Trương Thanh Long
Sưu tầm - Biên soạn - Bình Luận
Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Tiếp nối làn sóng dịch chuyển vốn đầu tư và di dời cơ sở sản xuất trước nỗi lo thương chiến Mỹ - Trung trong năm 2018 và 2019, mở đầu năm 2020, các tập đoàn đa quốc gia, doanh nghiệp nhiều nước tiếp tục rút khỏi Trung Quốc trước những lo ngại và thiệt hại từ đại dịch Covid-19.
Rời Trung Quốc đến nơi khác
Nhận thấy thực trạng trên cũng như để đối phó với những cú sốc tương tự trong tương lai, doanh nghiệp nhiều nước đã tìm cách rút ra khỏi Trung Quốc. Đơn cử như Chính phủ Nhật Bản mới đây cho biết sẽ hỗ trợ 23,5 tỷ yên, tương đương 220 triệu USD để khuyến khích doanh nghiệp chuyển hoạt động sang các quốc gia Đông Nam Á, cũng như hỗ trợ tài chính cho các công ty Nhật Bản chuyển địa điểm sản xuất ở nước ngoài về nước.
Xưởng sản xuất của liên doanh ôtô Honda Đông Phong giữa Nhật Bản và Trung Quốc tại Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc - Ảnh: AFP
Các công ty cũng có thể nhận được trợ cấp khi mở thêm nhà máy hoặc thúc đẩy công suất hiện có ở Nhật Bản, nhằm thúc đẩy sản xuất trong nước các mặt hàng hiện phải nhập khẩu nhiều từ những khu vực nhất định. Sáng kiến này được đưa ra sau khi nhiều hãng sản xuất ô tô và các nhà chế tạo khác của Nhật Bản bị thiếu hụt phụ tùng sản xuất ở Trung Quốc, sau khi đại dịch Covid-19 bùng phát vào cuối năm 2019 ở thành phố Vũ Hán.
Ủy viên Thương mại Liên minh châu Âu (EU) - ông Phil Hogan hôm 21/4/2020 tuyên bố EU sẽ tìm cách giảm bớt sự phụ thuộc thương mại vào Trung Quốc sau khi Covid-19 qua đi. Giai đoạn dịch bệnh bùng phát vừa qua đã phơi bày nhiều vấn đề liên quan đến sự phụ thuộc vào Trung Quốc, chẳng hạn thiết bị y tế, khi nhiều sản phẩm nhập từ Trung Quốc vào các nước châu Âu cho thấy kém chất lượng.
Trong khi đó, nếu như vào năm ngoái, nhiều công ty Mỹ đã thuyết phục các đối tác ở Trung Quốc di dời nhà máy sản xuất đến Đông Nam Á, hoặc rút hẳn hệ thống sản xuất ra khỏi Trung Quốc để tránh thuế trừng phạt của chính quyền Tổng thống Donald Trump, cũng như nhằm sắp xếp lại chuỗi cung ứng, thì trong đầu năm nay, hàng loạt công ty Mỹ tìm cách rút khỏi Trung Quốc và tìm cách đa dạng hóa nguồn cung, nhằm giảm thiểu rủi ro thay vì dựa hoàn toàn vào Trung Quốc để rồi lĩnh hậu quả, như những gì đã xảy ra trong đại dịch Covid-19.
Các nguồn tin tiết lộ Apple đang dịch chuyển chuỗi sản xuất khỏi Trung Quốc - Ảnh: NIKKEI
Việc hãng sản xuất điện thoại Apple trong những tháng qua liên tiếp đăng tin tuyển dụng nhân sự tại Việt Nam, cho thấy dấu hiệu tập đoàn này muốn mở rộng sản xuất tại Việt Nam. Trước đó một sản phẩm của Apple là AirPods đã có kế hoạch sản xuất tại Việt Nam từ cuối năm 2019. Sau đó vào tháng 1/2020, Pegatron - một trong những đối tác chiến lược của Apple chuyên lắp ráp iPhone, iPad, MacBook được cho là sẽ mở nhà máy tại Việt Nam và Indonesia vào cuối năm 2020.
Vẫn là hoạt động kinh tế ở Trung Quốc nhưng liên quan đến vấn đề nhân quyền đang được báo chí quan tâm là tình trạng ngược đãi với sắc tộc theo Hồi Giáo Duy Ngô Nhĩ.
Khu tự trị Duy Ngô Nhĩ Tân Cương (XINJIANG)
Nhật báo Libération có bài phóng sự : « Người Duy Ngô Nhĩ, lao động cưỡng bức cho các nhãn hiệu ». Tờ báo nêu thực trạng chế độ Bắc Kinh khai thác nguồn lực tài nguyên ở tỉnh Tân Cương bằng lao động cưỡng bức sắc tộc thiểu số Duy Ngô Nhĩ qua chương trình « cải tạo ». Việc này có dính dáng đến hàng chục công ty đa quốc gia. Họ đã vô tình tiếp tay cho việc làm đó của chính quyền Trung Quốc.
Theo Libération, những tháng qua, nhiều điều tra được công bố ở các nước phương Tây đã phơi bày tình trạng Trung Quốc sử dụng lao động cưỡng bức là những người Duy Ngô Nhĩ trong các lĩnh vực nông nghiệp cũng như công nghiệp ở Tân Cương. Mới đây, 180 tổ chức phi chính phủ ở 36 nước đã ra lời kêu gọi chấm dứt việc làm này.
Từ ba năm nay, 11 triệu người Duy Ngô Nhĩ đã bị chính quyền Bắc Kinh thực thi chính sách hà hiếp để phục vụ mục đích chính trị và kinh tế. Theo nhật báo Pháp, đó là các vụ bắt giữ ồ ạt, chia rẽ gia đình, cưỡng chế tịch thu đất đai nhà cửa, triệt sản, xóa bỏ ngôn ngữ, văn hóa và tôn giáo và cả lao động cưỡng bức ở bên trong cũng như bên ngoài các trại cải tạo tập trung.
Là một tỉnh lớn, rộng gấp 3 lần nước Pháp, có biên giới với 8 quốc gia, Tân Cương nằm ở vị trí đắc địa trong dự án Con Đường Tơ Lụa Mới của Trung Quốc. Việc khống chế người dân ở vùng này cho phép chế độ Bắc Kinh khai thác tối đa nguồn tài nguyên thiên nhiên của vùng đất như dầu mỏ, khí đốt, đất hiếm, hay cả năng lượng mặt trời. Đặt các nhà máy ở ngã tư trục đường thương mại Trung Á sẽ mang lại nguồn lợi lớn.
Trong một báo cáo mang tiêu đề « Người Duy Ngô Nhĩ để bán » công bố tháng 3/2020, trung tâm tham vấn Úc ASPI (Australian Strategic Policy Institute) khẳng định « ít nhất có 83 nhãn mác sản phẩm tầm quốc tế đã sử dụng nguồn nhân lực cưỡng bức Duy Ngô Nhĩ trong dây chuyền sản xuất.» Các tập đoàn tên tuổi như Amazon, Apple, Bombardier, BMW, Jaguar, Nokia, Zara và hàng chục tập đoàn khác trong thương mại thế giới ít nhiều đều có liên quan.
Cơ hội cho Việt Nam
Xu hướng chuyển dịch chuỗi cung ứng của các tập đoàn lớn cũng đem lại cơ hội mới cho nhiều quốc gia. Dù có những lợi thế nhất định, Việt Nam vẫn chỉ là một trong những tay đua trong cuộc chạy đua thu hút đầu tư ngoại.
“Gần như chắc chắn một số sẽ rời khỏi Trung Quốc nhưng cũng chỉ ở mức giới hạn vì Trung Quốc có lợi thế cạnh tranh đáng kể so với các quốc gia khác. Câu hỏi lớn nhất đối với Việt Nam là làm sao xây dựng được năng lực hiệu quả để thu hút những chuyển dịch đó của chuỗi cung ứng” - ông Stephen Olson, cựu chuyên gia đàm phán của Mỹ và hiện đang làm việc tại Quỹ Hinrich Foundation.
Theo ông Olson, để tối ưu hóa cơ hội trước mắt, Việt Nam cần cải thiện hạ tầng công nghệ cũng như kỹ năng của lực lượng lao động. Ông cho rằng sự chuyển dịch chuỗi sản xuất sẽ đem lại nguồn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) đáng kể cho Việt Nam.
“FDI mang lại cả những “tác dụng phụ” có lợi đối với doanh nghiệp nội. Tuy nhiên, Việt Nam cần đảm bảo FDI được sử dụng một cách bền vững. Điều đó có nghĩa là FDI không nên chỉ phục vụ mục đích tạo ra tăng trưởng kinh tế cân bằng, mà còn phải củng cố được nguồn vốn xã hội và hỗ trợ việc quản lý môi trường” - ông Olson lưu ý.
Theo GS Julien Chaisse (tại Trường luật thuộc Đại học Hong Kong, một chuyên gia về vấn đề thương mại), bên cạnh việc lôi kéo đầu tư từ nước ngoài, Việt Nam cần chăm chút cho cả sự phát triển của nền công nghiệp nội địa. Ông cho rằng đây là điều rất quan trọng vì phụ thuộc quá nhiều vào đầu tư ngoại là cách làm không bền vững.
Ông Chaisse cũng cho rằng Việt Nam nên nỗ lực thu hút những doanh nghiệp công nghệ tiên tiến như Google và Microsoft, đồng thời tận dụng tất cả lợi thế từ những hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký trong những năm qua, bao gồm Hiệp định thương mại tự do Liên minh châu Âu - Việt Nam (EVFTA) và Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
BÌNH LUẬN
Trận đại dịch virus corona bùng lên từ Trung Quốc rồi lan ra khắp thế giới đã làm lộ rõ sự lệ thuộc của các hoạt động kinh tế thế giới, nhất là của các nước phát triển, vào « công xưởng thế giới » Trung Quốc.
Giờ đây nhiều nước đã ý thức được là phải thu xếp di dời sản xuất khỏi Trung Quốc hoặc hồi hương các hoạt động sản xuất chiến lược. Vấn đề đang trở nên cấp bách, ít ra là để đa dạng hóa nguồn cung ứng, tạo thế chủ động để đề phòng một cú sốc kinh tế mới.
Ảnh minh họa : Quân đội Trung Quốc luyện tập tại căn cứ Bayingol, vùng tự trị Tân Cương. Ảnh tư liệu 21/01/2016. REUTERS - China Stringer Network
Khoảng một triệu người Duy Ngô Nhĩ bị nhốt trong các « trung tâm dạy nghề » mọc lên như nấm ở Tân Cương trong thời gian nhanh đến chóng mặt từ năm 2013. Mức tăng dân số ở Tân Cương đã giảm 84% từ năm 2015 đến 2018 vì chính sách cưỡng ép triệt sản… Tộc người thiểu số Duy Ngô Nhĩ theo Hồi Giáo đang bị Hán hóa, thậm chí bị « diệt chủng » theo một số cáo buộc gần đây.
Trấn áp người Duy Ngô Nhĩ : Trung Quốc ngang nhiên vì không sợ bị xét xử
https://www.youtube.com/watch?v=2utoaLjbSHk
Hoa Kỳ kêu gọi Trung Quốc ngừng trấn áp người Duy Ngô Nhĩ (VOA)
https://www.youtube.com/watch?v=-eyCM0Q8XPE
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire