mercredi 2 décembre 2015

THẾ GIỚI : Tổ chức khủng IS - Nhà nước Hồi giáo tự xưng


Trương Thanh Long
Sưu tầm - Biên soạn - Bình Luận


Nhà nước Hồi giáo tự xưng
- Islamic State, viết tắt theo tiếng Anh: IS
- État islamique, viết tắt theo tiếng Pháp:  EI
- còn được biết đến với tên gọi Nhà nước Hồi giáo Iraq và Syria (viết tắt theo tiếng Anh: ISIS)
  đôi khi được gọi bằng những từ tiếng Ả Rập Daech (theo tiếng Pháp) hay Daesh (theo tiếng Anh)

là tổ chức Nhà nước Hồi giáo khủng bố đang ngang nhiên thách thức cả thế giới với các màn chặt đầu và xử tử hàng loạt những người không cùng ý thức hệ với chúng, không chịu cải theo đạo Hồi. Chúng cướp bóc, bóc lột, hãm hiếp và ép buộc phụ nữ phải kết hôn, xâm chiếm các bản làng làm căn cứ địa để phá hoại, tấn công và bành chướng khắp nơi.


Nguồn gốc IS

Nhà nước Hồi giáo ở Iraq và Trung Đông có nguồn gốc trực tiếp từ cuộc chiến tranh Iraq năm 2003. Lúc đó Tổng thống Saddam Hussein là dân Hồi giáo hệ phái Sunni và chính quyền của ông nắm giữ quyền hành khống chế dân Hồi giáo Shiite là thành phần đa số trong dân chúng. Khi Hussein bị lật đổ, dân Hồi giáo Sunni mất quyền lực và họ là những lực lượng đầu tiên nổi dậy chống sự hiện diện quân sự của Mỹ.

Abu Musab al-Zarqawi

Tháng 10/2004, một lãnh đạo phe nổi dậy là Abu Musab al-Zarqawi, dân gốc Jordan và là người đã tuyên thệ trung thành với Osama bin Laden, thành lập tổ chức “Thánh chiến Hồi giáo miền Lưỡng Hà” (Mesopotamia, tên cổ của Iraq nơi có 2 con sông Euphrates và Tigris). Truyền thông phương Tây quen gọi tổ chức này là AQI (Al Qaeda in Iraq) tuy nhiên đây không phải danh xưng chính thức.

Đầu năm 2006, AQI tập hợp nhiều nhóm kháng chiến nổi dậy khác lập ra “Mujahideen Shura Council”. Tới tháng 6/2006, nhận được các tin tình báo chính xác, hai máy bay F-16 của Không quân Mỹ đã đến oanh kích và giết chết Abu Musab al-Zarqawi tại một ngôi nhà cách Baghdad khoảng 60 km về phía Bắc.

Tháng mười năm 2006, sau khi chấn chỉnh lại cơ cấu và sát nhập thêm các nhóm kháng chiến khác, tổ chức này tự xưng là ISI (Islam State of Iraq, Nhà nước Hồi giáo Iraq). ISI ra tuyên cáo nguyện giải phóng người Hồi giáo Sunni Iraq khỏi “sự áp bức của Hồi giáo Shiite và ngoại bang”, đồng thời tìm cách tách rời sự lệ thuộc vào al-Qaeda và những hành động tấn công khủng bố ở nước ngoài.

Abu Bakr al-Baghdadi

Ngày 29/6/2014, ISI có một tân vương Hồi giáo, Abu Bakr al-Baghdadi, đổi tên là IS (Islamic State, Nhà nước Hồi giáo), tuyên bố đặt thủ đô ở Ar-Raqqah, Syria.


Mục đích của tổ chức IS

Mục tiêu tối hậu của IS là thiết lập một nhà nước Hồi giáo thống nhất toàn Trung Đông, áp dụng luật Hồi giáo Sharia. Nhưng qua các hành động ác độc của nó, toàn thế giới đều phải nhìn nhận đây là một tổ chức khủng bố và là hiểm họa của nhân loại dù cho chỉ thành công tới một giới hạn là chiếm lĩnh một quốc gia, một vùng lãnh thổ chứ chưa tới mức phát triển toàn cầu như lý tưởng tối cao của nó.

Những Nhà nước thế tục khác tại Trung Đông bị IS coi là sự đi ngược lại các nguyên tắc thánh khiết của Đạo Hồi. Đặc biệt người Hồi giáo dòng Shiite bị IS coi là những kẻ phản đạo và sẽ phải bị trừng trị nếu không chấp nhận cải đạo sang Hồi giáo Sunni. Chúng còn tiêu diệt cả người Kitô giáo và người dân tộc thiểu số Yazidi ở những vùng mà nó chiếm đóng.

Các quan sát viên nhận thấy IS là tổ chức đặc biệt chú trọng đến công tác tuyên truyền và sử dụng hệ thống thông tin điện tử, mạng xã hội hơn bất cứ một nhóm nào khác từ trước đến nay. Do đó, một mặt tạo sự hăm dọa, mặt khác IS có thể thu hút nguồn lực vô tận từ các phần tử cực đoan quá khích và bất mãn với xã hội. Lực lượng chiến binh của IS ước lượng từ 7.000 đến 20.000 và có thể cao hơn nữa. Nhiều nguồn khác nhau ước lượng IS có tài sản trị giá 2 tỷ USD, nghĩa là tổ chức Thánh chiến giàu nhất trên thế giới. Một trong những phương pháp kiếm tiền của IS là hăm dọa, bắt cóc đòi tiền chuộc mạng và gạ gẫm phụ nữ giầu có.

IS có nhiều tổ chức đồng minh, chẳng hạn như nhóm khủng bố Boko Haram ở Nigeria, nhưng cũng không thiếu đối nghịch, từ các quốc gia Iraq, Syria, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran cho đến hàng chục nhóm khủng bố Hồi giáo khác. Tình trạng ấy là mầm mống bất ổn triền miên trước hết tại Trung Ðông và Bắc Phi rồi tác động đến khắp nơi trên thế giới.


Sự phát triển của tổ chức IS

IS lớn mạnh nhờ vấn nạn tham nhũng và thừa hưởng nguồn vũ khí rồi dào từ quân đội Iraq.

Điều làm nên sự khác biệt của IS so với các tổ chức khủng bố Hồi giáo khác là họ không theo đuổi việc tổ chức các hành động khủng bố gây tiếng vang rồi rút lui. IS theo đuổi việc thành lập một nhà nước Hồi giáo thuần túy.

Thành công của IS (chỉ trong vòng 3 tháng đã chiếm một nửa Iraq) nằm ở tính kỷ luật cao và giàu lý tưởng tôn giáo của các chiến binh. Mặt khác, quân đội Iraq lại tỏ ra bạc nhược, tinh thần chiến đấu thấp do binh sĩ bất mãn bởi các vấn nạn tham nhũng, sự thiếu đoàn kết trong chính phủ (Kết quả một cuộc điều tra sơ bộ cho thấy quân đội Iraq có ít nhất 50.000 "lính ma" nằm trong hệ thống trả lương của Bộ Quốc phòng Iraq. Tham nhũng tràn lan trong quân đội Iraq được cho là nguyên nhân dẫn đến sự sụp đổ của 4 trong số 14 sư đoàn quân đội nước này trước những đợt tấn công cơ hội, dữ dội của IS.



Các chuyên gia tính toán, sau khi chiếm được Mosul, quân đội Iraq đã bỏ lại 40.000 đơn vị vũ khí cho IS bao gồm không chỉ vũ khí bộ binh, mà còn nhiều trang bị quân sự hạng nặng, hiện đại. Nhiều thành viên của IS giờ đã được trang bị không kém tiêu chuẩn binh sĩ hiện đại với quân phục, áo giáp chống đạn, thiết bị nhìn đêm và vũ khí cá nhân.

Hậu phương của IS còn được đảm bảo theo tinh thần của thủ lĩnh IS, Abu-Bakr al-Baghdadi, một giáo sĩ Hồi giáo có đầu óc tổ chức và tầm nhìn. Tại các vùng lãnh thổ do IS kiểm soát, luật Hồi giáo Sharia ngay lập tức có hiệu lực. Những giáo luật hà khắc nhanh chóng ổn định tình hình ở nhiều vùng tại miền Bắc Iraq vốn chìm trong bất ổn trong hơn 10 năm qua do dự yếu kém của chính quyền địa phương. Và điểm quan trọng nhất là người dân Hồi giáo Sunni cảm thấy được đối xử công bằng, điều chưa từng có dưới chính phủ Iraq của người Shitte.


IS giàu có nhờ nắm trong tay một khu vực tải nguyên khoáng sản thuộc lãnh thổ Iraq và Syria.

Phiến quân Hồi giáo hiện đang nắm trong tay một khu vực thuộc lãnh thổ Iraq Syria lớn hơn cả diện tích nước Anh. Theo giới chức tình báo Mỹ và các chuyên gia về tài chính chống khủng bố, lực lượng này có khả năng huy động hơn 2 triệu USD mỗi ngày nhờ nguồn thu từ bán dầu, tống tiền, cướp bóc, thuế và buôn lậu. “Lực lượng Nhà nước Hồi giáo có lẽ là nhóm khủng bố giàu có nhất mà chúng tôi từng được biết đến”, ông Matthew Levitt, một cựu chuyên gia tình báo thuộc Bộ Tài chính Mỹ, đánh giá. “Chúng không bị ràng buộc bởi hệ thống tài chính quốc tế, và bởi thế không dễ bị ảnh hưởng” bởi các lệnh trừng phạt hay luật chống rửa tiền.

Nhờ quyền kiểm soát các khu vực lớn dầu lửa và quyền tiếp cận với các khoản thuế địa phương, Nhà nước Hồi giáo đã có một nguồn thu lớn từ đây.

Theo ông Luay al-Khatteeb, một chuyện gia của viện nghiên cứu Brookings Institution, Nhà nước Hồi giáo kiểm soát 7 mỏ dầu và 2 nhà máy lọc dầu ở miền Bắc Iraq, 6/10 mỏ dầu ở Đông Syria. Với nguồn dầu thô có được, Nhà nước Hồi giáo bán ra với giá 25-60 USD/thùng. Mức giá “rẻ bèo” so với giá thị trường này phản ánh rủi ro lớn mà những tay buôn lậu trung gian phải đối mặt khi giao dịch với các phần tử khủng bố. Hiện giá dầu thô Brent tại thị trường London khoảng hơn 50 USD/thùng.

Theo những thông tin mà ông al-Khatteeb có được, các mỏ dầu ở Iraq mà Nhà nước Hồi giáo kiểm soát có khả năng cho sản lượng 80.000 thùng mỗi ngày, và hiện tốc độ khai thác đang ở mức khoảng một nửa con số này. Theo vị chuyên gia, Nhà nước Hồi giáo đang kiếm mỗi ngày khoảng 2 triệu USD từ bán dầu, và số tiền này có thể được trả dưới dạng tiền mặt hoặc hàng đổi hàng.

Giới chức tình báo Mỹ nhận định, một chiến địa tài chính quan trọng của Nhà nước Hồi giáo là nhà máy lọc dầu Baiji ở Bắc Iraq. Đây là nhà máy sản xuất gần 1/3 tổng sản lượng dầu của nước này.

Ông al-Khateeb nói, nguồn thu từ dầu lửa sẽ “duy trì hoạt động của cỗ máy chiến tranh” tại khu vực mà Nhà nước Hồi giáo chiếm giữ ở Iraq và Syria, đồng thời phục vụ cho việc tuyển mộ thêm binh sỹ của lực lượng này. Một quan chức Mỹ nói rằng, trong mấy năm trở lại đây, nhóm này đã kiếm được 10 triệu USD từ các vụ bắt cóc. IS cũng được tin là đã bán nhiều cổ vật ăn cắp được từ các địa điểm lịch sử.


Chúng tạo dựng niềm tin cho người dân tại các vùng tạm chiếm.

Tại các vùng tạm chiếm, đại diện phong trào IS luôn tìm cách trấn an người dân ở lại. Tại Mosul, ngay khi chiếm được thành phố, IS phát cho mỗi người dân một bình gas miễn phí để nấu nướng. Khi những người dân băn khoăn rằng làm sao họ có thể tin được IS, đại diện phong trào này trả lời: "Hãy cho chúng tôi thêm thời gian, chúng tôi sẽ nhanh chóng cung cấp số điện thoại. Khi mọi người cần chúng tôi sẽ lập tức giúp đỡ". Giới phân tích quốc tế đã thực sự bất ngờ khi thấy IS sở hữu một bộ máy công quyền và dân sự khá hoàn chỉnh có tòa án, cảnh sát, trường học và các tổ chức từ thiện. Tại vùng Al-Raqqa, IS đã xây dựng chợ, đường xá, các đường dây điện, trạm xá, bưu điện, bến xe… quản lý khí đốt để đảm bảo phân chia công bằng và tổ chức một loạt các hoạt động cứu trợ từ thiện cho người dân địa phương.


IS chiêu mộ binh sĩ dưới nhiều hình thức.

Thông qua việc tạo dựng niềm tin cho người dân tại vùng tạm chiếm, chúng đã chiêu mộ được hàng trăm ngàn binh sĩ là những thanh niên gốc Trung Đông sinh ra và lớn lên ở châu Âu tự nguyện vượt biên giới đến tham gia chiến đấu tại Iraq và Syria.

Ước tính có khoảng 3.000 công dân từ các quốc gia phương Tây hiện đang chiến đấu cho IS tại Iraq, Syria, Viện Hoàng gia về nghiên cứu quốc phòng, an ninh (RUSI) tại London cho biết.

Theo RUSI, phần đông các tay súng nước ngoài được tin là đến từ Anh, Bỉ, Hà Lan, Đức, Pháp và các quốc gia ở tây bắc châu Âu.

Chính phủ Anh cho hay có tới 400 công dân Anh đang chiến đấu cho các nhóm phiến quân, và nhiều các tình nguyện viên từ các quốc gia Ả-rập như Tunisia, Morocco và Ả-rập Xê-út.

Một báo cáo hồi tháng 6/2014 từ hãng tư vấn Soufan Group tại New York, Mỹ cho biết các công dân từ ít nhất 81 quốc gia khác nhau đã tham gia vào các nhóm phiến quân, trong đó có các công dân từ Úc, Mỹ, Canada, Ireland và Tây Ban Nha.

Có dấu hiệu còn cho thấy Nhà nước Hồi giáo IS tuyển mộ ở Đông Nam Á, ở Ấn Độ và Pakistan thông qua hình thức truyền đơn trong các tổ chức ủng hộ IS.

Nhà nước Hồi giáo tuyển chiến binh nữ, chúng cần phụ nữ, bởi phụ nữ luôn đóng vai trò quan trọng trong chiến tranh. Ngoài chiến đấu, họ tham gia vào các nhiệm vụ thiết yếu như thu thập thông tin tình báo, chăm sóc y tế, chuẩn bị thức ăn và hỗ trợ các chiến binh. Chiến dịch của IS nhằm xây dựng một nhà nước cũng tương tự như vậy, mặc dù luật lệ nghiêm ngặt của họ không cho phép phụ nữ chiến đấu trên tiền tuyến.

Theo Shiraz Maher, Trung tâm Nghiên cứu Cực đoan Quốc tế, một nhà nước phải có phụ nữ mới có thể hoạt động. Họ chiêu mộ các nữ bác sĩ, y tá và kỹ sư. Khi IS chiếm thành phố Raqqa, Syria vào năm 2013, họ cần một lực lượng an ninh nữ để đảm bảo phụ nữ địa phương tuân thủ quy định về ăn mặc và ứng xử của Hồi giáo. Ngoài ra, họ cũng cần nữ cảnh sát để kiểm tra phụ nữ đi qua trạm kiểm soát, nhằm đề phòng họ mang vũ khí để tuồn cho kẻ thù. Trên hết, Nhà nước Hồi giáo cần các chiến binh của tổ chức lập gia đình và sinh con để phát triển quy mô.

IS nói với các nữ thành viên tương lai rằng đóng góp chính của họ cho cái gọi là "cách mạng Hồi giáo" phải thông qua các cuộc hôn nhân chứ không phải tử đạo; sinh đẻ chứ không phải trực tiếp chiến đấu. IS còn giầu lên từ những khối tài sản kếch xù của phụ nữ mà chúng lừa gạt được.

IS dụ dỗ phụ nữ phương Tây qua mạng xã hội bằng những lời hứa hẹn về niềm vinh quang khi chồng của họ chết vì đạo.

Các quan chức Anh cho biết, tính đến nay, có khoảng một chục phụ nữ Anh đã đến Syria, nhưng họ lo lắng con số này sẽ gia tăng do các nhóm Hồi giáo đang thúc đẩy các hoạt động truyền bá trực tuyến, nhằm thu hút những người phụ nữ yếu đuối đến Syria.

Salma và Zahra Halane

Đã có nhiều trường hợp phụ nữ phương Tây đến Syria để tham gia vào nhóm vũ trang Hồi giáo. Hai thiếu nữ người Áo, khoảng 15, 16 tuổi, hồi tháng 4, theo anh trai đến Syria. Hồi tháng 5, Salma và Zahra Halane, cặp song sinh 16 tuổi người Anh tại Manchester, bí mật bỏ nhà đến Syria để kết hôn với các chiến binh Hồi giáo. Khi gọi điện thoại cho cha mẹ để thông báo họ đã đến Syria, hai cô tuyên bố sẽ không trở về.

Shannon Maureen Conley

FBI hồi tháng 7 bắt giữ Shannon Maureen Conley, một nữ y tá Mỹ 19 tuổi, đã cải đạo sang Hồi giáo. Vụ bắt giữ xảy ra khi cô lên máy bay đến Thổ Nhĩ Kỳ, để từ đó bay tiếp đến Syria. Cô được tổ chức khủng bố tuyển dụng qua mạng bởi một người đàn ông Tunisia nói rằng anh ta đang chiến đấu cho IS.

Aqsa Mahmood

Cuối năm ngoái, Aqsa Mahmood, nữ sinh 20 tuổi người Anh, đã đến Syria và kết hôn với một thành viên của IS. Bố mẹ Mahmood xác nhận con gái mình giữ liên lạc với nhóm này thông qua mạng xã hội và bị một thành viên của tổ chức lôi kéo.


Mặt trận thứ hai của Nhà nước Hồi giáo


Phát tán hình ảnh qua mạng xã hội, đăng tải những video được thực hiện công phu, phát hành tạp chí trực tuyến, những kẻ cực đoan Nhà nước Hồi giáo (IS) đang lợi dụng và biến Internet thành một vũ khí tuyên truyền tinh vi.


IS tàn ác như thế nào?

Phiến quân IS đã thực hiện hàng loạt cuộc hành quyết, bắt cóc phụ nữ, dùng trẻ em gái làm nô lệ tình dục và sử dụng binh lính là trẻ em.

Một báo cáo dựa trên 500 cuộc phỏng vấn với các nhân chứng cho hay, các cuộc không kích của chính phủ Iraq nhằm vào các phiến quân Hồi giáo Sunni cũng gây ra “thương vong trầm trọng cho dân thường” với việc bom đạn đổ xuống các ngôi làng, trường học và các bệnh viện, vi phạm luật pháp quốc tế.

Báo cáo cho hay, ít nhất 9.347 dân thường đã bị giết hại và 17.386 người bị thương tính đến tháng 9 năm nay, hơn một nửa trong số này là các nạn nhân kể từ khi các phiến quân IS bắt đầu chiếm phần lớn lãnh thổ ở phía bắc Iraq từ đầu tháng 6.

Lực lượng Hồi giáo đã vi phạm nhân quyền trắng trợn và có những hành vi bạo lực “mang bản chất tôn giáo” chống lại các nhóm bao gồm những người theo đạo Kitô, người Yazidi và người Hồi giáo Shiite trong một cuộc xung đột mở rộng đã khiến 1,8 triệu người Iraq phải rời bỏ nhà cửa của họ, theo báo cáo dài 29 trang do Văn phòng Nhân quyền Liên Hợp Quốc và Phái đoàn Liên Hợp Quốc hỗ trợ cho Iraq (UNAMI).

Theo báo cáo này: “Những hành vi của phiến quân Hồi giáo bao gồm các cuộc tấn công trực tiếp vào dân thường và cơ sở hạ tầng dân sự, hành quyết và nhắm mục tiêu sát hại các dân thường khác, bắt cóc, hãm hiếp, sử dụng các hình thức bạo lực tình dục và thể chất với phụ nữ và trẻ em, tuyển mộ binh lính là trẻ em, tảy não trẻ em, tiêu hủy hoặc mạo phạm ở những nơi tôn nghiêm hay có ý nghĩa văn hóa, phá hủy bừa bãi và cướp bóc tài sản, phủ nhận các quyền tự do cơ bản”.

 Tổ chức Nhà nước Hồi giáo IS đã công khai video chặt đầu nhà báo Mỹ, con tin người Anh, hành quyết 250 binh sĩ, tàn sát hàng ngàn làng mạc và thị trấn ở Iraq, Syria và Thổ Nhĩ Kỳ, bắn hạ chiến đấu cơ của Syria, chiếm Đại sứ quán Mỹ tại Lybia

IS hành quyết nhà báo Mỹ

Nô dịch hóa phụ nữ ở tất cả những nơi chúng chiếm được (Ảnh: vietnamnet.vn)

IS sát hại nhiều nam giới tại Iraq (Ảnh vtc.vn)

Chỉ trong vòng vài tuần, IS đã loại bỏ gần như hoàn toàn cộng đồng người Hồi giáo dòng Shiite và Thiên chúa giáo khỏi các vùng đất mà chúng kiểm soát. Thành phố Mosul, quê hương của một trong những cộng đồng Thiên chúa giáo cổ xưa nhất trên thế giới nay đã không còn bóng một người theo đạo Thiên chúa nào. Các di sản văn hóa hết sức quý giá của người Assyrian cũng đã bị phá hủy công khai trong một chiến dịch mang đậm màu sắc tôn giáo.

Phụ nữ và trẻ em Yazidi tại trại tị nạn Bajid Kandala ở tỉnh Dohuk ngày 13/8, sau khi chạy trốn khỏi sự vây hãm của phiến quân IS. Ảnh: AFP-TTXVN

IS thậm chí còn không nương tay với cả các đồng đạo Sunni, những người không đồng tình với các diễn giải cực đoan của chúng về đạo Hồi. Rất nhiều ngôi đền, nơi thờ tự đã bị phá hủy, trong đó có cả ngôi mộ của Jonah, người được cả Do Thái giáo, Thiên Chúa giáo và Hồi giáo tôn kính gọi là nhà tiên tri.

Nhưng khủng khiếp nhất trong các tội ác của IS đó là sự khủng bố mà nhóm này nhắm vào người Yazidi, một nhóm tôn giáo lâu đời sinh sống cùng cộng đồng người Kurd. Số lượng của người Yazidi chỉ chưa tới nửa triệu và 2/3 trong số đó sống quanh khu vực thành phố Mosul, phía Bắc Iraq. Số còn lại sống rải rác ở các nước láng giềng như Syria, Armenia, Thổ Nhĩ Kỳ. Ngoài ra, ở Đức và Mỹ có một số cộng đồng người Yazidi nhập cư.

Trước sự tàn ác của tổ chức nhà nước Hồi giáo tự xưng IS, khiến người dân toàn thế giới không khỏi bức xúc, đã có nhiều tổ chức, quốc gia quyết tâm tiêu diệt nhóm khủng bố này. Điển hình là Mỹ và một số nước đồng minh, nhưng thiết nghĩ việc tiêu diệt Tổ chức này cần có sự chung tay, góp sức của tất cả các nước trên thế giới, các cộng đồng dân tộc, các cộng đồng tôn giáo. Chống lại IS không chỉ lên án mà phải có hành động ngăn chặn kịp thời các âm mưu tàn độc của bọn khủng bố Nhà nước Hồi giáo, tiêu diệt tận gốc rễ và thắt chặt nguồn lực tài chính mà chúng đi cướp bóc được.

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire