Trương Thanh Long
Sưu tầm - Biên soạn - Bình Luận
Bạn có thể bấm vào đây để xem tài liệu mới cập nhật.
Phương ngữ là đặc trưng của mỗi vùng miền. Nhưng nếu không được "phiên dịch" nhiều khi bạn đến "dở khóc, dở cười". Sau đây là một câu chuỵện cười ngôn ngữ địa phương hay nhất.
Cảnh 1
Khám bệnh xong bác sĩ người miền Nam nói với cô bệnh nhân trẻ người Quảng:
- Cô cho tôi xin số điện thoại của cô, để khi nào có kết quả khám sức khoẻ thì tôi sẽ gọi điện báo cô hay.
Cô gái trẻ trả lời:
- Dợ ! hai ba bửa, tém một bửa ! (Dạ ! 237-817)
Bác sĩ lắc đầu:
- Không ! chuyện tắm rửa của cô thì tôi không cần biết. Tôi chỉ cần số điện thoại của cô thôi !
Cô gái trẻ tiếp tục trả lời:
- Dợ ! hai ba bửa, tém một bửa ! (Dạ ! 237-817)
Bác sĩ lắc đầu mạnh hơn:
- Cô tắm mỗi ngày 2, 3 bận hay là 2, 3 tuần cô tắm một lần thì tôi không cần biết.....
- Tôi chỉ cần số điện thoại của cô mà thôi ...
Cô gái trẻ tức tối trả lời:
- Dợ ! em đẻ nó số của em lừa, hai ba bửa tém một bửa (Dạ ! em đã nói số của em rồi, 237-817)
Cảnh 2
Vài ngày sau, cũng trong phòng mạch bác sĩ hỏi cô bệnh nhân trẻ tái khám:
- Tại sao tôi gọi cho cô không được? Cô đã đổi số điện thọai rồi sao?
Cô gái trẻ trả lời:
- Dợ ! Em đã đủi gùi. Bi giờ là năm séo bửa, không tém, không tém!
(Dạ ! Em đã đổi rồi. Bây giờ là 567-08-08)
Bác sĩ lắc đầu, hết ý kiến:
- Chời đét ơi !!!
Cảnh 3
Vài tuần sau, cũng trong phòng mạch bác sĩ hỏi cô bệnh nhân trẻ tái khám:
Bác sĩ nói:
- Tôi vẫn không gọi được cô, thế là thế nào?
Cô gái trẻ trả lời:
- Dợ ! Tại thèng chồn em nớ kiu đổi. Bác sĩ thông cẻm, lèn nì là lèn đổi cuối rồi, là tém chín bửa một năm không tắm.
(Dạ ! Tại thằng chồng em nó kiêu đổi. Bác sĩ thông cảm, lần này là lần đổi cuối rồi, là 897-1508)
Bác sĩ lắc đầu, hết ý kiến:
- Trời ơi ! Một năm không tắm thì cô đi ra dùm tui !
Bình luận
Tiếng Việt có sự thay đổi trong giọng nói từ Bắc vào Nam, không đột ngột mà tiến dần theo từng vùng liền nhau. Trong đó, giọng Bắc (Nam Định – Thái Bình), giọng Trung Huế và giọng Nam Sài Gòn là 3 phân loại chính.
Những tiếng địa phương này khác nhau ở giọng điệu và từ địa phương. Thanh ngã và thanh hỏi ở miền Bắc rõ hơn ở miền Nam và Trung. Miền Bắc phát âm một số phụ âm (tr, ch, n, l...) khác với miền Nam và miền Trung. Giọng Huế có nhiều từ vựng địa phương hơn những giọng khác.
Từ điển Việt-Bồ-La (1651) của Alexandre de Rhodes lấy tiếng miền Bắc làm nền tảng, Dictionarium Anamitico Latinum (1772-1773) của Pierre Pigneaux de Béhaine lấy tiếng miền Nam làm nền tảng.
Theo trang thông tin của Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc và học giả Laurence Thompson thì cách đọc tiêu chuẩn hiện nay dựa vào giọng Hà Nội. Tuy nhiên, chưa có quy định nào nói rằng giọng Hà Nội là chuẩn quốc gia.
Tham khảo
Phương ngữ tiếng Việt
https://vi.wikipedia.org/wiki/Ph%C6%B0%C6%A1ng_ng%E1%BB%AF_ti%E1%BA%BFng_Vi%E1%BB%87t
Từ điển Quảng Ngãi
https://daolyson.com/2017/08/tu-dien-quang-ngai-giup-ban-nghe-va-hieu-ro-hon-khi-den-noi-nay-nhe/
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire