samedi 22 mai 2021

ĐỘNG VẬT : Chó "Pit Bull" cắn chết người tại Long An

 

Trương Thanh Long
Sưu tầm - Biên soạn - Bình Luận

Bạn có thể bấm vào đây để xem tài liệu mới cập nhật. 



1 trong 2 con chó PPibull hiện đang nhốt tại nhà.


Nạn nhân bị chó pitbull cắn chết ở Long An, nhưng không rõ lai lịch. Hiện cơ quan công an phát thông báo tìm người nhà nạn nhân.

Ngày 22/5/2021, trao đổi với phóng viên Tiền Phong, đại tá Phạm Thanh Tâm (Phó Giám đốc Công an tỉnh Long An) xác nhận, trên địa bàn vừa xảy ra sự việc chó Pitbull cắn chết 1 người và làm 1 người khác bị thương.

Thông tin ban đầu cho hay, khoảng 23h30 ngày 20/5/2021, anh Nguyễn Thanh Hải (37 tuổi, ngụ ấp Bình Tây, xã Mỹ Bình, huyện Tân Trụ, tỉnh Long An) dẫn 2 con chó Pitbull nặng hơn 52kg30kg đi đến ấp 4, xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa (gần KCN Hòa Bình) uống cà phê.

Tại đây, anh Hải gặp 1 người bạn (chưa rõ lai lịch) và xảy ra tranh cãi. Lúc này, hai con chó xông vào cắn người bạn của anh Hải. Anh Hải cố gắng can nhưng cũng bị chó tấn công.

Nhận tin báo, lực lượng chức năng địa phương đến hiện trường đưa cả 2 người đi cấp cứu. Nhưng do vết thương quá nặng, người bạn của anh Hải đã tử vong. Anh Hải bị thương với nhiều vết căn ở vùng mặt, đầu và hai cánh tay.


Anh Nguyễn Thanh Hải đang được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Long An. Ảnh: Hoàng Nam

Theo một nguồn tin, sau khi sự việc xảy ra, một trong hai con chó đã bị tiêu diệt. Con còn lại được thân nhân anh H đưa về nhà nhốt lại.



Chó Pitbull cắn chết người bị lực lượng chức năng bắn hạ vào sáng 21/52021 - ẢNH: CACC

Công an huyện Thủ Thừa phối hợp Phòng Kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Long An khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi nạn nhân.

Nam thanh niên bị chó Pitbull cắn tử vong không có giấy tờ tùy thân và không ai biết lai lịch. Hiện cơ quan công an đang phát thông báo tìm thân nhân nạn nhân" – đại tá Phạm Thanh Tâm thông tin với Tiền Phong.

Đại tá Phạm Thanh Tâm cho biết thêm, hiện vụ việc đang được Công an huyện Thủ Thừa thụ lý.

Về vụ việc này, luật sư Trương Văn Tuấn (Đoàn LS TPHCM) phân tích : Về trách nhiệm dân sự thì theo Điều 603 (khoản 1) Bộ Luật Dân sự 2015, chủ sở hữu súc vật phải bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra cho người khác. Người chiếm hữu, sử dụng súc vật phải bồi thường thiệt hại trong thời gian chiếm hữu, sử dụng súc vật, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

Về trách nhiệm hình sự, luật sư Tuấn cho rằng nếu chủ nuôi dẫn chó ra nơi công cộng, không thực hiện các quy định về đeo rọ mõm, xích khoá... dẫn đến chó cắn chết người thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự đối với "Tội vô ý làm chết người” theo khoản 1, điều 128 Bộ luật Hình sự 2015, với mức phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 đến 5 năm tù.

Chủ nuôi chó Pitbull bị buộc phải biết rằng con chó Pitpull của mình to, cao, vạm vỡ và nặng bằng một người trưởng thành hoàn toàn có khả năng gây sát thương cho người khác nhưng không có biện pháp phòng ngừa (rọ mõm, xích lại...) và quá tự tin khi cho rằng con chó mình nuôi không tấn công người khác” – Luật sư Trương Văn Tuấn nêu ý kiến.

Có theo luật sư Nguyễn Thành Công (Hãng luật Đông Phương Luật), nếu con chó Pitbull được cơ quan nhà nước cảnh báo, có giấy tờ chứng minh việc cảnh báo (đó là chó dữ, không được thả rông"...) mà chủ nuôi vẫn để chó đi ra ngoài, không có sự bảo hộ nào, để chó cắn chết người thì có thể bị truy cứu truy cứu hình sự tội "Vô ý làm chết người".

Trường hợp chủ chó Pitbull chủ động, sai khiến chó tấn công người mà nạn nhân chết thì có thể truy cứu tội giết người”, luật sư Nguyễn Thành Công nêu ý kiến.


BÌNH LUẬN

Theo tôi thiết nghĩ rằng cũng đã đến lúc nhà nước có những quy định chặt chẽ vê việc nuôi thú cưng gây ô nhiễm các khu chung cư hoặc gây thương tổn cho người khác. Ở một số quốc gia trên thế giới cấm nuôi giống chó "Pit Bull" này vì lý do an toàn giữa người và chó.


Một số quy định về nuôi chó tại Việt Nam   

Chó, mèo là những vật nuôi phổ biến trong các gia đình người Việt. Nhưng không phải ai cũng biết đến những quy định của pháp luật đối với loại vật nuôi này. Dưới đây là những quy định người nuôi chó cần biết :   

- Đăng ký việc nuôi chó với UBND cấp xã

- Tiêm vắc xin phòng bệnh dại

- Phải đeo rọ mõm cho chó, xích giữ chó khi ra đường

- Chó cắn người, chủ phải bồi thường


Nhiều quy định nghiêm ngặt về việc nuôi chó tại một số quốc gia

Tại hầu hết các quốc gia, việc tiêm phòng dại cho chó là việc đương nhiên mà những người nuôi chó phải làm. Bên cạnh đó, mỗi quốc gia cũng có những quy định riêng về việc nuôi chó để đảm bảo an toàn cho người và vật nuôi khác.


1. Singapore

Đạo luật Thú và Chim quy định người muốn nuôi chó hơn ba tháng tuổi cần phải đăng ký cấp phép với cơ quan chức năng, ai vi phạm sẽ bị phạt tối đa 5.000 SGD. Mỗi người chỉ được nuôi tối đa ba con chó trong nhà (trừ trường hợp là trang trại chó hoặc cửa hàng kinh doanh).

Đạo luật Thú và Chim còn đặt ra danh mục giống chó nguy hiểm bị hạn chế nuôi vì có thể gây nguy hiểm cho bản thân người nuôi và cộng đồng như: Pit Bull, Akita, Tosa... Theo đó, mỗi nhà chỉ được nuôi một con chó thuộc danh mục này song phải cho cấy chip, trải qua khóa huấn luyện hành vi, và được triệt sản. Chủ chó phải mua bảo hiểm có giá trị ít nhất 100.000 SGD để bồi thường trong trường hợp con vật làm bị thương người hoặc làm hư hỏng tài sản... Ngoài ra, người nuôi cần đặt cọc 5.000 SGD với cơ quan chức năng và khoản này sẽ bị sung công trong trường hợp vi phạm các điều kiện trên hoặc để mất chó.   

Nếu chó cắn người, chủ sẽ bị phạt và bồi thường, con chó có thể bị tòa ra lệnh tiêu hủy; trừ trường hợp nó cắn người đột nhập trái phép hoặc người có hành vi trêu trọc. Chủ chó cũng sẽ bị phạt và bồi thường nếu con chó có thói quen nhảy xổ vào người khác hoặc vào phương tiện đang di chuyển trên đường hay phá hoại cây cối, hàng rào bên đường…


2. Nhật Bản   

Chó là loại thú cưng được nuôi rất nhiều ở Nhật Bản. Tuy nhiên, để được nhận nuôi một chú chó ở Nhật, cần phải làm các việc như: đăng kí thủ tục nuôi trong vòng 30 ngày kể từ ngày mua chó về; đến cơ quan chức năng gắn chip dưới da cho chó để lưu thông tin; chứng minh rằng căn hộ của bạn có đầy đủ tiện nghi cho chó phát triển và phải cách âm tốt; tiêm chủng định kỳ cho chó; báo cáo cho chính quyền nếu chuyển nhà hoặc đổi chủ chó… Đối với giống chó dữ thì phải làm giấy tờ đảm bảo chúng không cắn người và được trông giữ cẩn thận…   

Khi dẫn chó đi dạo cần mang theo túi đựng phân cũng như nước khử mùi hoặc nước cồn. Phân của chó phải cho vào túi và đem về nhà. Khi dẫn chó đi dạo cũng cần có dây đeo để đảm bảo an toàn cho người và vật khác.


3. Anh   

Nước Anh có hẳn một đạo luật về kiểm soát chó, trong đó yêu cầu tất cả các chủ nuôi phải mang chó đến các cơ sở để gắn microchip - một phương pháp lưu giữ thông tin và theo dõi chó hiện đại. Phương pháp này không chỉ lưu giữ những thông tin cá nhân của chủ chó, mà những yếu tố về y tế căn bản cho chó như tiêm phòng bệnh dại, thời hạn hiệu lực của vacxin cũng được bảo quản trong hệ thống dữ liệu của chính phủ.   

Hành vi thả rông chó nguy hiểm bị coi là trái luật ở mọi nơi ở Anh, kể cả khu vực thuộc sở hữu tư nhân như: trong nhà hoặc sân vườn của hàng xóm, thậm chí trong nhà của chủ. Nếu vi phạm, chủ của con chó sẽ bị phạt tiền không giới hạn và ngồi tù 6 tháng. Họ không được nuôi chó trong tương lai, con vật có thể bị tiêu hủy. Nếu chó gây thương tích với người khác, người nuôi có thể đi tù đến 5 năm và bị phạt tiền.


4. Mỹ   

Hầu hết mọi tiểu bang, thành phố và các khu vực đều cấp thẻ căn cước cá nhân cho những chú chó. Đặc biệt hơn, thời hạn thẻ căn cước này không được vượt quá thời gian hiệu lực của các vacxin phòng dại cũng như phòng các bệnh gây nguy hiểm ở chó. Nghĩa là chỉ có những chú chó đảm bảo sức khỏe mới được "công nhận" và được tự do ra đường.   

Mỗi bang đều đặt ra định nghĩa hay danh mục chó nguy hiểm. Nếu một con chó bị coi là nguy hiểm, chủ của nó sẽ phải thực hiện một số biện pháp để hạn chế rủi ro. Ví dụ ở bang Virginia và Pennsylvania, chủ chó sẽ phải đăng ký chó nguy hiểm với cơ quan chức năng, phải cấy chip, khi cho chó ra ngoài phải có dây dắt và rọ mõm. Bang Georgia nghiêm cấm chủ nhân chuyển quyền sở hữu chó nguy hiểm trừ phi cho bác sĩ thú y hoặc cơ quan chức năng để tiêu hủy. Nếu vi phạm vào luật chó nguy hiểm, con vật có thể bị tòa án bắt buộc tiêu hủy, chủ con chó cũng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự và bị phạt tiền.   

Tại các quốc gia phát triển, việc trang bị dây dắt cho chó khi ra ngoài là việc làm tất yếu. Các bang lớn của Mỹ như L.A, California… tràn ngập các biển báo, khẩu hiệu "keep your dog on the leash" (Phải dùng dây dắt cho mọi chú chó). 

  

5. Thụy Sỹ   

Nếu muốn nuôi chó, mèo ở Thụy Sĩ, sẽ phải theo học một khóa đào tạo và phải trải qua bài kiểm tra. Khóa học sẽ dạy các cách chăm sóc chó mèo, cách dạy dỗ chúng đi vệ sinh đúng chỗ, cách nhận biết chúng ốm hay khỏe.   

Những người nuôi chó lần đầu sẽ phải tham gia một lớp học lý thuyết trước khi chuyển tiếp lớp huấn luyện thực hành. Điều này đảm bảo cho chú chó có thể nhận được sự chăm sóc tốt nhất.  

Các chú chó ở Thụy Sỹ đều phải gắn vi mạch và đăng kí nhận dạng bắt buộc.


6. Đức   

Tại Berlin (Đức), tất cả các con chó phải được đăng ký tập trung. Và chỉ được phép mua chó con của những chủ có giấy chứng nhận có hiểu biết chuyên môn.   

Các quận có thể quy định cấm chó ở những khu vực nhất định nhưng vẫn phải dành chỗ khác cho người dẫn chó đi dạo. Về cơ bản, chó bị cấm ở khu vực dành cho trẻ em chơi, khu vực tắm công cộng, những bãi cỏ để dành cho người nằm…   


THAM KHẢO

Chó sục Pit Bull Mỹ
https://vi.wikipedia.org/wiki/Ch%C3%B3_s%E1%BB%A5c_Pit_Bull_M%E1%BB%B9

Chủ chó pitbull cắn chết người bị xem xét khởi tố
https://vnexpress.net/chu-cho-pitbull-can-chet-nguoi-bi-xem-xet-khoi-to-4282040.html

Chó Pitbull cắn chết người và tấn công chủ trọng thương
https://thanhnien.vn/thoi-su/cho-pitbull-can-chet-nguoi-va-tan-cong-chu-trong-thuong-1387219.html

Quy định về việc nuôi chó ở Việt Nam và một số quốc gia
https://thethaovanhoa.vn/the-gioi/quy-dinh-ve-viec-nuoi-cho-o-viet-nam-va-mot-so-quoc-gia-n20190406080755758.htm
















Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire