mercredi 6 mai 2020

BLOG : Lịch sử của 'thành phố Sài Gòn'


Trương Thanh Long
Sưu tầm - Biên soạn - Bình Luận

Chợ Bến Thành quận 1 – biểu tượng của thành phố Hồ Chí Minh

Thành phố Hồ Chí Minh (thường được gọi là Sài Gòn) là một trong hai thành phố lớn nhất Việt Nam, đồng thời cũng là một trong những trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa và giáo dục quan trọng nhất của Việt Nam. Hiện nay, Thành phố Hồ Chí Minh là thành phố trực thuộc trung ương được xếp loại đô thị đặc biệt của Việt Nam, cùng với thủ đô Hà Nội.

Chân dung Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh tại dinh Ông xã Kiến An, Chợ Mới, An Giang

Vùng đất này ban đầu được gọi là Prey Nokor theo tiếng Khmer của người dân bản địa. Tên gọi này có nghĩa là "thành trong rừng". Vì sự sụp đổ của đế chế Khmer, vùng Nam Bộ trở thành đất vô chủ, về sau đã sáp nhập vào Đại Việt nhờ công cuộc khai phá miền Nam của chúa Nguyễn. Năm 1698, Nguyễn Hữu Cảnh (1650–1700) cho lập phủ Gia Định, đánh dấu sự ra đời thành phố.

Dinh Độc Lập, công trình lịch sử tiêu biểu của Thành phố Sài Gòn.

Khi Pháp vào Đông Dương, để phục vụ công cuộc khai thác thuộc địa, thành phố Sài Gòn được thành lập và nhanh chóng phát triển, trở thành một trong hai đô thị quan trọng nhất Việt Nam. Sài Gòn cũng là thủ đô của Liên bang Đông Dương giai đoạn 1887–1901 (về sau, Pháp chuyển thủ đô Liên bang Đông Dương ra Hà Nội). Năm 1949, Sài Gòn trở thành thủ đô của Quốc gia Việt Nam, một chế độ do thực dân Pháp thành lập trong thời kỳ tái chiếm Việt Nam, và sau này là thủ đô của Việt Nam Cộng hòa. Kể từ đó, thành phố này trở thành một trong những đô thị quan trọng nhất của miền Nam Việt Nam. Sau khi Việt Nam Cộng hòa sụp đổ trong sự kiện 30 tháng 4 năm 1975, quân Mỹ rút lui hoàn toàn và lãnh thổ Việt Nam được thống nhất.


Quy hoạch Sài Gòn vào thời kỳ thuộc Pháp

Tranh vẽ của Pháp về cuộc bao vây thành Gia Định năm 1859 bởi các lực lượng Pháp-Tây Ban Nha.

Ngay sau khi chiếm được thành Gia Định vào năm 1859, Pháp gấp rút quy hoạch lại Sài Gòn thành một đô thị lớn nhằm phục vụ mục đích khai thác thuộc địa và làm nơi cư trú cho quan chức Pháp. Đồ án thiết kế được Phó Đô đốc PhápPage (về sau là Charner) cử trung tá công binh PhápPaul Florent Lucien Coffyn (1810 – 1871), nguyên Lãnh sự Pháp ở Hoa Kỳ, thiết kế. 

Florent Lucien Coffyn (1810 – 1871)

Theo bản đồ của Coffyn được công bố vào ngày 13/5/1862, quy hoạch ban đầu của Sài Gòn bao gồm cả tỉnh Chợ Lớn với khoảng 500.000 dân, tức khoảng 20.000 dân/km². Nhưng đến 1864, nhận thấy diện tích dự kiến của thành phố quá rộng, khó bảo đảm về an ninh, Soái phủ Pháp ở Nam Kỳ (Gouverneur Amiral de la Cochinchine) lúc đó là Chuẩn đô đốc Pierre Rose quyết định tách Chợ Lớn khỏi Sài Gòn. Ngày 03/10/1865, Pierre Rose ra lệnh quy hoạch lại Sài Gòn chỉ còn là khu vực nằm giữa rạch Thị Nghè, sông Sài Gòn, rạch Bến Nghé và đường mới khu cầu Ông Lãnh hiện nay. Toàn bộ quy hoạch chỉ còn rộng khoảng 3 km².

Bản đồ Sài Gòn năm 1896, rộng khoảng 7km².

Rất nhanh chóng, các công trình quan trọng của thành phố, như Dinh Thống đốc Nam Kỳ, Dinh Toàn quyền, được Pháp thiết kế và huy động nhân công xây dựng. Sau 2 năm người Pháp xây dựng và cải tạo, khu quy hoạch rộng khoảng 3 km² nói trên đã hoàn toàn thay đổi.

Đất Nam Kỳ vào đầu thời nhà Nguyễn, cho đến trước năm 1841.

Thành phố Sài Gòn khi đó được thiết kế theo mô hình châu Âu, nơi đặt văn phòng nhiều cơ quan công vụ như: dinh thống đốc, nha giám đốc nội vụ, tòa án, tòa thượng thẩm, tòa sơ thẩm, tòa án thương mại, tòa giám mục,... Nam Kỳ Lục tỉnh (Basse-Cochinchine) là thuộc địa của Pháp và Sài Gòn nằm trong tỉnh Gia Định. Vào năm 1861, địa phận Sài Gòn được giới hạn bởi một bên là rạch Thị Nghè và rạch Bến Nghé với một bên là sông Sài Gòn cùng con đường nối liền chùa Cây Mai với những phòng tuyến cũ của đồn Kỳ Hòa.

Tổng thống thứ tư của Pháp (1807 - 1891)

Đến năm 1867, việc quản lý Sài Gòn được giao cho Ủy ban thành phố gồm 1 ủy viên và 12 hội viên; đứng đầu là viên Thị trưởng người Pháp tên là Charles Marie Louis Turc (1867–1871). Cho tới nửa đầu thập niên 1870, thành phố Sài Gòn vẫn nằm trong địa hạt hành chính tỉnh Gia Định. Ngày 15/03/1874, Tổng thống Pháp Jules Grévy ký sắc lệnh thành lập thành phố Sài Gòn. Đứng đầu là viên Thị trưởng người Pháp, đầu tiên là G. Vinson (1874 –1876). Đến năm 1879 thì Pháp cho lập thêm Hội đồng thành phố Sài Gòn (hay đúng ra là Ủy hội thành phố – Commission municipale).


Về danh hiệu 'Sài Gòn - Hòn ngọc viễn Đông' thời Pháp

Xưởng thuốc phiện (Manufacture d'Opium) ở Sài Gòn thời thuộc Pháp. Khu xưởng này cung ứng từ ⅓ đến ½ ngân sách toàn Đông Dương.

Trong suốt thời kỳ Pháp thuộc, Sài Gòn trở thành trung tâm quan trọng, cả về hành chính lẫn kinh tế, văn hóa, giáo dục của Liên bang Đông Dương, được thực dân Pháp mệnh danh là Hòn ngọc Viễn Đông (la perle de l'Extrême-Orient) hoặc một Paris nhỏ ở Viễn Đông (le petit Paris de l'Extrême-Orient) trong số các thuộc địa của Pháp. Trước đó, thực dân Anh đã chiếm Ấn Độ và gọi nước này là "hòn ngọc trên vương miện của Nữ hoàng Anh", vì vậy Pháp đặt ra danh xưng này cho Sài Gòn để tỏ ý muốn cạnh tranh việc xâm chiếm thuộc địa với đối thủ Anh.

Chợ Bến Thành, Sài Gòn thời thuộc địa với những cột Morris đặc trưng của Pháp.

Tuy được Pháp gọi là "Hòn ngọc Viễn Đông", nhưng thực ra thời ấy Sài Gòn rất nhỏ, chỉ cần đi xa 20 km là có thể săn thú rừng. Theo quy hoạch của Pháp, Sài Gòn khi đó chỉ rộng khoảng 3 km²; gần bằng một nửa Quận 1 hiện nay (rộng khoảng 8 km²), bao bọc bởi sông Sài Gòn – Nguyễn Thái Học – Nguyễn Thị Minh Khai – rạch Bến Nghé. Chính quyền thuộc địa Pháp tập trung tất cả những gì sang trọng, giàu có nhất mà họ có được ở diện tích 3 km² này, phần còn lại của Sài Gòn thì vẫn còn rất hoang sơ, đầm lầy ngổn ngang.

Khu vực cầu Ông Lãnh và con rạch nhỏ chảy ra rạch Bến Nghé (nay là đường Nguyễn Thái Học, Quận 1) thời kỳ đầu thế kỷ 20 còn rất hoang sơ.

Theo Sơn Nam trong “Bến Nghé xưa” thì khi Chợ Bến Thành hoàn thành năm 1914,

trước mặt còn là ao vũng sình lầy. Giữa Sài Gòn và Chợ Lớn phía đất thấp (…), còn ruộng lúa với người cày, ao nuôi vịt, ngọn rạch cạn. Giữa Sài Gòn và ở phần đất cao còn nhiều chòm tre, cây da, mồ mả to xen vào những đám rẫy trồng rau cải và bông hoa, những xóm nhà ổ chuột; bầy bò dê đi lang thang ăn cỏ”.

Khu Hòa Hưng (Quận 10 hiện nay) cho đến ngã tư Bảy Hiền hiện nay có vô số nghĩa trang, mồ mả. Khu Nguyễn Thiện Thuật, Lý Thái Tổ, Nguyễn Đình Chiểu (Quận 3 hiện nay) toàn nhà lá nền đất xây dựng tạm bợ không theo quy hoạch nào. Khu Quận 4, Quận 7, khu Cầu Ông Lãnh, Cầu Kho,… sát cạnh chợ Bến Thành đa số là nhà tranh vách lá tạm bợ.


Đô thành Sài Gòn

Từ năm 1946, Sài Gòn đã là thủ đô của Cộng hòa tự trị Nam Kỳ rồi năm 1949 là thủ đô của Quốc gia Việt Nam. Đến năm 1955, Việt Nam Cộng hòa được thành lập, Sài Gòn khi đó là thành phố lớn nhất tại miền Nam Việt Nam đã được chọn làm thủ đô với tên gọi chính thức "Đô thành Sài Gòn" (lưu ý, cách viết thông dụng thời đó là "Saigon").

Sau năm 1955, tên đường phố Sài Gòn vốn trước kia toàn là tên Pháp nay đồng loạt đổi tên tiếng Việt (trừ một số ngoại lệ). Việc này do Phòng Họa đồ thuộc Ty Kỹ thuật do Ngô Văn Phát điều hành; ông sắp xếp và chọn lựa tên các danh nhân dựa trên tầm vóc lịch sử và quy tụ gần nhau những nhân vật cùng thời kỳ có liên quan với nhau, như đường Cô GiangCô Bắc thì phải gần đường Nguyễn Thái Học; đường Lê Lai thì nhỏ, gần Đại lộ Lê Lợi lớn hơn. Những ý tưởng như Công lý, Tự do, Cộng hòa cũng được dùng đặt tên, tạo cho thành phố những đặc trưng mới.

Lễ phát huân chương cho quan lại Việt Nam thời Pháp thuộc.

Khi Chiến tranh Đông Dương (1946 - 1954) lan rộng thì di dân từ nông thôn lên thành thị tăng nhanh. Vào thời điểm 1948, vùng Sài Gòn dân số đã lên đến 1,179 triệu người, đến năm 1949 thì dân số khu vực đã tăng lên 1.200.000, và sang năm 1954 với hàng trăm nghìn người di cư mới (phần đông là người Công giáo, còn gọi là dân Bắc Kỳ Công giáo) từ phía bắc vĩ tuyến 17 thì dân số Sài Gòn leo cao, đạt 2.000.000. Dân di cư tập trung tại các khu vực như Xóm Mới – Gò Vấp, Bình An – Quận 8, và rải rác tại các quận khác. Với Nghị định số 110-NV ngày 27 tháng 3 năm 1959 của Tổng thống Ngô Đình Diệm, từ 6 quận, Sài Gòn được chia lại thành 8 quận với tổng cộng 41 phường.

Vào nửa cuối thập niên 1950, nhờ viện trợ của Chính phủ Hoa Kỳ, Sài Gòn trở thành một trung tâm về chính trị, kinh tế, văn hóa, giải trí tại miền Nam Việt Nam, là thành phố lớn nhất của kinh tế Việt Nam Cộng hòa. Từ giữa thập niên 1960 đến những năm đầu thập niên 1970, việc Quân đội Hoa Kỳ vào tham chiến tại miền Nam Việt Nam cũng gây nên những xáo trộn đối với thành phố. Nhiều cao ốc, công trình quân sự mọc lên. Lối sống của giới trẻ Sài Gòn cũng chịu ảnh hưởng bởi văn hóa phương Tây được du nhập từ binh lính và sách báo Mỹ.

Khu ổ chuột cạnh một con kênh ô nhiễm ở Sài Gòn năm 1956. Những khu ổ chuột như thế này lan rộng khắp Sài Gòn trong thập niên 1960 do người tị nạn cuộc Chiến tranh Việt Nam đổ về thành phố.

Trung tâm thành phố có một số công trình, khu phố được xây dựng to đẹp và sang trọng, tuy nhiên, các công trình này chủ yếu do Pháp xây dựng từ thập niên 1940, các khu nhà mới rất ít được xây dựng kể từ sau năm 1950, trong khi đó dân cư nông thôn đổ về thành thị tìm việc và tránh chiến sự khiến một số khu vực ở Sài Gòn dần trở thành những khu ổ chuột khổng lồ. Khảo sát cho thấy khoảng 40% dân số khu vực Sài Gòn khi đó (tức khoảng 1,2 triệu người) phải sống tại khu ổ chuột với những điều kiện về y tế, vệ sinh rất kém.

Tháng 4/1973, thi hành Hiệp Định Paris ngày 27-1-1973, Quân Lực Hoa Kỳ đơn phương rút khỏi Việt Nam

Tới năm 1973 thì hậu quả của việc phụ thuộc quá mức vào viện trợ đã xảy đến: nền kinh tế miền Nam (trong đó có Sài Gòn) lâm vào khủng hoảng do Mỹ giảm viện trợ kinh tế. Nạn lạm phát trở nên nghiêm trọng: tỷ lệ lạm phát tăng lên 44,5%, và năm 1974 đã vượt quá 200%. Hệ lụy và hậu quả trực tiếp của cuộc khủng hoảng kinh tế gây ảnh hưởng xấu tới Sài Gòn. Với việc Mỹ giảm viện trợ trong khi nền sản xuất nội tại thì yếu kém, nền kinh tế tiêu dùng dựa vào viện trợ của Việt Nam Cộng hòa đã không thể phát triển ổn định, bền vững.

Việc rút đi của hơn nửa triệu quân Mỹ đã để lại một khoảng trống khổng lồ trong nền kinh tế: hàng tỷ đôla hàng năm trước đây được lính viễn chinh Mỹ tung vào xã hội qua các dịch vụ mua sắm ở thành phố, nay không còn nữa. Một khối lượng lớn người lao động làm việc trong các “sở Mỹ” (các văn phòng, trụ sở quân sự của Mỹ) cũng không còn việc làm. Số lượng công nhân làm ở các cơ sở của Mỹ năm 1971 là 100.000 người, đến tháng 12 năm 1972 chỉ còn lại 10.000 người, tạo ra thất nghiệp hàng loạt". Theo phúc trình của VECCO xuất bản tháng 1/1975 thì: Sài Gòn năm 1974 có 3 triệu dân thì có đến 600.000 người thất nghiệp.


Vấn đề Hoa kiều tại Việt Nam sau năm 1975

Sau năm 1975, vấn đề người Hoa tại Sài Gòn trở nên trầm trọng. Người Hoa treo quốc kỳ Trung Quốc và ảnh Mao Trạch Đông trong vùng Chợ Lớn. Hoa kiều kiểm soát gần như toàn bộ các vị trí kinh tế quan trọng ở miền Nam, và đặc biệt nắm chắc 3 lĩnh vực quan trọng: sản xuất, phân phối,tín dụng. Đến cuối năm 1974, người Hoa kiểm soát hơn 80% các cơ sở sản xuất của các ngành công nghiệp thực phẩm, dệt may, hóa chất, luyện kim, điện...và gần như đạt được độc quyền thương mại: 100% bán buôn, hơn 50% bán lẻ, và 90% xuất nhập khẩu. Hoa kiều ở miền Nam gần như hoàn toàn kiểm soát giá cả thị trường.

Cuối năm 1976, chính quyền mới đóng cửa tất cả trường học và tòa báo của người Hoa. Năm 1978, các tư doanh bị quốc hữu hóa. Trong bối cảnh quan hệ Hà Nội – Bắc Kinh chuyển biến xấu, tâm lý bài Hoa lan rộng khắp miền Bắc Việt Nam. Chính quyền Hà Nội thúc ép nhiều gia đình gốc Hoa hồi hương về Quảng Tây.

Một phần của khu phố người Hoa (Ảnh ST

Vấn đề Hoa kiều được Chính phủ Việt Nam xem là một thử thách đối với chủ quyền quốc gia hơn là một vấn đề nội bộ đơn giản. Các chiến dịch Cải tạo tư sản miền Nam nhằm xóa bỏ giai cấp tư sản và thực hiện công hữu hóa theo nguyên lý của chủ nghĩa xã hội được tiến hành. Nhà nước đã quốc hữu hóa các cơ sở sản xuất, xí nghiệp công quản của tầng lớp tư sản lớn bỏ lại, chủ yếu là của người Hoa.

Các doanh nghiệp vừa như nhà in, xưởng thủ công, cửa hàng, cửa hiệu quy mô nhỏ buộc phải kê khai tài sản, vốn liếng trưng thu, trưng mua, tịch thu chuyển thành hợp tác xã. Nhiều chủ doanh nghiệp bị buộc tịch biên không được làm kinh doanh phải chuyển qua sản xuất nông nghiệp hoặc đi kinh tế mới.

Số người vượt biên diễn ra cao điểm vào các năm 1978 - 1979 (thời kỳ diễn ra chiến tranh biên giới Tây Namchiến tranh biên giới Việt - Trung) trong đó chiếm một tỷ lệ đa số là người Hoa, họ vượt biên vì lo sợ chiến tranh nổ ra giữa Việt NamTrung Quốc. Vào năm 1982, số lượng người Hoa chiếm tới 2/3 trong số những người vượt biên từ Việt Nam bằng đường biển. Ngoài ra, có khoảng 250.000 người gốc Hoa vượt biên sang Trung Quốc bằng đường bộ tại biên giới phía Bắc từ tháng 4 năm 1978 đến mùa hè năm 1979. Vào năm 1980, số người vượt biên sang Trung Quốc đạt 260.000 người. Sau giai đoạn này, số Hoa kiều tại Việt Nam đã giảm một nửa (từ 1,8 triệu năm 1975 xuống còn 900.000 vào năm 1989), người Hoa đã không còn là thế lực kiểm soát nền kinh tế Việt Nam như trước nữa, và Việt Nam đã trở thành nước duy nhất ở Đông Nam Á thành công trong việc đồng hóa người Hoa.


Học tập cải tạo tại Việt Nam sau 1975

Sau sự kiện 30 tháng 4 năm 1975, nhiều thường dân ở thành phố hoặc binh lính, sĩ quan, viên chức Việt Nam Cộng hòa và những người cộng tác với Mỹ đã ra nước ngoài định cư. Cũng trong thời gian này, ước tính 700.000 người khác được vận động đi kinh tế mới.  miền Nam có hơn 1.000.000 người thuộc diện phải ra trình diện. Riêng ở Sài Gòn443.360 người ra trình diện, trong số đó có 28 viên tướng, 362 đại tá, 1.806 trung tá, 3.978 thiếu tá, 39.304 sĩ quan cấp uý, 35.564 cảnh sát, 1.932 nhân viên tình báo, 1.469 viên chức cao cấp trong chính quyền, và 9.306 người trong các đảng phái có hoạt động chống Cộng.

Công việc triệu tập các đối tượng để đưa đi học tập cải tạo bắt đầu từ tháng 05/1975.
- Đối với hạ sĩ quan (cấp chuẩn úy trở xuống), sau trình diện thì phải theo học một khóa chính trị ngắn rồi được cấp giấy chứng nhận để cho về.
- Đối với các cấp chỉ huy (sĩ quan quân đội từ cấp úy đến cấp tướng) thì có lệnh trình diện bắt đầu từ ngày 13-16/06/1975. Chiếu theo đó thì sĩ quan sẽ đi học tập cải tạo lâu hơn (tùy theo trường hợp : nhiều tháng, nhiều năm,  ... ).
- Ngoài ra có các đối tượng khác có thể cũng đi học tập cải tạo : cảnh sát, tư pháp, hành chính và những người có hoạt động chống Cộng như nhà văn, nhà báo ....


Thành phố Hồ Chí Minh

Từ 30 tháng 4 năm 1975, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng Hòa miền Nam Việt Nam quản lý miền Nam. Đô thành Sài Gòn, tỉnh Gia Định và 2 quận Củ Chi và Phú Hòa kế cận dưới thời Việt Nam Cộng hòa được hợp nhất thành 1 đơn vị hành chính gọi là thành phố Sài Gòn – Gia Định.

Thành phố Sài Gòn ngày nay (TPHCM)

Đầu năm 1976, Đảng bộ và Ủy ban Nhân dân thành phố bắt đầu hoạt động. Ngày 02/07/1976, Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam thống nhất quyết định đổi tên nước thành Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, đồng thời đổi tên thành phố Sài Gòn – Gia Định thành Thành phố Hồ Chí Minh.


( Trích dẫn từ Wikipedia)

Bộ ảnh phục chế Sài Gòn 100 năm trước

Bộ ảnh Sài Gòn thập niên 1920 qua ống kính Léon Ropion, quan chức công trình công cộng người Pháp, được phục chế màu bởi nhóm Saigon Viewers.

Bộ ảnh phục chế màu Sài Gòn thập niên 1920 được chú ý sau khi fanpage Saigon Viewers đăng tải hôm 15/05/2020. Cư dân mạng thích thú khí nhìn thấy những địa điểm biểu tượng của Sài Gòn từ trên cao, ngập trong màu xanh cây cối.

Đó là các bức ảnh chụp nhà thờ Đức Bà, dinh Norodom, chợ Bến Thành và ga Sài Gòn cũ, tòa Đô chính Sài Gòn, khách sạn Majestic hay kênh Tàu Hủ... cách đây 100 năm.

Trương Chí Minh (28 tuổi) - trưởng nhóm Saigon Viewers - nói với Tuổi Trẻ Online: "Chúng tôi tìm thấy bộ ảnh gốc trên Flickr, lúc đầu định đăng tải luôn nhưng em Nguyễn Quang Bảo (20 tuổi), thành viên của nhóm, nói rằng nên phục chế thành ảnh màu. Chính Bảo là người trực tiếp phục chế".

Các bức không ảnh đen trắng được cho là thuộc về Léon Ropion, một quan chức công trình công cộng người Pháp tại Sài Gòn trong thế kỷ 20. Thông tin về tác giả này khá ít. Riêng bức ảnh chụp quang cảnh nhà thờ Đức Bà chưa thực sự rõ tác giả.

Trang Saigon Viewers được lập ra từ tháng 2 năm nay để giới thiệu với công chúng về các chủ đề skyline (quang cảnh tổng thế đô thị), đô thị, kinh tế, văn hóa, du lịch của Sài Gòn xưa và nay.

Một số bức không ảnh Sài Gòn thập niên 1920 được nhóm Saigon Viewers phục chế:


Nhà thờ Đức Bà



Nhà thờ Đức Bà - công trình biểu tượng hàng đầu của Sài Gòn xưa và nay. Khi xem bức ảnh, khán giả tán thưởng cách quy hoạch thành phố và màu xanh phủ khắp khu vực trung tâm của Sài Gòn. Người phục chế Nguyễn Quang Bảo sinh năm 2000 nên không thể biết chính xác màu sắc đô thị Sài Gòn thập niên 1920

Các bức ảnh được phục chế với màu xanh lá cổ điển để giúp người xem hình dung rõ hơn về Sài Gòn cách đây 100 năm


 Tòa Đô chính Sài Gòn
(trước đó là dinh Xã Tây, dinh Đốc Lý, nay là trụ sở UBND TP.HCM)

Nguyễn Quang Bảo phục chế ảnh bằng phần mềm AI. Công việc chính là xử lý màu và nét để ảnh đẹp mắt hơn. Trong ảnh là tòa Đô chính Sài Gòn, trước đó là dinh Xã Tây, dinh Đốc Lý, nay là trụ sở UBND TP.HCM

Ngày nay đây cũng là một trong những công trình lớn, tọa lạc đầu phố đi bộ Nguyễn Huệ, quen thuộc với nhiều người dân và du khách Sài Gòn


Dinh Độc Lập (Dinh Norodom)

Dinh Norodom, ngày nay là dinh Thống Nhất, là bức ảnh được cá nhân anh Trương Chí Minh yêu thích nhất. Dinh được đổi tên thành dinh Độc Lập vào năm 1955, hoàn thành xây lại vào năm 1966

Điều khán giả yêu thích ở bộ ảnh, bên cạnh màu sắc sống động là những tán cây dày đặc trên đường phố và trong các công trình. Nhiều người nảy sinh sự so sánh khá tiêu cực giữa mảng xanh của Sài Gòn xưa và Sài Gòn nay


Chợ Bến Thành và ga Sài Gòn cũ

Về tranh cãi này, nhóm Saigon Viewers cho biết quan điểm của họ là "yêu nước, lạc quan, tích cực hướng đến tương lai, đóng góp sức trẻ để xây dựng hình ảnh thành phố tươi đẹp trong mắt đồng bào gần xa và bạn bè quốc tế"

"Nếu bạn không thể xây dựng được một thành phố thì hãy xây lấy một trái tim hồng" - nhóm khuyến khích công chúng góp sức xây dựng Sài Gòn tươi đẹp. Trong ảnh là chợ Bến Thành và ga Sài Gòn cũ


 Khách sạn Majestic hay kênh Tàu Hủ...

Trong ảnh là kênh Tàu Hủ ở khu vực Chợ Lớn. Trang Saigon Viewers có nhiều bộ ảnh chụp Sài Gòn ngày nay nhưng bộ ảnh Sài Gòn xưa này gây chú ý nhiều nhất

Trương Chí Minh giải thích: “Tôi nghĩ đơn giản vì những hình ảnh đăng thường ngày cũng đã quen thuộc với tôi, với bạn và mọi người. Khi đăng ảnh phục chế Sài Gòn cách đây 100 năm, mọi người ngạc nhiên nên lượng tương tác cao hơn”


Trong thời gian tới, nhóm ấp ủ dự án chụp lại những bức không ảnh Sài Gòn từ góc chụp y hệt như một cách tri ân bộ ảnh này. Nếu làm được, bộ ảnh mới sẽ giúp cung cấp cái nhìn rõ ràng về Sài Gòn ngày xưa - Sài Gòn hôm nay

Trong 100 năm từ 1920-2020, thành phố có nhiều đổi thay lịch sử nhưng vẫn luôn có vị trí đặc biệt trong trái tim hàng triệu người dân Việt Nam, những người yêu thương và gắn bó với nơi này - Ảnh: SAIGON VIEWERS/FLICKR









Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire