mardi 4 septembre 2018

KINH DOANH : Đặc khu kinh tế (SEZ)


Trương Thanh Long
Sưu tầm - Biên soạn - Bình Luận


Đặc khu kinh tế - mô hình phát triển kinh tế đã được rất nhiều quốc gia thành lập và phát triển. "Thành công cũng nhiều, thất bại cũng nhiều" - vậy tại sao mô hình đặc khu kinh tế (SEZ) lại được nhiều quốc gia quan tâm và đẩy mạnh?

Đặc khu kinh tế  là tên gọi chung cho các khu kinh tế được xây dựng trong một quốc gia hướng tới thu hút đầu tư trong nước và quốc tế thông qua các biện pháp khuyến khích đặc biệt. Để tìm hiểu rõ hơn về khái niệm, đặc điểm... của đặc khu kinh tế, mời các bạn tham khảo bài viết.



Khái niệm đặc khu kinh tế

Đặc khu kinh tế là các khu kinh tế được thành lập với mục đích nhằm thu hút đầu tư trong và ngoài nước để đưa nền kinh tế phát triển vượt bậc.

Theo cách hiểu của nhà đầu tư, đặc khu kinh tế là khu vực có không gian kinh tế riêng biệt với môi trường đầu tư - kinh doanh thông thường, được hưởng các chính sách đặc biệt thuận lợi.

Đặc khu kinh tế còn có một số tên gọi khác là khu kinh tế tự do (khu tự do, khu kinh tế), khu kinh tế đặc biệt, khu kinh tế mở, khu thương mại tự do.


Các nước, quốc gia trên thế giới thành lập các đặc khu kinh tế luôn có những chính sách đặc biệt - đặc quyền để tạo ra giá trị lợi ích tối đa trong việc tăng trưởng nền kinh tế khu vực.

Môi trường kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước
- Miễn giảm thuế
- Quy chế lỏng
- Chính sách linh hoạt về lao động

Điều kiện sống tốt, môi trường sống hiện đại
- Dịch vụ giáo dục, dịch vụ y tế, dịch vụ thương mại đạt chuẩn quốc tế
- Cơ sở hạ tầng hiện đại

Vị trí địa lý chiến lược
- Diện tích tối thiểu là 100 km²
- Thị trường tiêu dùng lớn
- Có nguồn lực để đầu tư và phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật
- Có cảng biển, cảng hàng không quốc tế
- Kết nối thuận lợi với các trục giao thông huyết mạch của quốc gia và quốc tế

(Các đặc khu kinh tế thường được thành lập gắn với biển)

Trong một khu kinh tế tự do có thể gồm nhiều khu chức năng như:
- khu vực phi thuế quan (khu vực bảo thuế),
- khu công nghiệp,
- khu chế xuất,
- khu công nghệ cao,
- các tiểu khu du lịch, nghỉ dưỡng, giải trí, dịch vụ, v.v...


Danh sách một số đặc khu kinh tế trên thế giới

Trên giới thế hiện nay có trên 4300 khu kinh tế tự do tại 140 quốc gia.

Anh
London Docklands

Ấn Độ
Khu kinh tế đặc biệt Visakhapatnam
Khu kinh tế đặc biệt Kandla
Khu kinh tế đặc biệt Surat
Khu kinh tế đặc biệt Cochin
Khu kinh tế đặc biệt Indore
Khu kinh tế đặc biệt SEEPZ
Khu kinh tế đặc biệt Jaipur
Khu kinh tế đặc biệt Madras
Mahindra City, Chennai
Khu kinh tế đặc biệt Noida

Bắc Hàn (Triều tiên)
Đặc khu kinh tế Rason

Belarus
Khu kinh tế tự do Brest

Brasil
Zona Franca de Manaus

Bulgaria
Burgas

Chile
Iquique

Georgia
Poti, Samegrelo region

Hàn Quốc
Khu kinh tế tự do Incheon
Khu kinh tế tự do Busan-Jinhae
Khu kinh tế tự do Gwangyang
Khu kinh tế tự do Daegu
Khu kinh tế tự do Hoàng Hải

Iran
Kish
Khu tự do Aras
Khu tự do Anzali
Khu tự do Arvand
Khu tự do Chabahar
Khu tự do Gheshm

Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất
Khu tự do Jebel Ali
Thành phố Internet Dubai
Thành phố Truyền thông Dubai
Làng Tri thức Dubai
Thành phố Y tế Dubai
Trung tâm Tài chính Quốc tế Dubai
DuBiotech
Khu Outsource Dubai
Khu Sản xuất và Truyền thông Quốc tế
Thành phố Studio Dubai

Malaysia
Khu tự do Port Klang

Nga
Nakhodka
Ingushetia
Yantar, Kaliningrad

Nhật Bản
Khu thương mại tự do đặc biệt Okinawa

Philippines
Khu cảng tự do vịnh Subic
Khu kinh tế đặc biệt Clark

Tây Ban Nha
Ibiza

Trung Quốc
Đặc khu kinh tế Thâm Quyến
Đặc khu kinh tế Sán Đầu
Đặc khu kinh tế Chu Hải
Đặc khu kinh tế Hạ Môn
Đặc khu kinh tế Hải Nam
Đặc khu kinh tế Thượng Hải

Việt Nam
Khu kinh tế Dung Quất
Khu kinh tế mở Chu Lai
Khu kinh tế Nghi Sơn

Đề án 3 đặc khu kinh tế mới:
- Đặc khu kinh tế Vân Đồn
- Đặc khu kinh tế Phú Quốc
- Đặc khu kinh tế Bắc Vân Phong


3 đặc khu kinh tế Việt Nam

Đề án 3 đặc khu kinh tế Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc được kỳ vọng sẽ tạo nên lực hút đầu tư quy mô lớn trong thời gian tới.



Đặc khu kinh tế Vân Đồn (Quảng Ninh)

Đặc khu kinh tế Vân Đồn gọi tắt là Đặc khu Vân Đồn là một khu kinh tế ở miền Bắc Việt Nam, được thành lập vào giữa năm 2007 với mục tiêu trở thành một trung tâm du lịch sinh thái biển đảo chất lượng cao và dịch vụ cao cấp, đồng thời là trung tâm hàng không, đầu mối giao thương quốc tế, thúc đẩy phát triển kinh tế ở Quảng Ninh. Khu kinh tế Vân Đồn bao gồm một khu phi thuế quan (khu thương mại tự do) ở cạnh cảng Vạn Hoa và một khu thuế quan.


Khu này bao trùm toàn bộ huyện đảo Vân Đồn (tỉnh Quảng Ninh), rộng 2.200 km² trong đó diện tích đất tự nhiên 551,33 km² và phần vùng biển rộng 1620 km².

Phục vụ giao thông cho Khu kinh tế Vân Đồn có Cảng Vạn HoaSân bay quốc tế Vân Đồn.


Ngày 18 tháng 2 năm 2009, Thủ tướng Việt Nam đã ký phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Vân Đồn đến năm 2020 và tầm nhìn đến 2030.

Tháng 1/2015 Thủ tướng Chính phủ quyết định bổ sung khu kinh tế được đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2013-2015


Đặc khu kinh tế Bắc Vân Phong (Khánh Hòa)

Đặc khu kinh tế Bắc Vân Phong gọi tắt là Đặc khu Bắc Vân Phong là một khu kinh tế của Việt Nam phía bắc của Vịnh Vân Phong, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa. Khu này được thành lập vào năm 2006 với mục tiêu trở thành một hạt nhân tăng trưởng kinh tế, trung tâm đô thị - công nghiệp - dịch vụ - du lịch của khu vực Nam Trung Bộ, vùng kinh tế trọng điểm Trung bộ và là một đầu mối giao lưu quốc tế, trung tâm du lịch quan trọng của Việt Nam. Nằm trong ba đặc khu kinh tế trọng điểm của cả nước (Đặc khu Phú Quốc , Đặc khu Bắc Vân Phong và Đặc khu Vân Đồn)

Đây là một đặc khu kinh tế tổng hợp lấy khu cảng trung chuyển container quốc tế làm chủ đạo. Có một khu phi thuế quan (thương mại tự do) và một khu thuế quan; giữa hai khu là tường rào ngăn cách. Khu phi thuế quan gồm: khu cảng trung chuyển container quốc tế, khu hậu cần cảng và khu trung tâm thương mại – tài chính. Còn khu thuế quan gồm khu cảng trung chuyển dầu, cảng chuyên dùng, cảng tổng hợp, khu du lịch, khu công nghiệp, khu dân cư đô thị và khu hành chính.

Khu kinh tế Vân Phong rộng 1500 km² trong đó phần trên biển rộng tới 800 km². Phần trên đất liền bao trùm các xã Vạn Thọ,Đại Lãnh , Vạn Thạnh ,Vạn Phước, Vạn Khánh ,Vạn Bình, Vạn Thắng , Vạn Phú, Vạn Lương, Vạn Hưng, Xuân Sơn, thị trấn Vạn Giã thuộc huyện huyện Vạn Ninh. Đặc khu kinh tế bắc Vân Phong có lợi thế là cảng nước sâu Đầm Môn có thể tiếp nhận tàu 200.000 DWT vào ra dễ dàng . Giao thông thuận lợi , nằm trên giao lộ Bắc Nam và Tây Nguyên , cảnh quan du lịch phong phú chưa được khai thác . Chưa có những xây dựng cụ thể , còn sơ khai do đó khi có quy hoạch tổng thể , các nhà đầu tư dễ dàng xây dựng mặt bằng cơ sở (xây dựng mới lúc nào cũng thuận lợi và ít tốn kém hơn là cải tạo cái cũ đã có)


Về định hướng phát triển, trong Đặc khu Bắc Vân Phong, ở bán đảo Hòn Gốm, đảo Hòn Lớn sẽ phát triển dịch vụ vận tải biển và logistics, dịch vụ thương mại - tài chính; khu vực Cổ Mã - Tu Bông làm dịch vụ du lịch, y tế, giáo dục tiêu chuẩn quốc tế, công nghiệp công nghệ cao; thị trấn Vạn Giã và phía Nam phát triển đô thị và dịch vụ công nghệ cao, du lịch sinh thái; phía Tây Quốc lộ 1 phát triển công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao.

UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết từ nay đến năm 2025, dự kiến cần 53.000 tỉ đồng xây dựng hạ tầng kỹ thuật. Trong đó, xây dựng 9 tuyến đường trục chính, 5 gói đường nội khu với 49 tuyến, xây dựng khoảng 20 km đường sắt từ cảng trung chuyển Vân Phong đến đường sắt Bắc Nam và 2 nhà ga. Bên cạnh đó, xây dựng thêm hệ thống điện 300 km; hệ thống nước lấy từ hồ Hoa Sơn và xây mới hồ Đồng Điền khoảng 95 triệu m3; hệ thống cung cấp nước sạch, xử lý rác, hệ thống liên lạc...

Ngoài ra, cần 46.500 tỉ đồng xây dựng cơ sở hạ tầng xã hội như 65 trường mẫu giáo, 39 trường THCS, 26 trường THPT; 3 bệnh viện, 67 trạm y tế, phòng khám; sân vận động, cung văn hóa... Đồng thời, khâu giải phóng mặt bằng cũng cần 15.000 tỉ đồng và 80 tỉ đồng làm quy hoạch.


Đặc khu kinh tế Phú Quốc (Kiên Giang)

Đặc khu kinh tế Phú Quốc gọi tắt là Đặc khu Phú Quốc là một khu kinh tế ven biển của Việt Nam. Đây là một trong 3 đặc khu kinh tế được chính phủ Việt Nam ưu tiên đầu tư từ nay đến năm 2020 gồm: Đặc khu Bắc Vân Phong và Đặc khu Vân Đồn. Khu kinh tế này bao trùm toàn bộ huyện đảo Phú Quốc.

Trong khu kinh tế này có khu phi thuế quan và các khu chức năng khác thuộc phần còn lại như khu du lịch, dịch vụ, khu cảng và dịch vụ hậu cần cảng, khu công nghiệp, khu đô thị, khu dân cư, khu hành chính và các khu chức năng khác. Khu phi thuế quan được xác định trong quy hoạch chi tiết gắn với cảng An Thới và sân bay Phú Quốc. Hoạt động của khu phi thuế quan bao gồm các loại hình sản xuất, kinh doanh chủ yếu như:

  • Sản xuất, gia công, tái chế, lắp ráp hàng xuất khẩu, hàng nhập khẩu và hàng phục vụ tại chỗ;
  • Thương mại hàng hóa (bao gồm cả xuất khẩu, nhập khẩu, chuyển khẩu, tạm nhập - tái xuất, phân phối, cửa hàng và siêu thị bán lẻ, cửa hàng và siêu thị miễn thuế);
  • Thương mại dịch vụ (phân loại, đóng gói, vận chuyển giao nhận hàng hóa quá cảnh, bảo quản, kho tàng, kho ngoại quan, tài chính, ngân hàng, vận tải, bảo hiểm, vui chơi, giải trí, nhà hàng ăn uống);
  • Xúc tiến thương mại (hội chợ triển lãm, các cửa hàng giới thiệu sản phẩm, các chi nhánh và văn phòng đại diện của các công ty trong nước và nước ngoài và các tổ chức tài chính - ngân hàng) và các hoạt động thương mại khác.

Tất cả các dự án đầu tư vào khu kinh tế này được hưởng các ưu đãi đối với địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Các dự án đầu tư kinh doanh du lịch tại đây là dự án đầu tư vào khu du lịch quốc gia thuộc ngành nghề, lĩnh vực khuyến khích đầu tư.

Nhà nước Việt Nam dành vốn đầu tư thích đáng từ ngân sách và tín dụng ưu đãi, hỗ trợ cho việc thuê tư vấn nước ngoài lập quy hoạch chi tiết các khu chức năng và phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật - xã hội và các công trình dịch vụ và tiện ích công cộng quan trọng, cần thiết để đảm bảo cho sự hoạt động và phát triển của khu kinh tế Phú Quốc - Nam An Thới. Nhà nước còn hỗ trợ đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng. Chính phủ sẽ tập trung xây dựng trục đường chính xuyên đảo từ An Thới - Dương Đông - Bãi Thơm; đường vòng quanh đảo và các tuyến nhánh đến các điểm du lịch, các khu dân cư. Xây dựng các cảng du lịch tại vịnh Đất Đỏ, cảng Dương Đông, Bãi Vòng; các cảng hàng hóa An Thới, Vịnh Đầm và một số cảng hành khách khác quy mô phù hợp phục vụ việc đưa, đón khách du lịch. Triển khai xây dựng sân bay quốc tế Dương Tơ (quy mô khoảng 2 triệu hành khách/năm) để đưa vào hoạt động sau năm 2010. Xây dựng Nhà máy phát điện diezen, phát triển điện gió, điện mặt trời, xây dựng tuyến cáp ngầm đưa điện ra Đảo và hệ thống lưới điện thống nhất trên toàn Đảo... Xây dựng đồng bộ các cơ sở hạ tầng kỹ thuật khác như cấp thoát nước, bưu chính viễn thông... đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bảo đảm an ninh, quốc phòng trên Đảo.

Bản đồ đặc khu Phú Quốc

Theo quy hoạch tổng thể tới năm 2030 sửa đổi, Phú Quốc sẽ có 3 khu đô thị lớn, 15 khu du lịch sinh thái, 2 khu du lịch phức hợp và 5 sân gold. Phú Quốc dự kiến sẽ trở thành đặc khu kinh tế (SEZ) vào năm 2020. Nhà nước Việt Nam hy vọng đặc khu kinh tế Phú Quốc sẽ thu hút mạnh vốn đầu tư nước ngoài lẫn đầu tư trong nước, trở thành đòn bẩy kinh tế đối với vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên, Phú Quốc chỉ có lợi thế về khí hậu và cảnh quan thiên nhiên thích hợp cho du lịch, nghỉ dưỡng chứ không có lợi thế về nhân lực để trở thành một đặc khu kinh tế. Trên thực tế khi chưa trở thành đặc khu kinh tế, các thế mạnh này đã thu hút nhiều doanh nghiệp đầu tư vào ngành khách sạn, du lịch. Khi trở thành đặc khu kinh tế, Phú Quốc sẽ phải cạnh tranh với những nơi có nguồn nhân lực tốt hơn như Cần Thơ. Việc đưa nhân lực từ đất liền ra đảo Phú Quốc làm việc sẽ làm tăng chi phí cho doanh nghiệp. Đây cũng là một bất lợi cho việc Phú Quốc có thể thu hút vốn đầu tư. Hơn nữa giá đất Phú Quốc đã tăng cao do đầu cơ trước khi nơi này trở thành đặc khu kinh tế chính vì thế việc phát triển hạ tầng ở đây sẽ gặp nhiều khó khăn.


Ngoài ra Phú Quốc là một hòn đảo nên khả năng kết nối giữa Phú Quốc và đồng bằng sông Cửu Long không cao do giao thông không thuận lợi. Đối với việc nhà nước có ý định hợp pháp hóa đánh bạc ở Phú Quốc, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhận xét "Thung lũng Silicon và Las Vegas là hai nơi riêng biệt, không nhà đầu tư nào đến Las Vegas để đầu tư công nghệ cao và ngược lại". Việc ưu đãi casino ở ba đặc khu trong đó có Phú Quốc có thể làm triệt tiêu những mục đích khác. Bà cho rằng nên phát triển đặc khu trên nền tảng có sẵn như đối với công nghệ cao, nên có những ưu đãi đột phá giúp khu Hoà Lạc (Hà Nội) hay Quang Trung (TP. HCM) phát triển tiếp. Theo bà mang hơn 1,4 triệu tỷ đồng để đi đầu tư vào những thứ mà không nắm chắc được kết quả là một điều quá rủi ro.


Biểu tình ở nhiều nơi phản đối dự luật 3 đặc khu

Chủ nhật 10/06/2018, theo AFP-RFI, biểu tình phản đối dự luật về ba đặc khu kinh tế - hành chính đã bùng lên tại Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và một số địa phương khác.


Trong những tuần gần đây, dự luật cho thuê đất 99 năm đối với ba đặc khu Vân Đồn, Phú Quốc và Bắc Vân Phong bị một bộ phận công luận Việt Nam lên án là nguy hiểm cho chủ quyền quốc gia. Hôm qua, 09/06/2018, chính phủ và Quốc Hội Việt Nam đã quyết định hoãn việc thông qua luật này cho đến khóa họp tới.

Tuy nhiên, người dân tại nhiều địa phương lo ngại các nhân nhượng thái quá của chính quyền với các công ty nước ngoài, đặc biệt là với Trung Quốc, vẫn quyết định xuống đường. Có thể nói đây là lần đầu tiên kể từ cuộc biểu tình rầm rộ trên khắp cả nước năm 2016 phản đối công ty Formosa Đài Loan làm ô nhiễm biển miền Trung, người dân tại Việt Nam lại xuống đường đông đảo.

Theo thông tín viên của AFP tại Hà Nội, khoảng 40 đến 50 người tuần hành xung quanh Hồ Gươm, giương cao các khẩu hiệu phản đối chính quyền cho Trung Quốc thuê đất. Công an thường phục câu lưu khoảng 20 người. Hình ảnh trên các mạng xã hội cho thấy tuần hành cũng diễn ra tại nhiều địa điểm ở thành phố Hồ Chí Minh, hay Nghệ An, Bình Dương, Nha Trang…






Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire