vendredi 24 juin 2016

THẾ GIỚI : Brexit - Người Anh quyết định chọn rời EU



Trương Thanh Long
Sưu tầm - Biên soạn - Bình Luận


Brexit : 2.000 tỷ USD bay mất trong thị trường tài chính quốc tế trong ngày 24/6/2016

Với 51,89% phiếu đồng ý rời EU trong khi chỉ có 48,11% phiếu chọn ở lại, người dân Anh đã lựa chọn rời EU. Hầu hết những điểm bỏ phiếu ở Anh và Xứ Wales đều chọn rời EU. Ngược lại, khu vực Scotland và Bắc Ireland không muốn rời EU. 

Kết quả chính thức cuộc bỏ phiếu rời - ở lại EU của nước Anh - Nguồn: CNN

Như vậy, cử tri Anh đã lựa chọn để rời EU sau hơn 40 năm gắn bó. Thủ tướng Anh David Cameron dự kiến sẽ có một bài phát biểu ngay sau khi kết quả trưng cầu dân ý chính thức công bố.

Thủ tướng Anh David Cameron. Ảnh: Express

Theo giới phân tích, quyết định của cử tri Anh sẽ có tác động sâu rộng đến nhiều lĩnh vực, không chỉ chính trị mà còn cả cuộc sống thường nhật và mọi ngõ ngách ở đất nước Anh.

Tiến trình “Rời EU” (Brexit) sẽ mất nhiều năm

Một cuộc bỏ phiếu rời EU không mang tính ràng buộc pháp lý nên về mặt lý thuyết có một số cách để vô hiệu hóa hoặc lật ngược kết quả trưng cầu, theo Tạp chí Vox. Nhưng thực tế thì như BBC mô tả, nếu chống lại ước nguyện của người dân thì chẳng khác nào “tự sát chính trị”.

Điều 50 của Hiệp ước Liên minh châu Âu thiết lập các quy định để một thành viên ra đi. Nó đòi hỏi quốc gia thành viên phải thông báo cho EU về quyết định của mình, rồi sau đó hai bên phải thương lượng về một thỏa thuận rút lui.

Thông báo kết quả kiểm phiếu chính thức không đồng nghĩa với thông báo “Rời EU” chính thức. Và thông báo này có thể được thực hiện trong vòng vài ngày, khi các thành viên EU nhóm họp vào 28-29/6/2016, hoặc cũng có thể phải chờ thêm nhiều tháng nữa.

Ngay khi Anh viện đến Điều 50, nước này sẽ có 2 năm để đàm phán về một hiệp ước mới thay thế các điều khoản tư cách thành viên EU. Anh và các lãnh đạo EU sẽ phải giải quyết một núi công việc, gồm thuế quan, nhập cư, và quy định của mọi vấn đề từ xe hơi tới nông nghiệp.

Thủ tướng Cameron bị hạ bệ

Thủ tướng David Cameron không muốn Anh rời khỏi EU. Nhưng năm 2014, ông chịu áp lực ngày càng lớn từ dân chúng về vấn đề nhập cư và tư cách thành viên EU của Anh. Để xoa dịu những người phản đối trong chính đảng của mình và ngăn chặn sự vươn lên của Đảng Độc lập Anh, Cameron đành phải cam kết tổ chức trưng cầu dân ý về việc đi hay ở lại EU nếu đảng của ông thắng trong cuộc tổng tuyển cử năm 2015. Kết quả là phe Bảo thủ giành đa số tại Quốc hội và Cameron phải giữ lời.

Ông Nigel Farage, Chủ tịch đảng Độc lập Anh, tự tin rằng ngày 23/6 sẽ trở thành "Ngày Độc lập" của nước Anh. (Ảnh: BBC)

Chiến thắng của phe “Rời đi” có thể sẽ làm suy yếu nghiêm trọng vị thế của Cameron trong chính đảng của mình. Thủ tướng Anh đã thề sẽ tiếp tục nắm quyền kể cả cử tri chống lại chủ trương của ông. Tuy nhiên, điều đó là khó có thể.

Một cuộc cách mạng của chính các thành viên Đảng Bảo thủ có thể sẽ buộc Cameron phải rời nhiệm. Từ đó, Anh sẽ có một chính phủ Bảo thủ mới do một người khác điều hành, thậm chí phải tổ chức các cuộc bầu cử mới.

Kinh tế Anh bị ảnh hưởng xấu

Về ngắn hạn, bất ổn về mối quan hệ tương lai của Anh với EU có thể đẩy nước này vào suy thoái. Các nhà quan sát thị trường dự đoán “bất ổn bùng nổ” vào sáng 24/6 (giờ địa phương) khi các thị trường phản ứng trước thông tin Anh có thể sẽ rời EU.

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, cả thị trường chứng khoán Anh lẫn đồng Bảng sẽ mất giá ngay từ đầu giờ sáng. Bộ trưởng Tài chính Anh George Osborne thậm chí ngụ ý ông có thể dừng giao dịch thị trường chứng khoán nếu người Anh nhất trí rời khỏi EU.

Bộ trưởng Tài chính Anh George Osborne.  (Ảnh: REUTERS/Matt Cardy/Pool)

Về dài hạn, tình hình còn tồi tệ hơn. Nếu chính phủ Cameron sụp đổ, tương lai đàm phán của Anh về một thỏa thuận có lợi với EU sẽ bị suy yếu. EU có thể sẽ mặc cả “rắn” hơn để ngăn chặn các thành viên khác hành động tương tự Anh.

Và viễn cảnh này có thể tạo ra nhiều vấn đề nghiêm trọng cho các doanh nghiệp hoạt động ở Anh.

Nếu bạn là Nissan hay một nhà sản xuất ôtô khác có sản lượng lớn ở Anh thì các tiêu chuẩn an toàn và tiêu chuẩn môi trường hiện nay cho phép bạn bán hàng ở bất cứ nơi nào trên thị trường EU”, nhà kinh tế học Jacob Funk Kirkegaard thuộc Viện Kinh tế quốc tế Peterson diễn giải. “Nhưng nếu Anh rời EU thì bạn không thể bán hàng vào các thị trường khác của EU như trước được nữa, vì bạn sẽ phải trải qua một loạt chứng nhận an toàn khác. Điều tương tự cũng xảy ra ở tất cả các ngành khác”.

Theo ước tính của Chính phủ Anh, rời khỏi EU có thể khiến nền kinh tế vương quốc này co hẹp 3,8-7,5% vào năm 2030 – tùy thuộc vào tiến độ đàm phán tiếp cận thị trường EU.

Bất ổn với người nhập cư

Một trong những thành tích quan trọng nhất nhưng cũng gây tranh cãi nhất của EU là thiết lập quy định về việc di chuyển tự do giữa các thành viên trong liên minh. Công dân ở một nước EU có quyền sống và làm việc ở bất cứ nơi nào trên đất Anh. Cả người Anh và người nước ngoài đều có lợi từ cơ hội này.

Hiện có khoảng 1,2 triệu người Anh đang sinh sống ở các nước khác thuộc EU, trong khi khoảng 3 triệu người EU sống ở Anh. Nhờ các quy định của Liên minh, họ có thể đi lại với giấy tờ đơn giản hóa tối đa. Nếu Anh rời EU thì điều này sẽ thay đổi hoàn toàn.

Tất nhiên, Anh có thể đàm phán được một hiệp ước mới tiếp tục cho phép đi lại tự do giữa nước này và EU. Nhưng tâm trạng bực bội với người nhập cư từ các nước khác chính là một trong những động lực chính của phe muốn rời EU nên chính phủ Anh chắc chắn sẽ chịu áp lực không thể tiếp tục thỏa thuận hiện tại.

Điều đó có nghĩa là, mọi người đến hoặc rời khỏi Anh sẽ phải lo về hộ chiếu và các quy định cư trú. Và một số người nhập cư Anh có thể mất quyền tiếp tục sống hoặc làm việc ở EU, và bị trục xuất.

Hiệu ứng Domino

Việc Anh từ bỏ tấm thẻ thành viên EU có thể sẽ châm ngòi cho nhiều nước khác làm theo. Và xu hướng này sẽ khiến châu Âu dần tan rã, đẩy châu lục này và cả thế giới vào bất ổn không chỉ về kinh tế, chính trị mà cả an ninh.

Một hệ quả khác là chính vương quốc Anh có thể sẽ tan rã. Mới đây, lãnh đạo Đảng Quốc gia Scotland cho biết sẽ tổ chức trưng cầu dân ý rời khỏi Anh nếu Anh rời khỏi EU.


Trong khi cử tri Bắc Ireland và Scotland bỏ phiếu ủng hộ ở lại EU thì đa số cử tri xứ Wales ủng hộ Brexit. Tại Wales, hơn 854 nghìn cử tri bỏ phiếu ủng hộ Anh rời EU, vượt so với con số 772 nghìn cử tri ủng hộ ở lại.

Thủ tướng Anh tuyên bố từ chức

Ngay sau khi kết quả trưng cầu dân ý cho thấy đa số cử tri Anh ủng hộ rời EU, Thủ tướng Anh David Cameron đã bất ngờ tuyên bố từ chức.

Thủ tướng Anh tuyên bố từ chức trong bài phát biểu sau trưng cầu dân ý. 
(Ảnh: Telegraph)

Trong bài phát biểu bên ngoài tòa nhà số 10 Downing Street, Thủ tướng Anh David Cameron nói: “Người dân Anh đã bỏ phiếu lựa chọn rời EU và ý nguyện của họ sẽ được tôn trọng. Mong muốn của người dân cần được hiện thực hóa. Không có gì phải nghi ngờ về kết quả này. Cả thế giới đang dõi theo điều mà người Anh vừa lựa chọn. Điều này đòi hỏi một bộ máy lãnh đạo mạnh mẽ, có quyết tâm. Tôi vô cùng tự hào vì được làm Thủ tướng của nước Anh suốt 6 năm qua. Người dân Anh đã đưa ra một quyết định rõ ràng lựa chọn một lối đi khác và tôi nghĩ rằng đã đến lúc đất nước chúng ta cần một bộ máy lãnh đạo mới để đưa đất nước đi theo con đường này. Theo tôi, chúng ta cần có một thủ tướng mới khi đại hội đảng Bảo thủ diễn ra vào tháng 10 tới”.

Người đứng đầu chính phủ Anh cũng nhấn mạnh: "Tôi sẽ làm mọi thứ ở cương vị của mình để giữ thăng bằng cho con tàu (nước Anh) trong vài tuần hoặc vài tháng tới, nhưng tôi nghĩ tôi không phải là vị thuyền trưởng thích hợp để chèo lái đất nước tới bến đỗ mới".

Ông David Cameron trở thành Thủ tướng Anh vào năm 2010 và mới tái đắc cử nhiệm kỳ hai vào năm ngoái, đảng Bảo thủ của ông cũng lần đầu tiên trong 23 năm nắm quyền kiểm soát hoàn toàn chính phủ.

Ông Cameron dự kiến sẽ có cuộc họp đầu tiên sau trưng cầu dân ý với các lãnh đạo EU vào tuần tới. Ông nói rằng, việc đàm phán với EU về vấn đề Anh rút khỏi liên minh nên bắt đầu dưới chính quyền mới.

Tuyên bố của ông Cameron được đưa ra ngay sau khi kết quả trưng cầu dân ý cho thấy 51,9% cử tri Anh ủng hộ rời EU, áp đảo tỷ lệ 48,1% ủng hộ ở lại.

Đồng bảng rớt giá, chứng khoán chao đảo

Trong bối cảnh số người ủng hộ Brexit chiếm đa số, đồng bảng Anh đã trượt giá mạnh mẽ so với đồng USD, kỷ lục sau 31 năm. Lần đầu tiên kể từ năm 1985, một bảng Anh chỉ đổi được chưa đầy 1,35 USD.


Trong khi đó, thị trường chứng khoán châu Á đang chịu tác động mạnh từ kết quả bỏ phiếu ở nước Anh. Các công ty tài chính Anh ở Hong Kong như HSBC, Standard Chartered cũng đang chịu ảnh hưởng. Ngoài ra, giá trị đồng bảng đã sụt giảm 11% sau khi kết quả kiểm phiếu cho thấy đa số người dân muốn Anh rời EU.

Chỉ số Nikkei của Nhật Bản đã giảm 7%, tương đương 1.100 điểm sau khi kết quả trưng cầu dân ý tại Anh được công bố. Đây là sự sụt giảm tồi tệ nhất kể từ thảm họa hạt nhân 11/3/2011 tại nhà máy điện Fukushima sau thảm họa kép ập vào miền đông nước Nhật.

Thông tin nước Anh chọn rời EU gây ra tình trạng bàng hoàng ở nhiều thành phố. Những tín hiệu tích cực trong việc Anh ở lại EU khiến các chỉ số chứng khoán tăng mạnh trong ngày hôm qua. Tuy nhiên, các nhà đầu tư đang phải đối mặt với viễn cảnh bán tháo cổ phiếu sau kết quả trưng cầu dân ý lịch sử ở Anh.




Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire