lundi 24 février 2014

SỨC KHOẺ : Nguyên nhân, cách phòng tránh và điều trị 'Bệnh Gút'


Trương Thanh Long
Sưu tầm - Biên soạn - Bình Luận


Gút – nguyên nhân và xu hướng mắc bênh

Gút (Gout – Crise de goutte) là thể bệnh xuất hiện từ rất lâu và được xem là bệnh của người giàu do ăn quá dư thừa chất, cụ thể là dư thừa đạm. Nhưng ngày nay, căn bệnh này phổ biến đến mức diễn ra ở mọi lứa tuổi và mọi tầng lớp, nhưng tỷ lệ mắc bệnh cao nhất vẫn là nam giới ở độ tuổi từ 35-45 (chiếm khoảng 95% số ca mắc bệnh).

Ở người bình thường, lượng acid uric (uric acid  - Acide urique) trong máu được duy trì ở mức cố định: 5mg% ở nam và 4mg% ở nữ, tùy độ tuổi và có sự thay đổi. Để mức acid uric cân bằng hàng ngày, acid uric được thải ra ngoài chủ yếu theo đường thận qua nước tiểu và một phần qua phân và các đường khác.


Hiện nay nguyên nhân gây ra thể bệnh đã được xác định rõ, đó là do cơ thể dư thừa lượng axit uric (có thể do sản xuất ra quá nhiều hoặc rối loạn sự đào thải chất này qua đường nước tiểu). Các phân tử axit uric khi gặp điều kiện thuận lợi sẽ kết tủa và lắng đọng thành các tinh thể muối urat (monosodium urate) ở bao các khớp, xương, sụn, các tổ chức dưới da gây ra tình trạng viêm sưng tại những chỗ bị lắng đọng.

Gút hay chứng tăng axít uric huyết (một dạng viêm khớp), là căn bệnh có liên quan đến sự trao đổi chất, do lượng axít uric tích tụ ở các khớp, tạo ra các tinh thể và làm xuất hiện những cơn đau buốt. Chúng thường xảy ra ở khớp ngón chân cái, nhưng các khớp gối, mắt cá, chân, tay, cổ và khuỷu tay cũng bị ảnh hưởng.

Cơn đau rất nặng được mô tả dữ dội và nhiều khi bệnh nhân không dám đắp mền vì chỉ cần chạm nhẹ vào cũng gây ra cơn đau dữ dội.

Bệnh gút là kết quả của một quá trình tích tụ, có thể kéo dài trong nhiều tháng hoặc nhiều năm. Bệnh gút có thể gây ra nhiều rắc rối trong công việc và các sinh hoạt thường ngày của người bệnh. Thông thường, khoảng 95% bệnh nhân mắc phải căn bệnh này là đàn ông, phụ nữ chỉ chiếm 5%.


Những nguyên nhân gây ra gút

- Thứ nhất là do bẩm sinh. Có nhiều người khi sinh ra đã mang cơ chế sản sinh nhiều axit uric nên hàm lượng chất này trong cơ thể luôn ở mức cao từ nhỏ.

- Thứ hai là do con người ăn quá nhiều thực phẩm chứa purin (như cá, tôm, cua, gan…hay uống nhiều rượu bia). Cơ thể dư thừa chất purin sẽ làm gia tăng lượng axit uric vì các phản ứng sinh hóa trong cơ thể sẽ chuyển hóa purin và sản sinh ra axit uric.

- Thứ ba là do cơ thể tự tăng cường sản sinh purin nội sinh từ việc phá hủy các tế bào, tổ chức trong quá trình điều trị các loại bệnh như đa hồng cầu, đa u tủy xương, hay tiêu diệt các khối u ung thư.


Một số cách giúp chế ngự cơn đau do gút

Thường thì cơn gút ó thể bị đẩy lui bằng các thuốc hiện có và nếu bệnh nhân chịu theo cuộc điều trị và chấp nhận ăn kiêng thì có thể ngăn chặn được bệnh.

Nên nhớ rằng đây là loại bệnh không có cách điều trị tận gốc bệnh gút, nghĩa là bệnh nhân phải chấp nhận chế độ ăn kiêng và theo dõi bệnh suốt đời.

Nhưng có rất nhiều biện pháp để kiềm chế cơn đau như sau :
  • Dùng túi đá chườm lên khu vực khớp đang bị sưng và đau. Không nên đặt đá trực tiếp lên da vì điều này có thể làm da bị tổn thương.
  • Nghỉ ngơi cho đến khi vùng khớp đang bị đau dịu trở lại. Sau cơn đau khớp, nên nghỉ ngơi khoảng 24 giờ để giúp khớp hồi phục.
  • Thực hiện động tác nâng chân lên xuống, giúp máu lưu thông đến vùng khớp mắt cá đang bị sưng dễ dàng hơn.
  • Không sử dụng aspirin vì loại thuốc này làm lượng a-xít uric bị giữ lại nhiều hơn.
  • Có thể sử dụng loại băng gạc chuyên dùng để bao bọc vùng khớp bị đau.

Những bí quyết ngăn ngừa các cơn đau do gút

Để phòng ngừa bệnh gút, con người nên cải thiện chế độ ăn uống và sinh hoạt điều độ, hợp lý.

1. chế độ ăn uống

Ăn uống điều độ, đúng bữa, không được bỏ bữa.

Kiêng tuyệt đối những thực phẩm giàu đạm có gốc Purin như : Hải sản, các loại thịt có màu đỏ như: Thịt trâu, bò, ngựa, thịt dê; Phủ tạng động vật như : Lưỡi, lòng, tim, gan, thận, óc; Trứng gia cầm nói chung, nhất là các loại trứng đang phát triển thành phôi như trứng vịt lộn….

Tăng cường ăn các loại rau củ quả, bổ sung nhiều chất xơ (fiber - fibre), cả những loại rau có tác dụng giúp đào thải bớt lượng chất purin ra khỏi cơ thể như rau cần, dưa chuột, dưa hấu,
cam, quýt, mía,…


Kiêng tất cả các loại thực phẩm có tốc độ tăng trưởng nhanh như : Măng tre, măng trúc, măng tây, nấm, giá, bạc hà (dọc mùng) vì sẽ làm gia tăng tốc độ tổng hợp acid uric trong cơ thể.

Hạn chế sử dụng các thực phẩm kích thích như ớt, tiêu ... và không sử dụng các thức uống
kích thích như café, trà đặc,…

Tuyệt đối không uống bất kỳ một dạng chất cồn nào như : Rượu, bia, cơm rượu, nếp than… Hạn chế đồ uống có gaz, nước uống ngọt nhiều đường vì sẽ làm tăng nguy cơ béo phì,
một trong những yếu tố tăng nặng bệnh gút.


Sữa và các sản phẩm từ sữa như sữa chua (yogurt – yaourt) là rất tốt để phòng ngừa gút.
Nên uống nhiều nước để tăng cường đào thải axit uric ra khỏi cơ thể,
khoảng từ 2,5-3 lít nước trong ngày.

2. chế độ luyện tập thể dục thể thao

Nên thường xuyên vận động nhưng vừa sức, tránh việc ngồi hay nằm một chỗ quá nhiều,
hay vận động quá sức của mình.


Luôn giữ tinh thần thoải mái, hạn chế stress, tránh thức khuya.
 Nên ngâm chân giữ ấm và giúp tinh thần thoải mái khoảng 20-30 phút mỗi ngày trước khi đi ngủ.
Vào mùa đông, khi thời tiết giá lạnh, cần giữ cho bàn tay và chân luôn kín và ấm
vì đây là khoảng thời gian mà những cơn đau khớp thường xảy ra.


Điều trị bệnh gút  bằng phương pháp dùng thuốc tây y

Hiện nay, để điều trị bệnh gút, ngoài phương pháp dùng thuốc tây y theo các chỉ định của bác sĩ chuyên khoa thì người bệnh có thể sử dụng các bài thuốc dân gian có tác dụng điều trị gút rất hiệu quả.

Nếu muốn điều trị gút bằng tây y, người bệnh cần đi khám và mua thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Các loại thuốc thường dùng để điều trị hiện nay bao gồm :
  • Kháng viêm không steroid (NSAID) : Đây là loại thuốc được chọn lựa đầu tiên khi cơn đau bùng phát mà người bệnh chưa từng điều trị, dùng tối thiểu 5-7 ngày. Có một điều chú ý là không dùng NSAID cho người bị các chứng bệnh như suy thận, loét dạ dày, suy tim hay có mẫn cảm với thành phần của thuốc.
  • Colchicin : Thuốc này có tác dụng cân bằng môi trường, được sử dụng cho các cơn cấp tính. Do đó cần giảm liều dùng khi thuốc đã bắt đầu có tác dụng, và không được sử dụng thuốc trong thời gian dài vì có thể dẫn đến các bệnh về cơ. Hạn chế dùng thuốc với người mắc bệnh dạ dày, ruột, thận, gan,…
  • Các corticoid : Thuốc này dùng để tiêm trực tiếp vào khớp nhưng lưu ý chỉ tiêm khi không bị nhiễm khuẩn khớp hay nhiễm khuẩn da chỗ bị và phải tiêm vào đúng vị trí.
  • Các thuốc thải uric : Gồm benzbromaron, probenecid, sulphipyrazon.
Khi sử dụng các loại thuốc này thì người bệnh cần uống nhiều nước để có đủ lượng nước tiểu thải ra kèm uric, nếu không thì rất dễ gây sỏi do lượng uric lắng đọng và kết tinh thành muối urat trong thận.

Có một lưu ý rằng: người bệnh cần đi khám và xác định chắc chắn mình mắc bệnh gút thì mới được sử dụng các loại thuốc để chữa trị. Người bệnh cần dùng thuốc đúng loại, đúng liều lượng theo chỉ định của bác sĩ, tránh trường hợp dùng thuốc một cách tự ý.


Biến chứng bệnh Gút - Hạt TOPHI

Tophi là gì?
Tophi là những hạt lồi thường xuất hiện dưới da do lắng đọng tinh thể acid uric ở bệnh nhân gout mãn tính.

Hạt tophi thường xuất hiện ở tai, ngón tay, ngón chân, xung quanh mắt cá chân và khuỷu tay.

Hạt tophi rất dễ nhận biết. Khi mới xuất hiện, hạt tophi thường xuất hiện nhiều, nhỏ và hay di chuyển. Khi phát triển lớn hơn, hạt to phi là những nốt sần máu trắng, cố định, xuất hiện ở gần các khớp và hạn chế vận động ở bệnh nhân gout.

Bệnh nhân gout mãn tính nếu không kiểm soát acid uric trong máu tốt sẽ dẫn đến hình thành các hạt tophi nhanh và nhiều hơn. Theo thống kê, hạt tophi thường xuất hiện sau 10 năm tính từ ngày xuất hiện cơn gút cấp nhưng cũng có thể xuất hiện sớm hơn, đặc biệt người cao tuổi.

Hạt tophi có gây nguy hiểm

Khi mới xuất hiện những hạt tophi nhỏ, đa số bệnh nhân gout đều bỏ qua. So với cơn đau gút cấp thì hạt tophi dường như vô hại. Tuy nhiên nếu không điều trị, acid uric trong máu lại tiếp tục lắng đọng và hạt tophi phát triển dần trở thành khối u.


Khối u (hạt tophi lớn) gây đau khớp , biến dạng khớp, phá hủy xương và sụn.

Trong một số trường hợp khác, tinh thể acid uric trong khối tophi có thể được hòa tan trở lại và đi vào máu. Điều này làm tăng nồng độ acid uric trong máu và gây ra cơn gút cấp.

Điều trị loại bỏ hạt tophi

Giảm nồng độ acid uric trong máu giúp làm tan tinh thể acid uric trong máu, và giảm kích thước hạt tophi. Bạn nên lựa chọn sản phẩm đông y giúp hòa tan acid uric từ hạt tophi một cách từ từ, tránh gây lắng đọng urat tại thận như thuốc Tây y. Khi lựa chọn thuốc Tây y điều trị gout tophi, bệnh nhân gout nên tham khảo ý kiến bác sỹ.

Đối với hạt tophi to, thuốc giảm acid uric trong máu không làm tan hoàn toàn được. Bạn có thể đến bệnh viện làm tiểu phẫu đơn giản.




Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire