Trương Thanh Long
Sưu tầm - Biên soạn - Bình Luận
Bạn có thể bấm vào đây để xem tài liệu mới cập nhật
Bà Thạch Chính Lệ (Shi Zhengli) tại phòng thí nghiệm của Viện Virus học Vũ Hán. Ảnh tư liệu chụp ngày 23/02/2017. AP
Theo RFI 29/05/2021 - Nguồn gốc đại dịch Covid đang được xới lên trở lại, khả năng con virus corona thoát ra từ phòng thí nghiệm Vũ Hán không còn bị coi là thuyết âm mưu, là chủ đề được các tuần báo Pháp rất chú ý.
Trung Quốc nắm chìa khóa về đại dịch Covid
Báo Le Point đề cập đến « Điểm mới về xuất xứ SARS-CoV-2 ». Báo The Economist quan tâm tới việc « Joe Biden ra lệnh cho tình báo điều tra về nguyên nhân Covid-19 ». Giả thiết con virus rò rỉ khỏi phòng thí nghiệm là rất có thể, nhưng còn xa mới chứng minh được. Một nhà nghiên cứu Pháp khi trả lời báo L'Express cho rằng « Khả năng biết được sự thật nằm trong tay người Trung Quốc ».
Báo Le Point cho biết hai nhà nghiên cứu Pháp Étienne Decroly và Bruno Canard ở Marseille từ mùa xuân 2020 ban đầu cũng cho rằng chỉ là tin đồn, nhưng càng xem xét kỹ càng đặt ra nhiều nghi vấn. Cuối 2020, cả hai cùng với các chuyên gia quốc tế khác lập ra « nhóm Paris », nghiên cứu những dữ liệu hiếm hoi có được. Họ đánh động công luận, đăng ba lá thư ngỏ trên Wall Street Journal và Le Monde.
Báo The Economist nhắc lại, từ đầu năm 2000 khả năng virus thoát ra từ Viện Virus học Vũ Hán hay một phòng thí nghiệm gần đó đã được nêu ra, nhưng bị bác ngay. Thậm chí tháng 2/2020 một số nhà khoa học còn dùng trang báo của The Lancet lên án ý tưởng này, và đa số báo chí đều nghe theo, cho rằng đó là thuyết âm mưu. Tuy nhiên những tháng gần đây tranh luận lại nổi lên trong giới chính trị và các phương tiện truyền thông đại chúng, cũng như các blog nhiều ảnh hưởng của những nhà báo chuyên về khoa học.
Tổng thống Donald Trump ra đi, giả thiết phòng thí nghiệm mới được nêu lại
Vì sao giả thiết tai nạn phòng thí nghiệm được đặt lại lúc này ?
Ông Bruno Canard nhận định trước hết về phương diện chính trị : những người ghét Donald Trump trước đây không chịu công nhận vì không muốn tạo uy tín cho tổng thống Mỹ.
The Economist cũng cho rằng hướng này được thúc đẩy, một phần là do sự ra đi của tổng thống Donald Trump và ngoại trưởng Mike Pompeo, những người hăng hái bảo vệ giả thiết tai nạn thí nghiệm nhất.
L’Express dẫn nguồn từ New York Times cho biết tình báo Mỹ đang phải phân tích « một lượng rất lớn » dữ liệu tin học, dựa trên cơ sở các liên lạc viễn thông ở Trung Quốc, sự dịch chuyển của nhân viên phòng thí nghiệm và tiến triển địa lý của đại dịch ở Vũ Hán. Chính quyền Biden cũng thúc đẩy tình báo các nước đồng minh chú ý giả thiết này và chia sẻ thông tin. Trong khi chờ đợi, cựu tổng thống Donald Trump nói rằng : « Đối với tôi, chuyện này đã rõ ràng ngay từ đầu, nhưng họ đả kích tôi kịch liệt, như thường lệ ».
Nhưng đặc biệt là lá thư của 18 nhà khoa học lừng lẫy đăng trên Science hôm 13/05/2021, từ chối bác bỏ giả thiết tai nạn thí nghiệm và kêu gọi điều tra sâu hơn. Báo Le Point nhấn mạnh, một số nhà khoa học ký tên trong lá thư trên báo Science là những ngôi sao quốc tế về virus corona. Chẳng hạn ông Ralph Baric còn là thầy của « Batwoman » Thạch Chính Lệ (Shi Zhengli), chuyên gia về virus corona của Viện Virus Vũ Hán, nơi lưu giữ bộ sưu tập virus corona lớn nhất thế giới.
Đã nhiều lần virus độc hại thoát khỏi các phòng thí nghiệm
Về giả thiết virus từ một hang động gần Vũ Hán lây cho một vật chủ và con vật này lây sang người, đã xem xét đến 80.000 mẫu vật của nhiều loài vật khác nhau nhưng vẫn không tìm được vật trung gian ! Phái đoàn điều tra của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đến Trung Quốc không khám phá được gì, đặc biệt vì có xung đột lợi ích. Có nhiều câu hỏi mà Bắc Kinh có thể trả lời nhưng họ không hỏi. Sự thật đang trong tay Trung Quốc. Có thể một ngày nào đó các tài liệu liên quan sẽ được một người có lương tâm tiết lộ, nhưng điều này không chắc.
Báo L’Obs và Báo The Economist nhắc lại, những vụ mầm bệnh thoát ra từ các cơ quan nghiên cứu vẫn thường xảy ra.
- Hồi năm 1967, một virus thuộc loại Ebola thoát ra ở Marburg làm 7 người chết.
- Vụ tử vong cuối cùng vì virus đậu mùa là do con virus này rò rỉ từ một phòng thí nghiệm ở Anh năm 1978.
- SARS-CoV-1, virus gây dịch SARS 4 lần thoát ra khỏi phòng thí nghiệm và lây lan ra các nước :
năm 2003 ở Singapore và Đài Loan và năm 2004 thoát khỏi một viện nghiên cứu ở Bắc Kinh đến 2 lần.
Tháng 12/2019, trên 100 sinh viên và thành viên của hai trung tâm nghiên cứu nông nghiệp ở Lan Châu (Lanzhou) bị nhiễm bệnh sốt cấp tính Brucellosis thường chỉ có ở động vật. Đáng báo động hơn cả là virus cúm H1N1 lan tràn trên thế giới từ năm 1977, nay được biết xuất xứ từ một phòng thí nghiệm Đông Bắc Á, có thể là ở Trung Quốc hay Nga.
Trung Quốc lai tạo virus corona ở Vũ Hán nhiều hơn người ta tưởng
Nay các luận án của các sinh viên Trung Quốc bị tiết lộ chỉ khẳng định điều mà người ta đã biết, đó là Trung Quốc đã đùa với lửa từ lâu. Họ dùng một con virus, biến đổi nó để xem có lây nhiễm cho tế bào người hay không. Việc « nhào nặn » các gien là phương pháp nguy hiểm không nên làm, chỉ nên thực hiện khi tìm thấy một virus gần giống với một mầm bệnh có khả năng gây dịch bệnh.
Các nhà ngoại giao Mỹ khi thăm Viện Virus Vũ Hán năm 2018 đã cảnh báo về an toàn sinh học tại đây, nêu nguy cơ virus corona có thể gây ra đại dịch. Bà Thạch Chính Lệ đầu năm 2020 nói rằng một trong những nỗi lo đầu tiên của bà là con virus có thể thoát ra được.
Nhóm của Thạch Chính Lệ nhiều năm trời nghiên cứu khả năng lây nhiễm cao hơn của virus corona đối với con người. Trong báo cáo năm 2015, họ cho biết đã lai tạo một virus corona trên loài dơi và loài chuột, có thể tự sinh sản trong các tế bào hô hấp của người. Một số người cho rằng có thể con virus còn bị cho là lai tạo giữa con corona trên dơi và tê tê.
Đúng vào ngày lời kêu gọi của 18 nhà khoa học nổi tiếng được đăng, những người ẩn danh như « The Seeker » trên Twitter tiết lộ 3 luận án tiến sĩ và thạc sĩ thực hiện dưới sự chỉ đạo của Thạch Chính Lệ, từ 2014 đến 2019, cho thấy Viện Virus Vũ Hán đã lai tạo virus nhiều hơn là giới khoa học vẫn nghĩ.
Lấy cớ bị « chính trị hóa », Bắc Kinh từ chối cung cấp dữ liệu Covid
Bắc Kinh bị chạm nọc : hôm 21/05/2021 trong thượng đỉnh về y tế do EU và G20 tổ chức, Tập Cận Bình cổ vũ các nhà lãnh đạo thế giới « kiên quyết bác bỏ mọi mưu toan chính trị hóa » đại dịch Covid. Đến 25/05/2021, đại diện Trung Quốc tại World Health Assembly, thiết chế quan trọng của WHO, tuyên bố điều tra về nguyên nhân Covid tại Trung Quốc đã kết thúc, nay phải chuyển hướng điều tra sang các nước khác.
Chính quyền Trung Quốc từ chối cung cấp các dữ liệu dịch tễ chủ yếu về 174 ca Covid đầu tiên ở Vũ Hán hồi tháng 12/2019, trong khi những tài liệu này hết sức quan trọng để có thể dập dịch sau này. Đặc biệt là vụ 3 nhà nghiên cứu của Viện Vũ Hán bị nhiễm bệnh vào tháng 11/2019, trước khi dịch Covid được chính thức công bố.
Báo Courriel International dịch một bài viết của Wall Street Journal đặt vấn đề, phải chăng hầm mỏ được canh gác cẩn mật nhất Trung Quốc chứa đựng các thông tin về Covid ? Tại mỏ đồng Mặc Giang (Mojiang) ở Vân Nam, có liên quan đến Viện Virus học Vũ Hán, tháng 4/2012 có 6 thợ mỏ nhiễm một căn bệnh kỳ lạ sau khi vào dọn dẹp phân dơi, và ba người đã tử vong.
Chính quyền Trung Quốc phong tỏa lối vào mỏ này, nói rằng có voi rừng. Nhưng một nhà báo mới đây lọt vào được, sau đó bị thẩm vấn suốt 5 tiếng đồng hồ và xóa hết các hình ảnh chụp được, cho biết cư dân được lệnh không trả lời báo chí nước ngoài. Báo Le Point nêu thêm một nghi vấn khác : tất cả các nước có trại nuôi chồn để lấy lông đều phát hiện được các ca SARS-CoV-2, còn Trung Quốc, nhà sản xuất lông chồn lớn nhất thế giới không khai báo ca nào.
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire