samedi 25 août 2018

THẾ GIỚI : 'Brexit' Anh chuẩn bị cho kịch bản không đạt được thỏa thuận với EU


Trương Thanh Long
Sưu tầm - Biên soạn - Bình Luận


London ngày 19/8/218, Chính phủ Anh sẽ lần đầu tiên công bố chi tiết công tác chuẩn bị cho kịch bản không đạt được thỏa thuận Brexit với Liên minh châu Âu (EU). Bộ trưởng phụ trách vấn đề Brexit của Anh Dominic Raab cho biết Chính phủ Anh đánh giá khả năng đạt được thỏa thuận với EU là "rất cao", nhưng ông cũng nói thêm việc chuẩn bị cho khả năng khác là một "việc làm trách nhiệm" cần phải thực hiện.


Theo rfi ngày 24/08/2018 - Phí ngân hàng tăng cao, hải quan sẽ gặp rối loạn, giấy tờ sẽ rắc rối hơn : đó là những nguy cơ nếu Anh Quốc không đạt được thỏa thuận với Liên Hiệp Châu Âu về thời kỳ hậu Brexit. Chính phủ Anh ngày 23/08/2018 đã công bố các tài liệu phân tích những nguy cơ nói trên và đề ra những biện pháp đối phó.

Trên nguyên tắc, từ đây đến cuộc họp thượng đỉnh châu Âu tháng 10/2018, Luân Đôn và Bruxelles phải đạt được một thỏa thuận để tổ chức việc Anh Quốc rút khỏi Liên Hiệp Châu Âu, dự trù vào ngày 29/03/2019. Thế nhưng, các cuộc thương lượng hiện vẫn giậm chân tại chỗ, gây lo ngại là hai bên sẽ không đạt được thỏa thuận cho thời kỳ hậu Brexit. Trong trường hợp đó, Anh Quốc sẽ phải tuân thủ các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới, có nghĩa là hàng hóa sẽ bị áp thuế trong giao thương với Liên Hiệp Châu Âu.

Tuy bộ trưởng đặc trách Brexit Dominic Raab tuyên bố là khả năng này « rất khó xảy ra », nhưng hôm qua, Luân Đôn đã công bố 25 tài liệu kỹ thuật, trên tổng số 80 tài liệu dự trù từ đây đến cuối tháng 9, để hướng dẫn cho người tiêu dùng và các doanh nghiệp Anh Quốc những gì cần phải làm trong trường hợp không đạt được thỏa thuận cho cuộc « chia tay » với Liên Hiệp Châu Âu.

- Trước hết, chính phủ Anh dự báo là người dân nước này khi giao dịch, mua bán với các nước trong Liên Hiệp Châu Âu sẽ gặp tình trạng chi phí cao hơn và thủ tục chậm hơn. Phí sử dụng thẻ ngân hàng giữa Anh Quốc với Liên Hiệp Châu Âu cũng có thể tăng cao. Đặc biệt là mua hàng trên mạng sẽ tốn kém hơn, vì hàng hóa mua từ Liên Hiệp Châu Âu sẽ không còn được hưởng thuế giá trị gia tăng (TVA) ở mức thấp.

- Thứ hai, các doanh nghiệp Anh Quốc làm ăn với Liên Hiệp Châu Âu sẽ có chi phí tăng cao do thuế hải quan tăng và phải làm thêm nhiều giấy tờ. Vì vậy, chính phủ Anh khuyến cáo các doanh nghiệp nước này phải thương lượng lại các hợp đồng để phù hợp với những thay đổi về thủ tục hải quan và thuế.

Theo các tài liệu được chính phủ Anh công bố hôm qua, một cơ quan chuyên biệt sẽ được thành lập để giải quyết những « khiếu nại » của các doanh nghiệp, thay thế cho Ủy Ban Châu Âu. Luân Đôn trấn an là hải quan Anh sẽ cố gắng giảm thời gian và chi phí cho các doanh nghiệp « làm ăn chính đáng », nhưng vẫn bảo đảm kiểm tra hải quan theo đúng quy định.

- Thứ ba là về các dịch vụ tài chính. Luân Đôn khuyến cáo các khách hàng trong những nước thuộc Không gian Kinh tế châu Âu là họ sẽ không thể nhờ đến các dịch vụ của một ngân hàng đầu tư đặt tại Anh Quốc. Để tránh những rối loạn trong hoạt động, nhiều ngân hàng đầu tư của Anh đã lập các chi nhánh trong Liên Hiệp Châu Âu.

- Nguy cơ rối loạn thứ tư là trong lĩnh vực dược phẩm. Anh Quốc sẽ rời khỏi Cơ quan Dược phẩm châu Âu, nhưng trước mắt sẽ phải tiếp tục công nhận các kết quả thử nghiệm và các chứng nhận của Liên Hiệp Châu Âu để tránh phải làm hai lần thủ tục và cũng để tránh cho nguồn cung cấp không bị ngưng trệ. Hiện tại, về thuốc chữa bệnh, Anh Quốc đang có kho dự trữ an toàn cho 3 tháng và đang cùng với ngành dược phẩm nước này nâng khả năng của kho dự trữ lên 6 tháng.


Người Anh 'hối hận' muốn trưng cầu dân ý Brexit để trở lại châu Âu?

Theo một kết quả khảo sát công bố ngày 27/7/2018, số người dân Anh ủng hộ tiến hành một cuộc trưng cầu ý dân thứ hai về việc nước này rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), còn gọi là Brexit, đã lần đầu tiên vượt số người phản đối ý tưởng này.

Theo một cuộc bỏ phiếu thăm dò mới đây của Observer, 40% số người được hỏi cho rằng Anh và EU sẽ không đạt được thỏa thuận Brexit, trong khi chỉ có 22% số người được hỏi tin rằng hai bên sẽ đạt được thỏa thuận.

Theo kế hoạch, Anh sẽ rời EU vào ngày 29/3/2019 và hai bên muốn đạt được một thỏa thuận rút khỏi vào cuối tháng 10 này để có đủ thời gian cho quốc hội các bên thông qua. Tuy nhiên, trong những tháng gần đây, các cuộc đàm phán thỏa thuận này gặp khó khăn do vấn đề liên quan đến kiểm soát biên giới giữa Ireland và Bắc Ireland, phần lãnh thổ thuộc Anh. Trong khi đó, Quốc hội Anh đang chia rẽ liên quan tới các đề xuất của Thủ tướng Theresa May về việc duy trì quan hệ thương mại gần gũi với EU hậu Brexit. Nhiều nghị sĩ Anh đã kêu gọi vận động tổ chức một cuộc trưng cầu ý dân thứ hai về Brexit như một biện pháp để giải quyết bế tắc trong Quốc hội.

Thủ tướng May đã tuyên bố sẽ không tiến hành thêm bất kỳ cuộc trưng cầu ý dân nào về Brexit. Tuy nhiên, một cuộc vận động do báo The Independent tổ chức từ ngày 25/7/2018 đã thu thập được gần 300.000 chữ ký ủng hộ.



Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire