dimanche 23 octobre 2016

THAM NHŨNG : Chủ tịch xã Hậu Lộc (Thanh Hóa) lập hồ sơ khống rút tiền ngân sách


Trương Thanh Long
Sưu tầm - Biên soạn - Bình Luận


(ZING.VN ngày 23/10/2016) Huyện ủy Hậu Lộc (Thanh Hóa) vừa quyết định kỷ luật ông Nguyễn Văn Tám, Chủ tịch UBND xã Cầu Lộc vì nhiều sai phạm. Trong đó, có việc ông Tám lập hồ sơ khống rút tiền ngân sách.

Ông Nguyễn Văn Ấp, Bí thư Huyện ủy Hậu Lộc (Thanh Hóa) vừa ký quyết định kỷ luật Cảnh cáo đối với ông Đỗ Văn Tám, Chủ tịch UBND xã Cầu Lộc vì để xảy ra nhiều sai phạm trong quá trình quản lý.

Quyết định nêu, trong năm 2015, ông Tám với tư cách là Chủ tịch UBND xã đã thực hiện trái nguyên tắc về chế độ, quy định về thu, chi tài chính đối với số tiền trên 300 triệu đồng.

Cụ thể, ông Tám thanh toán cho một doanh nghiệp trên địa bàn với số tiền là 269 triệu đồng và nhận tăng số tiền 63 triệu đồng do lập "hồ sơ khống", tính tăng khối lượng để rút tiền ngân sách nhà nước hỗ trợ cho xã Cầu Lộc.

Ngoài ra, Chủ tịch UBND xã Cầu Lộc đã thiếu trách nhiệm trong việc triển khai sử dụng 40 tấn xi măng (nhà nước hỗ trợ trong xây dựng nông thôn mới). Khi giao số xi măng này về cho các thôn nhưng ông Tám không tiến hành xây dựng, sau đó lại mang bán cho một cơ sở sản xuất gạch trên địa bàn.

Bên cạnh đó, ông Tám còn phát ngôn thiếu thống nhất với báo chí về việc sử dụng hồ sơ để thanh toán qua kho bạc vốn hỗ trợ của nhà nước.

Với các sai phạm trên, Chủ tịch UBND xã Cầu Lộc Đỗ Văn Tám được xác định đã vi phạm vào những điều Đảng viên không được làm.

Với những khuyết điểm trên, ông Đỗ Văn Tám được xác định đã vi phạm những điều đảng viên không được làm và bị Ban Thường vụ Huyện ủy Hậu Lộc ra quyết định kỷ luật cảnh cáo ???


Ông Đỗ Văn Tám, Chủ tịch UBND xã Cầu Lộc. Ảnh: Q.D.

Quyết định kỷ luật cảnh cáo đối với ông Đỗ Văn Tám, 
Chủ tịch UBND xã Cầu Lộc, huyện Hậu Lộc


Thanh Hóa: Chủ tịch xã mượn hồ sơ để rút tiền ngân sách Nhà nước

(Dân trí ngày 15/07/2016) Mặc dù công trình làm đường giao thông nội đồng do các làng tự thiết kế làm, tuy nhiên Chủ tịch UBND xã Cầu Lộc, huyện Hậu Lộc đã mượn hồ sơ của đơn vị trước đây được thuê tư vấn khảo sát thiết kế bản vẽ thi công để rút tiền ngân sách Nhà nước.


Mượn hồ sơ để rút tiền ngân sách Nhà nước

Qua tài liệu cho thấy, ngày 25/2/2013, UBND xã Cầu Lộc, huyện Hậu Lộc ký hợp đồng tư vấn khảo sát thiết kế bản vẽ thi công, lập báo cáo kinh tế kỹ thuật công trình đường giao thông nội đồng vùng lúa thâm canh năng suất, chất lượng, hiệu quả cao với Công ty CP Tư vấn đầu tư và Xây dựng Đại Lộc (Cty Đại Lộc).


Tổng giá trị hợp đồng 6 tuyến (tạm tính) của hợp đồng là 317 triệu đồng. Thời gian thực hiện từ ngày 26/2-15/4/2013. Việc thanh lý hợp đồng phải được thực hiện trong thời hạn 45 ngày kể từ ngày các bên hoàn thành nghĩa vụ theo hợp đồng.

Tuy nhiên, dự toán kinh phí hơn 10 tỷ đồng, vượt sức của người dân. Để giảm chi phí, UBND xã Cầu Lộc và các làng họp bàn đi đến thống nhất không sử dụng và thực hiện theo hồ sơ thiết kế của Cty Đại Lộc mà để các làng tự lập hồ sơ thiết kế, hồ sơ dự toán và tự thi công. Kinh phí thực hiện được người dân đóng 50.000 đồng/sào/vụ và thu trong 6 vụ.

Từ năm 2013-2015, người dân đóng góp được gần 2 tỷ đồng và đầu tư xây dựng được 5/6 tuyến đường với tổng chiều dài 4,193km.



So sánh hồ sơ dự toán của các làng tự làm với hồ sơ dự toán của Cty Đại Lộc có sự chênh rất lớn về số tiền. Cụ thể, đường Đông Tiến dài 693m, theo dự toán của làng hết hơn 319 triệu đồng. Trong khi đó, theo dự toán của Cty Đại Lộc, cùng tuyến đường này dài thêm 8m nhưng tổng kinh phí lên tới hơn 1,42 tỷ đồng.

Còn tuyến đường bà Xòe - nhà ông Tám dài 704m, làng dự toán hết hơn 326 triệu đồng, nhưng trong dự toán của Cty Đại Lộc, đoạn đường này dài 738m, kinh phí là hơn 1,5 tỷ đồng.

Đến ngày 10/3/2015, công trình làm xong, ông Đỗ Văn Tám - Chủ tịch UBND xã Cầu Lộc có tờ trình gửi UBND huyện Hậu Lộc xin hỗ trợ kinh phí. Tuy nhiên, điều bất thường là trong tờ trình của Chủ tịch xã gửi UBND huyện lại theo hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công, báo cáo kinh tế - kỹ thuật của Cty Đại Lộc, mà thiết kế này lại không được thực hiện từ năm 2013.

Sau khi nhận được tờ trình, ngày 20/4/2015, Phòng NN-PTNT, Tài chính - Kế hoạch đã đi kiểm tra và có đề nghị UBND huyện cấp kinh phí hỗ trợ cho UBND xã Cầu Lộc với số tiền là gần 776 triệu đồng.

Ngày 4/6/2015, UBND huyện Hậu Lộc có quyết định giao bổ sung có mục tiêu dự toán chi ngân sách địa phương năm 2015, trong đó xã Cầu Lộc được cấp gần 776 triệu đồng kinh phí hỗ trợ kiên cố hóa kênh mương và đường giao thông nội đồng thuộc dự án vùng thâm canh lúa năng suất, chất lượng, hiểu quả cao.

Điều khiến người dân thắc mắc là hồ sơ dự toán, thiết kế 5 tuyến đường đều do các làng tự làm, không liên quan gì đến Cty Đại Lộc. Hơn nữa, hợp đồng giữa UBND xã Cầu Lộc và Cty Đại Lộc đã thanh lý và chấm dứt cuối tháng 6/2013. Thế nhưng Chủ tịch UBND xã Cầu Lộc vẫn duyệt chi cho Cty Đại Lộc số tiền là gần 270 triệu đồng.

Theo hồ sơ của các làng chiều dài 5 tuyến đường là 4,193km (mỗi km đường được nhà nước hỗ trợ 170 triệu đồng). Tuy nhiên, trong tờ trình gửi UBND huyện, UBND xã Cầu Lộc lại cho đường “dài” lên 4,564km. Trong khi đó, hồ sơ xin hỗ trợ kinh phí của UBND xã Cầu Lộc đã được Phòng NN-PTNT và Tài chính - Kế hoạch kiểm tra. Như vậy, số tiền chênh lệch ở đây là hơn 63 triệu đồng.

Chi tiền giấy tờ cho Phòng Nông nghiệp

Được biết, ngày 28/8/2015, tại hội nghị bàn ký rút tiền hỗ trợ kích cầu làm đường nông thôn mới, Chủ tịch UBND xã đã công khai tài chính. Tổng toàn xã 5 tuyến đường được hỗ trợ gần 776 triệu đồng, đã chi chí 335 triệu đồng, còn lại 441 triệu đồng. Cụ thể, lập dự toán thiết kế gần 270 triệu đồng, thẩm định 25 triệu đồng, cho cho Phòng nông nghiệp 23 triệu đồng, kho bạc 20 triệu đồng.


Theo danh sách chi trả tiền hỗ trợ làm đường giao thông nội đồng cho các tuyến đường của ban kiến thiết các làng đã làm, tiền hỗ trợ theo quyết định 1331/QĐ-UBND của huyện cho xã Cầu Lộc năm 2015 thì thôn Cầu Thôn được hỗ trợ hơn 130 triệu. Đồng thời, xã yêu cầu đại diện thôn ký nhận hơn 130 triệu, nhưng trên thực tế thôn chỉ được nhận 68 triệu đồng.

Ông Đỗ Văn Tám thừa nhận, đúng là đường các làng tự làm, xã đã trình hồ sơ các thôn lên huyện nhưng không được hỗ trợ vì không có tính pháp lý. Do vậy, xã phải lấy hồ sơ của Cty Đại Lộc mới rút được tiền hỗ trợ.

Theo ông Tám, trong tổng số gần 776 triệu đồng xã đã chi gần 270 triệu đồng cho tư vấn; thẩm tra 22 triệu đồng; Phòng Nông nghiệp 23 triệu đồng; chi khác 20,5 triệu đồng; còn lại hơn 441 triệu đồng xã chia cho các làng.


Về số tiền 23 triệu đồng chi cho Phòng Nông nghiệp, ông Tám giải thích, đây là tiền phí, tiền giấy tờ!? Khi hỏi hóa đơn, chứng từ, ông Tám cho biết, đưa tiền mặt cho phòng nên không có.

Theo ông Nguyễn Văn Long - Phó chủ tịch UBND huyện Hậu Lộc, xã Cầu Lộc lập hồ sơ xin hỗ trợ chưa đúng. Trên thực tế, đường là do thôn tự làm, nếu để hồ sơ của thôn thì không thể ra quyết định hỗ trợ được. Theo quy định, huyện chỉ hỗ trợ hồ sơ có thiết kế, được thẩm định, được phê duyệt. Tới đây, huyện sẽ giao cho các phòng chuyên môn kiểm tra.


BÌNH LUẬN

Những cán bộ công chức dám lập hồ sơ khống, rút ruột ngân sách thế này, cần phải bị đuổi khỏi đội ngũ, để giữ vững kỷ cương, phép nước, mới chống tham nhũng được.

Tôi không thể tin nổi !!! Thu chi tài chính trái nguyên tắc gần 300 triệu. mang 40 tấn xi măng (nhà nước hỗ trợ trong xây dựng nông thôn mới) đi bán, mà bị kỷ luật cảnh cáo.

Cướp 2 ổ bánh mì mà xử lý hình sự. Pháp luật sao kỳ vậy ? Cán bộ vi phạm như vậy sao không truy tố xử lý hình sự. CẢNH CÁO thì chưa phải là thuốc đặc trị tham nhũng. Khi nào tham những cứ truy tố đếm dăm ba cuốn lịch thì chúng mới sợ.

Với các sai phạm trên, Chủ tịch UBND xã Cầu Lộc Đỗ Văn Tám, ông này đáng bị truy tố. Sao chỉ lại cảnh cáo và cho giữ nguyên chức vụ ???


Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire