jeudi 28 mai 2015

DU LỊCH : Vĩnh Long với những món ăn dân dã


Trương Thanh Long
Sưu tầm - Biên soạn - Bình Luận


Vĩnh Long là một tỉnh nằm ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long (DBSCL), thuộc miền Nam Việt Nam. Thiên nhiên ưu đãi Vĩnh Long nguồn sản vật khá lớn, bao gồm nhiều loại trái cây và thủy hải sản. Vì thế, người dân nơi đây đã tận dụng những gì sẵn có để tạo ra các món ăn mang hương vị đặc trưng. Ngoài cá tai tượng chiên xù với lớp vảy giòn rụm, thịt dai thơm, ăn kèm bánh tráng, bún và các loại rau sống chấm mắm tỏi ớt chua ngọt ...


Cầu Mỹ Thuận là cây cầu dây văng bắc qua sông Tiền, nối liền hai tỉnh Tiền Giang và Vĩnh Long, Việt Nam. Cầu nằm cách Thành phố Hồ Chí Minh 125 km về hướng Tây Nam, trên Quốc lộ 1A, là trục giao thông chính của vùng đồng bằng sông Cửu Long. Cầu này chính thức khởi công ngày 6-7-1997 và hoàn thành vào ngày 21-5-2000, với số vốn khoảng 90,86 triệu đô la Úc. Đây là cầu dây văng đầu tiên của Việt Nam với kinh phí xây cầu do chương trình AusAid của Úc góp 66%, Việt Nam góp 34%. Cầu dài 1.535 mét, phần cầu chính là cầu treo dây giăng dài 350 mét, nhịp giữa thông thuyền 350 mét; chiều cao thông thuyền 37,5 mét, phần cầu phụ mỗi bên gồm 11 nhịp, dài 437,6 mét; chiều rộng mặt cầu 23,6m, gồm 4 làn xe cơ giới và 2 lề cho người đi bộ…


Giới thiệu tổng quan về Vĩnh Long

Vĩnh Long là một tỉnh nằm ở khu vực ĐBSCL, thuộc miền Nam Việt Nam. Vĩnh Long cách thành phố Hồ Chí Minh 136 km về hướng Bắc theo quốc lộ 1, cách thành phố Cần Thơ 33 km về hướng Nam theo đường quốc lộ 1. Tỉnh nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, dạng địa hình khá bằng phẳng với độ dốc nhỏ hơn 2 độ, không có núi đồi, địa hình lòng chảo, trũng ở trung tâm và cao dần về phía Bắc, Đông Bắc và Nam Đông Nam, bị chia cắt bởi nhiều con sông và kênh rạch.


Vĩnh Long là tỉnh thuộc hạ lưu sông Mê Kông, nằm giữa sông Tiền, sông Hậu và ở trung tâm khu vực ĐBSCL, vị trí giáp giới như sau :
  • Phía Bắc và Đông Bắc giáp các tỉnh Tiền Giang và Bến Tre;
  • Phía Tây Bắc Đông giáp tỉnh Đồng Tháp;
  • Phía Đông Nam giáp với tỉnh Trà Vinh;
  • Phía Tây Nam giáp các tỉnh Hậu Giang, Sóc Trăng và Thành phố Cần Thơ.


Tỉnh Vĩnh Long có 8 đơn vị hành chính, gồm 6 huyện (Bình Tân, Long Hồ, Mang Thít, Tam Bình, Trà Ôn, Vũng Liêm); thị xã Bình Minh và Thành phố Vĩnh Long với 109 xã, phường, thị trấn ( 94 xã, 5 thị trấn và 10 phường).

Điều kiện tự nhiên
Tỉnh Vĩnh Long là trung tâm và là hình ảnh thu nhỏ của đồng bằng sông Cửu Long bởi sự đa dạng và trù phú của vùng đất giữa hai dòng sông lớn Tiền Giang và Hậu Giang.

Địa hình Vĩnh Long tương đối bằng phẳng, sông rạch chằng chịt, giao thông thuận tiện. Trên địa bàn tỉnh có quốc lộ 1A và quốc lộ 53 đi ngang qua, đây là cầu nối giao thông quan trọng giữa Tp. Hồ Chí Minh và Tp. Cần Thơ.

Vĩnh Long có khí hậu nhiệt đới 2 mùa. Mùa khô từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau, mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 10. Nhiệt độ trung bình năm là 27ºC, lượng mưa trung bình năm từ 1.300-1.500mm.

Tiềm năng phát triển kinh tế và du lịch
Là tỉnh ở giữa đồng bằng sông Cửu Long, Vĩnh Long có đất đai màu mỡ do được sông Tiền và sông Hậu bồi đắp phù sa hàng năm. Trồng trọt là một thế mạnh của tỉnh. Bên cạnh cây lúa (90% diện tích đất trồng lúa), hàng năm người dân Vĩnh Long còn thu hoạch hàng trăm ngàn tấn trái cây như cam, nhãn, quít, bưởi, dừa... và chăn nuôi gia súc, gia cầm.

Vĩnh Long có nhiều đình, chùa như đình Long Thanh, tịnh xá Ngọc Viên, chùa Phước Hậu, chùa Tiên Châu, chùa Saghamangala...

Dân tộc, tôn giáo
Vĩnh Long có 3 dân tộc chính : Việt, Khmer, Hoa. Người Khmer trong tỉnh tuy chiếm tỉ lệ nhỏ (2%),  nhưng nơi đây vẫn mang đậm nét truyền thống văn hóa lễ hội của người Khmer.

Giao thông
Bến xe khách liên tỉnh cách trung tâm thành phố khoảng 5km. Có các tuyến đi bến xe miền Tây  Tp. Hồ Chí Minh, Tp. Cần Thơ, Mỹ Tho, Long Xuyên, Sa Đéc, Rạch Giá và các nơi khác trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long.


Những món ăn dân dã ở Vĩnh Long

Cá tai tượng chiên xù

Ở Vĩnh Long, cá tai tượng trở thành món ngon đệ nhất nhờ cách chiên xù. Cá để nguyên vảy, làm sạch ruột và cho vào chảo dầu đang sôi trên bếp. Người chế biến phải canh lửa và lật cá cẩn thận để các mặt giòn, thịt không bị nát.

Nhờ đó, lớp vảy có độ giòn rụm còn thịt cá dai thơm, ăn kèm bánh tráng, bún và các loại rau sống chấm nước mắm tỏi ớt chua ngọt.


Khoai lang, mắm sống

Thông thường, nhắc đến khoai lang, nhiều người nghĩ ngay đến món chè thanh mát hay chiên giòn. Nhưng người dân Vĩnh Long lại sáng tạo ra món khoai luộc ghém cùng mắm sống.

Khoai lang sau khi hấp hoặc luộc chín để nguội, xắt thành miếng nhỏ. Tiếp theo chuẩn bị thêm dừa khô nạo, muối mè, đậu phộng, các loại rau thơm. Khi ăn, thực khách dùng lá cuốn từng miếng khoai lang, thêm ít dừa, đậu phộng và rau, chấm đều trong chén mắm cá linh hoặc cá sặc đậm đà. Vị ngọt, thơm, bùi của khoai và dừa cùng với các loại rau trong từng cuốn giúp món ăn không bị ngấy.


Cá cháy

Cá cháy là đặc sản Vĩnh Long, hơi nhiều xương nhưng thịt thơm và có trứng bổ, rất béo. Với loại cá này, cách chế biến đơn giản nhất là nấu cháo ăn kèm rau tần ô, rau đắng, xà lách và chút gừng thái nhuyễn. Ngoài ra, đầu bếp còn tẩm ướp cá và kho liu riu trên bếp đến khi nào xương rục ra là có thể ăn với cơm trắng. Canh chua cá cháy cũng là món ăn thanh đạm, giúp đổi vị trong các bữa ăn hàng ngày.


Canh cá rô

Ngoài kho nồi đất đặc trưng hay chiên nước mắm, cá rô còn được nấu canh với bông so đũa. Chỉ cần một kg bông so đũa và khoảng chục con cá rô cỡ nhỏ là đủ nấu thành nồi canh ngon ngọt.

Cá rô đánh vảy làm sạch, giữ lại phần mỡ béo ở bụng. Nước canh phi tỏi thơm nấu sôi, thả cá vào, đợi chín, sau đó mới cho thêm bông so đũa. Nêm nếm gia vị vừa vặn và thêm chút hành ngò thơm là món ăn sẵn sàng để thưởng thức.


Thanh trà

Cây thanh trà có vóc dáng khá giống xoài, trái nhỏ, tròn tựa quả chanh, vỏ màu xanh và khi chín chuyển sắc vàng tươi. Ruột trái mềm, vị chua ngọt đặc trưng. Trái thanh trà mới bóc vỏ thường được chấm muối ớt hoặc cắt từng miếng cho vào ly, thêm đường, đá, một ít muối, dầm lên làm sinh tố uống giúp thanh nhiệt cơ thể.

Không chỉ vậy, khi hơi chín tới, ruột trái thanh trà còn cứng, thường được người dân dùng để ngào đường làm mứt. Ngoài ra, trái chín còn làm gia vị cho các món kho, canh chua.


Bưởi Năm Roi

Vĩnh Long từ lâu đã nổi tiếng với giống bưởi Năm Roi ít hạt, múi đều và vị ngọt thanh. Đây là món quà thông dụng, du khách thường mua về khi ghé đất Vĩnh Long. Từng múi bưởi căng tròn, mọng nước chấm trong chén muối Tây Ninh đậm vị tôm là món tráng miệng, ăn vặt hấp dẫn.



Tình yêu quê hương đất nước của người Vĩnh Long qua ca dao

Ca dao là một thuật ngữ thường được dùng để gọi những câu, những bài thơ dân gian. Ca dao thường nằm tron một kết hợp chặt chẽ của hai hình thức sáng tạo nghệ thuật là văn họcâm nhạc. Do vậy, người ta hay gọi ca dao là văn học hát. Đây là những sáng tác trữ tình miêu tả tâm trạng, tư tưởng, tình cảm (đời sống nội tâm) của người bình dân. Đời sống nội tâm ấy của người bình dân có mối liên quan chặt chẽ với hoàn cảnh sống của họ.

Vĩnh Long vốn là một tỉnh nổi tiếng có nhiều di tích lịch sử với nhiều giai thoại, huyền thoại… Đây là vùng đất trù phú, cây trái oằn sai, sông dài nước ngọt quanh năm, người dân hiền hòa chất phác và có tình yêu sâu đậm với nơi 'chôn nhau cắt rốn' của mình. Tình yêu quê hương đất nước sâu đậm và thiết tha được người bình dân xưa gửi gắm qua từng địa danh, di tích, sản vật,.v.v… của quê hương mình. Hình ảnh dòng sông, bến nước, con đò, đình miếu… của miền quê sông nước Nam bộ nói chung, của Vĩnh Long nói riêng được thể hiện khá đậm nét trong ca dao xứ Vĩnh :

' An Bình đất mẹ cù lao,
Thơm hương hoa bưởi, ngọt ngào nhãn long.
Khách về nhớ mãi trong lòng,
Cù lao nho nhỏ bên dòng Tiền Giang'

Người dân ở cù lao An Bình bao đời nay vẫn luôn luôn tự hào với những sản vật của quê hương: bưởi, nhãn long… Mảnh đất cù lao như người mẹ hiền cung cấp biết bao màu mỡ cho cây trái xum xuê, tươi tốt. Ai đã một lần đến với nơi đây lòng không khỏi vấn vương bởi hương hoa của bưởi hay hương vị ngọt ngào thanh tao của trái nhãn long. Hương thơm, vị ngọt ấy như muốn giữ chân du khách hãy nán lại đất cù lao này.

 Để đến được với cù lao, du khách phải lụy đò. Vì vậy, hình ảnh chiếc đò lại rất phổ biến và như là người bạn đồng hành trên sông nước của người xứ Vĩnh:

' Bình Lương gió lộng về chiều,
Bến đò Tân Tạo có nhiều khách sang.
Đò dọc rồi lại đò ngang,
Đò qua chợ Vĩnh, đò sang An Bình'

 Cũng như nhiều địa phương khác ở Nam bộ, Vĩnh Long là tỉnh có hệ thống kênh rạch chằn chịt, lưu thông chủ yếu bằng đường thủy. Do đó, hình ảnh chiếc đò đưa khách sang sông đã trở nên thân thuộc với người dân vùng đất này. Có thể nói, chiếc đò chính là cầu nối quan trọng để giúp mọi người sang bên kia bờ. Song, có một điều khá lý thú ở phương tiện vượt sông này, đó chính là sự xuất hiện cùng một lúc hai loại hình đưa đò: 'đò dọc' và 'đò ngang'. Được biết, 'đò dọc' là loại phương tiện đưa khách từ nơi này đến nơi khác dọc theo chiều dài của con sông; 'đò ngang' là loại phương tiện đưa khách từ bờ bên này sang bờ bên kia của con sông.

 Khi đề cập đến địa danh, ca dao Vĩnh Long có câu:

'Lịch thay địa phận Trà Ôn,
Miếu ông Điều Bát lưu tồn đến nay'

 Hiện nay, Trà Ôn là một huyện của tỉnh Vĩnh Long. Trà Ôn được biết đến là một vùng đất khá nổi tiếng với nhiều địa danh và nhân vật như: chợ nổi Trà Ôn, chùa Phước Hậu, miếu ông Điều Bát, đệ nhất danh ca Út Trà Ôn, v.v…

Nói về nhân vật lịch sử, ca dao Vĩnh Long cũng có câu:

' Vĩnh Long có cặp rồng vàng,
Nhất Bùi Hữu Nghĩa, nhì Phan Công Thần'

Quả thật, đất Vĩnh Long xưa thường được mệnh danh là nơi văn hiến, là vùng đất hiếu học của Nam kỳ lục tỉnh. Trong đó, cụ Phan Thanh Giản (Phan Công Thần) là người miền Nam đầu tiên đỗ Tiến sĩ, từng giữ chức Kinh lược phó sứ Vĩnh Long (phụ tá Nguyễn Tri Phương), về sau là Kinh lược đại sứ. Còn cụ Bùi Hữu Nghĩa (Thủ khoa Nghĩa) hiện đang được nhân dân quận Bình Thủy (Tp. Cần Thơ) thờ kính rất tôn nghiêm và long trọng.

Bên cạnh đó, tình yêu nam nữ được hòa nhập vào từng địa danh của xứ sở quê hương mình là một trong những cách mà người Vĩnh Long bộc bạch tâm sự:

' Bình Lương là chốn náo nương,
An Bình là chỗ tình thương đậm đà'

Thế đó, yêu quê hương chính là gắn bó, tự hào về quê hương mình. Ôi! Thương quá quê hương, với mảnh đất khô cằn sỏi đá, với những con người chân lấm tay bùn. Ta lớn lên, nhưng với quê hương – người mẹ hiền yêu dấu, ta mãi mãi là một đứa trẻ thơ. Chính tình cảm tha thiết và mãnh liệt về quê hương sẽ là nhân tố thúc đẩy và hình thành nhân cách mỗi người trong chúng ta.

Đến với ca dao ta như đến với thế giới tâm hồn. Ca dao Vĩnh Long đã thể hiện rõ nét tâm tư tình cảm của người Việt Nam nói chung, người Vĩnh Long nói riêng, bởi lẽ các tác giả dân gian cũng chính là người Vĩnh Long – những con người lao động hiền lành. Tâm tình của họ tưới lên mảnh đất khô cằn và những lời ca tuyệt đẹp ấy như những hoa trái mà chúng ta đã thu được từ mồ hôi, nước mắt, giúp chúng ta khôn lớn, trưởng thành hơn trong suy nghĩ, hiểu biết và cảm xúc. Từ đó, giúp ta thêm yêu mến và tự hào về quê hương, đất nước của chính mình.


vendredi 22 mai 2015

BLOG : Những điểm khác biệt giữa người thành công và người thất bại


Trương Thanh Long
Sưu tầm - Biên soạn - Bình Luận


Người thành công nói về ý tưởng của mình còn người thất bại bàn về chuyện của người khác là một trong những  điểm cực khác biệt giữa hai loại người này mà trang Witty Feed đã liệt kê.


Người thành công thường cho rằng sự thành công của mình
cũng dựa trên sự thành công của người khác.


Người thành công là người nhanh nhạy, biết nắm bắt kịp xu thế 
thay vì cố giữ những quan điểm bảo thủ, lạc hậu như những người thất bại.


Người thành công là người luôn tập trung cao độ vào công việc, 
còn người thất bại chỉ biết 'quan tâm' tới chuyện của người khác.


Người thành công còn khác người thất bại
ở chỗ là họ dám làm, dám chịu, biết nhận sai và sửa sai.

Sự ham mê học hỏi của người thành công dường như là bất tận. 
Còn với người thất bại, sự trau dồi kiến thức là điều quá xa xỉ.


Họ hơn người thất bại ở chỗ luôn đánh giá cao người khác một cách chính đáng, 
không tiếc lời khen ngợi dành cho những người xung quanh.


Cuối cùng là họ luôn biết trân trọng mọi mối quan hệ và 
không bao giờ muốn làm tổn thương tới người khác.


Bình luận

Thành công hay thất bại là chuyện rất bình thường và có thể luân phiên nhau xảy ra trong quá trình làm việc, công tác của mỗi người. Tùy vào từng hoàn cảnh, đối tượng cụ thể khác nhau mà có thể đẩy người này xuống bờ vực phá sản, thất nghiệp hay đưa người này lên "chín tầng mây". Thành công hay thất bại cũng phụ thuộc rất nhiều vào ý chí, năng lực và sự rèn luyện của bản thân.


Tất cả những người thành công và thất bại đều có thể được nhận biết qua những biểu hiện thường ngày trong đời sống sinh hoạt.

Như phần lớn những người thành công khác, người thành công thường có máu liều. Họ sẵn sàng phiêu lưu, lao vào thử thách, chông gai để vươn tới một tương lai tốt đẹp. Kẻ thất bại lúc nào cũng sợ sệt, thấy khó khăn là chùn bước, e sợ. Sau đó, khi thấy người khác thành công, kẻ thất bại lại vò đầu bứt tai rên rỉ: "Biết thế"

Người thành công biết công nhận và học hỏi từ các thành tích của người khác. Kẻ thất bại chỉ biết ghen ăn tức ở, không tin vào những người giỏi hơn mình hoặc tìm cớ dìm hàng họ. Thói xấu này đặc biệt hay có ở nhiều phụ nữ.

Người thành công thích tính thu nhập theo hiệu quả công việc mà họ làm ra. Kẻ thất bại lại thích tính thu nhập theo thời gian, với mộng tưởng không làm mà vẫn được hưởng, có tiền rơi xuống đầu.

Khi mắc sai lầm, người thành công thẳng thắn nhận lỗi và rút kinh nghiệm. Kẻ thất bại sợ sệt sẽ phải gánh chịu hình phạt cho sai lầm của mình, hoặc đơn giản chỉ không muốn mang tiếng xấu. Bởi vậy, khi mắc lỗi, kẻ thất bại cãi chày cãi cối, đổ thừa cho người khác hoặc im ỉm bỏ đi nếu không còn gì để cãi.

Người thành công luôn có suy nghĩ "Không có gì là không thể", tự tin rằng mình sẽ có được mọi thứ. Kẻ thất bại luôn tự ti, lười nhác, luôn nghĩ rằng mình không thể làm được và lý giải cho sự tự ti ấy bằng câu: "Đời người không thể đạt được tất cả mọi thứ". Đặc biệt, nhiều người chưa thử đã nói không làm được, lấy gia đình ra làm cái cớ cho sự nghiệp nhạt nhòa của mình.



samedi 16 mai 2015

DU LỊCH : Cái Răng với món nem nướng


Trương Thanh Long
Sưu tầm - Biên soạn - Bình Luận


Theo tài liệu tổng hợp từ internet, nem nướng thì vùng đất nào cũng có, nhưng mỗi nơi lại mang một hương vị, sắc thái riêng gắn với con người và thổ nhưỡng nơi đó. Nhưng món nem Cái Răng không chỉ nổi danh trong thời gian đó mà đến hôm nay.


Quận Cái Răng

Cổng chào quận Cái Răng, TP. Cần Thơ, Việt Nam

Quận Cái Răng được thành lập ngày 2 tháng 1 năm 2004 nằm ở phía đông nam của thành phố Cần Thơ, Đồng bằng sông Cửu Long, Việt Nam :

  • Bắc giáp quận Ninh Kiều, ranh giới là sông Cần Thơ.
  • Nam giáp huyện Châu Thành của tỉnh Hậu Giang.
  • Tây giáp huyện Phong Điền, Cần Thơ và một phần của huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang.
  • Đông giáp sông Hậu, ngăn cách với tỉnh Vĩnh Long.


Từ thời Pháp thuộc cho đến năm 1975, Cái Răng là tên gọi nơi đặt quận lỵ quận Châu Thành thuộc tỉnh Cần Thơ và sau đó là tỉnh Phong Dinh thời Việt Nam Cộng hòa. Lúc bấy giờ, Cái Răng về mặt hành chánh vẫn thuộc địa bàn xã Thường Thạnh.

Từ năm 1975, thị trấn Cái Răng chính thức được thành lập và trở thành đơn vị hành chánh cấp xã trực thuộc huyện Châu Thành. Trước năm 2004, Cái Răng vốn là thị trấn huyện lỵ của huyện Châu Thành thuộc tỉnh Cần Thơ cũ. Từ năm 2004, huyện Châu Thành thuộc về tỉnh Hậu Giang, đồng thời huyện lỵ cũng được dời về thị trấn Ngã Sáu.


Như vậy, Cái Răng chính thức trở thành một quận thuộc thành phố Cần Thơ trực thuộc Trung ương từ năm 2004. Ngoài ra, thị trấn Cái Răng cũ cũng được chuyển thành phường Lê Bình. Hiện nay, trung tâm hành chính quận Cái Răng được đặt ở phường Lê Bình.

Toàn Quận Cái Răng gồm có 7 Phường như Ba Láng, Hưng Phú, Hưng Thạnh, Lê Bình, Phú Thứ, Tân Phú và Thường Thạnh.


Chợ nổi Cái Răng


Những chợ nổi ở Việt Nam bao gồm  :

  • Chợ nổi Cái Răng là chợ nổi chuyên trao đổi, mua bán nông sản, các loại trái cây, hàng hóa, thực phẩm, ăn uống và là điểm tham quan đặc sắc của quận Cái Răng, thành phố Cần Thơ.
  • Chợ nổi Cà Mau là một chợ nổi trên sông Gành Hào, cách cầu Gành Hào khoảng hơn 200 m, thuộc địa bàn phường 8 ở trung tâm thành phố Cà Mau
  • Chợ nổi Cái Bè là chợ nổi thuộc thị trấn Cái Bè, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang. Chợ là nơi trao đổi mua bán hàng hóa và là điểm tham quan du lịch hấp dẫn của tỉnh Tiền Giang.
  • Chợ nổi Ngã Năm là chợ nổi ở thị trấn Ngã Năm, huyện Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng. Chợ nổi Ngã Năm là giao điểm của năm con sông đi năm ngả: Cà Mau, Vĩnh Quới, Long Mỹ, Thạnh Trị, Phụng Hiệp.
  • Chợ Ngã Bảy, còn gọi là chợ nổi Phụng Hiệp, là một chợ nổi thuộc thị xã Ngã Bảy được hình thành từ năm 1915. Đây là chợ nổi nổi tiếng của tỉnh Hậu Giang, là nơi diễn ra các hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa của cư dân miền sông nước đồng bằng sông Cửu Long. Nơi đây không chỉ nơi buôn bán hàng hóa mà còn là địa điểm thu hút khách du lịch.
  • Chợ nổi Phong Điền là một chợ nổi để mua bán và trao đổi hàng hóa, một điểm tham quan hấp dẫn của sông nước miền Tây. Chợ nằm ngay ngã ba sông, nơi sông Cần Thơ phân lưu khỏi sông Hậu, cách trung tâm thành phố Cần Thơ khoảng 17 km về phía Đông Nam. Chợ thường nhóm vào khoảng 4-5 giờ sáng khi mặt trời vừa chớm mọc và đến 7-8 giờ là lúc mặt trời lên cao thì chợ cũng tan dần.
  • Chợ nổi Trà Ôn là một chợ nổi ở huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long. Đây là chợ nổi cuối cùng trên sông Hậu trước khi đổ ra biển. Chợ nằm ngay giữa ngã ba sông Hậu và sông Mang Thít.


Nem nướng Cái Răng


Bên bờ kinh Cái Răng (Tp Cần Thơ) từ hơn nửa thế kỷ trước đã nổi tiếng đặc sản nem do chính tay người phụ nữ mà dân trong vùng gọi là Tư Khem sáng tạo nên. Nem Cái Răng không chỉ nổi danh trong thời gian đó mà đến hôm nay, biết bao người khi đến vùng đất này luôn tìm đến thưởng thức cho thỏa lòng.

Nem nướng Cái Răng được làm từ thịt heo tươi, quết dẻo rồi vo tròn nướng trên than hồng. Từng viên nem tròn trĩnh, xâu bởi thanh tre chuốt nhỏ, mướt rượt mỡ, vàng rượm do được nướng khéo. Chỉ cần tuốt nhẹ, những viên nem đã nằm gọn trong đĩa, bên cạnh tràng rau sống, bánh hỏi trắng tinh, nhất là bánh hỏi Phong Điền thì không còn gì bằng.


Cũng như một vài món ăn khác, người phương Nam thích dùng bánh tráng gói với rau sống, một ít rau thơm. Món nem nướng Cái Răng lại càng cần rau thơm, chuối chát, dưa leo, dứa, khế... mà phải là loại khế chua thì mới thấm vị. Cầm một nửa chiếc bánh tráng mỏng tang, gắp ít rau đặt thêm khoanh chuối chát, dứa, khế rồi để viên nem lên, cuốn lại, chấm vào chén tương xay đặc sệt. Tương xay vừa mịn vừa ngọt thơm, rắc thêm nhúm đậu phộng và chút ớt đỏ bằm nhuyễn mới nhìn đã thích mắt. Ngoài món nước chấm bằng tương xay, thực khách có thể chấm cùng nước mắm chanh tỏi ớt pha thật khéo thì ai một lần thưởng thức sẽ không thể nào quên.



Ngày nay đến Cái Răng, mặc dù người tạo nên món ăn để đời này không còn nhưng con cháu bà vẫn giữ lấy nghề. Hương vị không còn như xưa nhưng đây vẫn là một món ăn du khách nên thưởng thức mỗi lần có dịp ghé qua.


Bình luận

Trong bốn mươi năm qua, kể từ khi chiến tranh Việt Nam kết thúc, người Việt Nam đã an cư lạc nghiệp tại Hoa Kỳ & các nước khác trên thế giới, và tạo dựng được những khu định cư lớn ngoài lãnh thổ Việt Nam.

Nằm ngay tại trung tâm của miền nam California là một cộng đồng Việt Nam có nét biểu tượng nhất, được biết đến với cái tên là Little Saigon tại Westminster, Orange County. Nhờ sự hướng dẫn của một người bạn, tôi đã có dịp ghé vào nhiều cửa hàng rực rỡ bán đủ thứ đặc sản Á Đông, thưởng thức những hương vị của các món ăn truyền thống Việt Nam và quan trọng hơn hết là cảm nhận sự thăng tiến phồn thịnh của người Việt Nam.

Theo tài liệu tổng hợp từ internet, nem nướng và những món ăn khác  thì vùng đất nào cũng có, nhưng mỗi nơi lại mang một hương vị, sắc thái riêng gắn với con người và thổ nhưỡng nơi đó.

Những miếng ngon mà người Việt Nam ăn vào thấy ngát mùi đất nước Việt Nam, thấy mình Việt Nam hơn, thấy thích thú và hãnh diện được trời cho làm người Việt Nam.

Tại sao hãnh diện? Vì mỗi miếng ngon là một thành tích văn hóa chứ đâu phải chỉ miếng ăn cho no, mà về loại thành tích ấy thì nước Việt Nam nhất định không chịu nhường bất cứ quốc gia nào.


lundi 4 mai 2015

BLOG : Tâm sự tuổi già


Trương Thanh Long
Sưu tầm - Biên soạn - Bình Luận




Lâu nay cứ tưởng mình già
Bây giờ mới biết quả là y chang

Suốt ngày nói chuyện thuốc thang
Gặp nhau lại kể cả tràng chuyện xưa

Tivi dỗ giấc ngủ trưa
Sức khoẻ lại giảm, mắt mờ, da nhăn

Đọc chữ phóng đại mấy trăm
Lại còn đãng trí, tần ngần, hay quên

Cả ngày mỏi mắt đi tìm
Hết tìm khoá cửa lại tìm khoá xe

Nhiều hôm thăm viếng bạn bè
Được dăm ba phút nằm phè ngủ ngon

Tóc bạc chen chúc tóc non
Không dám nhổ nữa sợ còn bình vôi

Kiến thức mới nuốt chẳng trôi
Bước ra khỏi cửa trùm người áo len

Ra đường chẳng ai gọi tên
Cứ gọi chú, bác có phiền hay không ?

Khi lên xe buýt dẫu đông
Dăm người nhường chỗ Mời ông cứ ngồi "

Lại hay nhạy cảm, tủi đời
Thích được săn sóc hơn thời ngày xưa

Thấy tình nhân trẻ vui đùa
Mà lòng chua xót phận vừa cuối thu

Suốt ngày trung tiện lu bù
Cơm thì phải nhão, phở cho thật mềm

Thích nghe tiếng hỏi, lời khen
" Lúc này thon thả, trẻ hơn dạo nào "

Thức ăn cứ lấy ào ào
Ăn thì chẳng nổi mà sao cứ thèm

Ngủ trưa giấc cứ dài thêm
Đứng, ngồi, " chuyện ấy " ngày thêm chậm rì.

Đánh răng, tìm thuốc loại gì
Để răng được trắng không thì khó coi

Cà phê chỉ hớp một hơi
Đêm về trắng mắt nhìn trời đếm sao

Gặp người cùng tuổi như nhau
Thường hay hỏi  " Bác thế nào ? Khoẻ không? "

Cell Phone thì khổ vô ngần
Lúng ta lúng túng thường không trả lời

Để chuông reo mãi một hồi
Mở ra thì đã chậm rồi còn đâu ?

Bệnh tật nó đến từ đâu
Cao mỡ, cao máu lâu lâu ... tiểu đường

Tránh né việc nặng là thường
Việc nhẹ thì cũng đau xương, mệt nhoài

Đi chơi càng khổ gấp hai
Đi đâu cũng ngại đường dài lái xe

Giữ thân cho khỏi tròn xoe
Vòng hai sao cứ bè bè phình to

Thang lầu càng nghĩ càng lo
Chỉ sợ trượt ngã khổ cho thân này

Ngủ thì chẳng ngủ được say
Bốn năm giờ sáng dậy ngay tức thì

Sinh nhật, sinh nhiếc làm gì
Cái chuyện lẻ tẻ ấy thì nên quên

Vẫn hay nhìn kiếng thường xuyên
Xem chân dung đã trở nên thế nào

Buồn tình đếm thử xem sao
Bao nhiêu triệu chứng ấy bao nhiêu già!


Bí quyết sống lâu sống khỏe

Thường xuyên vận động, ăn uống điều độ và chia sẻ với bạn bè là chìa khóa cho một cơ thể khỏe mạnh, sống lâu.

Chế độ ăn uống

Những gì chúng ta đưa vào cơ thể sẽ được thẩm thấu và biểu hiện rõ rệt qua da và tóc. Một nghiên cứu về lối sống của người già khỏe mạnh tại Okinawa, Nhật Bản - nơi có tỷ lệ đông đảo người sống trên 100 tuổi - để tìm hiểu về chìa khóa việc trường thọ. Theo đó người Nhật ưa chuộng ngũ cốc, rau và trái cây đồng thời giảm các loại thịt đỏ, trứng, sữa. Bài học rút ra là sự khôn ngoan trong việc chọn lựa chất béo và carbonhydrat. Chuyển sang lựa chọn các thực phẩm lành mạnh như bánh mì nâu, ngũ cốc nguyên hạt thay vì bột mì tinh chế như bánh mì xốp, bánh mì trắng, bánh mì ngọt. Nhiều nghiên cứu cho thấy ăn chay thân thiện với cơ thể hơn việc dùng protein động vật. Trái cây, rau và ngũ cốc nhiều chất xơ và dinh dưỡng.



Đừng đổ lỗi cho gene di truyền

Các gene di truyền quyết định một số bệnh bạn mắc phải khi đến một độ tuổi nhất định. Tuy nhiên nghiên cứu chỉ ra các gene quyết định 10% sức khỏe tổng thể của con người trong khi 90% còn lại nằm ở lối sống lành mạnh.

Cách chúng ta lựa chọn sống mỗi ngày ảnh hưởng đến thời gian và chất lượng sống. Vì vậy, nếu bạn đang đau mỏi lưng, hãy kiểm tra lại những việc đã làm với sức khỏe.


Ăn thực phẩm ở trạng thái tự nhiên nhất có thể

Thực phẩm ở trạng thái tự nhiên chứa nhiều chất dinh dưỡng và lượng vi chất này mất đi đáng kể qua quá trình chế biến. Hấp và nướng giúp bảo quản lượng chất dinh dưỡng trong thức ăn tốt nhất. Một cách tuyệt vời để duy trì sức khỏe là ăn 3-5 phần rau sống và trái cây mỗi ngày một cách điều độ.


Sống lành mạnh

Một tuổi thọ dài và ít bệnh tật là hệ quả tất yếu của lối sống lành mạnh từng ngày. Tránh xa thuốc lá, rượu và khéo léo từ chối những lời mời mọc, tiệc tùng.



Tập thể dục

Tập thể dục là điều kiện cần cho một sức khỏe dẻo dai. Trên thực tế, lối sống ít vận động kéo theo bệnh tim mạch, tiểu đường và các rối loạn khác. Nghiên cứu chỉ ra rằng, thêm 15 phút vận động mỗi ngày sẽ kéo dài 3 năm tuổi thọ.

Cuộc sống bận rộn nên cần lồng ghép vận động vào sinh hoạt hằng ngày như leo cầu thang bộ, dẫn chó đi dạo công viên.


Có những người bạn thực sự thân thiết

Thế giới ảo đang khiến những mối quan hệ ngoài đời thực trở nên xa cách hơn bao giờ hết. Điều quan trọng để có cuộc sống khỏe mạnh là có những người bạn để chia sẻ vui buồn. Những mối quan hệ tiêu cực làm căng thẳng và ảnh hưởng đến sức khỏe tổng quát. Nghiên cứu chỉ ra bí quyết khỏe mạnh là tin tưởng vào con người và có thật nhiều bạn bè tốt.



Hãy sống trọn vẹn từng khoảnh khắc

Làm chậm lại, thưởng thức từng khía cạnh đơn giản trong cuộc sống. Có thái độ tích cực với những chuyện xảy ra trong cuộc sống và công việc. Bí quyết là tìm niềm vui trong mỗi việc bạn làm. Ngoài ra, hãy tìm một cách phù hợp để thư giãn tâm trí và cơ thể bạn. Điều này giúp tăng cường hệ thống miễn dịch, phòng chống các nguy cơ mắc bệnh.



Tác hại của thuốc lá

Người hút thuốc cả đời, sống ít hơn 20 đến 25 năm, hút thuốc một lần giảm thọ 11 phút. Sáng sớm vừa ngủ dậy đã hút thuốc, là cực kỳ nguy hiểm. Người hay hút thuốc, thường bị viêm phế quản, viêm phổi, mắc bệnh tim phổi, và cuối cùng là ung thư phổi.



Tác hại của nghiện rượu

Thế giới nêu ra sinh hoạt gây tổn hại nhất cho sức khỏe : đứng đầu là hút thuốc, thứ hai là nghiện rượu, uống rượu quá độ. Uống một lượng ít còn có chỗ tốt, ví dụ một ngày uống 50ml rượu trắng, hoặc uống 100ml rượu nho đặc biệt là rượu vang nho, hoặc nửa lít đến 1 lít bia. Nếu quá đi sẽ làm tổn hại thân thể, hại gan, hại não, hại tim, hại các cơ quan nội tạng.

Uống say một lần với rượu trắng, bằng với việc bị viêm gan cấp tính một lần. Vì sao người uống nhiều rượu, trí nhớ không tốt, năng lực nhận biết giảm? Bởi vì một lượng lớn tế bào đại não đã bị chết. Một ngày chỉ uống 50ml rượu trắng, đây là mức an toàn.


BÌNH LUẬN

Con người ta vốn chẳng phân biệt giàu nghèo sang hèn, tận tâm vì công việc là coi như cống hiến, có thể yên lòng, không hổ thẹn với lương tâm là được. Huống hồ người ta cũng nghĩ cả rồi, ai cũng thế cả, cuối cùng là trở về với tự nhiên. Thực ra nghề cao chẳng bằng tuổi thọ cao, tuổi thọ cao chẳng bằng  niềm vui thanh cao.

Quá nửa đời dành khá nhiều cho sự nghiệp, cho gia đình, cho con cái, bây giờ thời gian còn lại chẳng bao nhiêu nên dành cho mình, quan tâm bản thân, sống thế nào cho vui thì sống, việc gì muốn làm thì làm, ai nói sao mặc kệ vì mình đâu phải sống để người khác thích hay không thích, nên sống thật với mình.

Sống trên đời không thể vạn sự như ý, có khiếm khuyết là lẽ thường tình ở đời, nếu cứ chăm chăm cầu toàn thì sẽ bị cái cầu toàn làm khổ sở. Chẳng thà thản nhiên đối mặt với hiện thực, thế nào cũng xong.

Tuổi già tâm không già, thế là già mà không già; tuổi không già tâm già, thế là không già lại thành già. Nhưng xử lý một vấn đề thì nên nghe già.

Sống phải năng hoạt động nhưng đừng quá mức, ăn uống quá thanh đạm thì khôhg đủ chất bổ, quá nhiều thịt cá thì không hấp thụ được. Quá nhàn rỗi thì buồn tẻ, quá ồn ào thì khó chịu... mọi thứ đều nên vừa phải.

- Người ngu gây bệnh : hút thuốc, say rượu, tham ăn, tham uống...
- Người dốt chờ bệnh : ốm đau mới đi khám chữa bệnh...
- Người khôn phòng bệnh, chăm sóc bản thân, chăm sóc cuộc sống.
- Khát mới uống, đói mới ăn, mệt mới nghỉ, thèm ngủ mới ngủ, ốm mới chữa bệnh....điều là muộn.

Con người ta chịu đựng, hoà giải và xua tan nỗi đau đều chỉ có thể dựa vào chính mình. Thời gian là vị thầy thuốc giỏi nhất, quan trọng là khi đau buồn bạn chọn cách sống như thế nào.

Tại sao khi về già người ta hay hoài cửu "hay nhớ lại chuyện xưa?" Đến những năm cuối đời, người ta đã đi đến cuối con đường sự nghiệp, vinh quang xưa kia đã trở thành mây khói xa vời, đã đứng ở sân ga cuối. Tâm linh cần trong lành, tinh thần cần thăng hoa, người ta muốn tìm lại những tình cảm chân thành. Về lại chốn xưa, gặp lại người thân, cùng nhắc lại những ước mơ thủa nhỏ, cùng bạn sống. Quý trọng và được đắm mình trong những tình cảm chân thành là một niềm vui lớn của tuổi già.

Nếu bạn đã cố hết sức, mà vẫn không thay đổi tình trạng không hài lòng thì mặc kệ nó. Đó cũng là một sự giải thoát. Chẳng việc gì cố mà được, quả ngắt vội không bao giờ ngọt.

SINH - LÃO - BỆNH - TỬ là quy luật ở đời, không chống lại được. Khi thần chết gọi thì thanh thản mà đi. Cốt sao sống ngay thẳng không hổ thẹn với lương tâm.

Tiền bạc rồi sẽ là của con, địa vị là tạm thời, vẻ vang là quá khứ, sức khoẻ là của mình. 
Cha mẹ yêu con là vô hạn; con yêu cha mẹ là có hạn. 
Con ốm cha mẹ buồn lo; cha mẹ ốm con nhòm một cái, hỏi vài câu là thấy đủ rồi. 
Con tiêu tiền của cha mẹ thoải mái; cha mẹ tiêu tiền của con chẳng dễ chút nào. 
Nhà cha mẹ là nhà của con; nhà của con không phải là nhà cha mẹ.

Ốm đau trông cậy vào ai? Trông cậy con ư? Nếu ốm dai dẳng có đứa con có hiếu nào ở bên giường đâu "cứu bệnh sàng tiền vô hiếu tử". Trông vào bạn đời ư? Người ta cũng yếu, có khi lo cho bản thân còn chưa xong, có muốn đỡ đàn cũng không làm nổi.