mardi 11 septembre 2018

DU LỊCH : Những làng nghề mùa nước nổi miền Tây


Trương Thanh Long
Sưu tầm - Biên soạn - Bình Luận


Những làng nghề mùa nước nổi miền Tây
Các làng nghề như móc câu, lọp tép... đang nhộn nhịp để sản xuất dụng cụ
 cho người dân đánh bắt mùa nước nổi.


Các làng nghề, như: Xuồng ghe Mỹ Hiệp (Chợ Mới), lưỡi câu Mỹ Hòa (TP. Long Xuyên), lọp cua Mỹ Đức (Châu Phú), lọp lươn Cần Đăng (Châu Thành) ở tỉnh An Giang… rộn ràng, tăng gia sản xuất với hy vọng một mùa làm ăn sung túc trong mùa nước nổi.


Mùa lũ về ... làng nghề sôi động, tấp nập hơn lúc thường, nhưng so với mùa nước nổi của hàng chục năm trước thì quy mô sản xuất đã giảm dần. Nhưng, người dân làng nghề vẫn cố gắng giữ nghề, như để lưu giữ nét bản sắc từ bao đời nay của miền sông nước Cửu Long.

Làng sản xuất lưỡi câu Mỹ Hòa ở phường Mỹ Hòa, TP Long Xuyên (tỉnh An Giang) hiện có trên 100 hộ chuyên làm lưỡi câu. Những làng nghề ngư cụ mùa nước nổi thường 6 tháng nghỉ 6 tháng làm, bởi làm theo mùa nước. Càng về những năm sau này, lũ về ít, nguồn lợi thủy sản theo con nước về cũng giảm mạnh, khiến các nghề đánh bắt mùa nước nổi cũng giảm theo. Các làng nghề theo đó cũng kém sôi động hơn. 

Mùa lũ năm 2018 này được dự báo lũ sẽ cao hơn những năm trước. Cùng với những đổi thay của cuộc sống, biến đổi của điều kiện tự nhiên, đời sống sinh hoạt người dân miền Tây cũng đã ít nhiều đổi thay, nhưng những làng nghề ngư cụ vẫn còn đó dấu vết, bản sắc của đời sống cư dân miền sông nước...


Chạy dọc theo 2 bờ kênh Hang Tra (xã Cần Đăng, Châu Thành), không khó để bắt gặp các hộ của làng nghề lọp lươn đang tất bật lao động cung cấp lọp lươn cho thị trường từ các địa phương trong và ngoài tỉnh, như: An Phú, TX. Tân Châu (An Giang), TP. Cần Thơ, Hậu Giang, Kiên Giang… “Nghề này làm quanh năm  nhưng vào khoảng tháng 5 (âm lịch) năm nay, thương lái đặt hàng tăng gấp 2-3 lần so với bình thường. Năm nay nước lên sớm, nhu cầu lọp lươn cũng tăng theo rất nhiều. Hiện tại, giá bán 30.000 đồng/cái lọp, mỗi ngày phải làm luôn tay, tất bật từ sáng đến tối để ra 120 cái lọp mà không kịp giao cho khách hàng…” - ông Nguyễn Văn Năm Hai vui vẻ cho biết.

Làng nghề đóng xuồng, ghe Mỹ Hiệp (xã Mỹ Hiệp, Chợ Mới) hơn 100 tuổi cho thấy dấu hiệu hồi sinh, không khí làm việc nơi đây nhộn nhịp.  Tổ trưởng làng nghề đóng xuồng, ghe Mỹ Hiệp Nguyễn Công Danh cho biết, các cơ sở thường canh theo con nước mới bắt tay vào đóng ghe, xuồng. Những năm qua, do lũ thấp, các cơ sở chỉ sản xuất cầm chừng. Năm nay, số lượng xuồng, ghe sản xuất nhiều hơn năm rồi gần 40%, chủ yếu bán cho thị trường Đồng Tháp và Campuchia… Tuy nhu cầu tăng nhưng giá xuồng vẫn dao động từ khoảng 900.000 - 1,4 triệu đồng/chiếc (tùy kích cỡ). Năm nay, làng nghề đã có thêm 3 cơ sở mới. Hiện tại, các cơ sở đã mua vật tư dự trữ để chuẩn bị cho các đơn đặt hàng mới…


Lọp cua là phương tiện mưu sinh không thể thiếu của người dân trong mùa nước nổi. Lũ càng lớn thì mặt hàng này càng hút hàng. Vì vậy, làng nghề sản xuất lọp cua Mỹ Đức (Châu Phú) cũng không kém phần sôi động. Theo người dân làng nghề, làm lọp cua ở xã Mỹ Đức hoạt động quanh năm nhưng thời gian tiêu thụ chính bắt đầu từ tháng 8 đến hết tháng 10 (âm lịch). Việc sản xuất của làng nghề đan lọp cua năm nay khởi động sớm hơn mọi năm, do nhu cầu đặt hàng sớm từ các thương lái. Ngay từ những ngày đầu tháng 6 (âm lịch), thương lái từ nhiều địa phương trong và ngoài tỉnh đã tìm đến làng nghề đặt mua với số lượng lớn, lên đến vài ngàn chiếc.

Làng nghề làm lưỡi câu Mỹ Hòa (TP. Long Xuyên) nhộn nhịp đón lũ, không thua kém các làng nghề khác. Từ lâu, lưỡi câu của làng nghề Mỹ Hòa nổi tiếng khắp vùng ĐBSCL về chất lượng, độ bền, chủng loại từ lưỡi câu cá đồng đến lưỡi câu cá biển. Chỉ riêng lưỡi câu cá đồng phục vụ cho mùa nước nổi có rất nhiều loại, như: Lưỡi câu cá rô, lưỡi câu cá lóc, lưỡi câu cá trê, lưỡi câu tôm, câu rắn, câu ếch… bán nhiều cho các địa phương: An Phú, TX. Tân Châu (An Giang), Đồng Tháp, Kiên Giang, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Cà Mau… và xuất sang cả thị trường Campuchia. Anh Nguyễn Văn Hải (khóm Tây Khánh 8, phường Mỹ Hòa, TP. Long Xuyên) chia sẻ: “Thông thường tháng 6, tháng 7 (âm lịch) hàng năm lưỡi câu cá đồng mới bắt đầu vào vụ. Nhưng năm nay từ đầu tháng 5 (âm lịch) thương lái đã đặt lưỡi câu cá đồng rất nhiều, gấp 7-8 lần. Hiện tại giá tăng lên 600.000 đồng/muôn lưỡi câu, sản xuất vẫn không đủ bán. Năm nào nước càng lớn thì lưỡi câu càng hút hàng vì cá, tôm về nhiều, bà con ngư dân đánh bắt đầy đồng…”.



Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire