đây. Người Pháp về sau lấp con kênh này (năm 1887) và đổi tên thành đại lộ Charner, rồi sau đổi thành đại lộ Nguyễn Huệ như ngày nay.

Cũng vì thế mà trong chợ Cũ tập trung rất nhiều quán ăn ngon của người Hoa. Trong ký ức của nhiều người Sài Gòn xưa, cơm thố chợ Cũ nổi tiếng vì đa số người Việt thuộc đủ mọi thành phần xã hội thường lui tới. Chủ yếu là nhờ gạo ngon, món ăn ta, Tàu lẫn lộn, giá cả bình dân. Ít tiền thì vào ăn một hơi cả chục thố cơm chỉ với dĩa thịt kho, dưa cải cũng chỉ vài trăm đồng tiền cũ. Rủng rẻng hơn thì ngồi nhấm nháp một hai thố cơm với những món cao cấp như cá hấp, gà nướng, bồ câu quay…

Dãy nhà phố trên đường Charner. Hai con đường dọc theo Kinh Lớn: một chạy xuống 
phía bờ sông Sài Gòn, qua phía trước chợ Cũ là Rue Rigault de Genouilly, đường từ 
phía sông chạy lên là Rue Charner. Khi Kinh Lớn bị lấp vào năm 1887 thì hai con 
đường được nhập lại thành Boulevard Charner tức là đường Nguyễn Huệ ngày nay.

Xe điện chạy qua phía đầu đường Charner (đường Nguyễn Huệ, quận 01 này nay)

Bây giờ, chỉ còn duy nhất một tiệm cơm thố ở chợ Cũ là Chuyên Ký nằm ở số nhà 67 Tôn Thất Đạm, ẩn sau những dãy kiosk nên đi ngang qua rất khó nhận biết. Chị Chừng Thúy Thúy, chủ tiệm bây giờ cho biết mình kế nghiệp bà ngoại là Lý Chuyên, người gốc Quảng Đông, bán cơm thố nổi tiếng một thời. Tiệm có từ những năm 1950s, đến nay đã hơn 60 năm tồn tại, là điểm hẹn quen thuộc của nhiều thực khách Sài Gòn.

Món cơm thố ở Sài Gòn là do người Hoa gốc Quảng Đông đem đến, phát âm là “chung phàn” (chung là cái thố, phàn là cơm). Cơm thố là làm chín gạo trong cái thố nhỏ bằng đất nung theo lối chưng cách thủy. Mỗi thố cơm tương đương gần một chén cơm nhỏ. Đây là cách nấu cơm cầu kỳ theo truyền thống của người Hoa.

Thố cơm ở Chuyên Ký được đặt ở lò gốm từ những ngày xa xưa, rất xinh xắn và bền, không như những thố ở hầu hết các hàng quán bây giờ. Chị Thúy Thúy tiếc nuối: nếu những cái thố này bị vỡ đành phải dùng loại bán sẵn trên thị trường, vừa không đẹp bằng mà lại mau vỡ. Trước đây nhà chị đã đặt vài ngàn thố cơm, nhưng giờ đây kỹ thuật làm gốm này đã thất truyền.

Hầm vĩ chưng hột vịt ăn kèm với dĩa rau sống, dưa leo thì tuyệt vời

Gà ác tiềm thuốc Bắc

Thật vậy, thố cơm ở đây rất xinh xắn, có màu trắng ngà, mang lại ít nhiều vẻ xù xì của đất nung. Gạo bỏ vào từng thố rồi cho nước vào, đặt trong nồi hấp lớn nhiều tầng. Cơm trong thố sẽ chín bằng hơi nước. Độc đáo và cầu kỳ như vậy nên cơm rất dẻo và ngon hơn cơm nấu trong nồi, cũng như giữ ấm cơm rất dễ.

Mặc dù đã ít món hơn trước kia nhưng thực đơn ở tiệm cơm thố Chuyên Ký cũng rất phong phú: bò xào các loại, dồi trường, cật heo chiên, xào, các món từ thịt gà, cá, tôm, heo, cua, mực, các món tiềm, canh...

Theo hồi ức của một người Sài Gòn xưa về Chuyên Ký thì “một người vô tiệm mà "kiu" món "gà ác tiềm" với món "hầm vĩ”, cộng với 4 thố cơm thì tay này là... Hạ Hầu Đôn trong Tam Quốc diễn nghĩa. Cơm thố ở đây tuyệt chiêu giống như cơm gà thời phải vô Siu Siu trong Chợ An Đông vậy”.

Món gà ác tiềm thuốc Bắc ở đây có hương vị thơm ngon khác hẳn so với các quán người Hoa cũng bán món này. Bí quyết chính là cân bằng tỉ lệ các món thuốc Bắc cho vào chứ không dùng loại thuốc tiềm bán sẵn như thường thấy.

Sườn xào chua ngọt cũng là một món ngon phải thử. Theo chủ quán, phải luộc sườn cho mềm rồi mới lăn bột năng và chiên, sau đó mới là sốt chua ngọt. Vị chua, ngọt, mặn của món này rất cân đối nên ăn với cơm thố trắng quả là tuyệt đỉnh.

Nhưng độc đáo nhất phải nói đến món "hầm vĩ chưng hột vịt" hoặc "hầm vĩ chưng dấm đường". Tên nghe rất lạ, nhưng thực ra đây chính là món cá lù đù (hầm vĩ) trộn chung hột vịt rồi hấp hoặc chưng. Món này bắt cơm số một, ăn kèm với dĩa rau sống, dưa leo là nhất.

Có rất nhiều món mới du nhập vào Sài Gòn sau này như cơm niêu, cơm tay cầm, cơm bình dân đủ loại dễ nấu, nên người ta không còn ăn cơm thố thường xuyên như trước nữa. Nhưng với nhiều người, thưởng thức cơm thố chợ Cũ cũng là để tìm về những ký ức đẹp của Sài Gòn. Là những hồi ức về Kinh Lớn, về đường Charner, là nhớ đất Gia Định trù phú một thời.



Cơm thố Chuyên Ký
67 Tôn Thất Đạm, phường Bến Nghé, quận 01
Mở cửa: 11h trưa đến 10h tối