dimanche 10 janvier 2021

BLOG : Nghi vấn âm mưu bắt cóc nghị sĩ và kế hoạch phá lễ nhậm chức của TT đắc cử Joe Biden

 

Trương Thanh Long
Sưu tầm - Biên soạn - Bình Luận

Bạn có thể bấm vào đây để xem tài liệu mới cập nhật.

Các bức ảnh và video về người biểu tình trong vụ bạo loạn nhà quốc hội Mỹ hôm 6/1/2021 làm dấy lên nghi vấn có thể đã có âm mưu bắt cóc các nhân vật quan trọng như các nghị sĩ ở lưỡng viện.


Nhiều người biểu tình mang theo áo chống đạn, mũ bảo hiểm và vũ khí vào nhà quốc hội (Ảnh: Reuters)


Nghi vấn người biểu tình âm mưu bắt cóc nghị sĩ Mỹ trong vụ bạo loạn

5 người thiệt mạng, hơn 80 người bị bắt và tòa nhà được xem là "trái tim của nền dân chủ Mỹ" đã rung chuyển sau vụ việc ngày 6/1/2021 khi người ủng hộ Tổng thống Mỹ Donald Trump tràn vào nhà quốc hội ngăn các nghị sĩ xác nhận kết quả bầu cử.

Các chuyên gia an ninh theo dõi vụ việc cho hay những hình ảnh và video ghi lại hiện trường dường như hé lộ rằng ngoài việc gây bạo loạn, một số phần tử xông vào lưỡng viện dường như còn có kế hoạch nghiêm trọng hơn, bao gồm cả khả năng họ có thể muốn bắt cóc các nhân vật quan trọng.

Theo News.com.au, nếu không được di tản nhanh chóng, có thể các nghị sĩ và ngay cả Phó tổng thống Mike Pence cũng có thể trở thành mục tiêu của âm mưu này.

Nghi vấn trên xuất phát từ các bức ảnh chụp cho thấy một số người xông vào tòa nhà với mũ bảo hiểm, mặc áo chống đạn sở hữu hàng loạt vũ khí, công cụ tác chiến, thậm chí nhiều hơn cả lực lượng an ninh bảo vệ tòa nhà. Một số mang súng và mang theo cả dây cáp bằng nhựa, hay còn gọi là còng gập - dụng cụ mà cảnh sát thường dùng để kiểm soát nhiều mục tiêu cùng lúc.


Người biểu tình mang theo dây cáp nhựa (Ảnh: Reuters)

Theo News.com.au, nhiều người tham gia vào cuộc bạo loạn là cựu cảnh sát hoặc cựu quân nhân và đây là những người dường như hiểu biết về chiến thuật và có thể vạch ra kế hoạch, khác với sự tự phát của những người không có kiến thức và kinh nghiệm.

Theo các chuyên gia quân sự, ông Pence có thể là mục tiêu bị người biểu tình hướng tới. Trước đó, Tổng thống Trump đã nói rằng ông Pence có quyền lực lật ngược kết quả bầu cử trong "ngày định đoạt" 6/1/2021. Ông Pence đã có ý bác bỏ điều này, và tuyên bố ông không có "thẩm quyền đơn phương" để quyết định cuộc bầu cử.

"Tôi nghe thấy ít nhất 3 phần tử trong nhà quốc hội nói rằng họ hy vọng tìm được ông Pence", một nhiếp ảnh gia Reuters kể lại, nhấn mạnh rằng những người đó cáo buộc Phó tổng thống Mỹ "phản bội".

Bên ngoài nhà quốc hội, các đoạn video do Business Insider ghi lại cho thấy những lời chỉ trích như "tất cả những chính trị gia trong tòa nhà đều là kẻ phản bội" và "họ phải trả giá cho tội ác của họ".


Một người biểu tình mặc áo chống đạn, mang theo công cụ nhiều hơn cảnh sát xông vào trụ sở quốc hội (Ảnh: Twitter)

Các nguồn tin nói rằng, Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi và lãnh đạo phe thiểu số tại Thượng viện Chuck Schumer cũng là 2 cái tên bị "săn lùng" nhiều trong lúc nhà quốc hội "thất thủ".


Phát hiện xe chở đầy bom và súng gần quốc hội Mỹ ngày xảy ra bạo loạn

Lực lượng an ninh Mỹ đã phát hiện và thu giữ nhiều vũ khí, đạn dược vào ngày hàng trăm người biểu tình bạo lực xông vào trụ sở quốc hội (Điện Capitol) hôm 6/1.

Các công tố viên liên bang Mỹ cho biết, một người đàn ông có tên Lonnie Leroy Coffman đến từ bang Alabama bị cáo buộc đã đậu một chiếc xe bán tải với 11 quả bom tự chế, một súng trường một súng ngắn gần trụ sở quốc hội Mỹ ở thủ đô Washington DC sáng 6/1, ngày xảy ra biểu tình bạo loạn ngăn quốc hội xác nhận kết quả bầu cử. Một đội rà bom đã phát hiện ra chiếc xe khi dò tìm quanh khu vực vài giờ sau đó.

Coffman khai với cảnh sát rằng, ông ta có những chiếc lọ chứa đầy "xốp nung chảy và xăng". Theo các nhà điều tra, hỗn hợp này nếu phát nổ sẽ có sức công phá như bom napalm.


 Mike Pence et Nancy Pelosi ngày 06/01/2021

Một người đàn ông khác cũng bị phát hiện mang theo một khẩu súng trường hàng trăm viên đạn. Người này đã nói với người quen rằng, ông ta "muốn bắn Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi".

Đây là một phần trong số các vụ phát hiện, bắt giữ vũ khí của những người biểu tình bạo loạn ở thủ đô Washington hôm 6/1. Nhiều cá nhân khác bị cáo buộc mang theo súng và đạn vào khuôn viện Điện Capitol. Giới chức năng dự kiến sẽ công bố các quyết định truy tố những người liên quan đến biểu tình bạo loạn khi quá trình điều tra hoàn tất.

Bộ Tư pháp Mỹ hôm 8/1/2021 cho biết đã có 13 người đối mặt với nguy cơ bị truy tố do liên quan đến biểu tình bạo loan.

Chiều 6/1, khi quốc hội Mỹ vừa khai mạc cuộc họp lưỡng viện để xác nhận két quả bầu cử tổng thống, hàng trăm người ủng hộ Tổng thống Donald Trump bất ngờ xông vào bên trong, cướp bóc, đập phá và đụng độ với lực lượng an ninh.

Cuộc biểu tình chỉ được ngăn chặn vài giờ sau đó. Các nghị sĩ Dân chủ đang đề nghị luận tội hoặc truất phế ông Trump vì cáo buộc ông xúi giục biểu tình nhằm ngăn quốc hội xác nhận chiến thắng của Tổng thống đắc cử Joe Biden.


Các nhóm cực đoan lên kế hoạch "phá" lễ nhậm chức của ông Biden

Sau bạo động hôm 6/1/2021 tại trụ sở quốc hội Mỹ, các nhóm cực đoan vẫn có ý định quay trở lại Washington DC vào ngày nhậm chức của Tổng thống đắc cử Joe Biden.


Người biểu tình phá hàng rào an ninh, xông vào trụ sở quốc hội Mỹ ngày 6/1. (Ảnh: Reuters)

"Nhiều người trong chúng tôi sẽ quay lại vào ngày 19/1/2021, mang theo vũ khí để ủng hộ quyết tâm của đất nước, khiến thế giới không bao giờ quên. Chúng tôi sẽ đến đó với một số lượng mà không một quân đội hay cơ quan cảnh sát nào có thể sánh được", một người dùng mạng Parler thường xuyên đăng các bài viết về nhóm cực đoan QAnon, viết.

Parler, TelegramTheDonald.win là 3 trong số nền tảng mạng xã hội được các nhóm cực đoan sử dụng để lên kế hoạch tập hợp người tham gia cuộc biểu tình bạo loạn ngày 6/1/2021. Các thành viên của nhóm QAnon cũng xuất hiện trong nhóm người biểu tình ở trụ sở quốc hội Mỹ hồi đầu tuần.

Một người sử dụng nền tảng TheDonald.win viết: "Vòng hai sẽ vào ngày 20/1/2021, lần này sẽ không thương tiếc. Tôi thậm chí không quan tâm đến việc giúp ông Trump tiếp tục nắm quyền. Tôi quan tâm đến chiến tranh".

Theo CNN, mạng xã hội những ngày gần đây tràn lan những lời kêu gọi bạo lực như "Hoặc Trump, hoặc chiến tranh. Thế thôi" hay "Nếu bạn không biết cách dùng súng: Bạn cần học. Ngay bây giờ" hoặc "Chúng tôi sẽ xông vào các tòa nhà chính phủ... yêu cầu kiểm lại phiếu".

Bình luận về tình trạng này, ông Jonathan Greenblatt, Giám đốc điều hành tổ chức giám sát an ninh Anti-Defamation League, nói: "Chúng tôi đang theo dõi các thông điệp, lời kêu gọi từ các nhóm da trắng thượng đẳng, những kẻ cực đoan cực hữu".

Megan Squire, giáo sư về khoa học máy tính tại Đại học Elon, nói bà lo ngại rằng do Tổng thống Trump sẽ không dự lễ nhậm chức của ông Biden, những kẻ cực đoan có thể sẽ nhắm đến ông Biden. "Hôm 6/1, họ tập trung năng lượng vào trụ sở quốc hội. Nhưng ngày 20/1, năng lượng đó có thể tập trung vào ông Biden. Điều này đặc biệt đáng quan ngại", bà Squire nói.


Trụ sở quốc hội Mỹ "thất thủ" trong cuộc biểu tình bạo loạn ngày 6/1. (Ảnh: Reuters)

Hôm 6/1/2021, hàng trăm người ủng hộ Tổng thống Trump đã xông vào bên trong trụ sở quốc hội Mỹ ở Washington DC đập phá, cướp bóc và đụng độ nhằm ngăn quốc hội xác nhận kết quả bầu cử. Bất chấp cuộc bạo loạn kéo dài hơn 4 giờ đồng hồ, lưỡng viện quốc hội vẫn nỗ lực hoàn tất xác nhận ứng viên Joe Biden đắc cử tổng thống với 306 phiếu đại cử tri.

Theo kế hoạch, lễ nhậm chức của ông Biden sẽ diễn ra vào ngày 20/1/2021 bên ngoài Điện Capitol. Mặc dù quy mô lễ nhậm chức được thu hẹp, nhưng nhiều người vẫn lo ngại về nguy cơ an ninh tương tự như cuộc biểu tình bạo loạn ngày 6/1.

"Dư luận kịch liệt lên án cuộc biểu tình hôm 6/1 ở Điện Capitol, nhưng chắc chắn sẽ có những nhóm cánh hữu coi những gì xảy ra là một thành công", chuyên gia nghiên cứu an ninh John Scott-Railton của Đại học Toronto (Canada) bình luận.

Sau cuộc biểu tình bạo động ngày 6/1/2021, giới chức Mỹ đã lên kế hoạch dựng các hàng rào tạm bên ngoài nhà quốc hội để chuẩn bị cho lễ nhậm chức của ông Biden vào ngày 20/1, đồng thời nâng cấp an ninh cho sự kiện. Lầu Năm Góc dự kiến triển khai hơn 5.000 thành viên lực lượng vệ binh quốc gia từ vài bang tới Washington DC qua ngày 20/1, bổ sung vào lực lượng 1.000 vệ binh quốc gia ở thủ đô. Ngoài ra, các quan chức tiết lộ, một hàng rào không thể trèo qua cao 2,1 mét sẽ được dựng quanh nhà quốc hội.


BÌNH LUẬN

Trump châm ngòi cuộc tấn công Đồi Capitol từ nhiều tháng trước

Ngày 06/01/2021, người ủng hộ Trump chỉ mất vài giờ để càn quét Đồi Capitol, nhưng Tổng thống Trump và các đồng minh đã kêu gọi họ hành động từ trước đó nhiều tháng.

Các nghị sĩ từ cả hai đảng đều cho rằng chính những luận điệu của Trump và các đồng minh đã châm ngòi cho cuộc bạo loạn ở Đồi Capitol hôm 6/1, làm 5 người chết.


Tổng thống Donald Trump phát biểu trước đám đông ủng hộ ở thủ đô Washington hôm 6/1. Ảnh: Reuters.

Ngay từ những giờ đầu tiên sau khi các điểm bỏ phiếu đóng cửa ngày 3/11/2020, Trump, gia đình ông và luật sư riêng Rudy Giuliani đã tuyên bố cuộc bầu cử bị gian lận bằng các phiếu giả.

Tuy nhiên, không có bằng chứng nào về gian lận trên diện rộng được đưa ra. Trong những tuần sau đó, hơn 50 đơn kiện của chiến dịch Trump và người ủng hộ đã bị bác bỏ trước những toà án bang và liên bang, cũng như Toà án Tối cao.

Tổng thống Trump liên tục quảng bá về một cuộc biểu tình đã được lên kế hoạch của những người ủng hộ ông trên tài khoản Twitter có 88 triệu người theo dõi."Biểu tình lớn ở Washington ngày 6/1. Hãy đến đó, sẽ rất quyết liệt!", ông viết hôm 19/12/2020.


Con trai cả của Trump, Donald Trump Jr.

Con trai cả của Trump, Donald Trump Jr. , còn cảnh báo những người không ủng hộ nỗ lực của cha mình trong một bài phát biểu tại cuộc mít tinh Đồi Capitol hôm 6/1: "Chúng tôi đang đến gặp các bạn đây".


Nước Mỹ thức tỉnh

4 năm qua, bất chấp những cảnh báo về hậu quả khôn lường từ phong cách chính trị cực đoan của Trump, nền tảng ủng hộ ông vẫn đông đảo.

Sau khi Joe Biden giành chiến thắng trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng 03/11/2020 và không khí trong đảng Dân chủ thay đổi hoàn toàn khi kỳ tích được tạo ra tại Georgia, với chiến thắng của cả hai ứng viên thượng nghị sĩ Dân chủ Raphael WarnockJon Ossoff trước các đối thủ Cộng hòa Kelly LoefflerDavid Perdue trong cuộc bầu cử vòng hai ngày 5/1/2021.

Giữa lúc đất nước rung chuyển vì cảnh tượng chưa từng có trong lịch sử, cảm xúc của những người từ lâu đã lên tiếng cảnh báo về hậu quả từ chủ nghĩa Trump trở nên phức tạp. Họ cảm thấy lý lẽ của mình cuối cùng cũng được công nhận, nhưng cũng không tránh khỏi nỗi kinh hoàng.


THAM KHẢO

Người biểu tình dọa quay trở lại Điện Capitol cùng vũ khí: Ngày 17/1 và ngày 20/1 lọt vào "tầm ngắm"
https://soha.vn/nguoi-bieu-tinh-doa-quay-tro-lai-dien-capitol-cung-vu-khi-ngay-17-1-va-ngay-20-1-lot-vao-tam-ngam-20210111115936482.htm

Mỹ truy tìm chủ mưu vụ bạo loạn Đồi Capitol
https://vnexpress.net/my-truy-tim-chu-muu-vu-bao-loan-doi-capitol-4219308.html

Nước Mỹ thức tỉnh sau 'cuồng phong' Trump
https://vnexpress.net/nuoc-my-thuc-tinh-sau-cuong-phong-trump-4219056.html

Trump châm ngòi cuộc tấn công Đồi Capitol từ nhiều tháng trước
https://vnexpress.net/trump-cham-ngoi-cuoc-tan-cong-doi-capitol-tu-nhieu-thang-truoc-4218542.html

Cựu binh 'làm loạn' Đồi Capitol bị vợ cũ tố cáo
https://vnexpress.net/cuu-binh-lam-loan-doi-capitol-bi-vo-cu-to-cao-4219897.html









Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire