Trương Thanh Long
Sưu tầm - Biên soạn - Bình Luận
Ảnh minh họa từ Internet.
Ngạn ngữ có câu: “Uốn lưỡi 7 lần trước khi nói” để nhắc nhau phải thận trọng trong phát ngôn.
Lời nhắc nhở khuyên răn nầy là cả một kinh nghiệm trong việc giao tiếp xử thế của người xưa. Bởi người xưa rất am hiểu và rất sợ cái lưỡi không xương của con người. Chính vì nó không xương nên nó mới có nhiều đường lắt léo. Nó muốn uốn như thế nào cũng được. Nó uốn xuôi cũng được mà uốn ngược cũng hay.
Khi có cảm tình với ai, thì nó uốn theo ý muốn của người đó. Có khi vì muốn được quyền lợi riêng tư nào đó, thì nó uốn cong theo kiểu ton hót nịnh bợ. Người đó muốn thứ gì nó cũng uốn chiều theo được hết. Mục đích nó uốn là để lấy lòng thủ lợi. Dù cho người đó xử sự hành động trăm lần sai trái, nó cũng uốn cong ca ngợi người đó cái gì cũng tốt đẹp hết. Đó là nó uốn theo chiều gió để được hưởng chút lợi lộc. Nó uốn miễn sao được vinh thân phì gia thì thôi. Nó không cần biết đến phẩm cách thể diện giá trị làm người chi cả. Đây là nó uốn theo chiều hạ đẳng để được lợi lộc ấm thân.
Ngược lại, khi mà nó ghét ai, thì nó uốn theo kiểu trù rủa, đâm thọc, nói xấu, đặt điều thêm thắt, mắng nhiếc, nhục mạ. Nghĩa là bằng mọi cách nó phải dìm hại người đó cho đến chết mới thôi. Đó là nó uốn theo chiều gian xảo quỷ quyệt rất là độc ác. Đại khái nó uốn theo cách đường mật cũng được hay nó uốn theo cách cay đắng như ớt như bồ hòn cũng xong.
Ảnh minh họa từ Internet.
Chính vì không muốn cho lưỡi uốn một cách vô ý thức và gây ra nhiều tội ác như thế, nên người xưa mới khuyên răn người ta trước khi nói phải uốn lưỡi bảy lần. Lời dạy nầy là hàm chứa một ẩn ý mang tính chất ngụ ngôn. Nghĩa là cái ý hay đẹp nó ẩn trong lời nói. Thật ra, không có ai phải uốn cái lưỡi bảy lần rồi mới nói. Nếu hiểu theo nghĩa đen như thế, thì thử hỏi làm sao chúng ta giải thích được. Đâu có ai điên khùng gì đến độ trước khi nói phải uốn cong cái lưỡi lên xuống qua lại bảy lần rồi mới nói.
Nói tóm lại, nói uốn lưỡi bảy lần, đó là cách nói ẩn ý ngụ ngôn mà người xưa đã khuyến nhắc chúng ta phải hết sức cẩn trọng giữ gìn ở nơi lời nói. Vì:
- “lời nói không mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”.
- “Chim khôn kêu tiếng rảnh rang, người khôn nói tiếng dịu dàng dễ nghe”.
Một lời nói hưng nhà lợi nước, cũng một lời nói mà nước mất nhà tan. Một lời nói tán thân mất mạng và một lời nói cứu muôn vạn sanh linh. Ta nên dùng lời ái ngữ chân thật trong khi giao tiếp với mọi người.
Những phát ngôn… để đời
Tại phiên chất vấn kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII diễn ra chiều 17/11/2014, Bộ trưởng Bộ Công thương lúc đó là ông Vũ Huy Hoàng đã trả lời rằng: “Công tác đấu tranh của riêng Quản lý thị trường đã cố gắng nhưng phương tiện công cụ vừa yếu, vừa thiếu. Một câu chuyện có thật là, ở nhiều nơi thanh kiểm tra, anh em cán bộ phải dùng miệng để kiểm tra chất lượng phân bón!”.
Còn ông Nguyễn Xuân Hồng, Cục trưởng Cục Bảo vệ Thực vật, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) lại có vẻ rất lạc quan: “So với mấy triệu tấn nông sản nhập từ nước ngoài vào thì con số 300 tấn hoa quả Trung Quốc nhiễm độc vẫn còn thấp”. “Mức này là cực kỳ an toàn và người tiêu dùng đã sử dụng số hoa quả bị phát hiện nhiễm độc vẫn đang còn rất an toàn”, ông Cục trưởng khẳng định chắc như đinh đóng cột!
Còn nhớ hồi đương chức, ông Giàng Seo Phử từng nói câu bất hủ: “Bán vé số tôi cho là có thu nhập cao, đóng góp cho ngân sách nhà nước rất cao” dù biết rằng số tiền họ kiếm được chỉ “đủ trang trải cho một ngày ăn…”.
Kỉ lục của ông Sử sau đó bị xô ngã bởi ông Hồ Kinh Kha – Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Tiền Giang. Ông này đã khám phá ra một sự thật động trời: “người tàn tật, đi bán vé số bằng xe lăn có thể bán mỗi ngày 3.000 tờ”, với huê hồng 1.100đ/tờ thì thu nhập mỗi tháng xấp xỉ 100 triệu.
Không chịu kém cạnh đồng liêu, ông Nguyễn Mạnh Tiến (Tây Ninh), Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại của QH khẳng định: “Người bán trà đá tại Việt Nam là có tỷ suất lợi nhuận cao nhất trên thế giới, 5.000-7.000% nhưng lại không đóng đồng nào cho ngân sách”.
Những phát ngôn gây sốc nói trên là hệ quả của lối làm việc quan liêu, xa rời thực tế, đặc biệt là xa rời nhân dân. Nó cũng cho thấy sự bất cập trong năng lực quản lý chuyên môn của một số cán bộ lãnh đạo. Giá như các vị chịu khó đi sâu đi sát lĩnh vực mình phụ trách, giá như các vị gần gũi với dân hơn để hiểu rõ dân tình thì chắc chắn sẽ không có những lời nói quan cách, những phát biểu vô cảm, những đề xuất khôi hài, những áp đặt phi lý.
Bằng cấp, học vị liệu có tương xứng với tri thức và văn hóa ứng xử?
Theo dõi những phát biểu gây sốc của các quan chức trong thời gian qua thì thấy, họ đều là những người không chỉ có vị thế cao trong xã hội mà còn được đào tạo rất bài bản. Danh xưng của họ vang lên hào sảng trước công chúng với một lô chức vụ oai phong đi liền với những học hàm, học vị, nào là giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ,… khiến cho ai nghe thấy cũng phải nể phục.
Tiến Sỹ Đàm Thị Hệ -Trưởng phòng TNMT Xưng Mày Tao Quát Nạt Dân
Đầu năm 2019, dư luận từng dậy sóng chuyện bà Đàm Thị Hệ, Tiến sĩ, Trưởng phòng Tài nguyên – Môi trường thị xã Gia Nghĩa (Đắk Nông) xuất hiện trong một clip đăng tải trên mạng xã hội YouTube.
Và đây, chuyện nóng bỏng nhất vừa diễn ra. Tại kỳ họp thứ 15 của Hội đồng Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, nữ đại biểu Phan Thị Hồng Xuân, Phó giáo sư - Tiến sĩ, đã có những phát biểu tạo sóng dư luận.
- Bàn về chuyện chống ngập cho thành phố, bà Xuân đề xuất sáng kiến dùng lu chống ngập.
- Bàn về chuyện xả rác bừa bãi xuống kênh rạch, nơi công cộng, bà Xuân đề nghị trục xuất người nhập cư vì tội xả rác: “TPHCM có thể yêu cầu họ trở về nơi cư trú cũ, vì Anh ơi đô thành ở đây em sống không quen”.
Trao đổi với phóng viên trước phản ứng của dư luận sau đề xuất dùng lu chống ngập, bà Xuân tỏ thái độ mong muốn xử lý những ai đã “ném gạch đá” bà: “Tôi hy vọng luật an ninh mạng sẽ sớm được triển khai để xử lý những đối tượng này, bảo vệ những người tâm huyết, có nguyện vọng muốn xây dựng thành phố, đất nước”.
Tại sao bà Xuân phải hứng “gạch đá” của dư luận vì những phát biểu gây sốc của mình?
Trước hết, không ai xem đề xuất dùng lu chống ngập của nữ PGS.TS là sáng kiến hay ý tưởng sáng tạo cả vì nó phi lý, phi thực tế. Hơn nữa đây lại là đề xuất của một Trưởng khoa đô thị học, người chắc chắn phải nắm rất vững kiến thức về đô thị thời công nghệ 4.0. Một cái lu thì chứa được bao nhiêu nước? TP. HCM nhà cửa chật chội, diện tích nhà phần lớn chỉ khoảng trên dưới 50 m2. Lu không thể đặt trên mái nhà hay sân thượng được vì nước không chảy ngược, lu không thể đặt trước nhà vì sẽ lấn chiếm lòng đường hè phố, cản trở giao thông. Giá như bà Trưởng khoa đô thị học cẩn trọng một tí rằng, kế thừa truyền thống dùng lu chứa nước của ông cha, kết hợp với kinh nghiệm của nước ngoài như Nhật Bản đề xuất nên chăng thành phố đầu tư xây dựng hệ thống đường hầm và bể chứa nước đủ lớn để giảm thiểu lượng nước gây ngập mỗi khi mưa xuống, thì có lẽ dư luận sẽ… nhiệt liệt hoan nghênh.
Về đề nghị trục xuất người nhập cư vì tội xả rác, luật sư Trần Thu Nam,Trưởng văn phòng luật sư Tín Việt, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, đó là đề xuất vi hiến. “Không có quy định cứ xả rác là bị trục xuất khỏi thành phố. Như vậy là xâm phạm quyền con người và vi Hiến”. Còn việc trích dẫn câu hát không đúng chỗ của bà, theo luật sư Nam là “vay mượn trình diễn kệch cỡm. Bài hát, lời thơ nói về tình yêu, tình cảm trai gái chứ không nói về việc xả rác. Trích dẫn lời thơ này có ý miệt thị người tỉnh lẻ, nông thôn đến thành phố. Đây là hành vi không thể chấp nhận đươc về văn hoá, ứng xử”.
Chuyện phát ngôn của nữ đại biểu, PGS.TS Phan Thị Hồng Xuân cũng như của nữ TS. Trưởng phòng Đàm Thị Hệ là bài học nhớ đời không chỉ riêng người trong cuộc mà còn cho mọi người về hành vi ứng xử, giao tiếp hằng ngày.
Để có được lời nói chuẩn mực, có sức thuyết phục, việc phải “lựa lời mà nói” hay “uốn lưỡi bảy lần trước khi nói” là điều mà ai cũng phải nghĩ tới nếu không muốn dư luận chê cười hay chuốc vạ vào thân.
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire